Tình trạng mẩn đỏ ngoài da là hiện tượng thường gặp ở bé sơ sinh do cơ địa nhạy cảm, hệ miễn dịch non yếu. Mẹ sẽ vô cùng lo lắng khi thấy bé nhà mình nổi mẩn đỏ ở mặt, cổ, lưng, thậm chí là toàn thân. Trong trường hợp này, mẹ cần bình tĩnh quan sát, hiểu da con để chăm sóc con đúng cách. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu rõ các nguyên nhân khiến em bé bị nổi mẩn đỏ phổ biến nhất.
Mục lục
1. 6 nguyên nhân thường gặp khiến em bé bị nổi mẩn đỏ
Trong những tuần đầu sau sinh, da bé còn non nớt, chưa ổn định, sẽ còn thay đổi do một số yếu tố bên trong cơ thể và ngoại cảnh. Vì vậy, hiện tượng nổi mẩn đỏ là vấn đề ngoài da thường gặp của bé. Mẹ tham khảo những nguyên nhân dưới đây để hiểu về hiện tượng này hơn nhé:
1.1. Bé bị mụn sữa
Có tới khoảng 20% trẻ sơ sinh gặp tình trạng mụn sữa (hay còn gọi là mụn trứng cá sơ sinh, nang kê) sau sinh. Hiện tượng này chỉ mang tính chất tạm thời, xảy ra trong vài tuần, vài tháng tháng đầu đời.
Nguyên nhân:
Nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng mụn sữa ở bé vẫn chưa được làm rõ tuyệt đối. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân mẹ có thể tham khảo dưới đây:
- Hormone ở mẹ: Các hormone trong cơ thể mẹ những tháng cuối thai kỳ hoặc trong quá trình cho bé bú truyền sang bé sẽ kích thích tuyến dầu ở cơ thể bé, tăng tiết bã nhờn gây ra mụn sữa. Thậm chí có thể gây phì đại tuyến bã nhờn, khiến da bé tiết dầu nhiều, gây khó chịu cho bé.
- Tác dụng phụ của thuốc: Hormone sinh ra trong quá trình mẹ dùng thuốc khi mang thai hoặc hormone từ cơ thể bé tự sản sinh ra khi dùng thuốc, gây ra tác dụng phụ là nổi mụn sữa.
- Sữa bột không phù hợp: Một số bé có hệ thống miễn dịch không hấp thu được lượng lớn protein có trong sữa công thức (đạm Albumin), gây ra hiện tượng nổi mụn sữa.
- Chế độ ăn uống của mẹ: Đối với các bé còn đang bú mẹ, việc mẹ ăn uống quá nhiều đồ nóng sẽ ảnh hưởng đến mùi vị và chất lượng sữa. Lúc này, khi bé bú sữa mẹ, cũng có khả năng bé sẽ nổi mụn sữa nhiều hơn.
Biểu hiện: Trên mặt bé có những mụn trắng sữa nhỏ li ti. Mụn gây ngứa, bé thường đưa tay lên sờ mặt và gãi liên tục, khiến các mụn sữa trở thành mẩn đỏ trên bề mặt da.
1.2. Rôm sảy
Nguyên nhân:
Tuyến mồ hôi của bé chưa phát triển hoàn chỉnh nên mồ hôi khó thoát ra ngoài. Khi tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, da bé sẽ dễ xuất hiện hiện tượng rôm sảy. Dưới đây là một vài yếu tố cụ thể hơn gây ra hiện tượng này:
- Bé nóng hoặc sốt mà mẹ mặc cho bé quá nhiều lớp quần áo hoặc chất vải của quần áo không được thoáng, khiến mồ hôi đọng lại trên cơ thể bé quá lâu.
- Bé hoạt động với cường độ cao (chạy, nhảy hoặc cử động quá nhiều) hoặc mặc tã lót bằng các loại vải pha nilon, không thấm hút gây bít tắc tuyến mồ hôi.
Biểu hiện: Mẹ nhận biết con bị rôm sảy qua các biểu hiện:
- Những vết mẩn đỏ lấm tấm mọc thành đám, có khi dày đặc.
- Bé ngứa với biểu hiện khó chịu và quấy khóc.
- Các vết mụn nước nhỏ trên nền da mẩn đỏ.
- Có thể xen lẫn những mụn mủ trắng như đầu đinh ghim.
Rôm sảy sẽ khỏi nếu được mẹ để ý và vệ sinh thường xuyên, sạch sẽ mà không ảnh hưởng tới sức khỏe về sau của bé. Tuy nhiên, mẹ tránh để bé gãi nhiều gây xây xát, nhiễm khuẩn, tụ mủ, tổn thương tới da bé.
1.3. Sốt phát ban
Nguyên nhân:
Giai đoạn từ 6 – 36 tháng tuổi là lúc sức đề kháng của bé còn yếu ớt, chưa phát triển toàn diện. Chính vì vậy, bé dễ bị các virus như virus sởi, virus Rubella (bệnh sởi Đức) hoặc virus đường ruột ECHO gây sốt phát ban và nổi các nốt mẩn đỏ trên da.
Biểu hiện: Mẹ có thể nhận biết bé nhà mình có bị sốt phát ban hay không qua các biểu hiệu dưới đây:
- Phát ban ở mặt, sau đó lan dần xuống chân.
- Các nốt mẩn đỏ có màu nhạt, mật độ dày hoặc dạng sẩn, gồ trên da
- Phát ban kéo dài trong vòng 3 ngày.
- Sốt trên 38 độ C
- Có hoặc không sưng hạch cổ, hạch sau tai, đau cơ, đau khớp, chảy nước mũi, đỏ mắt, ho, quấy khóc nhiều.
Em bé bị nổi mẩn đỏ do sốt phát ban sẽ tự khỏi sau 4 – 10 ngày. Để bé hồi phục nhanh chóng, mẹ cho bé ăn những thực phẩm tươi mát (đậu đen, bí xanh, rau ngot, cam, lê, thanh long, nước dừa,…) và không ăn đồ nóng (mận, mít, vải, chôm chôm, nhãn),…
1.4. Viêm da
Nguyên nhân: Hiện tượng viêm da bắt nguồn từ các tác động bên ngoài môi trường ảnh hưởng tới làn da của bé. Dưới đây là một vài ví dụ cụ thể:
- Bé không được vệ sinh sạch sẽ: sữa, nước bọt, mồ hôi bé tồn đọng trên da bé, .
- Bụi bặm, ô nhiễm môi trường, khói thuốc từ người lớn, lông của thú nuôi trong nhà.
- Vết thương hở, trầy xước trên da cũng dễ khiến nấm mốc và các tác nhân gây hại xâm nhập vào cơ thể gây viêm da.
- Thay đổi thời tiết: Thời tiết quá nóng hoặc lạnh khiến da bé bị khô, gây kích ứng.
- Tiền sử gia đình hoặc do bé bị căng thẳng, stress.
Biểu hiện:
Da bé xuất hiện các mảng bong tróc đỏ ở những nơi dễ nhìn thấy như má, sau tai hoặc trên da đầu. Nếu mẹ chưa xử lý vết thương ngay cho bé, chúng còn có thể lan đến cổ tay, mặt trong đầu gối, hay còn ở háng, bẹn, bộ phận sinh dục.
1.5. Hăm hoặc mụn nhọt gây ra
Hăm và mụn nhọt trên da cũng là những vấn đề ngoài da rất thường thấy ở trẻ sơ sinh. Một làn da khoẻ mạnh phải duy trì ít nhất 10% độ ẩm. Thấp hơn mức này, da dễ bị tấn công , xâm nhập bởi các vi khuẩn gây hại. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, bé rất dễ bị hiện tượng hăm, nổi mụn nhọt đỏ trên da.
Nguyên nhân của hiện tượng này khá phổ biến:
- Da bé sơ sinh mỏng, dễ gây kích ứng. Đôi khi mẹ dùng bỉm tã chưa phù hợp, chật, cọ xát vào da bé khiến bé bị hăm, nổi mụn nhọt.
- Phân và nước tiểu đọng lại quá lâu do không được thay bỉm thường xuyên cũng trở thành tác nhân gây hăm và mụn nhọt.
- Thay đổi thời tiết, chế độ dinh dưỡng không phù hợp gây ra mụn nhọt ở bé.
Biểu hiện:
Vùng da bị hăm như mông, bẹn, háng có màu đỏ, xuất hiện các mụn li ti nhỏ, sau đó lan rộng thành mụn dày hơn, sau 2-3 ngày phát triển thành mụn nước có thể vỡ ra gây lở loét, sưng viêm và lan rộng ra những vùng khác.
1.6. Chàm sữa
Chàm sữa là một trong những nguyên nhân gây ra mẩn đỏ ở bé sơ sinh. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này có thể do di truyền hoặc một số yếu tố ngoại cảnh, cụ thể như:
- Do cơ địa bé: Chàm sữa thường xuất hiện ở những bé có cơ địa dễ bị dị ứng hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh mề đay, hen suyễn, dị ứng da do thời tiết.
- Dị ứng với nguồn thức ăn của mẹ: Nếu mẹ ăn nhiều đồ tanh hải sản; giàu chất đạm sẽ khiến cơ thể bé không thích ứng được với nguồn sữa mẹ mà nổi các chàm sữa trên da.
- Nguyên nhân khác: thời tiết, khói bụi, lông vật nuôi hay đồ chơi không được vệ sinh sạch sẽ cũng khiến bé nổi các vết chàm sữa
Biểu hiện: Khi bé bị chàm sữa, sẽ có những biểu hiện sau:
- Các vết mẩn đỏ, li ti, sau đó phát triển thành mụn nước.
- Mụn nước khi vỡ tiết dịch và đóng vảy.
- Vùng da bị chàm thô ráp, đỏ, khô căng.
- Bé ngứa tại vùng da nổi mẩn.
