Có rất nhiều yếu tố mà mỗi cặp vợ chồng nên cân nhắc, chuẩn bị cho việc trước, trong và sau khi mang thai để đảm bảo có một thai kỳ khoẻ mạnh, an toàn. Một trong những yếu tố không thể bỏ qua đó là các chi phí liên quan. Đặc biệt bảo hiểm thai sản. Bài viết này Góc của mẹ cung cấp những thông tin hữu ích, chi tiết về bảo hiểm thai sản để các mẹ hiểu rõ hơn trước khi quyết định sinh con. Hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!
1.Bảo hiểm thai sản?
Bảo hiểm thai sản là bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ sinh con. Những lợi ích của bảo hiểm này gồm có: bảo vệ tài chính khi mang thai, chăm sóc trước và sau khi sinh, trả các chi phí trong thai kỳ. Cụ thể: chi phí khám thai định kỳ, chi phí sinh nở (sinh thường, sinh mổ), chi phí khám, điều trị bất thường thai kỳ và biến chứng thai sản.
Bảo hiểm thai sản được cung cấp bởi các công ty bảo hiểm lớn nhỏ khác nhau.
1.1.Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm thai sản
Tuỳ thuộc vào từng công ty bảo hiểm, quyền lợi của mỗi công ty sẽ có biểu phí khác nhau. Nhìn chung, quyền lợi khi tham gia gồm có:
Hỗ trợ chi phí khi sinh thường/ sinh mổ
Bảo hiểm trước rủi ro biến chứng thai sản
Quyền lợi chi trả các chi phí sau (tuỳ thuộc vào từng gói bảo hiểm và công ty bảo hiểm):
Chi phí phòng, giường
Kiểm tra thai kỳ
Chi phí chăm sóc trẻ sơ sinh
Chi phí cấp cứu thai sản do tai nạn
Chi phí điều trị biến chứng thai sản
1.2.Lợi ích khi tham gia bảo hiểm thai sản
Những nỗi lo về tài chính trong giai đoạn sinh nở, từ lúc mang thai cho đến khi sinh con sẽ trở thành gánh nặng nếu như không vững về tài chính. Vì vậy, bảo hiểm thai sản ra đời để giảm tải gánh nặng tài chính đó. Ngoài ra, đây cũng là cách đề phòng những rủi ro không đáng có liên quan đến sức khoẻ cần phải chi số tiền lớn (cho đến rất lớn). Công ty bảo hiểm sẽ thanh toán những chi phí này.
1.3.Thời điểm mua bảo hiểm thai sản
Các mẹ cần lựa chọn thời điểm mua để được thanh toán chi phí sinh nở từ bảo hiểm. Tránh trường hợp các mẹ mua quá sớm hoặc quá muộn.
Tuỳ thuộc vào mỗi gói khác nhau của từng công ty bảo hiểm mà thời điểm mua sẽ khác nhau. Ví dụ, một số công ty yêu cầu người mua phải mua trước ngày thụ thai là 210 – 280 ngày. Các mẹ cần tìm hiểu kỹ gói bảo hiểm định mua trước khi mang thai.
2.Bảo hiểm y tế
Bên cạnh bảo hiểm thai sản, các mẹ cũng có thể tham khảo thêm về bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước tổ chức thực hiện, dành cho các đối tượng theo Luật định để chăm sóc sức khoẻ, không vì mục đích lợi nhuận.
Đối với các mẹ có đóng bảo hiểm xã hội đúng theo quy định, quyền lợi là 80 – 100% chi phí sinh con đúng tuyến. Trái tuyến, các mẹ sẽ hưởng từ 32 – 80%. Chi phí này sẽ được giảm trừ nếu nằm trong chi phí thuộc danh mục bảo hiểm y tế và bệnh viện cũng phải nằm trong danh sách cấp thẻ BHYT.
2.1.Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế
Theo Luật bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi bổ sung 2014, người tham gia BHYT khi sinh con sẽ được quỹ BHYT chi trả các chi phí như sau.
Sử dụng BHYT khi sinh con đúng tuyến
Người tham gia BHYT được hưởng:
100% chi phí khi sinh con tại tuyến xã
95% chi phí nếu thuộc hộ gia đình cận nghèo
80% chi phí nếu thuộc các đối tượng khác
Nếu người tham gia BHYT thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì sẽ được hưởng theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.
Sử dụng BHYT khi sinh con trái tuyến
40% chi phí khi sinh con tại bệnh viện tuyến trung ương
60% chi phí khi sinh con tại bệnh viện tuyến tỉnh
100% chi phí khi sinh con tại bệnh viện tuyến huyện
Hưởng theo mức hưởng đúng tuyến nếu là người dân tộc thiểu số, thuộc hộ gia đình nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; tại xã đảo, huyện đảo. (Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi bổ sung 2014)
2.2.Nên mua gói nào thì phù hợp?
Bảo hiểm thai sản của các công ty rất phong phú, đa dạng. Vì vậy, tuỳ thuộc vào mức thu nhập, mong muốn của mỗi người để chọn gói phù hợp nhất. Bảo hiểm thai sản hay bảo hiểm y tế đều có những quyền lợi, lợi ích khác nhau. Các mẹ có thể cân nhắc mua một trong hai hoặc cả hai. Đảm bảo không bị gánh nặng về tài chính mẹ nhé.
Trước khi mua, các mẹ hãy tìm hiểu kỹ công ty và gói định mua. Để từ đó lựa chọn cho mình gói bảo hiểm phù hợp nhất, đem lại quyền lợi và lợi ích thiết thực nhất.
Tiêm phòng trước khi mang thai là một trong những điều cực kỳ quan trọng đối với những ai đang muốn có em bé. Vậy tại sao phải tiêm phòng trước khi mang thai? Hãy cùng Góc của mẹ đọc bài viết ngay dưới đây để tìm hiểu rõ hơn bố mẹ nhé.
Các loại vắc-xin các mẹ tiêm trước khi mang thai không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân mà còn bảo vệ sức khỏe của em bé. Khả năng miễn dịch của các mẹ là tuyến phòng thủ đầu tiên của bé chống lại một số bệnh nghiêm trọng. Vì vậy, nếu các mẹ có kế hoạch mang thai, bây giờ là thời gian để đảm bảo tiêm chủng các loại vắc xin cần thiết.
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại vắc-xin đều an toàn để tiêm khi mang thai. Vắc-xin có ba dạng: vi-rút sống, vi-rút bất hoại và toxoid.
