Bé sơ sinh cần được bổ sung các cữ sữa đêm để không bị đói và hấp thu đủ chất. Thế nhưng, khi lớn hơn mà con cứ duy trì uống sữa đêm sẽ gây ra nhiều tác hại xấu như sâu răng, táo bón, việc thức đêm cho bé bú cũng khiến mẹ mệt mỏi và uể oải. Vì thế, mẹ nên thực hiện cai sữa đêm đúng thời điểm, đúng cách để dứt điểm bú đêm hiệu quả, con không quấy khóc. Sau đây là 4 cách cai sữa đêm cho bé được nhiều mẹ bỉm thực hiện thành công, mẹ tham khảo và áp dụng cho bé yêu nhé!
Mục lục
1. Thời điểm thích hợp để cai sữa đêm cho bé
Thời điểm thích hợp để mẹ cai sữa đêm cho bé phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: độ tuổi và thể trạng của bé, tùy thuộc vào từng bé sẽ có thời gian cai phù hợp riêng:
1 – Đối với bé ti sữa mẹ
Giai đoạn bé được 12 tháng tuổi trở lên sẽ là thời điểm “vàng” để mẹ cai sữa đêm cho bé. Lúc này, bé đã chuyển sang ăn nhiều loại thực phẩm đa dạng, dạ dày bé tích trữ năng lượng tốt hơn nên con có thể ngủ giấc dài 4 – 6 giờ mà không bị đói.
Quá trình cai sữa đêm sẽ kéo dài từ 7 – 20 ngày, mẹ cần đảm bảo con khỏe mạnh, cân nặng đạt chuẩn, con không bị ốm, cảm sốt trong lúc cai sữa nhé. Nếu thể trạng con không tốt, mẹ tránh tiến hành cai sữa đêm vì dễ làm con bị sốc, ốm nặng hơn.
Ngoài ra, việc cai sữa đêm cho bé còn phụ thuộc vào mẹ nữa. Nếu mẹ hết sữa, mẹ chuẩn bị đi làm trở lại thì có thể cai sữa đêm cho con sớm hơn, vào độ tuổi 10 – 11 tháng. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần đảm bảo cân nặng con đạt chuẩn, thể trạng khỏe mạnh và bổ sung thêm cữ sữa, đồ ăn đầy đủ vào ban ngày, tránh để con bị đó về đêm mẹ nhé.
2 – Đối với bé ti sữa công thức
Bé ti sữa công thức có thời gian cai sữa đêm sớm hơn, khi bé được từ 6 tháng tuổi là mẹ bắt đầu tập cai sữa đêm cho bé được rồi. Sữa công thức có hàm lượng casein cao giúp no lâu, cộng thêm dinh dưỡng từ các món ăn dặm được mẹ tẩm bổ, đảm bảo bé ngủ được giấc dài mà không cần bú đêm. Cũng như bé bú sữa mẹ, mẹ vẫn chú ý xem con có đang khỏe mạnh, thể trạng tốt không, có bị ốm hay không. Nếu con đang mệt mỏi, cảm lạnh, mẹ tránh không cai sữa đêm, đợi con khỏe trở lại rồi mới cai mẹ nhé.
Ngoài phụ thuộc vào tháng tuổi, khi thấy con có các dấu hiệu này, mẹ nên cân nhắc tập cai sữa đêm cho con:
- Bé ăn rất ít vào ban ngày nhưng ti sữa nhiều vào ban đêm
- Bé không ti nhiều sữa vào ban đêm nhưng vẫn đòi ti, rồi thức dậy để chơi thay vì ngủ lại
- Bé bắt đầu ăn được thức ăn thô
Những dấu hiệu này cho thấy các cữ ăn của con đang chưa cân đối, con tỉnh giấc giữa đêm là theo thói quen. Mẹ nên tăng thêm lượng thức ăn và cữ sữa vào ban ngày để con no, ngủ giấc dài. Nếu con thức giấc, mẹ trò chuyện, hát ru, vỗ lưng để con chìm vào giấc ngủ chứ không cho bú sữa đêm nữa, dễ làm con bị sâu răng và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa đó ạ.
