Điều trị tắc tia sữa bằng sóng ngắn hiện nay không được các cơ sở y tế áp dụng. Thay vào đó, các chuyên gia khuyên mẹ áp dụng phương pháp dùng sóng siêu âm hoặc sóng hồng ngoại chữa tắc tia sữa. Tại sao vậy? Mẹ theo dõi để hiểu rõ hơn mẹ nhé!
Mục lục
1. Thực hư về việc điều trị tắc tia sữa bằng sóng ngắn
Theo Khoa Phục hồi chức năng BVĐK Đức Giang, sóng ngắn trong điều trị vật lý trị liệu là phương pháp sử dụng bức xạ điện có bước sóng từ 11m đến 22m. Bước sóng ngắn mang năng lượng cao, có khả năng đi sâu vào tổ chức, cơ quan và mạch máu dưới da mang lại các tác dụng:
- Tạo nhiệt sâu tại các cơ quan của cơ thể, làm ấm cơ thể từ bên trong.
- Giảm đau nhờ khả năng tác động sâu tới dây thần kinh dẫn truyền cảm giác đau.
- Chống viêm do kích thích hoạt động của bạch cầu – yếu tố bảo vệ cơ thể khỏi các nguyên nhân gây viêm.
- Phục hồi chức năng vận động xương khớp.
Với những tác dụng trên, sóng ngắn không được áp dụng để chữa tắc tia sữa mà được sử dụng trong vật lý trị liệu một số bệnh liên quan đến các tổ chức sâu dưới da như: bệnh xương khớp, viêm đau cơ quan nội tạng, đau thần kinh, rối loạn tuần hoàn máu,….
Các phương pháp vật lý trị liệu hiện đang được các cơ sở y tế áp dụng là phương pháp dùng sóng siêu âm hoặc sử dụng đèn hồng ngoại. Theo dõi tiếp để hiểu rõ hai phương pháp này mẹ nhé!
2. Điều trị tắc tia sữa bằng phương pháp vật lý trị liệu
Phương pháp vật lý trị liệu được sử dụng là: Sử dụng sóng siêu âm và sử dụng đèn hồng ngoại. Hai phương pháp này đều mang lại hiệu quả nhanh chóng, không gây đau, không làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ.
2.1. Điều trị tắc tia sữa bằng sóng siêu âm đa tần số kết hợp với dòng điện xung
Phương pháp sử dụng sóng siêu âm đa tần kết hợp với dòng điện xung sử dụng điện xung và sóng siêu âm tác động trực tiếp lên bầu ngực của mẹ ở nhiều tần số khác nhau trong khoảng từ 1 – 3 Mhz. Sóng siêu âm và điện xung đi qua da, tiếp cận trực tiếp và làm tan các cục sữa vón dưới da, khai thông tia sữa hiệu quả.
Tại mỗi tần số khác nhau, sóng siêu âm và điện xung sẽ tác động đến các vị trí nang sữa nông và sâu khác nhau. Ví dụ:
- Sóng siêu âm tần số 1Mhz làm tan cục sữa vón tại các nang sữa sâu, cách da 5 – 8 cm.
- Sóng siêu âm tần số 3Mhz làm tan cục sữa vón tại các nang sữa nông, các da 2 – 3 cm.
Kết hợp đa tần số sóng siêu âm mang lại tác dụng cải thiện tắc tia sữa tối ưu, thông tắc tia sữa tại tất cả các vị trí trong bầu ngực.
Phương pháp này sử dụng sóng siêu âm và xung điện tương tự như trong quá trình siêu âm thai khi mẹ mang bầu. Mẹ yên tâm vì các tác động trên da rất nhẹ nhàng, không gây đau, hoàn toàn an toàn cho mẹ và không ảnh hưởng đến chất lượng sữa của con.
Công dụng:
- Làm tan các cục sữa vón kể cả tại các vị trí sâu trong bầu ngực.
- Khai thông đường dẫn sữa, gọi sữa mẹ về và kích thích phóng sữa ra ngoài.
- Giảm sưng đau; giảm căng tức ngực; làm mềm, thư giãn mô cơ tuyến vú.
Phương pháp sử dụng sóng siêu âm và dòng điện xung cần được thực hiện bởi các nhân viên y tế có chuyên môn. Mẹ lựa chọn các cơ sở uy tín để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Mỗi liệu trình điều trị tắc tia sữa kéo dài 1 – 3 lần tùy cơ địa và mức độ tắc tia sữa nặng hay nhẹ. Mỗi lần chỉ mất khoảng 20 – 30 phút. Vừa không tốn quá nhiều thời gian của mẹ, bầu ngực cũng giảm căng tức nhanh chóng ngay sau lần điều trị đầu tiên.
2.2. Đắp parafin và chiếu đèn hồng ngoại điều trị tắc tia sữa
Sử dụng parafin nóng (40 – 50 độ C) kết hợp với chiếu đèn hồng ngoại là biện pháp tác động nhiệt lên bầu ngực tương tự phương pháp chườm nóng. Nhiệt ấm sẽ làm tan sữa vón, thư giãn ống dẫn sữa và giảm căng đau bầu ngực. So với chườm nóng, phương pháp này có ưu điểm:
- Parafin có tác dụng giữ nhiệt và truyền nhiệt tốt hơn, không bị nguội nhanh như nước ấm. Vì thế, nhiệt tác động lên bầu ngực ổn định hơn, nhanh hơn, làm tan sữa vón nhanh chóng.
