Theo truyền thống của người Việt Nam, lễ cúng thôi nôi của bé luôn cần một sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng với mong muốn mang đến cho trẻ nhiều sức khỏe và hạnh phúc. Vậy trong những ngày này mẹ cần chuẩn bị những gì, hãy cùng tìm hiểu câu trả lời đầy đủ nhất qua bài viết dưới đây nhé.
1. Cúng thôi nôi là gì?
Lễ cúng thôi nôi là một phong tục truyền thống lâu đời tại Việt Nam, được diễn ra khi bé tròn 12 tháng tuổi nên còn được gọi với cái tên “ngày bé có tuổi”. Đây đồng thời cũng chính là ngày sinh nhật của bé, tuy nhiên ngày thôi nôi này có phần đặc biệt hơn những bữa tiệc sinh nhật thông thường bởi đây là cột mốc đánh dấu bé “rời nôi”. Gia đình mình ở miền Bắc, Trung, Nam sẽ lại có những tập tục và cách tổ chức khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung nhất mà nhà nào cũng cần chuẩn bị vào mỗi dịp này đó là mâm cúng thôi nôi đó ạ!.
2. Hướng dẫn tính ngày, giờ cúng thôi nôi cho bé đơn giản
Mẹ băn khoăn không rõ cúng thôi nôi ngày âm hay dương mới là ngày ngày chính xác nhất. Câu trả lời cho mẹ ngay đây ạ! Theo truyền thống dân gian, các cụ ta sẽ lấy ngày âm để cúng thôi nôi cho bé theo câu: “Gái lùi 2 trai lùi 1” và thường tổ chức vào sáng sớm hoặc chiều tối.
Ví dụ để mẹ dễ hiểu hơn nè: bé nhà mình sinh ngày 23/6 Âm lịch thì lịch cúng thôi nôi sẽ vào ngày 21/6 Âm Lịch.
Tương tự với bé trai, mẹ lấy ngày sinh trừ đi 1 ngày để tổ chức nghi lễ. bé trai sinh ngày 11/2 Âm lịch thì lịch cúng thôi nôi sẽ vào ngày 10/2 Âm Lịch.
3. Chuẩn bị đồ cúng thôi nôi cho bé trai, bé gái
Đến đây chắc hẳn mẹ đã biết được cách tính cúng thôi nôi ngày âm hay dương rồi đúng không ạ?Vậy đồ cúng thôi nôi cho bé trai, bé gái mẹ cần chuẩn bị những gì?
3.2. Mâm cúng mụ
Mâm cúng đầu tiên mẹ cần chuẩn bị là mâm cúng mụ, nhiều nơi còn gọi là cúng 12 bà mụ và 3 Đức ông.
Cúng thôi nôi 1 tuổi cho bé trai cũng giống với bé gái, vì vậy, đồ cúng thôi nôi cho bé trai, bé gái cũng sẽ bao gồm những món lễ vật dưới đây mà không cần phân chia trai, gái:
- 1 mâm ngũ quả.
- Hoa tươi: Có thể chọn những loại hoa như hoa cát tường, hoa hồng, hoa lay ơn,…
- Hương (nhang), đèn.
- Gạo, muối đựng trong hũ.
- Giấy tiền cúng thôi nôi
- Trà, rượu, nước, bánh kẹo.
- Đồ chơi cho bé.
- Trầu têm cánh phượng.
- Chè gồm 12 chén chè nhỏ và 1 chén chè lớn. 2 món chè mẹ có thể tham khảo chính là chè trôi và chè đậu trắng.
- Xôi: 12 đĩa nhỏ và 1 đĩa lớn.
- Gà luộc, thịt lợn quay
- Bánh hỏi
Bên cạnh đó, mẹ có thể chuẩn bị thêm mâm lễ cúng thôi nôi chay khi cúng Phật.
3.2. Mâm cúng gia tiên
Mâm cúng gia tiên trong những ngày này cũng cần được mẹ đặc biệt quan tâm. Bởi các vị gia tiên ngự trong nhà luôn là những người quý nhân phù trợ cho gia đình trở nên hạnh phúc, ấm no.Trong ngày đặc biệt như ngày thôi thôi, một mâm lễ đầy đủ cũng góp phần tỏ lòng biết ơn và kính trong của gia đình đối với những người đã khuất.
Trong mâm cúng gia tiên, mẹ cần chuẩn bị những món lễ vật để làm đồ cúng cho bé trai, bé gái:
- 1 đĩa ngũ quả.
- 1 bình hoa.
- Bánh kẹo ngọt.
- 3 ly nước.
- Hương, đèn.
- 1 đến 3 phần xôi chè.
4. Bài cúng thôi nôi cho bé
Trong nghi lễ cúng, bài cúng thôi nôi 1 tuổi có vai trò vô cùng quan trọng và mẹ cần đặc biệt lưu ý. Bài cúng cần thể hiện được lòng thành tâm cảm tạ công của các bà mụ và Đức ông đã nặn ra bé và bảo vệ bé khôn lớn từng ngày. Đồng thời đây cũng là cơ hội để mẹ cầu cho bé được nhiều sức khỏe, ngoan ngoãn, hạnh phúc sau này.
