Bé mọc răng là thời điểm quan trọng trong những năm đầu đời của trẻ, đánh dấu sự thay đổi từ bé bú sữa mẹ sang ăn dặm. Các mẹ quan tâm tới giai đoạn mọc răng của con chắc hẳn sẽ không khỏi thắc mắc bé mấy tháng mọc răng và cần chăm sóc bé mọc răng ra sao? Vậy mẹ hãy cùng Góc của mẹ tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Mục lục
1. Bé mấy tháng mọc răng?
Thông thường bé bắt đầu mọc răng từ tháng thứ 6 đến 24 tháng. Bé sẽ có đủ hàm răng sữa gồm 10 răng hàm trên và 10 răng hàm dưới.
Tuy vậy, mỗi bé sẽ mọc răng vào những tháng khác nhau tùy vào thể trạng và di truyền. Có bé mọc răng sớm từ tháng thứ 3, 4 hay có bé mọc muộn hơn khi gần 1 tuổi. Nhưng đây là hiện tượng bình thường và mẹ không nên quá lo lắng.
Chỉ cần trong vòng 3 năm đầu đời, trẻ mọc đủ 20 răng hoàn thiện là mẹ có thể hoàn toàn yên tâm. Giai đoạn này mẹ hãy chú ý chăm sóc răng miệng bé thật kỹ để con có được hàm răng chắc khỏe khi lớn lên nhé!
2. Chăm sóc theo trình tự mọc răng của bé
Thời điểm mọc răng là khác nhau ở mỗi bé, nhưng tất cả sẽ đều có thứ tự mọc răng như nhau:
2.1. Từ 5 – 10 tháng, 4 chiếc răng cửa hàm trên
Đây là lúc bé mọc những chiếc răng đầu tiên nên mẹ cũng cần chú ý đến những thay đổi ở trẻ để nhận biết dấu hiệu trẻ chuẩn bị mọc răng:
- Nướu, lợi sưng to và đỏ sậm.
- Chảy nhiều nước dãi, nước bọt hơn bình thường.
- Cằm và cổ nổi mẩn.
- Thường xuyên ho hoặc ho sặc.
- Quấy khóc, biếng ăn hoặc bỏ bú.
- Bé bị sốt mọc răng không đi kèm các triệu chứng bệnh lý.
- Thích nhai cắn đồ vật trong tầm với do cảm giác ngứa ngáy trong miệng.
Dựa vào những biểu hiện trên và xác định theo tháng tuổi của bé, mẹ có thể biết được khi nào bé mọc răng và có sự chuẩn bị tốt nhất cho những giai đoạn tiếp theo.
2.2. Từ 7 – 10 tháng, 4 răng cửa bên
Tiếp theo, bé sẽ mọc răng hai bên ở độ tuổi từ 7 – 10 tháng.
Lúc này bé đã bắt đầu quen hơn với những chiếc răng mới nên biểu hiện khi răng mọc không còn rõ. Nhưng việc chuyển từ nhai cắn răng cửa sang răng bên cũng chưa dễ dàng với bé.
2.3. Từ 12 – 16 tháng, xuất hiện những chiếc răng hàm đầu tiên
Mặc dù bên ngoài và hai bên đã có răng nhưng phía trong hàm trống không khiến việc nhai nuốt của bé gặp nhiều khó khăn. Nên trong những tháng này, 4 chiếc răng hàm sẽ xuất hiện.
Vì kích thước lớn nên khi răng hàm mọc làm bé cảm thấy đau và khó chịu hơn so với khi mọc răng cửa và răng hai bên. Răng hàm mọc cũng khiến bé dễ sốt và chán ăn, quấy khóc hơn hẳn.
Mẹ nên chú ý bổ sung vitamin C, khoáng chất và canxi trong thực đơn, chế biến những món dạng cháo, lỏng giúp bé dễ nhai, dễ tiêu hóa cũng như không tác động nhiều đến phần hàm của bé.
2.4. Từ 14 – 20 tháng, bắt đầu mọc 4 răng nanh
Răng nanh mọc khi bé được 14 đến 20 tháng tuổi.
2 chiếc răng nanh hàm trên mọc trước, lấp đầy các khoảng trống ở đỉnh giữa răng cửa và răng hàm đầu tiên. Theo sau là hai chiếc răng nanh phía dưới. Nếu bé mọc răng nanh hàm dưới trước thì mẹ đừng lo vì mỗi bé có chế độ mọc răng khác nhau.
Khi mọc răng nanh sẽ có trường hợp bé bị đi tướt do bé tiết ra loại enzym đặc biệt. Trong một ngày bé có thể đi ngoài nhiều lần, phân không sống, không có bọt có màu vàng xanh nhạt và không đi kèm các triệu chứng bệnh lý (phát ban, dị ứng, tiêu chảy,…).
2.5. Từ 20 – 32 tháng, bé mọc 4 răng hàm lần thứ hai
Lần mọc răng hàm thứ hai là bé đã gần hoàn thiện quá trình mọc răng sữa rồi!
Sau giai đoạn này bé sẽ có đầy đủ một hàm răng với 20 chiếc răng bé xinh. Gồm 8 răng cửa, 4 răng nanh, 8 răng hàm và dần thay răng những năm sau đó.
Mẹ nên hạn chế cho bé ăn đồ ngọt và chủ động tìm hiểu cách vệ sinh răng miệng con giai đoạn mọc răng để răng bé được phát triển khỏe mạnh, giúp răng vĩnh viễn mọc lên cứng cáp và trắng sáng nhé!