Ăn dặm là giai đoạn rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Ăn dặm còn giúp bé hoàn thiện khả năng ăn uống, làm quen với những thức ăn mới. Vậy, khi nào con có thể ăn dặm? Nên cho trẻ ăn dặm thế nào? Những “bí kíp” nào dành cho mẹ để cho trẻ ăn dặm thành công? Hãy cùng Góc của mẹ giải đáp thắc mắc của mẹ ngay dưới đây nhé!
Mục lục
1. Mẹ nên cho trẻ ăn dặm bắt đầu từ khi nào?
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 6 tháng tuổi là thời điểm “vàng” để bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Lý do là từ 6 tháng tuổi trở đi, sức khỏe, các chức năng của bé tăng trưởng mạnh mẽ. Tốc độ lớn của bé tăng nhanh đồng nghĩa với nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng lên. Sữa mẹ khi ấy không còn đủ đáp ứng dinh dưỡng cho trẻ nữa rồi. Hơn nữa, sau 6 tháng, sữa mẹ bắt đầu loãng và ít dần đi nữa. Chính vì thế, con cần được bổ sung chất dinh dưỡng bằng các bữa ăn dặm để có thể phát triển tốt.
Từ 6 – 12 tháng tuổi, sữa mẹ chỉ cung cấp hơn một nửa nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Từ 12 – 24 tháng tuổi, sữa mẹ cung cấp một phần ba nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Chính vì thế, các con cần có các bữa ăn phụ đủ chất, đặc biệt là thực phẩm chứa sắt. Thiếu sắt sẽ làm bé thiếu máu, chậm lớn, yếu ớt,… đấy mẹ à! Vậy mẹ nên cho trẻ ăn dặm bắt đầu từ 6 tháng để bé phát triển toàn diện mẹ nhé!
2. Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm đúng cách đây mẹ ơi!
2.1. Mẹ hãy cho con ăn đồ dạng lỏng trước tiên
Khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, nhà mình hãy cho bé làm quen với đồ ăn mới bằng cách cho con ăn những thức ăn dạng lỏng, có tính chất như sữa mẹ càng tốt. Mẹ biết không, khi bắt đầu giai đoạn cho trẻ ăn dặm, thường thì bột ngọt sẽ được lựa chọn đầu tiên cho trẻ tập ăn dặm. Vì sao vậy? Vì mùi vị bột ngọt có hương vị “hao hao” sữa mẹ đó! Khi bé lớn hơn một chút, mẹ hãy tăng dần độ đặc và tạo thêm hương vị cho bé bằng các loại thịt, cá, tôm,… nhé! Điều này sẽ giúp bé thích ứng với thức ăn mới dễ dàng hơn mà không bị căng thẳng.
2.2. Mới bắt đầu không nên cho con ăn quá nhiều mẹ nhé!
Cho con ăn quá nhiều hoặc quá phong phú khi mới bắt đầu thời kỳ ăn dặm sẽ đem lại phản ứng “ngược” từ trẻ. Bởi, khi phải đột ngột tiếp nhận thức ăn mới với khối lượng quá nhiều, con sẽ sợ và khó tiêu. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của trẻ vì không kịp xử lý. Tốt nhất, cha mẹ hãy cho trẻ ăn dặm từng chút một. Sau khi thấy con hào hứng, vui vẻ ăn thì nhà mình mới nên tăng khẩu phần cho con nha!
2.3. Mẹ hãy nhận biết chính xác khi nào con muốn ăn
Để tránh sự căng thẳng cho trẻ khi ăn dặm cha mẹ nên chú ý là không nên ép con phải ăn. Khi con có biểu hiện không muốn ăn nữa, nôn, trớ, nhè, khóc quấy hoặc tỏ ra phản đối việc ăn dặm, cha mẹ nên cho bé thời gian thư giãn, qua vài ngày rồi mới tiếp tục cho trẻ ăn dặm tiếp. Bố mẹ hãy cố gắng kiên trì cùng con yêu nhé!
2.4. Chế độ dinh dưỡng 4 loại cho bé ăn dặm đúng cách
Thực đơn ăn dặm của trẻ cần phải đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn: tinh bột, rau củ, chất đạm, chất béo. Đây là 4 nhóm thức ăn chính và quan trọng với sự cân bằng dinh dưỡng của trẻ. Ngoài ra, bé cũng cần được bổ sung thêm vitamin qua hoa quả, nước ép nữa đấy bố mẹ ơi!
Thêm nữa, chất sắt cũng rất quan trọng với bé trong việc sản sinh hồng cầu cho cơ thể, nhà mình đừng “bỏ quên” nó nhé!