- Đèn hồng ngoại có khả năng tác động nhiệt đến các nang sữa nằm sâu dưới da. Kết hợp sử dụng parafin và đèn hồng ngoại mang lại hiệu quả thông tắc tia sữa trên tất cả các vị trí nang sữa.
Công dụng:
- Tác dụng nhiệt làm tan sữa vón, mở đường cho sữa di chuyển dễ dàng trong ống dẫn sữa.
- Làm mềm mạch máu và các ống dẫn sữa, thư giãn bầu ngực, giảm đau, giảm căng cứng khó chịu.
Phương pháp đắp parafin và chiếu đèn hồng ngoại phải được thực hiện bởi các nhân viên y tế có chuyên môn. Nếu thao tác không đúng, nhiệt nóng và ánh sáng hồng ngoại sẽ gây bỏng hoặc tổn thương giác mạc,…
Tùy từng trường hợp, mẹ sẽ được chỉ định liệu trình chữa tắc tia sữa phù hợp:
- Trường hợp tắc tia sữa cấp tính: Thực hiện 2 lần/ngày, mỗi lần 10 – 15 phút đến khi tia sữa hết tắc hoàn toàn, ngực mẹ không còn căng đau, khó chịu.
- Trường hợp tắc tia sữa mãn tính: Thực hiện 1 lần/ ngày, mỗi lần 15-20 phút trong khoảng 5 – 7 ngày.
Mẹ lưu ý chọn địa chỉ bệnh viện hoặc phòng khám uy tín để được điều trị tắc tia sữa bằng phương pháp vật lý trị liệu an toàn và hiệu quả nhất. Mẹ tham khảo tại đây nhé: TOP 18 địa chỉ chữa tắc tia sữa uy tín trên cả nước
3. Ưu điểm của phương pháp vật lý trị liệu
Các phương pháp vật lý trị liệu trong chữa tắc tia sữa được các cơ sở y tế khuyến khích áp dụng bởi những ưu điểm sau:
- Không gây đau.
- Không dùng thuốc.
- Không tác dụng phụ gây tổn thương bầu ngực.
- Không ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ.
- Hiệu quả nhanh chóng ngay từ lần đầu điều trị.
4. Một số biện pháp phòng tắc tia sữa
Để ngực mẹ luôn thoải mái và quá trình nuôi con bằng sữa mẹ không bị gián đoạn, mẹ không để tắc tia sữa tái phát bằng những biện pháp sau:
- Vệ sinh đầu núm ti sạch sẽ: Đầu núm ti là nơi dễ đọng sữa, nước bọt; vi khuẩn dễ phát triển, gây tắc tia sữa. Mẹ dùng khăn khô đa năng lau khô đầu núm ti sau khi cho con bú hoặc sau khi vắt hút sữa mẹ nhé!
- Cho bé bú sữa mẹ thường xuyên, hàng ngày: Mẹ cho bé ăn sữa ít nhất 4 tiếng/ lần. Tác động trên đầu núm ti và lực bú sữa của con là cách tốt nhất để gọi sữa về đều, giúp sữa mẹ được thay mới và di chuyển liên tục, không bị ứ đọng gây tắc tia sữa.
- Uống đủ 2 -3l nước/ ngày: 90% sữa mẹ là nước. Vì thế, mẹ đảm bảo uống đủ nước để cơ thể mẹ có đủ nguyên liệu tạo sữa cho con. Ưu tiên các loại nước ép trái cây, sữa hạt,…để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cho cơ thể mẹ nhé!
- Bữa ăn dinh dưỡng: Chế độ ăn dinh dưỡng của mẹ làm tăng chất lượng sữa cho con. Mẹ cho con bú cần ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng:
- Đường bột: Cơm, khoai, sắn, bánh mì,…
- Protein: Thịt, cá, trứng, sữa, ngũ cốc,…
- Chất béo: Dầu cá, dừa, bơ, quả óc chó, các loại hạt…
- Vitamin và khoáng chất: Các loại trái cây, rau củ,…
Mẹ hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa, có nồng độ cholesterol cao, ảnh hưởng xấu đến tim mạch như: Mỡ động vật, da gà,…
Điều trị tắc tia sữa bằng sóng ngắn không được áp dụng cho mẹ trong thời kỳ cho con bú. Các phương pháp vật lý trị liệu khác được các chuyên gia sử dụng chữa tắc tia sữa cho mẹ là: Dùng sóng siêu âm đa tần và đắp parafin kết hợp chiếu đèn hồng ngoại. Mẹ nhớ lựa chọn cơ sở y tế uy tín để được điều trị tắc tia sữa an toàn mẹ nhé!
Nếu còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận bên dưới để được Góc của mẹ hỗ trợ nhanh chóng.