Tắc tia sữa là một vấn đề thường gặp ở mẹ sau sinh, tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng nắm được cách chữa tắc tia sữa hiệu quả mà không ảnh hưởng đến sữa mẹ – nguồn dinh dưỡng chính của con. Dưới đây là 5 cách chữa tắc tia sữa cho mẹ tham khảo, mẹ đọc bài viết để tìm hiểu rõ hơn nhé!
Mục lục
1. Biểu hiện của tắc tia sữa
Biểu hiện của hiện tượng tắc tia sữa ở mỗi mẹ sẽ khác nhau, tuỳ thuộc vào cơ địa và tình trạng thực tế của mẹ. Nhưng nhìn chung, khi tắc tia sữa, mẹ sẽ gặp phải những vấn đề sau:
- Sữa tiết ra ở đầu ngực bắt đầu phân chia thành từng tia sữa nhỏ riêng lẻ. Bầu ngực mẹ dần căng cứng và có cảm giác khó chịu khi sữa bị ách tắc không tiết ra ngoài được hết.
- Mẹ cảm nhận được các cục sữa đông cứng lại và thấy hơi cộm lên khi sờ lên vùng ngực.
- Ngực mẹ ngày càng trở nên căng cứng và sưng to hơn so với bình thường. Cùng với đó là cảm giác đau tức, thậm chí là nóng đỏ lên.
- Một vài trường hợp mẹ sẽ hơi sốt và nếu tình trạng tắc sữa không được giải quyết kịp thời sẽ ngày càng sốt cao hơn.
2. Nguyên nhân của tắc tia sữa
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tắc tia sữa, có thể đến từ cơ thể mẹ hoặc do cách mẹ cho bé bú chưa được đúng. Xác định đúng nguyên nhân là bước đầu tiên giúp mẹ chữa tắc tia sữa hiệu quả đó ạ. Dưới đây là 7 nguyên nhân phổ biến nhất:
- Sữa chưa kịp giải phóng khi mẹ vừa mới sinh con: Khi mẹ vừa sinh, hormone Prolactin bắt đầu hoạt động mạnh. Nếu sữa về sớm mà bé chưa bú được hoặc vẫn còn phải xa mẹ do một nguyên nhân nào đó như bé sinh non, bé phải chiếu đèn do vàng da,…Khi ấy sữa trong ngực không được giải phóng kịp thời gây ứ đọng, tắc sữa.
- Cơ địa mẹ tiết được nhiều sữa mà bé không bú kịp: Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra hầu hết các trường hợp mẹ tắc tia sữa. Sữa thừa là kết quả của việc mẹ cho bé bú không hết sữa trong bầu ngực, sau đó cũng không vắt hay hút sữa ra hết. Sữa cũ tồn đọng lại trong khi sữa mới vẫn tiết ra, điều này lặp lại hàng ngày khiến lượng sữa thừa ngày một nhiều, chúng vón cục và làm tắc các nang sữa hình thành hiện tượng tắc sữa.
- Ngực chịu áp lực: Mặc áo ngực quá chật là nguyên nhân khiến ngực bị o ép, khiến các nang sữa không thể giải phóng và dẫn được hết lượng sữa sản xuất ra, khiến mẹ bị tắc sữa.
- Không hút hết lượng sữa sản xuất ra khỏi cơ thể mẹ: Khi mẹ ít vắt sữa hoặc hút sữa ra ngoài để làm trống bầu ngực, lượng sữa dư thừa sẽ tích tụ dần, đông đặc gây ra hiện tượng tắc sữa. Ngoài ra lực hút của máy hút sữa yếu cũng khiến sữa trong bầu ngực không được hút hết, dẫn đến tắc tia sữa đó mẹ!
- Bé ngậm bắt vú mẹ không đúng cách: Khi bé ngậm vú mẹ sai cách, lực mút sẽ không đủ để mút đủ lượng sữa trong ngực mẹ. Kết quả là bầu ngực mẹ vẫn còn nhiều sữa chưa được giải phóng trong khi bé lại chưa bú no. Sữa thừa cùng lượng sữa mới tiết ra khiến cho bầu ngực mẹ căng cứng, dần dần sẽ dẫn tới hiện tượng tắc sữa.
