Bé bị mẩn đỏ từng mảng khiến mẹ rất lo lắng, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con sau này? Thực ra, đây chỉ là vấn đề ngoài da thường gặp ở bé sơ sinh. Mẹ bình tĩnh, hiểu da con và chăm sóc đúng cách, da bé sẽ mịn màng trở lại nhanh thôi ạ!
Mục lục
1. Bé bị nổi mẩn đỏ từng mảng có nguy hiểm không?
Nổi mẩn đỏ là vấn đề về da thường gặp, tùy từng trường hợp mà ảnh hưởng ít hoặc nhiều đến sức khỏe của bé.
Nếu tình trạng nổi mẩn đỏ từng mảng ít, thưa thớt, vết mẩn không có mụn, mủ, lở loét,… không quá nguy hiểm. Mẹ chỉ cần chăm sóc bé đúng cách, khoa học tại nhà, bé sẽ hồi phục nhanh chóng.
Nếu bé có những dấu hiệu dưới đây, mẹ đưa bé đến bác sĩ vì đây là dấu hiệu tình trạng da bé tiến triển nặng hơn, có khả năng gây nguy hiểm
- Nhiễm trùng: Tình trạng nổi mẩn đỏ từng mảng có kèm theo dịch, mủ bên trong, vùng mẩn đỏ sưng tấy hoặc lở loét, bé có thể bị sốt,…
- Nhiễm virus: Các nốt mẩn đỏ chảy máu hoặc dịch vàng,… là dấu hiệu của nhiễm virus. Bé có thể sốt, bỏ bú, quấy khóc liên tục,…
- Nổi mẩn kéo dài: Tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm sau 1 tuần hoặc ngày càng lan rộng và nghiêm trọng hơn. Bé ngứa dữ dội, mất ngủ, bỏ ăn,…
Khi bé bị nổi mẩn từng mảng, mẹ theo dõi bé cẩn thận để xác định rõ tình trạng của bé. Mẹ áp dụng các biện pháp chăm sóc đúng cách hoặc đưa bé đến bệnh viện kịp thời nếu tình trạng chuyển nặng mẹ nhé.
2. Bé nổi mẩn đỏ từng mảng là do đâu?
Để có biện pháp chăm sóc phù hợp giúp bé nhanh khỏi, không gặp biến chứng, mẹ cần xác định rõ vấn đề gây nổi mẩn đỏ từng mảng ở bé.
Bé nổi mẩn đỏ có thể do 1 trong 6 nguyên nhân dưới đây:
1 – Dị ứng thời tiết: Khi bị dị ứng thời tiết, bé thường nổi mẩn đỏ ở các vùng da hở như chân, tay, mặt,… Ngoài ra, bé còn có các biểu hiện: nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, sốt nhẹ, khoảng 37,5 – 38 độ C, chán ăn, mệt mỏi, mất tập trung,…
2 – Viêm da dị ứng: Các vết mẩn đỏ do viêm da dị ứng thường nhỏ li ti, mọc dày đặc ở những vùng da hở và gây ngứa, rát da,… Da bé có biểu hiện khô, ửng đỏ, tróc vảy, có dấu hiệu sưng tấy, viêm.
3 – Mề đay: Bé nổi mẩn đỏ khắp người, các nốt mẩn không đều nhau, màu hồng, đỏ, không có mụn nước, có thể bị sưng phù nhẹ, ngứa ngáy, nóng rát. Một số triệu chứng kèm theo gồm sốt, mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa,…
4 – Viêm da tiếp xúc: Bé bị nổi mẩn đỏ ở vùng da tiếp xúc với tác nhân kích ứng. Da bé có biểu hiện khô, ngứa, tấy đỏ,… và có thể có sưng, phồng rộp, viêm,…
5 – Chàm sữa: Nổi mẩn đỏ do tràm sữa là các nốt nhỏ li ti, thường bắt đầu từ mặt rồi lan xuống cổ, tay, chân,… Sau một thời gian các nốt mẩn sẽ phát triển thành mụn nước rồi vỡ ra, chảy nước, đóng vảy,.. gây ngứa, khô, nứt da
6 – Vẩy nến: Các vết mẩn đỏ nổi thành mảng, đỏ, sưng tấy, có thể có mụn mủ. Bé ngứa rát, khô da, có vảy dày màu bạc và có thể bị sưng, cứng một số khớp trên cơ thể.
3. Cách chăm sóc bé nổi mẩn đỏ từng mảng trong từng trường hợp
Trước tiên, mẹ cần chú ý vệ sinh và chăm sóc da cho bé, bổ sung đầy đủ dưỡng chất để tình trạng mẩn đỏ của bé không bị nặng hơn. 4 lưu ý cho mẹ đây ạ!