2. Mách mẹ 4 cách cai sữa đêm cho bé ti mẹ và ti bình
Mẹ bỉm mới lên chức lần đầu nghe đến việc cai sữa đêm sẽ thấy hơi bỡ ngỡ một chút, sợ bé chưa quen quấy khóc. Mách mẹ 4 cách cai sữa đêm thông dụng, áp dụng được cho cả bé ti mẹ lẫn bé ti bình cực hiệu quá, lưu lại để áp dụng mẹ nha.
2.1. Đảm bảo con ăn đủ no vào ban ngày
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc con bú sữa đêm nhiều là do con bị đói đó mẹ. Khi chiếc bụng của con no căng, con mới thoải mái ngủ được một giấc thật ngon. Vì thế, lúc tiến hành cai sữa đêm, mẹ cần đảm bảo cho con ăn đủ no vào ban ngày. Nếu được bổ sung đủ chất và năng lượng trong ngày, đặc biệt là cữ tối, con sẽ không bị đói và ít tỉnh dậy giữa đêm.
Mẹ cho bé uống sữa đúng cữ kèm theo việc đa dạng các món ăn vào ban ngày như bột, cháo, sinh tố, súp,… xen kẽ nhiều loại rau và thịt mỗi ngày, tránh cho bé ăn một loại rau hoặc thịt liên tục trong 3 – 4 ngày, con sẽ mau ngán và biếng ăn đó ạ. Mẹ tham khảo 5 biểu đồ ăn dặm đầy đủ dinh dưỡng, bé nào cũng ưng để lên lịch ăn uống cho bé yêu, giúp con khỏe mạnh và cai sữa đêm nhanh hơn mẹ nhé.
1 – Biểu đồ ăn dặm trong ngày cho bé theo phương pháp truyền thống
2 – Biểu đồ ăn dặm trong ngày cho bé theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW
3 – Biểu đồ ăn dặm trong ngày cho bé theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
4 – Biểu đồ ăn dặm trong ngày cho bé theo phương pháp 3 trong 1
2.2. Tạo thói quen mới cho con trước khi ngủ
Việc bú sữa đêm đã trở thành thói quen vì con ti sữa đêm từ lúc mới chào đời. Mẹ thay thế thói quen này bằng những thói quen hoặc hành động khác để con không bú đêm nữa nhé. Ví dụ, trước khi con đi ngủ, mẹ kể cho con nghe vài câu chuyện cổ tích hấp dẫn, hoặc tập một bài vận động nhẹ như mẹ đặt bé nằm ngửa, giữ hai chân bé chuyển động tròn từ bụng sang 2 bên và kéo xuống dưới.
Khoảng 5 – 7 ngày, con sẽ quen dần với những câu chuyện cổ tích và bài tập nhẹ. Chỉ cần mẹ kể chuyện hoặc cho bé vận động nhẹ, bé sẽ hiểu đó là dấu hiệu đã đến giờ ngủ và say giấc nồng. Dần dần, bé bỏ được thói quen uống sữa đêm, chuyển sang các thói quen lành mạnh, có ích cho sức khỏe trong giai đoạn đó hơn.
2.3. Dỗ dành khi con tỉnh giấc giữa đêm khóc đòi sữa
Có đôi lúc, vì thiếu vắng sự quan tâm, vỗ về của mẹ nên con bất an, ngủ không sâu giấc, con mới thường hay thức dậy giữa đêm đòi sữa. Tình yêu thương và sự ấm áp đến từ cái ôm, cái vuốt lưng của mẹ khiến con cảm thấy dễ chịu, hạnh phúc và an tâm chìm vào giấc ngủ. Khi con tỉnh giấc và đòi sữa, mẹ vỗ lưng, hát ru cho con nghe để con quên chuyện đòi sữa, mẹ cai sữa đêm hiệu quả, chẳng sợ bé quấy khóc và quấy mẹ mỗi đêm nữa rồi.
2.4. Giãn thời gian giữa các cữ bú đêm
Đến thời điểm thích hợp để cai sữa đêm, lượng thức ăn mẹ nạp vào ban ngày đã đủ để bé no mà không cần thêm cữ bú đêm nữa rồi. Con tỉnh dậy giữa đêm thì thường là do con quen giấc chứ không phải vì đói đâu ạ. Nếu mẹ cứ cho con bú đêm liên tục, con sẽ hình thành thói quen khó bỏ. Do đó, để cai sữa đêm, mẹ giãn thời gian giữa các cữ bú đêm và tiến đến cắt hoàn toàn cữ đêm cho bé nhé.
Ví dụ bình thường mẹ cho con bú đêm 2 cữ lúc 11 giờ đêm và 3 giờ sáng thì mẹ giãn thời gian ra thành 11 giờ đêm và 4 giờ sáng ở những đêm đầu, sau đó là 10 giờ đêm và 5 giờ sáng. Mẹ cứ tăng thời gian giữa các cữ bú như thế, con sẽ tập làm quen và thích ứng dần, cuối cùng mẹ có thể bỏ hẳn sữa đêm mà không sợ bé quấy khóc.
3. Bí quyết cai sữa đêm cho bé ti mẹ siêu đơn giản
Ngoài các cách cai sữa đêm cho bé phổ biến ở trên, mẹ áp dụng ngay bí quyết cai sữa đêm dành riêng cho bé ti mẹ siêu đơn giản sau đây để cai dứt điểm, tránh các tác hại xấu do bú đêm nhiều gây ra mẹ nhé.
3.1. Giảm thời gian cho bé ti mẹ
Nhiều mẹ bỉm cho con ti sữa mẹ cho rằng việc giảm thời gian cho bé ti mỗi đêm rất hiệu quả trong hành trình cai sữa đêm cho bé. Ví dụ, mỗi lần ti mẹ bé thường bú trong 10 phút thì ở hai đêm đầu tiên của thời kỳ cai sữa, mẹ cho con ti 8 phút rồi ngưng, không cho con ti nữa nhé. Hai đêm tiếp theo mẹ tiếp tục giảm thời gian xuống còn 6 phút, sau đó là 4 phút, 2 phút và cuối cùng là dừng hẳn, không cho con ti đêm nữa.
Do thời gian giảm xuống ít dần, không giảm đột ngột nên con chưa kịp nhận ra sự khác biệt, con không quấy khóc đâu mẹ ạ. Mẹ thực hiện giảm dần dần cũng tạo điều kiện cho con làm quen và thích ứng, con dễ chấp nhận và ngưng sữa đêm nhẹ nhàng. Nhờ thế mà mẹ đỡ mất công và có những giấc ngủ thật ngon mỗi đêm cùng bé yêu.
3.2. Đặt bé nằm cách xa mẹ khi ngủ
Nếu bé quấn mẹ đòi sữa, mẹ tập cho bé nằm cách xa mẹ khi ngủ, không nhìn thấy mẹ và núm vú, không ngửi thấy mùi sữa bé sẽ quên và ít đòi ti sữa hơn. Mẹ nhờ bố bế con lúc thức giấc hoặc đặt con nằm trên nôi, cách mẹ tầm 1 – 2m mẹ nhé. Bằng cách cai sữa đêm cho bé này, mẹ cũng tập cho con thói quen tự đi ngủ, ít bám mẹ, sau này mẹ đi làm trở lại cũng đỡ cực hơn đó ạ.
3.3. Cho bé xuống ở nhà ông bà
Nếu nhà ông bà ở gần, đi lại thuận tiện, bé cũng rất thân và thích chơi với ông bà thì mẹ để bé qua nhà ông bà vài hôm (2 – 3 ngày). Ban ngày mẹ vẫn qua để cho bú cữ sữa sáng nhằm đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, con bụ bẫm và khỏe mạnh. Đến gần tối, đợi con chuẩn bị đi ngủ thì mẹ về, bé ở lại chơi với ông bà thỏa thích rồi chìm vào giấc ngủ.
Vì không thấy mẹ ở đó nên đôi lúc tỉnh dậy giữa đêm bé sẽ “oe oe” khóc đòi mẹ, nhưng có ông bà ở bên cạnh vỗ về, kể chuyện con sẽ quên và ngủ ngoan. Sau khi ở nhà ông bà vài hôm, bé không đòi bú đêm nữa, mẹ đón bé về, chăm sóc con bằng các bữa ăn ngon lành vào ban ngày và dứt điểm cữ sữa đêm luôn nhé. Biết là cả mẹ cả con cùng vất vả, nhưng mẹ làm thế cũng chỉ vì tốt cho con chứ không hề muốn con xa mẹ. Hai mẹ con cùng cố gắng mẹ nhé!
3.4. Mẹ dán miếng dán silicon vào đầu ti
Thay vì cách cai sữa đêm cho bé bằng bôi các loại thuốc xanh đỏ không rõ nguồn gốc lên ti rồi cho con bú, mẹ sử dụng miếng dán đầu ti để hạn chế tình trạng dị ứng và tránh tác hại xấu đến hệ tiêu hóa của con yêu nhé. Mẹ mua miếng dán về, dán lên đầu ti rồi bảo với con là thiên thần đã mang ti đi rồi, bé nhìn mãi không thấy ti đâu nên tưởng thật. Mấy lần sau con đòi vạch lên xem, không thấy thì lại thôi, bé không đòi ti đêm nữa.
Bé thường quấn lấy mẹ để ti sữa rồi mới đi ngủ nên vào buổi tối, mẹ dán đầu ti khoảng 25 – 30 phút, đợi bé ngủ thì tháo ra mẹ nhé. Sau khi bỏ miếng dán ra, mẹ dùng khăn ướt với thành phần kháng khuẩn cao cấp để vệ sinh vùng ngực thật sạch, không lo bị mẩn đỏ hay để lại mùi gì hết, đảm bảo sáng hôm sau bé ti vẫn an toàn.
Bên cạnh đó, mẹ chọn miếng dán chất liệu an toàn, không chứa phụ gia, không keo dính, kích cỡ vừa với ti mẹ như miếng dán RH Radiant, Nipple chất lượng vượt trội, cả con cả mẹ đều thoải mái mẹ nhé.
3.5. Dán băng dính đen lên đầu ti
Nếu áp dụng tất cả các phương pháp trên mà bé vẫn bám mẹ đòi ti, mẹ lấy băng dính màu đen, dán kín đầu ti và cho con xem, khéo léo giải thích cho con rằng ti đi vắng rồi, không cho con bú đêm được nữa. Mẹ dán liên tục 2 – 3 đêm, mỗi lần con đòi ti là mẹ lại vạch cho con xem và đọc câu thần chú ti “vắng nhà” rồi, không còn ở đây nữa.
Mới đầu bé sẽ chưa tin lắm nhưng qua vài đêm, không thấy ti đâu thật nên con sẽ nhận thức được rằng, à, buổi sáng ti mẹ mới về nên buổi tối mình sẽ không được ti nữa, dần dần con sẽ tự cai bú đêm. Mẹ lưu ý chỉ dán ti trước khi con ngủ khoảng nửa tiếng, đợi cho con say giấc là tháo ra ngay nhé. Sau khi tháo băng dính, mẹ dùng khăn ướt chất liệu mềm mại, nhẹ nhàng lau vòng quanh vùng ti 2 – 3 lần. Như vậy sẽ đảm bảo ti sạch, không lo ảnh hưởng đến sức khỏe con, mẹ cũng không sợ bị nổi mẩn khó chịu hay ti có mùi đâu ạ.
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Khi tiến hành cai sữa đêm cho bé cưng, mẹ ưu tiên áp dụng hai phương pháp đầu tiên là giảm thời gian cho bé ti mẹ và đặt bé nằm cách xa mẹ khi ngủ. Nếu không hiệu quả và con vẫn cứ quấy khóc đòi ti đêm, mẹ mới cân nhắc dùng 3 biện pháp sau. Đồng thời, mẹ bỉm chưa có kinh nghiệm nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng, tránh việc chưa hiểu rõ, làm sai và lạm dụng gây ra ảnh hưởng xấu cho cả mẹ và bé, mẹ nhé.
4. Mẹo cai sữa đêm nhanh chóng cho bé ti bình
Bé ti bình sẽ có sự khác biệt về thời gian và phương pháp cai sữa đêm so với bé ti mẹ vì sữa công thức tiêu hóa chậm, bé lâu đói và ngủ được giấc dài hơn. Ngoài ra, do bé ti bình nên phần lớn việc cai sữa sẽ phụ thuộc vào bé, ít ảnh hưởng đến mẹ. Khi bé được từ 6 tháng tuổi, giai đoạn bắt đầu tập ăn dặm, mẹ nên bắt đầu tập cai bú đêm cho bé. Dưới đây là 6 mẹo cai sữa đêm nhanh chóng dành riêng cho bé ti bình, mẹ tham khảo nhé.
1- Mẹ giảm dần lượng sữa bé bú mỗi đêm
Vài ngày đầu trong giai đoạn cai sữa, mỗi đêm mẹ giảm khoảng 10 – 20ml sữa và vẫn cho bé bú như bình thường. Mẹ cứ giảm từ từ lượng sữa để con làm quen, sau đó dừng hẳn, không cho con bú đêm nữa và tăng cường dinh dưỡng vào buổi sáng để đảm bảo con no căng, ngủ sâu mẹ nhé.
2- Mẹ pha loãng sữa với nước
Khi muốn cai sữa đêm, mẹ pha loãng sữa với nước, chẳng hạn bình thường 60ml nước mẹ pha 1 muỗng sữa thì giảm còn ½ muỗng sữa, rồi ⅓, ¼ muỗng thôi. Mới đầu con chưa cảm nhận được gì nhưng sau đó bé sẽ thấy sữa nhạt hẳn, vị không ngon như ban đầu nên tự động bỏ, không thèm bú sữa đêm nữa.
3- Mẹ cho con ngậm núm ti giả
Hầu như bé ti sữa công thức bước qua tháng thứ 6 là sẽ bú đêm không nhiều nữa, nhưng con vẫn cứ đòi bú, nhiều khả năng là do con quen ngậm núm ti bình sữa mỗi đêm rồi đó mẹ. Mẹ thay bình bú bằng núm ti giả, lúc nào bé đòi là mẹ đút núm giả vào cho bé, ngậm đã đời là con tự nhả ra, ngủ trở lại, thế là mẹ cai sữa đêm cho con thành công rồi đó ạ.
Gợi ý mẹ sử dụng núm ti giả UPIS, Dr Brown’s, NUK làm từ chất liệu silicone mềm mại không mùi, cực an toàn với bé sơ sinh.
4- Đặt bình sữa ở chỗ bé không thấy được
Đôi khi con tỉnh giấc giữa đêm là do quen thôi, chứ con không hề đói. Thế nhưng nhìn thấy bình bú ở gần là con sẽ đòi bú ngay, mẹ không cho thì con khóc, quậy phá. Do đó, trước khi đi ngủ, mẹ đặt bình sữa ở kệ đầu giường, trong tủ kín khuất mắt con, không nhìn thấy bé sẽ quên đi và không đòi sữa đêm nữa.
5- Nói với con rằng bình sữa chỉ dành cho em bé
Bé sơ sinh chưa nói được nhưng con có thể hiểu những gì mẹ truyền đạt. Trước khi con ngủ, mẹ ngồi bên cạnh, nhẹ nhàng nói với con rằng bình sữa chỉ dành cho em bé, uống sữa đêm sâu răng tấn công, “thần răng” sẽ buồn lắm đấy, con không muốn thần răng buồn đâu đúng không. Nghe mẹ nói, con sẽ ý thức được là mình không được đòi sữa đêm nữa, mình cần phải lớn hơn và tự chủ động bỏ sữa đêm, không đợi ai phải nhắc nhở.
6- Thay bình bú bằng một món quà
Mẹ cùng con bỏ bình bú đêm vào hộp quà, nói với con là để bình bú lại, ông già Noel và thiên thần sẽ ban phép màu và đền đáp cho con một phần quà bất ngờ. Sau đó, khi con ngủ thì bố và mẹ đặt món quà con yêu thích vào hộp, cất bình sữa đi. Lúc ngủ dậy con nhìn thấy món đồ mình thích, sẽ nhận thức được là bình bú không còn nữa và không đòi sữa mỗi đêm.
Mẹo nhỏ: Ngoài các phương pháp trên, mẹ cân nhắc cho bé ăn trong mơ ở những đêm đầu tiên, rồi giảm tần suất từ từ, cuối cùng là bỏ hẳn để cai sữa đêm cho bé. Nhưng mẹ lưu ý cần thực hiện đúng và chọn loại bình bú có ống chống sặc, chống đầy hơi để hạn chế bé bị nôn trớ khi ăn trong mơ mẹ nhé.
Mẹ tham khảo bài Cách cai sữa đêm cho bé bú bình để hiểu rõ hơn về các phương pháp này, áp dụng cho đúng cách để cai sữa nhanh chóng và hiệu quả, tránh làm sai ảnh hưởng đến sức khỏe bé yêu nhé.
5. 6 sai lầm mẹ thường mắc phải khi cai sữa đêm cho bé
Cai sữa đêm cho bé là một hành trình, cần có thời gian để con làm quen. Tuy nhiên, một số mẹ bỉm vì muốn cai sữa đêm nhanh chóng mà thực hiện vội vàng, làm bé bị ngợp và nảy sinh tâm lý chống đối. Mẹ tham khảo 6 sai lầm sau đây để tránh mắc lỗi, làm sai ảnh hưởng đến con yêu, mẹ nhé.
1- Cai sữa đêm khi bé đang ốm
Khi bé đang ốm, bé dễ mệt mỏi, uể oải và cần được bổ sung đầy đủ dưỡng chất để mau khỏe trở lại. Nếu bé đang trong giai đoạn ốm yếu này mà mẹ thực hiện cai sữa, con dễ bị thiếu hụt chất và ốm lâu hơn đó ạ. Tâm lý bé cũng rất nhạy cảm khi ốm nên mẹ cai sữa đêm dễ làm bé nhầm tưởng rằng mẹ không thương bé nên mới cắt sữa đêm, con buồn và khó khỏi bệnh. Chỉ cai sữa đêm khi con thực sự sẵn sàng, khỏe mạnh và không có dấu hiệu bị cảm lạnh, sốt, ho khan mẹ nhé.
2- Dừng sữa đêm đột ngột
Nhiều mẹ bỉm dừng cho con bú đêm đột ngột, cắt hẳn sữa làm bé bị sốc, biếng ăn, con rơi vào trạng thái hụt hẫng, sợ hãi và buồn bã. Cai sữa đêm cũng cần có thời gian để con tiếp nhận, nên dù có gấp thế nào thì mẹ vẫn cai từ từ, không dừng sữa đêm bất chợt làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của con.
