Bé yêu nhà mình đã đến tuổi ăn dặm rồi, nhưng mẹ lại đang loay hoay không biết nên cho bé ăn như thế nào để phù hợp với sự phát triển và tâm lý của bé. Đừng quá lo lắng, bởi bài viết dưới đây sẽ bật mí cho mẹ cách cho bé ăn dặm chuẩn khoa học, đảm bảo bé yêu sẽ thích mê và lớn nhanh như thổi. Đừng bỏ lỡ mẹ nhé!
1. Cho bé ăn đúng thời điểm
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giai đoạn 6 tháng tuổi là thời điểm thích hợp để cho bé ăn dặm. Bởi lúc này, hệ tiêu hóa của bé đã hoàn thiện hơn, dạ dày có khả năng tiết ra enzim amylase để tiêu hóa tinh bột nên hấp thụ được các loại thức ăn đặc hơn so với sữa mẹ. Thêm nữa, từ thời điểm 6 tháng tuổi, sữa mẹ không còn đủ dinh dưỡng cho bé, bé cần ăn dặm để bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Ăn dặm đúng thời điểm giúp bé phát triển một cách toàn diện, hoạt động tốt và khỏe mạnh. Mẹ cho con ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn đều có tác động không tốt tới sức khỏe và cảm xúc của con.
1.1. Cho bé ăn dặm quá sớm
1 – Bé chưa có đủ khả năng tiêu hóa: Dưới 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện, khó tiêu hóa các loại thức ăn đặc, nên chỉ hấp thụ được các dạng thức ăn lỏng như sữa mẹ. Mẹ cho bé ăn dặm sẽ dễ xuất hiện rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến đường ruột của con.
2 – Dễ bị nghẹn, hóc: Bé dưới 6 tháng tuổi, lưỡi của bé chưa có khả năng đẩy thức ăn vào đúng đường tiêu hóa. ăn dặm khiến bé dễ bị sặc, nghẹn, nhất là khi ăn các loại thức ăn thô, đặc.
3 – Tăng nguy cơ dị ứng thức ăn: Việc cho bé làm quen sớm với các thực phẩm mới lạ sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng thức ăn, đặc biệt ở những bé có cơ địa nhạy cảm. Mẹ đừng vội vàng cho con ăn dặm nhé!
4 – Chậm phát triển: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé trong những năm tháng đầu đời. Thế nhưng, khi được măm những món mới, bé sẽ dần dần ít bú sữa mẹ hơn. Do đó, ăn dặm quá sớm dễ khiến bé nhanh chán sữa mẹ, thiếu chất dinh dưỡng, chậm lớn, sức đề kháng yếu và dễ bị nhiễm bệnh.
1.2. Cho bé ăn dặm quá muộn
Tương tự như trường hợp ăn dặm quá sớm, ăn dặm quá muộn cũng không tốt đâu mẹ ạ.
1 – Bé chậm phát triển kỹ năng: Mẹ cho bé ăn dặm khi con quá 7 tháng tuổi, con quá quen thuộc với việc bú mẹ, khiến con tập nhai, tiếp xúc với nguồn thực phẩm mới muộn hơn. Từ đó con các thói quen, kỹ năng mới chậm hơn các bạn cùng tuổi đó mẹ.
2 – Thiếu chất dinh dưỡng: Nếu mẹ cho bé ăn dặm quá muộn, bé sẽ không được nhận đủ năng lượng, chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Sữa mẹ chỉ cung cấp khoảng 700kcal, trong khi một bé 6 tháng tuổi cần ít nhất từ 800 – 900kcal. Từ đó, bé dễ bị gầy hơn so với các bé cùng tuổi, thậm chí bị thiếu máu, thiếu sắt, ảnh hưởng tới sự phát triển của con.
