Mặc dù chưa biết dựa trên cơ sở nào, hiện nay, cộng đồng mẹ bỉm truyền tai nhau phương pháp chữa tắc tia sữa bằng Coca Cola trên khắp các diễn đàn và trang mạng xã hội. Thực hư của phương pháp này ra sao và có thực sự hiệu quả như lời đồn? Bài viết dưới đây sẽ cùng mẹ làm rõ nhé!
Mục lục
1. Có nên chữa tắc sữa bằng Coca Cola?
Hiện nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh việc uống Coca Cola có hiệu quả trong việc chữa tắc tia sữa. Mặc dù, theo như những thông tin lan truyền, có mẹ cảm thấy tình trạng được cải thiện khi uống loại đồ uống này.
Các mẹ thường truyền tin nhau về việc chữa tắc sữa bằng Coca Cola như sau: trước khi cho bé bú, mẹ uống 2 chai Coca Cola, kết hợp với massage ngực và lấy lược bí chải lên ngực.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Công Bảy – Tổng thư ký hội Dược liệu thành phố Hồ Chí MInh cho biết, phụ nữ sau sinh cần tránh tiêu thụ các thức uống có ga, nước ngọt trong vòng ít nhất 6 tháng đầu. Trong Coca Cola có hàm lượng chất kích thích caffeine khá cao:
- Coca Cola lon truyền thống 330ml chứa 32 mg caffeine
- Coca Cola zero sugar chứa 32 mg caffeine
- Coke light chứa tới 42 mg caffeine
Thậm chí lượng caffeine trong Coca Cola với cùng một dung tích còn cao hơn cafe tới 100 mg. Nếu như mẹ nạp quá nhiều chất này vào người rất dễ khiến bé kích ứng và mất ngủ. Do các hệ cơ quan trong cơ thể bé chưa hoàn thiện, chưa có khả năng bài tiết caffeine tốt như người lớn. Vì thế mẹ nên hạn chế uống Coca Cola và các đồ uống tương tự, nhất là trong giai đoạn cho con bú sữa mẹ.
2. Cách chữa tắc tia sữa tại nhà an toàn, hiệu quả
Tắc tia sữa là do cặn sữa thừa ứ đọng trong bầu ngực, gây tắc nghẽn bầu sữa. Muốn chữa tắc sữa, mẹ cần tác động vào ngực để đẩy cặn sữa ra ngoài. Trên thực tế, có rất nhiều những phương pháp chữa tắc tia sữa khoa học, áp dụng được tại nhà và có hiệu quả cao.
2.1. Chườm nóng
Chườm ngực giúp làm mềm vú, các nang sữa giãn nở hoặc làm tan những cục sữa đông trong nang sữa. Từ đó giảm cương sữa, giúp sữa chảy ra ngoài dễ hơn.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị khăn và nước ấm. Nhúng khăn trong nước ấm khoảng 40 – 45 độ, vắt khô và đặt lên quầng vú.
- Bước 2: Massage ngực nhẹ nhàng theo chiều từ quầng vú vào núm vú, để kích thích dòng chảy của sữa
- Bước 3: Dùng tay bóp 1 ít sữa ra trước để giảm sự căng sữa, giúp tia sữa thông thoáng hơn. Thao tác này cũng giúp làm mềm vú để bé có thể mút tốt hơn
Lưu ý: Không chườm ấm quá 3 phút vì có thể làm phù nề các mạch máu dưới tuyến vú gây vỡ mạch và tổn thương vú, áp xe vú/viêm vú.
2.2. Chườm lạnh
Chườm lạnh giúp bầu ngực mẹ giảm sưng sau khi căng cứng và phần nào xoa dịu cơn đau của mẹ.
Cách thực hiện: Mẹ cho vài viên đá lạnh vào chậu nước. Lấy 4-6 cái khăn sữa nhúng nước đá đắp lên bầu ngực. Nên dùng nhiều khăn để giúp giữ nhiệt lâu hơn.
