Với một nhóc tì mới oe oe chưa biết nói, có vô vàn nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh lười bú mà mẹ khó nắm bắt, khó đoán ý con. Nếu mẹ lần đầu lên chức và chưa có kinh nghiệm, cùng Góc của mẹ tìm ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan để giải quyết vấn đề này, giúp con ti ngon miệng trở lại, lớn nhanh, lớn khỏe mẹ nhé.
Mục lục
1. 6 nguyên nhân chủ quan khiến bé lười bú
Nhiều trường hợp bé lười bú do bẩm sinh, do sinh lý, hay do con đang có vấn đề về sức khỏe đó mẹ. Mẹ nên tìm hiểu thật kỹ, nắm bắt nguyên nhân và có những biện pháp xử lý kịp thời nhé.
1.1. Trẻ sơ sinh lười bú bẩm sinh
Theo thống kê của một số nghiên cứu khoa học, khoảng 5% trẻ mắc chứng biếng ăn bẩm sinh mà không phải do các nguyên nhân khác. Đây có thể do quá trình mang thai thiếu dinh dưỡng, hoặc sự bất thường trong quá trình phát triển của bé. Biểu hiện của việc bé lười bú bẩm sinh thường là bé mới sinh lười bú ngủ nhiều, chỉ chơi và ngủ, không chịu ti sữa.
1.2. Trẻ sơ sinh lười bú do sinh lý
Trong quá trình phát triển, những sự thay đổi về sinh lý như mọc răng, tập bò, các tuần khủng hoảng vô tình khiến bé khó chịu, thậm chí mất kiểm soát, rơi vào khủng hoảng. Đây hoàn toàn là những biểu hiện bình thường ở mọi bé sơ sinh nhưng nhiều khi khiến mẹ phải đau đầu vi trẻ sơ sinh lười bú, chậm tăng cân, bú ít.
1.3.Trẻ sơ sinh lười bú do gặp vấn đề sức khỏe
Cũng giống người lớn, khi gặp vấn đề sức khỏe, bé thường có xu hướng lười bú, lười ngậm ti, mẹ đưa bình sữa vào miệng cũng không thèm ti vì cơ thể bé đang mệt mỏi, không muốn vận động hoặc khó chịu khi tiêu hóa thức ăn. Cùng điểm qua một số vấn đề sức khỏe khiến trẻ đột nhiên lười bú mẹ nhé.
1.3.1. Bé gặp vấn đề về răng miệng
Răng miệng là một trong những bộ phận quan trọng trong quá trình nạp sữa vào cơ thể của các bé cưng. Một khi răng miệng gặp vấn đề như tưa miệng, tróc mép, viêm lợi, viêm loét miệng, nấm lưỡi… , mỗi ngụm sữa ti vào đối với bé tưởng chừng như cực hình, bé sẽ thấy đau khi thực hiện các thao tác như nút lưỡi, nuốt sữa, thậm chí mất vị giác, khó chịu lắm mẹ ơi.
Xem thêm:
Từ A đến Z kinh nghiệm chăm sóc bé mọc răng
Cách rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh: 5 sai lầm mẹ bỉm thường mắc phải
Bỏ túi kiến thức mẹ cần lưu ý về bệnh nấm lưỡi ở trẻ 2 tuổi
1.3.2. Bé gặp vấn đề về tiêu hóa
Trong quá trình ti, nếu mẹ thấy con gặp tình trạng khó tiêu, đầy hơi, đi ngoài, nôn trớ, táo bón,… đây là những dấu hiệu rõ nét nhất mách mẹ rằng hệ tiêu hóa của con đang rục rịch đòi “đình công”. Các vấn đề về tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, đau dạ dày, rối loạn khuẩn đường ruột khiến cho quá trình hấp thu sữa không thể diễn ra bình thường, bụng con lúc nào cũng óc ách khó chịu.
