Chữa tắc tia sữa bằng diện chẩn là phương pháp chưa phổ biến và chưa có nhiều tài liệu ghi chép về phương pháp này. Trước khi quyết định áp dụng phương pháp này, mẹ cùng đọc bài viết sau để hiểu đúng và nắm rõ một số lưu ý mẹ nhé!
Mục lục
1. Chữa tắc tia sữa bằng diện chẩn là gì?
Diện chẩn (sắc diện – chẩn đoán) là liệu pháp chẩn đoán dựa trên những thay đổi về sắc diện, vẻ mặt, từ đó, đưa ra liệu pháp điều trị thích hợp.
Các nghiên cứu cho rằng: Khuôn mặt là biểu hiện rõ nhất tình trạng sức khỏe của tất cả các bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả các cơ quan nội tạng. Mỗi điểm, mỗi huyệt trên khuôn mặt được đánh số từ 0 – 555, tương ứng với từng cơ quan bộ phận và các vấn đề sức khỏe khác nhau.
Trên cơ sở đó, trong quá trình chữa tắc tia sữa, thầy thuốc diện chẩn không dựa vào phương pháp bắt mạch thông thường mà quan sát gương mặt mẹ; sau đó dùng lực từ các đầu ngón tay và lá ngải cứu hơ nóng tác động vào các huyệt, thúc đẩy đánh tan sữa vón và lưu thông dòng chảy của sữa.
Trên thực tế, chưa có nhiều tài liệu ghi nhận hiệu quả của phương pháp chữa tắc tia sữa bằng diện chẩn. Người thực hiện phải có kinh nghiệm, chuyên môn cao và thông thạo các thao tác. Do đó, phương pháp diện chẩn chữa tắc tia sữa còn mơ hồ và không được áp dụng phổ biến.
2. Chữa tắc tia sữa bằng diện chẩn như thế nào?
Các ghi chép về phương pháp chữa tắc tia sữa bằng diện chẩn không nhiều. Trong số đó, một số tài liệu ghi chép cá nhân về quy trình thực hiện phương pháp này như sau:
- Chuẩn bị các dụng cụ: Dầu cù là, điếu ngải cứu, lăn cầu sừng.
- Tác động lên lòng bàn tay: Lòng bàn tay chứa nhiều đường kinh mạch đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí huyết trên cơ thể. Tác động lên lòng bàn tay, bầu ngực sẽ được giải tỏa bế tắc, giảm căng tức và thúc đẩy dòng sữa lưu thông:
- Xoa một lớp mỏng dầu cù là lên hai lòng bàn tay. Dầu cù là có tác dụng làm ấm nóng, lưu thông khí huyết.
- Dùng lăn cầu sừng lăn mỗi lòng bàn tay 30 lần.
- Đặt điếu ngải cứu cách lòng bàn tay 2 -3 cm và hơ nóng lòng bàn tay.
- Tác động vào các huyệt điều hòa lưu thông sữa trên gương mặt:
- Dùng các đầu ngón tay nhấn 6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết.
- Ấn vào bộ huyệt gồm: 19 – 26- 1 – 290 – 16 – 61- 275 – 14. Các vị trí của các huyệt cụ thể là:
- Huyệt 19: Điểm cao nhất của rãnh nhân trung.
- Huyệt 26: Chính giữa hai lông mày.
- Huyệt 1: Chính giữa sống mũi.
- Huyệt 290: Hai huyệt 290 nằm dọc hai bên sống mũi và ngang với huyệt 1.
- Huyệt 16: Điểm giữa của đoạn biên giữa gối vành tai và da mặt.
- Huyệt 61: Trên đỉnh hai mép.
- Huyệt 275: Dọc mai tóc và ngang dái tai.
- Huyệt 14: Nơi tiếp giáp giữa bờ dưới dái tai và da góc hàm.
-
- Ấn huyệt 73 nằm dọc dưới con ngươi của mắt 3 lần.
- Hơ điếu ngải cứu quanh huyệt 73 để tăng cường chức năng tuyến sữa.
Lời khuyên cho mẹ: Mẹ cân nhắc không sử dụng phương pháp chữa tắc tia sữa bằng diện chẩn. Do phương pháp này mới được nghiên cứu và chưa thực sự rõ ràng về hiệu quả và độ an toàn.
Nếu mẹ vẫn muốn sử dụng cách này thì cần tìm hiểu kỹ, đến gặp những chuyên gia có chuyên môn, kinh nghiệp và tay nghề cao để thực hiện. Tốt nhất, để đảm bảo an toàn, mẹ nên tham khảo các phương pháp chữa tắc tia sữa có khoa học sau đây:
3. Phương pháp chữa tắc tia sữa khoa học, hiệu quả
Phương pháp chữa tắc tia sữa được các chuyên gia khuyên dùng là vắt sữa và chườm nóng. Hai phương pháp này hiệu quả, an toàn và khá đơn giản. Mời đầu áp dụng, mẹ sẽ cảm thấy hơi bỡ ngỡ, loay hoay một chút! Nhưng chắc chắn, mẹ sẽ thành thạo hơn chỉ sau 2 – 3 lần thực hiện.
