Lịch sử tìm kiếm
Tìm trong góc của mẹ
Tìm kiếm phổ biến

Các mẹ hãy bỏ túi ngay 14 cách giúp giảm đau tự nhiên khi có dấu hiệu chuyển dạ nhé. Đây là những cách giúp các mẹ cảm thấy thư giãn và thoải mái, chuẩn bị tinh thần thật tốt cho cuộc vượt cạn thành công.

1. Massage giúp giảm đau khi chuyển dạ

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những mẹ bầu nhận được physical touch so với mẹ bầu không nhận được physical touch:

  • Giảm 56% tỷ lệ sinh mổ
  • Giảm 85% sử dụng thuốc gây tê ngoài màng cứng
  • Giảm 70% sinh thường dùng đến thủ thuật forceps
  • Thời gian vượt cạn ngắn hơn 25%

Physical touch có thể hiểu là những cử chỉ vật lý, tác động vào bên ngoài cơ thể, như massage, ôm, chạm,… Khi được massage hoặc nhận được những cử chỉ âu yếm, cơ thể giải phóng oxytocin. Đây là hormone giúp cơ thể giảm căng thẳng, sợ hãi cho mẹ bầu. Nó cũng giúp mẹ bầu thấy đỡ đau hơn khi chuyển dạ. 

Massage giúp mẹ bầu giảm thấy thư giãn, thoải mái hơn
Massage giúp mẹ bầu giảm thấy thư giãn, thoải mái hơn

2. Mùi hương

Trong nhiều thế kỷ, tinh dầu được sử dụng lúc các mẹ vượt cạn. Một số loại tinh dầu được chứng minh là có lợi trong quá trình chuyển dạ, giúp mẹ bầu giảm căng thẳng. Đồng thời chúng hoạt động như một loại thuốc có lợi cho tử cung, kích thích lưu thông và nhiều lợi ích khác nữa. 

Dưới đây là một số loại tinh dầu các mẹ có thể sử dụng trong quá trình chuyển dạ hoặc mang thai, đã được chứng minh là hữu ích:

2.1. Hoa oải hương

Đây là một trong những loại tinh dầu phổ biến nhất được sử dụng trong khi chuyển dạ. Tinh dầu này có thể giúp mẹ thư giãn và bình tĩnh hơn. Đây cũng là một loại thuốc giảm đau, giúp kích thích lưu thông và chữa lành.

2.2. Xô thơm

Tinh dầu xô thơm thường dùng để tăng cường các cơn co thắt và giảm lo lắng. Lưu ý chỉ dùng khi có dấu hiệu chuyển dạ các mẹ nhé.

2.3. Phong lữ

Tinh dầu phong lữ giúp tăng cường sự lưu thông, thở dễ dàng hơn

Mẹ nên tìm hiểu kỹ loại tinh dầu trước khi sử dụng nhé
Mẹ nên tìm hiểu kỹ loại tinh dầu trước khi sử dụng nhé

2.4. Bạc hà

Tinh dầu bạc hà giúp giảm buồn nôn và đau đầu

2.5. Hoa cúc La Mã

Tinh dầu hoa cúc La Mã giúp giảm căng thẳng và lo lắng

2.6. Hoa cam Neroli

Tinh dầu hoa cam Neroli giúp thư giãn, bình tĩnh hơn. Tinh dầu này cũng là chất chống trầm cảm mạnh mẽ.

2.7. Cam bergamot

Tinh dầu cam bergamot giúp cảm giác thư thái hơn.

Tinh dầu cũng có tác dụng giảm đau trong quá trình chuyển dạ
Tinh dầu cũng có tác dụng giảm đau trong quá trình chuyển dạ

2.8. Hoa nhài

Tinh dầu hoa nhài được ví như một loại thuốc giảm đau. Tinh dầu này cũng có tác dụng tăng cường các cơn co thắt khi chuyển dạ.

2.9. Lá kinh giới

Tinh dầu lá kinh giới giúp giảm huyết áp và giảm đau hiệu quả.

2.10. Lưu ý khi sử dụng tinh dầu

Không phải tinh dầu nào các mẹ cũng có thể sử dụng trong khi mang thai hoặc khi chuyển dạ. Có những loại tinh dầu chỉ được sử dụng khi chuyển dạ. Ngược lại, có loại tinh dầu chỉ dùng khi mang thai. Vì vậy, trước khi quyết định lựa chọn sử dụng, các mẹ hãy tìm hiểu thật kỹ. Ngoài ra, tham khảo ý kiến của bác sĩ nữa các mẹ nhé.

3. Túi chườm nóng, lạnh

Khăn ấm/ lạnh cũng có thể giảm cảm giác đau
Khăn ấm/ lạnh cũng có thể giảm cảm giác đau

Túi chườm nóng, lạnh đều có thể sử dụng để giảm đau và tăng sự thoải mái khi chuyển dạ và sinh nở. Sau đây là một số cách thực hiện:

3.1. Túi chườm lạnh

  • Đặt khăn lạnh lên mặt, cổ và ngực trên, giúp mẹ cảm thấy thư giãn khi chuyển dạ
  • Nếu mẹ bầu đang bị buồn nôn, đặt một chiếc khăn lạnh sau gáy giúp giảm cảm giác này
  • Đặt một túi chườm lạnh ở lưng dưới có thể giúp đỡ đau lưng

3.2. Túi chườm nóng

  • Dùng khăn ấm, túi chườm nóng, hay miếng sưởi ấm đặt bên dưới bụng mẹ bầu mang lại sự thoải mái khi chuyển dạ
  • Ngay trước khi sinh, đặt một chiếc khăn ướt, ấm lên đáy chậu giúp giảm bớt sự khó chịu ở đây. Đồng thời cũng giúp làm mềm và kéo giãn các mô đáy chậu để chuẩn bị cho việc sinh nở
  • Dùng chai nước ấm hoặc khăn ấm đặt vào vùng lưng để giảm đau lưng khi chuyển dạ
  • Sau khi sinh, trong thời gian cho con bú, các mẹ có thể dùng túi chườm ấm hoặc khăn ấm đặt trên bụng để giúp giảm bớt cảm giác chuột rút khi tử cung co lại về kích thước ban đầu

4. Thuỷ liệu pháp

Thuỷ liệu pháp là sử dụng nước để mang lại những lợi ích cho thể chất hoặc tâm lý, nhất là khi chuyển dạ:

  • Mẹ bầu thấy thư giãn hơn ở trong và giữa các cơn co thắt
  • Giảm cơn đau hiệu quả
  • Giảm huyết áp
  • Có thể giúp giãn cổ tử cung

5. Âm nhạc

Âm nhạc cũng là cách để mẹ bầu thấy thư giãn hơn
Âm nhạc cũng là cách để mẹ bầu thấy thư giãn hơn

Âm nhạc là một công cụ tuyệt vời giúp kiểm soát cơn đau. Nó giúp đánh lạc hướng mẹ bầu khỏi cơn đau và giúp mẹ bầu thư giãn khi chuyển dạ. Khi nghe nhạc, âm nhạc giúp mẹ bầu thở nhịp nhàng hơn. Nó cũng mang lại cho các mẹ thứ gì đó để tập trung hơn là tập trung vào các cơn co thắt.

6. Tập trung vào hơi thở

Hơi thở trong chuyển dạ vô cùng quan trọng. Hơi thở có thể giúp mẹ bầu tập trung hơn với mỗi cơn co thắt. Dưới đây là một số lợi ích của việc tập thở đúng cách:

  • Người mẹ ở trong trạng thái thoải mái hơn và sẽ phản ứng tích cực hơn với cơn đau
  • Nhịp thở đều đặn giúp cơn đau dịu dần khi chuyển dạ
  • Giúp mẹ bầu có cảm giác bình tĩnh hơn
  • Tăng oxy, cung cấp thêm sức mạnh và năng lượng cho cả mẹ và bé

7. Nhìn tập trung vào một điểm

Khi các cơn co thắt trở nên đau dữ dội hơn, các mẹ có thể nhìn vào một thứ gì đó và tập trung nhìn vào đó. Có thể là một bức tranh trên tường, hay bất kỳ thứ gì phía trước. Cách này dựa theo thuyết “cổng kiểm soát” của hệ thần kinh (The gate control theory). Thuyết này có thể hiểu như sau. Thực hiện một hành động khác làm lấn át cảm giác đau truyền từ vị trị đau lên tới não bộ, từ đó giúp người bị đau không còn cảm giác đau đớn hay sợ hãi.

8. Sử dụng trí tưởng tượng

Sử dụng trí tưởng tượng giúp mẹ bầu đỡ đau khi chuyển dạ
Sử dụng trí tưởng tượng giúp mẹ bầu đỡ đau khi chuyển dạ

Đối lập với việc tập trung nhìn vào một điểm, các mẹ có thể sử dụng trí tưởng tượng. Đây là một kỹ thuật giúp làm giảm cơn đau khi chuyển dạ. Các mẹ nhắm mắt lại, tưởng tượng ra một nơi thật thư giãn. Chẳng hạn: bãi biển đầy nắng, tiếng suối chảy róc rách hay một khung cảnh thật thiên nhiên, trong lành. Hoặc cũng có thể hình dung ra cách em bé đang từ từ đi ra từ đường sinh như nào, cổ tử cung mở ra sao,… Càng thật càng chi tiết càng tốt. Đây là một trong những cách giúp các mẹ có thể dễ sinh nở hơn.

9. Thay đổi vị trí

Luôn thay đổi vị trí trong suốt quá trình chuyển dạ. Những vị trí khác nhau có thể giúp làm giảm cảm giác đau, tăng độ mở của khung chậu hơn. Ở một vị trí quá lâu có thể cản trở tiến trình chuyển dạ khiến các cơn co thắt đau hơn. Vì vậy các mẹ nhớ thay đổi vị trí sau mỗi 30 phút hoặc lâu nhất là 1 giờ nhé.

10. Giọng nói

Khi chúng ta cảm thấy đau hoặc khó chịu, sử dụng giọng nói của mình để giảm đau là một điều bình thường. Mẹ bầu khi chuẩn bị sinh có thể rên nhẹ, nói thầm một điều gì đó hoặc thậm chí có thể kêu. Tạo ra âm thanh là điều tự nhiên và giúp cơ thể giảm đau. 

11. Sử dụng bóng sinh/ bóng hình đậu phộng

Một quả bóng sinh (birth ball) chỉ đơn giản là quả bóng tập thể dục cho mẹ bầu. Tuy nhiên, nó cũng giúp mẹ bầu đỡ mỏi lưng hơn. Bóng sinh giúp xương chậu được hỗ trợ tốt hơn, giảm áp lực, mang lại sự thoải mái cho mẹ bầu khi chuyển dạ.

Bóng sinh có nhiều lợi ích cho mẹ bầu
Bóng sinh có nhiều lợi ích cho mẹ bầu

Bên cạnh đó, quả bóng hình đậu phộng (peanut ball) cũng là quả bóng tập thể dục hoặc để trị liệu, có hình dạng giống hạt đậu phộng. Trong một nghiên cứu gần đây, người ta đã tìm thấy 3 lợi ích cho mẹ bầu sử dụng peanut ball khi chuyển dạ. Đó là rút ngắn thời gian sinh nở, giai đoạn đẩy và giảm khả năng sinh mổ.

Khi chuyển dạ, mẹ bầu sẽ cảm thấy khó chịu và mệt mỏi, đôi khi cần ngồi hoặc nằm xuống. Quả bóng sinh/ bóng đậu phộng có thể thể giúp các mẹ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn.

12. Ăn uống

Trong nhiều năm, phụ nữ thường không được phép ăn hoặc uống chất lỏng trong khi chuyển dạ. Nhưng một nghiên cứu mới của Hiệp hội Bác sĩ gây mê Hoa Kỳ (American Society of Anesthesiologists) cho thấy đây có thể không phải là một điều tốt. Nghiên cứu này cho thấy hầu hết mẹ bầu sẽ nhận được nhiều lợi ích từ bữa ăn nhẹ khi chuyển dạ. 

Họ kết luận rằng các mẹ bầu khi chuyển dạ cần cùng loại năng lượng và calo như vận động viên marathon. Được cung cấp đủ năng lượng, mẹ bầu có thể nhanh sinh em bé hơn, đủ sức để vượt cạn. Còn khi mẹ bầu không có đủ năng lượng, có thể làm giảm các cơn co thắt và sau đó dẫn đến chuyển dạ lâu hơn. Vì vậy, luôn có đồ ăn nhẹ và chất lỏng để giữ năng lượng các mẹ nhé.

13. Sử dụng nhà vệ sinh

Đi vệ sinh và làm trống bàng quang có thể giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái hơn khi chuyển dạ.

14. Đi bộ và di chuyển

Đi bộ giúp mẹ bầu dễ sinh hơn
Đi bộ giúp mẹ bầu dễ sinh hơn

Mẹ bầu càng đi lại và di chuyển, đứng thẳng khi chuyển dạ, càng thúc đẩy em bé xuống kênh sinh và giữ bản thân thấy thoải mái hơn.

Trên đây là 14 cách giảm đau tự nhiên các mẹ có thể làm khi có những dấu hiệu chuyển dạ. Ngoài ra, để chủ động hơn, ngay khi có dấu hiệu sắp sinh các mẹ nên gọi điện cho bác sĩ nhé. Khi đó bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn những việc phải làm để cuộc vượt cạn diễn ra suôn sẻ và thành công nhất. 

Nguồn tham khảo

Birch E 1986 The experience of touch received during labor. J Nurse Midwifery 31 (6): 270–76

http://www.cnyhealingarts.com/2010/06/11/using-the-heat-and-cold-as-a-comfort-measure-for-labor/

http://americanpregnancy.org/labor-and-birth/patterned-breathing/

https://preg-u.bloomlife.com/labor-at-night-melatonin-f263dd481db4 

Mang thai là một hành trình dài với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đặc biệt, chăm sóc mẹ bầu đúng cách giúp hành trình mang thai trở nên an tâm hơn. Bởi sức khoẻ của mẹ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Hãy cùng Góc của mẹ đọc ngay bài viết này để hiểu hơn về chăm sóc mẹ bầu đúng cách, bố mẹ nhé!

1.Chăm sóc mẹ bầu – chìa khoá để bảo vệ sức khoẻ mẹ và bé

Chăm sóc mẹ bầu không chỉ là chuẩn bị sức khoẻ, tinh thần, vật chất trước khi mang thai còn cả khi mang thai nữa. Chăm sóc đúng cách giúp mẹ khoẻ mạnh hơn, bé yêu trong bụng cũng phát triển tốt hơn.

Ngay khi biết mình có thai, các mẹ hãy chủ động đến gặp bác sĩ để làm những xét nghiệm sàng lọc trước khi sinh nhé. Những xét nghiệm này giúp bác sĩ biết tình hình phát triển của bé. Đồng thời cũng có thể phát hiện sớm những bất thường ở thai nhi.

Góc của mẹ đã có bài viết chi tiết về xét nghiệm sàng lọc trước khi sinh. Mẹ đọc ở đây để biết thêm chi tiết.