Vắc xin bất hoạt là vắc-xin bao gồm các hạt vi-rút, vi khuẩn hoặc mầm bệnh khác đã được nuôi cấy và sau đó mất khả năng tạo ra bệnh
Vắc xin sống sử dụng mầm bệnh vẫn còn sống (nhưng hầu như luôn luôn bị suy giảm)
Toxoid là các hợp chất độc bị bất hoạt trích từ các vi sinh vật (trong trường hợp chính các độc chất này là phương tiện gây bệnh của vi sinh vật).
Phụ nữ mang thai không nên tiêm vắc-xin sống. Chẳng hạn: vắc-xin kết hợp sởi, quai bị và rubella (MMR). Vì có khả năng những thứ này sẽ gây hại cho thai nhi. Tiêm phòng uốn ván/ bạch hầu/ ho gà (Tdap), đều an toàn vì chúng thuộc dòng vắc-xin bất hoạt
2. Tiêm phòng trước khi mang thai, nên tiêm phòng gì?
2.1. Vắc-xin sởi, quai bị và Rubella (MMR)
Sởi là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan do vi-rút aramyxoviridae gây ra. Bệnh sởi bắt đầu bằng sốt, ho và sổ mũi và phát ban đỏ vài ngày sau đó. Phụ nữ mang thai nhiễm sởi không gây dị tật cho thai nhi. Tuy nhiên, nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hay bé bị nhẹ cân sẽ có tỉ lệ cao hơn so với những phụ nữ mang thai không bị nhiễm sởi.
Quai bị cũng là một bệnh do virus truyền nhiễm khiến tuyến nước bọt bị sưng lên. Nếu người phụ nữ bị nhiễm vào một trong hai thai kỳ, nguy cơ sảy thai có thể tăng lên.
Virus rubella, còn được gọi là sởi Đức, biểu hiện là các triệu chứng giống cúm bình thường theo sau phát ban. Nó có thể có hại trong thai kỳ. Có tới 85% trẻ sơ sinh của các bà mẹ bị nhiễm rubella trong 3 tháng đầu tiên sinh con có khả năng bị khiếm khuyết. Chẳng hạn như mất thính lực hoặc thiểu năng trí tuệ.
Mẹ chủ động tiêm phòng trước khi mang thai để bé luôn khoẻ mạnh
2.2. Vắc xin thủy đậu
Đây là một bệnh cực kỳ dễ lây lan. Thủy đậu gây sốt và khó chịu, nổi mẩn ngứa. Khoảng 2% bé có mẹ bị thủy đậu trong 5 tháng đầu tiên của thai kỳ bị dị tật bẩm sinh. Hơn nữa, phụ nữ bị thủy đậu trong thời gian sinh nở cũng có thể truyền bệnh nguy hiểm đến tính mạng em bé.
2.3. HPV
HPV là nguyên nhân có thể gây ra hầu hết các bệnh về ung thư cổ tử cung. Vì vậy, vắc xin HPV được khuyến nghị tiêm cho trẻ em từ 11 hoặc 12 tuổi đến 26 tuổi. Vắc xin HPV không được khuyến cáo tiêm trong thai kỳ. Đối với những phụ nữ chưa tiêm vắc xin, các mẹ nên chủ động tiêm trước khi có em bé nhé.
2.4. Viêm gan B
Viêm gan B có thể truyền cho thai nhi và dẫn đến suy gan, ung thư gan. Vì vậy, tiêm vắc xin này trước khi mang thai sẽ giúp em bé và mẹ có sức đề kháng tốt hơn.
2.5. Cúm
Với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như ở Việt Nam, chúng ta có khả năng bị cúm nhiều hơn. Cảm cúm thông thường sẽ không gây ra biến chứng gì nguy hiểm hay đặc biệt cả. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai, cảm cúm kéo dài có thể gây dị tật bẩm sinh cho em bé. Đặc biệt là những mẹ bị cúm trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.
Tìm hiểu và chủ động tiêm phòng trước khi mang thai
3. Thời điểm hợp lý để tiêm phòng trước khi mang thai
Góc của mẹ đã tổng hợp những loại vắc xin, thời gian và số liều tiêm để bố mẹ cùng tham khảo. Những thông tin này được tổng hợp và tham khảo theo Trung tâm tiêm chủng dành cho trẻ em và người lớn VNVC.
Loại vắc xin và thời điểm tiêm phòng
Hi vọng những thông tin trên giúp bố mẹ có những thông tin hữu ích về việc tiêm phòng trước khi mang thai. Đồng thời, mẹ cũng chuẩn bị tiêm những loại vắc xin cần thiết nhất để có một thai kỳ khoẻ mạnh.
Nguồn tham khảo
Medically reviewed by the Centers for Disease Control and Prevention, May 2018.
What to Expect When You’re Expecting, 5th edition, Heidi Murkoff and Sharon Mazel.
Chất dinh dưỡng trong thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong hệ thống sinh sản. Ăn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng vô cùng tốt cho sức khoẻ sinh sản. Một số nghiên cứu đã đưa ra mối liên hệ giữa thực phẩm và sức khoẻ sức sản. Sau đây là 15 thực phẩm vàng giúp vợ chồng nhanh thụ thai hơn. Hãy cùng Góc của mẹ khám ngay bạn nhé!
1. Hạt hướng dương và bơ hạt hướng dương – thực phẩm vàng giúp vợ chồng nhanh thụ thai
Bạn có thể sử dụng hạt hướng dương rang không có muối hoặc bơ làm từ hạt hướng dương.
1.1. Tại sao hạt hướng dương/ bơ hạt hướng dương có thể tăng khả năng sinh sản?
Hạt hướng dương chứa một nguồn vitamin E tuyệt vời. Bổ sung vitamin E đã được chứng minh là giúp tăng khả năng sinh sản của nam giới. Cụ thể, nó được chứng minh giúp tăng cường khả năng vận động của tinh trùng, cải thiện số lượng tinh trùng và cải thiện sự phân mảnh DNA. Hoa hướng dương cũng là một nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho sức khoẻ sinh sản, giúp nhanh thụ thai hơn.
1 oz = 28.35 g sẽ cung cấp cho cơ thể:
49% giá trị nhu cầu khuyến nghị hàng ngày của vitamin E
16% giá trị nhu cầu khuyến nghị hàng ngày của folate
31% giá trị khuyến nghị hàng ngày của selen
10% giá trị khuyến nghị hàng ngày của kẽm
Hạt hướng dương cũng là nguồn cung cấp axit béo omega 3 và 6.
