Không phải lúc nào da bé bị nổi mẩn đỏ cũng là bệnh gì đó. Đôi khi các nốt mẩn đỏ chỉ là vấn đề về da thông thường như: rôm sảy, hăm tã, chàm sữa,… và không nguy hiểm cho bé. Chỉ cần mẹ bình tĩnh xử lý, mẩn đỏ sẽ lặn nhanh thôi.
Để hiểu da con và có cách chăm sóc hiệu quả, mẹ đọc ngay bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Các vấn đề về da khiến bé bị nổi mẩn đỏ
Bé bị nổi mẩn đỏ thường là các vấn đề về da như mề đay, chàm, vảy nến, viêm da dị ứng,… Đa số trường hợp đều khỏi nhanh sau 3 – 7 ngày nếu mẹ chăm sóc đúng cách.
1.1. Nổi mề đay mẩn ngứa
Hệ thống miễn dịch của bé còn yếu nên dễ bị kích ứng với các tác nhân bên ngoài, gây tình trạng nổi mề đay, mẩn ngứa. Ví dụ như: phấn hoa, lông động vật, thời tiết, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh,…
Biểu hiện: Da bé xuất hiện những nốt sẩn hồng, phù nề kèm theo những cơn ngứa dữ dội. Sau khoảng 24h, những biểu hiện trên sẽ ngớt dần và chấm dứt hẳn.
Cách chăm sóc:
- Mẹ dùng nước và khăn khô đa năng để rửa sạch những tác nhân dễ gây dị ứng (phấn hoa, lông động vật,…) bám ở trên da.
- Bổ sung cho bé lượng nước/sữa nhiều hơn những ngày thường 300 – 500ml để tăng tiết mồ hôi, đào thải vi chất độc ra ngoài.
Lưu ý quan trọng: Nếu bé có biểu hiện khó thở, đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, quấy khóc liên tục,… mẹ đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám mẹ nhé!
1.2. Rôm sảy
Vào mùa hè, thời tiết nóng kết hợp với độ ẩm cao làm cho các mao mạch dưới da của bé bị giãn ra. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn xâm nhập gây rôm sảy. Ngoài ra, thời tiết nóng khiến cơ thể bé tiết nhiều mồ hôi và bã nhờn kết hợp với bụi bẩn làm tắc tuyến mồ hôi gây rôm sảy, nổi mẩn đỏ.
Biểu hiện: Nốt mụn nước nhỏ màu hồng trên da, thường tập trung ở những vị trí như vùng mặt, cổ, ngực, lưng. Những chỗ mẩn đỏ gây ngứa ngáy, châm chích, khó chịu, khiến con liên tục ngọ nguậy.
Cách chăm sóc: Nếu được chăm sóc đúng cách, rôm sảy sẽ thường hết trong vòng 7 – 10 ngày. Mẹ làm dịu da bé bằng những cách sau:
- Tắm cho bé 1 lần/ngày: Mẹ sử dụng sản phẩm tắm gội có thành phần thiên nhiên để dịu nhẹ, an toàn với da bé.
- Cho bé mặc quần áo được làm từ chất liệu mềm mại, thoáng mát: Ưu tiên vải lanh (linen), vải sợi bông (cotton),…
Lưu ý quan trọng cho mẹ: Rôm sảy kéo dài hơn 10 ngày, vùng rôm sảy ngày càng lan rộng hơn, đi kèm với ốm sốt,… thì mẹ cần đưa bé đi khám bác sỹ ngay để có biện pháp xử lý kịp thời.
1.3. Chàm sữa/Chàm da
Chàm sữa do 2 yếu tố cơ bản là: Cơ địa bẩm sinh của bé và dị ứng với các tác nhân bên ngoài như: thành phần hóa học trong các sản phẩm chăm sóc da hoặc quần áo, thời tiết, lông động vật, phấn hoa,…
Biểu hiện: Da bé có các nốt mẩn đỏ, sau 3 – 5 ngày sẽ vỡ ra, đóng vảy nhỏ li ti, khi mẹ sờ tay vào có cảm giác thô ráp. Những vết này rất ngứa khiến bé hay đưa tay gãi, làm trầy xước, gây thẫm màu và để lại sẹo.
