Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là gì nhỉ? Hãy cùng mở đầu với chút xíu kiến thức nho nhỏ nào mẹ ơi:
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng nội tiết tố mà phụ nữ có thể mắc phải trong những năm sinh nở (15-44 tuổi)
- Phụ nữ mắc PCOS sản xuất lượng hormone nam cao hơn bình thường. Sự mất cân bằng hormone này dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mang thai.
- PCOS cũng gây ra sự phát triển của lông trên mặt và cơ thể. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tiểu đường và bệnh tim.
- Thuốc tránh thai và thuốc trị tiểu đường có thể giúp khắc phục sự mất cân bằng hormone.
Hãy cùng tìm hiểu thêm dấu hiệu của PCOS và ảnh hưởng của nó đối với cơ thể chúng mình nhé!
Xem thêm: Vì sao phải khám sức khoẻ trước khi kết hôn?
1.PCOS và Hormone
Nếu bạn có hội chứng buồng trứng đa nang, hormone sinh sản của mẹ sẽ bị mất cân bằng. Điều này dẫn đến vấn đề chậm kinh hoặc không có kinh nguyệt. Có vẻ mẹ vẫn đang hơi “mông lung” phải không? Là như vầy nè mẹ ơi. Cơ thể mẹ tạo ra các hormone “phụ giúp” nó thực hiện các chức năng khác nhau như tăng trưởng, phát triển, trao đổi chất, sinh sản, v.v. Một trong số ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và gắn liền với khả năng sinh con của mẹ. Các hormone đóng vai trò trong PCOS bao gồm:
- Androgens. Thường được gọi là nội tiết tố nam, nhưng cơ thể chúng mình cũng có nữa ý. Phụ nữ mắc PCOS có xu hướng có mức độ cao hơn nha.
- Insulin. Hormone này giúp kiểm soát và hỗ trợ quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể. Những người mắc hội chứng PCOS thường sẽ kháng Insulin. Nghĩa là cơ thể phản ứng đề kháng với Insulin, không cho đường chuyển hóa.
- Progesterone. Với PCOS, cơ thể mẹ có thể không có đủ hormone này. Mẹ có thể không có kinh nguyệt trong thời gian dài hoặc gặp khó khăn trong việc tính chu kỳ rụng trứng của mình.
2.Các dấu hiệu của buồng trứng đa nang
Một số mẹ đã bắt đầu thấy các triệu trứng của PCOS trong chu kì kinh nguyệt đầu tiên của họ. Nhưng một số mẹ chỉ phát hiện ra mình mắc chứng buồng trứng đa nang sau 1 giai đoạn tăng cân mất kiểm soát.
Mẹ có thể tự kiểm tra xem mình có đang có những dấu hiệu sau không nhé:
- Chu kì kinh nguyệt không đều. Việc thiếu rụng trứng sẽ ngăn chặn niêm mạc tử cung bị bong ra mỗi tháng. Một số mẹ mắc PCOS sẽ có ít hơn 8 chu kì trong một năm đó mẹ.
- Chảy máu nhiều. Lớp niêm mạc tử cung tích tụ trong một khoảng thời gian dài hơn bình thường. Vì vậy những chu kỳ của mẹ thường sẽ nặng nề và dài hơn đó nè.
- Lông mọc bất thường. Do mang trong mình nhiều hormone nam, 70% mẹ mắc PCOS sẽ thấy lông mọc trên mặt và cơ thể (bao gồm lưng, bụng, và ngực).
- Mụn. Nội tiết tố nam có thể làm cho da dầu hơn bình thường và gây ra mụn trên các khu vực như mặt, ngực và lưng mẹ ạ.
- Tăng cân mất kiểm soát. Có tới 80% các mẹ mắc chứng PCOS bị thừa cân hoặc béo phì đó mẹ ơi.
Mẹ ơi, đây hoàn toàn chỉ là các dấu hiệu nhận biết ban đầu và chỉ mang tính dự đoán. Nếu thấy mình đang có những dấu hiệu trên, mẹ đừng nên quá lo lắng mà hãy đến gặp bác sĩ để nhận được những tư vấn chính xác nhất mẹ nhé.
3.PCOS và khả năng sinh sản
“Vậy nếu mắc PCOS thì tôi có thể mang thai được không?” Đó có lẽ là nỗi trăn trở của hầu hết các mẹ phải không nhỉ? Đừng quá lo lắng nhé mẹ ơi, mắc PCOS không có nghĩa là mẹ không thể mang thai được đâu nè. Cơ thể mẹ vẫn diễn ra quá trình rụng trứng thì vẫn có khả năng thụ thai mẹ nhé.
- Sự rụng trứng ở những mẹ mắc PCOS có thể ít thường xuyên hơn. Đó là lý do tại sao PCOS là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh.
