Bé được từ 6 tháng tuổi, mẹ đã rục rịch bắt đầu tập cho con ăn dặm với nhiều loại thực phẩm đa dạng. Thế nhưng, con không chịu ăn, hay nhè thức ăn ra, thậm chí quấy phá mỗi lần tới bữa ăn khiến mẹ lo rằng con sẽ hấp thụ ít dưỡng chất và chậm phát triển so với các bạn đồng trang lứa. Nếu mẹ cũng đang có những băn khoăn, trăn trở như thế, cùng tạm biệt biếng ăn ở bé với 5 cách giúp trẻ ăn dặm ngon miệng sau mẹ nhé.
Mục lục
1. Tại sao bé ăn dặm không ngon miệng?
Mẹ đã chế biến rất nhiều thực phẩm khác nhau để kích thích vị giác cho con nhưng tại sao con vẫn không chịu ăn?. Bình tĩnh một chút để đọc vị 5 nguyên nhân khiến bé “từ chối” măm măm ngay dưới đây, giúp mẹ hiểu con hơn, từ đó có những phương pháp khoa học để con ăn ngon mẹ nhé!
1- Do tâm lý của bé
Theo Tổ chức Nghiên cứu Khoa học Hà Lan, khi tâm trạng hạnh phúc, bé sẽ có xu hướng ăn nhiều và ngon miệng hơn. Mẹ nên tạo không khí ăn uống vui nhộn qua những bài hát hoặc hoạt động giải trí trước khi măm măm để bé ăn ngon nhé.
Ví dụ, mẹ mở bài Baby Shark tiết tấu vui nhộn, vừa lắc lư người theo nhạc vừa tương tác, vui cười với bé yêu. Hoặc mẹ đặt những chiếc xe đồ chơi ở trước bé, đẩy xe di chuyển kết hợp âm thanh “ùn ùn” khi xe chạy, cùng bé xếp domino rồi đẩy ngã,… để tạo tâm lý thoải mái cho con trước bữa ăn. Mẹ tránh ép bé ăn quá nhiều, lớn tiếng mỗi lần con không chịu ăn, sẽ làm bé nảy sinh tâm lý sợ hãi, từ chối ăn dặm.
2- Do vấn đề sức khỏe
Nghiên cứu của Pu Feng vào năm 2015 đã cho thấy rằng, khi bị ốm, cảm lạnh, bé sẽ cảm thấy đắng trong miệng, ăn không ngon như bình thường. Nếu con đang ốm, con ăn ít là điều bình thường thôi mẹ ạ. Mẹ nhẹ nhàng vỗ về, đưa con thăm khám bác sĩ để mau hết bệnh, bé măm măm giỏi và ăn thật ngon trở lại nhé.
3- Do thức ăn không đủ hấp dẫn
Ngày nào cũng ăn đi ăn lại một món, đến người lớn chúng ta còn “ngao ngán”, đây lại còn là bé sơ sinh, đang từng bước khám phá thức ăn mới, không được đổi món mỗi ngày sẽ khiến ấn tượng của bé về thức ăn không tốt đâu mẹ ơi. Vẫn biết, mẹ bỉm bận rộn có ít thời gian chế biến nên nấu một lần rồi bảo quản, cho con ăn dần, nhưng chính điều này khiến bé chán ăn đó ạ.
4- Do thời điểm ăn dặm không đúng
Theo CDC Hoa kỳ, thời điểm thích hợp để bé làm quen với ăn dặm là khi bé được từ 6 tháng tuổi, hoặc khi bé có các dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm như tự ngồi được, bé đòi ăn thức ăn của mẹ… Nhiều mẹ bỉm mong muốn con ăn dặm sớm từ 4 – 5 tháng để hấp thu nhiều dưỡng chất, con bụ bẫm hơn hoặc trì hoãn, sợ con chưa thích ứng được nên bé đã 8 – 9 tháng rồi mà vẫn chưa ăn dặm. Việc cho con ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn đều không tốt đâu ạ.
Nếu ăn sớm, hệ tiêu hóa và khả năng nhai chưa đảm bảo nên con dễ bị nghẹn, nôn ói, ăn không ngon. Ngược lại, ăn dặm quá muộn khiến con khó làm quen và dễ bị thiếu dinh dưỡng từ nhiều loại thực phẩm khác nhau do con chỉ uống mỗi sữa. Mẹ lưu ý cho con ăn dặm đúng thời điểm để tăng độ ngon miệng cho con nhé.