1.1.Khám thai và làm xét nghiệm sàng lọc

Sau lần khám thai đầu tiên, các mẹ khoẻ mạnh và không có những bất thường nào về sức khoẻ mẹ và bé, thì có thể khám thai
Sau lần khám thai đầu tiên, các mẹ khoẻ mạnh và không có những bất thường nào về sức khoẻ mẹ và bé, thì có thể khám thai

Sau lần khám thai đầu tiên, các mẹ khoẻ mạnh và không có những bất thường nào về sức khoẻ mẹ và bé, thì có thể khám thai:

  • Cứ sau 4 tuần cho đến tuần thứ 28 của thai kỳ
  • Sau đó, cứ sau 2 tuần cho đến tuần 36
  • Sau đó mỗi tuần 1 lần cho đến khi sinh 

Trong suốt thai kỳ, những lần khám thai bác sĩ sẽ kiểm tra cân nặng và huyết áp của mẹ. Đồng thời kiểm tra sự tăng trưởng và phát triển của em bé. Bằng phương pháp siêu âm, đo tim thai, xét nghiệm,….Trong suốt quãng thời gian mang thai, mẹ bầu cũng sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh, bao gồm xét nghiệm máu, nước tiểu, cổ tử cung,…

1.2.Bổ sung dinh dưỡng cho mẹ bầu

Suy nghĩ ăn cho 2 người không còn thực sự đúng như mọi người vẫn nghĩ. Bởi mỗi mẹ cần bổ sung dinh dưỡng, năng lượng khác nhau. Với những mẹ đang gầy, hoặc mang thai đôi, thai ba,… sẽ cần bổ sung nhiều dinh dưỡng và calo hơn. Với những mẹ đang thừa cân, các mẹ vẫn cần bổ sung chất dinh dưỡng nhưng với một lượng vừa phải. Vì vậy, khi mang bầu, các mẹ cần nhớ ăn uống lành mạnh mới là điều quan trọng. Không phải cứ ăn thật nhiều là đã tốt, các mẹ nhé. Thay vào đó, các mẹ nên lựa chọn những thực phẩm mang lại chất dinh dưỡng để giúp bé phát triển.

Tham khảo thêm về chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu tại đây.

Duy trì chế độ ăn uống cân bằng với những thực phẩm như:

  • Thịt nạc
  • Trái cây
  • Rau, củ
  • Các loại hạt
  • ….
Duy trì chế độ ăn uống cân bằng với những thực phẩm như:
Duy trì chế độ ăn uống cân bằng với những thực phẩm như:

Sau đây là những chất dinh dưỡng thiết yếu các mẹ bầu cần bổ sung:

1.2.1. Canxi

Hầu hết nữ giới từ 19 tuổi trở lên – bao gồm cả những người đang mang thai – thường không nhận được 1.000 mg canxi mỗi ngày theo khuyến nghị. Vì nhu cầu canxi cho sự phát triển của thai nhi rất cao, mẹ bầu nên tăng mức tiêu thụ canxi để ngăn ngừa mất canxi từ xương của chính mình. Bác sĩ cũng có thể sẽ kê thêm vitamin trước khi sinh, có thể chứa thêm canxi giúp các mẹ bổ sung thêm. Không chỉ phụ thuộc vào nguồn vitamin qua đường uống, các mẹ nên bổ sung qua thực phẩm. Nguồn thực phẩm giàu canxi bao gồm:

  • Các sản phẩm từ sữa ít béo bao gồm sữa, phô mai tiệt trùng và sữa chua Các sản phẩm tăng cường canxi: nước cam, sữa đậu nành và ngũ cốc 
  • Rau màu xanh đậm: rau bina, cải xoăn và bông cải xanh
  • Đậu hũ 
  • Các loại đậu 
  • Quả hạnh nhân

1.2.2. Sắt

Phụ nữ mang thai cần khoảng 30 mg sắt mỗi ngày. Bởi sắt là chất cần thiết để tạo ra huyết sắc tố, thành phần mang oxy của các tế bào hồng cầu. Các tế bào hồng cầu chạy khắp cơ thể để cung cấp oxy cho tất cả các cơ quan. Không có đủ chất sắt, cơ thể không thể tạo đủ tế bào hồng cầu và các mô và cơ quan của cơ thể sẽ không nhận được oxy cần thiết để hoạt động tốt. Vì vậy, điều đặc biệt quan trọng đối với mẹ bầu là có đủ chất sắt trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Mặc dù chất dinh dưỡng có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm khác nhau
Mặc dù chất dinh dưỡng có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm khác nhau

Mặc dù chất dinh dưỡng có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm khác nhau, sắt từ thịt dễ dàng được cơ thể hấp thụ hơn so với sắt có trong thực phẩm thực vật. Thực phẩm giàu chất sắt bao gồm:  

  • Thịt đỏ
  • Gia cầm
  • Cá hồi
  • Trứng
  • Đậu hũ
  • Ngũ cốc
  • Đậu Hà Lan
  • Trái cây sấy
  • Rau màu xanh đậm

1.2.3. Folate (Axit Folic)

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh – The Centers for Disease Control and Prevention (CDC) khuyến nghị tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ – và đặc biệt là những người đang có kế hoạch mang thai – nên bổ sung khoảng 400 microgam (0,4 miligam) axit folic mỗi ngày. Có thể bổ sung từ vitamin tổng hợp hoặc từ thực phẩm.  

Tại sao axit folic rất quan trọng? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung axit folic 1 tháng trước khi mang thai và trong suốt 3 tháng đầu của thai kỳ giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh – The Centers for Disease Control and Prevention (CDC) khuyến nghị tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ – và đặc biệt là những người đang có kế hoạch mang thai – nên bổ sung khoảng 400 microgam (0,4 miligam) axit folic mỗi ngày. Có thể bổ sung từ vitamin tổng hợp hoặc từ thực phẩm.  
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh – The Centers for Disease Control and Prevention (CDC) khuyến nghị tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ – và đặc biệt là những người đang có kế hoạch mang thai – nên bổ sung khoảng 400 microgam (0,4 miligam) axit folic mỗi ngày. Có thể bổ sung từ vitamin tổng hợp hoặc từ thực phẩm.  

1.2.4. Vai trò quan trọng của folate với sự phát triển của thai nhi

Ống thần kinh được hình thành trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ. Thậm chí có thể trước khi một người phụ nữ biết mình có thai. Và tiếp tục phát triển thành não và tủy sống của em bé. Khi ống thần kinh hình thành không đúng cách, thai nhi có thể bị dị tật ống thần kinh như tật nứt đốt sống. 

Vì vậy, khi có kế hoạch mang thai, các mẹ nên bổ sung axit folic trước khi mang thai và trong 3 tháng đầu của thai kỳ nhé. Để biết nên bổ sung bao nhiêu là hợp lý, các mẹ nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể. Tránh tự ý uống, không theo hướng dẫn, chỉ dẫn của bác sĩ.

1.2.5. Bổ sung nước

Nhiều mẹ bầu gặp tình trạng táo bón hoặc thiếu ối trong quá trình mang thai. Một trong những lý do đó có thể là do mẹ uống quá ít nước. Vì vậy, luôn chủ động bổ sung đủ nước cho cơ thể, các mẹ nhé. Đặc biệt là trong khi mang thai. Uống đủ nước giúp các mẹ ngăn ngừa tình trạng mất nước, táo bón hoặc thiếu ối.

Các mẹ có thể bổ sung nước bằng cách uống nước lọc hoặc những loại nước tốt cho sức khoẻ. Tránh uống nước ngọt, cafe, bia,… các mẹ nhé.

1.2.6. Tập thể dục

Tập thể dục mang lại những lợi ích vô cùng tốt cho sức khoẻ, không chỉ với mọi người nói chung, đặc biệt với mẹ bầu.
Tập thể dục mang lại những lợi ích vô cùng tốt cho sức khoẻ, không chỉ với mọi người nói chung, đặc biệt với mẹ bầu.

Tập thể dục mang lại những lợi ích vô cùng tốt cho sức khoẻ, không chỉ với mọi người nói chung, đặc biệt với mẹ bầu. Tập thể dục thường xuyên giúp mẹ bầu:

  • Ngăn ngừa tăng cân không cần thiết
  • Giảm các vấn đề liên quan đến thai kỳ, như đau lưng, phù và táo bón
  • Cải thiện giấc ngủ
  • Cải thiện tâm trạng
  • Giảm thời gian phục hồi sau khi sinh
  • … 

Tập thể dục với tác động nhẹ nhàng, cường độ vừa phải (như đi bộ và bơi lội) là những lựa chọn tuyệt vời cho các mẹ. Các mẹ cũng có thể thử các lớp yoga, Pilates, hoặc tập theo bài tập từ các ứng dụng tập thể dục phù hợp với thai kỳ. Đây là những tác động nhẹ nhàng, mang lại sự linh hoạt và thư giãn cho cơ thể. Các mẹ nên hạn chế tập thể dục nhịp điệu, tác động nhanh, mạnh hay các môn thể thao có nguy cơ bị ngã hoặc chấn thương bụng.

Lưu ý khi tập thể dục

Điều quan trọng là mẹ phải nhận thức được cơ thể đang thay đổi như thế nào để lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp. Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu tạo ra một loại hormone gọi là relaxin. Relaxin có vai trò ngăn ngừa các cơn co thắt sớm, giúp giữ thai và tránh làm sảy thai. Tuy nhiên, nó cũng làm lỏng dây chằng trong cơ thể, khiến cơ thể mẹ kém ổn định và dễ bị chấn thương hơn. Vì vậy, tập những bài tập nặng, nhanh, mạnh có thể gây áp lực cho toàn cơ thể, đặc biệt là các khớp ở xương chậu, lưng dưới và đầu gối. 

Ngoài ra, trọng tâm của mẹ bầu thay đổi khi thai nhi ngày một lớn hơn. Do đó mẹ có thể cảm thấy mất cân bằng và có thể bị ngã. Vì vậy, khi lựa chọn hình thức/ bộ môn để tập thể dục, các mẹ hãy cân nhắc cẩn thận nhé. Tập từng chút một, lắng nghe cơ thể. Dừng lại nếu thấy bất kỳ vấn đề bất thường nào hoặc thấy không thoải mái.

1.2.7. Giấc ngủ

Điều quan trọng khi chăm sóc mẹ bầu chính là chất lượng giấc ngủ.
Điều quan trọng khi chăm sóc mẹ bầu chính là chất lượng giấc ngủ.

Điều quan trọng khi chăm sóc mẹ bầu chính là chất lượng giấc ngủ. Ngủ đủ giấc khiến mẹ bầu cảm thấy thoải mái, khoẻ khoắn hơn. Khi mang thai, nhiều mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường. Và khi thai nhi lớn hơn, các mẹ sẽ khó tìm được tư thế thoải mái khi ngủ. 

Nằm nghiêng về một phía, nhất là bên trái có thể là tư thế thoải mái nhất khi mang thai. Tư thế này được cho là tư thế ngủ tốt nhất cho mẹ bầu. Bởi:

  • Nằm nghiêng bên trái giúp giảm áp lực của các bộ phận khác lên tử cung. Đồng thời giúp động mạch chủ – cung cấp máu, chất dinh dưỡng đến thai nhi hoạt động bình thường
  • Giúp tử cung dễ dàng mở rộng, không chịu áp lực từ các bộ phận khác trong cơ thể ở 3 tháng cuối thai kỳ. Em bé dễ dàng nhận được oxy, máu và các chất dinh dưỡng
  • Giúp ngăn ngừa hoặc giảm chứng giãn tĩnh mạch, bệnh trĩ và sưng ở chân.

2.Một số điều cần tránh khi mang thai

2.1.Tránh/ hạn chế uống rượu/ bia

Chưa có nghiên cứu/ con số cụ thể nào về số lượng sử dụng rượu, bia được cho là an toàn cho mẹ bầu và thai nhi. Có thể uống rượu bia vừa phải không gây ra những bất thường nghiêm trọng cho thai nhi, nhưng vẫn có thể có những rủi ro nhất định. Hệ quả của việc uống nhiều rượu bia có thể khiến bé có nguy cơ mắc hội chứng suy thai do rượu ở thai nhi (Fetal Alcohol Syndrome – FAS).

Hội chứng FAS này có thể gây ra các dị tật bẩm sinh nghiêm trong cho em bé
Hội chứng FAS này có thể gây ra các dị tật bẩm sinh nghiêm trong cho em bé

Hội chứng FAS này có thể gây ra các dị tật bẩm sinh nghiêm trong cho em bé: vấn đề phát triển trí não, cơ thể. Nếu các mẹ đã uống rượu bia khi không biết mình mang thai thì hãy ngừng uống ngay nhé. Còn khi biết mình có thai rồi, việc hoàn toàn ngừng uống rượu bia là điều vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khoẻ của bé và bản thân.

2.2.Hút thuốc lá, thuốc có chất kích thích

Phụ nữ mang thai hút thuốc lá, thuốc có chất kích thích có thể khiến thai nhi gặp những rủi ro sau:

  • Có nguy cơ sinh non
  • Tăng trưởng kém
  • Nhẹ cân sau khi sinh
  • Dị tật bẩm sinh
  • Mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden infant death syndrome – SIDS)
  • Có các vấn đề về hành vi và học tập
  • Hen suyễn và các vấn đề về hô hấp khác

2.3.Hạn chế/ tránh sử dụng thực phẩm chứa caffeine

Tiêu thụ caffeine liều cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ sảy thai. Vì vậy các mẹ nên hạn chế hoặc thậm chí tránh hoàn toàn thực phẩm chứa caffeine nếu được. 

Nếu gặp khó khăn trong việc cắt giảm cà phê, đây là cách các mẹ có thể bắt đầu: 

  • Giảm mức tiêu thụ xuống còn một hoặc hai cốc mỗi ngày
  • Dần dần giảm lượng caffeine bằng cách kết hợp sử dụng cà phê Decaf với cà phê thông thường. Cafe Decaf là dòng cà phê được loại bỏ ít nhất 97% hàm lượng caffeine
  • Cuối cùng cố gắng cắt bỏ hoàn toàn cà phê
Tiêu thụ caffeine liều cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ sảy thai
Tiêu thụ caffeine liều cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ sảy thai

Caffeine không chỉ có trong cà phê. Nhiều loại trà, cola và nước ngọt khác có chứa caffeine. Vì vậy, các mẹ hãy thử chuyển sang các sản phẩm khử caffein (vẫn có thể chứa một lượng ít caffeine) hoặc các chất thay thế không chứa caffeine.

2.4.Lựa chọn thực phẩm lành mạnh

Dinh dưỡng vô cùng quan trọng với chăm sóc sức khoẻ mẹ bầu và em bé. Vì vậy, việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh và an toàn cũng quan trọng không kém. Góc của mẹ đã có bài viết chi tiết về những thực phẩm tốt cho mẹ bầu. Các mẹ có thể đọc chi tiết ở đây nhé. 

