Khi con bước vào thời kỳ ăn dặm, chắc hẳn cha mẹ còn nhiều điều bỡ ngỡ, lo lắng. Nhà mình hãy đọc ngay những lưu ý khi ăn dặm dưới đây để đảm bảo bé ăn dặm an toàn, mau lớn nhé!
Mục lục
1. Lưu ý về thời điểm ăn dặm của con mẹ nhé!
Mẹ bầu ơi ghi nhớ nhé: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời kỳ ăn dặm của con nên được bắt đầu khi con tròn 6 tháng tuổi. Lý do là vì, từ 6 tháng tuổi trở lên, hệ tiêu hóa và các cơ quan trong cơ thể con đang dần hoàn thiện. Đây là khoảng thời gian lý tưởng để bé làm quen với nhiều loại thức ăn mới.
Trước 6 tháng tuổi (từ 3-6 tháng), các cơ quan của bé còn rất non nớt, mẹ hãy lưu ý, ăn dặm không được khuyến khích vào lúc này. Nếu ăn dặm quá sớm, con có thể sẽ chán sữa mẹ, lười ti; rối loạn tiêu hóa vì ăn đồ “lạ”,… Từ khi sinh ra đến khi bé được hơn 9 tháng tuổi, sữa mẹ là vô cùng cần thiết. Thiếu đi sữa mẹ, con sẽ gặp nguy cơ thiếu dưỡng chất, chậm lớn, còi xương,…
Nếu bé ăn dặm quá muộn, bé sẽ dễ bị biếng ăn, chậm phát triển, cơ thể thiếu đi nhiều chất như sắt, canxi, vitamin,… và không đủ năng lượng để lớn. Chính vì vậy, trong thời gian này, bên cạnh sữa mẹ, gia đình mình có thể cho bé tập cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật với các loại rau củ nhé!
2. Lưu ý khi ăn dặm – Ăn bao nhiêu là đủ?
Trong những ngày đầu tiên bắt đầu ăn dặm, các con chỉ ăn được 2-3 thìa cà phê thôi mẹ à! Nhưng mẹ đừng sốt ruột, nguyên tắc ăn dặm là từ ít đến nhiều; từ lỏng đến đặc mà. Cha mẹ hãy quan sát xem con phản ứng thế nào với thức ăn mới nhé! Nếu con vui vẻ, thích thú, bố mẹ có thể tăng dần khẩu phần lên cho con ăn.
Lưu ý khi ăn dặm cho mẹ: 6-8 tháng, bé chỉ nên ăn 1 bữa ăn dặm 1 ngày. Từ 9 -12 tháng, cha mẹ tăng lên 2-3 bữa/ngày cho con. Đến khi bé được 1 tuổi hơn thì cha mẹ có thể thử cho con ăn cơm nát được rồi đó! Dần dần, bé sẽ ăn cơm cùng cả nhà mình một cách tự nhiên, vui vẻ thôi!
3. Mẹ đừng quên con vẫn cần các bữa sữa nha!
Mẹ ơi, dù con đã bắt đầu tập ăn dặm, mẹ cũng đừng cắt bữa sữa của con nha! Khi lượng thức ăn dặm tăng dần, bé sẽ bú hoặc uống ít sữa hơn. Tuy nhiên, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho bé trong năm đầu đời. Với trẻ 1 tuổi, sữa vẫn nên chiếm khoảng 70% khẩu phần ăn.
Xem thêm: Bảng chuẩn lượng sữa cho trẻ sơ sinh theo tuổi và cân nặng
4. Mẹ đừng ép bé ăn, hãy nhận biết khi con đói
Không ép bé ăn là một lưu ý khi ăn dặm quan trọng dành cho bố mẹ đấy! Nếu con có biểu hiện quay mặt đi, khóc, nhè, không muốn ăn, bố mẹ hãy tôn trọng con nha. Có thể bé chưa sẵn sàng, chưa quen với đồ ăn mới. Nếu bị ép, bé có thể sẽ bị nôn, trớ, mệt mỏi đấy mẹ ơi!
Mẹ hãy quan sát và nhận biết thời gian trẻ ăn dặm hợp lí mẹ nhé! Nếu con không hưởng ứng, cha mẹ nên cho bé tạm ngưng việc trẻ ăn dặm sớm để con không cảm thấy căng thẳng nha!
5. Con cũng cần có thời gian làm quen với những điều mới mẻ
Bố mẹ hãy lưu ý khi ăn dặm rằng, con cũng cần có thời gian để làm quen với điều mới lạ. Từ khi sinh ra, con chỉ ăn sữa mẹ. Đến thời kỳ ăn dặm, con mới bắt đầu làm quen với các loại thực phẩm khác nhau. Đây là bỡ ngỡ đầu đời của con đấy cả nhà mình ạ!