1.2. Làm thế nào để bổ sung hạt/ bơ hướng vào chế độ ăn uống?
Dưới đây là một số cách giúp bạn ăn được nhiều hạt hướng dương hơn:
Rắc hạt hướng dương vào món salad
Sử dụng bơ hạt hướng dương thay vì bơ đậu phộng
Cho 2 thìa canh (~30ml) bơ hạt hướng dương vào ly sinh tố.
2. Nước ép bưởi và cam tươi
2.1. Tại sao nước ép bưởi và cam tươi tăng khả năng sinh sản?
Nước ép bưởi và nước ép cam có hàm lượng polyamine putrescine rất cao, có thể cải thiện sức khỏe tinh dịch. Putrescine cũng có thể cải thiện chất lượng trứng nên giúp phụ nữ nhanh thụ thai.
Trong một nghiên cứu, những con chuột cái lớn tuổi đã được cho uống nước giàu putrescine trong thời gian trước và cho đến khi rụng trứng. Tỷ lệ khuyết tật nhiễm sắc thể trong trứng đã giảm hơn 50%. Ngoài ra, Putrescine giúp cả tế bào trứng và tinh trùng duy trì tính toàn vẹn của nhiễm sắc thể.
Việc tăng cường vitamin C từ các loại nước ép này cũng rất có ích cho sức khoẻ nói chung. Nồng độ vitamin C thấp có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng nội tiết tố nữ.
2.2. Làm thế nào để bổ sung nước ép cam, bưởi vào chế độ ăn uống?
Làm sinh tố với nước cam, bưởi
Ép nước cam, bưởi
Thêm bưởi, cam vào món salad
Lưu ý: Nước ép bưởi có thể làm tăng tác dụng của một số loại thuốc, trong một số trường hợp gây nguy hiểm. Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, hãy nói chuyện với bác sĩ xem uống nước ép bưởi có vấn đề gì không nhé.
3. Phô mai
Cheddar, parmesan và manchego là 3 loại phô mai có thể giúp tăng khả sinh sản.
3.1. Tại sao phô mai tăng khả năng sinh sản?
Pho mai (loại cheddar, parmesan và manchego) có nhiều polyamines. Polyamines là protein được tìm thấy trong các thực phẩm từ thực vật và động vật. Chúng cũng có ở người. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng polyamines có thể đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống sinh sản. Phô mai chứa lượng polyres putrescine – đóng một vai trò trong sức khỏe tinh trùng. Putrescine cũng có thể cải thiện chất lượng trứng, giúp nhanh thụ thai, đặc biệt là ở phụ nữ 35 tuổi trở lên.
3.2. Làm thế nào để bổ sung phô mai vào chế độ ăn uống?
Ăn phô mai với lượng vừa đủ sẽ giúp cơ thể nhận được chất dinh dưỡng tốt nhất. Tránh ăn quá nhiều phô mai vì có thể dẫn đến thừa calo, gây tăng cân, tác dụng ngược với cơ thể bạn nhé.
Bạn có thể bổ sung từ các sản phẩm từ sữa không tách béo: sữa nguyên chất, sữa chua đầy đủ chất béo, kem, phô mai kem,…
4.1. Tại sao sản phẩm từ sữa có thể tăng khả năng sinh sản?
Một nghiên cứu của Harvard cho thấy những người phụ nữ ăn các sản phẩm từ sữa đầy đủ chất béo sẽ ít gặp phải các vấn đề rụng trứng hơn so với những người ăn chủ yếu các sản phẩm từ sữa ít béo. Trong nghiên cứu này, các sản phẩm sữa ít béo bao gồm sữa tách béo hoặc ít béo, sữa chua và phô mai. Các sản phẩm đầy đủ chất béo bao gồm sữa nguyên chất, kem, phô mai kem và phô mai khác.
4.2. Làm thế nào để bổ sung sản phẩm từ sữa vào chế độ ăn uống?
Cách dễ nhất để có được một khẩu phần sữa đầy đủ chất béo vào chế độ ăn uống là chuyển sang sữa nguyên chất thay vì sữa ít béo. Hoặc nếu bạn thích sữa chua, hãy chuyển sang sữa chua đầy đủ chất béo thay vì các loại ít béo nhé.
Một bữa ăn thường xuyên có những sản phẩm từ sữa đủ chất béo khá tốt cho cơ thể. Chỉ cần tính lượng calo của những thực phẩm này vào chế độ ăn uống là được bạn nhé. Ăn uống không điều độ, thiếu hợp lý đều có thể gây tác dụng ngược. Bởi thừa cân có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản.
5. Gan bò
5.1. Tại sao gan bò có thể tăng khả năng sinh sản?
Gan bò chứa nhiều chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe sinh sản. Một khẩu phần gan bò (68 gram) chứa:
431% giá trị nhu cầu khuyến nghị hàng ngày của vitamin A
800% giá trị nhu cầu khuyến nghị hàng ngày của vitamin B12
137% giá trị nhu cầu khuyến nghị hàng ngày của riboflavin. Đây là một loại vitamin B quan trọng khác
43% giá trị folate (dạng tự nhiên của axit folic) hàng ngày của con người
35% giá trị selen hàng ngày của con người
290 mg choline. Choline có thể làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh
24% giá trị kẽm hàng ngày của con người. Đây là một khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe tinh trùng
Coenzyme Q10 tự nhiên cao, có thể tăng chất lượng trứng và khả năng vận động của tinh trùng
6. Cà chua nấu chín
Cà chua nấu chín như nước sốt cà chua hoặc súp cà chua
6.1. Tại sao cà chua nấu chín có thể tăng khả năng sinh sản?
Cà chua nấu chín có nhiều lycopene – một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Lycopene đã được nghiên cứu rộng rãi với chức năng trong việc cải thiện khả năng sinh sản của nam giới. Thậm chí, bổ sung Lycopene đã được nghiên cứu như là một phương pháp có thể điều trị vô sinh cho nam. Một nghiên cứu cho thấy việc bổ sung 4 đến 8 mg lycopene mỗi ngày trong 8 đến 12 tháng đã giúp cải thiện sức khỏe tinh trùng và tăng tỷ lệ nhanh thụ thai.