- Mẹ không cho bé bú thường xuyên và đúng cữ: Prolactin vẫn làm nhiệm vụ tiết sữa dù mẹ có cho bé bú thường xuyên hay không. Do đó nếu như không giải phóng lượng sữa trong bầu ngực bằng cách cho bé bú đúng cữ, ngực mẹ vẫn luôn sản sinh sữa mới. Lượng sữa trong bầu ngực quá tải sẽ dẫn tới tắc sữa
- Căng thẳng mệt mỏi: Sự căng thẳng làm suy giảm lượng hormone oxytocin – 1 loại hormone kích thích sản sinh sữa. Khi sữa không được bổ sung và giải phóng thường xuyên. Các nang sữa làm nhiệm vụ lưu thông sữa bị ảnh hưởng, từ đó gây tắc tia sữa cho mẹ.
3. Cách chữa tắc tia sữa hiệu quả cho mẹ sau sinh
Có nhiều phương pháp chữa tắc sữa khác nhau. Tuy nhiên mẹ nên lựa chọn phương pháp chữa tắc sữa phù hợp với từng mức độ tắc sữa cũng như cơ địa của mình mẹ nhé! Dưới đây là các phương pháp chữa tắc sữa hiệu quả theo kinh nghiệm của mẹ bỉm hiện đại ngày nay.
3.1. Chườm ấm
Tác dụng: Chườm ấm là cách tác dụng nhiệt từ túi chườm hoặc khăn ấm (khoảng 40-45 độ C) lên bầu ngực. Bằng cách này, các cục sữa đông trong các nang sữa tan ra, dòng chảy sữa được lưu thông. Đặc biệt, khi kết hợp cùng các động tác massage, phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả cho mẹ ngay tức khắc!
Cách thực hiện:
- Trước khi cho bé bú: Mẹ chuẩn bị khăn đã nhúng nước ấm với nhiệt độ 40-45 độ đắp lên ngực. Sau đó, mẹ dùng khăn ấm chườm ngực cho đến khi khăn nguội dần. Nếu khăn nguội, mẹ nhúng lại khăn với nước ấm để chườm tiếp và làm liên tục trong khoảng 15-20 phút để thấy được hiệu quả mẹ nhé!
- Khi tắm: Mẹ dùng một miếng đệm nóng khoảng 45 độ C hoặc vải ấm đắp lên ngực trong vòng 20 phút. Hoặc mẹ bật nhiệt độ nước trong vòi sen khoảng 40-45 độ C, đứng dưới vòi sen cho nước chảy xuống ngực. Mẹ kết hợp massage nhẹ nhàng theo chiều từ chân ngực ra đầu ti đúng chiều sữa chảy để hiệu quả lưu thông sữa được tốt hơn.
- Nếu mẹ tắm trong bồn: Mẹ ngâm mình và toàn bộ bầu ngực ngập trong bồn nước ấm. Trong lúc ngâm mẹ có thể kết hợp massage ngực nhẹ nhàng trong khoảng 20 phút. Như vậy mẹ vừa cảm thấy thư giãn, vừa giúp ngực giảm căng cứng do tắc sữa đó ạ!
3.2. Massage
Tác dụng: Các động tác massage tác động vào các mô ngực làm mềm ngực, đồng thời tác động lực từ tay lên vùng ngực sẽ khiến các cục sữa đông còn ứ đọng bên trong tan ra. Từ đó dòng chảy sữa được khai thông và giảm tắc sữa. Không chỉ đối với mẹ bị tắc sữa, kể cả mẹ không bị tắc sữa cũng được khuyến khích massage ngực thường xuyên. Thói quen này có tác dụng điều hoà mạch máu giúp mao mạch máu vùng ngực lưu thông tốt hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh về vú như u xơ, áp xe vú…
Cách thực hiện:
- Bước 1: Dùng xà phòng diệt khuẩn rửa sạch tay. Vệ sinh bầu ngực bằng khăn khô đa năng để hạn chế vi khuẩn dính chéo từ tay và ngực mẹ với nhau.
- Bước 2: Nhẹ nhàng xoa lên vùng ngực mẹ có cảm giác căng, tức.
- Bước 3: Khum tay hình chữ C miết bầu ngực theo chiều từ trong ra ngoài (hướng về phía đầu ti). Dùng lực tay day mạnh lên những vùng ngực bị nổi cộm để ép các cục sữa đông tan ra.
Mẹ thực hiện động tác này bất cứ khi nào có thời gian để tăng hiệu quả lưu thông sữa. Sau khi hết tắc sữa vẫn nên duy trì thói quen này để các nang sữa trong bầu ngực lưu thông tốt hơn, sữa tiết ra đều và nhiều hơn cho bé nhà mình mẹ nhé!
