Lần đầu cho bé ăn dặm, mẹ lo mình chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm, cũng chưa biết trước khi cho bé ăn dặm nên làm gì? Đừng lo mẹ ơi! Bài viết này sẽ bật mí cho mẹ 5 điều quan trọng nhất khi cho bé tập ăn dặm, tham khảo ngay để bé yêu ăn dặm ngoan khoẻ mẹ nhé!
Mục lục
1. Nhận biết 4 dấu hiệu bé sẵn sàng ăn dặm
Trước khi cho bé ăn dặm nên làm gì là mẹ cần quan sát để biết bé nhà mình đã “sẵn sàng” ăn dặm chưa. Theo chuyên gia y tế, độ tuổi lý tưởng cho bé yêu bắt đầu ăn dặm là từ 6 tháng tuổi. Mẹ không nên cho bé ăn dặm quá sớm hay quá muộn vì:
- Bé ăn dặm quá sớm: Hệ tiêu hoá của bé dưới 6 tháng chưa hoàn thiện, ăn dặm quá sớm dẫn đến sự làm việc quá tải của các cơ quan, tăng nguy cơ bị nghẹn cùng nhiều hệ luỵ lâu dài đó mẹ.
- Bé ăn dặm quá muộn: Đến mốc 6 tháng tuổi, bé sẽ cần nhiều vitamin, khoáng chất hơn và sữa mẹ không còn đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé. Ăn dặm quá muộn sẽ khiến bé thiếu dưỡng chất, còi xương, chậm lớn.
Vậy dấu hiệu bé sẵn sàng ăn dặm là gì? 4 “chi tiết” dễ dàng nhận biết cho mẹ đây!
- Số cân của bé yêu tăng nhanh: Số cân của bé tăng gấp đôi so với thời điểm mới sinh, bé ăn tốt, thường cảm thấy đói là những biểu hiện rõ nhất cho thấy bé đã sẵn sàng bước vào thời kỳ ăn dặm rồi.
- Tư thế cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm: Khi bé có thể tự ngồi và giữ đầu thẳng thì đây chính là thời điểm vàng cho bé ăn dặm, điều này sẽ giúp bé dễ dàng nuốt thức ăn, mẹ cũng không lo bé bị nghẹn nữa đâu!
- Nhận thức ăn từ môi dưới: Nếu mẹ thấy bé bắt đầu có thói quen đưa môi dưới về phía trước sẵn sàng tiếp nhận thức ăn từ thìa thì có thể ngầm hiểu bé đã sẵn sàng để tập ăn rồi ạ.
- Phản ứng của bé với đồ ăn: Khi mẹ quan sát bé hứng thú với đồ ăn lạ, bé chủ động với tay cầm thức ăn cho vào miệng thì đây chính là dấu hiệu bé đã sẵn sàng ăn dặm mà mẹ đang chờ đó.
2. Lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp cho bé
Tiếp theo trước khi cho bé ăn dặm nên làm gì, đó là lựa chọn một phương pháp ăn dặm phù hợp nhất dành cho bé nhà mình.
Để hỗ trợ mẹ chăm sóc bé đúng cách, nhiều phương pháp ăn dặm đã ra đời dựa trên kinh nghiệm chăm sóc bé sơ sinh kết hợp cùng nghiên cứu chuyên sâu về dinh dưỡng như: phương pháp ăn dặm truyền thống, ăn dặm tự chỉ huy BLW, ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm 3in1. Vậy còn chần chừ gì, cùng Góc của mẹ tìm hiểu ngay thôi nào!
1 – Phương pháp ăn dặm truyền thống: Ăn dặm truyền thống là phương pháp đúc kết từ kinh nghiệm nuôi con của mẹ Việt. Mẹ chỉ cần xay nhỏ cháo/bột cùng thịt, cá và rau củ là có thể cho bé thưởng thức ngay rồi. Phương pháp chú trọng tới chế độ dinh dưỡng cho bé và tiết kiệm tối ưu thời gian chuẩn bị cho mẹ nên vô cùng được mẹ bỉm ưa chuộng. Tuy nhiên, có 1 điểm trừ là cách ăn thụ động do mẹ đút, bé ít được rèn luyện các kỹ năng so với các phương pháp khác (phân biệt mùi vị, kĩ năng nhai,…).