3.Lưu ý mẹ bầu khi sử dụng thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn

Ngay cả những loại thuốc không kê đơn, được dùng phổ biến thì cũng không thể đảm bảo là có chắc chắn an toàn cho em bé hay không. Không chỉ vậy, một số loại thuốc kê đơn cũng có thể gây hại cho thai nhi. Vì vậy, để đảm bảo an toàn nhất, các mẹ bầu nên:

  • Hỏi bác sĩ thật kỹ về những loại thuốc các mẹ uống có an toàn không, cả thuốc theo đơn lẫn không theo đơn
  • Nói với bác sĩ những loại thuốc mẹ đang dùng
  • Nếu bị dị ứng với thành phần nào của thuốc, mẹ cũng nói với bác sĩ nhé
  • Nếu mẹ đã được kê thuốc trước khi mang thai vì bệnh, hoặc vấn đề nào đó về sức khoẻ, hãy nói chuyện với bác sĩ, mẹ nhé. Nếu mẹ bị bệnh (ví dụ như bị cảm lạnh) hoặc có các triệu chứng khiến mẹ cảm thấy khó chịu hoặc đau đớn (như đau đầu hoặc đau lưng) khi mang thai, mẹ cũng nên gặp bác sĩ. Khi đó, bác sĩ sẽ đưa ra các cách để giúp mẹ cảm thấy tốt hơn mà không cần dùng thuốc.
Nếu mẹ bị bệnh (ví dụ như bị cảm lạnh) hoặc có các triệu chứng khiến mẹ cảm thấy khó chịu hoặc đau đớn (như đau đầu hoặc đau lưng) khi mang thai, mẹ cũng nên gặp bác sĩ
Nếu mẹ bị bệnh (ví dụ như bị cảm lạnh) hoặc có các triệu chứng khiến mẹ cảm thấy khó chịu hoặc đau đớn (như đau đầu hoặc đau lưng) khi mang thai, mẹ cũng nên gặp bác sĩ

4.Luôn chăm sóc sức khoẻ mẹ bầu trong suốt thai kỳ

Mang thai là một hành trình dài. Vì vậy, điều quan trọng là các mẹ hãy tự chăm sóc bản thân thật tốt để có thể chăm sóc em bé. Có thể các mẹ sẽ phải kiêng khem nhiều món ăn hay không được làm những việc trước đó nhưng tất cả những điều đó đều giúp em bé phát triển tốt nhất. Tránh những trường hợp không đáng có. Vì vậy, các mẹ hãy kiên trì và cố gắng nhé.

Đau bụng khi mang thai thường dễ gặp ở nhiều mẹ. Bởi cảm giác đau bụng liên quan đến tất cả mọi thứ. Từ táo bón, tăng lưu lượng máu đến tử cung trong ba tháng đầu đến các cơn gò Braxton-Hicks hoặc đau dây chằng tròn trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.

Đôi khi nó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, sẩy thai, tiền sản giật hoặc vấn đề khác cần được theo dõi. Để an toàn nhất, các mẹ hãy hỏi bác sĩ để được thăm khám và tư vấn kỹ càng nhất. Đồng thời, để yên tâm hơn, các mẹ cũng hãy hiểu rõ những lí do dẫn đến đau bụng khi mang thai nhé. Khi đó các mẹ sẽ chủ động hơn, lúc nào cần đến gặp bác sĩ, lúc nào không.

1. Đau bụng khi mang thai có thể xảy ra trong suốt thai kỳ

1.1. Đầy hơi, táo bón

Đầy hơi, chướng bụng thường xuất hiện trong thai kỳ do nồng độ progesterone tăng cao. Progesterone là một loại hormone làm thư giãn các cơ trong đường tiêu hóa. Nó làm quá trình tiêu hóa chậm lại, dẫn đến đầy hơi cũng như táo bón. Cả hai đều có thể khiến mẹ bầu thấy đau bụng.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng đầy hơi, táo bón hay những vấn đề đường tiêu hoá nói chung, các mẹ có thể thực hiện một số cách. Chẳng hạn ăn thực phẩm giàu chất xơ, ăn nhiều bữa nhỏ mỗi ngày, ăn chậm, nhai kỹ, uống nhiều nước. Nếu những cách này không có sự thay đổi nào, mẹ có thể nói chuyện với bác sĩ nhé.

Ăn nhiều rau, quả để hạn chế táo bón, đầy hơi các mẹ nhé
Ăn nhiều rau, quả để hạn chế táo bón, đầy hơi các mẹ nhé

1.2. Đau bụng sau khi đạt cực khoái

Đau bụng trong và sau khi đạt cực khoái (đôi khi kết hợp với đau lưng dưới) là trạng thái phổ biến và vô hại trong thai kỳ. Vấn đề có thể là do tâm lý của nhiều phụ nữ mang thai. Có thể nhiều mẹ lo lắng về việc làm tổn thương em bé khi quan hệ. Đau bụng cũng có thể là do tăng lưu lượng máu đến vùng xương chậu hoặc co bóp tử cung khi đạt cực khoái.

1.3. Lưu lượng máu đến tử cung

Khi mang thai, tử cung cần nhiều máu để cung cấp chất dinh dưỡng,… cho em bé. Điều này có thể khiến vùng bụng có cảm giác áp lực. Vì vậy, mẹ nên nằm xuống để nghỉ ngơi nhé.

1.4. Nhiễm trùng đường tiết niệu – Urinary Tract Infection (UTI)

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể không có triệu chứng, hoặc cũng có thể gây đau hoặc áp lực ở vùng chậu. Có một số triệu chứng nặng hơn các mẹ bầu có thể nhận biết được. Bao gồm nước tiểu có mùi hôi, nhiều bọt hoặc có máu; đau và rát khi đi tiểu; sốt; đi tiểu thường xuyên hơn. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị. Vì vậy, nếu có những dấu hiệu này hoặc thấy cơ thể bất thường, các mẹ nên gặp bác sĩ nhé.

2. Lý do đau bụng trong tam cá nguyệt thứ nhất đến thứ hai

2.1. Thụ thai

Khi thụ thai (ngay cả trước khi biết chắc chắn mình đã thụ thai), các mẹ có thể thấy đau bụng. Cảm giác đau bụng này giống như khi đến tháng. Cảm giác như có những cơn giật nhẹ và chảy máu nhẹ. Đây là khi trứng được thụ tinh ở thành tử cung, xảy ra khoảng 8 đến 10 ngày sau khi rụng trứng. Cảm giác này có thể chỉ kéo dài một ngày.

2.2. Mang thai ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung có thể khiến mẹ bầu cảm thấy đau bụng liên tục và ngày một đau hơn khi thai lớn hơn. Mang thai ngoài tử cung cũng thường gây ra chảy máu âm đạo, chóng mặt, ngất xỉu,… Do đó, các mẹ nhớ khám và siêu âm thai ở những tuần đầu thai kỳ nhé. Khi đó bác sĩ sẽ chẩn đoán được có mang thai ngoài tử cung hay không để có hướng chăm sóc và điều trị tiếp theo.

Có nhiều lí do khiến các mẹ đau bụng khi mang thai
Có nhiều lí do khiến các mẹ đau bụng khi mang thai

2.3. Sẩy thai

Đau bụng khi mang thai cũng liên quan đến sẩy thai. Cơn đau thường xảy ra ở bụng, lưng dưới, hoặc vùng chậu và kèm theo chảy máu. Hầu hết các trường hợp sảy thai xảy ra trong tam cá nguyệt thứ nhất. Nhưng cũng có thể xảy ra trong tam cá nguyệt thứ hai.

Đôi khi các mẹ có thể khó biết được cơn đau là sảy thai hay do trứng được thụ tinh hoặc tử cung đang mở rộng. Vì vậy triệu chứng sảy thai quan trọng nhất cần chú ý là chảy máu. Không giống đau bụng khi trứng được thụ tinh, đau bụng khi sảy thai thường đi kèm với chảy máu kéo dài trong vài ngày và ngày một nhiều hơn. Thấy dấu hiệu chảy máu bất thường, các mẹ hãy gặp bác sĩ ngay nhé.

3. Lý do đau bụng ở tam cá nguyệt thứ hai đến thứ ba

3.1. Đau dây chằng tròn

Dây chằng tròn là các dải mô bao quanh tử cung và bụng. Khi tử cung phát triển, dây chằng này bị căng ra để thích nghi với sự phát triển thai nhi. Đôi khi chúng gây đau ở bên phải bụng, đau ở hông hoặc háng. Có nhiều mẹ thấy đau một bên, nhưng cũng có người lại đau cả hai bên.

Đau dây chằng tròn thường bắt đầu trong tam cá nguyệt thứ hai. Đau dây chằng tròn thường xảy ra khi:

  • Khi tập thể dục

  • Sau khi bạn ra khỏi giường

  • Hắt hơi

  • Ho

  • Cười

  • Khi thực hiện một động tác đột ngột

Cảm giác đau này có thể kéo dài bất cứ lúc nào, từ vài giây cho đến vài phút. Để giảm đau, các mẹ hãy nghỉ ngơi và cố gắng thay đổi vị trí từ từ.

Dây chằng tròn căng ra có thể làm các mẹ căng, tức bụng
Dây chằng tròn căng ra có thể làm các mẹ căng, tức bụng

3.2. Cơn gò Braxton Hicks

Những cơn gò Braxton Hicks này được ví như chuyển dạ giả, giúp cơ thể thực hành và quen với cảm giác chuyển dạ thực sự. Braxton Hicks thường bắt đầu vào khoảng tuần 20 của thai kỳ. Các cơn co thắt Braxton Hicks tương đối ngắn (chỉ vài giây đến vài phút) và không đều. Các mẹ sẽ thấy đau bụng và căng tức vùng bụng.

Các mẹ hãy chắc chắn đang uống đủ nước nhé. Đó là khi nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc không màu. Vì mất nước có thể gây ra những cơn gò này. Để giảm cơn đau, các mẹ có thể thay đổi vị trí ngồi hoặc nằm nếu đang đứng, và ngược lại.

3.3. Bong nhau thai

Bong nhau thai là khi nhau thai tách (một phần hoặc hoàn toàn) khỏi tử cung trước khi em bé sinh ra. Nó có thể gây ra đau bụng dữ dội, dai dẳng cũng như đau lưng, chảy máu âm đạo. Nếu các mẹ gặp một trong những triệu chứng này hãy đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám ngay lập tức nhé.

3.4. Tiền sản giật

Tiền sản giật là tình trạng thường xảy ra trong nửa sau của thai kỳ. Đó là khi mẹ bầu có triệu chứng huyết áp cao và có protein trong nước tiểu. Khi đó, các mẹ có thể thấy đau bụng trên. Nó thường đi kèm với các triệu chứng khác bao gồm đau đầu dữ dội, thay đổi thị lực, buồn nôn hoặc nôn, sưng ở mặt và tay và khó thở.

Tiền sản giật có thể ảnh hưởng đến lượng oxy và dinh dưỡng cho em bé. Và nó làm tăng nguy cơ bị vỡ nhau thai. Tuy nhiên, tiền sản giật có thể điều trị được. Vì vậy điều quan trọng là phải gặp bác sĩ ngay nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên, các mẹ nhé.

3.5. Chuyển dạ

Chuyển dạ khiến các mẹ đau bụng khi mang thai
Chuyển dạ khiến các mẹ đau bụng khi mang thai

Chuyển dạ cũng có thể là lý do khiến mẹ bầu thấy đau bụng. Các cơn co thắt chuyển dạ diễn ra đều đặn, kéo dài từ 30 đến 70 giây và xảy ra liên tục và mạnh mẽ hơn theo thời gian.

Các mẹ có thể chuyển dạ nếu có những dấu hiệu sau:

  • Cơn co thắt đều đặn cứ sau 10 phút (hoặc sớm hơn) mà không biến mất khi thay đổi vị trí.

  • Cảm thấy áp lực ở vùng xương chậu(như em bé của bạn đang đẩy xuống)

  • Dịch tiết âm đạo thay đổi: rò rỉ dịch hoặc chảy máu.

Nếu các mẹ gặp những dấu hiệu này trước 37 tuần, đây có thể là chuyển dạ sinh non. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến bệnh viện để được thăm khám và kiểm tra, các mẹ nhé.

Trên đây là những lí do khiến các mẹ cảm thấy đau bụng khi mang thai. Có những nguyên nhân các mẹ có thể khắc phục được: táo bón, đầy hơn. Nhưng cũng có những nguyên nhân cần đến sự tư vấn, hỗ trợ của bác sĩ. Đây là những thông tin tham khảo, giúp các mẹ chủ động chăm sóc sức khoẻ bản thân và em bé hơn. Để an toàn hơn hết, các mẹ hãy hỏi và đến gặp bác sĩ nếu có những dấu hiệu đau bụng bất thường nhé.

Nguồn tham khảo

What to Expect When You’re Expecting, 5th edition, Heidi Murkoff and Sharon Mazel.

WhatToExpect.com, Round Ligament Pain (Sore Stomach) During Pregnancy, July 2018.

WhatToExpect.com, What Happens If You Have an Ectopic Pregnancy, October 2017.

WhatToExpect.com, Cramps and Contractions After Sex During Pregnancy, June 2018.

WhatToExpect.com, Miscarriage and Pregnancy, July 2018. WhatToExpect.com, Braxton Hicks Contractions, December 2017.

March of Dimes,Preeclampsia, December 2017.

Mayo Clinic, Ectopic Pregnancy, May 2018.

Mayo Clinic, What Causes Round Ligament Pain During Pregnancy, April 2018.

Mayo Clinic, Placental Abruption, January 2018.

American College of Obstetricians and Gynecologists, Urinary Tract Infections, May 2015.

American College of Obstetricians and Gynecologists, Ectopic Pregnancy, February 2018.

American College of Obstetricians and Gynecologists, How to Tell When Labor Begins, May 2011.

Theo thống kế, gần 10% phụ nữ có khả năng mắc tiểu đường thai kỳ khi mang thai. Hầu hết trong số họ đều ngạc nhiên khi biết mình bị tiểu đường thai kỳ. Bởi họ vẫn cảm thấy khoẻ mạnh, bình thường. Vậy, tiểu đường thai kỳ có thực sự đáng lo ngại? Nó có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? Cùng Góc của mẹ đọc ngay bài viết này nhé!

1. Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ – Gestational diabetes mellitus (GDM) là một dạng tiểu đường xảy ra trong thai kỳ. Đó là tình trạng cơ thể mẹ bầu có quá nhiều đường (glucose) trong máu. 

Khi chúng ta ăn, cơ thể chuyển hoá đường và tinh bột từ thức ăn thành glucose để cơ thể sử dụng. Tuyến tuỵ tạo ra hormone tên là insulin giúp cơ thể duy trì lượng đường trong máu. Khi bị tiểu đường, cơ thể không tạo ra đủ insulin hoặc không điều chỉnh tốt insulin. Do đó, cơ thể có quá nhiều đường trong máu. Điều này có thể gây ra các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng: bệnh tim, thận,…

Hầu hết phụ nữ mang thai được xét nghiệm tiểu đường thai kỳ (GDM) ở tuần 24 – 28 thai kỳ. Nếu mắc GDM, các mẹ bầu sẽ được kiểm soát và điều trị trong khi mang thai. Nếu không, GDM có thể gây ra những vấn đề cho mẹ và bé. Hầu như các mẹ sẽ không còn bị tiểu đường sau khi em bé chào đời. Tuy nhiên cũng có một số mẹ sẽ nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sau này.

