Sau sinh, mẹ lo lắng khi thấy sữa về ít mà không biết nguyên nhân tại sao, có những lúc còn không đủ cho con bú. Có những bé mới sinh, chỉ ti mẹ thôi chứ không chịu bú bình, cho con ti mãi mà ngực mẹ mềm miết không có sữa khiến mẹ xót xa vô cùng. Mẹ loay hoay không biết làm cách nào khiến sữa về nhiều hơn. Bài viết dưới đây sẽ lý giải cho mẹ những lý do gây ít sữa ở mẹ và cách gọi sữa về nhanh chóng. Lưu lại ngay mẹ nhé!
Mục lục
1. Nguyên nhân gây ít sữa ở mẹ sau sinh
Sau khi sinh, mẹ sẽ gặp phải nhiều vấn đề đau đầu không biết phải giải quyết thế nào, nhất là đối với những mẹ sinh con lần đầu. Một trong những vấn đề thường gặp là sữa mẹ mãi không về hoặc có về thì cũng rất ít, không đủ cữ cho bé bú. Nguyên nhân của hiện tượng này khá đa dạng, có thể đến từ mẹ hoặc từ bé.
1.1. Nguyên nhân ít sữa do mẹ
Một vài nguyên nhân lý giải cho việc cơ thể mẹ ít sữa cho con bú như sau:
1.1.1. Mẹ không cho bé bú đủ cữ
Cơ chế của việc tiết sữa ở mẹ là bé bú càng nhiều, oxytocin trong não bộ của mẹ cùng lúc được tiết ra nhiều hơn. Loại hormone này kích thích các nang sữa co bóp, sản sinh sữa cho bé. Vì thế khi bé bú mẹ ít hoặc không đủ cữ thì lượng oxytocin tiết ra chưa đủ để sữa mẹ tiết ra nhiều.
Bên cạnh đó, việc mẹ cho bé bú sai tư thế hoặc bé ngậm bắt núm vú không đúng cách cũng có thể trở thành lý do khiến việc kích thích tiết sữa không hiệu quả. Nếu chưa nắm được cữ bú thế nào là tiêu chuẩn với bé sơ sinh, mẹ tham khảo thêm ở bài viết sau để điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của bé mẹ nhé!
1.1.2. Không đủ mô tạo sữa trong ngực mẹ
Mô tuyến vú vô cùng quan trọng trong cơ chế tiết sữa vì chúng mang những cấu tạo đặc biệt để dẫn truyền sữa và tiết sữa đến đầu ti cho bé bú. Do vậy, nếu cơ địa của mẹ có ít mô tạo sữa, chúng sẽ không đủ để tham gia vào quá trình tiết sữa. Đây cũng là nguyên nhân khiến sữa mẹ ít.
Để kiểm tra xem mình có ít mô tạo sữa hay không, mẹ cần đến bệnh viện thăm khám để có kết quả chính xác nhé!
1.1.3. Mẹ từng thực hiện phẫu thuật ở ngực
Việc can thiệp phẫu thuật (như nâng ngực, thu nhỏ ngực, xạ trị…) ít nhiều đã tác động vào những mô sữa, nang sữa ở ngực mẹ khiến chúng ít đi hoặc mất đi khả năng sản sinh sữa, ảnh hưởng đến cơ chế tiết sữa, khiến cho mẹ ít sữa hơn.
1.1.4. Tâm trạng bất ổn (căng thẳng, lo âu)
Khi tinh thần của mẹ không tốt, Adrenaline sẽ được tiết ra ức chế Oxytocin – hormone kích thích tuyến sữa của mẹ. Đó là lý do vì sao một tinh thần thoải mái là bước đầu tiên để gọi sữa về hiệu quả đó mẹ ạ!
1.1.5. Chế độ ăn uống kém dinh dưỡng
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra có sự liên hệ giữa 2 loại hormone là Dopamine (hormone tiết ra sau khi mẹ ăn món ăn ngon) và Prolactin (hormone tạo sữa). Khi mẹ thưởng thức một món ăn ngon, hợp khẩu vị, Dopamine trong cơ thể được tiết ra mạnh mẽ. Khi đó, ngay lập tức cơ thể tiết ra một lượng lớn Prolactin – hormone giúp mẹ có bầu sữa căng tràn.
Do vậy, nếu như mẹ kiêng khem quá mức hoặc muốn giảm cân sau sinh nhanh chóng mà cắt bỏ nhiều chất dinh dưỡng trong thực đơn của mình, hai loại hormone này sẽ không được tiết ra đủ để cơ thể mẹ sản sinh ra nguồn sữa dồi dào cho bé đó ạ!
