Gần cuối thai kì, dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện là những gì? Mẹ sẽ gặp phải những thay đổi nào của cơ thể? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cái nhìn tổng thể cho mẹ về dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện và những triệu chứng quan trọng để mẹ đến bệnh viện kịp thời.
Mục lục
1. Những dấu hiệu sắp sinh cần nhập viện
Mỗi bà mẹ nên có kiến thức cơ bản nhất về những dấu hiệu sắp sinh cần nhập viện này. Điều này càng quan trọng hơn với bà mẹ mang thai con so. Khi có những biểu hiện dưới đây, mẹ nên nhập viện để sinh bé:
1.1. Ra nhầy hồng âm đạo
Một trong những dấu hiệu sắp sinh cần nhập viện chính là ra nhầy hồng âm đạo. Vào cuối thai kì, cổ tử cung tăng tiết chất nhầy. Nút nhầy này thường thoát ra khi cổ tử cung khởi động quá trình xoá mở. Nhầy này thoát ra thường có độ quánh rõ rệt, hơi hồng, báo hiệu cuộc chuyển dạ. Khi thấy biểu hiện này, mẹ nên đi đến bệnh viện.
Dịch nhầy tích tụ ở cổ tử cung trong thời kỳ mang thai dần tạo thành nút nhầy cổ tử cung. Vào khoảng tuần 37-40 tuần trong thai kỳ; bạn sẽ thấy âm đạo tiết ra nhiều dịch hơn, nhớt hơn.Đây là hiện tượng mất nút nhầy cổ tử cung. Nút nhầy này có tác dụng bịt kín cổ tử cung để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập đã bong ra nhằm dọn đường cho bé yêu chào đời.
Dịch nhầy có thể có màu trong suốt, sẫm màu hoặc màu hồng hoặc có một ít máu. Đây là dấu hiệu cho thấy một trong vài ngày tới bé yêu của bạn sẽ chào đời. Song có không ít thai phụ phải chờ đến 1 tuần hoặc 2 tuần sau đó mới thực sự chuyển dạ.
1.2. Đau bụng từng cơn tăng dần
Dấu hiệu sắp sinh cần nhập viện tiếp theo là đau bụng từng cơn tăng dần. Cơn đau bụng này bản chất là cơn co tử cung. Nếu mẹ thấy ở bụng là những cơn gò gây đau bụng thành cơn và các cơn ngày càng gần nhau và dồn dập, hãy đến bệnh viện để sinh. Những cơn gò này chính là những cơn co tử cung đang thúc em bé xuống thấp hơn. Khác với những cơn gò mẹ đã gặp trong thai kì, cơn co tử cung không giảm sau khi nghỉ ngơi hay thay đổi tư thế. Mẹ liên tục đau bụng nhiều hơn, dày hơn.
Cơn đau bụng có thể kéo dài hơn 2 phút và trong 10 phút có thể đếm được nhiều cơn. Khi cơn đau bụng đã dày và gây đau nhiều như vậy, khả năng cao mẹ đã bắt đầu chuyển dạ. Đến bệnh viện hay cơ sở y tế là hợp lý nhất lúc này.
1.3. Vỡ nước ối
Khi mẹ thấy dịch âm đạo lỏng như nước màu hơi vàng, rỉ mạnh hoặc ra số lượng nhiều và nhanh, đó là biểu hiện rỉ ối – vỡ ối. Chuyển dạ sẽ khởi phát sau vỡ ối không quá 24 giờ. Đây là dấu hiệu sắp sinh cần nhập viện ngay lập tức.
Trong trường hợp mẹ có vỡ ối ở trước tuần 37 và không kèm biểu hiện gì khác, có thể là ối vỡ non. Khi đó mẹ cần được thăm khám và tư vấn để giữ em bé lại lâu hơn trong bụng.
