Sau 9 tháng 10 ngày mang bé yêu trong bụng, hẳn mẹ rất mong chờ chào đón thiên thần nhỏ. Để bé yêu đến với cuộc đời, mẹ cần trải qua một hành trình vất vả và gian truân, đó là chuyển dạ. Chuyển dạ là quá trình khá đau đớn và khó khăn cho tất cả mẹ bầu. Để giúp mẹ thoải mái và dễ chịu hơn trong các giai đoạn chuyển dạ, mẹ hãy cùng Góc của mẹ bỏ túi 5 điều hữu ích trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Chuyển dạ là gì?
Chuyển dạ là quá trình em bé rời khỏi tử cung của mẹ để ra ngoài. Mẹ chính thức bước vào các giai đoạn chuyển dạ khi những cơn gò xuất hiện với cường độ và tần suất tăng dần. Những cơn gò này giúp đẩy em bé ra khỏi tử cung. Khi bắt đầu chuyển dạ, cổ tử cung sẽ giãn ra (mở ra), tạo điều kiện cho em bé chào đời qua ngả âm đạo của mẹ.
2. Các giai đoạn chuyển dạ
Quá trình chuyển dạ sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn sau:
- Giai đoạn 1
Đây là giai đoạn sẽ xóa mở cổ tử cung. Giai đoạn được kéo dài từ những cơn gò đầu tiên cho đến khi cổ tử cung của mẹ được mở rộng hoàn toàn. Giai đoạn này thường kéo dài trung bình 15 giờ và được chia thành 2 pha:
-
- Pha tiềm tàng (Ia): Cổ tử cung sẽ mở đến 3cm.
- Pha tích cực (Ib): Cổ tử cung tiếp tục mở cho đến khi mở hết (10cm).
- Giai đoạn 2
Giai đoạn 2 được gọi là giai đoạn sổ thai. Giai đoạn này được bắt đầu từ lúc cổ tử cung đã được mở rộng hết cho đến khi thai nhi hoàn toàn được sổ ra ngoài. Đây là kết quả của sự kết hợp các cơn co tử cung và sức rặn của mẹ. Giai đoạn 2 có thời gian trung bình từ 30 phút đến tối đa 1 giờ đồng hồ.
- Giai đoạn 3
Cuối cùng của quá trình chuyển dạ là giai đoạn bong rau và sổ rau. Sau khi em bé được đưa ra ngoài, nhau thai bị nhăn nhúm lại, bong tróc hoàn toàn khỏi tử cung và di chuyển ra ngoài từ buồng tử cung. Bác sĩ sẽ cầm màu cho mẹ và cổ tử cung của sản phụ lúc đó cùng bắt đầu thu nhỏ lại. Khoảng thời gian kể từ khi thai nhi được sổ ra ngoài hoàn toàn cho đến khi các phần phụ đều được sổ ra ngoài kéo dài từ 15 – 30 phút.
3. Chuyển dạ bao lâu thì sinh?
Quá trình chuyển dạ của con so sẽ lâu hơn con rạ. Đối với con so, chuyển dạ thường kéo dài từ 12 đến 18 giờ đồng hồ. Nhưng con rạ, các giai đoạn chuyển dạ chỉ mất 8 – 12 giờ.
Tùy theo cơ địa của mỗi sản phụ mà thời gian chuyển dạ sẽ khác nhau. Có trường hợp gọi là chuyển dạ kéo dài khi quá trình chuyển dạ diễn ra chậm hơn so với bình thường. Thời gian của chuyển dạ kéo dài có thể lên đến từ 18 – 24 giờ. Ở trường hợp này, các mẹ không nên quá căng thẳng, giữ trạng thái bình tĩnh vì đội ngũ y bác sĩ luôn theo dõi và có phương pháp hỗ trợ kịp thời để hỗ trợ cho mẹ và bé.