2. Cho bé ăn đúng nguyên tắc
Ngoài ăn dặm đúng thời điểm, việc cho bé ăn đúng nguyên tắc cũng rất quan trọng đó mẹ. Không chỉ giúp bé phát triển một cách toàn diện nhất mà còn cho con hấp thụ đủ các dưỡng chất cần thiết, dễ dàng hợp tác ăn dặm hơn. Vậy cho bé ăn dặm như thế nào là đúng nguyên tắc? Câu trả lời cho mẹ đây ạ:
1 – Cho bé ăn từ loãng tới đặc: Trong thời gian đầu làm quen với ăn dặm, mẹ nên cho bé ăn bột loãng sau đó tăng dần độ đặc lên, để bé dễ dàng làm quen, không gây hóc, nghẹn, trớ và tránh tình trạng khó tiêu. Mẹ áp dụng tỉ lệ gạo và nước trong giai đoạn 6 tháng tuổi là 1:10. Với bé 7 – 8 tháng, tỉ lệ gạo : nước thường là 1:7, để con quen dần với việc nhai thức ăn. Khi bé được 9 – 11 tháng, khả năng tiêu hóa tốt hơn, tỉ lệ gạo nước được khuyên dùng là 1:4. Bé trên 1 tuổi đã làm quen với ăn thô, mẹ cho con ăn tỉ lệ theo tỉ lệ 1:2.
2 – Cho bé ăn từ ngọt đến mặn: Giai đoạn bé mới ăn dặm, khoảng 6 tháng tuổi, mẹ nên cho bé ăn dặm ngọt trước (nấu bột với các loại rau củ quả, ăn bột ăn dặm ngọt) bởi thức ăn có vị ngọt tựa sữa mẹ sẽ giúp con dễ dàng hợp tác hơn. Khi bé đã quen với ăn dặm rồi, mẹ cân nhắc cho bé ăn dặm mặn (nấu bột với các loại thịt, ăn bột ăn dặm mặn) để bổ sung thêm các chất dinh dưỡng khác cho con.
3 – Cho bé ăn từ một nhóm thực phẩm đến nhiều nhóm thực phẩm: Trong thời gian mới ăn dặm, bé sẽ bắt đầu khám phá về các mùi vị cũng như những thực phẩm khác nhau. Mẹ tập cho bé ăn các loại thực phẩm như nhóm chất bột đường (gạo, khoai, yến mạch…), nhóm chất đạm (thịt, cá, chim), nhóm rau củ quả (cà rốt, cà chua, bí đỏ…) trước vì đây là những loại chất dinh dưỡng dễ tiêu hóa, không khiến bé bị dị ứng.
4 – Hạn chế thêm gia vị: Mẹ hạn chế sử dụng gia vị như đường, muối khi chế biến các món ăn dặm cho bé bởi chức năng lọc của thận con trong giai đoạn này chưa hoàn thiện, dễ khiến bé bị sỏi thận, thậm chí, thừa muối làm tăng nguy cơ còi xương, biếng ăn đó ạ. Mẹ chỉ nên cho bé ăn khoảng 1 g muối mỗi ngày và 1 – 2 giọt dầu ăn dinh dưỡng cho bé mỗi bữa ăn .
5 – Duy trì lượng sữa hàng ngày: Ngoài chế độ ăn dặm, mẹ vẫn cần duy trì lượng sữa 600-800ml một ngày cho con. Và đừng quên theo dõi thường xuyên cân nặng, chiều dài của bé để biết sự phát triển của con theo từng giai đoạn và cho bé ti lượng sữa phù hợp mẹ nhé!
3. Cho bé ăn đúng phương pháp
Trong quá trình nuôi con khôn lớn, chắc hẳn mẹ nào cũng muốn tự tay chuẩn bị những bữa ăn dặm ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng nhất cho bé. Thế nhưng, với mẹ bỉm lần đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ hơi bỡ ngỡ, không biết xác định phương pháp ăn dặm nào phù hợp với con mình.