2.5. Mẹ hãy chú ý khi chế biến đồ cho bé ăn dặm
Khi chế biến đồ ăn dặm cho trẻ, mẹ cần lựa chọn các loại thực phẩm sạch, vệ sinh. Tốt nhất mẹ nên sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Bởi vì hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, rất dễ bị vi khuẩn tấn công đấy mẹ ạ!
Mẹ cần rửa tay sạch sẽ, vệ sinh khu bếp, rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến nữa nhé! Vì mẹ cần đảm bảo sức khỏe cho bé yêu nhà mình mà, mẹ nhỉ!
3. Nên cho con ăn gì trong thời kỳ ăn dặm?
3.1. Nhóm thực phẩm cung cấp tinh bột, đường
Đây là nhóm thực phẩm có vai trò cung cấp năng lượng cho các hoạt động hằng ngày của con. Khi cho trẻ ăn dặm với loại thực phẩm này, mẹ có thể nghiền cháo, khoai tây để bé làm quen dần nhé! Hoặc, nấu bột yến mạch cũng là một cách làm hấp dẫn món ăn của bé nữa đấy mẹ ạ! Để tránh làm bé khó ăn, bột bị quá đặc, các mẹ nên tránh sử dụng gạo nếp, chỉ nên dùng gạo tẻ. Khi trẻ đã quen rồi thì mẹ có thể bắt đầu “biến hóa” thức đơn ăn dặm cho con rồi!
3.2. Chất đạm cũng quan trọng khi mẹ cho bé ăn dặm đấy!
Chất đạm có trong thịt nạc, lòng đỏ trứng gà là những 2 thứ giàu đạm, dễ tiêu và được khuyến khích sử dụng khi bắt đầu tập ăn dặm. Khi trẻ 7-9 tháng, nhà mình hãy cho trẻ ăn thịt bò, cá, tôm, cua để bé dần làm quen với nhiều loại đồ ăn hơn. Từ 1 tuổi trở đi, bé đã có thể ăn cơm nát. Trứng là loại thực phẩm giàu đạm rất tốt cho bé. Tuy nhiên, mẹ cũng chỉ nên cho bé ăn tối đa 3 quả/ tuần thôi nhé!
Chất đạm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bé. Trong cơ thể, đạm sẽ cung cấp các axit amin cần thiết thúc đẩy sự tăng trưởng và phục hồi của tế bào. Mẹ chú ý không nên cho trẻ ăn dặm với quá nhiều đạm. Điều này sẽ gây hại đến hệ tiêu hóa còn non nớt của bé. Ngoài ra, các mẹ cũng nên cho bé ăn cả đạm động vật và đạm thực vật kết hợp nữa nhé!
Xem thêm:
- Trẻ mấy tháng ăn được thịt
- Dấu hiệu bé muốn ăn dặm
- Các loại hạt cho bé ăn dặm bổ dưỡng và mẹo lựa chọn thông thái
3.3. Thực phẩm giàu vitamin, chất khoáng và chất xơ
Vitamin chất khoáng, chất xơ là những thành phần không thể thiếu để trẻ dễ dàng hấp thụ dinh dưỡng. Hơn nữa, nó còn giúp trẻ tiêu hóa và nâng cao hệ miễn dịch. Bố mẹ có thể tập cho bé ăn hoa quả như chuối dầm, uống nước cam, xoài xay, đu đủ xay… Những thực phẩm này chứa rất nhiều vitamin, các chất chống oxy hóa và khoáng chất tốt cho bé.
Tuy nhiên mẹ cần nhớ: Không dự trữ rau củ quá lâu; rửa sạch rau củ trước khi chế biến để đảm bảo không có “hiểm họa tiềm tàng” mẹ nhé!
3.4. Không thể thiếu chất béo mẹ nhé!
Chất béo vừa cung cấp năng lượng cho cơ thể, vừa là thành phần của màng tế bào và mô não. Nhóm chất béo đóng vai trò quan trọng là dung môi giúp các vitamin D,A,E,K… hòa tan hấp thu vào cơ thể. Trẻ cần ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, với tỷ lệ tốt nhất là 1:1. Các loại dầu thực vật nên ăn đa dạng (đậu nành, mè, dầu cá hồi…). Riêng dầu gấc không nên ăn hàng ngày mẹ nhé! Chỉ nên dùng 1-2 lần/tuần để tránh vàng da do thừa tiền vitamin A.
Trên đây là tất cả những điều mẹ cần quan tâm khi cho bé ăn dặm. Mẹ đã nắm bắt được cách cho trẻ ăn dặm trên đây chưa? Nếu mẹ có chia sẻ hữu ích nào, hãy nói ngay cho Góc của mẹ nhé!