Cách chăm sóc: Chàm sữa ở bé sẽ mờ dần và mất hẳn khi bé lớn lên, do đó mẹ không nên quá lo lắng. Mẹ chú ý chăm sóc bé đúng cách để chàm sữa không bị nặng hơn nhé!
- Tránh tắm nước nóng cho bé (mẹ pha nước tắm cho bé ở nhiệt độ ấm trong khoảng 38 – 40 độ C là lý tưởng nhất).
- Sử dụng dầu tắm gội chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh có thành phần dịu nhẹ, lành tính.
- Cho bé mặc quần áo bằng chất liệu vải thoáng mát như cotton thay vì vải kém thoáng như polyester để da bé không bị bí bách.
- Thoa kem dưỡng ẩm thành phần dịu nhẹ, lành tính cho bé sau khi tắm. Tránh gãi hoặc chà xát các vùng da bị bong tróc.
Mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ khi nào? Nếu sau 1 tháng tình trạng của bé không thuyên giảm, mẹ đưa bé đến bác sĩ để thăm khám để không ảnh hưởng đến sức khoẻ, thẩm mỹ của bé sau này.
1.4. Hăm tã
Hăm tã là vấn đề về da thường gặp ở các bé trong độ tuổi mặc tã, nhất là khi mẹ không thay tã thường xuyên (3 – 4h/lần), vệ sinh mặc tã mỗi lần thay tã cho bé hoặc sử dụng tã thấm hút kém,… Lúc này, da bé phải tiếp xúc với phân và nước tiểu trong thời gian dài, vi khuẩn sinh sôi tấn công da bé gây hăm tã.
Biểu hiện: Vùng da mặc tã của bé như bộ phận sinh dục, mông, bẹn, ngấn ở đùi,… có biểu hiện: Da mẩn đỏ, rát, mụn nhỏ,… Mẩn đỏ do hăm tã khiến bé khó chịu, hay quấy khóc, khó ngủ dẫn sụt cân.
Cách xử lý: Khi bé bị hăm tã, mẹ cần bình tĩnh và thực hiện các bước chăm sóc dưới đây:
- Vệ sinh vùng da bị hăm của bé sạch sẽ bằng khăn ướt có thành phần dưỡng ẩm, kháng khuẩn cao cấp sau mỗi lần thay tã.
- Hạn chế để bé gãi ngứa, vì gãi có thể khiến vùng ra bị trầy xước, chảy máu.
- Sử dụng sản phẩm tắm gội có thành phần tự nhiên, dịu nhẹ với làn da của bé.
- Sử dụng sản phẩm hỗ trợ xử lý vùng da bị hăm, ưu tiên dạng xịt để dưỡng chất dễ thẩm thấu vào da bé tốt hơn. Ngoài ra, dạng xịt còn tránh được nguy cơ nhiễm khuẩn từ tay mẹ vào vùng da bị hăm của bé.
Khi nào mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ? Nếu bé có dấu hiệu lở loét, mụn mủ… mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám và chỉ định thuốc phù hợp.
1.5. Mụn trứng cá sơ sinh
Mụn trứng cá sơ sinh là vấn đề ngoài da thông thường mà thôi, các mụn này sẽ mất đi trong khoảng từ 2 tuần đến 3 tháng, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé.
Biểu hiện: Các nốt mụn nhỏ li ti màu đỏ hoặc màu trắng nhỏ màu đỏ mọc rải rác trên má và mũi, không gây ngứa, rát hay bất kỳ khó chịu gì cho bé.
Cách chăm sóc: Mụn sữa có cách chăm sóc tương tự chàm sữa. Ngoài ra, mẹ chú ý cắt móng tay cho bé 1 tuần/lần để tránh bé gãi xước, gây nhiễm khuẩn mẹ nhé!
Trường hợp cần tới sự thăm khám của bác sĩ: Chuyên gia khuyên mẹ, nếu sau 3 tháng da trẻ vẫn chưa khỏi hết mẩn đỏ hoàn toàn, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để thăm khám vì đây là biểu hiện bất thường, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bé.
1.6. Phát ban
Bé bị phát ban gây mẩn đỏ trên da thường do dị ứng với các tác nhân như phấn hoa, lông chó, lông mèo, các chất hóa học trong tã hoặc quần áo hoặc bé bị các loại côn trùng như muỗi, bọ chét, ve rận,… cắn lên da.
