Ăn dặm là khoảng thời gian cha mẹ bổ sung các chất dinh dưỡng cho con, em bé ăn dặm khi đủ 6 tháng tuổi. Nhiều người nghĩ rằng cho bé ăn dặm đúng cách rất dễ. Nhưng mẹ ơi, có rất nhiều hiểu lầm mà có thể mẹ cũng đang mắc phải đấy! Hãy cùng Góc của mẹ điểm qua ngay 10 điều nhé!
Mục lục
1. Thời điểm tốt nhất cho bé ăn dặm: Bao lâu cho bé ăn dặm?
Rất nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng, bao lâu cho bé ăn dặm? Cho con ăn dặm sớm hoặc muộn một chút cũng không sao. Tuy nhiên, đây là hiểu lầm rất phổ biến mà cha mẹ hay mắc phải đấy!
Trước khi con đến 4 tháng tuổi, cơ thể con rất non nớt và chưa phát triển toàn diện. Dạ dày của con còn yếu, chưa thể tiêu hóa chất tinh bột. Nếu cha mẹ cho con ăn dặm sớm trước 4 tháng tuổi, sẽ khiến bé chán sữa mẹ, tần suất bú mẹ ít đi. Từ đó, bé sẽ gặp tình trạng thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu, quan trọng có được từ sữa mẹ. Giảm sức đề kháng, suy dinh dưỡng và chậm phát triển sẽ là các nguy cơ xảy ra khi bé không có sữa mẹ trong khoảng thời gian đầu đời.
Ngược lại, nếu cha mẹ cho trẻ ăn dặm quá muộn (khoảng 8-9 tháng), khả năng cao trẻ sẽ suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu, tăng trưởng chậm,… Sữa mẹ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ phát triển. Sau này, con có thể biếng ăn và chậm lớn vì thời gian làm quen với ăn dặm quá muộn.
Vậy mấy tháng cho bé ăn dặm là hợp lí? Theo khuyến cáo mới nhất của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thời kỳ ăn dặm nên được bắt đầu khi con 6 tháng tuổi trở lên. Bé ăn dặm 6 tháng được coi là thời điểm “vàng”, vì các cơ quan trong cơ thể con đang dần hoàn thiện và có thể làm quen với các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ.
Xem thêm:
2. Sợ con ăn thấy “nhạt mồm”
Nhiều mẹ khi nấu đồ ăn dặm cho con thường mắc phải sai lầm này. Đó chính là bỏ các loại gia vị, muối,… vào đồ ăn cho bé ăn dặm. Nhưng mẹ ơi, đây là một sai lầm đấy! Các chuyên gia khuyến cáo rằng, chỉ nên cho con ăn các loại gia vị khi bé hơn 1 tuổi. Dù đã đủ tuổi ăn dặm, nhưng các cơ quan tiêu hóa của bé vẫn còn yếu. Nếu con ăn quá mặn, thận của con sẽ phải làm việc quá tải. Điều này sẽ khiến chức năng gan, thận con sau này gặp vấn đề, hoặc khiến trẻ ăn dặm bị táo bón.
Thời gian bé ăn dặm đúng cách chỉ nên ăn nguyên vị, mẹ đừng cho bé ăn gia vị, muối mặn nhé!
3. Ăn nhiều mới tốt – Hiểu lầm phổ biến của các mẹ
Lịch ăn dặm cho bé 6 tháng là thắc mắc của rất nhiều mẹ bầu. Không phải cái gì nhiều cũng tốt đâu mẹ à! Các bà, các mẹ thường có xu hướng nghĩ ăn no, ăn nhiều mới tốt. Sự thật là các bé mới ăn dặm, gia đình mình không nên cho bé ăn quá nhiều bữa một ngày đâu!
Khi ở giai đoạn ăn dặm cho bé 6 tháng, 7 tháng, tức là bé đang tập làm quen với ăn dặm. Gia đình chỉ nên cho bé ăn 1 bữa ăn dặm 1 ngày. Khi thấy bé đã quen hơn, thích thú hơn thì mẹ hãy tăng lên 2 bữa 1 ngày nhé! Độ đặc của cháo/bột cũng cần theo nguyên tắc từ loãng rồi mới đến đặc cha mẹ nhé!
Khi bé ở giai đoạn 9 -12 tháng, bố mẹ hãy cho con ăn 3 – 4 bữa ăn dặm 1 ngày. Lúc này con đã lớn hơn, quen với các thực đơn cho bé ăn dặm rồi. Cha mẹ cũng có thể cho con ăn thêm thịt, cá, dầu,… nhé!
Và khi trẻ được 1 tuổi trở lên, cha mẹ cho bé ăn dặm đúng cách với 4 bữa một ngày, ăn dặm bé tự chỉ huy…. Đến khi bé lớn hẳn, lúc này con đã có thể ăn cùng gia đình rồi! Với từng giai đoạn, các bé sẽ có mức độ ăn khác nhau. Gia đình mình không nên cho trẻ ăn dặm quá ít hay quá nhiều nha. Cho bé ăn dặm đúng cách là khi dưỡng chất được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của bé tuỳ thuộc vào độ tuổi, cân nặng mẹ nhé!
4. Cho con ăn cháo, bột là thôi sữa – không phải đâu mẹ ơi!
Dù con đã bước vào thời kỳ ăn dặm, thế nhưng, mẹ không nên cắt bữa sữa. Trong khoảng 6 – 8 tháng đầu, bé chỉ ăn 1 – 2 bữa ăn dặm. Sữa mẹ vẫn là bữa chính, còn bữa dặm là phụ. Nếu con không được bú mẹ, con sẽ mất đi các dưỡng chất được cung cấp từ sữa mẹ.
Các bữa cháo, bột chỉ là những bữa phụ để bổ sung thêm năng lượng và các chất dinh dưỡng cho con thôi mẹ à! Trẻ dưới 12 tháng tuổi lớn là nhờ sữa không phải nhờ ăn dặm. 6 tháng, bé cần lượng sữa từ 1.200 – 1400 ml sữa mỗi ngày. 8 tháng tuổi ngoài ăn dặm, con cần từ 900ml – 1200ml sữa và 10 tháng tuổi vẫn cần uống từ 700ml – 1.000 ml sữa mỗi ngày.
5. Con thích hay không thích ăn gì mẹ cũng chiều theo
Từ khi sinh ra, con đã biết phân biệt 4 vị cơ bản: mặn, ngọt, đắng và chua. Các con thường sẽ chỉ thích một vị, mà đa số là vị ngọt. Ngọt ngào bé nào mà không thích, phải không mẹ nhà mình?
Nhưng, để giúp con cân bằng dưỡng chất trong cơ thể, nạp đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết, các cha mẹ hãy cho con làm quen với các vị khác, các loại đồ ăn khác nhau. Bé có thể không thích ăn rau, hay thịt, cá,… Mẹ cũng đừng sốt ruột! Mẹ hãy tập cho con ăn vài lần, bé sẽ quen ngay thôi! Nếu mẹ chiều theo bé, chỉ cho bé ăn loại thức ăn bé muốn, sẽ dẫn đến thói quen xấu trong ăn uống sau này nữa đó!
6. Thực đơn càng phong phú đa dạng càng tốt
Thực chất, mẹ nên nghiên cứu các loại thực phẩm tốt cho bé. Không phải càng nhiều, càng phong phú các loại đồ ăn thì càng tốt. Mẹ hãy thay bé “đưa ra quyết định” hôm nay ăn gì. Mẹ có thể chế biến các món ăn dặm cho bé từ cải bó xôi, bí đỏ,bắp cải,… và các loại thực phẩm lành mạnh khác.