Thời gian đắp là 10-15 phút cho cả hai bên ngực. Mẹ nên chườm lạnh mỗi 2-3 giờ /lần trong vòng 24-48 giờ kể từ khi có hiện tượng cương sữa.
2.3. Sử dụng lá bắp cải
Theo tạp chí về Y tế cộng đồng trực thuộc Hiệp hội Y tế cộng đồng Ấn Độ, bắp cải giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và chống viêm do chứa lượng lớn Phytoestrogen làm giảm sưng các mô, giảm tắc nghẽn các chất lỏng trong mô vùng ngực. Do đó có hiệu quả trong việc giảm tắc sữa.
Cách dùng bắp cải chữa tắc tia sữa:
- Bước 1: Tách bắp cải lấy lá, rửa sạch, để khô ráo nước. Mẹ có thể bỏ phần lá mềm, giữ lại phần cứng
- Bước 2: Hơ phần lá đã lấy khoảng 1 phút với nhiệt độ 150 độ C.
- Bước 3: Cởi bỏ áo ngực, đặt lên phần ngực đang bị căng sữa một lớp khăn hoặc vài ba lớp nếu sợ nóng. Sau đó đặt phần lá bắp cải đã hơ lửa lên tấm khăn.
- Bước 4: Lấy tay day mạnh vào ngực rồi thả lỏng dần. Khi lá nguội thì đem đi hơ tiếp và lặp lại động tác này
Sức nóng từ lá bắp cải giúp đánh tan những cục sữa đông làm ách tắc các nang sữa, lưu thông dòng chảy trong nang sữa.
Cách dùng lá bắp cải ướp lạnh để cải thiện sưng đau ngực:
- Bước 1: Tách lấy 2 lá bắp cải nguyên vẹn, rửa sạch qua nước muối, để ráo
- Bước 2: Để 2 lá bắp cải vừa tách lên ngăn đá tủ lạnh 20-30 phút
- Bước 3: Lấy lá bắp cải từ ngăn đá tủ lạnh, áp lên vùng vú đang bị đau do căng tức sữa. Để như vậy cho đến khi lá bắp cải hết lạnh
Lưu ý: Không thực hiện cách này quá 3 lần/ngày vì bắp cải lạnh có thể làm giảm lượng sữa của mẹ. Mẹ dừng thực hiện khi ngực mẹ giảm sưng và đau.
2.4. Massage ngực
Massage ngực đúng cách giúp giãn nở các nang sữa, làm tan các cục sữa bị đông lại, khiến cho việc xuống sữa dễ dàng hơn.
Dưới đây là các bước massage ngực giúp lưu thông sữa:
- Bước 1: Một tay đỡ bầu ngực, tay còn lại dùng 3 ngón tay (ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa) vuốt theo động mạch tuyến vú theo chiều từ bầu ngực qua đầu vú xuống phía dưới, thực hiện mỗi bên khoảng 5 lần.
- Bước 2: Tiếp tục dùng 3 ngón tay vuốt quanh bầu vú 4 vòng, 2 vòng theo chiều kim đồng hồ, 2 vòng ngược chiều kim đồng hồ.
- Bước 3: Dùng 3 ngón tay túm quanh đầu vú, kéo thật nhẹ nhàng ra ngoài để mô phỏng động tác em bé bú mẹ. Thực hiện khoảng 4 lần.
- Bước 4: Dùng 1 bàn tay tạo thành hình chữ C để đỡ bầu vú từ bên dưới, tay này rung nhẹ bầu vú theo tần suất tăng dần. Tay còn lại dùng 3 ngón (ngón cái, trỏ và giữa) đặt lên quầng vú, mát xa nhẹ nhàng. Thực hiện tương tự với bên ngực còn lại, kéo dài khoảng 1 phút mỗi bên.