3.3. Làm trống bầu vú
Tác dụng: Làm trống bầu vú là phương pháp hút hết sữa trong bầu ngực, đảm bảo bầu ngực không còn sữa thừa trước khi sữa mới được sản sinh. Phương pháp này giúp giảm đau cho mẹ rõ rệt, ngực bớt nặng nề hơn do không còn căng cứng nữa. Cách làm này cũng làm giảm áp lực của vú khi cương sữa, kích thích sữa được sản sinh ra nhiều hơn, đặc biệt loại bỏ hoàn toàn sữa thừa tồn đọng.
Phương pháp thực hiện:
- Thay đổi nhiều tư thế cho bé bú: Mỗi tư thế bú khác nhau, lực hút của bé sẽ tác động lên những tia sữa khác nhau. Vì vậy khi thay đổi các tư thế bú trong cữ bú, việc luân chuyển sữa diễn ra đồng đều ở các tia sữa. Từ đó tránh được tồn dư sữa ở những vùng không được tác động.
- Cho bé ngậm bắt vú đúng cách: Khi bé ngậm bắt vú đúng cách, miệng bé ngậm sâu vào bầu ngực mẹ chứ không phải chỉ ngậm vào núm ti mẹ. Lúc này, lượng sữa mỗi cữ bú được nhiều hơn, vừa giúp bé nhanh no hơn, vừa giảm thiểu khả năng sữa còn đọng lại trong ngực mẹ, tăng phản xạ xuống sữa. Nguyên tắc cho bé bú: bú bên sữa bị tắc trước rồi đến bên đỡ tắc hơn và cho bé bú thường xuyên mỗi 2 giờ để dòng sữa được lưu thông đều đặn.
- Đẩy sữa ra khỏi bầu ngực bằng tay: Mẹ vừa vắt sữa vừa tác động lực lên những cục sữa đông làm chúng tan ra, vừa làm trống bầu vú mẹ để giải phóng hết sữa còn dư thừa. Cách làm này rất hiệu quả đối với mẹ mới chớm bị tắc tia sữa do những cục sữa đông lúc này chưa quá cứng.
- Dùng máy hút sữa: Khi bé bú xong mà sữa vẫn còn trong bầu ngực, mẹ dùng máy để hút hết sữa thừa. Nếu không cho bé bú trực tiếp, mẹ hút hết sữa ở một bên bầu ngực trước khi chuyển sang bên tiếp theo để tránh sữa sót lại. Ngoài ra, mẹ nên chọn máy hút sữa điện có lực hút mạnh để đảm bảo mỗi lần hút sữa sẽ hút được hết sữa trong bầu ngực.
3.4. Điều trị tắc tia sữa hiệu quả bằng phương pháp vật lý
Cách điều trị này dành cho những mẹ bị tắc sữa nặng hơn, cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên môn với công nghệ hiện đại, không thể thực hiện tại nhà.
Điều trị bằng các phương pháp nhiệt
- Tác dụng: Phương pháp này giúp làm giảm đau, tiêu viêm và giúp tái tạo lại các mô bị tổn thương nhanh chóng.
- Phương pháp thực hiện: Phần ngực bị tắc sữa sẽ được chiếu tia hồng ngoại trong vòng 30-45 phút. Dưới tác dụng nhiệt của tia hồng ngoại, các cục sữa đông sẽ tan ra. Đồng thời, tình trạng đau nhức của mẹ cũng giảm đi đáng kể.
Điều trị bằng siêu âm
- Tác dụng: Sóng âm có tác dụng đánh tan sữa đông vón cục trong nang sữa, tái tạo các vùng mô bị căng ra do căng sữa.
- Phương pháp thực hiện: Phương pháp này sử dụng sóng siêu âm đa tần số kết hợp với xung điện nhẹ, không gây đau đớn và tác dụng vào sâu trong những mô cơ. Mỗi lần điều trị bằng phương pháp này kéo dài 30 phút và chỉ tác động lên vùng bị tắc sữa.
Điều trị bằng laser
- Tác dụng: Laser có tác dụng chống viêm giảm đau, đẩy nhanh quá trình tổng hợp collagen để phục hồi các tổ chức mô.
- Phương pháp thực hiện: Dùng máy siêu tần Laser chiếu tia hồng ngoại bước sóng ngắn làm tan các cục sữa đông trong ống dẫn sữa bị tắc. Tia hồng ngoại bước sóng ngắn không làm gây tổn thương lên các nang sữa bình thường khác, đảm bảo an toàn cho mẹ. Mỗi lần thực hiện khoảng 30 phút và mẹ sẽ thấy hiệu quả ngay lần thứ 2 điều trị.
