Mẹ có đang gặp phải vấn đề về viêm tuyến sữa khiến bầu ngực đau nhức và ảnh hưởng đến việc cho con bú? Nếu mẹ đang đang loay hoay tìm những bài thuốc chữa viêm tuyến sữa hiệu quả nhanh nhất, bài viết này dành cho mẹ đó! Mẹ tham khảo để biết những kiến thức về viêm tuyến vú như nguyên nhân, biểu hiện, cách phòng tránh và chữa trị mẹ nhé!
Mục lục
1. Hiểu đúng về viêm tuyến sữa
Tình trạng các vùng mô trong bầu ngực sưng lên, đau nhức, mưng mủ do bầu sữa mẹ bị viêm một hoặc nhiều ống dẫn sữa được gọi là viêm tuyến sữa (hay còn gọi là viêm vú). Tình trạng này xuất hiện phổ biến vào khoảng 5-6 tuần sau khi mẹ sinh bé, đặc biệt với trường hợp mẹ lần đầu trải qua sinh nở.
Mẹ bị viêm tuyến sữa sẽ phải trải qua lần lượt 3 giai đoạn:
- Tắc sữa
- Mưng mủ
- Lở loét
2. Nguyên nhân dẫn đến viêm tuyến sữa
Viêm tuyến sữa gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau
2.1. Nhiễm khuẩn
Đây là nguyên nhân do tác động từ bên ngoài, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập trong một số trường hợp:
Mẹ cho bé bú sai tư thế: Khi bé bú không đúng tư thế, lực bú của bé yếu hơn. Để bú được bé sẽ phải dùng lực mút mạnh khiến vùng da đầu núm vú mẹ có thể bị tổn thương. Ngoài ra, nếu núm vú mẹ bị thụt vào hoặc nhô ra quá ít, bé sẽ cắn đầu vú. Khi bé cắn mạnh, da mẹ hình thành những vết thương hở. Vi khuẩn trên da có thể xâm nhập qua những vùng da tổn thương đó gây nhiễm trùng, lở loét dẫn đến viêm vú.
Vi khuẩn từ mũi và miệng bé lây chéo sang da mẹ khi bú: Khi bé vui chơi, ăn uống không thể tránh khỏi bụi bặm tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn vô tình sinh sôi. Nếu mẹ không thường xuyên vệ sinh sạch sẽ mũi và miệng cho bé, vi khuẩn Staphylococcus aureus từ miệng và mũi của bé khi bú lan truyền sang các vết thương hở trên núm vú, gây viêm vú cho mẹ!
2.2. Tắc ống dẫn sữa
Ống dẫn sữa là bộ phận có chức năng vận chuyển sữa từ các tuyến sữa đến núm vú. Khi mẹ cho bé bú không đúng cách, sai tư thế hoặc không thường xuyên hút hết sữa trong bầu ngực, sữa dễ tích tụ lại vón thành cục gây tắc ống dẫn sữa.
Khi sữa vón thành cục như vậy mà mẹ để trong thời gian dài sẽ khiến tình trạng nặng hơn, dễ dẫn tới viêm vú. Với tình trạng nhẹ, mẹ dùng một vài phương pháp được nhắc tới dưới bài viết để giảm tình trạng viêm.
Tuy nhiên, nếu qua 3-5 ngày mà tình trạng viêm của mẹ nặng hơn, mủ xanh chảy ra khỏi bầu ngực, sưng to đau nhức, mẹ dừng cho bé bú ngay và tới gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời, không tự ý sử dụng thuốc mẹ nhé! Trong trường hợp mẹ tự ý dùng thuốc chứa các chất không phù hợp với cơ thể, khả năng gặp các tác dụng phụ không mong muốn và hoại tử cho mẹ là rất cao.
2.3. Yếu tố nguy cơ
Ngoài những trường hợp thường gặp kể trên, mẹ có thể bị viêm tuyến sữa từ một số yếu tố khác như:
- Loét hoặc nứt núm vú: Nguyên nhân gây loét núm vú do mẹ bị các bệnh ngoài da như eczema, giang mai, lao hoặc nhiễm khuẩn thông thường. Mẹ gặp phải tình trạng này dễ bị vi khuẩn xâm nhập qua những khe vứt hay vùng da bị lở loét, từ đó dẫn đến viêm vú.
- Không thay đổi tư thế cho bé bú: Khi bé bú sai tư thế, lượng sữa bé bú được ít hơn, dẫn đến sữa thừa trong bầu sữa mẹ. Sữa không được giải phóng lâu ngày gây tắc sữa và nếu không được giải quyết kịp thời, mẹ có khả năng bị viêm vú.