1.3.3. Bé gặp vấn đề về đường hô hấp
Một số vấn đề về hô hấp như ho, ngạt mũi, sổ mũi, chảy nước mũi do thời tiết, hay do các bệnh lý về đường hô hấp mãn tính cũng khiến bé yêu khó chịu. Đặc biệt khi thay đổi thời tiết, các vấn đề về hô hấp này càng nghiêm trọng hơn, khiến bé lười bú triền miên, chậm tăng cân, chậm lớn hơn các bạn cùng trang lứa.
2. 3 “thủ phạm” bên ngoài khiến trẻ sơ sinh lười bú – bú ít
Ngoài những nguyên nhân chủ quan, còn có nhiều nguyên nhân khách quan khác khiến trẻ đột nhiên lười bú, mẹ không biết phải làm sao. Cùng Góc của mẹ tìm hiểu xem đó là những nguyên nhân gì mẹ nhé.
2.1. Trẻ sơ sinh lười bú do sữa
1 – Với bé ti sữa mẹ: Một số nguyên nhân khiến sữa mẹ có vị lạ, không ngon miệng, khiến trẻ lười bú có thể kể đến như:
- Chế độ ăn uống của mẹ: Trong quá trình cho con ti, nếu mẹ ăn uống không khoa học và lành mạnh, ăn nhiều gia vị nặng mùi, quá cay, quá chua như hành, tỏi, ớt, thậm chí sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, ca cao đều khiến vị sữa mẹ thay đổi, bé bị lạ miệng, dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh lười bú.
- Bảo quản sữa mẹ: Mẹ bảo quản sữa trong tủ lạnh lâu ngày, không sử dụng túi trữ sữa chuyên dụng sẽ làm chất lượng sữa giảm, thậm chí hỏng sữa. Con ti vào thấy không ngon miệng, thậm chí đi ngoài, đau bụng, từ đó sẽ gây tâm lý sợ hãi, không dám ti, lười ti.
- Bầu ngực mẹ có mùi lạ: Mẹ sử dụng các loại kem bôi, kem dưỡng, nước hoa sẽ khiến ngực mẹ có mùi khác, không còn mùi hương tự nhiên, quen thuộc của mẹ, Đây cũng là một trong những thủ phạm khiến con sợ sữa, lười bú, bỏ sữa.
- Sữa mẹ không ra đều: Sữa mẹ về chậm, về ít, mỗi lần con ti sẽ bị mỏi miệng, mút mãi không ra sữa, khiến bé khó chịu, nản, không muốn ti. Ngược lại, sữa mẹ về nhiều, tia sữa chảy mạnh cũng dễ khiến bé không ti kịp, hoặc bị giật mình. Từ đó bé không cảm nhận được sự an toàn, thư giãn khi ti mẹ, trẻ sơ sinh dần dần cũng lười bú hơn.
2 – Với bé ti sữa công thức:
Tương tự như sữa mẹ, sữa công thức có vị lạ (do mẹ pha sai cách, hoặc sữa có các thành phần khác sữa mẹ), bé uống không hợp sữa và gặp tình trạng đau bụng, trướng bụng, táo bón, đi ngoài cũng khiến tâm lý bé bị ảnh hưởng, không muốn ti sữa công thức.
2.2. Trẻ sơ sinh lười bú do mẹ bế bé ti sai tư thế
Bú sai tư thế khiến bé không thoải mái và cảm thấy không hứng thú với việc bú. Nghiêm trọng hơn, tư thế bú không đúng, ví dụ cho bé nằm sấp khi bú còn khiến bé bị sặc sữa, tức bụng. Con bú chẳng được bao nhiêu mà cứ ọc ạch khó chịu, lần sau con sẽ không hợp tác nữa đâu mẹ ơi.
2.3. Trẻ sơ sinh lười bú do đầu ti mẹ to
Một số mẹ bỉm có đầu ti to, không mềm mại, hoặc đầu ti không nhô ra ngoài mà thụt sâu vào trong khiến bé khó ngậm, ngậm không vừa miệng. Con ti sẽ thấy không thoải mái, bị đau, mỏi miệng, lâu dần dẫn đến tình trạng lười ti.