2 – Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW: BLW – phương pháp ăn dặm làm thay đổi tư duy chăm sóc bé sơ sinh từ lâu đời của mẹ bỉm Việt. Với BLW, mẹ chế biến và bày đồ ăn bắt mắt ra đĩa để bé thỏa sức lựa chọn và bốc ăn món yêu thích song song với bú mẹ đảm bảo chất dinh dưỡng. Nhờ vậy bữa ăn của bé không những thú vị mà còn giúp bé làm quen với thức ăn bằng cả 5 giác quan, tạo thói quen ăn dặm tốt. Tuy nhiên, phương pháp lại đòi hỏi nhiều thời gian chế biến và dọn dẹp “chiến trường” sau mỗi bữa ăn của mẹ đó ạ.
3 – Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật: Với cách xây dựng chế độ ăn phù hợp và khoa học, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đã gây sốt trong cộng đồng mẹ bỉm hiện đại. Vào những tuần đầu ăn dặm, mẹ cho bé ăn cháo/bột xay nhuyễn (1 gạo : 10 nước) cùng rau củ nghiền nát giúp bé làm quen với thức ăn mà không bị hóc. Khi bé đã nhai tốt hơn, mẹ cho bé lựa chọn và bốc/xúc thức ăn theo sở thích để đa dạng dưỡng chất và giúp bé cảm nhận hương vị thức ăn tốt hơn.
Tuy nhiên, giống với BLW, phương pháp chưa thể đạt điểm tuyệt đối bởi thật khó để chuẩn bị khi mẹ quá bận rộn và không có nhiều thời gian nấu nướng, trang trí món ăn.
4 – Phương pháp ăn dặm 3in1: Phương pháp 3in1 được sáng lập bởi chuyên gia dinh dưỡng cho bé sơ sinh Hoàng Cường, phương pháp là sự kết hợp “thông thái” giữa 3 phương pháp trên. Với 3in1, mẹ kết hợp bón thức ăn cho bé song song với việc cho bé tự ăn và linh hoạt đa dạng thực đơn, cách chế biến để phù hợp cho thể trạng, sở thích và thời gian của mẹ. Nhờ vậy, hình thành thói quen ăn dặm, bé ăn ngon, tiêu hoá tốt.
Nếu bé nhẹ cân, mẹ ưu tiên áp dụng phương pháp ăn dặm truyền thống, ăn dặm 3in1 để cải thiện thể trạng của bé. Còn nếu bé nhai tốt, thích thú với thức ăn, mẹ có thể cho bé thử phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hoặc phương pháp BLW, bé sẽ rất thích mê đó ạ!
3. Nắm vững 4 nguyên tắc “vàng” khi cho bé ăn dặm
4 nguyên tắc dưới đây sẽ giúp mỗi bữa ăn dặm của con an toàn, thú vị hơn bao giờ hết đó mẹ ơi!
1 – Cho bé tập ăn dặm với thức ăn có hương vị gần giống sữa mẹ: Mẹ bắt đầu cho con măm bột có vị ngọt như sữa mẹ (bột gạo, bột rau củ) sẽ giúp hệ tiêu hoá bé dễ hấp thu hơn, ăn bột mặn (bột chứa trứng, thịt, cá,…) quá sớm có thể khiến bé gặp tình trạng dị ứng, rối loạn tiêu hoá,… Sau 2 – 4 tuần khi bé ăn tốt hơn, mẹ mới nên thử bột mặn, hệ tiêu hóa của bé lúc này đã cứng cáp và sẵn sàng thử những món mới rồi đó.
2 – Cho bé làm quen với thức ăn loãng trước, sau dần chuyển sang đặc: Dạ dày của bé vốn chỉ quen với sữa nên thật khó để bắt chúng làm quen với đồ ăn đặc khó tiêu. Ở mỗi độ tuổi, nhu cầu và khả năng hấp thu khác nhau, cấu trúc thức ăn không phù hợp có thể khiến hệ tiêu hoá bị tác động, dẫn đến tình trạng bé chán ăn, sợ ăn đó mẹ.