1.4. Sa bụng bầu, bụng bầu tụt xuống
Một vài tuần trước khi bé chào đời, bé sẽ dịch chuyển xuống phía dưới trong khung xương chậu của mẹ, riêng với những thai phụ sinh con lần thứ 2 trở lên thì dấu hiệu này thường khá mơ hồ và chỉ cảm nhận được khi cuộc vượt cạn thực sự bắt đầu. Lúc này, thai nhi đã ở trong tư thế sẵn sàng ‘ gặp mẹ’; đầu bé quay xuống phía dưới và ở vị trí thấp.
Sa bụng là một trong các dấu hiệu sắp sinh cần nhập viện mẹ bầu nên lưu ý. Vào thời điểm này, cảm giác ở khung xương chậu sẽ nặng nề hơn nên mẹ sẽ thấy mình đi lại khó khăn hơn, lạch bạch hơn và muốn đi tiểu nhiều hơn do thai nhi tụt xuống khung chậu chèn lên bàng quang. Tuy nhiên , mẹ có thể sẽ cảm thấy dễ thở hơn vì thai nhi không còn chèn ép phổi.
1.5. Cổ tử cung giãn nở là một triệu chứng sắp sinh
Cổ tử cung cũng sẽ rộn ràng chuẩn bị cho cuộc vượt cạn sắp đến. Nó sẽ mở rộng và trở nên mỏng hơn trong vài ngày hay vài ba tuần trước đó. Dấu hiệu này được phát hiện trong quá trình thăm khám âm đạo. Vì mỗi người mỗi khác nên tốc độ mở ở mỗi thai phụ sẽ nhanh chậm khác nhau. Trong quá trình chuyển dạ, cổ tử cung mở ra khoảng 10cm và con số tối đa này chỉ sảy ra ngay trước khi mẹ sinh thôi.
1.6. Đau lưng nhiều hơn
Khi sắp sinh, mẹ sẽ thấy tình trạng đau mỏi lưng hoặc hai bên háng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt nếu đây là lần đầu tiên bạn mang thai, các dấu hiệu này có thể sẽ rõ ràng hơn. Nguyên nhân của tình trạng này là các khớp ở vùng xương chậu và tử cung ở giai đoạn cuối thai kỳ sẽ bị kéo căng ra chuẩn bị cho thai nhi ra đời.
1.7. Buồn tiểu liên tục
Trong tháng cuối, đầu của bé bắt đầu di chuyển xuống tiểu khung; chèn ép vào các tạng xung quanh, đặc biệt là bàng quang. Do đó, mẹ sẽ thấy phần bụng dưới của mình trở nên nặng nề hơn trong khi phần bụng trên lại cảm giác “trống rỗng”. Kèm theo đó, mẹ bầu phải thường xuyên đi tiểu rất nhiều lần hay có thể bị són tiểu, són phân. Điều này đôi khi sẽ khiến cho sản phụ khó chịu và không thể có được giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra với các bé có hiện tượng xoay đầu để chuẩn bị sinh thuận theo ngả âm đạo. Với các bé có “ngôi ngược” thì sẽ không có hiện tượng này.
2. 4 Dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện nguy hiểm
2.1. Ra máu âm đạo
Dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện nguy hiểm chính là ra máu âm đạo. Ra máu âm đạo thường là một dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện nguy hiểm. Triệu chứng này có thể đến bất kì lúc nào trong thai kì và báo hiệu những vấn đề khác nhau. Nếu máu chảy tự nhiên không kèm triệu chứng khác, máu đỏ tươi không lẫn máu cục, thì khả năng lớn là do rau tiền đạo. Mẹ có thể biết điều này trong quá trình theo dõi thai nghén trước đó. Nhưng một khi dấu hiệu này xuất hiện, mẹ phải ngay lập tức đi viện. Máu chảy do rau tiền đạo có thể khiến mẹ vào viện nhiều lần trong thai kì.
Nếu máu âm đạo loãng, sẫm màu kèm theo đau bụng dữ dội liên tục, bụng co cứng như gỗ, đây có thể là tình trạng rau bong non. Đây là một cấp cứu sản khoa nguy hiểm với cả tính mạng của mẹ và thai nhi. Nguyên nhân hàng đầu của nó là sang chấn vùng bụng như chấn thương, va đập mạnh bụng bầu. Hoặc trong thai kì nếu mẹ đã từng phát hiện tụ máu sau rau qua siêu âm, phải rất cẩn trọng với tình trạng này.