1.1.6. Dùng thuốc kháng sinh
Mẹ sinh mổ thường phải dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên thuốc kháng sinh chứa những thành phần gây ức chế tiết sữa cho mẹ như Tetracycline, Doxycycline, Nitrofurantoin.. Chính vì thế, sữa mẹ sẽ tiết ít hơn và về chậm hơn nếu mẹ phải dùng kháng sinh sau khi sinh mổ đó ạ!
1.1.7. Mẹ mắc các bệnh về tuyến vú hoặc các bệnh lý khác
Trong trường hợp mẹ mắc bệnh về tuyến vú như viêm vú, áp xe vú, buồng trứng đa nang, tiểu đường…các bệnh lý này gây ra rối loạn bài tiết hormone, ức chế phát triển các tế bào tiết sữa, từ đó làm giảm khả năng tiết sữa của mẹ trong thời gian cho con bú.
Lúc này, ngoài hiện tượng ít sữa, mẹ có thể có những triệu chứng của bệnh và cần đi khám chữa kịp thời để có biện pháp làm tăng tiết sữa ở mẹ.
1.2. Nguyên nhân ít sữa do bé
Bầu sữa mẹ tiết sữa theo cơ chế “cung cầu”, bé bú càng nhiều, mẹ tiết sữa càng nhiều. Do vậy, nếu như bé bú ít hoặc không đủ cữ bú mỗi ngày, cơ thể không nhận được tín hiệu sản xuất thêm sữa, khiến cho hoạt động “cung” sữa ít đi. Những nguyên nhân khiến bé bú ít có thể kể tới như:
- Bé bú kém hoặc bú không đủ cữ mỗi ngày: Bé có sức bú yếu hoặc có thói quen ngủ khi bú khiến cho lượng sữa bé bú cứ ít đi sau mỗi cữ bú. Cơ chế tiết sữa của mẹ cũng sẽ tự động điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu bú ít đó của bé, từ đó sữa mẹ sẽ tiết ít hơn.
- Bé phụ thuộc vào sữa công thức và không còn mặn mà với sữa mẹ: Sữa non của mẹ dù nhiều chất dinh dưỡng nhưng về cơ bản nhạt hơn sữa công thức rất nhiều. Khi cho bé bú sữa công thức hoặc kết hợp bú mẹ và sữa công thức, chắc chắn bé sẽ thích thú với hương vị của sữa công thức hơn do nó có vị ngọt hơn hẳn, từ đó lượng sữa bé bú mẹ sẽ giảm đi đáng kể. Lúc này, hoạt động tiết sữa mẹ giảm dần vì lượng sữa trong bầu ngực mẹ không được giải phóng thường xuyên.
- Bé ngậm bắt núm vú không đúng cách: Điều này ảnh hưởng đến lượng sữa mỗi cữ bú của bé. Ngậm bắt núm vú sai khiến bé bú không được nhiều, lượng sữa mẹ giải phóng ít đi và cơ thể mẹ từ đó cũng tiết ít sữa hơn.
Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới hiện tượng mẹ ít sữa cho con bú. Tuy nhiên đây là một vấn đề hoàn toàn khắc phục được. Dưới đây là 6 cách làm đơn giản mà hiệu quả giúp mẹ “gọi sữa về” nhanh chóng. Mẹ tham khảo nhé!
2. 6 cách gọi sữa về cho mẹ được khuyến khích hiện nay
2.1. Cho con bú đúng cách
Bú đúng cách ở đây là cho bé bú đúng khớp ngậm, từ đó bé sẽ bú được lượng sữa nhiều hơn và không khó chịu, quấy khóc trong lúc bú mẹ.
Khi bé ngậm núm vú của mẹ và mút với một lực đủ mạnh, hormone oxytocin được tiết ra nhiều hơn (đây là hormone kích thích tăng tiết sữa ở mẹ, cùng với prolactin). Ngậm núm vú đúng cách đem lại sự thoải mái cho cả mẹ và bé và kích thích phản xạ xuống sữa.
Cách thực hiện:
- Mẹ bế bé sao cho cả thân người bé áp vào người mẹ
- Đặt miệng và cằm bé tiếp xúc trực tiếp với bầu sữa mẹ
- Để miệng bé mở to, ngậm gần hết quầng vú (nếu bé chỉ ngậm đầu ti là sai cách đó mẹ nha)
- Môi dưới của bé cong ra ngoài đỡ lấy đầu ti
- Mẹ cảm thấy bé bú từng nhịp chậm và mạnh, nghe rõ tiếng nuốt tức bé đã bú đúng khớp ngậm rồi đó mẹ
Lưu ý: Ngay cả khi sữa ít, mẹ vẫn cần cho bé bú đều đặn. Tác động của bé khi bú sẽ kích thích tuyến sữa tiết sữa mẹ nhé.