3.1. Vắt sữa để thông tia sữa
Vắt sữa là phương pháp thúc đẩy lưu thông dòng sữa, làm tan và đẩy cặn sữa vón cục ra ngoài. Phương pháp này phù hợp với các trường hợp tắc tia sữa nhẹ, tắc tia sữa không sốt, bầu ngực vẫn tiết sữa nhưng ít và khi sờ nắn bầu ngực không cảm thấy các cục sữa đông lổn nhổn.
Mẹ vắt sữa theo hai cách: dùng tay thủ công hoặc sử dụng máy hút sữa.
3.1.1. Vắt sữa mẹ bằng tay
Vắt sữa bằng tay là phương pháp thủ công, truyền thống, không đòi hỏi nhiều đồ nghề. Mẹ thực hiện vắt sữa theo các thao tác:
- Rửa tay thật sạch sẽ và chọn một tư thế ngồi hoặc đứng thật thoải mái.
- Mẹ dùng một tay đỡ và ôm lấy bầu ngực, ngón cái đặt nằm trên đầu ti, các ngón khác nằm đối diện ngón cái.
- Ấn nhẹ các ngón tay vào bầu ngực. Giữ nguyên lực, dùng ngón cái và ngón trỏ ép xuôi quầng vú về phía trước để đẩy sữa ra ngoài.
Nếu mẹ thấy ngực đau, căng tức, mẹ điều chỉnh giảm tốc độ và lực ấn sao cho phù hợp mẹ nhé!
- Nới lỏng tay và lặp lại các thao tác trên trong vòng 3 – 5 phút, đến khi sữa chảy chậm lại.
- Vắt sữa luân phiên 2 bên ngực trong vòng 20 – 30 phút.
3.1.2. Dùng máy hút sữa
Máy hút sữa là công cụ tuyệt vời được các chuyên gia khuyên dùng cho mẹ đang cho con bú. Khi mẹ tắc tia sữa, máy hút tạo lực hút đều, vừa phải; loại bỏ sữa thừa và kéo các cặn sữa đông vướng trong ngực mẹ ra ngoài. Mẹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.
Mỗi máy hút sữa có những hướng dẫn sử dụng riêng, mẹ đọc hướng dẫn sử dụng máy trước khi thực hiện hút sữa mẹ nhé!
Để hiểu rõ hơn về cách sử dụng máy hút sữa, mẹ tham khảo bài viết: Hút sữa đúng cách.
Lời khuyên cho mẹ: Không chỉ những lúc tắc tia sữa, mẹ nên vắt sữa hàng ngày, mỗi 3 tiếng/ lần để phòng tránh tắc tia sữa và duy trì nguồn sữa cho bé.
3.2. Chườm nóng
Chườm nóng là biện pháp tác động nhiệt độ để làm tan các cục sữa đông, “thủ phạm” chính làm tắc hệ thống tuyến sữa.
Để chườm nóng đạt hiệu quả, trước hết, mẹ chuẩn bị nước ấm 40 độ C bằng cách pha nước theo tỉ lệ 1 nước sôi : 3 nước thường. Nước quá nóng gây kích ứng và bỏng da mẹ. Ngược lại, nước lạnh không mang lại nhiệt độ đủ lớn để làm tan các khối sữa đông.
Sau đó, mẹ thực hiện chườm nóng theo một trong hai cách sau:
- Cách 1: sử dụng khăn: Dùng khăn nhúng vào nước ấm, vắt bớt nước, sau đó đắp lên bầu ngực.
- Cách 2: sử dụng túi chườm: Đổ nước ấm đầy túi chườm và đặt túi chườm lên ngực. Nếu mẹ không có sẵn túi chườm, mẹ sử dụng bình nhựa cũng được mẹ nhé!
Thực hiện chườm ấm mỗi bên ngực trong khoảng 20 phút. Các khối sữa đông được làm tan từ từ, ngực mẹ giảm căng tức, giúp sữa mẹ về đều và nhiều hơn.
Mẹ lưu ý: Nếu mẹ bị tắc tia sữa quá 3 ngày hoặc có các biểu hiện nặng như: Sốt trên 38,5 độ C, ngực sưng nhức, mưng mủ hoặc sờ nắn bầu ngực thấy rõ cục sữa đông cứng; mẹ cần đi khám để được chuyên gia tư vấn cách chữa trị tốt nhất.
Chữa tắc tia sữa bằng diện chẩn là phương pháp mới được áp dụng và không thực sự phổ biến, đòi hỏi thầy thuốc có tay nghề, chuyên môn cao. Để cải thiện tình trạng tắc tia sữa, mẹ ưu tiên lựa chọn các biện pháp khoa học như: chườm nóng, vắt hút sữa hoặc thăm khám và làm theo hướng dẫn của bác sĩ mẹ nhé!