- Bé 6 – 7 tháng tuổi: Mẹ cho bé ăn cháo loãng theo tỷ lệ 1 gạo : 10 nước, được rây mịn/xay mịn để giúp bé làm quen với cấu trúc thức ăn mới.
- Bé 7 – 10 tháng tuổi: Mẹ có thể cho trẻ ăn cháo đặc, thực phẩm xay/băm nhỏ.
- Bé 10 – 12 tháng tuổi: Mẹ bắt đầu tập cho bé làm quen với cơm nát cùng thức ăn và rau củ cắt/xé nhỏ.
3 – Hạn chế cho gia vị vào thức ăn dặm: Mẹ hạn chế tối đa sử dụng gia vị (đường, muối, nước mắm) khi chế biến món ăn dặm cho bé bởi giai đoạn này, chức năng lọc ở thận chưa hoàn thiện, có thể khiến bé mắc phải những bệnh lý về thận, tăng nguy cơ cao huyết áp sau này. Theo khuyến cáo, mẹ chỉ nên sử dụng tối đa 1 gam muối mỗi ngày cho bé thôi nhé!
Theo dõi ngay bài viết: Gia vị cho bé ăn dặm dưới 1 tuổi để biết những thông tin quan trọng nhất khi nêm gia vị cho con mẹ nhé!
4 – Thực đơn ăn dặm cân bằng đủ 4 nhóm chất: Mẹ cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản: tinh bột (gạo, ngũ cốc,…), đạm (các loại thịt, cá,…), chất béo (dầu thực vật, chất béo từ thịt, sữa,…), chất xơ và vitamin (rau củ quả,…) để đáp ứng nhu cầu năng lượng, dinh dưỡng, đảm bảo bé yêu khỏe mạnh, phát triển toàn diện.
Chi tiết về cách xây dựng thực đơn, mẹ có thể tham khảo “Thực đơn cho bé 6 tháng, con tăng cân khỏe mạnh”. Bài viết này chắc chắn sẽ giúp mẹ bỏ túi được nhiều công thức nấu ăn ngon tuyệt cú mèo, phù hợp cho bé đấy!
4. Chuẩn bị 5+ “đồ nghề” sẵn sàng cho cho bé ăn dặm
Chuẩn bị bộ dụng cụ ăn dặm riêng và khử khuẩn thường xuyên khi sử dụng để bảo vệ tốt nhất cho hệ tiêu hoá của bé yêu mẹ nhé.
1 – Bộ dụng cụ ăn dặm (bát, đĩa, thìa, dĩa ăn dặm, khay ăn dặm): Đây chắc chắn là vật dụng không thể thiếu trong thời kỳ ăn dặm của bé rồi. Mẹ nên chọn sản phẩm có màu sắc bắt mắt như màu hồng, xanh, đỏ, vàng,…, chất liệu nhựa không chứa BPA để vừa an toàn, vừa khiến bé yêu thích thú hơn mẹ nhé! Một số thương hiệu tốt được mẹ bỉm tin dùng như: Pigeon hoặc của RiChell của Nhật.
2 – Ghế ăn dặm: Ghế ăn giúp bé tự tập và tập trung ăn uống, dần hình thành thói quen ăn uống tốt. Mẹ tham khảo bài viết “mua ghế ăn dặm cho bé ở đâu” để nắm vững tiêu chí chọn ghế ăn dặm cho con và chọn được loại ghế ăn phù hợp nhất cho bé yêu nhé!
3 – Yếm ăn dặm: Yếm ăn dặm giúp bé không bị bẩn nhem nhuốc khi thức ăn rơi vãi, mẹ cũng không tốn quá nhiều thời gian dọn dẹp, lau chùi. Đặc biệt với mẹ nào cho bé ăn dặm phương pháp BLW, không thể bỏ qua vật dụng này rồi! Một số thương hiệu yếm ăn dặm được mẹ bỉm tin dùng như: Bumkins, yếm máng BabyBjorn, Silicon Marcus & Marcus,…
4 – Khăn lau miệng: Vệ sinh sạch sẽ tay, chân, miệng sau khi ăn sẽ giúp bé yêu tránh nguy cơ bị kích ứng da – do đồ ăn thừa vương lại trên da “dụ” vi khuẩn đến đó mẹ. Mẹ nên chọn khăn ướt chuyên dùng cho bé sơ sinh với thành phần an toàn để vừa tiện, không phải lỉnh kỉnh khăn xô, chậu nước, vừa tiện bảo vệ tốt nhất làn da nhạy cảm của bé yêu.
