Mẹ băn khoăn trẻ ăn dặm xong có nên uống nước không? Giống như người lớn, trẻ ăn dặm blw xong nên được uống nước mẹ ạ! Không chỉ giúp làm sạch khoang miệng, uống nước còn giúp ngăn táo bón, giảm nôn trớ cho bé! Tại sao vậy? Mẹ tìm hiểu bài viết sau để hiểu rõ hơn nhé!
Mục lục
1. 4 lý do mẹ nên cho bé uống nước sau khi ăn dặm
1.1. Uống nước giúp làm sạch khoang miệng bé sau ăn
Sau mỗi bữa ăn dặm, khoang miệng của bé sẽ còn sót lại các mảnh vụn thức ăn tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển và gây hôi miệng, sâu răng. Khi mẹ cho bé uống nước, dòng chảy của nước đi vào khoang miệng bé sẽ làm trôi đi các mảnh vụn thức ăn đến dạ dày, làm sạch khoang miệng cho con.
Hơn nữa điều này còn giúp loại bỏ điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật có hại phát triển, đặc biệt là nấm Candida albicans – nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tưa lưỡi (nấm lưỡi) ở bé. Do đó, làm sạch khoang miệng cho bé sau ăn dặm cực kỳ quan trọng mẹ nhé.
1.2. Tốt cho vị giác của bé
Uống một chút nước sau khi ăn dặm sẽ giúp sạch miệng bé, giúp bé không còn vị thức ăn cũ đọng lại trên miệng gây tanh miệng. Như vậy lần sau bé sẽ cảm nhận được vị thức ăn tốt hơn, ăn thấy ngon miệng hơn đó mẹ ạ.
1.3. Giảm nôn trớ sau khi ăn dặm
Nôn trớ sau ăn là tình trạng thường gặp ở bé sơ sinh trong thời gian đầu tập ăn dặm. Bởi dạ dày của bé nằm ngang và cơ vòng nối giữa dạ dày và thực quản chưa hoàn thiện, thức ăn dễ dàng đi ngược từ dạ dày lên thực quản rồi nôn trớ ra ngoài.
Uống nước sau khi ăn giúp làm sạch thực quản, đẩy phần thức ăn đang ở thực quản xuống dạ dày, từ đó cắt cơn buồn nôn giúp bé giảm nôn trớ sau ăn dặm.
1.4. Ngăn táo bón
Khi chuyển từ hoàn toàn bú sữa mẹ sang ăn dặm, bé có thể bị táo bón do hệ tiêu hoá chưa thích nghi với việc tiêu hoá các thức ăn đặc hơn sữa mẹ. Hoặc trong quá trình áp dụng phương pháp ăn dặm blw, bé được cung cấp không cân bằng các chất dinh dưỡng, chế độ ăn quá nhiều protein và chất béo, ít chất xơ cũng sẽ dẫn đến táo bón.
Sau khi ăn dặm, mẹ cho bé uống một chút nước làm loãng khối thức ăn ở dạ dày đổ xuống ruột, bé dễ dàng tiêu hoá. Phân của bé nhiều nước hơn cũng sẽ mềm hơn, bé dễ đi vệ sinh, hạn chế tình trạng táo bón.
2. Cho bé ăn dặm uống nước như thế nào?
2.1. Xem xét độ tuổi
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo mẹ nên cho bé uống nước khi bé được 6 tháng tuổi. Do tại thời điểm này bé đang bắt đầu ăn dặm, một chút nước sau ăn giúp bé dễ tiêu hoá thức ăn, phòng ngừa táo bón.
Đối với bé ăn dặm sớm (dưới 6 tháng tuổi), mẹ chưa nên cho bé uống nước trắng thông thường mà chỉ nên cho uống một chút sữa mẹ hoặc sữa công thức sau khi ăn dặm. Uống nước trắng sau ăn làm loãng nồng độ dinh dưỡng, khiến bé thiếu năng lượng hoặc gây mất cân bằng điện giải do làm giảm nồng độ Natri, Kali,… trong máu.
2.2. Xem xét lượng nước
Sau khi ăn dặm, mẹ cho bé uống 15 – 30ml nước (tầm khoảng 2 – 4 thìa). Tuy nhiên lượng nước có thể tăng lên tùy nhu cầu uống của bé khi bé bước qua giai đoạn 1 tuổi.
2.3. Xem xét loại nước
Khi bé mới bắt đầu tập ăn dặm, mẹ chỉ nên cho bé uống nước đun sôi để nguội. Sau đó khoảng 1 – 2 tuần, hệ tiêu hoá của bé dần thích nghi với các nguồn dinh dưỡng khác ngoài sữa mẹ,bé có thể uống được đa dạng các loại nước như: nước ấm, nước đun sôi để nguội, nước ép hoa quả, nước canh rau củ luộc,…
2.4. Cách cho bé uống nước khoa học
Thời gian cho bé uống nước:
- 5 phút sau ăn: Mẹ nên đợi khoảng 5 phút sau khi bé kết thúc ăn dặm thì mới cho uống nước hoặc sữa. Nếu uống ngay sau ăn, nước sẽ làm loãng khối thức ăn đang hoà trộn cùng enzyme và dịch vị dạ dày, dẫn đến khó tiêu hoá thức ăn hơn, dạ dày bé sẽ phải tăng tiết dịch vị gây ợ nóng, ợ chua.
- Không uống nước trong bữa ăn: Trong bữa ăn, bé đang tiết nước bọt chứa enzyme amylase để phân huỷ thức ăn thô thành các dạng dễ hấp thu, việc uống nước sẽ làm loãng nồng độ enzyme này khiến bé khó tiêu hoá hơn. Hơn nữa uống nước trong bữa ăn còn làm bé dễ no bụng “giả”, bé ăn được ít thức ăn hơn và nhanh bị đói.
Thao tác cho uống: Mẹ nên cho bé uống từ từ từng thìa nhỏ để tránh làm con bị sặc mẹ nhé. Miệng và thực quản của bé còn quá nhỏ nên nếu cho bé uống lượng nước lớn một lần bé sẽ không nuốt kịp đâu ạ.
Tư thế bé ngồi khi uống nước: Mẹ nên cho bé ngồi ghế ăn dặm có tay vịn và tựa lưng, giúp bé cố định dáng ngồi, giữ con không bị ngã khi uống nước . Đặc biệt mẹ chú ý không để bé uống nước khi nằm hoặc mẹ đang bế trên tay rất dễ gây sặc. Do khi cơ thể nằm ngang, mẹ tưởng tượng thực quản của bé như 1 ống nước nằm ngang, nước đổ vào từ miệng bé sẽ không xuống thẳng được dạ dày mà đọng lại tại thực quản, rồi đi vào đường thở gây sặc.
2.5. Quan sát trong và sau khi bé uống nước
Mẹ cẩn thận và quan sát kỹ phản ứng của bé khi uống sữa hoặc nước để tránh tình trạng bé bị sặc nước. Khi bé bị sặc nước sẽ có những dấu hiệu sau:
- Bé ho sặc sụa thành cơn dài không ngừng, kèm sắc mặt tím tái.
- Khó thở, gắng sức khi thở hoặc có thể thở nhanh, mạnh, phát ra tiếng rít hoặc khò khè.
- Mắt trợn, bé sợ hãi, hốt hoảng, da tái.
Sặc nước nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây ngạt thở, cản trở quá trình cung cấp oxy gây nguy hiểm cho bé. Lúc này mẹ cần hết sức bình tĩnh và làm các thao tác “khai thông đường thở” cho bé theo hướng dẫn sau nhé:
- Hút nước/sữa khỏi đường thở: Mẹ dùng dụng cụ hút sạch nước hoặc sữa ở miệng và mũi của bé ra ngoài để hạn chế tối đa nước/sữa vào phổi.