3.5. Điều trị tắc tia sữa bằng phương pháp dân gian
Các bài thuốc dân gian vừa đơn giản, dễ tìm mà lại có thể áp dụng tại nhà vẫn được các mẹ truyền tai nhau để trị tắc sữa. Mẹ có thể tham khảo những bài thuốc như:
- Chữa tắc tia sữa bằng lá bồ công anh
- Chữa tắc tia sữa bằng lá đinh lăng
- Chữa tắc tia sữa bằng lá bắp cải
- Chữa tắc tia sữa bằng lá mít
- Chữa tắc tia sữa bằng hành tím
- Chữa tắc tia sữa bằng đu đủ xanh
- Chữa tắc tia sữa bằng lá trầu không
- Chữa tắc tia sữa bằng lược
- Chữa tắc tia sữa bằng xơ mướp
Tuy nhiên, các bài thuốc này là những bài thuốc truyền miệng, chưa có cơ sở khoa học chứng minh tính an toàn. Do đó, mẹ nên cẩn trọng khi áp dụng. Đặc biệt, những bài thuốc trên sẽ không có hiệu quả với những trường hợp bị tắc sữa nặng mẹ nhé!
3.6. Một số biện pháp hỗ trợ điều trị tắc tia sữa
Để quá trình điều trị tắc sữa có hiệu quả nhanh, mẹ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý:
- Mẹ tranh thủ nghỉ ngơi nhiều nhất có thể: Việc chăm con nhỏ luôn là một công việc vất vả, cộng thêm tình trạng tắc sữa sẽ khiến mẹ vừa mệt mỏi vừa đau nhức. Đảm bảo giấc ngủ 8-10 tiếng/ngày là điều cần thiết để mẹ tái tạo năng lượng. Cơ thể mẹ khoẻ mạnh và tinh thần thoải mái sẽ giúp quá trình chữa tắc sữa bớt mệt mỏi, gian nan hơn đó mẹ.
- Chế độ ăn uống đầy đủ: Bổ sung đầy đủ dưỡng chất giúp tuyến sữa hoạt động tốt hơn. Trong bữa ăn hàng ngày mẹ cần nạp đủ các nhóm chất: chất đạm (từ thịt, cá, trứng, sữa…), tinh bột (gạo, bắp…), chất béo (lạc, bơ, dầu…), vitamin và khoáng chất (đến từ rau củ quả). Ngoài ra, mẹ nhớ uống đủ 2-3 lít nước/ngày để cơ thể được thanh lọc, cũng như cung cấp đủ nước để sản sinh sữa mẹ nhé!
4. Tắc tia sữa gây ảnh hưởng đến mẹ và bé như thế nào?
Tắc tia sữa là cơn “ác mộng” không chỉ đối với sức khỏe của mẹ mà còn ảnh hưởng đến dinh dưỡng của bé.
4.1. Ảnh hưởng của tắc tia sữa với mẹ
Mẹ mới tắc tia sữa từ 1-5 ngày
Khi mẹ mới tắc sữa (từ 1-5 ngày đầu) mẹ sẽ thấy ngực sưng lên, căng cứng, nóng và đỏ. Bầu ngực mẹ bắt đầu xuất hiện những cục cứng nổi lên trong vùng ngực, ấn vào thấy đau nhức. Một vài trường hợp có thể kèm theo sốt nhẹ.
Lúc này mẹ sẽ thấy việc cho bé bú bắt đầu gặp khó khăn vì sữa tiết ra ít hơn. Bé bú không đủ sữa dẫn tới hay nhai nghiến hoặc bú lâu làm đầu ti mẹ đau nhức.
Mẹ tắc tia sữa trên 5 ngày
Tắc sữa trên 5 ngày không có dấu hiệu thuyên giảm được coi là trường hợp tắc sữa nặng. Mẹ có nguy cơ gặp các bệnh về vú như:
- Viêm tuyến vú (khi tắc sữa kéo dài 6-7 ngày): Bầu ngực ngày một sưng to và rất đau, phần da ngực bị căng trở nên bóng. Sữa không tiết ra cho dù mẹ nặn hay hút, đầu vú mẹ sẽ sưng to lên rõ rệt
- Áp xe vú (thường xảy ra khi mẹ tắc sữa từ 7 ngày trở lên mà không được điều trị): Mẹ đau nhức dữ dội 2 bên ngực. Tuyến vú xuất hiện mủ
- Hình thành các dải xơ hoá và u xơ tuyến vú (khả năng này xuất hiện khi mẹ bị tắc sữa quá 7 ngày hoặc lâu hơn): Các khối xơ trong bầu vú hình thành chèn ép vào các ống dẫn sữa gây đau đớn. Mẹ cho bé bú rất khó khăn vì sữa không lưu thông được. Bệnh này có thể tái phát nhiều lần mặc dù được chữa trị.
- Hoại tử tuyến vú khi mẹ tắc sữa với những biểu hiện nghiêm trọng như sốt cao, người ớn lạnh và tắc sữa trong thời gian dài 7-10 ngày mà không đến bác sĩ để điều trị, khối mủ trong ngực vỡ ra và đi vào máu, máu truyền đến khắp các cơ quan gây ảnh hưởng nghiêm trọng (đặc biệt đối với gan và thận). Bệnh này phá vỡ những cấu trúc mô trong ngực rất khó phục hồi.
Chính vì những hậu quả không mong muốn có thể xảy ra được nhắc tới phía trên, mẹ nên tới ngay bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh những hậu quả không mong muốn mẹ nhé!
4.2. Ảnh hưởng đến bé
Nếu như mẹ mới chớm bị tắc sữa, không sốt hoặc sốt dưới 38.5 độ C, bé có thể vẫn bú mẹ bình thường mặc dù việc bú mẹ sẽ trở nên khó khăn vì lượng sữa tiết ra rất ít khiến bé phải bú lâu hơn bình thường.
Nếu như mẹ bị tắc sữa nặng và sốt cao (từ 38.5 độ C trở lên), chất lượng sữa mẹ tiết ra lúc này rất có thể bị ảnh hưởng, bé bú mẹ dễ gặp những biểu hiện rối loạn tiêu hoá như phân bọt, chất xanh, tiêu chảy hoặc sữa có lẫn mủ. Trong trường hợp này, mẹ dừng cho bé bú sữa mẹ mà đổi sang sữa công thức cho bé. Khi nào mẹ chữa khỏi thì mới để bé bú mẹ trở lại nhé!.
5. Lưu ý khi bị tắc tia sữa
Điều trị tắc sữa mất thời gian và cần sự kiên trì. Để sớm thấy được tác dụng trong điều trị tắc sữa, mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Dùng khăn nhúng nước ấm hoặc khăn khô đa năng để lau sạch đầu vú, các khe kẽ trên bầu ngực trước và sau khi cho bé bú để đảm bảo sữa bị rớt trong lúc bú mẹ đọng lại ở ngực, sinh ra vi khuẩn.
- Sau khi sinh, bé càng bú mẹ sớm mẹ càng giảm được nguy cơ tắc sữa, mẹ hãy cho bé bú ngay khi sữa về, vừa để tránh được tình trạng tắc sữa, vừa không phung phí lượng sữa non quý giá đầu đời của bé mẹ nhé!
- Mẹ cho bé bú đều ở cả 2 bên bầu sữa. Sau khi bú hết sữa ở bầu này mới chuyển sang bầu bên kia. Nếu như bé bú ít hoặc bú xong vẫn còn sữa trong bầu ngực, mẹ cần hút hoặc vắt hết sữa thừa ra trước khi cơ thể sản sinh sữa mới.
- Massage nhẹ nhàng trước và sau khi cho bé bú: Sữa non có nhiều dinh dưỡng nên rất dễ đặc và gây tắc sữa. Vì vậy, trước và sau khi cho bé bú mẹ nên massage, day nhẹ bầu vú nhẹ nhàng khoảng 2-3 phút để tránh sữa kết dính, đông đặc và lượng sữa cữ sau cũng dễ dàng lưu thông và về nhiều hơn.
- Sử dụng áo ngực thoải mái, rộng rãi: Việc này giúp mẹ tránh được hiện tượng bầu ngực bị o ép gây đau tức, các mao mạch máu khó lưu thông.
- Uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày: Uống đủ nước giúp cơ thể mẹ có đủ sức khỏe để tiết sữa, các nang sữa nhờ đó cũng được lưu thông thường xuyên và tránh được tình trạng tắc sữa.
- Mẹ đảm bảo ngủ đủ 8-10h/ngày cùng chế độ ăn uống đủ chất để duy trì sức khỏe bên trong cũng như cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể để tiết sữa.
- Tinh thần lạc quan, thoải mái là rất quan trọng. Hormone prolactin tạo sữa sẽ tiết ra ít hơn khi mẹ bị căng thẳng, mệt mỏi đó ạ!
Tắc tia sữa là tình trạng không mẹ bỉm nào mong muốn gặp phải. Tuy nhiên việc khắc phục sẽ dễ dàng hơn khi mẹ phát hiện sớm và áp dụng phương pháp điều trị kịp thời. Vì thế, mẹ áp dụng những cách chữa tắc tia sữa được khuyên trên bài viết và đồng thời lắng nghe cơ thể mình để kịp thời tới gặp bác sĩ nếu tình trạng trở nặng mẹ nhé!