6.2. Làm thế nào để bổ sung cà chua nấu chín vào chế độ ăn uống?
Cả cà chua sống và chín đều chứa lycopene. Tuy nhiên, một cốc cà chua nấu chín chứa gần gấp đôi lượng lycopene so với một cốc cà chua sống. Vì vậy, bạn có thể lựa chọn hình thức nấu cà chua nấu chín nhé.
7. Các loại đậu
Các loại đậu, đặc biệt là đậu đen
7.1. Tại sao các loại đậu có thể tăng khả năng sinh sản?
Các loại đậu chứa nguồn protein tốt. Có nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ bổ sung nhiều protein từ thực vật thay vì từ động vật sẽ ít gặp phải vấn đề rụng trứng. Đậu lăng chứa hàm lượng polyamine spermidine cao, có thể giúp tinh trùng thụ tinh với trứng.
Đậu lăng và các loại đậu khác cũng là một nguồn folate tốt. Folate (hoặc axit folic) là một chất dinh dưỡng rất quan trọng để thụ thai và giúp phôi khỏe mạnh. Các loại đậu cũng là một nguồn chất xơ tốt. Có đủ chất xơ trong chế độ ăn uống của bạn là chìa khóa để cân bằng nội tiết tố khỏe mạnh.
7.2. Làm thế nào để bổ sung đậu vào chế độ ăn uống?
Cân nhắc thay thế một hoặc hai bữa ăn với thịt bằng đậu lăng hoặc các loại đậu bạn nhé. Bạn cũng có thể thử cho một ít đậu vào món salad thay vì phô mai hoặc thịt.
8. Măng tây
8.1. Tại sao măng tây (nấu chín) có thể tăng khả năng sinh sản?
Măng tây là một siêu thực phẩm với nhiều chất dinh dưỡng. Chứa lượng calo thấp, măng tây giúp bạn có cảm giác no hơn mà vẫn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho khả năng sinh sản.
Một chén măng tây luộc sẽ cung cấp:
Hơn 60% giá trị folate hàng ngày
Đầy đủ giá trị vitamin K hàng ngày
8% lượng kẽm và 16% lượng selen khuyến nghị hàng ngày. Cả hai đều quan trọng đối với khả năng sinh sản của nam giới
Hơn 20% các chất dinh dưỡng cần thiết khác như vitamin A, vitamin C và vitamin B thiamin.
8.2. Làm thế nào để bổ sung măng tây vào chế độ ăn uống?
Tránh măng tây muối đóng hộp, tốt nhất nên sử dụng măng tây tươi hoặc đông lạnh bạn nhé.
9. Hàu
9.1. Tại sao hàu có thể tăng khả năng sinh sản?
Hàu luôn xuất hiện trong mỗi danh sách thực phẩm giúp tăng khả năng sinh sản. Bởi chúng chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng tăng cường khả năng sinh sản. Cụ thể như sau:
Một khẩu phần gồm 6 con hàu sống chỉ chứa 139 calo, nhưng chứa tất cả các vitamin và khoáng chất sinh sản quan trọng:
43% lượng sắt hàng ngày
408% giá trị khuyến nghị hàng ngày của vitamin B-12
187% giá trị khuyến nghị hàng ngày của selen
188% giá trị kẽm hàng ngày
Vì vậy, không có lí do gì để chúng ta không bổ sung hàu vào thực đơn rồi, phải không nào?
10. Lựu
Bạn có thể ăn lựu và uống nước ép lựu đều được.
10.1. Tại sao lựu có thể tăng khả năng sinh sản?
Lựu có nhiều chất chống oxy hóa, có thể tăng khả năng sinh sản của nam giới. Nhiều nghiên cứu về lựu và khả năng sinh sản được thí nghiệm ở chuột. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nước ép lựu và chiết xuất từ quả lựu có thể cải thiện nồng độ và khả năng vận động của tinh trùng sau vài tuần.
Cũng có một nghiên cứu xem xét tác dụng lựu đối với con người. 70 người đàn ông trưởng thành không có đủ tinh trùng khỏe mạnh (nhưng vẫn đủ về số lượng tinh trùng) đã uống những viên thuốc có chứa chiết xuất từ quả lựu và bột rễ cây Galanga. Sau ba tháng điều trị, khả năng vận động của tinh trùng được cải thiện 60%.
11.1. Tại sao quả óc chó có thể tăng khả năng sinh sản?
Chất béo tốt là một phần quan trọng của sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng. Quả óc chó rất giàu omega-3 và omega-6. Đây là điều khiến các nhà nghiên cứu xem xét liệu quả óc chó có thể tăng khả năng sinh sản hay không.
Có một nghiên cứu nhỏ nhưng khá thú vị được thực hiện như sau. 117 người đàn ông được phân ngẫu nhiên vào một trong hai nhóm. Trong nhóm kiểm soát, những người này tiếp tục chế độ ăn bình thường nhưng tránh tất cả các loại hạt cây. Trong nhóm thử nghiệm, những người còn lại tiếp tục với chế độ ăn bình thường nhưng bổ sung thêm một gói quả óc chó mỗi ngày. Mỗi gói chứa 75 gram quả óc chó nguyên vỏ.
Kết quả như sau:
Những người đàn ông ăn quả óc chó có cải thiện sức khỏe tinh trùng. Đặc biệt là về khả năng vận động và hình thái.
12. Trứng
Trứng, đặc biệt là lòng đỏ.
12.1. Tại sao trứng có thể tăng khả năng sinh sản?
Trứng là một nguồn vitamin B dồi dào, rất quan trọng đối với khả năng sinh sản. Như Góc của mẹ đã đề cập đến, chất béo omega-3 rất quan trọng đối với khả năng nhanh thụ thai. Đặc biệt là khi bạn bổ sung từ trứng giàu omega. Loại trứng này có giá cao hơn một chút nhưng rất đáng nếu bạn không ăn nhiều cá.
Một lý do tốt khác để ăn trứng: trứng là một nguồn protein tốt cho khả năng sinh sản ở nam giới và phụ nữ. Trứng cũng chứa choline. Choline có thể làm giảm nguy cơ mắc một số dị tật bẩm sinh.
13. Dứa
13.1. Tại sao dứa có thể tăng khả năng sinh sản?
Dứa là một nguồn giàu vitamin C. Một cốc dứa có thể cung cấp 46% giá trị đề nghị hàng ngày. Vitamin C trong cơ thể thấp có liên quan đến PCOS – hội chứng đa nang buồng trứng. Vitamin C cũng có thể giúp tăng khả năng sinh sản ở nam giới.