5- Do bé ăn quá nhiều bữa trong ngày
Mẹ thấy con thấp còi, gầy gò so với các bạn nên thúc ép con ăn, mỗi ngày cho con ăn dặm đến 7 – 8 cữ làm con bị quá tải, sợ hãi và cảm thấy ăn uống chẳng ngon lành gì cả. Biết là mẹ muốn tốt cho con, nhưng mẹ nên hỏi ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng trước khi tăng thêm cữ ăn trong ngày, tránh ép buộc con ăn, dễ sinh ra tâm lý chống cự và chán nản đó ạ.
2. Mách mẹ bí quyết siêu hiệu quả để con ăn dặm ngon miệng hơn
Vậy là mẹ đã biết tại sao con ăn dặm không ngon rồi. Cùng Góc của mẹ chào tạm biệt tình trạng biếng ăn với 5 bí quyết tăng độ ngon miệng cho bé khi măm măm ngay sau đây nhé.
2.1. Quan tâm đến cảm nhận và sở thích của con
Lúc con quấy khóc, không chịu ăn, mẹ tôn trọng và đừng ép buộc con nhé. Mẹ cho con tự chọn món mình thích, chế biến thực đơn đa dạng với nhiều loại thực phẩm, màu sắc tươi tắn để kích thích giác quan, tăng cảm giác thèm ăn ở con.
Sự quan tâm nhẹ nhàng, vỗ về đến từ mẹ khiến con yên tâm và vui vẻ, tâm trạng tốt thì ăn uống lúc nào cũng sẽ ngon lành hơn hẳn đó mẹ. Mẹ nên để con tự chọn món ăn yêu thích bằng cách đặt 3 – 4 món ăn ngon trên bàn, bé chọn món nào thì mẹ cho măm măm món đó. Mẹ lưu ý là mặc dù để con tự chọn món nhưng vẫn cần đảm bảo đủ dinh dưỡng và lành mạnh, không vì con đòi mà cho con ăn đồ ngọt, thức ăn vặt thả ga dễ làm con béo phì, gan nhiễm mỡ mẹ nhé.
2.2. Quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của con
Khi gặp vấn đề về sức khỏe như tiêu chảy, phát ban, nôn mửa, nhiệt độ cơ thể quá cao hoặc quá thấp,… con thường mệt mỏi và không muốn ăn gì cả. Nhận thấy các dấu hiệu này, mẹ nên cho con đi thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân bệnh, làm bài kiểm tra dinh dưỡng và có biện pháp thích hợp để cải thiện sức khỏe cho con. Mẹ cũng đừng quên ôm, vỗ nhẹ vào lưng con, hát những bài con yêu thích để con quên đi sự mệt mỏi. Khi khỏe hơn, con sẽ tự chủ động ăn ngon miệng hơn mà không đợi ai nhắc.
2.3. Thay đổi thực đơn đa dạng cho con
Nếu ăn cháo thịt lợn liên tục trong 3 – 4 ngày, mẹ sẽ cảm thấy ngán cực kỳ và không muốn ăn nữa đúng không ạ. Bé cưng cũng như thế đó mẹ. Thức ăn nhàm chán, thiếu sự phong phú về hương vị làm con chán, ăn không ngon. Mẹ nên đa dạng thực đơn, mỗi bữa ăn dặm là một món ăn khác nhau, trang trí thật màu sắc và hấp dẫn để tăng sự tò mò ở bé.
Với mẹ bỉm bận rộn, không đủ thời gian chế biến nhiều món cho con, mẹ nên ưu tiên những công thức nấu ăn dặm đơn giản, chỉ từ 1 nguyên liệu thôi nhưng mẹ dễ dàng “biến hóa” nhiều cách nấu để đổi vị cho con. Ví dụ, mẹ chế biến cá hồi thành ruốc cá hồi, cháo cá hồi, hay biến tấu khoai tây với món cháo khoai tây thơm ngon, khoai tây nghiền phô mai, khoai tây chiên giòn. Thường xuyên thay đổi thực đơn, tránh cho con ăn một loại rau củ, thịt, cá trong 3 – 4 ngày và thêm hương vị cho món ăn với các loại gia vị thuần thiên nhiên như húng quế, thì là, vỏ chanh.
Mẹ cũng tham khảo thêm nhiều cách chế biến thức ăn cho bé cưng với thực đơn ăn dặm 100 món, sinh tố xoài cho bé, súp ngô chuẩn vị để cân đối dinh dưỡng thật khoa học, giúp con ăn ngon và khỏe mạnh mẹ nhé.
2.4. Cho con ăn đúng thời điểm
Tập ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn đều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chán ăn ở bé. Bé yêu nên bắt đầu ăn dặm khi được 6 tháng tuổi vì hệ tiêu hóa của con hoàn thiện hơn, con cũng dần mọc răng nên tập nhai nuốt tốt. Tuy nhiên, nếu lỡ cho con ăn không thời điểm, dẫn đến con biếng ăn, mẹ phải làm sao?.
