Bé bị nổi mẩn đỏ như rôm khiến mẹ lo lắng, hỏi người xung quanh thì “9 người, 10 ý”, mẹ không biết phải làm như thế nào đúng nhất? Mẹ đừng lo vì đây chỉ là vấn đề về da thường gặp, bé sẽ khỏi nhanh nếu được chăm sóc đúng cách. Đọc ngay bài viết dưới đây mẹ nhé!
Mục lục
1. Nguyên nhân làm bé bị mẩn đỏ như rôm
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé nhà mình bị nổi mẩn đỏ như rôm, đó là: dị ứng với tác nhân bên ngoài, sốt phát ban, dị ứng thực phẩm…
Vậy làm sao để biết bé bị mẩn đỏ do nguyên nhân nào? Dấu hiệu để mẹ nhận biết đây ạ!
- Bé bị rôm sảy: Chủ yếu gặp khi thời tiết nắng nóng, bé ra nhiều mồ hôi dẫn đến bít tắc lỗ chân lông, gây viêm và hình thành rôm. Đặc biệt, khi bé vận động nhiều, ra nhiều mồ hôi càng dễ bị rôm sảy hơn.
Dấu hiệu nhận biết bé bị nổi mẩn đỏ do rôm sảy: Trên da bé xuất hiện nhiều mụn nhỏ li ti màu đỏ, mọc thành từng đám. Những nốt đỏ này rất ngứa nên bé sẽ đòi mẹ gãi, bé khó chịu, quấy khóc. Rôm sảy xuất hiện ở nơi bé ra nhiều mồ hôi như trán lưng, mặt,… hoặc khu vực có nhiều nếp nhăn như nách, bẹn, háng,…
- Do dị ứng với các tác nhân bên ngoài: Nếu nhà mình nuôi thú cưng (chó, mèo), bé cũng dễ bị mẩn đỏ hơn do dị ứng. Một số tác nhân gây dị ứng phổ biến khiến bé bị mẩn đỏ bao gồm: lông thú cưng, sâu bệnh, phấn hoa, khói bụi ô nhiễm,…
Các trường hợp dị ứng này hầu hết chỉ xuất hiện mẩn đỏ ở vị trí hay phải tiếp xúc TRỰC TIẾP với không gian xung quanh như mặt, cổ gáy, cằm, tay, chân.
- Bé bị dị ứng với thực phẩm: Một số thực phẩm dễ gây dị ứng như sữa công thức, đồ ăn dặm có chứa nhiều loại hạt, hải sản,… sẽ gây nổi mẩn đỏ ở xung quanh miệng bé, một số ít trường hợp nổi mẩn đỏ toàn thân. Nguồn thức ăn này còn hấp thu vào hệ tiêu hóa và dẫn đến rối loạn đường ruột như tiêu chảy, đầy hơi,…
- Sốt phát ban: Bé bị nổi mẩn đỏ sẽ xuất hiện sau khi có cơn sốt 2- 3 ngày. Các nốt nhỏ li ti, có bọng nước và gây ngứa ngáy, khó chịu cho bé. Các nốt đỏ này xuất hiện ở nhiều nơi nhưng chủ yếu ở lưng, mặt, cổ gáy và tay chân của bé. Khi bị sốt phát ban, bé còn có dấu hiệu mệt mỏi, sổ mũi, ho,…
2. Cách xử lý vấn đề bé bị mẩn đỏ như rôm
Hầu hết các nguyên nhân trên khiến bé bị mẩn đỏ như rôm không gây nguy hiểm. Hiểu rõ nguyên nhân và xử lý đúng cách, da con sớm mịn màng trở lại ngay thôi, không gây bất kỳ nguy hiểm gì.
2.1. Cách xử lý khi con bị rôm sảy
Để các nốt rôm sảy nhanh biến mất, mẹ chỉ cần giữ cho da con sạch sẽ, thoáng mát, tránh bị tổn thương nhiễm trùng với 1 số lưu ý sau:
- Tắm sạch cho bé hàng ngày, lau khô nhẹ nhàng da bé sau khi tắm.
- Không cho bé gãi làm tổn thương, nhiễm trùng các vết rôm sảy.
- Tránh để bé nóng bức, ra nhiều mồ hôi: Hạn chế cho bé chạy nhảy, vận động, ngủ nghỉ ở nơi nóng bức, càng ra nhiều mồ hôi, tình trạng rôm sảy của con càng nặng và lâu khỏi hơn.