Một nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin C giúp tăng chất lượng tinh trùng ở những người nghiện thuốc lá nặng. Ngoài ra, dứa chứa bromelain, một loại enzyme tự nhiên có tác dụng chống viêm.
14. Cá hồi
14.1. Tại sao cá hồi có thể tăng khả năng sinh sản?
Cá hồi nằm trong danh sách siêu thực phẩm. Chúng ta luôn cần bổ sung cá nhiều hơn vào trong chế độ ăn uống. Nhất là cá hồi được đánh bắt tự nhiên là lựa chọn hoàn hảo. Bởi phụ nữ cần cẩn thận về ô nhiễm thủy ngân có trong cá khi đang cố gắng thụ thai và khi có thai. Vì vậy, cá hồi đánh bắt tự nhiên là lựa chọn tối ưu hơn khi chúng có độc tố ở múc thấp hơn cá tự nuôi.
Cá hồi rất giàu axit béo thiết yếu, đặc biệt là omega-3. Omega-3 được chứng minh là có lợi cho khả năng sinh sản ở nam giới và nữ giới hỗ trợ thụ thai nhanh. Đây cũng là một chất dinh dưỡng bắt buộc phải có trong thai kỳ để thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Các chất dinh dưỡng sinh sản quan trọng khác được tìm thấy trong cá hồi là vitamin D và selen. Selenium đã được chứng minh là rất quan trọng đối với tinh trùng.
Lượng vitamin D thấp trong cơ thể dường như có liên quan đến khả năng sinh sản kém ở nam giới và phụ nữ. Trên thực tế, cá hồi là một trong những nguồn thực phẩm tốt nhất của vitamin D. Chỉ cần 3 ounce cá hồi hun khói sẽ cung cấp 97% giá trị khuyến nghị hàng ngày đối với vitamin D.
15. Quế
15.1. Tại sao quế có thể tăng khả năng sinh sản?
Kháng insulin có liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Đây là một nguyên nhân phổ biến gây vô sinh ở phụ nữ.
Bổ sung quế đã được thực hiện trong một số nghiên cứu để cải thiện sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường. Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có kiểm soát, quế đã được phát hiện ra giúp làm giảm nồng độ glucose, triglyceride, LDL cholesterol (cholesterol xấu) và tổng lượng cholesterol ở bệnh nhân tiểu đường.
Điều này khiến các nhà nghiên cứu tự hỏi liệu quế có thể tốt cho khả năng sinh sản hay không. Trong một nghiên cứu nhỏ, 45 phụ nữ mắc PCOS được khuyên dùng bổ sung quế và giả dược trong 6 tháng. Những phụ nữ có sử dụng quế cho thấy sự rụng trứng được cải thiện và kinh nguyệt đều đặn. Trong khi những người dùng giả dược cho thấy không có sự cải thiện.
15.2. Làm thế nào để có bổ sung quế vào chế độ ăn uống?
Bạn có thể rắc quế vào bột yến mạch cho bữa sáng, rắc lên sữa chua hoặc vào trà.
Trên đây là 15 thực phẩm vàng giúp giúp vợ chồng nhanh thụ thai hơn. Bạn hãy tham khảo và áp dụng ngay vào thực đơn hàng ngày của hai vợ chồng nhé. Để cả nhà vừa có một cơ thể khoẻ mạnh, vừa tăng khả năng nhanh thụ thai hơn.
Durairajanayagam D, Agarwal A1, Ong C, Prashast P. “Lycopene and male infertility.” Asian J Androl. 2014 May-Jun;16(3):420-5. doi: 10.4103/1008-682X.126384.
Trước hôn nhân, nhiều cặp vợ chồng chuẩn bị rất kỹ cho ngày trọng đại: chụp ảnh cưới, thiệp cưới, địa điểm cưới, tuần trăng mật,… Tuy nhiên, có một điều rất quan trọng nhưng thường bị bỏ qua: khám sức khoẻ. Vậy tại sao phải khám sức khoẻ trước khi kết hôn? Hãy cùng Góc của mẹtìm hiểu ngay sau đây các bạn nhé!
1. Khám sức khoẻ trước hôn nhân là gì?
Kiểm tra sức khoẻ trước hôn nhân được định nghĩa là những bước kiểm tra được tiến hành cho những cặp vợ chồng sắp cưới để xác định có bất kỳ tổn thương nào với các bệnh như:
Các bệnh di truyền về máu như thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm
Các bệnh truyền nhiễm: viêm gan B, C hay HIV/ AIDS
2. Tại sao phải khám sức khoẻ trước khi kết hôn?
Có 2 lý do chính sau:
Cung cấp cho các cặp đôi những thông tin về khả năng các bệnh có thể mắc. Từ đó đưa ra những lựa chọn/ giải pháp thay thế để cả hai luôn khoẻ mạnh.
Kiểm tra sức khoẻ trước khi kết hôn cũng giúp vợ chồng cách chăm sóc lẫn nhau. Giả sử người chồng có xu hướng bị bệnh huyết áp cao, người vợ hoặc cả hai vợ chồng sẽ ý thức hơn về việc ăn uống lành mạnh sau đám cưới.
3. Khi nào là thời điểm thích hợp để tiến hành kiểm tra sức khoẻ trước hôn nhân?
Về cơ bản, khám sức khoẻ trước khi kết hôn có thể được thực hiện bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, thời điểm thích hợp là sáu tháng trước đám cưới.
4. Kiểm tra sức khoẻ tiền hôn nhân là kiểm tra gì?
4.1. Xét nghiệm máu và phân tích huyết sắc tố
Xét nghiệm máu giúp kiểm tra xem hai vợ chồng có bất thường gì về máu hay không. Ví dụ như bệnh thalassemia – tan máu bẩm sinh.
4.2. Xét nghiệm tốc độ lắng của hồng cầu – Erythrocyte Sedimentation Rate (ESR)
Xét nghiệm này giúp:
Chẩn đoán bệnh và theo dõi điều kiện cụ thể. Ví dụ bệnh viêm mạch hệ thống, viêm khớp dạng thấp,…
Phát hiện sự hiện diện của viên nhiễm gây ra bởi một hoặc nhiều điều kiện. Ví dụ: nhiễm trùng khối u hoặc các bệnh tự miễn
4.3. Kiểm tra và xét nghiệm nước tiểu
Mục đích: theo dõi chức năng thận và các bệnh có liên quan đến thận/ đường tiết niệu
4.4. Xét nghiệm nhóm máu và yếu tố Rhesus
Mục đích: Để biết khả năng nhóm máu của em bé.