Biểu hiện: Da em bé bị nổi mẩn đỏ, có viền màu trắng bao quanh, vùng da phát ban sưng đỏ. Bé có thể bị sốt cao trên 38 độ C.
Cách xử lý: Ở các trường hợp bị phát ban thể nhẹ, sẽ tự hết sau 24h. Điều quan trọng, mẹ cần bĩnh tĩnh để tìm cách chăm sóc khoa học cho bé như:
- Giữ không gian nơi bé ở thoáng mát, tránh môi trường nóng bức và ẩm ướt.
- Nên sử dụng các sản phẩm sữa tắm, tã, giấy ướt có thành phần nhẹ dịu cho da trẻ em.
- Mặc quần áo bằng chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt như vải sợi bông, vải sợi len,…
- Cho bé uống nhiều nước, sữa và các loại nước có tính mát và nhiều vitamin để tăng cường sức đề kháng.
Khi nào cần đưa bé đi khám bác sĩ? Nếu phát ban không tự khỏi sau 24 giờ, bé sốt trên 38 độ, chán ăn do cơ thể mệt mỏi,… mẹ nên đưa bé đi gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác và phương pháp xử lý tốt nhất.
2. Bệnh về da khiến bé bị nổi mẩn đỏ
Dưới đây là 3 bệnh về da phổ biến khiến bé bị phát ban nhưng không sốt mà mẹ cần biết.
2.1. Viêm da tiếp xúc
Biểu hiện: Những biểu hiện thường gặp của bệnh viêm da tiếp xúc đó là da bé sẽ khô, nổi nốt mụn màu đỏ hoặc rộp da. Mẹ có thể thấy da bé bị sưng, đỏ, có mụn nước lớn khiến bé ngứa ngáy và rất khó chịu.
Nguyên nhân: Viêm da tiếp xúc có thể bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Tia UV tác động trực tiếp lên vùng da mỏng manh của bé.
- Chất liệu quần áo từ vải len hay vải sợi tổng hợp chà xát.
- Bụi bẩn hay lông thú cưng bám vào người bé.
- Sản phẩm tắm gội có chứa thành phần làm thơm và làm sạch không tương thích với da nhạy cảm của bé.
- Quần áo bé mặc hay đồ dùng cá nhân của bé như chăn, gối, nôi được giặt bằng sản phẩm có hóa chất tẩy rửa mạnh, có hại cho làn da nhạy cảm của bé.
Cách chăm sóc: Mẹ tham khảo chi tiết tại phần 3 nhé!
2.2. Hắc lào
Biểu hiện: Biểu hiện của hắc lào bắt đầu bằng một mảng da hoặc vết sưng đỏ, có vảy. Sau đó xuất hiện vòng tròn, viền mờ và gây ngứa. Hắc lào không nhất thiết gây ra ngứa trên da. Những vị trí hay bị hắc lào như vùng má, cằm, háng và trán,…
Nguyên nhân: Thường do nhóm nấm có tên là Dermatophytes, với 3 loại nấm gây bệnh phổ biến là Trichophyton, Microsporum và Epidermophyton gây nên. Các loại nấm này phát triển mạnh mẽ khi da bé không được vệ sinh sạch sẽ, có nhiều mồ hôi và bụi bẩn, lây nhiễm từ thú nuôi hoặc tiếp xúc gần với người bị hắc lào, thời tiết nóng ẩm,…
Cách xử lý: Bệnh hắc lào do các loại nấm gây ra nên cách xử lý thường cần tới các loại thuốc kháng nấm bôi ngoài da, thuốc uống chống nấm. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé, mẹ cần hỏi ý kiến của bác sĩ, tránh việc tự ý sử dụng.
2.3. Ban đỏ nhiễm khuẩn
Triệu chứng: Dấu hiệu ban đầu của bệnh khá giống với bệnh cúm như bé mệt mỏi, sốt nhẹ, chảy nước mũi,… Sau đó xuất hiện các vết hồng ban khô ráp ở trên má giống như vết tát trên má bé. Các vùng xung quanh miệng trông sẽ tái xanh. Phát ban có thể ngứa, và mờ dần sau khoảng 5 đến 10 ngày.
