Bé bị nổi mẩn đỏ khắp người và ngứa sẽ rất khó chịu, mẹ lo lắng đứng ngồi không yên. Nguyên nhân do đâu? Cách xử lý ra sao để con nhanh khỏi? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này đây ạ!
Mục lục
1. 4 nguyên nhân khiến bé bị nổi mẩn đỏ khắp người và ngứa
4 nguyên nhân thường gặp nhất nhất khiến bé bị mẩn đỏ khắp người: Rôm sảy, sốt phát ban, viêm da cơ địa hoặc chàm sữa. Dưới đây là dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc cụ thể trong từng trường hợp.
1.1 Rôm sảy
Da bé có hệ thống bài tiết bã nhờn chưa hoàn thiện, dễ bị tắc lỗ chân lông dẫn đến rôm sảy. Đây là vấn đề thường gặp vào mùa hè với biểu hiện: Bé nổi mẩn đỏ khắp người, tập trung nhiều ở cổ, lưng, cằm, trán và 2 bên má. Mẹ để ý sẽ thấy bé hay đưa tay gãi vùng da bị mẩn đỏ, vì các nốt mụn này rất ngứa ngáy, khó chịu.
Cách chăm sóc bé khi bị rôm sảy: Mẹ cần kết hợp loại bỏ các nguyên nhân nóng bức khiến bé bị rôm sảy, giữ da bé sạch sẽ, hạn chế lây lan các nốt mẩn với các lưu ý sau:
- Hạn chế để bé bị nóng bức: Cho bé ở trong phòng thoáng mát, mặc quần áo rộng rãi, bé sẽ không ra nhiều mồ hôi gây bít tắc lỗ chân lông.
- Vệ sinh vùng da bị rôm sảy sạch sẽ bằng sản phẩm tắm gội thiên nhiên chuyên dùng cho bé nhỏ có tác dụng làm mát, giảm viêm ngứa.
- Sử dụng kem bôi hoặc xịt kháng khuẩn: Có tác dụng giảm viêm, giảm ngứa, từ đó làm giảm các triệu chứng do rôm sảy gây ra.
- Tránh để bé gãi các nốt rôm: Mẹ cắt móng tay cho bé, tránh để bé gãi làm rôm lan rộng hơn hoặc dễ bị nhiễm khuẩn.
Khi nào cần đến bác sĩ?
Thông thường, nếu bé bị nổi mẩn đỏ khắp người và ngứa được chăm sóc đúng cách, bé sẽ hết rôm sảy sau khoảng 5 – 7 ngày. Trong trường hợp các nốt mẩn đỏ không lặn, có dấu hiệu lở loét hoặc lan rộng, mẹ cần đưa bé đi thăm khám bác sĩ ngay, vì có thể bé đã bị nhiễm khuẩn cần được kiểm tra nguyên nhân và sử dụng thuốc phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
1.2 Sốt phát ban
Khi bị nhiễm các virus gây phát ban như sởi, quai bị, rubella hoặc virus đường ruột ECHO, bé sẽ bị sốt kèm các nốt phát ban.
Biểu hiện: Mẹ để ý trước khi có những nốt ban nhỏ khắp người, trước đó 1 -2 ngày, bé đã bị sốt, ho, mệt mỏi. Những nốt ban này xuất hiện chậm, lan từ cổ đến ngực và toàn thân bé.
Cách chăm sóc bé khi bị sốt phát ban: Nâng cao sức đề kháng chống lại virus cho bé, ngăn ngừa không để bé gãi làm nhiễm trùng, nốt phát ban lan rộng.
- Đảm bảo dinh dưỡng cho bé: Thường xuyên cho bé bú giúp con không bị mất nước, mệt mỏi do sốt. Nếu bé đã ăn dặm, mẹ ưu tiên cho con ăn cháo loãng vì cháo loãng dễ ăn và hấp thụ và dễ ăn hơn cháo đặc.
- Hạ sốt kịp thời: Mẹ chườm ấm để hạ sốt cho bé và chỉ sử dụng thuốc khi bé sốt cao trên 38.5 độ C.
- Tắm rửa sạch sẽ tránh các nốt phát ban bị nhiễm khuẩn. Lưu ý, mẹ phải tắm cho bé nhanh (khoảng 5 phút), sau đó lau khô người để tránh bé bị lạnh.
Khi nào cần đi bệnh viện?
Bé bị nổi mẩn đỏ do sốt phát ban không phải là vấn đề nguy hiểm. Nếu được chăm sóc cẩn thận, đúng cách bé sẽ chóng khỏi và lặn hết nốt mẩn. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ nhỏ bé sốt phát ban nặng cần được đi khám bác sĩ khi có 1 trong các dấu hiệu sau đây:
- Bé sốt cao không hạ trên 39 độ C.
- Các nốt phát ban không lặn sau khoảng 3 ngày.
- Bé bị tiêu chảy kéo dài trên 1 ngày
1.3 Viêm da cơ địa
Bé bị nổi mẩn đỏ khắp người và ngứa do viêm da cơ địa chủ yếu do bé có cơ địa dị ứng hoặc di truyền từ bố mẹ sang. Một số yếu tố làm gia tăng tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ như: Dị ứng thức ăn, lông động vật, thay đổi thời tiết,…
Biểu hiện: Da bé khô với các mẩn đỏ khắp người và ngứa. Khi bị viêm da cơ địa, các mẩn đỏ này sẽ xuất hiện nhiều ở 2 bên má, cổ, cằm và ngực bé.
Chăm sóc bé khi bị viêm da cơ địa: Nếu được chăm sóc đúng cách, bé nổi mẩn đỏ do viêm da cơ địa sẽ giảm các triệu chứng sau 1 tuần, và hết hẳn từ 2 tuần – 1 tháng.
- Sử dụng dầu tắm, bọt tắm chuyên dụng cho bé có thành phần dưỡng ẩm hoặc bôi kem dưỡng ẩm để ngăn ngừa khô da, giảm viêm, giảm cảm giác khó chịu do mẩn ngứa. Lưu ý nhỏ cho mẹ: Không chọn sản phẩm có thành phần Paraben, Methylparaben,… vì có thể gây kích ứng da con.
- Nhiệt độ nước tắm cho bé khoảng 35 độ C, không tắm nước quá nóng vì gây khô da và làm bé ngứa ngáy hơn.
- Cho bé mặc quần áo với chất liệu mềm, ưu tiên chất liệu cotton, không sử dụng các loại sợi len, gây kích ứng.
- Tránh tiếp xúc khói bụi, lông thú cưng: Dọn dẹp không gian sống của bé, không để thú cưng ở trong phòng của con.
Khi nào cần đến bác sỹ? Khi vùng da bị viêm có dấu hiệu nhiễm trùng: Xuất hiện mụn mủ lở loét, diện tích da viêm lan rộng hoặc sốt, mẹ cần đưa bé đi thăm khám bác sĩ ngay. Vì thời điểm này, bé cần sử dụng kháng sinh, kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.
1.4 Bị chàm sữa (lác sữa)
Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân bé bị chàm sữa. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của các chuyên gia, những bé có cơ địa dị ứng sẽ dễ gặp vấn đề chàm sữa hơn. Nguy cơ bé bị chàm sữa tăng khi thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố dị ứng như ô nhiễm không khí, lông thú cưng, dị ứng thời tiết, khí hậu hanh khô,…
Biểu hiện: Ban đầu bé bị nổi mẩn đỏ li ti và vỡ ra sau 2- 3 ngày tạo thành mảng da khô, sần sùi và ngứa ngáy. Chàm sữa hay xuất hiện nhiều ở quanh miệng, vùng má, cổ, cằm của bé.
Cách chăm sóc khi bé bị chàm sữa:
- Chăm sóc da bé: Tắm cho bé hoặc sử dụng kem, xịt có tác dụng dưỡng ẩm, ngăn ngừa khô da, kháng khuẩn, ngừa viêm làm dịu da, giúp con dễ chịu hơn. Không tắm cho bé bằng nước quá nóng (trên 38 độ C) tránh gây khô da và khiến bé lâu khỏi.
- Giữ không gian sống mát mẻ, sạch sẽ: Cho bé ở trong phòng thông thoáng, không có bụi bẩn, lông thú cưng.
- Không cho bé ăn các thức ăn gây dị ứng như đậu phộng, hải sản, thịt gà,… Đây là những loại thực phẩm dễ gây dị ứng khiến bé ngứa ngáy, gãi nhiều và lâu khỏi hơn đó mẹ.
Khi nào cần đưa bé đi khám bác sĩ?
Bé bị nổi mẩn khắp người do chàm sữa không phải là vấn đề nguy hiểm. Khi mới phát hiện ra, bình tĩnh chăm sóc bé theo những cách trên, bé sẽ hết dần và khỏi sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, nếu bé có dấu hiệu nhiễm khuẩn với mụn mủ, các vết chàm ướt, lan rộng,… mẹ cần đưa bé đi thăm khám bác sĩ ngay.
