Chữa tắc sữa bằng lá bắp cải được các mẹ sử dụng khá phổ biến hiện nay. Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng phương pháp này thực sự có cơ sở khoa học. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trong lá bắp cải có thành phần giúp chống viêm, giúp giảm triệu chứng tắc sữa hiệu quả.
Cụ thể thế nào? Mẹ kéo xuống đọc tiếp nhé!
Mục lục
1. Chữa tắc sữa bằng lá bắp cải có khoa học không?
Câu trả lời là có ạ! Nhiều nghiên cứu chỉ ra lá bắp cải có hiệu quả tốt trong việc giúp mẹ giảm tắc sữa sau sinh.
Đánh giá năm 2012 về hiệu quả của việc sử dụng lá bắp cải đối với vấn đề căng cứng tuyến vú cho thấy: Đa số các mẹ đã sử dụng lá bắp cải để chữa tắc sữa đều cho rằng đây là phương pháp hiệu quả, nên áp dụng.
Một nghiên cứu năm 2006 cho thấy rằng đắp lá bắp cải ướp lạnh lên vùng ngực bị sưng sẽ giúp giảm đau tương tự như chườm nóng. Nghiên cứu cũng chứng minh lá bắp cải chứa lượng lớn phytoestrogen – chất có hiệu quả trong việc giảm sưng, từ đó giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và chống viêm.
Chữa tắc sữa bằng lá bắp cải là phương pháp khoa học, hiệu quả.
2. Thông tắc sữa và giảm đau bằng lá bắp cải như thế nào?
cách chữa tắc tia sữa bằng lá bắp cải
Để chữa tắc tia sữa bằng lá bắp cải mẹ cần chuẩn bị:
- Bước 1: Chuẩn bị một bắp cải xanh: Mẹ dùng dao bỏ đầu và cuối tách lấy 8 lá xanh không dập nát, loại bỏ đi những lá mềm và không sạch. Mẹ nên chọn lá dày to, và có kích thước xấp xỉ bầu ngực của mình.
- Bước 2: Làm sạch lá bắp cải: Ngâm với nước muối loãng trong 15 phút để loại bỏ độc tố và rửa lại một lần nữa với nước lọc.
Có 2 phương pháp chính chữa tắc sữa bằng lá bắp cải để mẹ áp dụng đó là chườm nóng và chườm lạnh.
2.1. Cách thông tắc sữa bằng lá bắp cải (Chườm nóng)
Dùng lá bắp cải hơ nóng có tác dụng làm tan các cục sữa đông vón, giãn nở các ống dẫn sữa, giúp sữa chảy ra dễ dàng hơn.
- Bước 1: Mẹ sử dụng lò vi sóng hoặc nồi chiên không dầu, đặt lá bắp vào. Cài đặt nhiệt độ 100 độ C trong 3 phút. Lấy lá cải ra khỏi lò vi sóng, đợi khoảng 1 phút để lá nguội bớt.
- Bước 2: Cởi bỏ áo ngực, đặt một lớp khăn xô mỏng lên bầu ngực bị tắc sữa trước khi đắp lá bắp cải.
- Bước 3: Đặt lá bắp cải đã hơ nóng lên trên vùng ngực bị tắc sữa để lá bắp ôm trọn và ủ ấm khuôn ngực của mẹ.
- Bước 4: Mẹ lấy tay day phần cọng lá bắp cải lên trên bầu ngực để làm tan cục đông sữa, kết hợp massage theo vòng tròn, bắt đầu từ bầu vú hướng dần vào núm vú để đạt hiệu quả tốt nhất. Nếu lá cũ đã nguội, mẹ thay lá khác nóng hơn và tiếp tục làm cho tới khi cục đông sữa tan ra.
Lưu ý:
- Mỗi lần đắp tối đa trong 30 phút, không đắp quá 3 lần mỗi ngày vì sẽ gây tác dụng ngược, khiến các ống dẫn sữa bị giãn quá đà, khó co bóp hơn.
- Nhờ người thân hơ giúp lá bắp để quá trình không bị gián đoạn.
2.2. Cách giảm đau, sưng tấy bằng lá bắp cải (Chườm lạnh)
Nếu chườm nóng giúp mẹ thông tắc tia sữa, chườm lạnh lại giúp mẹ giảm đau hiệu quả. Như đã chia sẻ ở trên, lá bắp cải có chứa nhiều phytoestrogen – thành phần có tác dụng trong giảm sưng tấy, ngừa viêm hiệu quả.