Nguyên nhân: Vi khuẩn human parvovirus B19 là nguyên nhân chính gây ra bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn khiến da em bé bị nổi mẩn đỏ. Bệnh này rất dễ lây lan, lây qua đường hô hấp và giọt bắn trong không khí, qua đường máu,…
Cách xử lý: Mẹ đưa bé đến gặp bác sĩ để được xác định chính xác loại bệnh vì bệnh có dấu hiệu khá giống với nhiều bệnh khác, dễ nhầm lẫn.
2.4. Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng (HFMD- Hand, foot and mouth disease) là bệnh lý nguy hiểm do virus gây ra. Một trong những biểu hiện của bệnh dễ thấy là những nốt mẩn trên da. Vì thế mẹ cần cảnh giác và có những hiểu biết chắc chắn để phân biệt những bệnh lý về da cơ bản và tay chân miệng và có cách khắc phục kịp thời.
Biểu hiện: Dấu hiệu ban đầu là sốt, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy. Sau đó đi kèm với những vết loét miệng, phát ban dạng phỏng nước nổi trên bề mặt da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng,…
Nguyên nhân: Bệnh tay chân miệng thường do 2 nhóm tác nhân chính gây ra đó là: nhóm virus Coxsackievirus A16 hoặc Enterovirus, bao gồm virus Enterovirus 71 (EV71) gây ra nhiều biến chứng nặng nề và có thể gây tử vong.
Cách xử lý: Hiện tại bệnh này chưa có thuốc đặc trị. Mẹ cũng đừng quá lo lắng vì thông thường bệnh sẽ thuyên giảm và tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày. Trong quá trình tự phục hồi, mẹ cần chú ý về việc giữ vệ sinh cho bé. Nếu như sau khoảng 10 ngày mà tình trạng da em bé bị nổi mẩn đỏ vẫn không thuyên giảm, mẹ đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám mẹ nhé!
3. Cách chăm sóc đặc biệt khi bé nổi mẩn đỏ do bệnh về da
Những bệnh lý trên tuy không quá nguy hiểm đến sự phát triển của bé, nhưng sẽ làm bé khó chịu trong một khoảng thời gian. Để phòng tránh tình trạng này, mẹ cần thực hiện đồng thời 7 điều sau:
3.1. Vệ sinh da bé
Giữ cho da bé luôn sạch sẽ là “bí kíp” đầu tiên chắc hẳn mẹ nào cũng “nằm lòng” rồi. Vệ sinh như thế nào cho đúng, bao nhiêu lần một ngày là hợp lý?
Mẹ tắm cho bé hàng ngày bằng sản phẩm tắm gội chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh, có thành phần tự nhiên để an toàn, lành tính nhất với da con. Khi tắm, mẹ chú ý nhiệt độ nước tắm khoảng 38 – 40 độ C, tắm trong phòng kín gió để tránh cảm lạnh, và tắm nhẹ nhàng để không làm tổn thương các vết mẩn đỏ mẹ nhé!
3.2. Bổ sung nước cho bé
Tại sao mẹ cần bổ sung nước cho bé khi bé bị nổi mẩn đỏ? Bởi cung cấp đủ nước sẽ giúp cơ thể đào thải các độc tố ra ngoài qua tuyến mồ hôi nhanh hơn. Da được bổ sung nước cũng bớt khô và dịu mát hơn, từ đó giảm các triệu chứng về da như bong tróc, nứt nẻ…
Vì vậy, mẹ cho bé uống nước hoặc ti sữa nhiều hơn bình thường 200 – 300ml mẹ nhé!
3.3. Bổ sung chế độ ăn thanh mát
Bổ sung những loại thực phẩm có tính mát, chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng cho bé, hỗ trợ làm dịu các nốt mẩn. Một số loại trái cây mẹ nên bổ sung vào thực đơn cho bé như: dâu tây, cam, quýt, bưởi, chuối, nước mía,…
Ngoài ra, mẹ nên tránh cho bé ăn những thực phẩm giàu đạm và protein như thịt gà, thịt bò, hải sản, các món ăn chứa nhiều dầu mỡ bằng cách chiên rán. Các loại thực phẩm này có chứa histamin tự do – khiến tình trạng nổi mẩn ở da bé càng trầm trọng hơn.
