Tắc tia sữa là “ác mộng” của mẹ sau sinh. Mẹ lo sợ bầu ngực căng đau khó chịu; sữa về không đều, không đủ cho con bú. Để quá trình nuôi con bằng sữa mẹ thuận lợi và dễ dàng hơn, mẹ tham khảo ngay 7 cách chống tắc tia sữa dưới đây nhé!
Mục lục
1. Đảm bảo đầu ti và bầu ngực luôn được vệ sinh sạch sẽ
Đầu ti và bầu ngực sạch sẽ là yếu tố hàng đầu bảo vệ mẹ khỏi tắc tia sữa. Để làm được điều này, mẹ đảm bảo hai tiêu chí: ngực không bám bẩn và ngực không ẩm ướt:
- Không bám bẩn: Bụi bẩn, cặn sữa xung quanh bầu ngực dễ mắc kẹt trong đầu ti, cản trở đường ra của sữa mẹ. Sữa ứ đọng lâu ngày sẽ hình thành cục sữa đông vón, làm tăng nguy cơ tắc tia sữa. Bên cạnh đó, bụi bẩn cũng là nơi tập trung nhiều vi khuẩn làm tổn thương và gây viêm nhiễm đầu ti, giảm khả năng tiết sữa mẹ.
- Không ẩm ướt: Mẹ cần giữ ngực và đầu ti luôn khô ráo. Ngực ẩm ướt dễ dính bám bụi bẩn gây tắc tia sữa. Đồng thời, môi trường ẩm ướt là điều kiện để vi khuẩn, vi nấm phát triển gây nấm da, nhiễm trùng, sưng viêm, mưng mủ, ảnh hưởng đến chức năng tiết sữa..
Để ngực mẹ luôn được sạch và khô ráo, mẹ ghi nhớ 3 lưu ý sau:
1 – Lau cặn sữa thừa: Sau khi cho bé bú hoặc sau khi vắt hút sữa, mẹ dùng khăn khô lau sạch nước bọt và cặn sữa thừa bám trên bầu ngực, đặc biệt là phần đầu núm ti. Ưu tiên sử dụng khăn khô đa năng được tiệt trùng từng tờ, thấm hút tốt, dai mềm để bầu ngực được sạch và bé được an toàn tối đa mẹ nhé.
2 – Giữ áo ngực khô ráo, sạch sẽ: Áo ngực tiếp xúc trực tiếp với bầu ngực nên cần được mẹ giữ sạch sẽ. Mẹ không mặc áo ngực ẩm. Trong quá trình cho con bú hoặc vắt hút sữa, nếu áo ngực bám sữa, nước bọt; mẹ cần thay áo ngực ngay.
Áo bẩn mẹ giặt và phơi dưới ánh mặt trời, giúp diệt khuẩn và làm khô áo tự nhiên. Những ngày độ ẩm không khí cao, trời mưa, không nắng; mẹ vắt kiệt áo trước khi phơi để áo khô nhanh hơn. Nếu có điều kiện, mẹ dùng máy sấy quần áo, vừa giúp quần áo thơm khô, vừa diệt khuẩn tương tự như phơi áo dưới ánh mặt trời.
Trường hợp mẹ hay chảy sữa ướt áo, mẹ thực hiện vắt hút sữa để loại bỏ hết sữa thừa 2 – 3 tiếng một lần hoặc sau mỗi lần cho bé bú. Nếu mẹ chảy sữa liên tục không hết hoặc mẹ chưa có thời gian vắt hút sữa thừa, mẹ dùng thêm miếng lót thấm sữa giúp hấp thụ dịch lỏng và khóa ẩm để bầu ngực khô ráo hơn.
3 – Không để bé ngậm đầu ti lúc ngủ: Sau khi bú mẹ, bé ăn no rất dễ ngủ, thậm chí ngủ luôn trên tay mẹ. Bé ngậm ti làm nước bọt bám nhiều lên bầu ngực mẹ. Đặc biệt, ở bé bị nấm miệng, bé ngậm ti lâu làm ngực mẹ dễ bị vi nấm tấn công gây tắc tia sữa.
Nếu mẹ thấy bé ngủ khi đang bú, mẹ tách rời miệng bé ra khỏi ti mẹ và dùng khăn lau khô nước bọt và sữa trên bầu ngực. Điều này vừa giúp mẹ phòng tránh tắc tia sữa vừa tạo thói quen ăn ngủ tốt cho con.