3- Lớn tiếng, la mắng để con cai sữa đêm
Một số bé dễ tính, mẹ chỉ mất 7 – 10 ngày là đã có thể cai sữa đêm cho bé, nhưng cũng có không ít bé cần có thời gian làm quen lâu hơn, 2 – 3 tuần mà bé vẫn chưa ngưng bú đêm được. Điều này là bình thường, tùy thuộc vào cơ địa và cá tính của bé mà thời gian cai có thể dài hoặc ngắn, nên mẹ đừng lớn tiếng, la mắng khi con cai sữa đêm chậm hơn các bạn khác. Con và mẹ đã rất cố gắng rồi, mẹ cứ duy trì thực hiện các cách cai sữa cho đúng và chờ đợi con thích nghi, mẹ nhé.
4- Bôi thuốc không rõ nguồn gốc lên đầu ti rồi cho con bú
Mẹ tuyệt đối không tìm cách cai sữa đêm cho bé bằng sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc lên ti rồi cho con bú vì việc này gây ra nhiều tác hại cho cả mẹ và bé đó ạ. Mẹ không biết thuốc có thành phần gì, lỡ có chất gây dị ứng sẽ làm đầu ti của mẹ nổi mẩn, đau rát, mẹ không cho bé ti được nữa. Bé ngậm ti bú cũng đồng thời nuốt vào các chất không rõ nguồn gốc đó, dạ dày và đường tiêu hóa của con sẽ bị ảnh hưởng và nguy cơ mang mầm bệnh cho bé nữa.
5- Mẹ mở quá nhiều đèn sáng vào buổi tối
Reena Mehra, MD – chuyên gia về rối loạn giấc ngủ cho biết việc tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng vào ban đêm sẽ khiến bé ngủ không ngon. Bé tỉnh dậy thường xuyên, dễ quấy khóc vì khó chịu và muốn uống sữa đêm để ngủ ngon hơn. Vì thế mẹ tránh mở nhiều đèn sáng vào buổi tối, chỉ sử dụng duy nhất ánh đèn vàng dịu nhẹ của đèn ngủ để con dễ ngủ, hạn chế thức giấc, đòi bú đêm mẹ nhé.
6- Mẹ không theo sát các chỉ số về cân nặng, chiều cao của con
Mặc dù thể trạng của từng bé không giống nhau nhưng theo từng giai đoạn phát triển, các chỉ số về chiều cao và cân nặng của con cũng được WHO đặt ra để mẹ dễ dàng theo sát chỉ số sức khỏe, tình hình phát triển của con, tránh tình trạng bổ sung thiếu hoặc thừa chất, con thấp còi hoặc tăng cân mất kiểm soát.
Trước khi thực hiện các giải pháp cai sữa đêm, mẹ cần đảm bảo con đang có thể trạng đạt chuẩn, nếu con quá gầy ốm, chỉ số cân nặng, chiều cao không tốt, mẹ tạm thời chưa cai sữa vì dễ khiến con bị sốc, khó cải thiện thể chất cho con khi trưởng thành. Trong lúc cai sữa đêm, mẹ cũng liên tục theo dõi các chỉ số này để phát hiện sớm các dấu hiệu không tốt ở bé, điều chỉnh lịch trình cai sữa phù hợp, tránh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con.
Vậy là mẹ đã biết cách cai sữa đêm cho bé hiệu quả và nhanh chóng rồi. Mẹ nhớ thực hiện đúng và tránh mắc 6 sai lầm thường gặp ở trên để con không quấy khóc khi cai bú đêm nhé. Để lại bình luận ngay bên dưới để chia sẻ hành trình cai sữa cho Góc của mẹ và các mẹ bỉm khác nhé. Chúc mẹ cai sữa đêm cho bé thành công!