2. Triệu chứng

Đa số phụ nữ mang thai ít khi có triệu chứng rõ rệt về tiểu đường thai kỳ. Đó là lí do vì sao cần xét nghiệm để chẩn đoán mẹ bầu có bị GDM hay không. Tuy nhiên, cũng có một số phụ nữ mang thai nhận thấy một số dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ. Các triệu chứng tương tự như tiểu đường thông thường.

Gần 10% phụ nữ có khả năng mắc tiểu đường thai kỳ khi mang thai
Gần 10% phụ nữ có khả năng mắc tiểu đường thai kỳ khi mang thai

Dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ gồm:

  • Cảm thấy khát nước. Mẹ bầu có thể muốn uống nhiều nước hơn bình thường.
  • Mệt mỏi
  • Miệng khô

3. Nguyên nhân

Vẫn chưa có nguyên nhân chính xác của tiểu đường thai kỳ, tuy nhiên hormone có thể là một trong những nguyên nhân. Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu sản xuất một lượng lớn hormone, bao gồm:

  • Human placental lactogen – hPL
  • Hormone làm cơ thể kháng insulin

Những hormone này ảnh hưởng đến thai nhi, duy trì thai kỳ. Theo thời gian, lượng hormone này tăng lên. Chúng có thể làm cho cơ thể mẹ bầu kháng insulin – hormone điều chỉnh lượng đường trong máu. Nếu tình trạng kháng insulin trở nên quá mạnh, lượng đường trong máu có thể không được duy trì ở mức độ cho phép. Từ đó khiến cơ thể có quá nhiều đường trong máu, gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ. 

4. Hai dạng tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ được chia thành 2 lớp. Class A1 – lớp A1 được dùng để mô tả bệnh tiểu đường thai kỳ có thể kiểm soát thông qua chế độ ăn uống. Class A2 – lớp A2 cần insulin hoặc thuốc uống để kiểm soát tình trạng. 

5. Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể gây ra vấn đề gì khi mang thai?

Nếu không được điều trị đúng cách, tiểu đường thai kỳ có thể gây ra những biến chứng sau:

5.1. Huyết áp cao và tiền sản giật

Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ tiền sản giật, mắc bệnh cao huyết áp.

Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp với mẹ bầu
Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp với mẹ bầu

5.2. Macrosomia

Macrosomia là tình trạng cơ quan của bé bị phì đại. Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ sinh con nặng cân so với cân nặng thai nhi trung bình. Bé có thể nặng khoảng 4 – 4,5kg hoặc hơn. Bé cũng có thể dễ mắc chứng béo phì và tiểu đường loại 2.

5.3. Trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra trong hoặc sau khi sinh con. Đây là khi người phụ nữ cảm thấy buồn bã, mất hứng thú với mọi thứ. Nó có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của người mẹ. Nếu không điều trị sớm và đúng cách, có thể gây ra những trường hợp đáng tiếc.

5.4. Sinh non

Trẻ sinh non có nguy cơ gặp các vấn đề về hô hấp, tim, tiêu hoá, thị lực,… cao hơn so với trẻ sinh đúng tháng.

5.5. Shoulder dystocia – Đẻ khó do kẹt vai

Đây là tình trạng sổ thai bị ngưng trệ do vai trước của thai nhi bị nêm chặt dưới xương mu. Nó thường xảy ra khi em bé có kích thước rất lớn. Nó có thể gây biến chứng cho cả mẹ và con. Mẹ có thể bị tổng thương âm đạo, tầng sinh môn. Con có thể bị tổng thương đám rối cánh tay, gãy xương đòn,..

5.6. Thai chết lưu

Thai quá lớn có thể làm tăng nguy cơ thai chết lưu, nhất là khi mẹ mắc bệnh tiểu đường.

5.7. Bệnh tiểu đường thai kỳ cũng có thể gây biến chứng cho sức khoẻ của em bé

  • Các vấn đề về hô hấp, bao gồm hội chứng suy hô hấp – Respiratory distress syndrome (RDS)
  • Vàng da, xảy ra khi hồng cầu trong máu bị vỡ, giải phóng ra Bilirubin. Do gan chưa chuyển hoá được hết Bilirubin ra khỏi máu nên gây ra vàng da.
  • Hạ đường huyết
  • Tăng nguy cơ bị tiểu đường, béo phì sau này
Chủ động kiểm tra tiểu đường trong máu để bảo vệ sức khoẻ mẹ và bé
Chủ động kiểm tra tiểu đường trong máu để bảo vệ sức khoẻ mẹ và bé

6. Những ai có nguy cơ mắc GDM?

Không phải mẹ bầu nào khi mang thai cũng bị tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, khả năng bị GDM cao hơn khi các mẹ:

  • Từ 40 tuổi trở lên
  • Thừa cân, béo phì, không hoạt động thể chất
  • Đã từng bị GDM hoặc em bé bị macrosomia trong lần mang thai trước
  • Bị huyết áp cao/ bệnh tim
  • Bị hội chứng đa nang buồng trứng (Polycystic ovary syndrome – PCOS). Hội chứng này là sự mất cân bằng hormone, ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tổng thể của phụ nữ
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường loại 2 hoặc mẹ, chị gái mắc GDM
  • Đã có mức đường huyết cao trong quá khứ
  • Đang dùng một số loại thuốc an thần hoặc steroid
  • Tăng cân quá nhanh trong nửa đầu thai kỳ

Ngay cả những mẹ không có bất kỳ yếu tố trên cũng vẫn có thể bị tiểu đường thai kỳ. Đây là lý do tại sao bác sĩ yêu cầu mẹ bầu kiểm tra GDM khi mang thai. 

7. Chẩn đoán GDM như thế nào?

Bác sĩ yêu cầu mẹ bầu kiểm tra xem có bị tiểu đường thai kỳ hay không bằng cách xét nghiệm dung nạp glucose đường uống Oral glucose tolerance test – OGTT. Xét nghiệm này được sử dụng trong lần khám thai đầu tiên và ở tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ.

Sử dụng nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống OGT
Sử dụng nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống OGT

8. Điều trị GDM như thế nào?

Kế hoạch điều trị đối với mẹ bầu mắc GDM sẽ phụ thuộc vào lượng đường trong máu trong cả ngày. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ khuyên mẹ bầu kiểm tra lượng đường trong máu trước và sau bữa ăn. Từ đó kiểm soát tình trạng bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Trong một số trường hợp, mẹ bầu có thể được tiêm insulin nếu cần thiết. Theo thống kế, chỉ có khoảng 10 – 20% mẹ bầu mắc GDM cần tiêm insulin để kiểm soát lượng đường trong máu.

9. Cách ngăn chặn cho những mẹ mắc GDM

Đối với hầu hết phụ nữ, GDM sẽ biến mất sau khi sinh. Nhưng nó cũng có thể khiến người phụ nữ có nhiều khả năng bị tiểu đường loại 2 trong tương lai. Đây là bệnh tiểu đường phổ biến nhất. Nếu bị tiểu đường tuýp 2, tuyến tuỵ tạo ra quá ít insulin hoặc cơ thể người phụ nữ trở nên kháng thuốc. 

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 sau khi mang thai, người phụ nữ có thể làm một số thứ sau:

  • Cho con bú. Cho con bú có thể giúp giảm cân sau khi mang thai. Bởi thừa cân khiến người phụ nữ dễ mắc bệnh tiểu đường hơn
  • Xét nghiệm bệnh tiểu đường từ 4 đến 12 tuần sau khi sinh em bé. Nếu kết quả bình thường, mẹ nên kiểm tra lại sau 1 đến 3 năm
  • Giữ trọng lượng cơ thể ổn định, khoẻ mạnh

Nguồn tham khảo

American Diabetes Association: “What is gestational diabetes?”

InDependent Diabetes Trust: “Gestational diabetes.”

American College of Obstetricians and Gynecologists: “Gestational diabetes.”

National Health Service: “Gestational diabetes.”

American Diabetes Association: “Diabetes symptoms.”

March of Dimes: “Frequent urination.”

Williams Obstetrics Twenty-Second Ed. Cunningham, F. Gary, et al, Ch. 52.

MedlinePlus [Internet]. Bethesda (MD): National Library of Medicine (US). Gestational Diabetes.

Hơn ⅔ phụ nữ bị đau lưng khi mang thai, theo một khảo sát cho biết. Vậy thực sự nguyên nhân khiến các mẹ bị đau lưng là gì? Điều này có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của mẹ? Cùng Góc của mẹ đọc ngay bài viết bên dưới để hiểu rõ hơn, các mẹ nhé.

1. Nguyên nhân đau lưng khi mang thai trong 3 tháng đầu

1.1. Thay đổi nội tiết tố

Trong ba tháng đầu, nồng độ progesterone trong cơ thể tăng nhanh. Điều này giúp thư giãn các cơ và dây chằng gần xương chậu. Tuy nhiên cũng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định và liên kết của các khớp. 

Thay đổi nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến sự ổn định và liên kết của các khớp
Thay đổi nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến sự ổn định và liên kết của các khớp

Một loại hormone khác mà các bác sĩ gọi là relaxin giúp trứng cấy vào thành tử cung, đồng thời ngăn ngừa các cơn co thắt trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Khi gần chuyển dạ, relaxin kích thích làm mềm cổ tử cung. Hơn nữa, relaxin làm thư giãn dây chằng và khớp ở vùng xương chậu để sinh nở dễ dàng hơn. Tuy nhiên, relaxin có thể ảnh hưởng đến các khớp ở khung chậu, mất ổn định. Từ đó gây ra đau lưng khi mang thai.

1.2. Stress

Mang bầu có thể khiến nhiều mẹ cảm thấy căng thẳng, ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý. Stress có thể gây ra các triệu chứng về thể chất. Chẳng hạn như mệt mỏi, đau đầu, cứng khớp, đau cơ, đau lưng.

2. Nguyên nhân đau lưng khi mang thai trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba

Trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, tử cung tiếp tục mở rộng khi thai nhi ngày một lớn hơn. Thay đổi tư thế, tăng cân và tách cơ đều góp phần gây đau lưng trong 2 giai đoạn này của thai kỳ.

2.1. Thay đổi tư thế

Khi em bé tăng cân, cơ thể mẹ bầu, nhất là phần phía trước sẽ phải thay đổi để di chuyển dễ dàng hơn. Khi đẩy người về phía trước như vậy vô tình tạo áp lực cho các cơ lưng. Từ đó khiến mẹ bầu thấy đau phần thắt lưng và cứng cơ.

2.2. Tăng cân

Tăng cân nhiều có thể khiến mẹ cảm thấy đau lưng khi mang thai
Tăng cân nhiều có thể khiến mẹ cảm thấy đau lưng khi mang thai

Cân nặng của phụ nữ mang thai có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả mẹ và bé. Và nó cũng góp phần gây ra đau thắt lưng và đau khớp. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh – The Centers for Disease Control and Prevention (CDC) khuyến nghị mẹ bầu nên tăng cân một cách hợp lý:

  • Tăng 12 – 18kg khi mang thai nếu mẹ bầu thiếu cân trước khi mang thai
  • Tăng 11 – 15kg khi mang thai nếu mẹ bầu có cân nặng bình thường
  • Tăng 7 – 11kg khi mang thai nếu mẹ bầu bị thừa cân
  • Tăng 5 – 9kg khi mang thai nếu mẹ bầu bị béo phì

2.3. Tách cơ

Phần bụng có hai dải cơ song song với nhau, chúng giúp bảo vệ cơ quan bên trong, đồng thời giúp ổn định cột sống. Khi mang thai, em bé phát triển, cơ bụng căng ra. Trong nhiều trường hợp, chúng tách ra. Áp lực này có thể dẫn đến tình trạng Diastasis recti – Tách cơ bụng sau sinh. Hay còn gọi là xổ bụng sau sinh.

Khi cơ bụng căng ra, chúng trở nên yếu hơn. Điều này có thể khiến tăng nguy cơ đau lưng khi mang thai.

3. Làm thế nào để giảm đau lưng khi mang thai

Có thể đau lưng là điều không thể tránh khỏi khi mang thai. Tuy nhiên, có nhiều cách giúp mẹ giảm đau lưng cả trong và sau khi mang thai:

  • Luôn thay đổi tư thế, không ngồi một vị trí quá lâu
  • Nằm nghiêng hoặc tư thế mẹ thấy ít đau nhất
  • Học thiền, yoga cho bà bầu
  • Ngủ đủ giấc
  • Massage để thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng
  • Sử dụng đai lưng hỗ trợ khi mang bầu

4. Lời khuyên để phòng ngừa và giảm đau lưng khi mang thai

Tập thể dục (yoga, đi bộ,…) để cơ thể dẻo dai hơn
Tập thể dục (yoga, đi bộ,…) để cơ thể dẻo dai hơn
  • Tăng cường hoạt động cơ bắp với những bài thiện an toàn và có lợi với thai kỳ
  • Duy trì cân nặng khoẻ mạnh trong suốt thai kỳ
  • Tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên với sự theo dõi và đồng ý của bác sĩ
  • Đi giày đế thấp
  • Tránh đứng lâu trong một thời gian dài
  • Tránh nâng vật quá nặng

5. Khi nào mẹ bầu cần đi khám bác sĩ

Đau lưng khi mang thai hầu như mẹ bầu nào cũng gặp phải. Nhưng nếu có các triệu chứng sau, các mẹ hãy đến bác sĩ để thăm khám ngay nhé.

  • Đau dữ dội
  • Cơn đau kéo dài hơn 2 tuần
  • Bị chuột rút liên tục, tần suất tăng dần
  • Đau khi đi tiểu
  • Ngứa ran ở tay chân
  • Chảy máu âm đạo
  • Dịch âm đạo không đều màu
  • Sốt
Đến gặp bác sĩ nếu có những dấu hiệu bất thường các mẹ nhé
Đến gặp bác sĩ nếu có những dấu hiệu bất thường các mẹ nhé

Đau thần kinh tọa xảy ra do chấn thương hoặc kích thích dây thần kinh tọa. Đau thần kinh tọa khi mang thai xảy ra khi thai nhi đang phát triển gây áp lực lên dây thần kinh tọa. Triệu chứng của đau thần kinh tọa là đau thắt lưng, từ mông xuống chân. Nếu mẹ bầu bị đau lưng dữ dội kéo dài hơn 2 tuần thì hãy đến bác sĩ để được kiểm tra ngay nhé.

Đau lưng khi mang thai là vấn đề các mẹ khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, các mẹ hoàn toàn có thể làm giảm cảm giác đau mỏi bằng những cách kể trên. Đồng thời, luôn giữ tinh thần thoải mái trong suốt thai kỳ cũng góp phần giúp cơ thể mạnh mẽ hơn.