3.4. Không tự ý sử dụng sản phẩm ngoài da
Khi bé bị nổi mẩn đỏ hay các bệnh ngoài da, đặc biệt là khi mẹ không biết chính xác bé bị bệnh gì, nguyên nhân do đâu, mẹ không nên tự ý sử dụng sản phẩm ngoài da cho bé. Tốt nhất, mẹ tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất kỳ sản phẩm gì mẹ nhé!
3.5. Tránh để bé gãi ngứa
Gãi ngứa khi da có những nốt mẩn, mụn có thể khiến da trầy xước và biến chuyển nặng hơn, một số vết mụn nước có thể lây lan sang vùng da khác nếu bị vỡ. Mẹ cắt móng tay cho bé 1 lần/tuần, đeo bao tay cho bé (nếu có thể) để tránh móng tay làm xước các nốt mẩn của con.
3.6. Sử dụng sản phẩm giặt xả chuyên dụng, thành phần lành tính
Làn da bé sơ sinh rất nhạy cảm với những hóa chất, mẹ hãy đảm bảo sản phẩm giặt xả có các thành phần thiên nhiên nhẹ dịu, không gây kích ứng với làn da của bé.
Hơn nữa, khi giặt quần áo, mẹ giặt riêng quần áo của bé với quần áo người lớn mẹ nhé. Quần áo người lớn dễ bị bám bụi bẩn gây ngứa ngáy, dị ứng với bé. Việc giặt riêng sẽ hạn chế lông, bụi từ quần áo người lớn dính sang quần áo của bé.
3.7. Hạn chế các yếu tố kích ứng dễ làm bé nổi mẩn
Một số yếu tố như chất liệu quần áo của bé không thoáng mát, môi trường ẩm thấp chật hẹp cũng khiến da bé kích ứng. Một vài mẹo để mẹ xử lý những vấn đề này như sau:
- Chọn quần áo mềm, thấm hút mồ hôi, nhất là vào mùa hè. Quần áo rộng vừa giảm sự cọ sát vào các vết mụn, vừa giúp da bé thở dễ hơn, giảm nóng và đổ mồ hôi. Mẹ ưu tiên chất liệu cotton, bamboo,…
- Không gian xung quanh bé nên là không gian thoáng khí, khô ráo. Nếu như trong phòng không có cửa sổ, mẹ có thể lắp đặt thêm máy lọc không khí để không gian của bé khô thoáng và trong lành hơn mẹ nhé!
5. Cách phòng ngừa bé bị nổi mẩn đỏ
Da em bé bị nổi mẩn đỏ có thể quay lại bất cứ lúc nào, vì thế, mẹ cần phòng tránh bằng những cách sau:
- Giữ vệ sinh cho bé sạch sẽ. Không để bé tự ý nghịch bẩn rồi đưa tay lên miệng, mắt,…
- Sau khi cho bé bú hoặc ăn, mẹ vệ sinh sạch sẽ cơ thể và miệng bé để tránh nhiễm khuẩn.
- Không để bé ở nơi quá ẩm, không có ánh nắng sẽ dễ bị bệnh.
- Chọn quần áo hàng ngày có chất liệu thoáng mát, mềm mại, dễ thấm hút mồ hôi (như chất liệu cotton) để hạn chế tình trạng bí khí, hăm.
- Về chế độ ăn: Nếu bé đã biết ăn dặm, mẹ tránh nấu đồ ăn dễ gây dị ứng (gồm các món thuỷ hải sản như ngao, sò, ốc…) và đồ cay nóng (gồm một số gia vị như tiêu hoặc đường, mật ong hay đồ muối chua,…). Bổ sung nhiều rau xanh, thực phẩm thanh mát cho bé.
- Dùng dầu tắm, bọt tắm chuyên dụng có thành phần lành tính, chiết xuất thiên nhiên như sả, bưởi, hoa oải hương… Mẹ cũng chú ý đọc kỹ thành phần khi mua sản phẩm tắm gội, tránh sản phẩm có chứa: Methylchloroisothiazolinone, Parabens, Propylene Glycol, Methylisothiazolinone, Phthalates, Sulfate,…
Hy vọng qua bài viết, mẹ đã xác định được bé nhà mình bé bị nổi mẩn đỏ nguyên nhân do đâu và cũng như biết cách chăm sóc phù hợp. Nếu còn băn khoăn, mẹ hãy để lại bình luận ở bên dưới để hỗ trợ mẹ nhé!
Mẹ tham khảo thêm: