Cho bé ăn dặm lần đầu đòi hỏi các gia đình cần phải đầu tư thời gian và sự kiên nhẫn. Bởi đây được xem là “nền tảng” cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai. Nếu không áp dụng đúng cách, trẻ có thể có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển,… Hãy cùng Góc của mẹ giải đáp thắc mắc của mẹ ngay dưới đây nhé!
Mục lục
1. Mẹ có cần thiết phải tập cho trẻ ăn dặm không?
Tập cho trẻ ăn dặm là việc làm rất cần thiết. Hoạt động này giúp hỗ trợ quá trình bổ sung dưỡng chất trong giai đoạn sữa mẹ bắt đầu ít dần. Không chỉ vậy, cho bé ăn dặm lần đầu còn là cách để rèn luyện kỹ năng nhai nuốt cho trẻ rất tốt.
Ở giai đoạn tốc độ tăng trưởng vượt trội, cơ thể của con cần rất nhiều chất dinh dưỡng. Nếu không có đủ thì khả năng phát triển sẽ bị giảm dần theo thời gian. Từ đó dẫn đến một số kết quả không mong muốn trong tương lai. Chẳng hạn như suy dinh dưỡng, còi xương, hệ miễn dịch kém, thân hình nhỏ con kém phát triển,…
Các mẹ có thể tham khảo các bài viết sau để tìm ra được cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên đúng cách nhất.
2. Thời điểm thích hợp để cho bé ăn dặm là khi nào?
Hầu hết các mẹ đều biết được tầm quan trọng của việc cho bé ăn dặm lần đầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết “cân đo đong đến” thời gian và chế độ ăn phù hợp.
Theo ý kiến của các chuyên gia về câu hỏi “Kinh nghiệm cho bé ăn dặm lần đầu?” thì mẹ bỉm nên cho bé ăn dặm lần đầu khi bước sang tháng tuổi thứ 6. Bởi đây là khoảng thời gian sữa mẹ bắt đầu ít và loãng dần. Song song đó, cũng là lúc cơ thể trẻ phát triển mạnh mẽ nhất, cần nhiều dưỡng chất nhất.
Xem thêm: MẸ LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT BÉ MUỐN ĂN DẶM?
3. Chú ý đến các dấu hiệu muốn ăn dặm của bé
Các mẹ có thể tham khảo những dấu hiệu dưới đây để sẵn sàng cho bé ăn dặm lần đầu:
- Cân năng bé tăng nhanh, có lúc tăng gấp đôi so với cân nặng lúc mới sinh
- Trẻ đã có thể tự ngồi, đầu có thể thẳng đứng để mẹ có thể đút thức ăn
- Lưỡi của bé không còn đẩy thức ăn hoặc đồ vật gì đó ra nữa
- Môi dưới của bé có thể tự động đưa ra để đón thức ăn mẹ đút
- Sau khi bú sữa mẹ, bé khóc và đòi thêm và thường đòi bú nhiều hơn bình thường
- Đặc biệt: Hoạt động thường ngày của bé tăng lên. Bình thường bé chỉ nằm yên, tay chân ngọ nguậy nhẹ. Sau 1 đến 2 tuần bé muốn trườn người, tự lật người và cử động mạnh hơn. Đây là lúc các mẹ nên nhận thấy rằng nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ là không đủ để đáp ứng năng lượng cho các hoạt động của bé.
- Những dấu hiệu khác: Hay cáu kỉnh và mút tay, bé ngủ ban ngày không yên và thức dậy sớm như đói và muốn ăn thêm.
4. Chuẩn bị dụng cụ ăn dặm cho bé
Các dụng cụ ăn dặm được sử dụng để tập cho trẻ ăn dặm sẽ phụ thuộc vào từng phương pháp cho ăn của mỗi bà mẹ. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng, trước khi cho trẻ tập ăn dặm, các bà mẹ nên chuẩn bị sẵn sàng các loại dụng cụ sau để việc cho ăn trở nên dễ dàng hơn:
- Ghế cao dành cho trẻ ăn dặm
- Nồi chuyên nấu bột cho trẻ
- Bát, đĩa, cốc, muỗng (nên chọn loại khó vỡ)
- Dụng cụ chia thức ăn
- Máy xay
- Yếm cho trẻ, hoặc khăn ướt để lau miệng cho trẻ.
5. Cho bé ăn dặm đúng cách
Vậy sao để cho bé ăn dặm đúng cách? Trước hết, bạn cần lưu ý rằng ăn dặm chỉ là bữa phụ và bé vẫn cần được bú sữa mẹ thường xuyên cho tới 12 tháng tuổi. Những ngày đầu bạn có thể cho trẻ ăn 2 bữa bột/ngày, và cho bú ít nhất từ 3-4 lần/ngày; sau đó tần suất cho trẻ ăn bột có thể tăng dần lên 3-4 lần/ngày khi trẻ gần 12 tháng tuổi.
Khoảng thời gian cho bé ăn dặm lần đầu ngày mấy bữa là vấn đề được rất nhiều mẹ bỉm quan tâm. Dù biết rằng việc cung cấp dưỡng chất cho bé là việc làm rất tốt nhưng nếu lạm dụng thì sẽ làm gia tăng khả năng phản tác dụng. Dưới đây là chế độ sử dụng phù hợp và an toàn nhất mà các mẹ có thể tham khảo cách cho bé ăn dặm và thực phẩm ăn dặm theo tháng tuổi sau đây.
- Tuần 1: Mẹ cho bé làm quen với cháo trắng. Liều lượng khoảng 5 – 10ml/bữa/ngày. Tỷ lệ để nấu cháo là 1 gạo : 10 nước.
- Tuần 2: Mẹ có thể bổ sung thêm một số loại rau củ. Liều lượng cho các bữa tăng lên khoảng 15 – 25ml/bữa/ngày.
- Tuần 3: Tăng liều lượng lên 30 – 40ml/bữa.
- Tuần 4: Duy trì chế độ giống tuần 3. Và ở những tuần tiếp theo, mẹ nên bắt đầu cho trẻ làm quen với thịt, cá, trứng,… Đồng thời tăng khẩu phần lên 2 -3 bữa/ngày.
6. Thực phẩm cho trẻ ăn dặm
Điều quan trọng nhất khi lên thực đơn ăn dặm cho bé là cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Tất cả các loại thức ăn tươi, sạch, giàu dinh dưỡng mà ba mẹ ăn được đều có thể cho bé ăn. Trừ rượu, bia và các loại gia vị chua cay mẹ nhé.
Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, mỗi bữa ăn trong thực đơn ăn dặm cần có đầy đủ thành phần của 4 nhóm thức ăn. Mẹ cũng nên thay đổi thức ăn thường xuyên để mỗi bữa ăn của bé ngon lành và hấp dẫn hơn. Nhưng hãy luôn nhớ thực đơn ăn dặm cho bé nên được nghiền nhuyễn ra để bé có thể làm quen với ăn dặm mẹ nhé!
6.1. Nhóm cung cấp đường bột trong thực đơn ăn dặm
Đây là nhóm cơ bản cung cấp cho bé các chất gluxit hay còn gọi là đường bột. Có thể kể đến: gạo, ngô, mỳ, kê, nếp,… Bé sẽ được cung cấp năng lượng chủ yếu thông qua nhóm này. Chúng chiếm đến 70% năng lượng trong thực đơn của bé đấy mẹ ạ. Lương thực còn cung cấp nhiều vitamin, nhất là các vitamin nhóm B.
6.2. Nhóm giàu chất đạm trong thực đơn cho bé ăn dặm
Chất đạm (protein) đến từ các loại thức ăn có nguồn gốc động vật và thực vật. Mẹ dùng các nguyên liệu như: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua hay đậu, lạc, vừng đều được. Nhóm thức này giá cả mắc hơn một xíu mà ăn nhiều dễ khiến bé đầy bụng. Mẹ nên cho bé ăn kèm cùng lương thực. Tùy từng bữa trong thực đơn ăn dặm mà mẹ tăng giảm lượng thức ăn từng nhóm cho hợp lý.
6.3. Nhóm thức ăn cung cấp chất béo
Mỡ động vật, bơ, dầu là các nguồn thực phẩm mẹ tham khảo để đưa vào các công thức nấu ăn dặm. Nhóm này có 2 chức năng chính:
- Cung cấp chất béo và phòng chống hiện tượng thiếu vitamin cho bé. Điều này đặc biệt cần thiết cho sự phát triển mạnh khỏe của con.
- Nguồn cung cấp năng lượng lớn cho cơ thể. Với mỗi bữa ăn có chất béo sẽ giảm được khối lượng mà năng lượng vẫn được đảm bảo.
Thiếu chất béo, sức đề kháng của bé sẽ giảm đi. Sự tiêu hóa và hấp thụ các chất cũng bị ảnh hưởng. Mẹ đặc biệt lưu ý nhé.
6.4. Nhóm cung cấp Vitamin, chất xơ và chất khoáng
Nhóm này còn có tên là nhóm thức ăn bảo vệ sức khỏe. Gồm các loại rau xanh và hoa quả tươi, chín. Vì vậy trong thực đơn ăn dặm cho bé cần thường xuyên có rau quả tươi.
7. Một số nguyên tắc phải nhớ khi cho bé ăn dặm lần đầu tiên
Việc gặp sai sót khi cho bé ăn dặm lần đầu là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khó không đồng nghĩa với việc không thể. Chỉ cần các mẹ “nắm vững” những kiến thức dưới đây thì mọi tình huống xấu có thể xảy ra đều dễ dàng bị đẩy lùi.
- Không cho trẻ ăn dặm quá sớm từ tháng thứ 3, 4 hoặc ăn dặm quá trễ sau tháng thứ 9.
- Cho trẻ ăn ít khoảng 5ml – 10ml/bữa/ngày. Về sau tăng dần khẩu phần ăn khi cơ thể trẻ đã dần thích nghi.
- Cho trẻ ăn đồ ăn dặm dưới lạng loãng và đặc dần khi trẻ phát triển đến từng giai đoạn khác nhau.
- Bắt đầu thói quen ăn dặm từ những món ăn nhạt hoặc ngọt rồi đến mặn. Lưu ý không nên ngọt hoặc mặn quá. Bởi sẽ rất dễ tăng nguy cơ mắc các loại bệnh không mong muốn ở trẻ.
- Bữa ăn phải có đầy đủ tinh bột, chất đạm và vitamin với liều lượng phù hợp.
- Không ép bé ăn các món bé không thích. Thay vào đó nên ngưng khoảng 2 – 3 ngày và cho sau đó cho thử lại một lần nữa các món này.
- Tuyệt đối không tập luyện cho bé ăn dặm khi bé đang bệnh, đang mọc răng, tâm lý bất ổn,…
8. Những trường hợp có thể xảy ra khi cho bé ăn dặm lần đầu
Đối với bất kỳ một yếu tố mới nào, cơ thể của trẻ cũng cần phải có thời gian thích nghi. Vì vậy, việc xuất hiện các tác dụng phụ khi cho bé ăn dặm lần đầu là điều không quá ngạc nhiên. Trong những trường hợp này, bố mẹ nên bình tĩnh và kiểm tra sức khỏe của con và nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng này. Từ đó, tìm ra biện pháp khắc phục nhanh chóng.
- Bé quấy khóc, nhòe, nôn mửa thức ăn ra ngoài: Trong trường hợp này, mẹ không nên tiếp tục ép bé ăn. Thay vào đó nên thử lại ở các bữa tiếp theo.
- Bé nghẹn, sặc: Phần lớn nguyên nhân của tình trạng này chính là độ đặc loãng của món ăn. Lúc này mẹ nên kiểm tra lại độ nhuyễn của món ăn. Nếu cần thiết có thể đem chế biến lại hoặc cho bé uống nước kèm sau các muỗng ăn dặm.
- Bé đi đại tiện lỏng: Vấn đề này xuất hiện khá phổ biến. Tuy nhiên, mẹ không cần quá lo lắng. Đổi lại cần kiên nhẫn theo dõi liên tục trong 3 ngày tiếp theo. Nếu không khả quan thì mẹ nên loại món ăn ra khỏi thực đơn của trẻ. Trong trường hợp nghiêm trọng thì nên ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám.
Kết luận
Trên đây là các thông tin về chủ đề cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên. Hy vọng với những chia sẻ này, nhà mình đã hiểu hơn về tầm quan trọng cũng như có được cho mình những kiến thức hữu ích. Từ đó có thể dễ dàng thiết kế thực đơn và chế độ ăn dặm phù hợp, an toàn nhất cho trẻ.
Mẹ hãy thường xuyên cập nhật Góc của mẹ để nắm được những thông tin hữu ích cho mẹ và bé nha!