Mẹ nên hiểu về những xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Bởi điều này giúp mẹ biết khi nào nên đi xét nghiệm, xét nghiệm những gì và nên làm gì tiếp theo nếu thai nhi có bất thường. Góc của mẹ đã tổng hợp ở bài viết dưới này. Cùng đọc các mẹ nhé!

1. Xét nghiệm sàng lọc trước sinh là gì?

Các xét nghiệm sàng lọc trước sinh là một tập hợp các thủ tục được thực hiện trong thai kỳ để xác định liệu em bé có khả năng bị dị tật bẩm sinh hay gặp những vấn đề bất thường không. Hầu hết các xét nghiệm này là không xâm lấn. Chúng thường được thực hiện trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai. Một số xét nghiệm được thực hiện trong tam cá nguyệt thứ ba. 

Xét nghiệm sàng lọc trước sinh là gì?
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh là gì?

Xét nghiệm sàng lọc trước sinh xác định khả năng bị dị tật bẩm sinh của thai nhi

Xét nghiệm sàng lọc chỉ có thể đưa ra những rủi ro hoặc xác suất có khả năng gặp một vấn đề bất thường nào đó. Khi kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính, xét nghiệm chẩn đoán có thể đưa ra kết luận chính xác. Một số xét nghiệm sàng lọc trước sinh đều được thực hiện ở các mẹ bầu. Ví dụ, xét nghiệm xem mẹ bầu có bị tiểu đường thai kỳ hay không. Tuỳ vào từng mẹ bầu, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm sàng lọc bổ sung.

2. Xét nghiệm sàng lọc trước sinh được thực hiện khi nào?

Các xét nghiệm sàng lọc trong ba tháng đầu có thể bắt đầu sớm nhất ở tuần 10 thai kỳ. Những xét nghiệm này thường liên quan đến xét nghiệm máu và siêu âm. Bác sĩ kiểm tra sự phát triển toàn diện của em bé. Đồng thời kiểm tra xem em bé có nguy cơ mắc các bệnh di truyền hay không, chẳng hạn như hội chứng Down

Xét nghiệm sàng lọc tam cá nguyệt thứ hai xảy ra trong khoảng từ 14 đến 18 tuần. Bao gồm xét nghiệm máu, siêu âm, trong đó kiểm tra xem người mẹ có nguy cơ sinh con mắc hội chứng Down hay dị tật ống thần kinh.

3. Xét nghiệm sàng lọc tam cá nguyệt đầu tiên

3.1. Siêu âm

Siêu âm được sử dụng để xác định kích thước và vị trí của thai nhi, xác nhận khoảng thời gian mang thai và tìm kiếm bất kỳ sự bất thường tiềm ẩn nào trong các cơ quan đang phát triển của em bé.  

Khoảng từ tuần thứ 11 đến tuần thứ 14 của thai kỳ, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm để đo độ mờ da gáy. Siêu âm này giúp chẩn đoán nguy cơ mắc hội chứng Down.

Siêu âm 
Siêu âm 

Siêu âm là một trong những phương pháp xét nghiệm sàng lọc trước sinh

3.2. Xét nghiệm máu sớm

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, các mẹ được yêu cầu xét nghiệm Double test. Đây là xét nghiệm giúp phát hiện một số hội chứng dị tật bẩm sinh ở bé. Double test được sử dụng để đo mức độ của một số chất trong máu. Cụ thể là β-hCG tự do (free beta-human chorionic gonadotropin) và PAPP-A (pregnancy associated plasma protein A). Double test kết với siêu âm đo độ mờ da gáy,… giúp bác sĩ đánh giá nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể. Ví dụ Hội chứng Down (Trisomy 21), Edwards (Trisomy 18) và Patau (Trisomy 13).

Trong lần khám thai đầu tiên, xét nghiệm máu để kiểm tra xem mẹ bầu có được chủng ngừa rubella hay không và sàng lọc bệnh giang mai, viêm gan B và HIV.  Xét nghiệm máu cũng sẽ được sử dụng để xác định nhóm máu và yếu tố Rh. Từ đó xác định khả năng tương thích Rh của mẹ bầu với thai nhi đang phát triển. Mẹ có thể là Rh (+) hoặc Rh (-). Hầu hết mọi người đều có Rh (+). Nhưng nếu người mẹ được phát hiện là Rh (-), cơ thể mẹ sẽ tạo ra các kháng thể ảnh hưởng đến bất kỳ lần mang thai tiếp theo nào.

Khi có sự không tương thích Rh, hầu hết phụ nữ sẽ được tiêm huyết thanh miễn dịch Rh (Rh immune globulin). Lần đầu tiên vào tuần 28 tuần thai kỳ và lần tiếp theo trong vòng 72 giờ sau khi sinh. Sự không tương thích xảy ra nếu mẹ bầu có Rh (-) và thai nhi là Rh (+). Nếu cả mẹ và bé đều có Rh (-), mẹ không phải tiêm.

Xét nghiệm máu sớm
Xét nghiệm máu sớm

Các mẹ không nên bỏ qua xét nghiệm máu trong thai kỳ nhé

3.3. Sinh thiết gai nhau – Chorionic Villus Sampling – CVS

Xét nghiệm sinh thiết gai nhau (Chorionic Villus Sampling – CVS) là thao tác lấy mẫu tế bào từ phần màng đệm bọc quanh phôi thai (hay còn gọi gai nhau). Mục đích để phân tích, tìm ra bất thường nhiễm sắc thể, dị tật bẩm sinh. Xét nghiệm này được thực hiện khoảng từ tuần 10 đến 12 của thai kỳ.

Xét nghiệm được thực hiện bằng cách lấy mô bánh nhau từ tử cung của mẹ, bằng kim hoặc ống thông qua đường bụng. Sau xét nghiệm, các mẹ có thể bị xuất huyết âm đạo nhẹ. Nguy cơ sảy thai thấp, tỉ lệ khoảng 1/500.

Xét nghiệm CVS này không phải mẹ bầu nào cũng được chỉ định. Thường là khi kết quả siêu âm, đo độ mờ da gáy,… cho kết quả thai nhi có nguy cơ mắc hội chứng Down hoặc nghi ngờ bất thường về nhiễm sắc thể khác.

4. Xét nghiệm sàng lọc tam cá nguyệt thứ hai

4.1. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm Quad test – kiểm tra 4 yếu tố từ máu của mẹ: AFP, hCG, Estriol và Inhibin-A. Quad test giúp chẩn đoán hội chứng dị tật bẩm sinh. Ví dụ hội chứng Down hay dị tật ống thần kinh. Xét nghiệm Quad test được thực hiện ở tuần thứ 15 – 22 của thai kỳ. 

4.2. Tầm soát đái tháo đường thai kỳ

Để tầm soát tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sử dụng nghiệm pháp dung nạp glucose. Xét nghiệm này được thực hiện từ tuần 24 – 28 thai kỳ. Bởi tiểu đường thai kỳ hầu như ít có biểu hiện, triệu chứng gì nên xét nghiệm máu giúp bác sĩ phát hiện được bệnh này. 

Những nguy cơ, biến chứng của tiểu đường thai kỳ Góc của mẹ đã có bài viết chi tiết. Các mẹ có thể đọc ở đây nhé. 

Tầm soát đái tháo đường thai kỳ
Tầm soát đái tháo đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ thường ít biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài

4.3. Chọc ối

Chọc ối là hình thức lấy nước ối khỏi tử cung để xét nghiệm. Trong nước ối có chứa các tế bào di truyền của thai nhi nên có thể chẩn đoán được những bất thường về di truyền. Chẳng hạn như hội chứng Down, tật nứt đốt sống. Chọc ối thường được thực hiện sau tuần 15 của thai kỳ.

Bác sĩ chỉ định chọc ối nếu mẹ bầu có:

  • Xét nghiệm sàng lọc trước sinh cho thấy kết quả bất thường
  • Mẹ bầu có bất thường về nhiễm sắc thể trong lần mang thai trước
  • Mẹ bầu từ 35 tuổi trở lên
  • Có tiền sử gia đình mắc một chứng rối loạn di truyền
  • Bố hoặc mẹ mắc một số rối loạn di truyền

5. Xét nghiệm sàng lọc tam cá nguyệt thứ ba

5.1. Xét nghiệm Liên cầu khuẩn nhóm B (Group B Streptococcus – GBS)

Liên cầu khuẩn nhóm B (Group B Streptococcus – GBS) là vi trùng gây nhiễm trùng sơ sinh thường gặp nhất, thậm chí có thể gây tử vong. GSB thường gặp ở phụ nữ khoẻ mạnh, đôi khi không có triệu chứng, không gây bệnh. Tuy nhiên, khi mang thai, mẹ mang mầm bệnh có thể truyền cho em bé khi sinh. Tỷ lệ lây truyền là 25%.

Xét nghiệm Liên cầu khuẩn nhóm B (Group B Streptococcus – GBS)
Xét nghiệm Liên cầu khuẩn nhóm B (Group B Streptococcus – GBS)

Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) là vi trùng gây nhiễm trùng sơ sinh thường gặp nhất

Vì vậy, mẹ bầu nên tầm soát GBS từ tuần 35-37 của thai kỳ để xem mình có bị nhiễm GBS hay không. Xét nghiệm được thực hiện bằng cách lấy dịch âm đạo và hậu môn. Nếu mẹ bầu nhiễm GBS, truyền kháng sinh khi bắt đầu chuyển dạ hoặc vỡ ối giúp hạn chế lây truyền GBS cho bé. Tốt nhất, truyền kháng sinh ít nhất 4 tiếng trước khi bé chào đời.

6. Xét nghiệm chẩn đoán trước sinh

Các xét nghiệm chẩn đoán là bước tiếp theo sau khi xét nghiệm sàng lọc có kết quả dương tính. Xét nghiệm chẩn đoán sử dụng phương pháp xâm lấn nhiều hơn xét nghiệm sàng lọc. Bác sĩ chỉ định xét nghiệm chẩn đoán nếu nghi ngờ những bất thường nhiễm sắc thể hoặc những vấn đề ảnh hưởng đến thai nhi.

7. Nói chuyện với bác sĩ

Xét nghiệm sàng lọc trước sinh là một trong những thứ mẹ bầu cần làm. Tuy nhiên, không phải xét nghiệm sàng lọc trước sinh nào cũng được thực hiện. Một số xét nghiệm chỉ được chỉ định khi có nghi ngờ về bất thường ở thai nhi. Vì vậy, mẹ hãy nói chuyện về bác sĩ về những mối quan tâm hay lo lắng để được tư vấn, kiểm tra cụ thể hơn.

Trên đây là những thông tin cụ thể về xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Hi vọng qua bài viết này, các mẹ có thể hiểu rõ hơn phần nào về những xét nghiệm cần làm. Đồng thời biết được thời điểm nên làm những xét nghiệm nào. Luôn chủ động kiểm tra và bảo vệ sức khoẻ của hai mẹ con, các mẹ nhỉ?

Nguồn tham khảo

Với những mẹ mang thai lần đầu hẳn sẽ rất thắc mắc về khám sàng lọc thai nhi. Vậy khám sàng lọc thai nhi là làm những gì? Tầm quan trọng của khám sàng lọc trước sinh? Hãy cùng Góc của mẹ đọc ngay bài viết này mẹ nhé!

1. Những xét nghiệm thường gặp để khám sàng lọc thai nhi

Trong suốt thời kỳ mang thai, mẹ bầu được chỉ định để làm những xét nghiệm nhằm khám sàng lọc thai nhi. Cụ thể:

  • Sàng lọc di truyền
  • Xét nghiệm sàng lọc trước sinh 3 tháng đầu
  • Xét nghiệm sàng lọc trước sinh tam cá nguyệt thứ hai
  • Siêu âm
  • Chọc ối
  • Lấy gai nhau CVS
  • Tầm soát tiểu đường thai kỳ
  • Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B
  • Theo dõi thai nhi
Những xét nghiệm thường gặp để khám sàng lọc thai nhi
Những xét nghiệm thường gặp để khám sàng lọc thai nhi

Khám sàng lọc thai nhi giúp bác sĩ phát hiện sớm những bất thường

Mục đích xét nghiệm sàng lọc thai nhi

Mỗi xét nghiệm trên đều có những mục đích khác nhau. Chẳng hạn:

  • Sàng lọc di truyền có thể giúp chẩn đoán khả năng mắc một số rối loạn di truyền trước khi sinh. 
  • Xét nghiệm sàng lọc ba tháng đầu là sự kết hợp giữa siêu âm thai và xét nghiệm máu mẹ. Quá trình sàng lọc này có thể giúp xác định nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh
  • Xét nghiệm khám sàng lọc thai nhi trong tam cá nguyệt thứ hai có thể bao gồm một số loại xét nghiệm máu. Kết quả của những mẫu xét nghiệm này giúp cung cấp thông tin về nguy cơ thai nhi dị tật bẩm sinh hoặc bất thường về nhiễm sắc thể. Mẹ bầu có thể được siêu âm vào những thời điểm khác nhau trong thai kỳ để kiểm tra sự phát triển của thai nhi. Đồng thời dự đoán ngày sinh, phát hiện những bất thường của bé. 
  • Ngoài ra, những xét nghiệm bổ sung trong thai kỳ có thể bao gồm chọc ối, lấy gai nhau (CVS), theo dõi thai nhi, xét nghiệm glucose, xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B.

Để hiểu rõ hơn về khám sàng lọc thai nhi, các mẹ hãy đi lần lượt từng phần sau nhé.

2. Sàng lọc di truyền

Sàng lọc di truyền
Sàng lọc di truyền

Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm di truyền trong thai kỳ nếu bố/ mẹ có tiền sử gia đình bị rối loạn di truyền

Nhiều bất thường về di truyền có thể được chẩn đoán trước khi sinh. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm di truyền trong thai kỳ nếu bố hoặc mẹ có tiền sử gia đình bị rối loạn di truyền. Mẹ bầu cũng có thể làm sàng lọc di truyền nếu đã có em bé bị bất thường di truyền trước đó. 

Các rối loạn di truyền có thể được chẩn đoán trước khi sinh bao gồm:

  • Bệnh u xơ nang (Cystic fibrosis – CF)
  • Bệnh loạn dưỡng cơ (Duchenne muscular dystrophy)
  • Bệnh rối loạn đông máu di truyền (Hemophilia A)
  • Bệnh thận đa nang (Polycystic kidney disease – PDK)

3. Xét nghiệm sàng lọc trước sinh 3 tháng đầu

Sàng lọc trước sinh ba tháng đầu là sự kết hợp giữa siêu âm thai và xét nghiệm máu của mẹ. Quá trình sàng lọc này có thể giúp xác định nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh hay không. Các xét nghiệm sàng lọc có thể được sử dụng một mình hoặc cùng với các xét nghiệm khác.  

Khám sàng lọc thai nhi trong tam cá nguyệt đầu tiên bao gồm:

3.1. Siêu âm độ mờ da gáy

Siêu âm độ mờ da gáy (NT scan) để xác định khả năng thai nhi có gặp những bất thường về nhiễm sắc thể. Chẳng hạn hội chứng Down.