5 – Sản phẩm khác (Máy xay nghiền thức ăn, dụng cụ rây thức ăn,…): Máy xay nghiền thức ăn và rây lọc là những dụng cụ thiết yếu giúp cho thức ăn tơi mịn, phù hợp với bé mà mẹ nên chuẩn bị trong gian bếp nhỏ của mình đó ạ.
Ngoài ra, còn 1 số vật dụng cần thiết nữa, mẹ có thể tham khảo tất tần tật về dụng cụ cần chuẩn bị cho bé tại “Chuẩn bị dụng cụ ăn dặm cho bé” để hiểu rõ nhất nhé!
5. Tham gia cộng đồng “hội mẹ bỉm” thông thái
Bên cạnh những lý thuyết căn bản mẹ tìm hiểu qua sách báo hướng dẫn cách chăm và nuôi dạy con, tham gia cộng đồng “hội mẹ bỉm” thông thái là rất cần thiết để giúp mẹ:
- Trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm ăn dặm cho bé: “Hội mẹ bỉm” là nơi mẹ có thể trao đổi, chia sẻ, học tập những kinh nghiệm thực tế, những mẹo thú vị trong chăm sóc bé yêu đó.
- Học hỏi và áp dụng mẹo bổ ích của “hội mẹ bỉm” khi bé biếng ăn dặm: Mẹ lo lắng, trăn trở khi thử nhiều phương pháp mà bé vẫn biếng ăn thì hãy thử học hỏi và áp dụng những mẹo hay từ “hội mẹ bỉm” bởi chính là những bí quyết hữu hiệu, cùng những kinh nghiệm thực tế khi chăm sóc bé yêu đó ạ.
- Cập nhật công thức món ăn dặm mới mẻ, cực ngon, bé thích mê: Ở “Hội mẹ bỉm”, mẹ có thể học tập và chia sẻ những công thức nấu nướng mới mẻ, thơm ngon và phù hợp với bé yêu đấy.
- Tìm ra giải pháp ăn dặm tốt nhất cho bé yêu để bé ăn ngon, hấp thu tốt: Cộng đồng “hội mẹ bỉm” sẽ giúp mẹ tìm ra gợi ý ăn dặm tốt nhất, phù hợp nhất cho bé yêu bằng những kinh nghiệm thực tế khi chăm sóc bé sơ sinh.
- Hiểu tâm lý bé yêu theo từng độ tuổi ăn dặm qua câu chuyện chăm con hội mẹ bỉm: Hiểu được nhu cầu của bé yêu thật khó khăn mẹ nhỉ. Nhưng đừng lo lắng bởi “Hội mẹ bỉm” là nơi kết nối những câu chuyện bỉm sữa, giúp mẹ có thêm nhiều kinh nghiệm cũng như hiểu tâm lý bé yêu theo từng độ tuổi ăn dặm.
Một số hội nhóm hữu ích mẹ nên tham gia:
1 – Ăn dặm mẹ Cam: “Thực đơn ăn dặm hôm nay là gì nhỉ? Nên cho con ăn gì đây” Nếu mẹ đang “bí” thực đơn thì Ăn dặm mẹ Cam luôn sẵn lòng gợi ý cho mẹ những món ăn dặm độc đáo, thơm ngon, bổ dưỡng, lại phù hợp cho bé yêu đó ạ. Nhóm không chỉ là nơi để học tập mà còn là nơi chia sẻ, giãi bày tâm sự của mẹ bỉm. Vậy còn chần chừ gì mà mẹ không nhanh chóng tham gia để sở hữu những bí quyết ngon bá cháy cho bé nhỉ.