3. Mách mẹ 5 cách “trị” lười bú giúp bé bú giỏi và lớn khỏe
Để giải quyết tình trạng trẻ sơ sinh lười bú, giúp mẹ an tâm hơn khi chăm sóc thiên thần nhỏ, mời mẹ tham khảo các cách “đặc trị” dưới đây, áp dụng được cả cho bé bú bình và bú mẹ cực hiệu quả.
3.1. 2 cách trị lười bú cho cả bé bú bình và bú sữa mẹ
3.1.1. Tạo thói quen bú hợp lý
Mẹ nên tạo cho bé thói quen mỗi khi bú. Như không nên cho bé bú quá lâu trong một cữ. Khi bé bú mẹ không nên dụ bé bằng ti vi hay thiết bị điện tử. Để bé tập trung vào quá trình bú sữa. Hạn chế trường hợp để bé quá đói mới cho bú.
Mẹ nên chia nhỏ các cữ bú trong ngày để bé dễ dàng hấp thụ hơn. Không để bé bú quá no, sau khi bé bú xong mẹ có thể vỗ nhẹ lưng bé giúp bé dễ tiêu. Một thói quen bú tốt sẽ giúp khắc phục tình trạng bé bú ít.
3.1.2. Cho bé bú đúng tư thế
Mẹ cần xác định tư thế bú chính xác. Vì khi tư thế bú đúng mới tạo cảm giác thoải mái cho bé bú. Mẹ có thể thử các tư thế khác nhau và quan sát bé thích hợp với tư thế nào. Sau đó, áp dụng tư thế bé thích nhất để giúp bé xử lý tình trạng bé lười bú. Đồng thời mẹ cũng tạo cho bé không gian thoáng mát khi bú để bé có thể tận hưởng quá trình bú. Mẹ xem thêm bài viết Top 4 tư thế cho bé bú khoa học nhất dành cho mẹ để hiểu đúng, làm chuẩn nhé.
3.2. Cách trị lười bú cho bé bú mẹ
Ngoài 2 cách đã nêu trên, khi bé có dấu hiệu lười bú, mẹ nên kiểm tra lại chế độ ăn uống của mình. Vì chế độ ăn uống của mẹ sẽ ảnh hưởng đến mùi vị sữa. Khi đó, sữa có mùi lạ bé sẽ không muốn bú nữa và bú ít đi hẳn. Ngoài ra, mẹ cũng cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bản thân. Như vậy sẽ giúp đảm bảo chất lượng nguồn sữa giúp bé được phát triển tốt nhất.
3.3. Cách trị lười bú cho bé bú sữa công thức
Ngoài 2 cách trị lười bú cho bé bú bình và bú sữa mẹ, mẹ tham khảo các cách trị lười bú cho bé ti sữa công thức dưới đây nhé.
3.3.1. Chọn đúng sữa công thức
Đối với trường hợp bé bú ngoài, mẹ nên cân nhắc chọn các loại sữa có mùi vị yêu thích của bé. Bên cạnh hương vị sữa, mẹ cũng cần chọn sữa phù hợp với nhu cầu hiện tại của bé. Chọn các sản phẩm sữa đã được kiểm chứng chất lượng. Không mua các loại sữa không thương hiệu hay không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Xem thêm:
5 điều mẹ cần biết khi chọn sữa non cho bé mới sinh
11 loại sữa không chứa lactose cho trẻ sơ sinh khỏe mạnh mau lớn
Mách mẹ 7 kinh nghiệm mua sữa cho trẻ sơ sinh hữu ích nhất
Top 6 dòng sữa cho trẻ sơ sinh của Nhật đảm bảo chất lượng nhất
3.3.2. Pha sữa đúng cách cho bé ti
Mẹ pha sữa quá loãng sẽ khiến vị sữa nhạt, mất đi hương vị thơm ngon vốn có, ngược lại mẹ pha sữa quá đặc sẽ khiến bé bị bội thực dinh dưỡng, dễ ngán, dễ gặp các vấn đề về tiêu hóa do phải tiêu thụ lượng lớn protein và đường.