Siêu âm độ mờ da gáy
Siêu âm độ mờ da gáy

Siêu âm là một trong những cách khám sàng lọc thai nhi

3.2. Siêu âm chiều dài xương mũi thai nhi

Siêu âm xác định chiều dài xương mũi thai nhi. Chỉ số này cho thấy thai nhi có xương mũi ngắn hay không. Bất sản xương mũi là hiện tượng mô tả không thấy xương mũi thai nhi khi siêu âm thai. Đây là dấu hiệu cho thấy thai nhi có khả năng gặp bất thường nhiễm sắc thể, chẳng hạn như hội chứng Down. Siêu âm này được thực hiện trong khoảng thời gian từ 11 đến 13 tuần thai kỳ

3.3. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp bác sĩ đo được 2 thông số sau:

PAPP-A (Pregnancy Associated Plasma Protein A) là một loại glycoprotein do nhau thai bài tiết có trong huyết thanh của mẹ. Nồng độ PAPP-A thấp liên quan đến việc tăng nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể: hội chứng Down, Edwards, Patau.

Hormone hCG (Human Chorionic Gonadotropin) có vai trò kích hoạt các tế bào mầm của thai phát triển và trưởng thành. hCG cũng giúp kích thích tiết hormone sinh dục, hình thành giới tính của thai nhi. Nồng độ hCG giúp bác sĩ xác định tuổi thai, theo dõi tình trạng phát triển của thai kỳ.

Nếu kết quả của các xét nghiệm sàng lọc trong ba tháng đầu tiên bất thường, bác sĩ yêu cầu làm những xét nghiệm bổ sung khác. Chẳng hạn như lấy gai nhau, chọc ối… để có thể chẩn đoán chính xác.

4. Xét nghiệm sàng lọc trước sinh tam cá nguyệt thứ hai

Xét nghiệm sàng lọc trước sinh tam cá nguyệt thứ hai
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh tam cá nguyệt thứ hai

Xét nghiệm tầm soát huyết thanh mẹ giúp bác sĩ đánh giá khả năng bị dị tật bẩm sinh

Xét nghiệm sàng lọc trước sinh tam cá nguyệt thứ hai có thể bao gồm một số loại xét nghiệm máu. Kết quả của những mẫu xét nghiệm này giúp cung cấp thông tin về nguy cơ thai nhi dị tật bẩm sinh hoặc bất thường về nhiễm sắc thể.

Những xét nghiệm sàng lọc này thường được thực hiện trong khoảng từ tuần 15 đến 20 của thai kỳ (tuần 16 đến 18 là lý tưởng nhất). 

Xét nghiệm tầm soát huyết thanh mẹ được dùng để đo:

  • Nồng độ AFP (Alpha-fetoprotein) là protein huyết tương có nồng độ cao trong máu thai nhi. Một protein AFP được tạo ra bởi các tế bào gan chưa trưởng thành trong tế bào thai. Khi mới sinh, trẻ sơ sinh có nồng độ AFP trong máu tương đối cao và giảm dần xuống mức thấp thông thường. Người trường thành, không mang thai, khoẻ mạnh có nồng độ AFP thấp (<10ng/ml). Mức AFP bất thường có thể chỉ ra những bất thường ở thai nhi hay dị tật bẩm sinh
  • Hormone Inhibin A
  • hCG
  • Estriol (uE3)

Nồng độ các chất này cùng với tuổi của mẹ và các yếu tố khác giúp bác sĩ đánh giá khả năng bị dị tật bẩm sinh hay một số vấn đề của thai nhi.

5. Siêu âm thai

Siêu âm thai là một trong những phương pháp giúp khám sàng lọc thai nhi. Phương pháp này giúp bác sĩ kiểm tra sự phát triển của thai nhi. Siêu âm thai được thực hiện ở nhiều thời điểm khác nhau trong suốt thai kỳ với những mục đích khác nhau. Bài viết chi tiết về siêu âm thai các mẹ có thể đọc ở đây nhé.

Siêu âm thai
Siêu âm thai

Siêu âm thai được thực hiện ở nhiều thời điểm khác nhau trong suốt thai kỳ

6. Sinh thiết gai nhau – Chorionic Villus Sampling – CVS

Xét nghiệm sinh thiết gai nhau (Chorionic Villus Sampling – CVS) là thao tác lấy mẫu tế bào từ phần màng đệm bọc quanh phôi thai (hay còn gọi gai nhau). Mục đích để phân tích, tìm ra bất thường nhiễm sắc thể, dị tật bẩm sinh. Xét nghiệm này được thực hiện khoảng từ tuần 10 đến 12 của thai kỳ.

Xét nghiệm được thực hiện bằng cách lấy mô bánh nhau từ tử cung của mẹ, bằng kim hoặc ống thông qua đường bụng. Sau xét nghiệm, các mẹ có thể bị xuất huyết âm đạo nhẹ. Nguy cơ sảy thai thấp, tỉ lệ khoảng 1/500.

Xét nghiệm CVS này không phải mẹ bầu nào cũng được chỉ định. Thường là khi kết quả siêu âm, đo độ mờ da gáy,… cho kết quả thai nhi có nguy cơ mắc hội chứng Down hoặc nghi ngờ bất thường về nhiễm sắc thể khác.

7. Chọc ối

Chọc ối là hình thức lấy nước ối khỏi tử cung để xét nghiệm. Trong nước ối có chứa các tế bào di truyền của thai nhi nên có thể chẩn đoán được những bất thường về di truyền. Chẳng hạn như hội chứng Down, tật nứt đốt sống. Chọc ối thường được thực hiện sau tuần 15 của thai kỳ.

Bác sĩ chỉ định chọc ối nếu mẹ bầu có:

  • Xét nghiệm sàng lọc trước sinh cho thấy kết quả bất thường
  • Mẹ bầu có bất thường về nhiễm sắc thể trong lần mang thai trước
  • Mẹ bầu từ 35 tuổi trở lên
  • Có tiền sử gia đình mắc một chứng rối loạn di truyền
  • Bố hoặc mẹ mắc một số rối loạn di truyền

8. Xét nghiệm Liên cầu khuẩn nhóm B (Group B Streptococcus – GBS)

Xét nghiệm Liên cầu khuẩn nhóm B (Group B Streptococcus – GBS)
Xét nghiệm Liên cầu khuẩn nhóm B (Group B Streptococcus – GBS)

Mẹ bầu nên tầm soát GBS tử 35-37 tuần để xem mình có bị nhiễm GBS hay không

Liên cầu khuẩn nhóm B (Group B Streptococcus – GBS) là vi trùng gây nhiễm trùng sơ sinh thường gặp nhất, thậm chí có thể gây tử vong. GSB thường gặp ở phụ nữ khoẻ mạnh, đôi khi không có triệu chứng, không gây bệnh. Tuy nhiên, khi mang thai, mẹ mang mầm bệnh có thể truyền cho em bé khi sinh. Tỉ lệ lây truyền là 25%. 

Vì vậy, mẹ bầu nên tầm soát GBS tử 35-37 tuần để xem mình có bị nhiễm GBS hay không. Xét nghiệm được thực hiện bằng cách lấy dịch âm đạo và hậu môn. Nếu mẹ bầu nhiễm GBS, truyền kháng sinh khi bắt đầu chuyển dạ hoặc vỡ ối giúp hạn chế lây truyền GBS cho bé. Tốt nhất, truyền kháng sinh ít nhất 4 tiếng trước khi bé chào đời.

9. Tầm soát đái tháo đường thai kỳ

Để tầm soát tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sử dụng nghiệm pháp dung nạp glucose. Xét nghiệm này được thực hiện từ tuần 24 – 28 thai kỳ. Bởi tiểu đường thai kỳ hầu như ít có biểu hiện, triệu chứng gì nên xét nghiệm máu giúp bác sĩ phát hiện được bệnh này. 

Những nguy cơ, biến chứng của tiểu đường thai kỳ Góc của mẹ đã có bài viết chi tiết. Các mẹ có thể đọc ở đây nhé. 

10. Theo dõi thai nhi

Khi mang thai và chuyển dạ muộn, bác sĩ có thể theo dõi nhịp tim của thai nhi và những chức năng khác. Theo dõi nhịp tim của thai nhi là phương pháp kiểm tra nhịp tim thai. Nhịp tim thai trung bình là từ 120 đến 160 nhịp mỗi phút. Nhịp tim bất thường có thể thai nhi không nhận đủ oxy hoặc đang gặp một vấn đề bất thường nào đó.

Dị tật bẩm sinh có thể được chẩn đoán trong khi mang thai hoặc sau khi em bé được sinh ra, tùy thuộc vào loại dị tật bẩm sinh cụ thể. Vậy các mẹ biết những gì về xét nghiệm dị tật thai nhi? Cùng Góc của mẹ đọc ngay bài viết dưới này nhé!

1. Khi mang thai: Xét nghiệm dị tật thai nhi trước sinh

1.1. Xét nghiệm sàng lọc

Xét nghiệm sàng lọc được thực hiện để xem mẹ bầu hoặc em bé có gặp bất thường nào hay không. Xét nghiệm sàng lọc đưa ra những nghi ngờ, bất thường, chứ không đưa ra kết quả chính thức. Cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán để có kết luận cuối cùng. Xét nghiệm sàng lọc đôi khi có thể cho kết quả bất thường ngay cả khi mẹ và bé không gặp vấn đề gì. Khi mang thai, mẹ bầu được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm sàng lọc này để kiểm tra dị tật bẩm sinh hoặc các vấn đề khác cho mẹ và bé.

Xét nghiệm sàng lọc
Xét nghiệm sàng lọc

1.1.1. Xét nghiệm sàng lọc trong tam cá nguyệt đầu tiên

Sàng lọc tam cá nguyệt đầu tiên thường được thực hiện giữa tuần 11 và 13 của thai kỳ. Nó được sử dụng để phát hiện một số dị tật bẩm sinh liên quan đến rối loạn tim hoặc nhiễm sắc thể của em bé, chẳng hạn như hội chứng Down

Phương pháp sàng lọc để xét nghiệm dị tật thai nhi trong giai đoạn này gồm siêu âm và xét nghiệm máu. 

  • Siêu âm kiểm tra sự phát triển của thai nhi có bình thường hay không, phát hiện những bất thường. Điển hình là đo độ mờ da gáy để xem thai nhi có gặp những bất thường về nhiễm sắc thể hay không. Chẳng hạn hội chứng Down.
  • Xét nghiệm máu giúp bác sĩ kiểm tra 2 định lượng: β-hCG tự do (free beta-human chorionic gonadotropin) và PAPP-A (pregnancy associated plasma protein A).

Nếu nồng độ của 2 thông số này cao/ thấp bất thường kết hợp với kết quả siêu âm, có thể có rối loạn nhiễm sắc thể ở trẻ. Phương pháp kết hợp giữa xét nghiệm máu và đo độ mờ da gáy còn có tên gọi là Double test. 

1.1.2. Xét nghiệm sàng lọc trong tam cá nguyệt thứ hai

Các xét nghiệm dị tật thai nhi trong tam cá nguyệt thứ hai được thực hiện từ tuần 15 đến 20 của thai kỳ. Giống như trên, xét nghiệm sàng lọc trong giai đoạn này cũng là xét nghiệm máu và siêu âm. Tuy nhiên, xét nghiệm máu sẽ nhiều yếu tố hơn, siêu âm toàn diện hơn. Ngoài ra, có kết hợp thêm một số phương pháp xét nghiệm bổ sung khác nếu cần.

1.2. Xét nghiệm máu, sử dụng phương pháp Triple test.

Xét nghiệm này kiểm tra 3 yếu tố: AFP, hCG, Estriol

  • AFP (alpha-fetoprotein): protein do thai sản xuất
  • hCG (human chorionic gonadotropin): nội tiết do nhau sản xuất trong quá trình mang thai
  • Estriol: nội tiết estrogen được cả nhau và thai sản xuất

Kết quả như sau:

  • Nồng độ AFP tăng có thể thai có nguy cơ dị tật ống thần kinh
  • Nồng độ của AFP, hCG và Estriol đều giảm thì thai có nguy cơ bị bất thường nhiễm sắc thể. Ví dụ: hội chứng Down, Edwards.

Tuy nhiên, xét nghiệm sàng lọc không thể chẩn đoán tình trạng thai mà chỉ cho biết thai có nguy cơ bị rối loạn nhiễm sắc thể hay không. Từ đó có cần phải thực hiện những xét nghiệm khác hay không. 

1.3. Siêu âm

Siêu âm thường được thực hiện khoảng tuần thứ 18 – 20 của thai kỳ. Bác sĩ có thể kiểm tra kích thước của em bé, tìm những bất thường trong sự phát triển của bé.

Siêu âm
Siêu âm

1.4. Xét nghiệm chẩn đoán

Nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc bất thường, các bác sĩ chỉ định làm những xét nghiệm chẩn đoán tiếp theo để xác định xem có dị tật bẩm sinh hoặc các vấn đề khác có thể xảy ra với em bé hay không. Những xét nghiệm chẩn đoán này thường được thực hiện với:

  • Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên
  • Phụ nữ có thai trước đó bị ảnh hưởng bởi dị tật bẩm sinh
  • Phụ nữ mắc các bệnh mãn tính như lupus, huyết áp cao, tiểu đường hoặc động kinh
  • Phụ nữ sử dụng một số loại thuốc

1.5. Siêu âm độ phân giải cao

Siêu âm độ phân giải cao giúp bác sĩ có thể xem xét chi tiết hơn về các khuyết tật bẩm sinh có thể gặp ở em bé. Ngoài ra cũng có thể phát hiện ra những vấn đề bất thường khác được đề xuất trong các xét nghiệm sàng lọc trước đó. Phương pháp xét nghiệm dị tật thai nhi này được thực hiện khoảng từ tuần 18 – 22 của thai kỳ.

1.6. Sinh thiết gai nhau – Chorionic Villus Sampling – CVS

Xét nghiệm sinh thiết gai nhau (Chorionic Villus Sampling – CVS) là thao tác lấy mẫu tế bào từ phần màng đệm bọc quanh phôi thai (hay còn gọi gai nhau). Mục đích để phân tích, tìm ra bất thường nhiễm sắc thể, dị tật bẩm sinh. Xét nghiệm này được thực hiện khoảng từ tuần 10 đến 12 của thai kỳ.

Sinh thiết gai nhau – Chorionic Villus Sampling – CVS
Sinh thiết gai nhau – Chorionic Villus Sampling – CVS

Xét nghiệm được thực hiện bằng cách lấy mô bánh nhau từ tử cung của mẹ, bằng kim hoặc ống thông qua đường bụng. Sau xét nghiệm, các mẹ có thể bị xuất huyết âm đạo nhẹ. Nguy cơ sảy thai thấp, tỉ lệ khoảng 1/500.

Xét nghiệm CVS này không phải mẹ bầu nào cũng được chỉ định. Thường là khi kết quả siêu âm, đo độ mờ da gáy,… cho kết quả thai nhi có nguy cơ mắc hội chứng Down hoặc nghi ngờ bất thường về nhiễm sắc thể khác.