1 – Nếu mẹ lỡ cho bé ăn dặm quá sớm (từ 4 – 5 tháng tuổi)
Mẹ theo dõi sức khỏe bé thường xuyên, ngay khi nhận thấy có vấn đề bất thường thì cho bé thăm khám bác sĩ để tránh ảnh hưởng xấu. Mẹ cũng “cai” ăn dặm dần dần cho bé bằng cách giãn các cữ ăn theo từng ngày, nạp đủ sữa trong ngày để con không bị đói. Khi bé đến độ tuổi phù hợp, mẹ tập cho con ăn dặm lại từ đầu nhé.
2 – Nếu mẹ tập cho bé ăn dặm quá muộn (bé được từ 7 – 8 tháng trở lên)
Bé đã 8 tháng rồi mà chưa tập ăn dặm, mẹ rất lo lắng khi phát hiện con đang bắt đầu trễ. Tuy nhiên, dù bắt đầu muộn, mẹ vẫn thật bình tĩnh, tránh hấp tấp vội vàng, áp dụng các biện pháp “sai” khoa học làm ảnh hưởng đến bé cưng nhé.
Mẹ nên cho bé ăn đúng lộ trình ăn dặm, nghĩa là bé 8 tháng nhưng vẫn ăn các loại thức ăn dặm của bé 6 tháng (bé mới tập ăn) để con làm quen từ từ và chậm rãi. Cho bé ăn theo phương pháp 3in1 để con vừa luyện nhai nuốt, vừa luyện phản xạ cầm nắm, không bị chậm phát triển quá so với các bạn đồng trang lứa. Mẹ cũng xây dựng một thời gian biểu ăn uống khoa học để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, kích thích bé ăn ngon và nhai giỏi hơn.
Đồng thời, mẹ đừng quên tham khảo bảng chiều cao và cân nặng chuẩn của bé theo từng độ tuổi để biết bé nhà mình đã đạt chuẩn chưa, có bị gầy hay thấp quá không. Nếu có, mẹ mới bổ sung thêm cữ ăn cho con, tránh cảm giác lo lắng rồi thúc ép con ăn thật nhiều trong khi con vẫn đang cao lớn so với độ tuổi. Mỗi ngày, mẹ điều chỉnh các cữ sữa và bữa ăn dặm cho cân đối, khoa học, bé không bị quá tải và ngon miệng hơn khi ăn nhé.
- Bé từ 6 tháng tuổi: Mẹ cho bé ăn 1 bữa ăn dặm/ngày, các bữa còn lại cho con uống sữa mẹ nhé.
- Bé từ 7 – 12 tháng tuổi: Bé ăn dặm 3 – 4 bữa/ngày, trong đó có 3 bữa chính và từ 1 – 2 bữa phụ xen kẽ.
- Bé trên 1 tuổi: Bữa ăn dặm của bé một tuổi sẽ là khoảng 4 bữa/ngày và thêm 1 – 2 bữa phụ mẹ nhé.
Ngoài ra, giữa các bữa ăn dặm mẹ nên cách thời gian ra từ 2,5 – 3 tiếng để con tiêu hóa hết thức ăn, bụng “đói meo” sẽ khiến con ăn ngon hơn rất nhiều đó ạ.
2.5. Giúp bé tập trung khi ăn
Khi đang ăn, nếu con xem tivi, chơi đồ chơi, nghịch gấu bông, con sẽ mất hết sự yêu thích ở món ăn dặm, toàn bộ tâm trí của con đã đặt ở những hoạt động giải trí kia rồi. Vì thế, con chẳng cảm nhận được mùi vị thơm ngon của món ăn. Dần dần, con sẽ hình thành trạng thái từ chối ăn dặm do nhận định việc ăn dặm là nhàm chán, không vui. Để con măm măm ngon miệng hơn, mẹ giúp bé tập trung khi ăn bằng cách:
1- Không cho con xem tivi, điện thoại khi ăn
Tivi, điện thoại có nhiều hình ảnh sinh động, rực rỡ, âm thanh vui nhộn nên rất thu hút bé. Chỉ cần mẹ mở tivi lên, con sẽ tập trung xem và không chịu ăn, mẹ cố đút nhưng con không nuốt, nhè hết ra. Vậy nên mẹ tắt hết các thiết bị để con tập trung hơn vào bữa ăn nhé.