2. Một số nguyên nhân khác
Da bé mỏng manh chỉ bằng ⅕ da người lớn thôi. Chưa kể với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, da bé càng dễ dàng bị kích ứng và nổi mẩn đỏ khi tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng.
Mẹ lưu ý tránh các tác nhân gây bé bị nổi mẩn đỏ khắp người và ngứa sau:
- Khăn ướt không chất lượng có chứa hóa chất kích ứng: Một số loại khăn ướt kém chất lượng trong thành phần có chứa chất bảo quản, chất làm trắng, chất tạo mùi thơm tổng hợp hóa học. Những chất gây kích ứng, dẫn đến nổi mẩn ngứa, nặng hơn có thể gây hoại tử hoặc tổn thương da của bé.
- Bột giặt, nước xả mềm vải có chất độc hại: Trong bột giặt hoặc nước xả vải cho bé có chứa hóa chất tẩy rửa, tạo mùi như: limonene và benzyl acetate,… Những chất này gây kích ứng da bé, làm da bé nổi mẩn đỏ.
- Ô nhiễm không khí khiến bé bị nổi mẩn đỏ: Các yếu gây dị ứng xung như phấn hoa, bụi bẩn, lông thú cưng động vật hoặc sự thay đổi thời tiết khiến bé bị kích ứng và nổi mẩn đỏ.
3. Bé bị nổi mẩn đỏ khắp người và ngứa có nguy hiểm?
Đây chỉ là vấn đề thường gặp ngoài da, không phải là bệnh nên không gây nguy hiểm nếu mẹ bình tĩnh và chăm sóc bé đúng cách.
Khi bé chỉ nổi mẩn đỏ và ngứa không kèm theo dấu hiệu sốt, nôn trớ hoặc tiêu chảy,… mẹ quan sát để biết nguyên nhân, kết hợp với các “bí kíp” chăm sóc ở trên, chỉ sau khoảng 1- 2 tuần, các triệu chứng này sẽ mất dần.
Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như sốt cao, bé quấy khóc dữ dội, bỏ ăn bỏ bú, vùng da bị mẩn đỏ kèm lở loét, chảy máu… mẹ cần đưa bé tới bệnh viện ngay để được bác sĩ xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
4. Chăm sóc bé bị nổi mẩn đỏ khắp người và ngứa
4.1. 5 điều nên làm
- Vệ sinh sạch sẽ cho bé: Để tránh bị nhiễm khuẩn, ngứa ngáy, bé nhanh khỏi hơn.
- Cho bé ở trong không gian khô thoáng, mát mẻ: Không khí khô thoáng không có các chất gây kích ứng da bé, không gây bí bách tiết ra nhiều mồ hôi đó mẹ.
- Đeo bao tay cho bé: Với bé sơ sinh, mẹ nên đeo bao tay để tránh con cào xước làm các nốt mẩn đỏ bị vỡ và ngứa hơn.
- Bổ sung dinh dưỡng: Thường xuyên cho bé uống sữa và các loại thức uống có tính mát như: Nước chanh, nước cam, nước bột sắn dây, nước đậu đen,… tăng cường sức đề kháng cho bé.
- Theo dõi tình trạng mẩn đỏ: Nếu các triệu chứng KHÔNG giảm dần trong 3 ngày, mẹ hãy đưa con đi khám bác sĩ nhé!
4.2. Những điều không nên làm
- Không thoa kem hoặc thuốc lên da bé khi chưa có chỉ định của bác sỹ
- Không nặn hoặc để bé gãi các nốt mẩn đỏ vì như thế rất dễ gây nhiễm trùng.
- Không cho bé tiếp xúc với các chất gây dị ứng: Như lông thú cưng, phấn hoa, không khí bụi bặm,….
- Không chà xát da bé mạnh khi tắm vì da con mỏng, rất dễ bị kích ứng khi tác động mạnh đó ạ!
Hy vọng bài viết trên đã giúp mẹ tìm được đúng nguyên nhân bé bị nổi mẩn đỏ khắp người và ngứa cũng như cách chăm sóc hiệu quả để con không còn bị ngứa hay khó chịu nữa. Nếu còn băn khoăn về trẻ em nổi mẩn đỏ khắp người cần giải đáp, mẹ hãy để lại bình luận bên dưới để được hỗ trợ nhé!