- Mặc áo ngực quá chật: Khi mẹ mặc size áo không vừa vặn với cơ thể, rất dễ khiến cho vùng da ngực bị ngứa ngáy, sưng đỏ do bị cọ xát quá chặt vào viền áo ngực. Nặng hơn, nếu bị cọ xát quá mạnh gây xước da, chảy máu, những vết thương hở này trở thành nơi trú ngụ của vi khuẩn. Sự xâm nhập của vi khuẩn sẽ dẫn tới viêm vú đó mẹ!
- Tái phát lại bệnh: Mẹ đã có tiền sử viêm tuyến vú trước đó và không được chữa trị triệt để dẫn đến tái đi tái lại nhiều lần!
3. Triệu chứng viêm tuyến sữa ở mẹ
Hiện tượng viêm tuyến sữa thường xảy ra ở một bên vú. Nhưng làm thế nào để mẹ biết mình bị viêm tuyến sữa? Mẹ để ý xem mình có những dấu hiệu sau không nhé!
- Ngực căng cứng, đọng nhiều sữa nhưng sữa không tiết ra hết được do bị đông lại. Khi mẹ hút sữa sẽ cảm thấy buốt.
- Ngực sưng lên, khi sờ vào mẹ thấy đau nhói. Đồng thời vùng đầu vú trở nên đỏ, nóng hơn nhiều.
- Mẹ thấy đau rát đầu vú khi cho bé bú, các tia sữa bị thu nhỏ lại và lượng sữa tiết ra không đều.
- Cơ thể mẹ mệt mỏi, người ớn lạnh, sởn gai ốc,…
- Mẹ thường hay bị sốt cao, đau tức ngực trầm trọng, tuyến vú bị mưng mủ, sữa tiết ra đổi màu so với sữa thông thường (thành màu xanh, tím,…)
4. 4 bài thuốc chữa viêm tuyến sữa hiệu quả cho mẹ
Đây không phải là căn bệnh mới, từ xa xưa khi chưa có y học hiện đại như ngày nay, các thế hệ đi trước đã có những bài thuốc y học cổ truyền để xử lý vấn đề này. Có những bài thuốc đem đến hiệu quả nhanh chóng chỉ sau 3-5 ngày uống.
4.1. Bài thuốc 1: Dành cho các mẹ vừa mới bị viêm tuyến vú
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 12g sài hồ bắc
- 12g kinh giới
- 12g ngưu bàng tử
- 12g bồ công anh
- 5g cam thảo
- 8g liên kiều
- 8g hoàng cầm
- 8g hương phụ
- 8g trần bì
- 8g kim ngân hoa
- 8g bàng phong
Cách làm:
- Rửa sạch các nguyên liệu trên và cho tất cả vào ấm sắc cùng 2 bát nước (khoảng 400 – 500ml). Đun sâm sấp lửa đến khi chỉ còn 100ml. Mẹ lấy thuốc đã sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Nếu mẹ bị ớn lạnh và sốt nhẹ thì cho thêm 12g chi tử và 16g thạch cao vào sắc cùng để uống.
4.2. Bài thuốc 2: Dùng để đắp vùng vú bị sưng, đau nhức
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 40g hương phụ
- 12g xã hương
- 50g bồ công anh
Cách làm:
- Nguyên liệu đem rửa sạch, sau đó cho vào cối giã nhuyễn.
- Lọc nước của hỗn hợp vừa giã xoa đều lên vùng vú bị sưng. Phần bã còn lại đem đắp lên sau khi xoa nước. Mẹ đắp đến khi phần bã khô (khoảng 7-10 phút), sau đó vệ sinh ngực với nước sạch.
- Đắp 2-3 lần/ngày và liên tục trong khoảng 3-5 ngày để thấy được hiệu quả tốt nhất mẹ nhé.
4.3. Bài thuốc 3: Chữa viêm tuyến vú cho mẹ không có triệu chứng sốt hoặc ớn lạnh
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 40g qua lâu
- 20g đương quy, cam thảo mỗi vị dùng
- 12g đẳng sâm
- 8g xuyên sơn giáp (vảy tê tê)
- 8g hoàng kỳ
- 4g bột hương phụ
- 8g độc dược
Cách làm:
- Nguyên liệu sau khi rửa thật sạch đem cho vào ấm sắc cùng 500ml nước.
- Lọc bỏ bã rồi cho thêm 30ml rượu nếp
- Chia làm 3 lần uống hết trong ngày. Mẹ áp dụng trong 3-5 ngày để thấy được hiệu quả
4.4. Bài thuốc 4: Dành cho mẹ bị đau nhức, tức ngực, đầu vú sưng to
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 8g nhân sâm
- 8g đương quy
- 8g sinh hoàng ký
- 8g cát cánh
- 8g xuyên khung
- 8g bạch thược
- 8g bạch truật
- 12g kim ngân hoa
- 4g tạo giác thích
- 4g bạch chỉ
Cách làm: Đem tất cả dược liệu trên sắc với 600ml nước. Mẹ uống thuốc sau khi ăn 3-4 tiếng và uống mỗi ngày 1 thang.
4.5. Những bài thuốc chữa viêm tuyến vú khác
Ngoài những bài thuốc phổ biến trên, còn có những công thức khác được dùng để điều trị viêm tuyến sữa có thể tham khảo như:
- Bài thuốc với núm bí ngô: Đem 15 núm bí ngô đốt tồn tính, sau đó nghiền thành bột mịn. Trộn 2 thìa cà phê bột thuốc cùng với 50ml rượu nếp để uống (lượng rượu mẹ thay đổi linh hoạt cho sao cho dễ uống)
- Bài thuốc với hạt quýt: Sao vàng 10g hạt quýt rồi đun lên để uống trong ngày
- Bài thuốc với hạnh đào nhục: Giã nhuyễn nguyên liệu gồm 15g hạnh đào nhục, 3g bột sơn tư cô rồi trộn đều. Chiêu hỗn hợp với 200g bồ công anh và uống trong ngày
- Bài thuốc với lá kiều mạch: Sắc 100g lá kiều mạch với nước để uống mỗi ngày
- Bài thuốc với rau kim châm khô: Hầm 50g rau kim châm khô với 200g thịt lợn băm để ăn hàng ngày
- Bài thuốc với khoai lang: Giã nhuyễn 100g khoai lang sau khi rửa sạch, bào vỏ, cắt thành từng khúc nhỏ, và 100g rau diếp cá. Lấy bã đắp vào chỗ viêm tuyến sữa 2-3 lần/ngày.
Đây đều là những bài thuốc cổ truyền, chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào xác minh tính hiệu quả của những bài thuốc này. Đặc biệt, các bài thuốc chỉ nên áp dụng khi mẹ mới bị viêm tuyến sữa mức độ nhẹ. Nếu như có các triệu chứng nặng hoặc dùng thuốc nhưng bệnh tình vẫn chuyển biến nặng với những triệu chứng sau, mẹ nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chữa trị kịp thời:
- Cảm giác có hạch cứng nổi ở vùng ngực ngày một nhiều, sờ vào cảm thấy đau, buốt
- Mẹ sốt cao trên 38.5 độ, tuyến sữa mưng mủ chảy ra cùng sữa mẹ, sữa mẹ bị đổi màu.
- Ngực càng ngày càng căng cứng và đau dữ dội, sữa không tiết ra hoặc tiết ra rất nhỏ giọt mỗi khi mẹ vắt hay hút.
- Bệnh không có dấu hiệu giảm sau 3-4 ngày uống thuốc theo phương pháp dân gian.
Những biểu hiện trên có thể là dấu hiệu của những biến chứng nguy hiểm, mẹ không thể tự điều trị tại nhà mà nên tới gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời mẹ nhé!
5. Lưu ý cho mẹ khi bị viêm tuyến sữa
Trong quá trình điều trị viêm tuyến sữa tại nhà, mẹ cần ghi nhớ những điều sau để quá trình chữa trị có kết quả tốt:
- Ăn thức ăn lợi sữa như: quýt, cà chua, mướp, dưa chuột, ngó sen, mã thầy, canh đậu đỏ…Những loại thực phẩm này cung cấp nhiều nước, vitamin và hàm lượng dinh dưỡng cao, giúp thúc đẩy quá trình sản sinh sữa, sữa mẹ đặc và nhiều dưỡng chất cho con.
- Ăn thức ăn bổ mát như canh cá diếc, canh gan lợn, canh đậu phụ… đối với mẹ viêm tuyến sữa có vết thương lở loét lâu không liền miệng, da mặt vàng và cơ thể gầy yếu, mất sức nhiều
- Thường xuyên vệ sinh vùng ngực trước và sau khi cho con bú, đặc biệt là những vùng dễ tích tụ vi khuẩn như các khe kẽ ở đầu ti để vi khuẩn không có cơ hội tấn công vào các vết thương hở trên da mẹ. Để đảm bảo việc vệ sinh được sạch sẽ hoàn toàn và không nhiễm khuẩn chéo, mẹ rửa tay sạch sẽ trước khi vệ sinh ngực và dùng khăn khô đa năng để vệ sinh mẹ nhé! Khăn khô đa năng chỉ sử dụng một lần, ngăn khả năng nhiễm khuẩn chéo như từ khăn mặt sang ngực mẹ.
- Kiêng ăn thức ăn tanh, mặn, nhiều dầu mỡ, quá ngọt hoặc quá cay. Đây là những thực phẩm có tính nóng, dễ làm các vết thương hở trở nên nghiêm trọng, khó lành hơn
- Ngưng uống thuốc dân gian và đi khám bác sĩ nếu gặp những triệu chứng như: Vú sưng cứng, ấm bóng và nổi cộm khi sờ vào; Người mẹ luôn cảm thấy mệt mỏi, ớn lạnh và khó thở; Mẹ dùng thuốc quá 4 ngày mà vẫn chưa thấy có dấu hiệu thuyên giảm.
6. Gợi ý cho mẹ phương pháp chữa tắc tia sữa khoa học được nhiều mẹ áp dụng
Những gợi ý dưới đây giúp mẹ tránh được những chuyển biến xấu đi của tình trạng tắc tia sữa (nếu không điều trị sớm sẽ chuyển biến thành viêm tuyến sữa).
6.1. Chườm ấm quanh bầu ngực
Tác dụng: Đây là phương pháp dùng tác dụng nhiệt khoảng 40-45 độ C lên bầu ngực để làm tan các cục sữa đông. Phương pháp này kết hợp massage sẽ nhân đôi hiệu quả trị tắc sữa đó mẹ!
Cách thực hiện:
- Trước khi cho bé bú: mẹ để ngực trần (không mặc áo ngực). Sau đó đắp khăn đã nhúng nước ấm (khoảng 40 – 45 độ C) trực tiếp lên ngực. Đồng thời mẹ lấy tay massage ngực theo hướng từ trong ra ngoài (hướng ra phía đầu ti) trong suốt quá trình chườm ấm ngực.
- Khi tắm: mẹ dùng một miếng đệm nóng (nhiệt độ không quá 45 độ C) hoặc vải ấm đắp lên ngực 20 phút/lần. Mẹ có thể đứng trước vòi sen, điều chỉnh nhiệt độ nước trong vòi khoảng 45 độ, để nước ấm từ vòi sen chảy vào ngực giúp giảm căng cứng và làm mềm ngực.
6.2. Massage vùng ngực
Tác dụng: Các động tác massage tác động một lực vừa đủ lên các cục sữa đông làm chúng tan ra, kết hợp với massage theo chiều dòng chảy của sữa giúp làm lưu thông tuyến sữa, giảm tình trạng tắc sữa.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa tay sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn. Sau đó, mẹ dùng khăn khô đa năng để vệ sinh bầu ngực. Mẹ lau từ đầu núm vú vòng rộng dần ra ngoài để đạt hiệu quả làm sạch tốt nhất, tránh lau lại 1 vùng da nhiều lần bởi sẽ dễ gây lây chéo lại vi khuẩn lên vùng da đã được vệ sinh.
- Bước 2: Nhẹ nhàng xoa lên vùng ngực bị nổi cục cứng
- Bước 3: Dùng lực tay vừa day vừa ép bầu ngực theo chiều từ trong ra ngoài (hướng về phía đầu ti). Mẹ chú ý day và ấn mạnh hơn một chút nơi có những cục sữa đông nổi cộm lại để ép chúng tan ra.
Lặp lại các bước trên bất cứ khi nào mẹ có thời gian để hiệu quả đánh tan sữa đông trong ngực mẹ được nhanh hơn. Từ đó khai thông dòng sữa và khả năng đón sữa mới của mẹ cũng tốt hơn đó ạ.
6.3. Sử dụng một số sản phẩm hỗ trợ
Mẹ dùng thêm thực phẩm chức năng để đẩy nhanh quá trình trị tắc sữa, viêm tuyến sữa. Những thực phẩm này được nghiên cứu và chứng minh có chứa những thành phần hỗ trợ điều trị tắc sữa, giảm đông sữa như canxi, vitamin D3, D6… Magie, Kẽm… cùng nhiều khoáng chất khác.
Một số sản phẩm uy tín mẹ có thể tham khảo như:
- Thuốc lợi sữa Mabio
- Thuốc lợi sữa Ích mẫu lợi nhi
- Thuốc lợi sữa Pigeon
Tuy nhiên, sử dụng thực phẩm chức năng không có nghĩa là mẹ sẽ cải thiện hoặc hết hẳn tắc sữa bởi nó chỉ là một sản phẩm hỗ trợ làm mát cơ thể, bổ sung dưỡng chất chứ không phải là thuốc và có tác dụng điều trị triệu chứng tắc sữa. Để đảm bảo an toàn và tránh việc sử dụng sai hay gặp phải tác dụng phụ, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc!
Hy vọng với những thông tin trên, mẹ đã có những hiểu biết thêm về dấu hiệu, nguyên nhân, cách phòng tránh cũng như các cách chữa viêm tuyến sữa. Nếu mẹ có bất cứ thắc mắc nào cần giải đáp xung quanh vấn đề này, đừng ngại để lại bình luận dưới bài viết này để được giải đáp mẹ nhé!