Hút sữa đúng cách giúp sữa mẹ về đều, hạn chế tối đa tình trạng tắc sữa, thiếu sữa cho con. Cụ thể cách thực hiện thế nào? Mẹ tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!
Mục lục
1. 3 điều cần làm trước khi hút sữa
1.1. Lựa chọn kích thước phễu hút sữa phù hợp
Hiệu quả của việc hút sữa phụ thuộc khá nhiều vào kích cỡ của máy hút sữa. Máy hút sữa quá rộng sẽ rất lỏng lẻo, khiến mẹ khó khăn trong việc hút sữa. Máy hút sữa chật sẽ khiến mẹ bị đau nhức, trầy xước khi hút sữa. Do đó, mẹ chọn sản phẩm vừa vặn với kích cỡ đầu ti, bầu ngực của mình để quá trình hút sữa tốt nhất nhé!
3 bước để đo kích cỡ phễu hút sữa như sau:
- Bước 1 – Xác định vị trí cần đo: Vị trí mẹ cần xác định là đầu ti – bộ phận có hình núm nhỏ nhô ra ở trước bầu ngực.
- Bước 2 – Đo kích cỡ đầu ti: Kích cỡ đầu ti được xác định bằng khoảng cách giữa 2 chân núm ti. Chân núm ti là phần tiếp giáp giữa đầu ti và quầng vú.
- Bước 3 – Xác định kích thước phễu phù hợp bằng cách lấy kết quả đo được ở bước 2 cộng thêm 3-4mm. Điều này giúp phễu không bị quá khít khi gắn vào đầu ti, gây ra hiện tượng đau nhức. Ngoài ra, kích thước phễu vừa khít cũng khiến đầu ti khó di chuyển trong quá trình hút sữa, kích thước phễu rộng quá sẽ khiến cho cả quầng vú bị chui vào lòng phễu.
Ví dụ mẹ đo đầu ti 16mm, kích thước phễu hợp lý sẽ là 16+3 hoặc 16+4, khoảng 19mm hoặc 20mm.
Tóm lại, kích thước phễu phù hợp nếu đảm bảo được:
- Sự di chuyển linh động của núm vú trong lòng phễu
- Lòng phễu không chứa nhiều phần chân đầu ti và quầng thâm vú
- Xác định kích thước vừa vặn với phễu hút giúp tăng hiệu quả hút sữa
1.2. Rửa tay và vệ sinh bầu ngực sạch sẽ trước khi hút sữa
Khi hút sữa, tay mẹ sẽ tiếp xúc với cả máy hút sữa và bầu ngực. Nếu như tay và bầu ngực không được vệ sinh sạch sẽ dễ khiến các chất bẩn dính vào máy hút sữa, ảnh hưởng xấu đến chất lượng sữa. Vì thế, mẹ rửa tay và vệ sinh bầu ngực sạch sẽ trước khi hút sữa để đảm bảo chất lượng sữa hút ra mẹ nhé!
- Cách rửa tay: mẹ rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% nồng độ cồn. Lau tay khô sạch trước khi hút sữa.
- Cách vệ sinh bầu ngực: Mẹ dùng khăn khô đa năng nhúng nước sạch lau rửa kết hợp với massage nhẹ nhàng, không chà xát mạnh gây tức bầu ngực.
1.3. Kích thích phản xạ xuống sữa
Phản xạ xuống sữa được lý giải như sau: Khi mẹ cho bé bú trực tiếp, phần đầu vú và một phần quầng vú tiếp nhận hoạt động bú của bé. Sự hoạt động của cơ miệng em bé trong khi bú có tác dụng như một động tác massage kích thích các dây thần kinh truyền tín hiệu đến não bộ. Não bộ sau đó tiết ra hormone oxytocin như một cách phản hồi lại.
Oxytocin được tiết ra và theo dòng máu đi xuống các nang sữa ở bầu ngực, kích thích sự co thắt đồng loạt của các nang sữa. Phản ứng xuống sữa xảy ra từ việc giải phóng sữa đồng loạt của các nang sữa đó.
Mẹ sẽ cảm nhận được cảm giác xuống sữa này thông qua những cảm giác như châm chích, tê tê, sữa chảy ra nhiều ở cả 2 bên…
Đặc biệt, không chỉ khi cho bé bú thì mới có phản xạ xuống sữa, mẹ kích thích xuống sữa thông qua những cách sau:
- Nghĩ về con nhiều hơn: Mẹ nghĩ về con bằng nhiều giác quan như thị giác (nhìn con âu yếm), thính giác (nghe tiếng khóc, cười của con), khứu giác (qua mùi quần áo của con)…
- Thiết lập thời gian hút sữa cố định: Điều này tạo cho cơ thể quen với thời điểm hút sữa. Giống như một phản xạ sinh lý, nếu hút sữa đúng giờ đều đặn sữa sẽ xuống dễ dàng hơn.
- Massage ngực: Massage ngực là một cách tự nhiên kích thích tăng sữa mà không gây tác dụng phụ. Mẹ tham khảo các bước massage ngực tăng phản xạ xuống sữa tại đây
- Chườm ấm ngực: Đây là một phương pháp dân gian được áp dụng từ rất lâu. Mẹ chườm ấm bằng xôi nếp nóng, lá tràm… hoặc dùng túi chườm bán sẵn. Tác dụng của việc chườm ấm ngực là làm giãn nở các ống dẫn sữa giúp sữa chảy dễ dàng hơn.
2. Các bước thực hiện hút sữa đúng cách của mẹ thông thái
Thời gian cho mỗi lần hút sữa khoảng 30 phút, do đó để thoải mái trong quá trình hút sữa, mẹ nên ngồi ở nơi yên tĩnh và thoải mái nhé.
Tuỳ thuộc vào cách mẹ hút sữa mà thời gian và các bước hút sữa sẽ khác nhau:
- Nếu mẹ hút sữa bằng máy swing cho từng bên, thời gian cho mỗi bên sẽ là:
- Lần 1: hút sữa trong vòng 7 phút sau đó đổi bên, thực hiện tương tự với bên còn lại
- Lần 2: hút sữa trong vòng 5 phút sau đó đổi bên, thực hiện tương tự với bên còn lại
- Lần 3: tương tự 2 lần đầu, thời gian giảm xuống còn 3-4 phút
- Nếu mẹ dùng máy hút đôi: Thời gian cho việc hút sữa thường kéo dài khoảng 15-20 phút. Nếu bé vẫn ti mẹ, mẹ có thể hút sữa thêm 10 phút sau khi bé ti xong
- Nếu mẹ dùng máy hút sữa để kích sữa: Hút sữa mỗi 2-3 giờ, mỗi lần hút 30 phút (đối với máy đơn) và 15-20 phút (đối với máy đôi).
Những lưu ý cho mẹ khi hút sữa:
- Dùng máy đúng cách theo hướng dẫn sử dụng của máy.
- Điều chỉnh lực hút của máy sao cho phù hợp: Nếu lực hút quá mạnh khiến cho đầu ti bị cọ xát, đau rát, ức chế phản xạ xuống sữa khiến sữa hút được ít hơn. Nếu lực hút quá yếu sẽ không hút được nhiều sữa và kéo dài thời gian hút sữa. Trong quá trình hút sữa, mẹ cảm nhận và điều chỉnh lực hút theo cơ địa của mình sao cho cảm thấy thoải mái.
Mẹ tham khảo về cách hút sữa bằng máy, cách điều chỉnh lực hút của máy qua video dưới đây:
Hướng dẫn hút sữa bằng máy hút sữa
Nguồn video: My Ameda
3. 4 Mẹo hút sữa đúng cách hiệu quả nhất cho con
Có một vài mẹo vặt để mẹ “dắt túi” khi hút sữa để đem lại hiệu quả nhất, mẹ tham khảo nhé!
3.1. Xây dựng thời gian biểu hút sữa
Tại sao điều này lại cần thiết? Thử lấy 1 ví dụ mẹ nhé: Nếu như đúng 12h trưa mẹ ăn trưa, tức từ 12h trưa dạ dày sẽ phải làm việc để tiêu hoá thức ăn bữa trưa. Khi thói quen này lặp đi lặp lại đều đặn tạo thành một phản xạ vô thức của dạ dày, cứ đến 12h trưa dạ dày sẽ tiết dịch vị và co bóp tiêu hoá thức ăn mặc dù chúng ta có ăn vào đúng lúc đó hay không.
Cơ chế này cũng tương tự như khi mẹ xây dựng thời gian biểu hút sữa. Khi mẹ thường xuyên hút sữa vào những khung giờ nhất định, cơ thể sẽ tạo ra được phản xạ tiết sữa vào những khoảng thời gian đó. Từ đó khiến mẹ kích thích phản xạ xuống sữa hiệu quả hơn.