1.7. Chọc ối

Chọc ối là hình thức lấy nước ối khỏi tử cung để xét nghiệm. Trong nước ối có chứa các tế bào di truyền của thai nhi nên có thể chẩn đoán được những bất thường về di truyền. Chẳng hạn như hội chứng Down, tật nứt đốt sống. Chọc ối thường được thực hiện sau tuần 15 của thai kỳ.

Bác sĩ chỉ định chọc ối nếu mẹ bầu có:

  • Xét nghiệm sàng lọc trước sinh cho thấy kết quả bất thường
  • Mẹ bầu có bất thường về nhiễm sắc thể trong lần mang thai trước
  • Mẹ bầu từ 35 tuổi trở lên
  • Có tiền sử gia đình mắc một chứng rối loạn di truyền
  • Bố hoặc mẹ mắc một số rối loạn di truyền

2. Sau khi em bé được sinh ra

Sau khi em bé được sinh ra
Sau khi em bé được sinh ra

Một số dị tật bẩm sinh có thể không được chẩn đoán cho đến khi em bé được sinh ra. Hoặc thậm chí cho đến khi sau này mới có thể phát hiện được. Vì vậy, khi bé có vấn đề về sức khỏe, bác sĩ có thể tìm kiếm dị tật bẩm sinh bằng cách lấy tiền sử bệnh của trẻ và của gia đình, khám sức khỏe và đôi khi đề nghị xét nghiệm thêm. 

Ngoài ra, cha mẹ có thể đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa về dị tật bẩm sinh và di truyền. Họ đánh giá những bệnh nhân có thể có tình trạng di truyền hoặc dị tật bẩm sinh.

Nguồn tham khảo

Division of Birth Defects and Developmental Disabilities, NCBDDD, Centers for Disease Control and Prevention

Sau khi sinh mổ, cơ thể các mẹ thường sẽ yếu hơn những mẹ sinh thường. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng sau khi sinh mổ cho các mẹ cũng có đôi phần khắt khe hơn. Vậy các mẹ nên ăn gì sau khi sinh mổ để nhanh lại sức? Cùng Góc của mẹ đọc và lưu ngay thông tin dưới đây nhé!

1. Tại sao phải chú trọng đến dinh dưỡng cho mẹ sau khi sinh

Dù là sinh thường hay sinh mổ, nạp đủ dinh dưỡng cho giúp cơ thể các mẹ nhanh bù đắp lại phần năng lượng đã mất. Không những vậy, mẹ ăn uống đủ chất thì chất lượng sữa cho bé ti cũng sẽ tốt hơn.

Các mẹ cho con bú tiêu tốn nhiều calo hơn
Các mẹ cho con bú tiêu tốn nhiều calo hơn

Theo bản Hướng dẫn chế độ ăn uống được công bố bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Hiệp hội dinh dưỡng Hoa Kỳ, các mẹ cho con bú có thể cần đến 450 – 500 kcal (kilocalories) mỗi ngày. Số lượng calo bổ sung cần thiết cho phụ nữ cho con bú cũng ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Cụ thể: tuổi tác, cân nặng cơ thể, mức độ hoạt động, mức độ cho con bú (nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ hay bằng sữa công thức).

2. Các chất dinh dưỡng cần thiết phải có sau khi sinh mổ

Một chế độ ăn uống cân bằng giúp các mẹ cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Từ đó, giúp các mẹ phục hồi nhanh hơn, bé nhận được đủ chất dinh dưỡng khi bú mẹ. 

Dưới đây là một số chất dinh dưỡng cần thiết cho các mẹ sau khi sinh mổ. Các mẹ sinh thường cũng có thể tham khảo nhé.

2.1. Protein

Protein hỗ trợ sự phát triển của các mô tế bào mới, hỗ trợ quá trình phục hồi của cơ thể. Thực phẩm giàu protein giúp vết thương mau lành.

Thực phẩm từ sữa – một trong những nguồn bổ sung protein cho cơ thể
Thực phẩm từ sữa – một trong những nguồn bổ sung protein cho cơ thể

Các mẹ có thể ăn cá, trứng, thịt gà, thực phẩm từ sữa, thịt, đậu Hà Lan, đậu và các loại hạt. Những thực phẩm này dễ tiêu hóa, đặc biệt là trong thời gian đầu sau khi mổ. Lượng protein khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ trung bình là khoảng 48g, với những mẹ đang cho con bú cần thêm 15g.

2.2. Vitamin C

Vitamin C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp vết thương mau lành hơn. Các mẹ có thể ăn nhiều loại trái cây và rau quả. Chẳng hạn: cam, dưa, đu đủ, dâu tây, bưởi, khoai lang, cà chua và bông cải xanh.

Lượng Vitamin C hàng ngày được đề nghị là 115mg cho phụ nữ cho con bú, với những mẹ từ 14 đến 18 tuổi. Và 120mg cho những mẹ trên 19 tuổi. 

Vitamin C giúp vết thương mau lành hơn
Vitamin C giúp vết thương mau lành hơn

2.3. Vitamin tổng hợp

Ngoài vitamin C, các mẹ cũng nên bổ sung những loại vitamin khác nhé. Tốt nhất, các mẹ nên hỏi bác sĩ để được tư vấn cụ thể và chi tiết.

2.4. Sắt

Sắt là chất cần thiết để duy trì nồng độ hemoglobin trong máu. Thực phẩm giàu chất sắt bao gồm lòng đỏ trứng, thịt đỏ, hàu, quả sung, gan bò, đậu khô và trái cây khô. Tuy nhiên, các mẹ nên bổ sung lượng sắt vừa đủ.  Vì lượng sắt dư thừa có thể gây táo bón. 

Lượng sắt bổ sung cho cơ thể hàng ngày được đề nghị 10mg mỗi ngày đối với phụ nữ từ 14 đến 18 tuổi và 9mg mỗi ngày đối với những người trên 19 tuổi.

2.5. Canxi

Canxi giúp hỗ trợ sức khoẻ xương và răng, cải thiện huyết áp và sức khoẻ tim mạch. Nguồn thực phẩm giàu canxi gồm có sữa, sữa chua, phô mai, đậu phụ, cải xoăn và rau bina. 

Lượng canxi được khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ cho con bú ở độ tuổi 14 đến 18 là 1.300mg và đối với những người trên 19 tuổi là 1.000mg mỗi ngày. Trong thời gian cho con bú, 250 đến 350mg canxi được chuyển sang trẻ sơ sinh.

Rau – thực phẩm mang nhiều lợi ích đối với sức khoẻ
Rau – thực phẩm mang nhiều lợi ích đối với sức khoẻ

2.6. Chất xơ

Chất xơ giúp chống táo bón, không gây áp lực lên vết thương. Chất xơ cũng giúp làm giảm áp lực trong ruột, kích thích nhu động ruột. Từ đó giúp thức ăn đi qua đường ruột nhanh hơn. Thực phẩm chứa nhiều chất xơ gồm: các loại trái cây, rau xanh.

3. Thực phẩm cần tránh sau khi sinh mổ

Các mẹ nên tránh chất béo và đồ ăn vặt. Vì sau khi sinh mổ, các mẹ ít hoạt động để tiêu tốn năng lượng. Do đó, những thực phẩm này chỉ khiến các mẹ tăng cân thêm. có thể chỉ cần thêm vào trọng lượng của bạn. 

Tránh thức ăn cay vì chúng có thể dẫn đến các vấn đề về dạ dày các mẹ nhé. Dưới đây là một vài loại thực phẩm mà các mẹ nên thể tránh: 

  • Đồ uống có ga, chúng có thể gây đầy hơi. 
  • Nước ép cam quýt. Các mẹ có thể uống với lượng nhỏ, và sau đó tăng dần lên. Đồ uống chứa caffein như cà phê
  • Tránh xa rượu vì nó có thể làm giảm khả năng sản xuất sữa
  • Nếu các mẹ đang bị đầy hơi, thì có thể ngừng ăn các loại thực phẩm tạo khí như bắp cải, súp lơ, bông cải xanh, hành tây trong vài ngày. Các loại đậu các mẹ cũng nên ăn với số lượng nhỏ, và tăng dần.
  • Tránh thức ăn và đồ uống lạnh, chúng có thể làm các mẹ bị cảm lạnh đó
Tránh rượu, bia, đồ uống có cồn,… khi cho con bú, các mẹ nhé
Tránh rượu, bia, đồ uống có cồn,… khi cho con bú, các mẹ nhé

4. Những điều mẹ cần ghi nhớ sau khi sinh mổ

  • Uống nước và nước trái cây tốt cho sức khỏe. Giúp các mẹ tránh mất nước và táo bón. Chất lỏng giúp nhu động ruột trơn tru và phục hồi sau phẫu thuật nhanh hơn. Ngoài nước, các mẹ có thể uống sữa ít béo, nước ép không đường, trà thảo dược, nước dừa.
  • Các mẹ có thể ăn các món ăn từ cá hay trứng. Đây là những thực phẩm chứa axit béo omega-3, kẽm
  • Có những bữa ăn nhỏ trong ngày thay vì ăn 3 bữa như bình thường
  • Tránh nuốt chửng thức ăn. Thay vào đó, hãy nhai từ từ hoặc ăn những món ăn mềm, dễ nuốt các mẹ nhé
  • Có thể các mẹ sẽ mất ngủ hoặc thiếu ngủ để trông bé. Vì vậy, hãy cố gắng nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể. Giấc ngủ sẽ giúp cơ thể các mẹ nhanh khoẻ hơn. Đọc thêm các tips mà Góc của mẹ đã tổng hợp giúp mẹ nhanh phục hồi sau sinh tại đây nhé!

Trên đây là những thông tin giúp các mẹ hiểu hơn về chế độ dinh dưỡng sau khi sinh mổ. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các mẹ có thêm kiến thức để không chỉ vượt cạn thành công mà còn có một sức khoẻ dẻo dai nữa.

Nguồn tham khảo

  1. Breastfeeding and breast milk; US Department of Health and Human Services, National Institutes of Health
  2. Michelle A. Kominiarek; Nutrition Recommendations in Pregnancy and Lactation; NCBI (2016)
  3. Rebecca Kuriyan, Anura Kurpad and Ricardo Uauy; Protein Requirements of Pregnant and Lactating Women
  4. Vitamin C, Fact sheet for health professionals; National Institutes of Health
  5. Iron, Fact sheet for health professionals; National Institutes of Health
  6. Calcium, Fact sheet for health professionals; National Institutes of Health
  7. Recovery after a cesarean birth; Kaiser Permanente (2019)

Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối?” là câu hỏi nhiều mẹ quan tâm. Đặc biệt với những bé có cân nặng thấp hơn so với chỉ số trung bình trong tháng thứ 5 trở đi của thai kỳ. Mẹ nên lựa chọn tháng cuối ăn gì cho thai nhi tăng cân? Mẹ đọc bài viết dưới đây nhé!

Xem thêm: Thực đơn 3 Tháng cuối vào Con không vào Mẹ – 7 Món ăn vào con

Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh chóng tháng cuối?
Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh chóng tháng cuối?

1. Cân nặng thai nhi

Trước khi bắt đầu với “Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh chóng tháng cuối”, mẹ cần phải nắm được cân nặng của thai nhi như thế nào là chuẩn khoa học? Để đánh giá cân nặng thai nhi, cần sử dụng các công thức phức tạp để đưa ra mức trung bình của trọng lượng lý tưởng ở các giai đoạn khác nhau của thai kỳ. Mẹ xem thêm bảng cân nặng thai nhi mẹ nha. 

2. Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Tháng thứ 7 của thai kỳ?

Vậy ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối, cụ thể là tháng thứ 7 của thai kỳ? Bắt đầu tháng thứ 7 của thai kỳ cũng là bắt đầu tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ. Càng gần đến ngày sinh, các mẹ cần chăm sóc sức khoẻ cho chính mình và bé tốt hơn.

Ở tháng thứ 7 thai kỳ, chế độ ăn uống của mẹ nên tập trung nhiều vào em bé. Để thai nhi phát triển đúng cách và khoẻ mạnh, các mẹ nên bổ sung khoảng 450 calo mỗi ngày.

Mẹ bầu ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối, đặc biệt là với tháng 7 nhỉ?
Mẹ bầu ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối, đặc biệt là với tháng 7 nhỉ?

Chìa khoá ở đây là ăn uống điều độ, đầy đủ chất sắt, protein, canxi, magie, chất xơ, axit folic và DHA. Tránh thực phẩm chứa nhiều muối, chất béo, đường. Hoặc tránh những thực phẩm chỉ cung cấp lượng calo rỗng mà không có lợi ích dinh dưỡng.

3. Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Tháng thứ 8 của thai kỳ?

Vậy ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối, cụ thể là tháng thứ 8 của thai kỳ? Ở giai đoạn này tử cung ngày một lớn hơn. Dạ dày chỉ còn có một không gian nhỏ hơn so với bình thường.. Do đó, các mẹ nên ăn thành các bữa nhỏ, cách nhau khoảng vài giờ, để không tạo áp lực cho dạ dày, Đây là cách để dạ dày có thời gian tiêu hoá thức ăn hơn. 

Để đề phòng trường hợp mất máu khi sinh, các mẹ bầu nên ăn thực phẩm có hàm lượng vitamin và khoáng chất cao, hàm lượng sắt và canxi cao. Ngoài ra, các mẹ nên hấp thụ protein, carbohydrate, chất béo và chất xơ. Các mẹ nên ăn những bữa ăn nhỏ để tránh ợ nóng và khó tiêu nhé.

Không nên có cà phê trong danh sách ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối mẹ nhé!
Không nên có cà phê trong danh sách ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối mẹ nhé!

Tránh thực phẩm chứa nhiều chất béo, caffein, chưa nấu chín và các thực phẩm khác được coi là có hại trong thai kỳ. Tháng thứ 8 là khoảng thời gian các mẹ cần rất rất cẩn thận và lưu ý về chế độ ăn uống. Điều quan trọng là phải ăn những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao để cung cấp dinh dưỡng tối đa cho bé. Đây cũng là lúc các mẹ cũng bắt đầu tăng cân nhiều hơn. Vì vậy, các mẹ hãy tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga khi mang thai nhé. 

4. Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Tháng cuối của thai kỳ?

Vậy ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối, cụ thể là tháng cuối của thai kỳ? Trong bảng cân nặng thai nhi, em bé tăng cân nhanh chóng từ tam cá nguyệt thứ ba trở đi. Trong tháng cuối cùng của thai kỳ, các mẹ hãy tập trung vào chế độ ăn uống cân bằng và dinh dưỡng. Vì việc tăng cân của em bé cũng có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của mẹ.

Đây là thời điểm phần ăn của các mẹ sẽ tăng lên. Ưu tiên những thực phẩm giàu chất xơ, canxi, sắt và trái cây giàu vitamin C và A. Tháng cuối của thai kỳ có thể khá mệt mỏi với nhiều mẹ. Hầu như các mẹ không muốn di chuyển nhiều. Tuy nhiên, đi bộ hai lần một ngày sẽ thực sự giúp cơ thể linh hoạt hơn.