4.5. Xét nghiệm đường huyết
Mục đích: Để theo dõi khả năng đái tháo đường.
4.6. Xét nghiệm HBsAG
Mục đích: Để biết khả năng viêm gan B.
4.7. Xét nghiệm VDLR/ RPR
Mục đích: để biết khả năng mắc bệnh giang mai
4.8. Xét nghiệm TORCH
Mục đích: Để phát hiện nhiễm trùng do ký sinh trùng Toxoplasma, vi rút Rubella, vi rút Cytomegalo (CMV), vi rút Herpes. Bởi chúng có thể gây dị tật cho thai nhi và trẻ sinh non.
Khám sức khoẻ trước khi kết hôn là việc quan trọng cần làm đối với mỗi cặp đôi. Bởi sức khoẻ của cả hai có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống hôn nhân, khả năng sinh sản. Hi vọng thông qua bài viết này giúp các bạn có thêm lời khuyên hữu ích để có cuộc sống khoẻ mạnh hơn.
Khả năng thụ thai cao hay thấp tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Một trong yếu tố đóng vai trò then chốt nhất chính là thời điểm. Vậy thời điểm vàng dễ thụ thai nhất trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là khi nào? Các bạn hãy cùng Góc của mẹ đi tìm hiểu ngay nhé.
1. Thời điểm nào dễ thụ thai nhất?
Người ta thường cho rằng: người phụ nữ có thể mang thai bất cứ thời điểm nào trong tháng. Nhưng thực tế thì một người phụ nữ chỉ có thể mang thai trong một vài ngày trong chu kỳ kinh nguyệt
1.2.Tại sao lại như vậy?
Bởi vì trứng và tinh trùng chỉ sống trong một thời gian ngắn. Tinh trùng sống khoảng 5 ngày. Trứng có thể được thụ tinh trong khoảng 24 giờ (1 ngày) sau khi được phóng ra khỏi buồng trứng. Trứng và tinh trùng phải đến với nhau đúng thời điểm để thụ tinh xảy ra, tạo ra phôi.
2.Sự thật về thời điểm vàng dễ thụ thai nhất
Rụng trứng là khi trứng trưởng thành được phóng ra khỏi buồng trứng. Trứng sau đó di chuyển xuống ống dẫn trứng, nói có thể được thụ tinh. Nếu tinh trùng nằm trong ống dẫn trứng khi trứng được phóng ra, rất có khả năng trứng sẽ được thụ tinh. Từ đó tạo ra phôi thai và có thể phát triển thành em bé.
Về mặt lý thuyết, khả năng người phụ nữ có thể mang thai khi có quan hệ tình dục trong 5 ngày trước khi rụng trứng hoặc vào ngày rụng trứng. Nhưng thời điểm vàng dễ thụ thai nhất là 3 ngày trước hoặc vào ngày rụng trứng. Quan hệ trong thời gian này phụ nữ có cơ hội mang thai cao nhất.
Từ 12-24 giờ sau khi trứng rụng, người phụ nữ không còn khả năng mang thai trong chu kỳ kinh nguyệt đó, vì trứng không còn trong ống dẫn trứng.
3.Làm thế nào để biết khi nào rụng trứng?
Biết được khi nào rụng trứng có thể giúp bạn biết được thời điểm vàng dễ thụ thai nhất, tăng khả năng thụ thai. Bạn có thể theo dõi chu kỳ kinh nguyệt trên biểu đồ, nhật ký hoặc trên ứng dụng ở điện thoại. Để tính thời gian của chu kỳ kinh nguyệt, cần ghi lại ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt đó – ngày bạn bị. Đó là ngày 1. Ngày cuối cùng của chu kỳ là ngày trước khi chu kỳ tiếp theo bắt đầu.
3.1.Phân biệt độ dài chu kỳ kinh nguyệt và thời gian kinh nguyệt diễn ra
Thời gian kinh nguyệt diễn ra là khoảng thời gian có ra máu kinh. Trung bình thường kéo dài trong 3-5 ngày. Độ dài chu kỳ kinh nguyệt tính từ ngày đầu tiên có kinh (ngày 1) cho đến khi bắt đầu chu kỳ tiếp theo. Chu kỳ kinh nguyệt được coi là bình thường nếu kéo dài khoảng từ 21 đến 35 ngày.
3.2.Cách tính độ dài chu kỳ kinh nguyệt
Số ngày trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có thể thay đổi từ tháng này sang tháng khác. Không phải chu kỳ nào cũng giống nhau. Tính ra độ dài chu kỳ kinh nguyệt “trung bình” dựa trên độ dài của 3 chu kỳ kinh nguyệt, từ đó dự đoán khoảng thời gian có khả năng rụng trứng cao nhất.
Cách tính như sau:
Cộng tổng độ dài chu kỳ kinh nguyệt của 3 tháng và chia cho cho 3 sẽ tính được độ dài trung bình của chu kỳ kinh nguyệt.
Ví dụ:
Phương theo dõi 3 chu kỳ kinh nguyệt gần nhất của mình như sau. Chu kỳ 1 là 28 ngày, chu kỳ 2 là 32 ngày, chu kỳ 3 là 27 ngày.
=> 28 + 32 + 23 = 87
=> 87 : 3 = 29
Độ dài trung bình của chu kỳ kinh nguyệt của Phương là 29 ngày.
3.3.Cách dự đoán thời điểm rụng trứng
Sau khi biết được độ dài trung bình của chu kỳ kinh nguyệt rồi, bạn có thể tính được thời điểm rụng trứng.
Rụng trứng xảy ra vào khoảng 14 ngày trước khi chu kỳ tiếp theo bắt đầu:
Nếu chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 28 ngày, thời điểm rụng trứng vào khoảng ngày 14. Ngày dễ thụ thai nhất là ngày thứ 12, 13 và 14 của chu kỳ kinh nguyệt.
Nếu chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 35 ngày, thời điểm rụng trứng vào khoảng ngày 21. Ngày dễ thụ thai nhất là ngày thứ 19, 20 và 21 của chu kỳ kinh nguyệt.
Nếu chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 21 ngày, thời điểm rụng trứng vào khoảng ngày 7. Ngày dễ thụ thai nhất là ngày thứ 5, 6 và 7 của chu kỳ kinh nguyệt.