Dưới đây là 1 mẫu văn cúng thôi nôi 1 tuổi chuẩn nhất mẹ nên in ra để chuẩn bị cho nghi lễ:
Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần).
Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ tát.
Con lạy Đệ nhất Thiên tỷ đại tiên chúa.
Con kính lạy Đệ nhị Thiên đế đại tiên chúa.
Con kính lạy Đệ tam Thiên Mụ đại tiên chúa.
Con kính lạy Tam thập lục cung chư vị Tiên Nương.
Hôm nay là ngày… tháng… năm…
Vợ chồng con là… sinh được con (trai, gái) đặt tên là…
Chúng con ngụ tại…
Nay nhân ngày đầy năm chúng con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật và các thứ cúng dâng bày lên trước án, trước bàn tọa chư vị Tôn thần kính cẩn tấu trình:
Nhờ ơn thập phương chư Phật, chư vị Thánh hiền, chư vị Tiên Bà, các đấng Thần linh, Thổ công địa mạch, Thổ địa chánh thần, Tiên tổ nội ngoại, cho con sinh ra cháu, tên… sinh ngày… được mẹ tròn, con vuông.
Cúi xin chư vị tiên Bà, chư vị Tôn thần giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì, vuốt ve che chở cho cháu được ăn ngon, ngủ yên, hay ăn chóng lớn, vô bệnh vô tật, vô ương, vô hạn, vô ách, phù hộ cho cháu bé được tươi đẹp, thông minh, sáng láng, thân mệnh bình yên, cường tráng, kiếp kiếp được hưởng vinh hoa phú quý. Gia đình con được phúc thọ an khang, nhân lành nảy nở, nghiệp dữ tiêu tan, bốn mùa không hạn ách nghĩ lo.
Xin thành tâm đảnh lễ, cúi xin được chứng giám lòng thành.
Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần).
5. Các bước cúng thôi nôi cho bé
Bước 1: Chọn ngày cúng, giờ cúng thôi nôi hợp hoàng đạo:
Như đã chia sẻ với mẹ ở trên, ngày cúng được xác định lùi 1 đến 2 ngày so với ngày sinh của bé tùy theo bé là trai hay gái. Mẹ nào cẩn thận hơn thường xem Cúng thôi nôi vào giờ nào trong ngày t tại những địa chỉ thầy cúng phong thủy uy tín.
Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể nhờ ông bà hoặc những người có kinh nghiệm về thờ cúng, tâm linh xem những sách hướng dẫn để chọn ngày cúng hoàng đạo.
Bước 2: Chuẩn bị không gian tiến hành nghi lễ cúng thôi nôi:
Trong bước này, mẹ cần sắp xếp 1 không gian sạch sẽ, thoáng đáng để tiến hành cúng thôi nôi.
Đối với bàn cúng mụ, không gian tiến hành tốt nhất chính là phòng ngủ của bé. Tuy nhiên, mẹ cũng có thể thay thế bằng địa điểm khác nếu bé chưa có phòng riêng.
Bước 3: Chuẩn bị và sắp xếp lễ vật cúng thôi nôi cho bé trai, bé gái:
Đây là bước vô cùng quan trọng và cần mẹ kỳ công chuẩn bị nhất trong suốt nghi lễ.
Theo truyền thống, mẹ cần chuẩn bị và sắp xếp lễ vật cho 1 bàn cúng mụ và 1 bàn cúng gia tiên bao gồm: hoa, mâm ngũ quả, nhang, đèn, bánh kẹo, gạo muối,…
Bước 4: Chuẩn bị bài văn khấn
Với bài văn khấn, mẹ có thể học thuộc hoặc in sẵn 1 bản theo mẫu đã được đề cập bên trên để buổi lễ được diễn ra suôn sẻ.
Bước 5: Thực hiện nghi thức cúng thôi nôi cho bé:
Nghi thức cúng thôi nôi của bé bắt đầu từ mâm cúng gia tiên để xin phép cũng như mời ông bà tổ tiên về nhà chung vui cùng gia đình trong ngày trọng đại của bé.
Sau đó mới tiến hành cúng bà mụ bày tỏ thành tâm cảm tạ công lao nặn ra bé của bà mụ, đồng thời cầu mong trong tương lai bé sẽ khỏe mạnh, hạnh phúc, thành công.
Thông thường, người tiến hành nghi lễ này sẽ là ông hoặc bố của bé. Tuy nhiên, mẹ cũng có thể thuê thầy cúng hoặc nhờ những người có tuổi hợp mệnh bé để khấn cúng thôi nôi.
Bước 6: Khấn xin lễ
Nghi lễ cúng thôi nôi có điểm đặc biệt, mẹ lưu ý sau khi thực hiện nghi lễ cúng theo thứ tự, sau 20 phút cần tiến hành cúng lại lần 2 với ý nghĩa xin lễ.
Bước 7: Hạ lễ và những thủ tục sau nghi lễ cúng thôi nôi cho bé:
Sau khi hương cháy hết, kết thúc nghi lễ, mẹ tiến hành hạ lễ. Những thủ tục sau đó cần tiến hành bao gồm thụ lễ và hóa vàng.