2.2. Cho con bú mẹ hoàn toàn
Mẹ biết không, khi cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, con vừa dung nạp được những dưỡng chất tuyệt vời từ sữa lại giúp cho tuyến sữa mẹ hoạt động trơn tru. Mẹ không cần lo lắng về vấn đề như đau tức, căng cứng do tắc sữa hay ít sữa.
Bởi như đã giải thích ở trên, sữa mẹ hoạt động theo cơ chế “cung cầu”. Khi bé bú càng nhiều và đều đặn, cơ thể sẽ đọc được “tín hiệu” sản xuất sữa đáp ứng đủ theo nhu cầu của bé. Từ đó sữa mẹ sẽ về dồi dào hơn hẳn đó mẹ ạ!
Hướng dẫn cách thực hiện:
- Thời lượng trung bình mỗi cữ bú nên kéo dài khoảng 20-30 phút, khi nào bé bú no sẽ tự ngưng. Nhưng mẹ nên đảm bảo mỗi cữ tối thiểu là 20 phút
- Cho bé ti sữa ở nơi yên tĩnh, thanh vắng để bé không bị phân tâm và ngừng lại khi bú sữa, khi đó cữ bú sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng tới thời lượng tối thiểu mỗi cữ bú của con.
- Cho bé bú hết đến nguồn sữa béo cuối bầu rồi mới đổi bên ngực. Thông thường, sữa đầu hay còn gọi là sữa ở giai đoạn 2 phút đầu bé bú khá loãng nên lượng chất dinh dưỡng không được nhiều, nếu bé chưa bú đến đủ cữ thì rất có thể lượng sữa béo cuối cữ bú sẽ chưa được giải phóng từ đó rất dễ dẫn tới hiện tượng dồn tắc sữa cho mẹ. Mẹ cố gắng cho bé bú đủ cữ và đều đặn cả 2 bên bầu ngực mẹ nhé!
- Mẹ và bé dành thời gian thư giãn một chút sau mỗi cữ bú. Thời gian nghỉ này giúp bé vừa dễ tiêu hoá lượng sữa vừa bú và vừa giúp mẹ thư giãn, bớt cảm giác đau ngực
Lưu ý khi cho con bú mẹ:
- Mẹ đảm bảo thời gian cho bé bú đều đặn: Theo như lời khuyên của các bác sĩ, mẹ nên cho bé bú 2h/lần với bé sơ sinh, 3h/lần với bé 1 tháng tuổi, 4h/lần khi bé khoảng 2-6 tháng tuổi, nếu bé 6-24 tháng tuổi cho bé uống hoặc ti sữa ngày 3-4 lần tuỳ theo nhu cầu của bé.
- Mẹ đừng vội bỏ ti ra khi thấy bé thiu thiu ngủ: Có thể bé buồn ngủ khi ti sữa, tuy nhiên chỉ khi bé đã no bé sẽ tự động nhả ti mẹ nhé. Những lúc như vậy, mẹ đánh thức để bé bú sữa cho đủ cữ rồi mới để con ngủ mẹ nhé! Như vậy sẽ tạo cho bé thói quen giờ nào việc đó, bé sẽ phải bú đủ cữ rồi mới được ngủ mẹ ạ!
- Không nên để sữa tồn đọng trong ngực mà không vắt sữa hoặc cho bé bú hết: Điều này sẽ ức chế cơ thể sản sinh sữa mới đó mẹ. Lâu dần, mẹ sẽ xuất hiện tình trạng tắc tia sữa
- Mẹ luyện cho bé thói quen bú đúng cữ: Nếu bé khóc đòi bú, không theo giờ giấc, mẹ tuyệt đối để bé đợi đến cữ mới được bú. Việc luyện bé bú theo giờ giấc vừa chủ động cho mẹ, vừa tạo cho cơ thể phản xạ tiết sữa đều đặn, thường xuyên.
2.3. Chú ý chế độ ăn hợp lý, đủ chất, đa dạng thực phẩm
Sữa mẹ là một dạng chuyển hóa dinh dưỡng từ những loại thực phẩm mẹ ăn hàng ngày cho bé. Vì thế, chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chất lượng sữa mẹ cũng như sức khoẻ của em bé.