4. Dấu hiệu chuyển dạ nào mà mẹ cần đến bệnh viện ngay?
Khi bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu chuyển dạ thật sự, gia đình nên thu xếp đồ dùng để mẹ có thể đến bệnh viện chuẩn bị chào đón một thành viên mới. Nếu mẹ không thể xác định chính xác có phải chuyển dạ thực sự không, mẹ có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn hoặc kiểm tra độ xóa mở tử cung để xác định thời điểm chuyển dạ.
Đối với một số dấu hiệu chuyển dạ sau đây, mẹ nên di chuyển đến bệnh viện càng sớm càng tốt:
- Vỡ nước ối.
- Các cơn co tử cung đau từng hồi theo quy tắc: Cách 4 – 5 phút kéo dài trong một giờ.
- Các cơn đau thắt dữ dội.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức khi có một số biểu hiện nghiêm trọng sau:
- Chảy máu âm đạo.
- Vỡ nước ối có màu xanh, nâu hoặc có mùi hôi.
- Mắt mờ, đầu đau nhức, vùng bụng trên bị đau hoặc sưng bất thường. Đây là dấu hiệu của bệnh tiền sản giật.
- Co thắt chuyển dạ hoặc có dấu hiệu sinh non trước tuần 37.
5. TOP 5 cách giúp mẹ dễ chịu hơn khi trải qua các giai đoạn chuyển dạ
Chuyển dạ luôn là quá trình không mấy dễ dàng cho mỗi mẹ bầu. Đặc biệt ở giai đoạn 1 pha tích cực, các cơ co tử cung sẽ bắt đầu tăng với tần số nhanh khiến các cơn đau của mẹ ngày càng tăng. Dưới đây là 5 cách sẽ giúp mẹ giảm các đơn đau và dễ chịu hơn trong quá trình chuyển dạ:
- Nghe nhạc, thư giãn, chú ý hơi thở đúng cách sẽ giúp mẹ kiểm soát các cơn co đều đặn và quá trình mở cổ tử cung được diễn ra thuận lợi hơn.
- Thay đổi tư thế, đi dạo hoặc di chuyển xung quanh sẽ giúp mẹ hạn chế các cơn đau chuyển dạ.
- Massage vùng lưng và vai cho mẹ bầu sẽ giúp cơ thể mẹ được thoải mái và tinh thần mẹ cũng dễ chịu hơn.
- Sử dụng túi chườm ấm hoặc lạnh ở vùng lưng để giúp mẹ giảm căng cơ và các cơn đau.
- Luôn có người bên cạnh, đặc biệt là chồng giúp mẹ xao nhãng các cơn đau, trấn an và củng cố tâm lý cho mẹ.
Nếu cơn đau quá tầm nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu đến tinh thần của mẹ, bác sĩ sẽ có biện pháp hỗ trợ giảm đau bằng thuốc.
6. Cách chăm sóc sản phụ khi bước vào các giai đoạn chuyển dạ
Trong các giai đoạn chuyển dạ, sản phụ rất cần người thân ở bên cạnh để giúp đỡ. Đặc biệt là vai trò của người chồng luôn rất quan trọng với mỗi sản phụ. Khi mẹ đang khó khăn trong giai đoạn chuyển dạ, người bên cạnh có thể chăm sóc như sau:
- Nhắc nhở và khuyến khích mẹ bầu thả lỏng tinh thần, nghỉ ngơi, tập trung thở đều.
- Không làm phiền hoặc kích thích tâm trạng mẹ.
- Giúp mẹ massage những vùng đau nhức như lưng, đuôi xương chậu.
- Hỗ trợ mẹ khi di chuyển hoặc thay đổi tư thế.
- Giữ giường nệm luôn sạch sẽ khô ráo, lau mồ hôi và thay áo quần khi bị ướt.
- Ở cạnh động viên và ủng hộ tinh thần mẹ.
Mẹ hãy bỏ túi ngay 5 điều hữu ích trên để sẵn sàng bước vào các giai đoạn chuyển dạ với tâm trạng thoải mái và cơ thể khỏe mạnh nhất nhé. Chúc mẹ vượt cạn thành công!