2.2. Đau bụng dữ dội
Dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện nguy hiểm tiếp theo là đau bụng dữ dội. Đau bụng liên tục dữ dội, bụng cứng như gỗ, cảm giác bụng gồ lên rõ kèm theo chảy máu loãng âm đạo, nâu sẫm là dấu hiệu của rau bong non. Như đã trình bày bên trên, đây là tình trạng cấp cứu buộc phải đưa mẹ bầu đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Một trường hợp khác, nếu mẹ đau chói và đau khu trú nhất ở vùng vết sẹo mổ lấy thai cũ, đây có thể là dấu hiệu doạ vỡ tử cung. Tình trạng doạ vỡ hoặc vỡ tử cung thường xảy ra trong chuyển dạ khi cơn co quá lớn. Triệu chứng này thường xảy ra cùng với các dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện. Đặc biệt khi có biểu hiện đau chói muốn ngất, sau đó giảm đi, bụng bầu biến dạng, có thể là biểu hiện vỡ tử cung. Đây cũng là một cấp cứu sản khoa không thể trì hoãn nhập viện.
2.3. Không thấy em bé cử động trong ngày
Một dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện nguy hiểm khác chính là không thấy thai nhi cử động trong ngày. Trong thai kì, mẹ đã có thể cảm nhận thấy hoạt động của bé từ tuần thứ 20. Hoạt động của bé rõ ràng và tăng lên nhiều hơn sau đó. Nếu ở giai đoạn cuối thai kì mà mẹ không cảm nhận được bất kì cảm động nào của em bé, hãy đến bệnh viện.
2.4. Ra nước âm đạo xanh đen
Nước âm đạo có màu bất thường thường là ối vỡ và ối có lẫn phân su em bé. Phân su trong nước ối có thể là dấu hiệu thai bị suy hoặc em bé đã hít phải phân su của mình. Mặt khác do đây là biểu hiện vỡ ối, mẹ cần đến viện ngay.
3. Mẹ lưu ý gì ngoài những dấu hiệu sắp sinh cần nhập viện
Trong suốt 9 tháng thai kì, việc khám thai định kì là cực kì cần thiết. Ngoài những dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện, mẹ cần lưu tâm nhiều vấn đề hơn thế.
Một trong số những vấn đề có thể phát hiện sớm là rau tiền đạo. Đây là tình trạng bánh rau bám ở gần lỗ cổ tử cung. Trong chuyển dạ, cổ tử cung mở ra có thể là nguyên nhân gây chảy máu cấp nếu bánh rau bám ở vị trí này. Khi phát hiện được tình trạng này, mẹ có thể nhập viện sớm từ khoảng 36 tuần.
Vấn đề khác có thể là lượng nước ối. Lượng nước ối quá nhiều hoặc quá ít đều gây ra những vấn đề nhất định. Khi phát hiện lượng nước ối bất thường, mẹ hãy đến viện ngay.
Mang từ 2 thai trở lên cũng là một vấn đề mẹ cần chú ý. Bụng bầu chứa 2 bé luôn lớn hơn, thành phần rau và dây rốn cũng có những đặc thù cần theo dõi rất sát trong suốt thai kì.
Trên đây Góc của mẹ đã sơ bộ hệ thống lại những dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện. Đây là những vấn đề mẹ không thể bỏ qua đặc biệt vào những ngày cuối thai kì. Góc của mẹ luôn mong mẹ và bé có được sức khoẻ và tinh thần tốt nhất.
Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/pregnancy/when-to-go-to-the-hospital-for-labor
Mẹ có thể tham khảo các bài viết dưới đây:
Mẹ chuyển dạ giả sau bao lâu thì sinh?
Mẹ phải làm gì trong tình huống vỡ ối trước cơn chuyển dạ?’