Dưới đây Góc của mẹ sẽ chia sẻ 4 phương pháp được đa số mẹ bỉm hiên đại áp dụng, gồm: phương pháp truyền thống, phương pháp theo kiểu Nhật, phương pháp 3 trong 1 và phương pháp tự chỉ huy BLW. Mỗi phương pháp đều mang đến những ưu và nhược điểm riêng, mẹ cân nhắc để lựa chọn phương pháp phù hợp với bé yêu nhà mình nhé!
1 – Phương pháp ăn dặm truyền thống:
Phương pháp ăn dặm truyền thống cung cấp chế độ dinh dưỡng dồi dào, bé dễ tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Bởi cháo/bột ăn dặm đã được xay nhuyễn, mịn và bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của bé: đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất.
Trong giai đoạn mới bắt đầu ăn dặm, mẹ bón cho bé cháo hoặc bột đã được xay nhuyễn. Khi bé mọc răng, mẹ băm nhỏ thức ăn kết hợp cùng cháo hoặc bột xay nhuyễn, giúp bé tập làm quen với mùi vị cũng như thành phần dinh dưỡng của món ăn trước khi ăn thức ăn cứng hơn.
Tuy nhiên, có một nhược điểm “nho nhỏ” của phương pháp ăn dặm truyền thống đó là làm giảm khả năng phân biệt hương vị, phản xạ nhai của bé, ảnh hưởng lớn tới quá trình tập ăn thô sau này. Nhưng mẹ cũng đừng quá lo lắng, nếu bé nhà mình được 5 – 6 tháng, mẹ khéo léo và muốn chuẩn bị bữa ăn dặm ngon cho bé, mẹ nên kết hợp cho con ăn dặm bột rau củ, thức ăn mềm để cân bằng các nhược điểm của phương pháp.
2 – Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Phương pháp này giúp bé hình thành thói quen tự ngồi ăn bàn riêng và ăn nghiêm túc ngay từ khi còn nhỏ. Bé không khóc, không ngậm khi mẹ xúc cho ăn và được tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm qua các món nấu với nước dashi, cháo rây mịn với cá hồi, rong biển… Chế độ ăn dặm an toàn, đa dạng các nhóm chất nên mẹ không phải lo lắng con thừa cân, béo phì hay nhẹ cân đâu ạ!
Tuy nhiên khi chuẩn bị đồ ăn dặm theo kiểu Nhật cho con, mẹ sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị và trang trí món ăn. Nếu mẹ không ngại khoản này thì phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đặc biệt phù hợp cho bé từ 6 tháng tuổi đó mẹ.
3 – Phương pháp tự chỉ huy BLW
Phương pháp tự chỉ huy giúp hình thành khả năng độc lập từ bé, khuyến khích bé bốc thức ăn tăng sự khéo léo trong cử chỉ và các ngón tay của bé vận động linh hoạt hơn. Tuy nhiên với phương pháp này, bé chỉ ăn những thức ăn mình thích, dẫn đến tình trạng thiếu chất dinh dưỡng, mẹ cũng vất vả dọn dẹp sau mỗi lần nấu ăn cho con. Nếu mẹ không ngại việc nấu bữa phụ để con măm thêm chống đói và có thời gian dọn dẹp thì áp dụng ngay mẹ nhé!
4 – Phương pháp ăn dặm 3 trong 1
Phương pháp 3 trong 1 được kết tinh từ những ưu điểm của cả 3 phương pháp ăn dặm: truyền thống, kiểu Nhật và BLW. Điều này đã tạo nên sự đặc biệt của phương pháp nhờ sự kết hợp thông minh và cách thực hiện dễ dàng. Có ăn dặm 3in1 rồi, bé giảm nguy cơ thừa cân, nhẹ cân, mẹ chăm bé nhàn tênh. Phương pháp 3 trong 1 là một lựa chọn tuyệt vời cho bé 6 tháng tuổi khi bước vào thời kỳ ăn dặm. Đặc biệt, nếu mẹ bận rộn nhưng vẫn muốn cho con thử nhiều phương pháp ăn dặm cùng lúc thì đây là “cứu tinh” của mẹ đó ạ.