3 bước giúp mẹ dùng lá bắp cải chườm lạnh đây ạ!
- Bước 1: Chọn 4 lá bắp cải xanh ngâm nước muối loãng trong 5 phút và sửa sạch. Cho vào trong ngăn đá tủ lạnh 30 phút.
- Bước 2: Vò nát lá để làm đứt gân và tiết ra nước bắp cải.
- Bước 3: Đặt lá đã nghiền nát trên bầu ngực khoảng 20 phút, tránh đắp lá lên đầu ti. Khi hết lạnh thì thay lá mới và tiếp tục thực hiện tương tự.
Lưu ý: Tần suất sử dụng: 1-3 lần/ngày. Không dùng quá 3 lần/ngày vì có thể gây tác dụng ngược, khiến các nang sữa bị co lại gây tắc sữa nặng hơn.
3. Lá bắp cải chữa tắc tia sữa bao lâu có hiệu quả?
Chữa tắc sữa bằng lá bắp cải giúp mẹ dễ chịu, giảm tắc sữa ngay sau khi sử dụng. Tuy nhiên, cách này chỉ có hiệu quả tức thời. Để hiệu quả lâu dài, mẹ kết hợp chăm sóc như sau:
- Massage ngực: Massage ngực giúp đánh tan các cục sữa đông gây ách tắc tuyến sữa, làm giãn nở các nang sữa giúp tia sữa được lưu thông. Mẹ tham khảo chi tiết cách massage ngực tại đây nhé!
- Vắt sữa: Vắt sữa mẹ bằng tay hoặc máy hút sữa sẽ hạn chế ứ đọng trong nang sữa, hạn chế căng sữa, tắc sữa. Mẹ áp dụng vắt sữa theo khung giờ 2h/lần hoặc 3h/lần. Nếu bé bú trùng với giờ vắt sữa, mẹ có thể vắt sữa sau khi bé bú, đảm bảo bầu ngực cạn hết sữa mẹ nhé!
Lưu ý cho mẹ:
- Không day ấn bầu ngực quá mạnh: Có mẹ nghĩ day ấn bầu ngực có thể làm tan cục sữa bị tắc nhưng không phải đâu ạ. Hành động này dễ làm tổn thương, đôi khi còn bầm tím (tụ máu) gây đau cho mẹ.
- Không nhờ người lớn bú mút đầu ti: Miệng người lớn chứa nhiều vi khuẩn, có thể lây nhiễm vi khuẩn sang ngực mẹ, gián tiếp lây sang bé. Chưa kể đến người lớn có khớp ngậm sai, nên việc ti sữa cũng không hiệu quả đâu ạ!
4. Khi nào cần đến khám bác sĩ
Phương pháp này chỉ hiệu quả với những mẹ tắc sữa nhẹ, chưa viêm, áp xe,…. Với những mẹ có 2 trong các triệu chứng bên dưới thì cần đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời, vì đó có thể là áp xe vú/ viêm vú.
- Tắc sữa kèm sốt cao trên 38.5 độ C: Sốt có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng vú được gọi là viêm vú hoặc một bệnh khác.
- Vú sưng, cứng, bóng, đau nhức nhối, ấm và hơi sần khi sờ vào.
- Mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, khó thở,…
- Không có dấu hiệu thuyên giảm sau 3 – 4 ngày.
Có mẹ sợ đau, ngại đến bệnh viện nên chần chừ, dù bị nặng nhưng vẫn cố sử dụng các phương pháp đơn giản tại nhà. Thật ra, việc chữa tắc sữa ở bệnh viện không quá đau và khủng khiếp nếu được phát hiện và điều trị sớm. Mẹ đi khám sớm nếu phát hiện những biểu hiện trên, tránh kéo dài gây đau đớn cho mẹ, ảnh hưởng đến việc bú của bé mẹ nhé!
Cách chữa tắc sữa bằng lá bắp cải là phương pháp có khoa học, giúp mẹ dịu cơn tắc sữa nhanh chóng. Tuy nhiên, mẹ không nên lạm dụng mà cần sử dụng đúng theo hướng dẫn ở trên để có hiệu quả tốt nhất. Nếu còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận ở dưới để được hỗ trợ mẹ nhé!