2 – Ăn dặm 3in1 (Ăn dặm từ trái tim): Cộng đồng ăn dặm 3in1 được sáng lập bởi đầu bếp Hoàng Cường – cha đẻ của phương pháp 3in1. Cộng đồng sẽ hỗ trợ mẹ tìm ra giải pháp cho bé biếng ăn, chậm ăn và song hành cùng bé trong suốt quá trình ăn dặm, chu đáo từ khâu lựa chọn thực phẩm, cách chế biến đến những lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng. Cộng đồng nhất định là điểm dừng chân phù hợp cho mẹ có bé sắp hoặc đang trong quá trình ăn dặm.
3 – Ăn dặm cho bé: Mẹ có bé đang trong quá trình ăn dặm thì mẹ không nên bỏ qua:”Ăn dặm cho bé”, nhóm sẽ giúp mẹ tìm hiểu các kiến thức về ăn dặm và nuôi con trong 1000 ngày đầu đời quan trọng cũng như sưu tầm và gợi ý cho mẹ thêm nhiều món ăn ngon, lạ miệng cho bé yêu đổi vị.
Ngoài các hội nhóm trên, nếu mẹ muốn tìm cộng đồng liên quan đến phương pháp ăn dặm nào, chỉ cần gõ trên thanh tìm kiếm của facebook là thấy ngay đó ạ!
6. 2 câu hỏi mẹ nào cũng hỏi khi lần đầu cho bé ăn dặm
6.1. Ngày đầu tiên cho bé ăn dặm nên ăn gì?
Trong ngày đầu tiên cho bé ăn dặm, mẹ nên cho bé làm quen với bột ngọt, bột rau củ, hoa quả xay nhuyễn có hương vị gần giống sữa mẹ. Dưới đây, Góc của mẹ sẽ gợi ý một số món phù hợp với bé yêu ngay đây, mẹ cùng tham khảo nhé!
1 – Bột vị ngọt:
- Nguyên liệu: Bột gạo xay nhuyễn, sữa mẹ/sữa công thức.
- Cách chuẩn bị bột ngon cho bé: Hòa bột gạo vào nước trước khi nấu theo tỉ lệ 1 gạo : 10 nước rồi khuấy đều, đun với lửa nhỏ cho đến khi bột chín và không vón cục. Sau khi bột chuyển màu, mẹ đổ bột ra bát và hòa thêm chút sữa mẹ/sữa công thức rồi cho bé thưởng thức ngay nhé.
2 – Bột rau củ
- Nguyên liệu: Các loại rau củ (khoai, cà rốt, bí đỏ, bông cải xanh, bí xanh,…) Sữa mẹ/sữa công thức
- Cách chuẩn bị bột ngon cho bé: Mẹ luộc/hấp chín rau củ, tán mịn rồi khuấy đều với sữa mẹ/sữa công thức là đã hoàn thành bột rau củ ngon cho bé rồi.
3 – Hoa quả xay nhuyễn
- Nguyên liệu: Các loại quả (chuối, bơ, táo, đu đủ, lê, việt quất, đào,…), sữa mẹ/sữa công thức.
- Cách chuẩn bị bột ngon cho bé: Mẹ rửa sạch hoa quả, sau đó xay nhuyễn cùng sữa mẹ/sữa công thức rồi đổ ra bát và cho bé thưởng thức ngay thôi.
6.2. Lần đầu cho bé ăn dặm bao nhiêu là đủ?
Bé 5 – 6 tháng tuổi bắt đầu tập ăn dặm, mẹ nên để bé làm quen với mùi vị thức ăn trước, không ép bé ăn nhiều, chỉ cần 3 – 4 muỗng thức ăn mỗi bữa là đủ. Mẹ có thể cho bé ăn 1 – 2 bữa ăn dặm một ngày, tùy vào mong muốn của mẹ. Bởi trong giai đoạn này, sữa mẹ/sữa công thức vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu cho bé.
Gợi ý mẹ tham khảo bài viết: “Tips cực hay cho lần đầu bé ăn dặm” để bỏ túi nhiều kiến thức bổ ích giúp mẹ chăm sóc bé dễ dàng hơn nhé!
Chắc hẳn đọc tới đây, mẹ đã biết trước khi cho bé ăn dặm nên làm gì và biết thêm một số kiến thức chăm sóc bé ở độ tuổi ăn dặm rồi nhỉ? Nếu mẹ còn băn khoăn, mẹ hãy để lại bình luận để Góc của mẹ nhanh chóng giải đáp nhé!