2. Tập thói quen bú tốt cho bé
Thói quen cho bé bú tốt kích thích sữa mẹ về đều và nhiều hơn, duy trì sự trôi chảy của sữa mẹ, giảm nguy cơ tắc tia sữa. 3 mẹo dưới đây sẽ giúp mẹ tập thói quen bú cho bé dễ dàng.
Mẹo 1: Cho bé bú mỗi 2 – 3 tiếng/ lần: Sữa mẹ cần được di chuyển và thay mới liên tục. Sữa ứ đọng lâu trong bầu ngực sẽ đông vón dần, cản trở các ống dẫn sữa, gây tắc tia sữa.
Mẹo 2: Mỗi cữ bú kéo dài 10 – 15 phút: Không nên để bé bú mẹ quá lâu mẹ nhé. Mẹ có để ý da tay nếu ngâm nước quá lâu sẽ bị nhăn nheo, giảm độ đàn hồi da không ạ. Tương tự như vậy, phần da ở đầu ti mẹ tiếp xúc với nước bọt quá lâu sẽ trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn.
Mẹo 3: Cho bé bú đúng cách: Mẹ dùng khăn lau sạch đầu ti, sau đó cho bé bú lần lượt từng bên bầu ngực, bé bú hết một bên mới chuyển sang bầu ngực còn lại.
Hai tay mẹ nâng đỡ người bé và hướng đầu ti gần miệng bé để miệng bé ngậm tối đa quầng vú. Không để đầu ti quá xa khiến bé phải với kéo, dễ làm tổn thương đầu núm ti. Sau khi bé bú xong, nếu sữa mẹ về nhiều, đầy trong bầu ngực, mẹ thực hiện vắt hút hết sữa ra ngoài. Điều này giúp loại bỏ hết sữa thừa và kích thích ngực mẹ về sữa mới cho con.
Kết thúc cho bé bú, đừng quên lau sạch bầu ngực với khăn khô mẹ nhé!
3. Sử dụng dụng cụ hút sữa để chống tắc tia sữa
Khi bé đã bú no, ngực mẹ vẫn còn căng đầy sữa, mẹ dùng máy hút sữa để đẩy hết sữa thừa ra ngoài. Sữa mẹ sẽ về lại nhanh chóng sau khoảng 2 – 3 giờ, mẹ không lo bé không đủ sữa ăn đâu ạ!
Mẹ chọn máy hút sữa từ các thương hiệu uy tín như: Medela, Unimom, Philips, Ichiko,… để quá trình hút sữa được dễ dàng hơn. Máy hút sữa tốt sẽ tạo được lực hút phù hợp, êm ái, không làm mẹ đau nhức.
Bên cạnh đó, khi mua máy hút sữa, mẹ cần chọn kích thước phễu vừa vặn với đầu núm ti. Phễu phù hợp có kích thước rộng hơn đầu núm ti 3 – 4 cm để đầu ti dễ dàng di chuyển trong quá trình hút sữa. Nếu phễu quá rộng, lực hút sữa sẽ kéo đầu ti xuống dưới, dễ làm ngực giảm đàn hồi và chảy xệ.
3 lưu ý nhỏ cho mẹ:
- Trước khi hút sữa, mẹ rửa tay và vệ sinh bầu ngực sạch sẽ, sau đó, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của từng loại máy để chọn được chế độ và lực hút phù hợp.
- Trong khi hút sữa, nếu mẹ thấy đau nhức, mẹ điều chỉnh giảm lực hút để cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, mẹ không để lực hút quá yếu, làm sữa không hút được nhiều và tốn thời gian của mẹ. Lúc hút sữa, mẹ có thể mở một bài nhạc hay một bộ phim để thư giãn. Tâm trạng thoải mái cũng kích thích sữa chảy đều, giúp mẹ hút sữa nhanh chóng hơn.
- Sau khi hút sữa, mẹ vệ sinh máy hút sữa và giữ máy ở nơi khô ráo, tránh nơi ẩm ướt như: cạnh bồn rửa hoặc nhà tắm,… Sữa sau khi hút mẹ giữ trong túi đựng hoặc bình nhựa chuyên dụng an toàn, không BPA – chất gây ung thư, dậy thì sớm; sau đó, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và dùng trong vòng 4 ngày.