- Bước 5: 1 tay đặt bên trên quầng vú, dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ ép theo chiều từ trên xuống dưới, tay còn lại ép theo chiều từ dưới lên trên và đều hướng ra ngoài quầng vú. Thực hiện 3 – 5 lần mỗi bên.
- Bước 6: Một tay ấn và kéo nhẹ đầu vú, tay còn lại xoa bóp nhẹ bầu vú. Với những mẹ nào bị ngắn hoặc thụt núm vú, động tác này sẽ cho hiệu quả rất tốt. Thực hiện khoảng 4 lần.
Ngoài những cách trên, mẹ cần lưu ý thêm 2 điều sau:
1 – Hạn chế tiêu thụ đồ ăn chứa nhiều chất béo: Như đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ (khoai tây chiên, gà chiên…). Đặc biệt không nên ăn quá nhiều thức ăn có chứa chất béo động vật vì những chất này là kẻ thù với sức khoẻ tim mạch, gây ra mất kiểm soát cân nặng (tăng cân) và các bệnh lý nguy hiểm khác. Sức khoẻ mẹ ảnh hưởng sẽ khiến sữa mẹ ít dần,thậm chí mất sữa.
2 – Hút sạch sữa trong những thời gian sau:
- Sau khi cho bé bú xong: Theo cơ chế tiết sữa, ngay sau khi bé bú cơ thể mẹ sẽ tăng tiết sữa. Nếu như mẹ không hút sạch sữa mà bé chưa bú hết trong bầu ngực, sẽ dễ gây ra hiện tượng căng sữa vì sữa cũ vẫn còn và sữa mới tiếp tục tiết ra
- Trước khi ngủ ban đêm và ngay sau khi thức dậy buổi sáng: Buổi đêm bé thường ngủ không bú, sữa bị ứ đọng ở bầu ngực của mẹ dễ gây ra tắc sữa, căng sữa. Do đó trước khi đi ngủ mẹ nên hút sạch sữa để sau cả một giấc ngủ đêm, sữa về không khiến mẹ bị căng cứng ngực. Ngay sau khi thức dậy, mẹ cũng hút sữa để giải phóng bớt lượng sữa đã tích tụ cả một đêm chưa được giải thoát ra ngoài.
3. Khi nào mẹ cần đến khám bác sĩ?
Mặc dù những phương pháp trên đều đã có từ rất lâu, được nhiều mẹ áp dụng, có những bằng chứng khoa học cho thấy có hiệu quả và an toàn. Song, tác dụng còn phụ thuộc vào cả thể trạng và tình trạng tắc sữa của mẹ.
Vì thế, nếu như mẹ đã áp dụng mà vẫn thấy hiện tượng tắc sữa trở nên nghiêm trọng, hãy đến gặp bác sĩ ngay khi có một trong những dấu hiệu sau. Vì đó có thể là dấu hiệu của những bệnh lý về vú cần được điều trị như viêm vú, áp xe vú.
- Hiện tượng căng cứng bầu sữa, tắc sữa và sốt cao trên 38.5 độ C: đây có thể là dấu hiệu của viêm vú
- Vú rất căng cứng, bóng, sờ vào hơi sần
- Mẹ cảm thấy trong người mệt mỏi, ớn lạnh, khó thở
- Tình trạng tắc sữa kéo dài quá lâu (trên 3-4 ngày) mà không có dấu hiệu thuyên giảm
Để đảm bảo sức khỏe, mẹ nên theo dõi tình trạng của bản thân và nhờ sự hỗ trợ của bác sỹ chuyên môn ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường nhé!
Như vậy, chữa tắc tia sữa bằng Coca Cola không phải là cách làm khoa học, không tốt cho mẹ. Nếu tình trạng tắc sữa nhẹ, mẹ áp dụng phương pháp khoa học hơn như chườm ấm, chườm lạnh,… Nếu tắc sữa nặng, mẹ nên đi khám bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh tình trạng tắc sữa nặng hơn mẹ nhé!