Thời điểm vàng dễ thụ thai nhất là 3 ngày trước và vào ngày rụng trứng.
3.4.Hai cách chính để dự đoán thời điểm rụng trứng
Dựa vào dịch nhầy cổ tử cung
Một vài ngày trước khi rụng trứng, người phụ nữ sẽ thấy có dịch nhầy trong, trơn, dai, hơi giống lòng trắng trứng. Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến và dễ nhận biết nhất khi sắp đến ngày rụng trứng. Đó là thời gian tốt nhất để quan hệ, tinh trùng di chuyển dễ dàng hơn trong loại chất nhầy này.
Sử dụng bộ dụng cụ dự đoán rụng trứng
Người phụ nữ có thể sử dụng bộ dụng cụ dự đoán rụng trứng thông qua kiểm tra nước tiểu. Nếu thử nước tiểu vài ngày trước khi bạn đoán là sắp đến ngày rụng trứng, kết quả dương tính có nghĩa là bạn sẽ rụng trứng trong vòng 24-36 giờ tới.
Qua bài viết này, chắc hẳn các bạn biết thêm được thời điểm vàng dễ thụ thainhất trong chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài việc biết được thời điểm, bạn cũng hãy chuẩn bị những yếu tố khác để tăng cơ hội thụ thai nhé.
Berglund Scherwitzl, et al. (2015). Identification and prediction of the fertile window using Natural Cycles. The European Journal of Contraception and Reproductive Health Care, 20(5), 403-408. doi:10.3109/13625187.2014.988210
Ecochard, R., et al. (2015). Self-identification of the clinical fertile window and the ovulation period. Fertility and Sterility, 103(5), 1319-1325.e1313. doi: http://dx.doi.org/10.1016/j.fertnstert.2015.01.031
Pfeifer, S., et al. (2017). Optimizing natural fertility: a committee opinion. Fertility and Sterility, 107(1), 52-58. doi: 10.1016/j.fertnstert.2016.09.029
Stanford, et al. (2002). Timing intercourse to achieve pregnancy: current evidence. Obstetrics and Gynecology, 100(6), 1333-1341.
Stephenson, J., et al. (2018). Before the beginning: nutrition and lifestyle in the preconception period and its importance for future health. The Lancet, 10.1016/S0140-6736(18)30311-8 doi: 10.1016/S0140-6736(18)30311-8
Vélez, M. Pet al. (2015). Female exposure to phenols and phthalates and time to pregnancy: the Maternal-Infant Research on Environmental Chemicals (MIREC) Study. Fertility and Sterility. doi: 10.1016/j.fertnstert.2015.01.005
Verón, G. L., et al. (2018). Impact of age, clinical conditions, and lifestyle on routine semen parameters and sperm kinematics. Fertility and Sterility, 110(1), 68-75.e64. https://doi.org/10.1016/j.fertnstert.2018.03.016
Waylen, A. Let al. (2009). Effects of cigarette smoking upon clinical outcomes of assisted reproduction: a meta-analysis. Hum Reprod Update, 15(1), 31-44.
Zenzes, M. T. (2000). Smoking and reproduction: gene damage to human gametes and embryos. Hum Reprod Update, 6(2), 122-131
Sức khoẻ và tuổi tác của người chồng có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của người vợ. Cũng như sức khoẻ của em bé trong tương lai. Vì vậy, để khả năng thụ thai cao nhất, em bé sinh ra khoẻ mạnh. Người chồng cũng cần chuẩn bị trước khi hai vợ chồng thụ thai. Hãy cùng Góc của mẹ tìm hiểu ngay 10 điều sau đây nhé.
1. Duy trì cân nặng ổn định – yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thụ thai
Các nghiên cứu cho thấy các cặp vợ chồng có người chồng thừa cân/ béo phì mất nhiều thời gian để thụ thai hơn so với các đôi không có vấn đề về cân nặng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Thừa cân và béo phì ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng của người đàn ông, làm giảm số lượng, giảm khả năng di chuyển, tăng thiệt hại tới DNA trong tinh trùng, theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ.
Vì vậy, người chồng luôn cần duy trì mức cân nặng ổn định để hai vợ chồng có thể có khả năng thụ thai cao nhất.
Các bạn có thể tham khảo chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) để biết tình trạng cân nặng đang ở mức nào.
BMI <18,5: thiếu cân
BMI từ 18,5 – 24,9: bình thường
BMI từ 25 – 29,9: thừa cân
BMI > 30: béo phì
2. Kiểm soát tình trạng sức khoẻ
Khoảng một nửa các trường hợp vô sinh là do vấn đề của người cha. Vì vậy, tốt nhất người chồng nên kiểm tra sức khoẻ tổng quát trước khi hai vợ chồng sinh con. Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ cho biết, nếu điều trị sớm và biết kiểm soát một số bệnh mãn tính có thể cải thiện khả năng sinh sản của người đàn ông. Chẳng hạn huyết áp cao hay bệnh tiểu đường.
Một số loại thuốc dùng để điều trị huyết áp cao, trầm cảm và lo âu (SSRIs),… cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản. Do đó, người đàn ông nên nói chuyện với bác sĩ về loại thuốc đang dùng, tình trạng sức khoẻ hiện tại. Mục đích để đảm bảo tốt nhất khả năng thụ thai và sức khoẻ em bé sau này.
3. Ăn thực phẩm lành mạnh
Mặc dù khoa học chưa có kết luận chính thức, nhưng vẫn hợp lý khi đàn ông ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh. Ví dụ nhiều trái cây, rau quả – nguồn chống oxy hoá phong phú, có thể giúp sản xuất tinh trùng khoẻ mạnh.
Ngoài ra, người chồng nên ăn những thực phẩm giàu chất xơ, chất béo không bão hoà và lượng protein vừa phải.
4. Hoạt động thể chất thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp nam giới giảm căng thẳng, cảm thấy tốt hơn và có lợi cho sức khoẻ lâu dài. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng tập thể dục quá sức và lịch luyện tập vất vả ở nam giới có thể gây bất lợi cho khả năng sinh sản của họ. Ví dụ Triathletes – ba môn phối hợp, gồm chạy bộ, bơi và đua xe đạp.