Thời gian biểu được xây dựng cụ thể như thế nào sẽ phụ thuộc vào cuộc sống của mỗi mẹ. Mẹ tự cân nhắc về đặc điểm cơ thể cũng như lượng công việc trong một ngày mà thiết lập một khung thời gian riêng cho việc hút sữa. Miễn sao giúp mẹ thoải mái và chủ động.
Mẹ tham khảo một vài thời gian biểu hút sữa như sau:
- Lịch 2h/lần: 6h, 8h, 10h, 12h, 14h, 16h, 18h, 20h, 22h, 24h, 2h, 4h
- Lịch 3h/lần: 6h, 9h, 12h, 15h, 18h, 24h, 3h
- Lịch xen kẽ: 6h, 8h, 10h, 13h, 15h, 17h 20h, 22h, 24h
Khi xây dựng thời gian biểu hút sữa, mẹ lưu ý:
- Thời gian bơm sữa và thời gian cho ăn nên được duy trì tương tự như nhau (khoảng 2-3h/lần)
- Dự trữ sữa quá nhiều (nhiều hơn lượng bú 3 ngày của bé) là không cần thiết nếu như mẹ không có việc gì phải đi xa lâu ngày
- Trong trường hợp mẹ có công chuyện buộc phải xa con trong vài ngày, mẹ vẫn tiếp tục duy trì hút sữa. Sữa được giải phóng càng nhiều thì cơ thể sẽ càng kích thích tiết sữa (theo cơ chế cung – cầu). Việc mẹ tiếp tục hút sữa giúp khi mẹ về với bé, bầu sữa mẹ vẫn tiết ra đủ sữa cho bé ăn hàng ngày.
3.2. Duy trì tinh thần thoải mái
Phản xạ xuống sữa có bị ảnh hưởng khi mẹ stress, mệt mỏi hoặc tâm lý bất ổn. Do đó giữ tinh thần luôn thoải mái sẽ giúp phản xạ xuống sữa được kích thích hiệu quả hơn.
Các hoạt động giúp mẹ cân bằng được tinh thần thoải mái như:
- Ngủ đủ giấc: Trung bình một giấc ngủ 8 tiếng sẽ giúp cơ thể nạp năng lượng đủ cho hoạt động một ngày. Không chỉ là thời lượng giấc ngủ, chất lượng giấc ngủ cũng vô cùng quan trọng. Nếu không thể đảm bảo một giấc ngủ đủ 8 tiếng, mẹ hãy giữ không gian phòng ngủ thật sạch sẽ, yên tĩnh để ngủ sâu, tránh bị thức giấc giữa chừng. Điều này cũng khiến tinh thần mẹ khoan khoái hơn sau khi ngủ dậy.
- Bổ sung các chất dinh dưỡng: Theo nghiên cứu khoa học, hormone hạnh phúc oxytocin được tiết ra sau khi mẹ ăn món ăn yêu thích. Đặc biệt, đây còn là hormon giúp co bóp sữa tốt hơn, tránh tắc sữa cho mẹ. Vì vậy, mẹ ăn những món mình thích để có tinh thần vui vẻ và điều tiết sữa tốt hơn nhé!
- Chia sẻ cảm xúc với người thân: Nếu gặp khó khăn trong việc chăm sóc con, mẹ đừng ngại chia sẻ với chồng, ông, bà,… Ngoài ra, mẹ có thể chia sẻ khó khăn/hạnh phúc của mình với các mẹ bỉm khác trên mạng xã hội “Hội các bà mẹ bỉm sữa”, “Mẹ và bé”… Điều này giúp mẹ giảm áp lực chăm con, bớt tủi thân, vất vả.
- Uống nhiều nước và có thời gian nghỉ ngơi thư giãn: Uống nhiều nước giúp cho tinh thần mẹ luôn tỉnh táo. Có những khoảng thời gian nghỉ ngơi giúp mẹ giảm căng thẳng, mệt mỏi hay trầm cảm sau sinh. Chuẩn bị một chút đồ ăn vặt yêu thích, xem một bộ phim hay, nghe một bản nhạc thư giãn hoặc ngâm mình trong bồn tắm mỗi cuối ngày sẽ khiến mẹ thư thái hơn đó ạ!
3.3. Ăn uống ngon miệng, đủ chất
Việc ăn uống đủ chất là đặc biệt cần thiết với mẹ sau sinh và cho con bú. Để đảm bảo được cơ thể khỏe mạnh và cung cấp nguồn sữa đủ dưỡng chất, liên tục cho con, mẹ cần nạp đủ 6 nhóm chất dinh dưỡng (thịt, rau, củ quả, trứng, sữa…).