- Đối với những mẹ đang cố gắng mang thai, PCOS có thể khiến việc quan hệ tình dục trở nên khó khăn hơn vào những ngày dễ thụ thai trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Cũng có thể mất nhiều thời gian hơn để mang thai nếu rụng trứng chỉ xảy ra chỉ vài tháng 1 lần.
Tất cả những vấn để trên chỉ là có thể, không có chắc chắn hết mẹ nhé. Trên thực tế, phần lớn những mẹ mắc chứng PCOS đang cố gắng thụ thai sẽ mang thai và sinh con mà không cần điều trị ít nhất một lần trong đời. Điều quan trọng là mẹ cần có một chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lí, tích cực để có thể điều hòa cơ thể mình tốt hơn mẹ nhé.
4.Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang thế nào?
Các phương pháp điều trị PCOS thường bắt đầu bằng việc lối sống tích cực và lành mạnh hơn.
Thói quen ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm các triệu chứng liên quan đến PCOS. Giảm cân sẽ giúp giảm mức đường huyết, cải thiện cách cơ thể mẹ sử dụng insulin và giúp hormone đạt mức bình thường mẹ nhé. Chỉ cần giảm 10% trọng lượng cơ thể là mẹ đã giúp chu kỳ kinh nguyệt của mình đều đặn hơn và cải thiện cơ hội mang thai rồi nè.
Bất kỳ chế độ ăn uống nào giúp mẹ giảm cân đều có thể giúp ích cho tình trạng của mẹ. Tuy nhiên, một số chế độ ăn kiêng khoa học sẽ mang lại kết quả khả quan hơn mẹ nhé. Mẹ hãy thử bắt đầu với việc cắt giảm lượng carbohyrate, tăng lượng chất xơ cho mỗi bữa ăn sẽ có hiệu quả cho cả giảm cân và giảm mức độ insulin.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng 30 phút tập thể dục hàng ngày sẽ giúp các mẹ giảm cân hiệu quả hơn đó nè. Giảm cân bằng các bài tập thể dục cũng giúp cải thiện sự rụng trứng và nồng độ insulin đó mẹ nhé.
Mẹ ơi, nếu như có biết mình bị mắc hội chứng PCOS, việc cần làm không phải là buồn phiền đâu nè. Hãy suy nghĩ tích cực, sống tích cực hơn để có thể chiến thắng được nó, mẹ nhé!
5.Một số lưu ý cho mẹ khi mang thai nhé!
Mẹ có thể giảm nguy cơ gặp các vấn đề trong suốt thai kì với những lưu ý sau nè:
- Đạt cân nặng khỏe mạnh trước khi mang thai. Hãy click Ở ĐÂY để xem cân nặng khỏe mạnh của mẹ trước khi mang thai và theo dõi cân nặng trong suốt thai kì mẹ nhé.
- Đạt mức đường trong máu khỏe mạnh trước khi thụ thai. Như chúng mình có chia sẻ ở trên, mẹ hãy kết hợp thói quen ăn uống và một chế độ luyện tập khoa học mẹ nhé.
- Bổ sung Axit Folic. Axit Folic là một chất mẹ cần bổ sung ngay khi mẹ lên kế hoạch có em bé mẹ nhé. Hãy đến gặp bác sĩ để nhận được tư vấn cho lượng axit folic phù hợp với cơ địa của mình nha mẹ. Ngoài vitamin thì mẹ cũng có thể cân nhắc những thực phẩm chứa hàm lượng Axit Folic cao như rau xanh, nước cam hoặc chanh, các loại đậu và hạt, bánh mỳ và ngũ cốc giàu axit folic mẹ nhé.
Xem thêm:
Chuẩn bị mang thai nên uống thuốc gì giúp mẹ và bé khoẻ mạnh?
11 cách tự nhiên giúp tăng khả năng sinh sản cho nữ giới
6.Tâm tình chút xíu cùng chúng mình mẹ nhé!
Hội chứng PCOS gây rối loạn kinh nguyệt và khiến việc mang thai trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, mọi vấn đề đều có cách giải quyết mẹ nhé. Sự lo lắng sẽ chỉ làm có vấn đề trở nên rối ren hơn thôi nè. Cải thiện lối sống là lời khuyên đầu tiên của các bác sĩ dành cho bệnh nhân PCOS của mình. Ngoài ra, luôn giữ một tinh thần thoải mái nhất có thể, suy nghĩ tích cực hơn để sẵn sàng đón em bé của mình bất cứ lúc nào mẹ nha!.
Nguồn tham khảo: Polycystic Ovary Syndrome (PCOS): Frequently Asked Questions: Gynecologic Problems. <https://www.acog.org/patient-resources/faqs/gynecologic-problems/polycystic-ovary-syndrome>