Các nhà nghiên cứu cũng đã xem xét liệu đi xe đạp có thể ảnh hưởng đến tinh trùng hay không. Vì bộ môn này cần người nam giới ngồi lâu ở một vị trí, làm tăng nhiệt độ khu vực cơ quan sinh sản, có thể gây chấn thương tinh hoàn. (Một vài nghiên cứu cho thấy những người lái xe tải đường dài cũng có thể gặp nhiều vấn đề về khả năng sinh sản tương tự như những người đạp xe.)
Đạp xe ít nhất 5 giờ một tuần có nhiều khả năng có số lượng tinh trùng thấp và khả năng di chuyển của tinh trùng kém hơn so với những người đàn ông tập thể dục bộ môn khác.
5. Uống vitamin tổng hợp hàng ngày
Người chồng có thể bổ sung vitamin tổng hợp, bao gồm những chất chống oxy hoá: vitamin C, E, khoáng chất selen, kẽm. Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, chất chống oxy hoá có thể tăng nhẹ về số lượng và sự di chuyển của tinh trùng.
6. Ý thức về khả năng sinh sản theo độ tuổi
Khả năng sinh sản của đàn ông cũng suy giảm theo độ tuổi, nhưng muộn hơn so với phụ nữ. Nghiên cứu cho thấy rằng khi người đàn ông già đi, cả khối lượng và chất lượng tinh trùng có xu hướng giảm dần. Càng có tuổi, số lượng tinh trùng khoẻ mạnh và sự di chuyển của tinh trùng cũng giảm đi, có thể ảnh hưởng đến DNA.
Những người đàn ông lớn tuổi có nguy cơ sinh con mắc bệnh tự kỷ hoặc về tâm thần cao hơn so với người đàn ông trẻ tuổi. Vì vậy, các bạn nên có kế hoạch sinh con phù hợp để bé luôn khoẻ mạnh.
7. Bỏ thói quen không lành mạnh
Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ, nam giới hút thuốc có khả năng có số lượng tinh trùng thấp, giảm sự di chuyển của tinh trùng và có số lượng tinh trùng có hình dạng bất thường cao hơn. Uống rượu nhiều cũng được cho là có tác động tiêu cực đến sức khoẻ của tinh trùng. Mặc dù các nghiên cứu gần đây cho thấy uống rượu có thể không thực sự ảnh hưởng như vậy.
Mặt khác, sử dụng cần sa hay những chất kích thích khác cũng nên hạn chế. Vì chúng có thể tác động tiêu cực đến sản xuất tinh trùng.
8. Tránh nhiệt độ quá nóng
Tắm nhiệt độ quá nóng, sử dụng phòng xông hơi liên tục có thể tăng nhiệt độ cơ quan sinh sản. Từ đó có thể làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.
Tiếp xúc với nhiệt này không có tác động vĩnh viễn đến tinh trùng. Số lượng tinh trùng giảm có thể chỉ là tạm thời. Và có thể trở lại bình thường trong một vài tháng sau khi người đàn ông ngừng tắm nước quá nóng/ phòng tắm hơi. Một nghiên cứu nhỏ về những người đàn ông sử dụng máy tính xách tay, đặt lên đùi cũng có nhiều khả năng bị tổn thương tinh trùng và giảm khả năng vận động của tinh trùng.
9. Những điều cần tránh
9.1. Hút thuốc
Hút thuốc có hại cho sức khoẻ. Nếu hai vợ chồng muốn có con, người đàn ông cần bỏ thuốc ít nhất 3 tháng trước khi hai vợ chồng thụ thai. Hút thuốc nhiều có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người đàn ông. Hút hơn 1 bao thuốc lá mỗi ngày làm tăng nguy cơ em bé sinh ra bị mắc bệnh bạch cầu.
9.2. Uống rượu
Uống rượu nhiều ảnh hưởng đến ham muốn tình dục của người đàn ông và chất lượng tinh trùng. Người chồng không cần phải bỏ rượu hoàn toàn, chỉ cần giảm và giữ ở mức cho phép. Chưa có bằng chứng cho thấy người đàn ông uống caffeine (ví dụ cà phê) ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
9.3. Thuốc
Bác sĩ sẽ cho biết nên dùng hay không dùng loại thuốc hay bất kỳ thực phẩm chức năng nào. Các loại thuốc có thể tác động đến khả năng sinh sản: thuốc giảm đau, điều trị trầm cảm,… Các phương pháp điều trị ung thư như hoá trị, xạ trị cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.
9.4. Steroid
Anabolic steroids (steroid đồng hoá) là chất hoá học tổng hợp tự nhiên, thúc đẩy cơ bắp, tăng trưởng mô cơ. Steroid thường được dùng để tăng cơ bắp, sử dụng nhiều trong giới thể hình. Anabolic steroids có thể giảm khả năng sản xuất tinh trùng, làm teo tinh hoàn, ảnh hưởng đến sự cương cứng và ham muốn tình dụng. Có thể mất đến 2 năm sau khi ngừng sử dụng Anabolic steroids để tinh trùng có thể khoẻ mạnh trở lại.
9.5. Chất kích thích
Tránh xa tất cả các loại chất kích thích như cocaine, heroin, thuốc lắc, cần sa. Vì chúng có thể gây ra các vấn đề về sinh sản vĩnh viễn.
9.6. Hoá chất
Chất độc/ hoá chất trong một số ngành nghề đặc thù hoặc trong cuộc sống hàng ngày cũng có thể ảnh hưởng đến tinh trùng. Chẳng hạn thuốc trừ sâu, kim loại nặng, … Cố gắng hạn chế tiếp xúc với những chất này, mặc quần áo báo hộ là những việc nên làm.
10. Xây dựng lối sống mới
Có con là một hành trình dài hơi, đòi hỏi cả hai vợ chồng luôn đồng lòng, đồng sức. Chủ động xây dựng một lối sống mới, lối sống lành mạnh sẽ giúp cả hai vợ chồng không bỡ ngỡ khi có em bé. Đồng thời, cuộc sống hai vợ chồng không bị đảo lộn quá nhiều. Bạn nghĩ sao nếu cả hai vợ chồng cùng nhau duy trì một lối sống khoẻ mạnh?
Có thể còn rất nhiều điều khác nữa người chồng có thể làm trước khi hai vợ chồng thụ thai. Góc của mẹ đã tổng hợp, chắt lọc những thông tin cơ bản nhất. Hi vọng, những thông tin này sẽ giúp ích thật nhiều cho hai vợ chồng. Bố mẹ khoẻ mạnh, em bé khoẻ mạnh. Đó là điều cặp vợ chồng nào cũng mong muốn phải không nào?