Về bản chất, chế độ ăn lợi sữa là chế độ ăn cung cấp đủ dinh dưỡng và khiến mẹ ngon miệng. Do đó nếu như trong các bữa ăn hàng ngày mẹ đang thấy quá đạm bạc, hoặc nhàm chán do lặp đi lặp lại và không cảm thấy muốn ăn, mẹ nên thay đổi chế độ ăn uống đa dạng và nhiều chất dinh dưỡng hơn dựa trên nhu cầu ăn uống của bản thân.
Cơ thể mẹ rất thông minh, nó sẽ tự biết đòi những thực phẩm nó đang thiếu. Vì thế mẹ cứ thoải mái với bản thân, ăn những thực phẩm mẹ thèm nhé!
Chế độ ăn uống thế nào là hợp lý? Đó là thực đơn đảm bảo những yếu tố sau:
- Khẩu phần ăn đầy đủ các nhóm chất: chất đạm (đến từ thịt, cá, trứng…), tinh bột (từ gạo, mì, khoai), chất béo (chất béo tốt có trong dầu thực vật, bơ, phô mai, sữa), vitamin và khoáng chất cần thiết (có trong rau, củ, quả tươi…)
- Chú ý bổ sung những món ăn lợi sữa cho mẹ như: cháo cá chép, chân giò hầm đu đủ, món ăn từ rau má, sữa nóng, ngũ cốc, các loại đậu…
- Bổ sung các bữa ăn phụ: Các bữa ăn nhẹ vào buổi xế hoặc giữa 2 bữa chính sẽ giúp mẹ hạn chế cơn đói và cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể sẵn sàng tiết sữa cho con.
Mẹ chú ý những điều nhắc tới dưới đây để có một chế độ ăn lành mạnh:
- Nói không với thực phẩm chế biến sẵn. Đây là những loại thực phẩm chứa calorie quá cao nhưng lại không chứa nhiều chất dinh dưỡng vì thành phần không được giữ tươi nguyên nữa. Chưa kể chúng còn chứa chất bảo quản thực phẩm.
- Những đồ ăn cay nóng, mùi vị nồng, mạnh cũng nên được loại bỏ ra khỏi thực đơn mỗi bữa ăn của mẹ. Ngoài gây ra khó tiêu, những loại đồ ăn này còn khiến bé và mẹ bị nóng trong người, gây ra rôm sảy, mụn nhọt.
- Một bữa ăn lành mạnh tất nhiên sẽ không có sự xuất hiện của các chất kích thích như rượu bia hay chứa nhiều cafein như cafe, trà đặc. Mẹ chắc chắn sẽ không muốn các loại thực phẩm này khiến con mình khó ngủ, hay giật mình và khóc quấy đúng không ạ!
2.4. Uống nhiều nước
Sự tăng lên của hormone oxytocin mỗi khi mẹ cho bé bú sẽ kích thích cơ thể sản sinh sữa mẹ. Khi ấy mẹ sẽ thường có cảm giác khát (vì sữa mẹ chứa thành phần chủ yếu là nước). Vì vậy bổ sung nước là điều cần thiết giúp cơ thể mẹ luôn khỏe mạnh, không bị thiếu nước sau khi tiết sữa.
Mẹ cần uống bao nhiêu nước một ngày?
Nếu trung bình một người trưởng thành cần uống 2 lít nước/ngày thì mẹ cần tiêu thụ ít nhất 2-3 lít nước (bao gồm cả nước lọc, nước canh, nước ép hoa quả…). Bởi lượng sữa bé bú trung bình một ngày đã chiếm khoảng 750-850ml sữa mẹ rồi đó ạ.
Lưu ý cho mẹ:
- Mẹ uống nước bất kể khi nào thấy khát để giải tỏa cơn khát mẹ nhé! Khi ấy có thể là tín hiệu của cơ thể nhắc nhở mẹ bổ sung nước để sản sinh sữa cho con yêu đó ạ!
- Đối với mẹ nào ít sữa, hãy rèn luyện thói quen uống nước ngay cả khi không khát để cơ thể được cung cấp đủ nước. Khi đủ nước, cơ thể mới sản sinh sữa được mẹ nhé!
- Trước khi đi ngủ, mẹ có thể uống một ly sữa ấm. Việc này cung cấp cho cơ thể dinh dưỡng và nước cần thiết để “làm nhiệm vụ tiết sữa” ngay cả khi mẹ ngủ.
2.5. Giữ tinh thần thoải mái
Khi mẹ vui vẻ, thoải mái, sữa mẹ sẽ xuống rất nhiều do cơ thể tăng tiết hormone hạnh phúc oxytocin – hormone này cũng có vai trò quan trọng trong việc sản sinh sữa. Vì thế tâm trạng mẹ càng tốt bao nhiêu, lượng sữa càng nhiều bấy nhiêu.