6. Gợi ý cho mâm bốc thôi nôi của bé
Sau khi kết thúc nghi lễ cúng thôi nôi, mẹ cần tiếp tục chuẩn bị tổ chức nghi lễ bốc đồ vật cho bé. Đây là nghi thức với ý nghĩa định hướng tương lai cho bé yêu nhà mình đó. Tùy những món đồ mà bé bốc được là gì sẽ tương ứng với những ý nghĩa riêng về tương lai của bé.
Vậy mẹ cần chuẩn bị đồ cho bé bốc thôi nôi gồm những gì? Dưới đây là 1 số gợi ý những món đồ nên được thêm vào mâm bốc thôi nôi cho bé cùng ý nghĩa của chúng:
- Gương, lược: Món đồ mang ý nghĩa mong muốn sau này bé có khả năng trở thành những nhà thiết kế tài ba hoặc những công việc liên quan đến làm đẹp.
- Bút viết: Món đồ hàm ý mong muốn sau này bé sẽ có khả năng thiên phú về thơ cơ, nhạc họa,…để trở thành những nhà văn, nhà báo,…
- Sách vở: Nếu bé chọn sách vở trong mâm cúng thôi nôi, mẹ hãy vui mừng bởi rất có khả năng sau này bé lớn lên sẽ chăm ngoan, học giỏi, nghe lời cha mẹ,…trở thành những người có vị trí trong xã hội.
- Máy tính bỏ túi: Máy tính trong lễ thôi nôi hàm chứa mong muốn bé sau này sẽ trở thành những người làm việc trong ngành kế toán, ngân hàng,…
- Máy bay, ô tô: Các bé trai chắc chắn sẽ vô cùng yêu thích những món đồ chơi này. Trong lễ thôi nôi, máy bay và ô tô thể hiện mong muốn bé trở thành những người phi công, tài xế lái xe tài giỏi.
- Hòm thuốc: Hòm thuốc trong ngày cúng thôi nôi hàm ý mong muốn bé trở thành những người y tá, bác sĩ tài giỏi cứu người.
- Tiền: Nếu bé chọn tiền, đây sẽ là điềm báo trong tương lai, bé sẽ có khả năng trở thành những người lãnh đạo hoặc thủ quỹ, kế toán.
- Micro: Micro sẽ mang hàm ý mong muốn bé có những tài năng sáng tạo thiên bẩm, theo đuổi con đường nghệ thuật, âm nhạc.
- Bộ đồ chơi dụng cụ làm bếp: Lựa chọn này của bé thể hiện sự hứng thú với ẩm thực, tương lai có khả năng bé sẽ trở thành những nhà đầu bếp tài ba.
7. Một số lưu ý khi tiến hành nghi lễ cúng thôi nôi cho bé
Khi chuẩn bị cúng thôi nôi cho bé, mẹ cần lưu ý một số điều sau nhé:
7.1. Chọn hoa cúng thôi nôi
Khi lựa chọn hoa cúng, mẹ cần chú ý tới những ý nghĩa của loại hoa để lựa chọn. Những loại hoa thường được lựa chọn phổ biến trong những mâm cúng thôi nôi là hoa lay ơn (tượng trưng cho hạnh phúc, niềm vui và còn là biểu tượng của tình mẫu tử), hoa đồng tiền (loài hoa biểu tượng của sự ngây thơ, vui vẻ), hoa hồng (loài hoa của sự tin tưởng và tình yêu vĩnh cửu theo thời gian),… Bên cạnh đó, mẹ cần lựa chọn những loại hoa có màu sắc tươi sáng, vui tươi để phù hợp với không khí của buổi lễ. Lưu ý nho nhỏ: mẹ chọn bình cổ cao cắm hoa cúng sẽ đẹp hơn đó ạ!
7.2. Những điều cần tránh khi làm lễ cúng thôi nôi cho bé trai, bé gái
Khi chuẩn bị lễ cúng thôi nôi cho bé trai, bé gái, mẹ cần tham khảo ý kiến của những người lớn tuổi trong gia đình cũng như những tập tục của địa phương để sắp xếp trình tự cúng hợp lý. Chú ý tránh 2 điều sau đây mẹ nhé!
- Đồ cúng thôi nôi cho bé trai, bé gái nên được mẹ cải biên theo văn hóa của địa phương đang ở. Đồng thời, đồ cúng cần đảm bảo tươi ngon, tránh úng thối hoặc dập nát sẽ không bày tỏ được lòng thành tâm.
- Trong ngày diễn ra lễ cúng thôi nôi, tất cả những ban thờ trong gia đình đều cần có cơm cúng để bày tỏ sự thành kính. Đồng thời khi đọc văn khấn, mẹ cần lưu ý trang phục chỉnh tề, sạch sẽ.
Bài viết trên đã giúp mẹ hiểu hơn về những ý nghĩa và cách thức tiến hành lễ cúng thôi nôi cho bé. Nếu còn thắc mắc, mẹ để lại bình luận để được hỗ trợ nhanh nhất nhé!
Xem thêm: