Cùng với ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm kiểu truyền thống, ăn dặm BLW hiện đang được rất nhiều mẹ Việt áp dụng hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có nhiều mẹ cảm thấy hoang mang khi mới tìm hiểu về phương pháp này. Ăn dặm BLW là như thế nào? Làm thế nào để cho bé ăn dặm đúng cách? Chính vì vậy, Góc của mẹ sẽ giải đáp và chia sẻ cho các mẹ hiểu rõ hơn về ăn dặm BLW cho bé dưới đây nhé.
Mục lục
1. Ăn dặm BLW là như thế nào?
Ăn dặm BLW (theo Tiếng Anh là Ăn dặm kiểu Baby Led Weaning) là phương pháp ăn dặm rất phổ biến ở các nước Châu Âu. Nhưng gần đây cũng đã được áp dụng tại Việt Nam cách đây không lâu. Baby Led Weaning nghĩa là ăn dặm tự chỉ huy, tự quyết định. Mẹ hiểu đơn giản thì sẽ là bé có quyền được lựa chọn ăn gì hay không ăn gì và ăn ở mức bao nhiêu bên cạnh duy trì việc bú sữa mẹ.
Hẳn các mẹ đều biết rằng sữa mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặc biệt là bé vừa sinh ra cho đến khi ít nhất 6 tháng tuổi. Khi qua giai đoạn 6 tháng tuổi, sữa mẹ đã bắt đầu loãng và ít dưỡng chất hơn. Đây cũng chính là thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm lần đầu.
Các bước cơ bản của ăn dặm tự chỉ huy:
- Bé ngồi ăn cùng bàn ăn với cả nhà trong bữa ăn
- Bé được cung cấp thức ăn giống như mọi người trong gia đình nhưng với kích cỡ và hình dạng phù hợp
- Bé tự cầm nắm và tự ăn
- Bé vẫn tiếp tục bú sữa mẹ ngoài thời gian bữa ăn chính
Các đặc điểm nổi bật của ăn dặm kiểu BLW:
- Ăn cùng bé, cùng lúc, cùng bàn là tinh thần chính của phương pháp ăn dặm này. Không có quấy bột, cũng không có cháo loãng. Trẻ ăn ặn theo phương pháp ăn dặm BLW sẽ tự ăn và ăn thô y như người lớn ngay từ lần ăn dặm đầu tiên. Mẹ cho con ăn dặm theo BLW thường không quá chú trọng vào việc ban đầu con ăn được bao nhiêu mà tập trung vào việc dạy bé tập nhai.
- Không thìa, không xúc, không bát đũa. Bé sẽ ăn bốc, tự cầm tay những thức ăn mình yêu thích để cho vào miệng.
2. Lợi ích của phương pháp ăn dặm BLW
- Phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy có rất nhiều lợi ích khi áp dụng. Phương pháp này cho phép bé tự trải nghiệm chế độ ăn và hương vị phong phú, các kích thước, hình dạng, kết cấu khác nhau của thức ăn hơn là đảm bảo lượng dinh dưỡng tiêu thụ.
- Đây là phương pháp tốt cho bé làm quen với thức ăn đặc nhanh hơn và ít tốn kém hơn. Thức ăn nghiền nát mất nhiều thời gian chế biến. BLW giúp bé ăn một cách tự nhiên và phát triển nhiều kĩ năng cho bé:
- Cách kiểm soát thức ăn với hình dạng và kích cỡ khác nhau, với cấu trúc khác nhau. Nhờ đó bé nhanh chóng học được cách sử dụng lưỡi để điều khiển thức ăn và biết số lượng thức ăn mình có thể đưa vào miệng một cách an toàn trong khi các bé khác thường cho quá nhiều đồ ăn vào miệng.
- Bé học được cách cắn nhỏ thức ăn ra rồi nhai. Việc tập nhai sớm khi đã sẵn sàng giúp bé phát triển các cơ mặt cần thiết cho việc học nói.
- Phương pháp này còn tập cho bé thói quen ăn uống lành mạnh – điều này đòi hỏi bố mẹ phải có chế độ ăn uống khoa học.
- Ngoài ra bé còn học được cách kết hợp sử dụng tay và mắt qua mỗi lần sử dụng ngón tay đưa thức ăn vào miệng.
- Thêm vào đó, việc được thử nghiệm những món ăn thú vị với kích cỡ khác nhau, độ thô mịn khác nhau sẽ làm tăng sự khéo léo của bé.
3. Khi nào có thể áp dụng ăn dặm tự chỉ huy cho bé?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, thời điểm bé ăn dặm thích hợp nhất cho bé là từ 6 tháng tuổi vì lúc này hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh nên có thể hấp thu được những thức ăn đặc và nhiều chất phức tạp hơn sữa mẹ. Ở thời điểm này, trẻ cũng cần được cung cấp các chất dinh dưỡng từ thức ăn bổ sung mà nguồn sữa mẹ không thể cung cấp đủ để đảm bảo cơ thể có thể phát triển khỏe mạnh.
Mẹ hoàn toàn có thể cho bé ăn dặm từ 5 tháng tuổi nếu có những dấu hiệu bé muốn ăn dặm. Tuy nhiên ở phương pháp ăn dặm BLW, ăn dặm đòi hỏi bé ở việc nhai nhiều hơn là lượng ăn của bé. Ở giai đoạn 5 tháng tuổi, vận động của trẻ thiên về giữ thẳng cổ và xoay đầu khi ngồi, trẻ cứng cáp có thể ngồi tựa khoảng 30 phút, các hoạt động cầm nắm lại chưa được thuần thạo. Khi áp dụng ăn dặm BLW với bé 5 tháng tuổi sẽ dễ xảy ra trường hợp như nghẹn, sặc thức ăn cho bé. Mẹ nên đảm bảo cho bé bú đầy đủ sữa mẹ đến khi tháng 6.
Theo nghiên cứu quan sát cho thấy có 87% trẻ từ 6-7 tháng tuổi bắt đầu có kỹ năng cầm nắm thức ăn bằng tay, nhưng đến tháng thứ 7-8, kỹ năng này lên tới 96%. Do đó phần lớn các bé ở 6 tháng tuổi đều có thể tự ăn được và mẹ hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp ăn dặm BLW.
4. Cách tập cho bé ăn dặm BLW đúng chuẩn
- Cho trẻ đeo yếm lớn: Khi cho bé ăn, mẹ hãy cho con mặc yếm lớn và trải tấm lót dưới chỗ con ngồi để việc dọn dẹp sau bữa ăn dễ dàng hơn.
- Tiếp tục cho trẻ bú: Duy trì tần suất bú mẹ hoặc bú bình như khi chưa ăn dặm để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.
- Không ép con ăn: Các bé vẫn nhận dinh dưỡng chính từ sữa mẹ hoặc sữa công thức nên có thể sẽ không ăn dặm nhiều trong thời gian đầu.
- Cắt thức ăn thành dạng que hoặc thanh dày: Mẹ hãy thái nhỏ thức ăn theo dạng que để bé có thể dễ dàng cầm và cắn nhai từ trên xuống thay vì thái những miếng nhỏ vừa ăn.
- Bắt đầu cho bé ăn từng chút một: Thời gian đầu, mẹ chỉ cần đặt một đến hai miếng thức ăn trước mặt trẻ vào giờ ăn. Bé có thể thấy choáng ngợp nếu bạn đặt quá nhiều đồ ăn đấy.
- Không quá chú trọng chén đĩa cho trẻ: Bé thường sẽ ném đồ ăn xuống sàn nên mẹ không cần chú trọng đến chén đĩa đựng đồ ăn cho bé.
- Cho bé ăn thức ăn của người lớn: Nếu những món cả nhà ăn là an toàn và phù hợp với trẻ, mẹ hãy cho trẻ cùng ăn những món này thay vì phải nấu đồ ăn riêng.
- Tạo niềm vui cho bé: Hãy coi các bữa ăn dặm là giờ chơi để bé khám phá nhiều kết cấu khác nhau cũng như trải nghiệm việc nếm và nhai. Mục tiêu chủ yếu của phương pháp ăn dặm tự chỉ huy là để trẻ làm quen với nhiều dạng thức ăn nên ba mẹ hãy thật thoải mái với bé nhé.
- Cho bé thử nhiều loại thức ăn: Mẹ hãy cho bé tiếp xúc với nhiều loại thức ăn để trẻ có thể phát triển vị giác và không bị kén ăn sau này
5. Thực đơn ăn dặm tự chỉ huy cho bé chuẩn khoa học
Câu hỏi mà không ít bậc phụ huynh quan tâm khi cho con ăn dặm kiểu BLW đó là nên cho bé ăn gì? Đây là phương pháp mà bé được ăn uống theo sở thích nên mẹ có thể cho bé ăn bất cứ thứ gì miễn là chúng ăn được.
Để bắt đầu cũng như giúp bé làm quen việc nhai và các món ăn mới, mẹ nên chuẩn bị các món rau củ như dưa chuột, bắp cải, bông cải xanh, cà rốt, khoai tây, khoai lang, … được nấu hoặc hấp chín vừa đủ. Điều này giúp đảm bảo an toàn vệ sinh và dinh dưỡng cho bé mà vẫn giữ được hình dạng nguyên vẹn cho đồ ăn.
Về vitamin và khoáng chất, mẹ hãy thử các loại trái cây như cam, nho, kiwi, xoài, chuối, bơ, việt quất, … Những món ăn này sẽ kích thích sự thèm ăn cũng như làm phong phú thực đơn ăn dặm blw của bé. Rau, củ, quả lại chứa nhiều chất xơ có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ.
Ngoài ra, bé từ 6 tháng tuổi trở lên còn có thể ăn được một số loại thịt mềm. Thịt là thực phẩm nổi tiếng giàu đạm, chất béo và sắt đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển trí não của bé và tái tạo hồng cầu trong máu. Mẹ nên cắt thịt thành từng miếng nhỏ để vừa miệng bé, bé cũng sẽ dễ dàng bốc hoặc xúc ăn hơn. Mẹ cũng có thể cho bé ăn cá vì chúng chứa hàm lượng omega-3 cao, tốt cho hệ tim mạch và thị lực của trẻ. Cần đảm bảo đã loại sạch mọi mẩu xương dù là nhỏ nhất để bé có thể tận hưởng những bữa ăn thật an toàn và đầy thú vị.
Các bậc phụ huynh cần lưu ý chia thức ăn của bé theo từng giai đoạn để phù hợp với độ tuổi của trẻ. Hạn chế tối đa cho bé ăn đồ ăn nhanh, các thực phẩm đóng hộp hay chế biến sẵn.
6. Ăn dặm BLW kết hợp ăn dặm kiểu Nhật
Xem thêm: Kết hợp ăn dặm kiểu Nhật và BLW để con ăn “thun thút”
Ăn dặm kiểu Nhật kết hợp BLW là việc chúng tra kết hợp cả 2 cách ăn với nhau. Điều này giúp mẹ có thể tận dụng tối đa những ưu điểm của từng phương pháp. Mẹ có thể kết hợp phương pháp ăn dặm kiểu Nhật và BLW như sau:
- Hôm nào mẹ không có nhiều thời gian thì có thể cho con ăn kiểu BLW. Nếu mẹ rảnh hơn thì nấu món ăn cho con kiểu Nhật.
- Ăn kiểu Nhật sẽ giúp bé không cần phải nhai mà có thể nuốt luôn thức ăn. Vì vậy, mẹ có thể sử dụng khi con mới bắt đầu ăn dặm trong tháng 7. Sau đó kết hợp cho con ăn kiểu BLW để tập nhai thức ăn trong tháng thứ 8. Và khi thấy con đã quen với việc ăn đồ ăn trực tiếp thì chuyển sang ăn BLW.
- Tuy nhiên, phương pháp kiểu Nhật sẽ giúp cung cấp cho con nhiều chất dinh dưỡng hơn vì thế mẹ cũng không nên bỏ qua khi con ăn đã ăn được BLW.
7. Ăn dặm BLW kết hợp ăn dặm truyền thống
Xem thêm: Ăn dặm truyền thống kết hợp BLW chuẩn khoa học
Phương pháp truyền thống cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé. Ngược lại, BLW – phương pháp bé tự chỉ huy lại đề cao tính tự lập. Béăn dặm kiểu BLW có thể tự quyết định mình sẽ ăn những gì. Từ đó có thể hình thành sự chủ động, tự giác cho bé ngay từ khi còn nhỏ.
Việc kết hợp trên vừa không khiến bé bị chán ăn hay biếng ăn. Nó cũng không hề khiến bữa ăn hằng ngày của bé bị thiếu chất. Cha mẹ có thể nhờ ông bà cho ăn vào buổi sáng, trưa, cho bé ăn BLW vào buổi tối. Cách xen kẽ lịch ăn như thế sẽ giúp tiết kiệm thời gian nhưng trẻ vẫn được ăn uống đầy đủ, đàng hoàng.
8. Mẹo giữ an toàn cho bé khi thực hiện phương pháp
8.1. Một số mẹo để đảm bảo con được an toàn khi bắt đầu ăn dặm
- Tránh các thực phẩm có nguy cơ gây nghẹn như các loại hạt, nho nguyên quả, táo còn vỏ, trái cherry…
- Không bao giờ để trẻ ăn một mình
- Đảm bảo bé ngồi thẳng trên ghế ăn dặm
- Theo dõi xem bé có phản ứng dị ứng nào không
8.2. Một số lưu ý về phản ứng nghẹn của con
Bạn có thể lo lắng con bị nghẹn khi cho trẻ tập ăn theo phương pháp ăn dặm blw. Nhưng thật ra nướu của bé có thể xử lý các loại đồ ăn mềm khá tốt. Tuy nhiên, bạn nên để ý đến phản xạ co thắt họng ở bé. Vì phản xạ này có biểu hiện khá giống trường hợp bị nghẹn. Trong vài tuần đầu, bé có thể có phản xạ co thắt họng khi xử lý thức ăn mới. Đây là phản xạ bình thường của bé. Điều này giúp tránh đồ ăn đi quá sâu vào họng và hoàn toàn khác với nghẹn.
Trẻ bị sặc sẽ có biểu hiện hoảng sợ, không thở được và không phát ra tiếng động.
Bạn không cần quá lo lắng khi trẻ bị co thắt cổ họng. Vì con đang tự xử lý đồ ăn trong miệng và sẽ giảm đã quen với đồ ăn. Bạn cũng cần biết các phương pháp sơ cứu khi xử lí tình huống trẻ bị mắc nghẹn ở cổ.
Nguồn: BabyCenter – Youtube
Lời kết
Với phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy – ăn dặm kiểu baby lead weaning, mẹ cần nắm được những nguyên tắc cơ bản để cho bé ăn dặm đúng cách ngay từ đầu. Điều này sẽ giúp con có được một quá trình ăn dặm vui vẻ thú vị. Mẹ cũng sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều trong việc chăm con. Hy vọng các mẹ có thể tham khảo để giúp cho sự phát triển của các bé.
Mẹ hãy cập nhập thường xuyên Góc của mẹ để nắm được những thông tin hữu ích của mẹ và bé nhé!
Nguồn tham khảo: Ăn dặm BLW là gì?