Mẹ duy trì tinh thần thoải mái bằng những cách như:
- Thực sự thư giãn khi chơi đùa với con: Giữa mẹ và con luôn có một sự gắn kết đặc biệt mà không mối quan hệ nào có được. Và mỗi khi ở bên con, mẹ dành hết thời gian và tâm trí quanh bé. Điều này như một liều thuốc bổ tinh thần vừa giúp mẹ vui vẻ hơn, vừa tăng tương tác, tình cảm giữa hai mẹ con đó ạ.
- Vận động nhẹ nhàng: Những bài thể dục như yoga, đi bộ…giúp máu huyết trong cơ thể và máu luân chuyển đến đầu vú được lưu thông, hạn chế tình trạng tắc sữa. Quá trình cơ thể vận động tiết ra hormone Endorphin – một loại hormone hạnh phúc làm tinh thần thoải mái và có nhiều năng lượng hơn.
- Nghe nhạc: Nghe nhạc là cách thư giãn tinh thần rất hiệu quả và dễ dàng. Chọn lựa những bài nhạc mẹ yêu thích, mẹ có thể nghe bằng tai nghe hoặc mở loa ngoài vừa nghe vừa làm việc khác.
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Nếu mẹ mang tinh thần không tốt kéo dài, não bộ tăng tiết Adrenalin – một chất ức chế hormone hạnh phúc Oxytocin, sữa mẹ cũng từ đó mà giảm đi. Điều đó lý giải tại sao tinh thần của mẹ rất quan trọng trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.
2.6. Ngủ ít nhất 8 tiếng 1 ngày
Thiếu ngủ gây ra uể oải, tâm trạng thất thường, hay cáu gắt. Tất cả những biểu hiện đó đều khiến lượng hormone prolactin giảm xuống, dẫn đến việc mẹ bị giảm sữa đáng kể.
Ngược lại, một giấc ngủ đủ 8 tiếng sẽ giúp mẹ tràn trề năng lượng hơn, tâm trạng vui vẻ hơn và có nhiều hormone hạnh phúc hơn đó ạ. Từ đó, sữa mẹ cũng về dồi dào hơn.
Một giấc ngủ của mẹ nên kéo dài bao lâu?
Trung bình mẹ nên ngủ đủ 8 tiếng/ngày. Nếu như mẹ thấy thiếu ngủ có thể ngủ đến 10 tiếng/ngày (tính cả thời gian ngủ ban ngày và ban đêm).
Lưu ý để có giấc ngủ ngon:
- Để đảm bảo giấc ngủ ngon, mẹ đừng uống những chất gây mất ngủ như trà, cafe… mẹ nhé!
- Vận động một chút vào ban ngày với những bài tập giãn cơ hay yoga cũng sẽ khiến mẹ thấy thoải mái và ngủ ngon hơn vào ban đêm đó ạ!
- Một cách để lưu thông khí huyết, giúp ngủ ngon đó là ngâm chân vào nước muối ấm khoảng 10-15 phút trước khi đi ngủ.
Những cách trên nghe thì đơn giản nhưng rất hiệu quả đó mẹ. Mẹ thử áp dụng hàng ngày để thấy được tác dụng rõ rệt nha mẹ!
Nếu sau một thời gian vẫn không thấy có sự thay đổi nào về lượng sữa, nguyên nhân có thể do:
- Ngực mẹ không đủ mô tạo sữa (việc này không thể cải thiện được vì đó là vấn đề về cơ địa). Trong trường hợp này, mẹ cố gắng hết mức để tiết sữa cho bé và đồng thời cho bé kết hợp dùng sữa công thức mẹ nhé!
- Mẹ bị rối loạn nội tiết gây ra bởi các bệnh về tuyến giáp
- Mẹ có thể bị thiếu máu sau sinh hoặc các bệnh về vú như viêm vú, tắc tia sữa, áp xe vú…
Trong trường hợp đó, mẹ nên đi thăm khám, gặp bác sĩ để được chăm sóc kịp thời và đúng cách mẹ nhé!
Khi áp dụng những cách “gọi sữa về” kể trên, tình trạng ít sữa, thiếu sữa không còn là nỗi lo quá lớn với mẹ nữa! Có mẹ bỉm nào đã áp dụng và thấy hiệu quả đáng kể chưa ạ? Đừng ngại để lại bình luận dưới bài viết này để chia sẻ câu chuyện của mình với hội bà mẹ bỉm sữa mẹ nhé!