Xem thêm: Mẹ thông thái hút sữa đúng cách để sữa TỐT, không tắc sữa
Để chọn được túi đựng và bình sữa an toàn cho con, mẹ ưu tiên lựa chọn chất liệu có ký hiệu chứng minh độ an toàn như: BPA – free, Non –Toxic plastic, ký hiệu chất liệu nhựa 1, 2, 4, 5 và 6.
4. Giữ tinh thần thoải mái và có chế độ ăn uống hợp lý
Tình thần và chế độ ăn uống ảnh hưởng đến dinh dưỡng và bài tiết sữa mẹ. Căng thẳng làm giảm sản xuất sữa do giảm lượng hormone oxytocin điều hòa bài tiết sữa mẹ. Bên cạnh đó, dinh dưỡng từ thức ăn là nguyên liệu sản xuất sữa mẹ. Dinh dưỡng đầy đủ làm tăng số lượng và chất lượng sữa cho con. Để có tinh thần thoải mái và chế độ ăn hợp lý, mẹ lưu ý 3 điều sau:
1 – Ngủ đủ giấc: Mẹ cần ngủ đủ 7 – 8 tiếng/ ngày. Trong giai đoạn cho con bú, giấc ngủ mẹ thường bị gián đoạn do con quấy khóc, đòi ăn. Mẹ hãy nhờ bố hoặc người thân khác trong gia đình chăm bé để mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi. Mỗi giấc ngủ, mẹ chọn ngủ ở không gian sạch sẽ, thoáng mát và yên tĩnh để ngủ sâu hơn. Ngủ ngon và đủ giấc sẽ giúp mẹ sảng khoái hơn nhiều đấy ạ!
2 – Giữ tinh thần thoải mái vui vẻ: Nếu giai đoạn chăm con có vất vả, hormone sau sinh thay đổi liên tục làm mẹ khó kiểm soát cảm xúc, mẹ đừng ngần ngại chia sẻ với mọi người xung quanh, bạn bè, gia đình,…. Nói ra và được lắng nghe; những áp lực, khó khăn, tủi thân sẽ vơi bớt đi được phần nào.
Thêm vào đó, mẹ áp dụng một số bài tập thiền, yoga, vừa giúp thư giãn, tăng tinh thần vừa giúp mẹ nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau sinh. Để biết cách tập luyện hợp lý, mẹ tham khảo thêm bài viết: Hướng dẫn mẹ tập yoga sau sinh.
3 – Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng: Mẹ cần ăn uống đầy đủ, đa dạng các chất dinh dưỡng, bao gồm 6 nhóm chất (thịt, rau, củ quả, trứng, sữa…). Bổ sung thêm các thực phẩm lợi sữa và tránh các thực phẩm gây mất sữa:
- Thực phẩm lợi sữa: lá đinh lăng, chuối, mướp, rau ngót, đu đủ, khoai lang, móng giò lợn,…
- Thực phẩm gây giảm, tắc sữa: lá lốt, bạc hà, mùi tây, trà, cà phê, rượu bia,…
5. Mặc quần áo thoải mái để phòng tránh tắc tia sữa
Giai đoạn cho con bú; mẹ chọn quần áo, áo ngực thoải mái, không tạo áp lực lên ngực. Các nang sữa không bị chèn ép sẽ hoạt động tốt hơn, giảm nguy cơ tắc tia sữa.
- Size áo: Mẹ chọn áo ngực rộng hơn 1 size so với kích thước thật của bầu ngực, đặc biệt là khi mẹ dùng thêm miếng lót thấm sữa. Ngực mẹ sẽ dễ chịu hơn, có không gian để sữa về căng đầy bầu ngực.
- Chất liệu áo: Mẹ chọn áo có chất liệu vải cotton với cúp ngực mỏng nhẹ để giúp mẹ bớt nóng bức, chật chội kể cả khi ngực mẹ căng sữa. Vải cotton thấm hút mồ hôi, co giãn tốt, mềm mại, vừa giúp ngực mẹ thoải mái, vừa không cọ xát làm xước da bé khi mẹ cho con bú.
- Thiết kế áo: Không chọn áo ngực có gọng mẹ nhé! Loại áo này có viền áo cứng bởi khung kim loại, khiến mẹ khó khăn mỗi lần vắt hút sữa hoặc cho bé bú. Ngoài ra, phần gọng áo thường ép sát vào chân ngực, gây ra các vết hằn, làm mẹ khó chịu, tức ngực và khó thở.