2- Không dẫn con ăn “rong”
Mẹ bỉm muốn đổi không khí cho con nên thường dẫn con đi vòng quanh xóm, vừa nói chuyện với các cô các chú vừa đút con ăn. Việc làm này khiến con dành sự chú ý vào khuôn mặt của cô bác, lắng nghe âm thanh thay vì món ăn, làm hương vị trở nên nhạt nhẽo, con chẳng chịu ăn đâu mẹ ơi. Mẹ nên để bé ngồi trên ghế ăn dặm (nếu bé đã biết ngồi) hoặc để bé tựa vào người mẹ rồi đút cho bé măm giỏi, không ngậm cơm và bỏ bữa nhé.
3- Không để con chơi đồ chơi khi ăn
Cũng tương tự như tivi, đồ chơi có sức hút đặc biệt với bé. Bé sẵn sàng bỏ hết thức ăn để chơi. Khi con đang măm măm, mẹ lưu ý cất hết đồ chơi ra khỏi tầm mắt để con quên và tập trung vào công việc chính là ăn dặm.
4- Không cho con ăn đồ ăn vặt trước bữa ăn
Đồ ăn vặt rất ngon nhưng hàm lượng dinh dưỡng không đảm bảo, nó cũng chứa nhiều đường tạo cảm giác no lâu. Ăn đồ vặt trước bữa ăn làm con không thấy đói, bụng đang no con chỉ muốn chơi và giỡn thay vì măm măm để bổ sung dưỡng chất. Mẹ vẫn có thể cho con ăn quà vặt nhưng tối đa chỉ 1 lần/tuần và tuyệt đối không để con ăn ngay trước bữa ăn nhé.
Lưu ý cho mẹ: Mẹ linh hoạt sử dụng các mẹo này trong nhiều trường hợp khác nhau sao cho phù hợp với tình trạng của con để đem lại hiệu quả tốt, giúp con ăn ngon và lớn khỏe mỗi ngày nhé.
3. Gợi ý cho mẹ các món ăn dặm ngon tuyệt bé cực thích
Việc chế biến món ăn cho vừa miệng bé thật ra không khó lắm đâu mẹ ơi. Góc của mẹ gợi ý cho mẹ các món ăn dặm ngon tuyệt bé nào cũng mê, đảm bảo mẹ làm xong con ăn dặm thun thút, hết sạch bát luôn đó ạ.
3.1. Rau củ nghiền
Mới tập ăn dặm nên kỹ năng nhai của con chưa tốt lắm, con chỉ thích những món ăn có thể “nuốt chửng” mà không cần nhai thôi ạ. Mẹ nghiền nhuyễn các loại rau củ như súp lơ, khoai tây, cà rốt, bí đỏ,… hoặc kết hợp 2 – 3 loại rau củ trong cùng một món để tăng thêm màu sắc rực rỡ và hương thơm thanh mát. Mẹ xem cách chế biến rau cho bé ăn dặm kiểu Nhật, súp khoai lang cực đơn giản và bổ dưỡng này để làm đúng cách, giúp con măm măm thật ngon nhé.
3.2. Các loại thịt
Các loại thịt có vị ngọt tự nhiên và kết cấu dễ nhai nên bé cưng rất yêu thích. Thịt cũng biến tấu được thành nhiều món ăn đa dạng, hương vị phong phú giúp con đỡ bị chán ăn. Bé sơ sinh mới tập ăn dặm nên bắt đầu với thịt heo, thịt cá hồi, thịt gà vì sợi thịt mềm, hạn chế tối đa tình trạng nghẹn hóc thức ăn ở bé. Mẹ tham khảo công thức nấu cháo cá hồi, súp ngô thịt gà cực dễ tại nhà để đổi vị, tăng cảm giác ngon miệng cho bé yêu.
3.3. Hoa quả
Hoa quả có vị ngọt thanh mát, mùi thơm dịu nhẹ khiến bé thích mê. Cộng thêm kết cấu mềm mịn, dễ nuốt, hoa quả đích thực là gợi ý tuyệt vời để mẹ chế biến cho bé yêu ăn dặm. Mẹ cho bé ăn táo nghiền, lê hấp hoặc kết hợp hoa quả trong các món cháo để tăng độ ngọt tự nhiên, khỏi lo bé biếng ăn rồi bỏ bữa mẹ nhé.
Vậy là mẹ đã nắm được 5 cách giúp trẻ ăn dặm ngon miệng hơn rồi. Mẹ nhớ áp dụng đúng theo hướng dẫn và đừng quên biến tấu thực đơn với nhiều món ăn ngon tuyệt để con không cưỡng lại được và ăn dặm thật giỏi nhé. Nếu vẫn còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận ngay bên dưới để Góc của mẹ hỗ trợ mẹ kịp thời. Chúc mẹ và bé có thời gian ăn dặm thật vui!