Một số thực phẩm lợi sữa như: rau xanh, tôm cá, móng giò lợn, sữa nóng, các loại hạt…
3.4. Uống đủ nước (khoảng 2 – 3 lít nước/ngày)
Uống nước lọc ấm trước khi cho con bú hoặc hút sữa cũng giúp tuyến sữa hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, uống đủ nước giúp mẹ tránh được việc đầu vú bị khô, bong tróc, ảnh hưởng đến quá trình bú sữa của con.
Mẹ uống khoảng 3 lít nước mỗi ngày, vào mùa hè dễ mất nước do toát mồ hôi thì mẹ có thể uống tăng lên 4l/ngày nhé!
4. Cách bảo quản máy hút sữa và sữa mẹ sau khi hút
Máy hút sữa được mẹ sử dụng khá thường xuyên, do đó cần vệ sinh và bảo quản tốt để đảm bảo chất lượng sữa.
4.1. Cách bảo quản máy hút sữa
Cách vệ sinh máy hút sữa sau mỗi lần sử dụng
- Để các bộ phận của máy hút sữa dưới vòi nước chảy. Bước này có tác dụng rửa trôi những cặn sữa còn đọng lại. Lưu ý không để các vật dụng trong bồn rửa mặt để tránh tiếp xúc với vi khuẩn
- Rửa sạch các bộ phận của máy, đặc biệt là những bộ phận tiếp xúc trực tiếp với sữa mẹ như phễu, ống dẫn…
- Bộ phận máy hút sữa có thể được rửa trong máy rửa bát hoặc trong chậu rửa
- Rửa máy bằng nước nóng
- Chà rửa các bộ phận theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, nếu sử dụng bàn chải, hãy dùng loại chuyên dụng
- Tráng qua một lần với nước sôi cho tiệt trùng
- Phơi khô kỹ tại nơi khô thoáng, tránh bụi bẩn
Cách bảo quản máy hút sữa: Máy hút sữa sau khi rửa sạch nên được cất giữ ở nơi khô thoáng, khô ráo, tránh nơi ẩm ướt như cạnh vòi nước, cạnh nhà tắm,… vì đây là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, nấm phát triển gây bệnh.
4.2. Cách bảo quản sữa mẹ
Bảo quản sữa mẹ vừa hút trong các bình hoặc túi đựng sữa chuyên dụng. Tránh đựng sữa trong bình nhựa có ký hiệu tái chế số 7 vì chất liệu này có chứa BPA. Mẹ lưu ý: Không đựng sữa mẹ trong các túi hoặc bình dùng một lần vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa đựng bên trong.
Thời gian lưu trữ sữa mẹ tốt nhất:
- Trong nhiệt độ thường: Tối đa 4 giờ
- Trong tủ lạnh: Tối đa trong vòng 4 ngày. Sữa mẹ sau khi rã đông chỉ dùng trong 24 giờ.
- Trong tủ đông: Tối đa 12 tháng, tuy nhiên dưới 6 tháng là thời gian sử dụng tốt nhất. Sữa mẹ sau khi để tủ đông đem đi rã đông thì không cấp đông trở lại (chỉ rã đông một lần và dùng hết)
Các mẹo bảo quản sữa mẹ:
- Ghi rõ ngày vắt sữa lên bình đựng sữa để dễ theo dõi
- Chỉ nên lưu trữ sữa với dung tích khoảng 60-120ml cho mỗi bình, tương đương với khối lượng bé bú mỗi lần để tránh lãng phí
- Không đổ đầy bình sữa, để một khoảng không trong bình vì khi đông lạnh sữa sẽ nở ra
- Nếu xác định không dùng hết sữa mẹ trong 4 ngày tới, cần để tủ đông ngay
5. Câu hỏi thường gặp khi mẹ hút sữa
5.1. Chỉ hút sữa mà không cho con bú trực tiếp có bị tắc tia sữa không?
Mẹ PAD hỏi trên Hội nuôi con bằng sữa mẹ:
Các mom hút sữa mẹ để cho con ti bình (không cho con ti trực tiếp) có mom nào bị tắc tia sữa không ạ? Em thấy bác sĩ bảo máy hút sữa không máy nào hút hết được sữa, chỉ sử dụng máy hút sữa để hút sữa đầu rồi cho con ti trực tiếp để bé bú hết sữa còn lại, tránh bị tắc sữa ở chân ti. Nhưng em vẫn thấy nhiều mom hút sữa suốt, bé không bú mẹ mà chẳng mom nào tắc tia cả. Các mom cho em ý kiến với ạ?