Mẹ có thể sử dụng các áo ngực chống chảy xệ sau sinh, giúp giữ dáng ngực căng tròn nhưng không gây khó chịu, chật chội trong suốt quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.
Mẹ lưu ý: Bên cạnh việc chọn áo ngực thoải mái, để chống tắc tia sữa, mẹ tránh tạo áp lực lên ngực như: nằm sấp, địu con trước ngực, tập luyện quá sức,…..
6. Thường xuyên massage vùng ngực
Massage vùng ngực giúp kích thích các nang sữa tiết sữa về đều và đẩy các cục sữa vón di chuyển ra ngoài, không để chúng kết vón nhiều hơn dẫn tới tắc tia sữa.
Cách massage ngực chống tắc tia sữa rất đơn giản, chỉ tốn khoảng 3 – 5 phút/ lần. Mẹ chọn chỗ ngồi thoải mái và thực hiện massage theo hướng dẫn sau:
- Bước 1: Đặt lòng bàn tay lên bầu ngực. Mẹ dùng bàn tay sạch, khô, không để lây ẩm và bụi bẩn lên bầu ngực.
- Bước 2: Xoay bầu ngực theo vòng tròn theo một chiều, sau đó xoay theo chiều ngược lại. Mỗi chiều 10 – 20 lần.
- Bước 3: Thay đổi vị trí lòng bàn tay và thực hiện xoay bầu ngực tương tự như trên để massage toàn bộ bầu ngực.
- Bước 4: Lặp lại các thao tác 3 – 4 lần.
Mẹ thực hiện massage ngực bất cứ lúc nào, lý tưởng nhất là ngay trước, trong hoặc sau khi cho bé bú. Trước và trong khi cho con bú, massage ngực kích thích sữa mẹ về nhiều để con được bú no hơn. Sau khi cho con bú, khi sữa mẹ đã cạn dần, massage ngực kích thích các nang sữa nhanh chóng sản xuất sữa mới cho lần bú tiếp theo.
Mẹ lưu ý: Không massage ngực với các loại tinh dầu hay kem dưỡng. Tinh dầu và kem dưỡng bám trên da mẹ dễ gây kích ứng, mẩn đỏ, hoặc rối loạn tiêu hóa khi bé bú.
7. Chườm ấm cho vùng ngực của mẹ
Chườm ấm giúp làm mềm bầu ngực và giảm đông vón sữa. Phương pháp này thậm chí còn được chuyên gia áp dụng để chữa tắc tia sữa trong trường hợp mẹ mới tắc tia sữa dưới 3 – 4 ngày.
Để chườm ấm hiệu quả, mẹ dùng nước ấm 40 – 45 độ C, chườm trong tối đa 20 phút. Nước quá nóng hoặc chườm ấm quá lâu làm kích ứng da mẹ, gây bỏng rát, tấy đỏ.
Mẹ chuẩn bị nước ấm 40 – 45 độ C bằng nhiệt kế hoặc pha nước theo tỉ lệ 1 nước sôi : 2 nước thường. Sau đó, thực hiện chườm ấm bằng cách dùng khăn mềm hoặc túi chườm:
- Dùng khăn mềm: Nhúng ngập khăn vào nước ấm, vắt bớt nước và đặt khăn lên bầu ngực trong 15 phút.
- Dùng túi chườm: Đổ nước ấm vào túi chườm và đặt túi chườm lên ngực trong 15 phút. Nếu không có sẵn túi chườm, mẹ dùng chai nước thay thế cũng cho hiệu quả tương tự.
Ngoài ra, chườm ấm khi tắm giúp mẹ thư giãn và thoải mái hơn. Mẹ để nước ấm từ vòi hoa sen chảy qua bầu ngực hoặc ngâm mình và toàn bộ bầu ngực vào nước ấm. Kết hợp chườm ấm và massage ngực nhẹ nhàng như hướng dẫn trên để đạt hiệu quả chống tắc tia sữa tốt nhất.
Hy vọng 7 cách chống tắc tia sữa nêu trên đã giúp mẹ phần nào vơi đi nỗi lo mất sữa, đau nhức bầu ngực trong suốt quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Mẹ đừng quá lo lắng! Trong giai đoạn này, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan là yếu tố quan trọng hàng đầu đấy ạ.
Nếu còn điều gì băn khoăn, mẹ để lại bình luận bên dưới để được giải đáp ngay mẹ nhé!