Trong trường hợp bé có 1 trong các dấu hiệu nhiễm khuẩn sau, mẹ cần đưa bé tới thăm khám bác sĩ ngay:
- Nốt mụn mủ, mụn nước lở loét
- Bé bỏ ăn, bỏ bú quấy khóc
- Bé bị sốt cao trên 39 độ C
2.2. Cách chăm sóc khi bé dị ứng với tác nhân bên ngoài
Khi bé dị ứng với các tác nhân bên ngoài, mẹ cần tắm sạch sẽ, loại bỏ các chất gây dị ứng như lông sâu, lông thú cưng, khói bụi,… Mẹ dùng thêm các loại kem bôi hoặc xịt chống dị ứng để làm giảm sưng, ngứa cho bé.
Mẹ cần đưa bé đi thăm khám bác sĩ ngay nếu vùng da dị ứng ngày càng lan rộng, không lặn sau 2 -3 ngày hoặc có dấu hiệu sưng, phù nề.
2.3. Chăm sóc khi bé bị sốt phát ban
Hầu hết các trường hợp nổi mẩn đỏ do phát ban đều lặn sau vài ngày khi được chăm sóc đúng cách. Mẹ cần tắm hoặc lau sạch vùng da phát ban hàng ngày để tránh các nốt này viêm hoặc nhiễm trùng nặng hơn. Khi bị sốt phát ban, bé rất mệt mỏi, dễ bị mất nước do sốt, mẹ chú ý bổ sung dinh dưỡng và nước để con nhanh khỏe hơn bằng cách:
- Bé dưới 6 tháng chỉ bú sữa: Thường xuyên cho bé bú (2 -3 h/ 1 lần), nếu bé mệt không bú được nhiều mẹ chia thành các bữa nhỏ, 1.5 – 2h/lần.
- Bé lớn hơn 6 tháng: Mẹ cho bé bú/uống sữa 2-3 giờ/1 lần kết hợp ăn thêm cháo, súp, nước hoa quả,…
Trong trường hợp bé sốt cao trên 39 độ C không hạ, các nốt phát ban không lặn sau 5 -7 ngày, mẹ cần đưa bé đi thăm khám bác sĩ ngay để kịp thời chữa trị.
2.4. Bé bị dị ứng thực phẩm
Trường hợp bé dị ứng thực phẩm, mẹ không cho bé tiếp tục ăn các loại thực phẩm này. Các nốt mẩn đỏ do dị ứng thức ăn sẽ hết nhanh trong 1-2 ngày.
Mẹ cần đưa bé đi thăm khám bác sĩ khi bé có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm như:
- Nôn mửa trên 6 – 8 lần/ ngày
- Đi vệ sinh lỏng trên 3 lần/ ngày hoặc bé đi phân có máu
- Các nốt mẩn đỏ không lặn, càng ngày càng lan hoặc có dấu hiệu lở loét, viêm nhiễm
3. 5 biện pháp phòng ngừa bé bị nổi mẩn đỏ như rôm
Khi được chăm sóc chuẩn khoa học, bé bị nổi mẩn đỏ như rôm sẽ khỏi sau 2 -3 ngày. Tuy nhiên, da bé rất nhạy cảm, rất dễ bị nổi lại mẩn. Mẹ lưu lại những mẹo này để ngừa mẩn đỏ như rôm cho bé nhé!
- Cho bé ở trong không gian mát mẻ, sạch sẽ. Với mùa hè nắng nóng, tốt nhất phòng ở của bé nên có điều hòa, quạt làm mát và cần hạn chế để bé chạy nhảy ra mồ hôi nhiều.
- Tránh ăn thực phẩm dễ gây kích ứng: Tránh cho bé ăn thực phẩm dễ gây dị ứng như: đậu tương, tôm đồng, lúa mì,… Nếu bé đang trong thời gian bú mẹ, mẹ chú ý kiêng thực phẩm dễ gây kích ứng trên nhé!
- Tắm cho bé hàng ngày, tránh vi khuẩn và tác nhân gây dị ứng bám lại trên da dẫn tới viêm nhiễm, nổi mẩn. Mẹ tắm cho bé trong phòng kín, tránh gió lùa khiến bé bị cảm lạnh.
- Hạn chế cho bé tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng như thú cưng, phấn hoa,…
- Lựa chọn quần áo với chất liệu phù hợp: Mùa hè mẹ nên chọn quần áo cotton giúp thấm hút mồ hôi tốt, mùa đông mẹ tránh sử dụng loại quần áo vải len gây ngứa ngáy.
- Vệ sinh sạch và cắt ngắn móng tay bé để ngăn ngừa làm tổn thương da hoặc nhiễm khuẩn da khi bé dùng tay gãi hoặc sờ lên các bộ phận khác.
Góc của mẹ hy vọng bài viết trên đã giúp mẹ hiểu đúng nguyên nhân và cách chăm sóc bé bị nổi mẩn đỏ như rôm. Nếu còn băn khoăn cần giải đáp, mẹ để lại câu hỏi bên dưới bình luận để được hỗ trợ mẹ nhé!