- Vỗ lưng cho bé: Sau khi hút mẹ thấy bé vẫn chưa thở được, mẹ nhanh chóng đặt bé nằm sấp sao cho phần đầu thấp hơn phần lưng, theo chiều chúi đầu xuống. Mẹ khum bàn tay vỗ lực vừa phải vào lưng bé 5 – 7 cái ở đoạn giữa 2 mỏm vai theo chiều hướng ra phía đằng trước rồi lật người bé trở lại chờ bé khóc và tự thở được.
- Ấn ngực: Nếu làm 2 thao tác trên bé vẫn không thở được, mẹ tiếp tục tiến hành ấn ngực sơ cứu cho bé. Mẹ để bé nằm ngửa, phần đầu thấp hơn phần ngực, rồi dùng tay ấn lực vừa phải 5 cái liên tiếp trong 5 giây ở vùng giữa ngực, cách trung điểm của đường nối 2 núm ti bé một khoảng 2.5 – 3cm về phía dưới rốn.
Lưu ý: Mẹ liên tục thực hiện thao tác vỗ lưng cho bé rồi ấn ngực, sau đó quay vòng khoảng 4 – 5 lần mỗi thao tác cho đến khi bé thở được. Sau khi sơ cứu, ngay lập tức mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ cấp cứu kịp thời.
Xem thêm:
- Có nên cho bé ăn bánh ăn dặm
- Khi nào cho bé ăn bánh ăn dặm
- Món ăn dặm ngày Tết cho bé dễ thực hiện, đủ dinh dưỡng
3. Một số lưu ý quan trọng khi mới tập cho bé ăn dặm
Để cho bé tập ăn dặm hiệu quả, mẹ không thể bỏ qua các lưu ý quan trọng sau khi bắt đầu:
- Thời điểm lý tưởng để bắt đầu cho bé ăn dặm: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo nên cho bé ăn dặm từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên thời điểm lý tưởng để bắt đầu cho bé ăn dặm có thể sớm hoặc muộn hơn hơn 1 – 2 tháng phụ thuộc vào sự phát triển của bé đã đủ khả năng ăn dặm hay chưa.
- Nên bắt đầu tập cho bé ăn dặm bằng món gì: Để tránh con bị dị ứng, mẹ nên cho bé ăn những món ăn lành tính thân thiện với hệ tiêu hoá như bột ngũ cốc nấu (bột gạo, bột mì, bột ngô, yến mạch…) và một số món bánh ăn dặm chế biến từ rau củ. Lưu ý chế biến mềm, lỏng để bé dễ dàng làm quen với việc hoạt động cơ hàm mẹ nhé.
- Thực đơn ăn dặm của bé: Việc đa dạng thực đơn ăn dặm nhằm giúp bé được cung cấp đầy đủ các loại dinh dưỡng mà một loại thực phẩm không làm được. Điều này cũng làm bé hứng thú hơn trong mỗi bữa ăn, bé ăn được nhiều hơn khi được thử các món mới lạ mỗi ngày.
- Số bữa ăn dặm hợp lý trong ngày: Mẹ nên bắt đầu cho bé ăn dặm các món mềm lỏng 1 bữa/ngày. Số bữa có thể được điều chỉnh tăng dần lên 2 – 3 bữa một ngày khi bé đã quen (sau khoảng 2 – 3 tuần) hoặc nhu cầu dinh dưỡng của bé tăng (bé nhanh đói, thường xuyên khóc đòi bú mẹ hoặc đòi ăn).
Theo dõi đến đây hẳn là mẹ đã có câu trả lời cho băn khoăn trẻ ăn dặm xong có nên uống nước không và nắm chắc được cách cho bé uống nước sau khi ăn rồi đúng không ạ. Nếu mẹ có bất kỳ câu hỏi nào, mẹ đừng ngần ngại mà để lại bình luận ở phía dưới, góc của mẹ sẽ giải đáp mẹ ngay nhé!