- Vệ sinh da: Vệ sinh sạch sẽ vùng da bị nổi mẩn bằng khăn mềm và nước ấm 2-3 lần/ngày. Mẹ ưu tiên sử dụng các loại khăn ướt có thành phần kháng khuẩn, dưỡng ẩm, lành tính để vệ sinh cho bé.
- Dưỡng ẩm: Dưỡng ẩm và tăng cường lớp bảo vệ trên da bằng những sản phẩm dưỡng da có thành phần từ thiên nhiên, lành tính, không chứa corticoid, prednisolone, methylprednisolone,… Ưu tiên các sản phẩm có thành phần dưỡng ẩm cao cấp từ dầu dừa, bơ hạt mỡ, tinh dầu Inca inchi,…
- Hạn chế gãi, cào mạnh: Không để bé cào, gãi vết mẩn hoặc vùng da mẩn đỏ bằng tay gây tổn thương da, nhiễm khuẩn. Đồng thời, mẹ nhớ giữ vệ sinh tay bé, cắt ngắn móng cho bé thường xuyên.
- Ngăn ngừa nguy cơ kích ứng: Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, phòng ngủ, chăn gối của bé. Hạn chế cho bé ra ngoài, tiếp xúc với bụi bẩn, lông động vật,… tránh làm tình trạng bé nặng thêm.
- Chú ý thực đơn ăn uống: Bổ sung đủ chất cho bé và tăng các thực phẩm chứa nhiều vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng: Cam, bưởi,… không sử dụng các thực phẩm dễ gây dị ứng như sữa, lạc, hải sản,… Nếu bé đang trong thời gian bú mẹ, mẹ ăn gì bé ăn ấy, mẹ cũng thật chú ý thực đơn ăn uống trên nhé!
Ngoài các biện pháp trên, với mỗi nguyên nhân gây nổi mẩn đỏ từng mảng ở bé, mẹ cần lưu ý thêm các vấn đề dưới đây:
3.1. Dị ứng thời tiết
Khi bé bị dị ứng thời tiết, mẹ hạn chế tối đa tác động của thời tiết bằng cách:
- Hạn chế đưa bé ra ngoài, giữ nhiệt độ phòng khoảng 26 – 28 độ C, không để nhiệt độ quá nóng, quá lạnh ảnh hưởng xấu đến tình trạng mẩn đỏ của bé.
- Ưu tiên mặc quần áo rộng rãi, chất liệu thoáng mát như cotton, lanh,… vào mùa hè. Mùa đông nên mặc nhiều lớp quần áo mỏng cho bé, hạn chế quần áo dày cứng cọ sát vào các nốt mẩn của bé khiến bé đau, khó chịu.
Trường hợp nổi mẩn đỏ do dị ứng thời tiết thường sẽ hết sau vài giờ hoặc 1 ngày. Mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa trong trường hợp:
- Vùng nổi mẩn ngày càng lan rộng
- Bé sốt cao, khó thở, thở khò khè,…
- Bé mệt mỏi, mất ngủ hoặc bỏ ăn
3.2. Viêm da dị ứng
Nếu bé nổi mẩn từng mảng do viêm da dị ứng, mẹ chú ý thêm những vấn đề sau:
- Chỉ sử dụng các sản phẩm tắm gội, chăm sóc da lành tính có nguồn gốc thiên nhiên như tinh dầu bưởi, tinh dầu tía tô, tinh dầu tràm,… để an toàn, lành tính nhất với bé.
- Lựa chọn quần áo có chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi như lanh, cotton,… để thấm hút mồ hôi tốt, giúp da bé khô thoáng, nhanh hết mẩn đỏ.
Nếu được chăm sóc đúng cách, tình trạng viêm da dị ứng của bé có thể được cải thiện sau vài ngày đến vài tuần. Trong trường hợp từng mảng mẩn đỏ của bé, nặng hơn hoặc bé có biểu hiện bất thường sau, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để được điều trị:
- Vùng bị mẩn sưng đỏ nghiêm trọng hơn hoặc có mủ
- Bé khó chịu, mất ngủ, bỏ ăn
- Có dấu hiệu nhiễm trùng như viêm, sưng tấy, sốt,…
3.3. Mề đay
Trường hợp bé bị mề đay, mẹ kết hợp các biện pháp sau:
- Chườm lạnh hoặc tắm mát cho bé bằng khăn sạch để giảm cảm giác ngứa ngáy, nóng rát cho bé.
- Điều chỉnh nhiệt độ phòng ở 26 – 28 độ C, tránh nhiệt độ quá cao khiến bé khó chịu, đổ mồ hôi nhiều, mẩn đỏ nặng hơn.
- Mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi, ưu tiên chất liệu mềm mại, thoáng mát như cotton, lanh,… để tránh cọ sát vào vết mẩn đỏ của bé, gây đau, khó chịu.
Nếu được chăm sóc đúng cách, tình trạng mề đay sẽ được cải thiện sau khoảng 24h. Nên thăm khác bác sĩ trong các trường hợp:
- Bé khó thở, thở nhanh, da tím tái
- Bé hay đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy
- Bé mệt mỏi, quấy khóc, bỏ ăn
3.4. Viêm da tiếp xúc
Nếu bé nổi mẩn do viêm da tiếp xúc, mẹ cần:
- Giữ vệ sinh vùng bị mẩn sạch sẽ và chườm mát thường xuyên
- Hạn chế đưa bé ra ngoài và tránh tiếp xúc với hóa chất, lông động vật,…
- Sử dụng các sản phẩm tắm gội, chăm sóc da lành tính có nguồn gốc thiên nhiên như tinh dầu bưởi, tinh dầu tía tô, tinh dầu tràm,…
Nếu thấy bé có các biểu hiện sau, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được khám và sử dụng thuốc phù hợp:
- Có dấu hiệu nhiễm trùng, mụn mủ, lở loét,
- Diện tích vùng da viêm lan rộng
- Bé bị sốt, sốt cao trên 39 độ C hoặc sốt liên tục
3.5. Chàm sữa
Chàm sữa là tình trạng thường gặp, mẹ cần chú ý những vấn đề sau:
- Giữ vệ sinh vùng bị mẩn sạch sẽ và khô ráo, hạn chế đổ nhiều mồ hôi
- Giữ nhà cửa, phòng ngủ của bé luôn thoáng mát, sạch sẽ, nhiệt độ phù hợp là khoảng 28 độ C
- Chỉ sử dụng các sản phẩm tắm gội, chăm sóc da lành tính có nguồn gốc thiên nhiên như tinh dầu tía tô, tinh dầu sài đất,…
Chàm sữa thường sẽ hết sau khoảng 7 – 10 ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Mẹ đưa bé đến khám bác sĩ nếu vảy nến chuyển biến nặng:
- Tình trạng nổi mẩn thành mảng kéo dài hơn 10 ngày chăm sóc
- Vùng chàm sữa mẩn đỏ nghiêm trọng, có dấu hiệu sưng tấy, viêm, có mủ,…
- Bé mất ngủ, bỏ ăn, mệt mỏi
3.6. Vảy nến
Vảy nến là bệnh mãn tính, mẹ cần đưa bé đến bác sĩ thăm khám càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của bé. Thăm khám sớm cũng góp phần tránh được các biến chứng nguy hiểm về da, xương khớp,… cho bé đó ạ
4. Sai lầm khi chăm sóc bé bị mẩn đỏ từng mảng
Trong quá trình xử lý tình trạng nổi mẩn từng mảng cho bé, ngoài việc lưu ý các biện pháp chăm sóc ở phần trên, mẹ không nên:
- Tự ý sử dụng thuốc: Thuốc có nhiều tác dụng phụ có hại cho bé: rối loạn tiêu hóa, kháng kháng sinh,… Mẹ chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ mẹ nhé!
- Tắm nước lá cho bé: Việc tắm các loại lá dân gian chưa được khoa học nghiên cứu, không đảm bảo vô khuẩn nên có thể làm vết thương của bé bị nhiễm trùng, ngứa rát, kích ứng. Mẹ chỉ nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da được chứng nhận, kiểm chứng rõ ràng.
- Sử dụng sản phẩm tắm gội không rõ nguồn gốc hoặc chứa chất lưu hương hóa học: Một số thành phần hóa học trong sản phẩm tắm gội có thể làm da bé kích ứng hoặc nổi mẩn nghiêm trọng hơn như: Mineral oil, fragrance, paraben, sodium Laurel Sulfate (SLS),… Mẹ dùng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, lành tính để an toàn nhất với con mẹ nhé!
- Sử dụng sản phẩm giặt xả kém chất lượng: Các sản phẩm này thường chứa chất bảo quản Paraben – MIT, chất tạo bọt SLS – SLES, chất lưu hương hóa học vì có thể gây kích ứng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé sau này. Mẹ Chọn nước giặt xả với chất tẩy rửa là thành phần thiên nhiên, nguồn gốc thực vật để an toàn nhất cho bé yêu.
Bé bị mẩn đỏ từng mảng có thể do các nguyên nhân khác nhau và không quá nguy hiểm nếu mẹ hiểu rõ vấn đề của con và chăm sóc đúng cách.
Áp dụng các biện pháp phòng ngừa, sử dụng các sản phẩm tắm gội, giặt xả có thành phần tự nhiên, lành tính là cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ nổi mẩn cho bé, mẹ nhé!