Viêm tai giữa là hiện tượng phần tai giữa của con bị nhiễm trùng. Nếu trẻ bị viêm tai giữa không được phát hiện và điều trị dứt điểm thì rất có thể biến chứng thành các bệnh nặng hơn ví dụ như: thủng màng nhĩ, liệt mặt, viêm tai xương chũm, ảnh hưởng đến khả năng nghe – nói, thậm chí là viêm màng não, áp xe não… Chính vì thế, cha mẹ khi có con cần phải tìm hiểu thật kỹ càng về căn bệnh này.
Mục lục
1. Tại sao trẻ bị viêm tai giữa?
Viêm tai giữa có thể xuất hiện bởi những nguyên nhân sau đây:
- Do hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa phát triển một cách đầy đủ và toàn diện. Chính vì thế mà chúng không có đủ sức để chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn nguy hiểm.
- Cấu trúc tai của con chưa hoàn chỉnh. Khi trẻ lớn lên, phần tai trong sẽ dần được kết nối với mặt sau của cổ họng thông qua ống thính giác. Ở trạng thái bình thường thì ống thính giác sẽ mở tạo điều kiện để chất lỏng cũng như các tạp chất có thể thoát ra ngoài. Nhưng khi ống này bị đóng lại thì các chất thải sẽ ứ đọng khiến cho vi khuẩn nằm kẹt bên trong tai, gây ra nhiễm trùng.
2. Cảnh báo 8 dấu hiệu của bệnh viêm tai giữa ở trẻ em
Trẻ bị viêm tai giữa sẽ có những dấu hiệu nhận biết như sau:
- Trẻ sốt liên tục và có thể lên tới hơn 39 độ C.
- Con hay dùng tay để dụi hoặc kéo vành tai của mình.
- Trẻ trằn trọc, khó ngủ và thường xuyên quấy khóc vì khó chịu.
- Cảm thấy chán ăn, bỏ bữa và ăn không ngon miệng.
- Thường xuyên nôn ói hoặc tiêu chảy.
- Thấy có mủ, dịch chảy ra từ ống tai ngoài.
- Kém phản ứng đối với các loại âm thanh hơn trước.
- Có triệu chứng đau tai, đau đầu thậm chí giảm thính lực tạm thời.
3. Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa như thế nào?
Khi trẻ bị viêm tai giữa, nhiều mẹ sẽ rất bối rối và đặt ra vô vàn các câu hỏi như: Trẻ bị viêm tai giữa nên ăn gì? Trẻ bị viêm tai giữa kiêng ăn gì? Làm gì khi trẻ bị viêm tai giữa? Sau đây sẽ là những cách chăm sóc trẻ mà Mamamy muốn giới thiệu đến các mẹ.
3.1 Vệ sinh tai, mũi, họng sạch sẽ
Trẻ nhà bạn bị viêm tai giữa không có nghĩa là chúng ta chỉ vệ sinh tai cho con mà cần phải đảm bảo sạch sẽ cho cả tai – mũi – họng vì chúng có liên quan mật thiết với nhau. Vì thế mẹ hãy thực hiện vệ sinh các bộ phận này theo cách thức sau:
- Vệ sinh tai: Trong trường hợp tai của con bị chảy mủ thì mẹ hãy dùng bông tăm lau nhẹ nhàng để vệ sinh tai cho con. Chú ý không lau quá sâu vì có thể khiến cho tai của con bị tổn thương. Nhiều mẹ sử dụng bông nút kín tai con với mục đích chặn nước mủ. Tuy nhiên, đây là phương pháp hoàn toàn sai và mẹ không nên thực hiện.
- Vệ sinh mũi: Mẹ hãy dùng nước muối sinh lý để rửa sạch mũi cho con hàng ngày. Nếu thời giết lạnh thì mẹ cần phải ngâm nước muối ấm trước khi nhỏ cho con để hạn chế việc con bị cảm lạnh.
- Vệ sinh họng: Hãy chú ý rơ lưỡi và vệ sinh miệng hàng ngày cho con. Nếu trẻ đã lớn thì chỉ cần súc miệng bằng nước muối.
3.2 Chọn chế độ ăn uống hợp lý khi trẻ bị viêm tai giữa
Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa cũng cần phải chú ý đến chế độ ăn uống hợp lý cho con. Bởi lúc này, cơ thể con sẽ cảm thất khó chịu, mệt mỏi và thường xuyên quấy khóc. Vì thế, mẹ hãy cho con ăn thêm nhiều loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác nữa. Đồng thời chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày như vậy con sẽ ăn được nhiều hơn.
Thường xuyên cho con uống nước lọc hoặc các loại nước hoa quả bên cạnh sữa mẹ. Như vậy sẽ cung cấp các loại dưỡng chất cho con để cơ thể khỏe mạnh.
3.3 Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ
Cục cưng bị viêm tai giữa thì việc đầu tiên mẹ cần làm là cho con đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và có những lời khuyên cũng như kê đơn thuốc. Hãy cho trẻ uống thuốc đầy đủ theo đúng như chỉ dẫn của các bác sĩ. Mẹ không được tự ý sử dụng các loại thuốc khác bên ngoài mà bác sĩ không kê trong đơn.
Trẻ bị viêm tai giữa rất dễ bị sốt. Mẹ hãy chườm khăn ấm để giúp con mau hạ sốt. Chú ý, chỉ cho con mặc quần áo mỏng và nằm nghỉ ở những nơi thoáng mát. Trong trường hợp con bị sốt trên 38,5 độ C thì mẹ hãy cho con uống thuốc hạ sốt kịp thời.
3.4 Đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ bị viêm tai giữa có các biểu hiện bệnh nặng
Việc chăm sóc em bé bị viêm tai giữa cần phải được đặc biệt chú ý để nhận biết những dấu hiệu bất thường báo hiệu bệnh nặng hơn. Khi trẻ gặp phải những điều sau, mẹ cần phải đưa con đến gặp bác sĩ ngay:
- Con liên tục kêu đau tai với mức độ và tần suất đau tăng dần.
- Trẻ bị sốt cao liên tục và ly bì. Ngay cả khi dùng thuốc hạ sốt không đỡ.
- Em bé nhà bạn tỏ ra khó chịu và quấy khóc. Thậm chí con còn bỏ ăn, bỏ bú trong thời gian dài.
- Trẻ bị nôn hoặc tiêu chảy.
4. Cách phòng tránh bệnh viêm tai giữa ở trẻ
Để hạn chế việc bé nhà bạn bị viêm tai giữa, cha mẹ hãy ghi nhớ những cách phòng trách đơn giản sau đây:
- Thường xuyên vệ sinh tai – mũi – họng sạch sẽ cho con.
- Chú ý giữ ấm cho trẻ. Đặc biệt là đối với các bộ phận như cổ, gan bàn chân.
- Hạn chế ngoáy mũi cho trẻ hoặc trẻ tự ngoáy mũi.
- Khi trẻ bị viêm họng, sổ mũi, viêm Amidan… thì cần phải được điều trị dứt điểm không để kéo dài.
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo.
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa luôn sạch sẽ, tránh ẩm mốc và các loại khói bụi.
Trẻ bị viêm tai giữa mẹ không được phép chủ quan mà phải thực hiện các biện pháp chữa trị ngay lập tức. Hy vọng những điều trên đã giúp ích cho mẹ trong việc thực hiện điều này.