Để hiểu hơn về ưu nhược điểm của 4 phương pháp ăn dặm phổ biến trên, mẹ tham khảo thêm bài viết Các phương pháp ăn dặm nhé!
4. Cho bé ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm
Khi cho bé ăn dặm, mẹ nên cho con ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. trong giai đoạn đầu, ăn dặm đa dạng làm tăng khả năng hấp thụ lượng chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể và tác động tốt đến chức năng hệ vi sinh đường ruột của bé. Chưa hết đâu mẹ, nhiều nghiên cứu chứng minh rằng cho bé ăn dặm đa dạng thực phẩm giúp làm giảm tình trạng dị ứng thực phẩm sau này. Vì vậy, các món ăn dặm nên đảm bảo đủ cả 4 nhóm thực phẩm quan trọng cho sự phát triển tốt nhất của bé :
1 – Nhóm chất bột đường (Gạo, bột, khoai): Đây là nhóm chất giúp cung cấp năng lượng cho bé hoạt động mỗi ngày. Trong giai đoạn bé mới bắt đầu ăn dặm, mẹ không nên cho hạt sen, đậu xanh vào bột ăn dặm của con vì dễ gây cảm giác chán, khó ăn và chậm tiêu cho bé. Mẹ nào có bé trên 1 tuổi, nên đa dạng thực đơn ăn dặm mỗi ngày như cháo, súp, bún, phở, bánh đa,… để tránh tình trạng bé biếng ăn, chán ăn.
2 – Nhóm chất đạm (Thịt, cá, tôm, trứng, sữa, các loại hạt: đậu đỗ, lạc vừng,…): Nhóm chất đạm đóng vai trò xây dựng tế bào, các cơ, xương, cũng như vận chuyển các dưỡng chất và cung cấp năng lượng cho cơ thể bé. Các thực phẩm giàu đạm dễ tiêu như thịt nạc, lòng đỏ trứng gà được khuyến nghị dùng cho bé trong những ngày đầu ăn dặm. Đến khi bé đã quen (sang tháng thứ 7), mẹ cân nhắc cho con đổi bữa đa dạng: thịt bò, cá, tôm, cua…
3 – Nhóm chất béo (dầu, mỡ, bơ): Để đảm bảo con được hấp thu tốt nhất, mẹ nên cho bé ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật theo tỷ lệ tốt 6:4 và xen kẽ các bữa dầu, mỡ . Với các loại dầu thực vật như đậu nành, oliu, dầu cá hồi, dầu mè,…mẹ cho bé ăn hàng ngày. Duy chỉ với dầu gấc, mẹ cần chú ý tần suất cho con măm, tối đa 1-2 lần/tuần, tránh tình trạng vàng da do thừa vitamin A.
4 – Nhóm chất xơ và vitamin: Có trong các loại rau, củ, quả, thực phẩm từ động vật. Nhóm chất xơ và vitamin có vai trò duy trì chức năng sinh lý và sinh hóa của cơ thể, cung cấp các vi chất quan trọng cho bé phát triển toàn diện như vitamin nhóm B, vitamin A, vitamin C, vitamin D…, các khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Những ngày đầu tiên khi ăn dặm, mẹ chỉ nên cho 1 – 2 ngọn rau và tăng dần lên 2 – 3 ngọn cho 1 bát bột, cháo khi bé đã quen dần. Đừng quên chọn phần lá rau xanh mềm và bỏ đi phần cuống rau để tránh gây lợn cợn mẹ nhé!
5. Cho bé ăn đủ lượng thức ăn theo độ tuổi
Mỗi giai đoạn phát triển, bé sẽ có nhu cầu ăn và lượng chất dinh dưỡng cần hấp thụ khác nhau. Do đó, mẹ cần chia nhỏ lượng thức ăn vừa đủ cho mỗi bữa ăn dặm của con để đảm bảo cân bằng các nhóm dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của bé. Từ đó, giúp mẹ dễ dàng chế biến món ăn, con ăn không bị ngán mà mẹ cũng không phải suy nghĩ “Nên cho bé ăn gì?”
