Cá thu từ lâu đã là loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất và lành tính, rất tốt cho bé trong giai đoạn ăn dặm. Bên cạnh các món ăn trong thực đơn hằng ngày, các món cháo bổ dưỡng được chế biến từ cá thu luôn là lựa chọn hàng đầu của mẹ. Để hiểu rõ hơn các tác dụng tuyệt vời của cháo cá thu cho bé và khám phá 6 cách nấu cháo cá thu cho bé thông minh vượt trội, mẹ đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Dinh dưỡng từ món cháo cá thu cho bé
Cá thu là thực phẩm cung cấp đầy đủ chất đạm, chất béo, vitamin và nhiều loại khoáng chất khác cho bé, là thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn các món ăn dặm tự chỉ huy cho bé hằng tuần của bé từ 6 tháng tuổi. Với thành phần chính là chất béo, omega 3, cá thu giúp bé có đôi mắt sáng khỏe, bảo vệ tim mạch, hoàn thiện các chức năng của não bộ. Mẹ tham khảo thành phần dinh dưỡng trong cá thu và tác dụng đối với bé trong bảng sau:
Thành phần dinh dưỡng | Tác dụng với bé |
Chất đạm | Giúp bé hình thành các enzym tiêu hóa tốt hơn, tăng cường sức đề kháng cho bé. |
Chất béo | Tham gia vào xây dựng cấu trúc hệ thần kinh, giúp bé có đủ năng lượng để hoạt động trong ngày. |
Vitamin A | Giúp bé phát triển toàn diện, tăng khả năng miễn dịch và cải thiện thị lực. |
Vitamin C | Đảm bảo hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả, giúp bé hấp thu tốt các khoáng chất khác để xương chắc khỏe hơn. |
Vitamin B12 | Hình thành tế bào hồng cầu, ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu. |
Canxi | Giúp xương bé chắc khỏe hơn, ngăn ngừa nguy cơ loãng xương. |
Magie | Giúp chống viêm, cân bằng và cải thiện hệ thống tim mạch cho bé. |
Kali | Cân bằng chất điện giải trong cơ thể, điều chỉnh hoạt động của tim mạch. |
Pantothenic Acid B5 | Tạo ra các tế bào máu, giúp bé chống lại nguy cơ thiếu máu, tăng cường sức đề kháng. |
Sắt | Giúp các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, duy trì hoạt động của các nhóm cơ. |
Hàm lượng chất béo và protein có trong cá thu là lựa chọn tuyệt vời cho những bé còi xương, kén ăn và chậm phát triển đó mẹ ạ. Giờ thì mẹ bắt tay vào nấu món cháo cá thu để bé “măm măm” ngay thôi nào!
2. 6 cách nấu cháo cá thu cho bé ăn ngon miệng
Cá thu là thực phẩm rất dễ chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng, trong đó có món cháo cá thu. Với nhiều công thức chế biến khác nhau, mẹ tha hồ biến hóa món cháo cá thu thành nhiều món ngon trong thực đơn hằng tuần của bé. xắn tay áo lên và bắt đầu với 6 công thức nấu cháo cá thu dưới đây mẹ nhé!
2.1. Cháo cá thu bí đỏ cho bé thông minh hơn
Món ăn đầu tiên trong thực đơn cháo cá thu mà mẹ không thể bỏ qua chính là món cháo cá thu bí đỏ. Trong bí đỏ chứa rất nhiều axit glutamic, giúp não bé hoạt động tốt hơn, tăng cường và cải thiện trí nhớ hiệu quả. Khi bé bước sang giai đoạn 6 tháng tuổi, mẹ bắt đầu cho bé thưởng thức món cháo cá thu bí đỏ này rồi đấy ạ. Bé chắc chắn sẽ rất thích thú với hương vị thơm ngon, đậm đà của món cháo cá thu cho bé này đó!
Cháo bí đỏ cá thu vừa mang lại công dụng tuyệt vời, vừa chế biến cực đơn giản. Nhanh tay chuẩn bị nguyên liệu để nấu ngay món ăn bổ dưỡng này cho bé yêu thôi!
1 – Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Cá thu: 30gram
- Bí đỏ: 30gram
- Gạo tẻ: 35gram
- Hành lá: 1 cây
- Hành tím: 1 củ
Nguyên liệu đã sẵn sàng rồi, cùng Góc của mẹ vào bếp để thực hiện món cháo cá thu cho bé này nhé!
2 – Hướng dẫn mẹ thực hiện:
- Bước 1: Cá thu và hành lá mẹ rửa sạch, cắt hoặc băm nhỏ. Sau đó mẹ ướp cá thu với hành lá đã cắt nhỏ từ 3 – 5 phút.
- Bước 2: Mẹ vo gạo kỹ với nước 2 lần. Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt hạt lựu hoặc cho vào máy để xay nhuyễn.
- Bước 3: Cho gạo và khoảng 400ml nước vào nồi, nấu lửa vừa đến khi gạo nở thành cháo. Mẹ tiếp tục cho bí đỏ vào nồi và ninh nhừ từ 15 – 20 phút.
- Bước 4: Mẹ phi thơm hành, cho cá thu đã ướp vào chảo rồi chiên đến khi cá thu vàng đều. Gắp cá thu vào nồi cháo bí đỏ, khuấy đều tay trong 5 phút thì tắt bếp.
- Bước 5: Múc cháo ra bát, để nguội một lát rồi cho bé ăn. Như vậy là món cháo cá thu bổ dưỡng đã được hoàn thành. Thật đơn giản phải không mẹ?
Mẹ tham khảo video sau để nấu cháo cho bé nhé:
Nguồn: bongqiuqiu
2.2. Cháo cá thu khoai lang giúp bé khỏi táo bón
Bên cạnh món cháo cá thu bí đỏ, cá thu kết hợp với khoai lang cũng là một món ăn thơm ngon, bùi vị đó mẹ . Trong 100 gam khoai lang có chứa tới 25mg magie có tác dụng nhuận tràng rất tốt. Nếu bé thường xuyên bị táo bón, mẹ hãy chuẩn bị ngay món cháo cá thu khoai lang cho bé yêu nhà mình mẹ nhé!
Để nấu món cháo cá thu khoai lang cho bé rất thơm ngon, đúng vị, mẹ cần những nguyên liệu theo công thức dưới đây:
1 – Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Cá thu: 30gram
- Khoai lang: 30gram
- Gạo tẻ: 35gram
- Hành lá: 1 cây
- Hành tím: 1 củ
Tương tự như món cháo cá thu bí đỏ cho bé, chỉ với 5 bước cơ bản là mẹ đã có thể chuẩn bị xong món cá thu khoai lang để bé thưởng thức rồi!
2 – Hướng dẫn mẹ thực hiện
- Bước 1: Đầu tiên, mẹ tiến hành sơ chế cá thu, rửa sạch, cắt miếng hoặc băm nhỏ. Rửa sạch hành tím, hành lá và cắt nhỏ. Cho hành lá vào cá thu ướp từ 3 – 5 phút.
- Bước 2: Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch cho hết nhớt. Sau đó, mẹ cắt khoai lang thành hạt lựu hoặc cho vào máy để xay nhuyễn. Gạo vo kỹ 2 lần, để ráo.
- Bước 3: Nấu gạo cùng 400ml nước với lửa vừa đến khi gạo nở. Cho khoai lang vào nồi và ninh nhừ từ 15 – 20 phút.
- Bước 4: Hành tím mẹ phi thơm cùng một thìa dầu ăn. Chiên cá thu đã ướp đến khi cá vàng đều rồi cho vào nồi cháo đang nấu, khuấy đều tay trong 5 phút thì tắt bếp.
- Bước 5: Dùng muôi múc cháo ra bát, để cháo bớt nóng máy cho bé ăn mẹ nhé.
2.3. Cháo cá thu củ dền cho bé bị còi xương, chậm lớn
Với các bé chậm lớn, còi xương và kém phát triển thì món cháo cá thu củ dền là lựa chọn không thể thiếu trong thực đơn của bé. Trong củ dền có chứa nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt là chất sắt giúp tăng lượng hồng cầu trong cơ thể, giúp bé luôn khỏe mạnh, tăng cân đều.
Giờ thì mẹ vào bếp và chuẩn bị ngay các nguyên liệu để nấu món cháo cá thu củ dền cho bé “măm măm” ngay thôi! Chắc chắn nhóc tì nhà mình sẽ không cưỡng lại được đâu ạ.
1 – Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Cá thu: 30gram
- Củ dền: ½ củ
- Gạo tẻ: 35gram
- Hành lá: 1 cây
- Hành tím: 1 củ
Vậy là các nguyên liệu đã sẵn sàng. Mẹ bắt đầu nấu món cháo cá thu củ dền cho bé nhé! Chỉ với 5 bước cơ bản là đã hoàn thành rồi ạ!
2 – Hướng dẫn mẹ thực hiện
- Bước 1: Mẹ đem cá thu đi sơ chế, rửa sạch, cắt miếng hoặc xay nhỏ. Rửa sạch hành tím, hành lá, cắt nhỏ rồi đem ướp với cá thu từ 3 – 5 phút.
- Bước 2: Củ dền gọt vỏ, rửa sạch. Có thể cắt nhỏ củ dền hoặc cho vào máy xay xay nhuyễn. Vo kĩ gạo với nước sạch 2 lần để loại bỏ tạp chất, để ráo.
- Bước 3: Cho 400ml nước và gạo vào nồi, đun lửa vừa đến khi gạo nở. Cho phần củ dền đã chuẩn bị vào nồi, ninh nhừ từ 10 – 15 phút.
- Bước 4: Phi thơm hành tím, cho cá thu vào chiên đến khi vàng đều rồi cho vào nồi cháo đang nấu, khuấy đều tay trong 5 phút thì tắt bếp.
- Bước 5: Múc món cháo cá thu củ dền ra bát, để cháo bớt nóng một lát và cho bé yêu thưởng thức. Thật đơn giản phải không mẹ!
Xem thêm:
- Cách nấu cháo thịt gà cho bé ăn dặm dành cho mẹ yêu
- Mách mẹ cách nấu cháo lươn cho bé ăn dặm bổ dưỡng
- Bật mí 10 cách nấu cháo ếch cho bé “chuẩn đầu bếp”
2.4. Cháo cá thu rau ngót cho bé bị tưa lưỡi
Không chỉ giúp bé hỗ trợ trí não, cải thiện tình trạng táo bón, tăng cân, cháo cá thu cho bé nấu cùng rau ngót còn giúp bé ngăn ngừa các triệu chứng tưa lưỡi nữa. Trong Đông y, rau ngót có tác dụng thanh nhiệt, giải độc hiệu quả. Nhờ đó mà khi kết hợp cùng với cá thu, món ăn này sẽ giúp bé giảm đau rát và đẩy lùi tưa lưỡi. Bé sẽ vừa ăn ngon, vừa cảm thấy thoải mái sau khi măm món cháo thơm ngon của mẹ.
Nguyên liệu cho món cháo cá thu rau ngót dễ dàng tìm thấy tại nhà.
1 – Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Cá thu: 30gram
- Rau ngót: ⅓ bó
- Gạo tẻ: 35gram
- Hành lá: 1 cây
- Hành tím: 1 củ
Với món cháo cá thu rau ngót, ngay cả những bé không khoái ăn rau cũng không thể chối từ đâu ạ. Mẹ thực hiện ngay món cháo cá thu rau ngót để con yêu thưởng thức thôi!
2 – Hướng dẫn mẹ thực hiện
- Bước 1: Mẹ sơ chế cá thu và rửa sạch với nước. Cắt cá thu thành từng miếng hoặc xay nhỏ, hành tím, hành lá, rửa sạch, cắt nhỏ.
- Bước 2: Mẹ ướp cá thu với hành lá từ 3 – 5 phút, rau ngót nhặt lá, rửa sạch. Dùng tay vo kĩ rau ngót rồi cho vào máy xay, chắt lấy nước mẹ nhé.
- Bước 3: Vo kĩ gạo với nước sạch 2 lần để loại bỏ tạp chất, để ráo. Sau đó mẹ nấu gạo với 400ml nước đến khi gạo nở đều.
- Bước 4: Phi thơm hành tím, cho cá thu vào chiên đến khi vàng đều. Gắp cá thu vào nồi cháo, nấu khoảng 5 phút.
- Bước 5: Mẹ cho phần nước rau ngót đã lọc vào nồi. Khuấy đều 2 – 3 phút đến khi cháo sôi lại thì tắt bếp. Vậy là món cháo cá thu rau ngót nóng hổi đã hoàn thành. Mẹ để một lát cho cháo bớt nóng là bé thưởng thức được rồi!
2.5. Cháo cá thu cà chua cho bé bị hăm
Món ăn tiếp theo không thể thiếu trong thực đơn cháo cá thu cho bé chính là món cháo cá thu cà chua. Các thành phần chống oxy hóa trong cà chua giúp bé giảm viêm, sưng và nhanh lành các vết thương. Khi kết hợp cùng cá thu, hàm lượng axit trong cà chua sẽ giảm xuống, bé sẽ ăn ngon, ăn khỏe nên mẹ không lo sẽ ảnh hưởng đến vết thương của con đâu ạ!
Với món cháo cá thu cà chua, các nguyên liệu mẹ cần chuẩn bị rất đơn giản. Chỉ 5 phút là mẹ đã có thể chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu trong bếp nhà mình rồi!
1 – Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Cá thu: 30gram
- Cà chua: 30gram
- Gạo tẻ: 35gram
- Hành lá: 1 cây
- Hành tím: 1 củ
Bắt tay vào chế biến món cháo cá thu cà chua cho bé ngay thôi!
2 – Hướng dẫn mẹ thực hiện
- Bước 1: Mẹ sơ chế cá thu rồi rửa sạch với nước, cắt cá thu thành từng miếng hoặc xay nhỏ. Hành tím, hành lá, rửa sạch, cắt nhỏ.
- Bước 2: Đem cá thu ướp với hành lá từ 3 – 5 phút. Cà chua rửa sạch, bóc vỏ, cắt hạt lựu hoặc xay nhỏ.
- Bước 3: Mẹ vo kĩ gạo với nước sạch 2 lần để loại bỏ tạp chất, để ráo và ấu gạo với 400ml nước đến khi gạo nở đều.
- Bước 4: Phi thơm hành tím, cho cá vào chiên đến khi vàng đều. Sau đó, mẹ cho cá thu vào nồi cháo, khuấy đều rồi nấu khoảng 5 phút.
- Bước 5: Mẹ cho phần cà chua đã chuẩn bị vào nồi. Nấu khoảng 3 – 5 phút đến khi cà chua nhừ thì tắt bếp. Giờ thì mẹ múc cháo ra bát, để nguội một lát rồi bón cháo cho bé măm măm.
2.6. Cháo cá thu đậu xanh cho bé bị ốm
Nhắc đến món ăn tẩm bổ khi bé bị ốm thì không thể không nhắc đến món cháo cá thu đậu xanh. Đậu xanh là thực phẩm giàu chất xơ và protein, giúp bổ sung dinh dưỡng hiệu quả và tăng cường sức đề kháng cho bé. Mùi hương thơm bùi của đậu xanh kết hợp với hương vị đậm đà của cá thu nhất định sẽ khiến bé thích thú mà ăn thun thút đấy ạ!
Để nấu món cháo cá thu đậu xanh thơm ngon, bùi vị cho bé bị ốm, mẹ hãy nhanh tay chuẩn bị những nguyên liệu sau:
1 – Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Cá thu: 30gram
- Đậu xanh: 30gram
- Gạo tẻ: 35gram
- Hành lá: 1 cây
- Hành tím: 1 củ
2 – Hướng dẫn mẹ thực hiện
- Bước 1: Mẹ đem cá thu đi sơ chế và rửa sạch với nước. Cắt cá thu thành từng miếng hoặc xay nhỏ. Hành tím, hành lá, rửa sạch, cắt nhỏ.
- Bước 2: Lớp hành lá với cá thu từ 3 – 5 phút. Rửa sạch đậu xanh, nhặt bỏ hạt lép. Ngâm đậu xanh ít nhất 4 tiếng hoặc qua đêm để đậu dễ chín.
- Bước 3: Vo kĩ gạo với nước sạch 2 lần để loại bỏ tạp chất và để ráo. Nấu gạo,đậu xanh với 500ml nước, để lửa vừa cho đến khi gạo và đậu nhừ.
- Bước 4: Phi thơm hành tím sau đó chiên cá đến khi cá vàng đều. Cho cá thu vào nồi cháo, khuấy đều rồi nấu khoảng 5 phút.
- Bước 5: Đem cháo đi xay nhuyễn rồi nấu lại đến khi cháo sôi. Đợi đến khi cháo bớt nóng, mẹ múc cháo ra bát rồi cho bé thưởng thức nhé!
3. 4 lưu ý khi chế biến và cho bé ăn cháo cá thu
Cháo cá thu là món ngon giàu dinh dưỡng không thể thiểu trong thực đơn hằng tuần của bé. Tuy vậy, mẹ cũng cần nắm vững một số lưu ý khi chế biến và cho bé ăn cháo để giữ trọn mọi dưỡng chất trong cá thu, đồng thời đảm bảo an toàn, vệ sinh cho bé. Mẹ nhớ lưu lại những điều dưới đây mỗi khi cho bé ăn cháo cá thu mẹ nhé!
1 – Lau miệng bé sau khi ăn: Để hạn chế vi khuẩn và mùi tanh bám lại trên miệng bé, mẹ nên lau miệng cho bé bằng khăn ướt chuyên dụng cho bé sơ sinh sau khi bé ăn xong. Tránh dùng khăn vải vì vi khuẩn tích tụ trên khăn dễ dàng xâm nhập vào miệng bé, tăng nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng, ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của con. Mẹ nhớ ưu tiên những sản phẩm khăn ướt lành tính, dịu nhẹ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé mẹ nhé.
2 – Không nên kết hợp cá thu với bí xanh, rau kinh giới, đậu nành: Theo Đông y, cá thu là thực phẩm có tính hàn, khi kết hợp cùng bí xanh và đậu nành sẽ gây lạnh bụng và rối loạn tiêu hóa. Mẹ cũng không nên cho bé ăn cá thu với rau kinh giới vì sẽ khiến con ngứa ngáy, mụn nhọt, khó chịu lắm mẹ ạ.
3 – Cho bé ăn cháo cá thu 2 – 3 lần/tuần theo từng giai đoạn: Tuy là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng trong cá thu có một hàm lượng thủy ngân nhất định. Mẹ nấu cháo cá thu 2 – 3 lần một tuần, mỗi lần khoảng ¼ – ¾ lát phi lê nhỏ và cho bé ăn lại sau 2 – 3 tháng để đảm bảo sức khỏe của con
4 – Hạn chế nêm gia vị nếu bé dưới 1 tuổi: Lạm dụng việc nêm nếm gia vị cho bé dưới 1 tuổi dễ khiến thận bé phải làm việc quá tải vì giai đoạn này, các chức năng thận của bé vẫn chưa hoàn thiện. Ngay cả khi bé trên 1 tuổi, mẹ cũng nên hạn chế cho bé ăn đồ mặn mẹ nhé.
Thực đơn ăn dặm của bé đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều với món cháo cá thu cho bé ăn ngon, mau lớn phải không mẹ? Mẹ nhớ lọc kĩ xương dăm khi chế biến và đừng quên lau miệng bé thật sạch sẽ sau khi ăn bằng khăn ướt chuyên dụng để loại bỏ mùi tanh và cháo thừa trên miệng. Nếu còn công thức kết hợp cá thu với thực phẩm khác ngoài món cháo cá thu cho bé, mẹ đừng ngại để lại bình luận bên dưới để chia sẻ cùng mẹ bỉm khác nhé!