Trả lời:
Đa số các mẹ đều cho rằng hút sữa là cần thiết để tránh tắc tia sữa. Kết hợp với massage ngực sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt hơn. Có nhiều mẹ khẳng định đã cho con bú bình 100% mà không bị tắc tia sữa.
Theo các chuyên gia máy hút sữa chính là công cụ giúp mẹ chăm con được tiện lợi hơn. Nếu mẹ chọn máy hút sữa đúng theo hướng dẫn ở trên, máy sẽ giúp mẹ hút hết sữa trong ngực. Vậy nếu lỡ mua máy không phù hợp với ngực và không hút hết sữa thì sao? Mẹ dùng tay tự vắt sữa còn lại, không nhất thiết phải để bé bú mẹ mới hết sữa.
5.2. Kích sữa mà sữa không về phải làm sao?
Khi mẹ đã chăm chỉ vắt sữa mà sữa vẫn ít cũng đừng nên quá lo lắng. Không có một phương pháp gọi sữa nào hiệu quả ngay lập tức sau khi áp dụng. Mẹ kiên trì thực hiện 1 tuần, nếu không thấy cải thiện thì đổi sang phương pháp khác. Điều này có thể mất nhiều thời gian và yêu cầu sự kiên nhẫn, nhưng chắc chắn mẹ sẽ tìm được phương pháp phù hợp với mình thôi ạ!
5.3. Sữa thế nào là chất lượng?
Mẹ TN hỏi trên Hội nuôi con bằng sữa mẹ: Em hút sữa lúc đầu thì rất loãng (gần như nước) dần về sau thì hơi trắng một xíu. Sữa như vậy thì không được nhiều chất đúng không ạ, có cách nào cải thiện chất lượng sữa hơn không các mom?
Trả lời:
Theo bác sĩ, sữa đầu sẽ thường loãng hơn so với sữa cuối vì chứa nhiều nước, lactose, protein. Sau khi bé bú mẹ hoặc mẹ vắt sữa được một lúc sữa sẽ trở nên trắng và đặc hơn bởi sữa lúc này chứa nhiều chất béo và vi khoáng. Cả sữa đầu và sữa tiết ra sau cữ bú đều chứa nhiều dưỡng chất quan trọng đối với bé cả.
Theo nghiên cứu, chất lượng sữa ở các bà mẹ tương đối giống nhau về thành phần dưỡng chất. Kể cả khi có sự khác nhau về sữa loãng hay sữa đặc. Nếu mẹ vẫn muốn sữa đặc hơn, mẹ có thể bổ sung cháo móng giò, đu đủ xanh để có nguồn sữa đặc hơn.
5.4. Sữa bảo quản tủ đông mang ra hâm lại có đảm bảo chất lượng không?
Mẹ LĐ hỏi trên Hội nuôi con bằng sữa mẹ: Hút sữa mẹ để tủ đông xong đem ra hâm lại liệu còn đủ chất và tốt cho con như ti trực tiếp mẹ không các mom? Em mới sinh lần đầu nên hơi phân vân, thêm chồng em với mẹ chồng không cho hút sữa sợ không tốt cho bé nhưng sữa em thì dư, bé ti không kịp hay tắt ti sữa đau nhức chịu không nổi mom nào có kinh nghiệm cho em chút ý kiến với ạ?
Trả lời:
Đa số các mẹ trong nhóm cho rằng dự trữ sữa trong tủ đông và hâm lại cho bé bú đều không ảnh hưởng gì, bé vẫn tăng cân bình thường. Miễn sao đảm bảo thời gian dự trữ sữa trong tủ đông không quá dài (quá 6-12 tháng theo chia sẻ cá nhân các mẹ).
Theo bác sỹ chuyên môn Hoàng Ánh Tuyết – khoa sản phụ khoa bệnh viện Vinmec Central Park: Việc hâm lại sữa mẹ ở nhiệt độ hợp lý (37-40 độ) không làm hoặc rất ít làm giảm chất lượng sữa mẹ. Như vậy mẹ hoàn toàn yên tâm về việc dự trữ sữa cho con mẹ nhé.
Trên đây là những chia sẻ xoay quanh vấn đề hút sữa đúng cách, những tác dụng cũng như lưu ý của việc hút sữa. Mẹ còn những băn khoăn hay thắc mắc nào không? Hãy để lại bình luận ở bên dưới để cùng trao đổi nhé!
Chúc mẹ khoẻ, bé ngoan!