Bảng dưới đây giúp mẹ dễ dàng “cân đo đong đếm” lượng thức ăn theo từng giai đoạn phát triển của con. Lưu lại ngay mẹ nhé!
Bảng lượng thức ăn mỗi bữa cho bé
https://drive.google.com/file/d/1hjyPsy0eiI2vriJzYiOnej-B7Gw6EYKR/view?usp=sharing
6. Cho bé ăn theo đúng thời gian biểu
Mỗi phương pháp ăn dặm sẽ có thời gian biểu khác nhau. Mẹ cân nhắc để chọn thời gian biểu phù hợp với bé yêu nhà mình nhé!
1 – Thời gian cho bé ăn dặm theo phương pháp truyền thống
2 – Thời gian cho bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy BLW
3 – Thời gian cho bé ăn dặm theo kiểu Nhật:
4 – Thời gian cho bé ăn dặm theo phương pháp 3 trong 1:
5 – Biểu đồ ăn dặm theo độ tuổi:
Mẹ xem thêm bài viết Biểu đồ ăn dặm cho bé để tham khảo chi tiết cách cho con ăn theo biểu đồ ăn dặm áp dụng với từng phương pháp nhé!
7. Luôn lắng nghe và hiểu con
Dù cho bé ăn theo phương pháp nào, ăn trong giai đoạn nào, mẹ cũng nên lắng nghe mong muốn của con và hiểu con cần gì. Điều này, không chỉ kích thích bé ăn dặm ngon hơn mà còn giúp con hấp thu dưỡng chất một cách tốt nhất. Không quá khó đâu mẹ ạ, 3 lưu ý dưới đây đảm bảo con luôn có một bữa ăn dặm ngon lành:
1 – Tạo hứng thú cho bé khi ăn: Trong quá trình cho bé ăn dặm, mẹ vừa đút vừa nói chuyện với bé để con vui vẻ “hợp tác” măm măm. Tốt nhất, mẹ nên cho bé ngồi chung với người thân trong gia đình tạo cảm giác đông vui, tạo hứng thú và kích thích bé ăn nhiều hơn. Ngoài ra, mẹ cũng có thể chọn các loại chén, muỗng, yếm,… có hình thù ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc gây sự chú ý cho bé.
2 – Không nên gò ép con: Cũng giống như người lớn, việc ăn dặm của bé cũng cần dựa trên sự tự nguyện, không ép buộc. Khi mới làm quen với một loại thực phẩm mới, nếu bé không muốn ăn, khó chịu, mẹ không nên ép bé, thay vào đó hãy cho bé bú nhiều hơn và kiên nhẫn tập cho con làm quen từ từ. Cách cho bé ăn dặm bằng việc gò ép ăn sẽ khiến bé hình thành tâm lý tiêu cực với ăn uống, làm con sợ hãi mỗi khi ăn dặm, biếng ăn, chậm lớn đó mẹ.
3 – Cho con thời gian ăn: Đối với người lớn, việc ăn thức ăn rắn, đặc là một điều hết sức tự nhiên, nhưng đối với bé mới lần đầu ăn dặm, những loại thực phẩm này rất “lạ lẫm”. Bé sẽ cần thời gian để làm quen với việc nhai và nuốt thức ăn trong miệng. Vì vậy, trong quá trình tập ăn dặm, mẹ không nên giục bé, hãy cho con thời gian để thích nghi với thức ăn mẹ nhé.
Cách cho bé ăn dặm rất dễ dàng đúng không mẹ? Chỉ cần áp dụng các nguyên tắc nêu trên, đảm bảo con luôn có những bữa ăn ngon miệng và đầy đủ chất dinh dưỡng. Nếu mẹ vẫn còn băn khoăn hay thắc mắc vấn đề gì, hãy để lại bình luận bên dưới để có câu trả lời nhanh nhất nhé!