Vì vậy pha sữa đúng tỉ lệ ghi trên vỏ hộp giúp vị sữa chuẩn hơn, bé ti được nhiều hơn và không ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Ngoài ra, mẹ nên cho bé ti sữa khi sữa nguội bớt, có nhiệt độ khoảng 37 độ C tương đương nhiệt độ của bầu ti mẹ, giúp con thấy thân quen, yên tâm bú sữa. Mẹ tham khảo bài viết Cách pha sữa thơm ngon, đảm bảo dinh dưỡng cho con yêu! để pha sữa chuẩn chỉnh nhé mẹ.
4. Bé lười bú đêm mẹ phải làm sao?
Trên thực tế có một số bé chỉ lười bú đêm, chứ ban ngày vẫn bú bình thường, nhưng với những bé trên 6 tháng tuổi, giai đoạn con đã ăn dặm và có thể ngủ liền mạch 11 tiếng mà không bị đói, bú đêm không tốt cho con đâu mẹ nhé. Mẹ cắt luôn cữ sữa đêm và bổ sung sữa vào ban ngày đầy đủ để con phát triển khỏe mạnh.
Còn với những bé dưới 6 tháng, nếu con lười bú đêm, mẹ nên xem lại các yếu tố như núm ti, cảm nhận của con khi ti, thời điểm cho con ti, nhiệt độ sữa, bình sữa xem có vấn đề gì không để điều chỉnh phù hợp. Mẹ tham khảo bài viết Trẻ không chịu bú bình vào ban đêm, mẹ có cần lo lắng? để biết nguyên nhân và giải pháp xử lý phù hợp mẹ nhé.
5. 3 lưu ý quan trọng khi bé lười bú
1 – Mẹ nên hiểu con: Một số mẹ thấy con lười bú thì lo lắng, nôn nóng sợ con chậm phát triển, thường xuyên lớn tiếng, bắt ép con bú sữa. Điều này không hề tốt đâu mẹ nhé, vô tình mẹ sẽ tạo áp lực lên làm con ngày càng sợ bú. Thay vào đó mẹ nên quan sát và lắng nghe để biết tại sao con không muốn bú, con đang gặp vấn đề gì rồi đưa ra cách xử lý phù hợp.
2 – Con phát triển đều, mẹ đừng lo lắng: Nếu trẻ không bú đủ 8 – 12 cữ mỗi ngày mà vẫn tăng cân, phát triển bình thường thì mẹ không cần quá lo lắng mẹ nhé, không cần nhồi nhét, thúc ép con ti bằng hết sữa đâu ạ.
3 – Bù lượng sữa thiếu hụt nhờ thức ăn dặm: Nếu bé bắt đầu ăn dặm, mẹ có thể đa dạng thức ăn dặm và bổ sung thêm sữa vào các món ăn dặm như pudding sữa, sinh tố mix sữa, lúa mạch, ngũ cốc trộn sữa trái cây để bù lại lượng sữa thiếu hụt, đảm bảo con nạp đủ dưỡng chất cần thiết hàng ngày
Đọc xong bài viết, chắc mẹ cũng thấy trẻ sơ sinh lười bú không phải vấn đề gì quá nghiêm trọng mẹ nhỉ! Chỉ cần mẹ bình tĩnh, thực sự hiểu con và ghi nhớ những cách khắc phục Góc của mẹ đã chia sẻ, bé yêu sẽ nhanh chóng tìm lại yêu thương với bầu sữa mẹ và bình sữa thôi ạ. Chúc mẹ thực hiện thành công, bé yêu lớn khỏe.
Xem thêm: [Giải đáp] Bé 3 tháng bú ít: Mẹ hiện đại nên xử lý như thế nào?