Để đảm bảo cho con ăn dặm an toàn và thành công, cha mẹ hãy cho bé làm quen dần với bột, cháo dạng lỏng. Ban đầu, mỗi lần bé chỉ ăn được khoảng vài thìa nhỏ. Theo thời gian, bé sẽ quen dần và ăn ngon miệng hơn. Bật mí nho nhỏ: Gia đình mình hãy cho bé làm quen với thìa, muỗng, cho bé tập cầm tay khi bé sẵn sàng nhé! Đây sẽ là trải nghiệm vô cùng thú vị với con đó!
Xem thêm:
6. Nên cho con ăn gì?
Nhà mình nhớ các lưu ý khi ăn dặm sau về các loại thực phẩm nên cho con ăn dặm nhé!
- Các loại rau củ giàu vitamin như củ dền, bí đỏ, cà rốt, cải bó xôi,…
- Các loại trái cây như: đu đủ, chuối, dưa hấu nghiền,…
- Các thức uống như: nước cam, nước dưa hấu,…
- 6 tháng bé có thể ăn thịt nạc, lòng đỏ trứng gà; khi bé 7 – 9 tháng thì có thể ăn tôm, cá, thịt bò,…
- Tinh bột có trong khoai tây, gạo tẻ,…
- Cha mẹ đừng quên chất béo có trong dầu thực vật, mỡ động vật nhé!
Xem thêm: Thực phẩm ăn dặm cho bé: Bảng thực phẩm chuẩn nhất
7. Lưu ý khi ăn dặm an toàn: Không nên cho con ăn gì?
- Mật ong có thể khiến bé nhiễm độc clostridium botulinum.
- Muối, gia vị khi bé mới ăn dặm, vì lúc này gan, thận bé còn yếu, không đủ khỏe để thải độc và xử lý các vấn đề nếu ăn mặn.
- Các loại quả có vị chua.
- Uống sữa tươi đóng hộp không tốt cho bé dưới 12 tháng tuổi.
- Các loại đồ ăn sống gây nguy hiểm cho con
Xem thêm: Thực phẩm không nên cho bé ăn dặm mà bố mẹ nên biết
8. Mẹ hãy lưu ý khi ăn dặm mà con bị dị ứng với đồ ăn
Sau mỗi lần thử thức ăn mới, mẹ cần theo dõi phát hiện kịp thời các dấu hiệu dị ứng thức ăn ở trẻ. Các dấu hiệu như: chướng bụng đầy hơi, nổi ban đỏ li ti ở mặt, chảy nước mắt nước mũi, phân lỏng hoặc có chất nhầy, ban đỏ nổi quanh hậu môn, quấy khóc, nôn hay trớ nhiều hơn bình thường. Nếu có các dấu hiệu kể trên thì mẹ hãy ngừng cho bé ăn và hỏi ý kiến bác sĩ ngay nhé!.
Để có thể phát hiện ra nguyên nhân gây dị ứng, mỗi lần mẹ chỉ nên cho bé thử một loại thực phẩm. Sau khoảng 2-3 ngày mới nên chuyển sang loại khác. Theo khuyến cáo của Hội Nhi khoa Hoa Kỳ, trong nhóm thực phẩm giàu chất đạm thì trứng nên được đưa vào cuối cùng vì đôi khi thực phẩm này có thể gây dị ứng. Cha mẹ chỉ nên cho bé ăn tối đa 3 lần mỗi tuần.
9. Sự thay đổi khi con bắt đầu ăn dặm
Bố mẹ có thể quan sát “sản phẩm” của bé sau khi đi vệ sinh để đoán biết tình hình nhé! Khi chế độ ăn thay đổi, phân của bé cũng sẽ thay đổi. Khi ăn dặm, phân của bé thường rắn hơn, mùi cũng nặng hơn. Các loại rau xanh có thể khiến phân có màu xanh sẫm, cà rốt cho màu vàng đỏ. Mẹ đừng lo nếu phát hiện các mẩu thức ăn bị thải ra cùng phân nha! Đường tiêu hóa của bé chưa trưởng thành hẳn, cần thời gian để học cách tiêu hóa hoàn toàn các loại thức ăn.
Phân quá lỏng hay nhiều nước hoặc có dịch nhầy có nghĩa là hệ tiêu hóa bé bị kích thích. Mẹ nên giảm lượng thức ăn và độ đặc và đợi thêm một thời gian để bé có thể tiếp tục dung nạp thực phẩm.
Các mẹ đã nắm được các lưu ý khi ăn dặm trên đây chưa? Chúc các mẹ thành công khi cho bé ăn dặm, và con thì “mau ăn chóng lớn” nhé!
Mẹ hãy thường xuyên cập nhật Góc của mẹ để nắm được những thông tin hữu ích cho mẹ và bé nha!