Ưu tiên thực phẩm chứa canxi, sắt, vitamin A, C trong danh sách ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối mẹ nhé!
Ưu tiên thực phẩm chứa canxi, sắt, vitamin A, C trong danh sách ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối mẹ nhé!

Mẹ có thể ngừa táo bón và ợ nóng bằng cách ăn uống lành mạnh, chia thành từng bữa nhỏ. Tránh chất caffeine, đồ uống có cồn, có ga, pho mát mềm, thịt gia cầm chưa tiệt trùng, thực phẩm ngọt và chiên.

5. Mẹo đơn giản trong việc ăn để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối

  • Có chế độ ăn uống của mẹ bầu cân bằng và giàu dinh dưỡng để tăng cân hợp lý khi mang thai
  • Uống vitamin thường xuyên.
  • Ăn các loại trái cây và các loại hạt khô
  • Đảm bảo dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc. Nếu khó ngủ, các mẹ có thể cân nhắc việc uống trà hoa cúc hoặc đọc sách trước khi ngủ
  • Giữ tinh thần thoải mái và tích cực
  • Hạn chế thực phẩm chiên rán
  • Tránh hút thuốc, uống rượu, caffeine, đồ uống và nước trái cây có chứa đường nhân tạo. Chúng đều có tác động tiêu cực đến sức khỏe của em bé

6. Nhóm dinh dưỡng trong chế độ ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối

6.1. Protein 

Protein rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của bé, đặc biệt là não của bé. 90 đến 100 gram protein nạc được khuyên dùng mỗi ngày cho mẹ bầu trong thai kỳ. Có nhiều thực phẩm chứa protein tốt cho sức khoẻ để các mẹ lựa chọn. Ví dụ: hạnh nhân, thịt gia cầm nạc, thịt bò nạc, cá ít thủy ngân, thực phẩm từ sữa. 

Protein đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi
Protein đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi

Các mẹ nhớ bổ sung protein trong bữa hàng ngày nhé. Chẳng hạn như phô mai ít béo hoặc bơ đậu phộng, trong mỗi bữa ăn và bữa ăn nhẹ để thúc đẩy sự phát triển của thai nhi. Hạt lanh, quả óc chó, hạt chia, dầu cá, rong biển chứa omega 3 cũng có thể được thêm vào bữa ăn. 

6.2. Carbohydrate 

Các carbohydrate từ thực phẩm chứa calo rỗng như bánh ngọt, đồ ăn nhanh v.v … nên được giảm thiểu. Vì chúng có thể khiến bà bầu tăng cân không cần thiết. Chúng cũng cung cấp ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng cho mẹ hoặc bé. Thay vào đó, bổ sung thực phẩm chứa nhiều calo tốt như các loại đậu, ngũ cốc vào chế độ ăn uống. 

6.3. Canxi 

Các bác sĩ khuyên phụ nữ mang thai và cho con bú nên bổ sung 1000 mg canxi mỗi ngày. Bổ sung các nguồn canxi tốt như các sản phẩm từ sữa, rau lá xanh đậm, nước ép, ngũ cốc, hạnh nhân, vừng.

Canxi có ở nhiều nguồn thực phẩm đa dạng khác nhau
Canxi có ở nhiều nguồn thực phẩm đa dạng khác nhau

6.4. Axit folic

Vitamin các mẹ cần uống trước khi mang thai là axit folic – vitamin nhóm B. Axit folic giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh của não và cột sống cho bé. Theo nghiên cứu, khoảng 70 % các trường hợp dị tật ống thần kinh có thể tránh được nếu sử dụng theo đúng liều lượng axit folic và trong suốt thời gian mang thai.

Thực phẩm giàu axit folic bao gồm đậu thận, đậu lăng, rau lá xanh, các loại hạt, trái cây có múi.

6.5. Chất béo

Thực phẩm nhiều chất béo bão hòa – không tốt cho sức khoẻ, nên được hạn chế trong thai kỳ. Thay vào đó, các mẹ có thể bổ sung các chất béo không bão hoà, lành mạnh như bơ, dầu ô liu, hạnh nhân. Chúng có lợi cho mẹ và em bé, giúp tăng trọng lượng thai nhi. 

Ưu tiên lựa chọn chất béo không bão hoà, tốt cho sức khoẻ các mẹ nhé
Ưu tiên lựa chọn chất béo không bão hoà, tốt cho sức khoẻ các mẹ nhé

6.6. Đường

Đường hoá học/ đường nhân tạo có những tác hại nhất định đối với sức khoẻ, đặc biệt với mẹ bầu. Tuy nhiên, các mẹ cũng không thể cắt bỏ hoàn toàn đường ra khỏi chế độ ăn uống được. Vì vậy, sử dụng đường tự nhiên trong trái cây là một lựa chọn hợp lý. 

Ngoài ra, nếu các mẹ vẫn muốn ăn đồ ngọt, hãy ăn một khẩu phần nhỏ khoảng 100 calo mỗi ngày nhé. Calo từ đồ ngọt cải thiện rất ít đến cân nặng của bé. Ngược lại, chúng khiến mẹ tăng cân không cần thiết. 

6.7. Vitamin và các khoáng chất

Trước và trong thai kỳ, các mẹ nhớ bổ sung vitamin và các khoáng chất cho cơ thể nhé. Có thể qua chế độ ăn uống, vitamin dạng uống,…

Ví dụ, rau bina cung cấp sắt, vitamin E và B12 cho cơ thể. Trái cây theo mua cung cấp khoáng chất vi lượng tốt. Hay tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng sớm. Khoảng 20 – 30 phút là đủ để mẹ duy trì mức vitamin D cần thiết. Cân nặng thai nhi là một trong những chỉ số giúp đánh giá sự phát triển của bé. Tuy nhiên, mẹ cần có chế độ ăn uống hợp lý. Mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ có kinh nghiệm và chuyên môn. Đồng thời, trong quá trình mang thai, mẹ cần theo dõi sức khoẻ của bản thân để đảm bảo luôn khoẻ mạnh nhé.

Mẹ có thể tìm hiểu thêm chế độ ăn uống của mẹ bầu ảnh hưởng đến kích thước, cân nặng thai nhi như thế nào tại đây mẹ nhé!

7. Danh sách thực đơn Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối

7.1. Mẹ bầu nên ăn cá giúp thai nhi tăng cân nhanh

Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Món cá chiên không dầu
Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Món cá chiên không dầu

Cá chứa nhiều Omega 3 (DHA) rất tốt cho thai nhi. Cá lại không khiến mẹ tăng cân nên mẹ cân đối thực đơn ăn từ 2-3 bữa trong tuần. Mẹ có thể làm món cá hấp, kho, luộc, nấu canh hay nấu cháo. Mẹ cũng cần ăn đa dạng các loại cá như: cá rô phi, cá chép, cá hồi… Tuy nhiên, nên chú ý hạn chế ăn các loại cá biển bởi chúng thường chứa nhiều thủy ngân, không tốt cho sức khỏe bà bầu. Các loại cá được chuyên gia khuyến khích mẹ bầu nên tăng cường sử dụng là cá hồi, cá chép, cá trôi,…

Mẹ hãy tham khảo cách nấu cá chép sốt cà chua siêu ngon mẹ nhé!

7.2.  Bổ sung cho cơ thể các loại thịt nạc

Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Món thịt bò áp chảo
Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Món thịt bò áp chảo

Các loại thịt có màu đỏ có chứa rất nhiều sắt. Vì thế nếu mẹ muốn tăng cần đều và bổ sung nhiều sắt thì nên ăn thịt bò. Thịt gà, thịt lợn cũng rất tốt cho thực đơn Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối. Ngoài ra, đây cũng là món không thể thiếu trong danh sách mẹ bầu ăn gì để bổ máu cực tốt đó mẹ! Mẹ ăn luân phiên vào các bữa trong tuần, mỗi món xuất hiện khoảng 2-3 bữa ăn.
Mẹ có thể đa dạng thực đơn hàng ngày bằng cách thay thế các loại hải sản như trai, ngao, ghẹ, cua, trùng trục. Ăn hải sản sẽ không khiến mẹ bị tăng cân nhưng mẹ nên lưu ý đừng ăn quá nhiều và liên tục tránh bị lạnh bụng.

7.3. Trứng vịt lộn – Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối

Ăn trứng vịt lộn - Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối
Ăn trứng vịt lộn – Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối

Trứng vịt lộn là món ăn rất bổ dưỡng và đặc biệt tốt cho thai nhi vào những tháng cuối của thai kỳ. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, một quả trứng lộn có chứa đến 182kcal năng lượng, 212mg photpho, 82mg canxi, 13,6g protein, 12,4g lipit,… đây đều là những dưỡng chất cần thiết đối với mẹ bầu. Đồng thời, hàm lượng vitamin trong trứng vịt lộn cũng rất đa dạng như vitamin A, vitamin B, vitamin C,… Trứng vịt lộn được đánh giá là món ăn phù hợp cho mẹ bầu có thai nhi bị thiếu cân và thiếu máu ở mức độ nhẹ. Để thai nhi tăng cân nhanh chóng vào tháng cuối mẹ nên ăn từ 3 – 4 trái vịt lộn/tuần.

Tuy nhiên, mẹ nhớ là không nên ăn trứng lộn vào ban đêm vì hàm lượng đạm trong chúng khá cao, dễ gây ra hiện tượng đầy hơi và khó tiêu. Đồng thời, những mẹ bầu đang gặp phải tình trạng tiểu đường thai kỳ, mắc bệnh về tim mạch hoặc huyết áp thì cũng không nên ăn trứng vịt lộn vì hàm lượng cholesterol trong thực phẩm này khá cao.

7.4. Bổ sung trứng gà vào thực đơn của mẹ bầu

Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Trứng gà
Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Trứng gà

Để thai nhi tăng cân nhanh chóng vào tháng cuối của thai kỳ thì không thể không nhắc đến trứng gà. Trong trứng gà chứa rất nhiều loại acid thiết yếu đối với cả mẹ bầu lẫn thai nhi. Hàm lượng chất choline tìm thấy trong trứng gà còn có khả năng duy trì chức năng của các tế bào bên trong cơ thể và hình thành nên bộ nhớ cho thai nhi.

Tuy nhiên, mẹ chỉ nên ăn khoảng 3 trái trứng/tuần để tránh gây mất cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể. Để chống ngấy thì mẹ bầu có thể chế biến chứng thành nhiều món khác nhau để sử dụng như luộc, chiên,…

7.5. Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Sữa tươi và sữa chua

Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Sữa
Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Sữa

Sữa là nguồn cung cấp dưỡng chất rất đa dạng cho cơ thể và đóng vai trò rất quan trọng đến sự phát triển của thai nhi. Việc uống sữa bầu sẽ khiến cân nặng của mẹ bầu tăng nhanh chóng do hàm lượng đường trong loại sữa này khá cao. Để cải thiện tình trạng này mẹ bầu có thể uống kết hợp sữa bầu với sữa tươi không đường, sữa tách béo hoặc chế chế phẩm từ sữa đó là sữa chua.

7.6. Mẹ bầu có thể ăn vặt bằng các loại hạt

Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Ăn hạt
Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Ăn hạt

Các loại hạt như mắc ca, hạt hạnh nhân, hạt có chó, hạt dẻ,… chứa rất nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển trí não và hệ thần kinh của thai nhi (omega-3, kẽm, vitamin, acid folic,…) Vì thế, trong giai đoạn thai kỳ mẹ bầu nên tăng cường sử dụng nhóm thực phẩm này trong chế độ ăn uống để ngăn ngừa các dị tật tại ống thần kinh của trẻ.

Tốt nhất, mẹ bầu hãy sử dụng các loại hạt này như một loại thức ăn vặt an toàn, vừa có khả năng cải thiện trọng lượng của trẻ mà không ảnh hưởng đến cân nặng của mẹ.

7.7. Bơ là món ăn không thể thiếu trong Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối

Bơ là món ăn không thể thiếu trong Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối
Bơ là món ăn không thể thiếu trong Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối

Bơ là trái cây được rất nhiều người yêu thích và rất thích hợp sử dụng cho thai phụ. Hàm lượng chất béo bão hòa tìm thấy rất đa dạng, chúng có tác dụng đặc biệt tốt đối với sức khỏe của bà bầu, đặc biệt là trong những tháng cuối của thai kỳ. Lượng calo trong quả bơ cao, đủ đáp ứng cho hoạt động hàng ngày của cả mẹ và bé. Chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích, vào những tháng cuối của thai kỳ mẹ bầu nên ăn từ 2 – 3 trái bơ/tuần giúp tăng cường sức khỏe và da dẻ mịn màng.

7.8. Cân bằng dinh dưỡng bằng rau quả tươi

Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Rau quả tươi
Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Rau quả tươi

Rau quả tươi là nhóm thực phẩm tuyệt đối không thể thiếu trong thực đơn ăn uống của mẹ bầu trong thời kỳ tam cá nguyệt thứ ba. Chuyên gia dinh dưỡng cho biết, rau xanh có tác dụng hỗ trợ thai nhi tăng cân rất tốt do thành phần dưỡng chất trong nhóm thực phẩm này giúp cơ thể dễ hấp thụ hơn.

  • Một số loại rau xanh giúp làm tăng cân thai nhi trong những tháng cuối của thai kỳ mà thai phụ nên tăng cường sử dụng là bông cải xanh, cà rốt, cải bó xôi, măng tây,…
  • Sử dụng các loại rau củ có nguồn sắt dồi dào giúp ngăn chặn nguy cơ thiếu máu ở thai phụ như rau dền, rau màu xanh đậm, đu đủ chín, táo tây,…

7.9. Tránh tiểu đường bằng trái cây ít ngọt

Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Trái cây ít ngọt
Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối: Trái cây ít ngọt

Trái cây là nguồn thực phẩm cung cấp đa dạng các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Nếu mẹ bầu muốn tăng cân nhanh chóng nhưng không bị tiểu đường thai kỳ thì nên tăng cường sử dụng các loại trái cây ít ngọt trong chế độ ăn uống hàng ngày như dâu tây, chanh leo, cam bưởi,… Bạn có thể ăn trái cây trong bữa phụ hoặc chế biến thành nước ép và sinh tố để sử dụng ngay trong bữa ăn hàng ngày.

Nguồn: Mom Ơi – Youtube

Trên đây là tất tần tật từ A đến Z về việc mẹ bầu ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối. Với những kiến thức được chia sẻ bên trên, chắc hẳn mẹ đang rất sẵn sàng trong việc chuẩn bị những hành trang đầu tiên tốt nhất cho bé phải không? Chúc mẹ và mẹ sẽ có được những bước đầu thật thành công mẹ nhé!

Xem thêm:

Mẫu thực đơn cho Bà bầu 3 Tháng đầu, giữa và cuối Thai kỳ

3 tháng cuối thai kỳ và những lưu ý cho mẹ bầu

Top 32 – những thực phẩm tốt cho bà bầu (phần 1)

Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/nutrition/13-foods-to-eat-when-pregnant

Giỏ hàng 0