Khi bé mới chỉ 6 – 8 tháng, mẹ đừng vội cho bé ăn hải sản có vỏ nhé! những loại hải sản này chứa nhiều ký sinh không tốt cho hệ tiêu hóa non nớt của con đâu! Mẹ hãy xây dựng chế độ ăn lành mạnh cho con để trẻ ăn dặm đúng cách lớn lên khỏe mạnh và toàn diện nhé!
7. Mẹ xay, nghiền quá kỹ đồ cho bé ăn dặm
Khi con còn nhỏ, mới tập ăn dặm, cha mẹ xay nhuyễn đồ ăn cho con là điều đúng đắn. Tuy nhiên, theo thời gian, khi bé lớn dần, cha mẹ nên tăng độ đặc, cũng như để nguyên một số thành phần nhé! Nếu mẹ xay hay nghiền quá kỹ trong thời gian dài, bé sẽ không học được cách nhai đồ ăn. Lâu dài, bé sẽ biếng ăn hoặc không ăn được cơm khi đến tuổi đi nhà trẻ, vì đã quen ăn đồ xay nghiền nát. Cha mẹ hãy tạo cho con thói quen tốt, làm quen với các loại thực phẩm cứng dần dần theo thời gian nhé!
8. Mẹ cho bé ăn dặm một bữa quá lâu
Nhiều gia đình hay có thói quen đưa con đi chơi khi ăn. Có khi, ông bà còn cho bé vừa đi vừa ăn đến 1, 2 tiếng mới ăn xong. Đây là sai lầm phổ biến nhất của các gia đình Việt Nam phải không mẹ?
Thời gian bữa ăn dặm kéo dài quá lâu sẽ tạo thói quen xấu cho bé. Khi lớn hơn bé có thể sẽ ăn cơm lâu, biếng ăn, chán ăn. Hơn nữa, đồ ăn để lâu quá sẽ sinh ra nhiều chất không tốt cho cơ thể bé.
9. Bổ sung chất đạm cho con càng sớm càng tốt
Cho con ăn bột mặn hoặc cháo kèm theo thịt, cá, hải sản,… xay nhuyễn quá sớm sẽ khiến trẻ khó hấp thu. Điều này làm bé bị đầy bụng, khó tiêu, táo bón, khó chịu, nôn trớ hoặc thậm chí tiêu chảy… Đó là sự phản kháng tự nhiên của cơ thể với những thứ lạ bé nạp vào người.
Thời điểm tốt nhất mẹ nên bổ sung chất đạm cho bé là từ 8 tháng tuổi trở lên nhé! Lúc này cơ thể bé đã dần thích nghi và hoàn thiện hơn về các chức năng trong cơ thể.
10. Để đồ ăn quá lâu
Có nhiều mẹ nghĩ rằng, nấu một nồi cháo, bột lớn, rồi cho bé ăn dần cũng được. Nhưng, thực tế mẹ nên nấu bữa nào ăn bữa đó. Bởi bình thường, cháo chỉ có thể để trong vòng 2 tiếng là đã bắt đầu có dấu hiệu ôi thiu. Nếu bảo quản trong tủ lạnh thì các dưỡng chất trong cháo cũng bị mất đi, đồng thời sinh ra các loại vi khuẩn. Khi được hâm lại, lượng dinh dưỡng trong thức ăn sẽ mất đi dần đến gần hết và làm cháo, bột có mùi vị khó ăn, khiến bé sợ, không ăn. Lâu dài, bé sẽ biếng ăn, dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm lớn,…
Các hiểu lầm phổ biến này thường được gặp trong các gia đình Việt Nam khi cho bé ăn dặm. Các mẹ hãy hết sức chú ý đến thực đơn dinh dưỡng, nguyên tắc ăn dặm cho con! Bé có khỏe, thì mẹ mới vui! Mẹ hãy nhớ mỗi bữa ăn dặm không phải là cuộc chiến mẹ nhé! Mẹ hãy thường xuyên cập nhật Góc của mẹ để nắm được những thông tin hữu ích cho mẹ và bé nha!