Khi bé em bé bị nổi mẩn đỏ do bị chàm, mẹ tham khảo thêm ý kiến bác sĩ da liễu để được tư vấn về nguyên nhân, cách phòng tránh và các thuốc sử dụng cho bé mẹ nhé!
2. Một số nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng em bé bị nổi mẩn đỏ
Kem chống nắng gây kích ứng da: Nhiều mẹ có thói quen dùng kem chống nắng của người lớn cho bé mà không biết rằng, diện tích bề mặt da bé chỉ bằng ⅕ người lớn, lớp sừng của biểu bì mỏng, yếu và hắc tố bào chưa phát triển đầy đủ. Do vậy, bé có thể tăng hấp thu kem chống nắng, gây tác dụng phụ, kích ứng, nổi mẩn đỏ. Thay vì bôi kem chống nắng, mẹ đội mũ có vành, mặc quần áo bảo hộ cho bé khi ra ngoài nhé.
Rủi ro từ Triclosan trong hóa mỹ phẩm: Triclosan là một chất khử trùng được dùng trong nhiều sản phẩm vệ sinh phổ biến như xịt khử mùi, nước lau nhà, được tổ chức Cơ quan Bảo Vệ Môi Trường của Mỹ (EPA) liệt vào danh sách các hóa chất gây hại cho cả sức khỏe lẫn môi trường. Khi mẹ sử dụng các sản phẩm có chứa chất này trong nhà, bé có thể tiếp xúc gián tiếp trong không khí, trên sàn nhà, gây phát ban ở những bé có làn da nhạy cảm. Vì vậy, mẹ để ý thành phần của các sản phẩm lau rửa, khử mùi sử dụng trong nhà trước khi dùng để bảo vệ bé và cả gia đình khỏi hóa chất độc hại mẹ nhé!
Kem dưỡng ẩm da không phù hợp khiến bé bị nổi mẩn đỏ: Kem dưỡng ẩm có hương liệu là một tác nhân gây kích ứng làn da nhạy cảm của trẻ, đặc biệt với các bé có tiền sử bị chàm. Nhiều nghiên cứu cho thấy thành phần Paraben và Phthalates ảnh hưởng đến nội tiết tố của bé. Mẹ tập thói quen tìm hiểu các thành phần trong sản phẩm chăm sóc da cho bé để chọn được loại phù hợp, an toàn, lành tính với da con mẹ nhé!
Kích ứng từ bột giặt có chất lưu hương, chất làm mềm vải: Trong bột giặt cho đồ người lớn thường có chứa một số chất lưu hương như: Cyclopenta Decanolide, ambroxide, benzyl salicylate, benzyl benzoate, diethyl phthalate, triethyl citrate, osmium tetroxide,… vì chúng có thể giữ mùi thơm lâu. Khi mẹ giặt quần áo, chăn của bé chung với bột giặt của người lớn hoặc những nước giặt có những thành phần kể trên, bé có thể bị kích ứng da, mắt, mũi, cổ họng…của bé, thậm chí những chất này còn gây ảnh hưởng đến gan, phổi, thận,…
Các sản phẩm tắm gội cho bé có thành phần chưa được kiểm định chặt chẽ: Nhiều dầu gội, dầu xả dành cho trẻ nhỏ nhưng lại chứa lượng chất tẩy rửa, chất tạo bọt hóa học nhiều hơn mức cho phép, hoặc một số thành phần ảnh hưởng tới da bé như Paraben, Alkyl Sulphates…sẽ gây kích ứng trên làn da nhạy cảm của bé.
Ô nhiễm không khí: Hệ thống miễn dịch của bé còn non yếu dễ khiến cho bé gặp tình trạng viêm da khi tiếp xúc với phấn hoa, bụi bẩn, lông thú trong không khí.
3. Em bé bị nổi mẩn đỏ có nguy hiểm không?
Sau khi chào đời, da bé chưa ổn định và còn nhiều thay đổi. Hiện tượng nổi mẩn đỏ có nguyên nhân chính do làn da bé còn mỏng, dễ bị kích ứng bởi nhiều tác nhân bên ngoài như thời tiết, thực phẩm, nóng sốt hay vệ sinh kém.
Hiện tượng nổi mẩn đỏ trên da bé là thường gặp và không quá đáng lo, sẽ tự biến mất sau một đến vài ngày nếu không kèm theo các triệu chứng khác như sốt hay nôn trớ…Vì vậy, mẹ đừng lo lắng quá, mà hãy bình tĩnh quan sát, theo dõi tình trạng bé thường xuyên và hiểu rõ da con cần gì mẹ nha!.
Trong trường hợp tình trạng này của bé kéo dài quá 5 ngày đến 1 tuần, kèm theo các triệu chứng đáng lo ngại như quấy khóc, bỏ bú, sốt li bì, mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối đừng tự ý dùng thuốc cho bé mẹ nhé.
4. Cách chăm sóc da của bé khi bị mẩn đỏ
4.1. Những điều mẹ nên làm
Do làn da bé còn mỏng, dễ bị kích ứng, nổi mẩn đỏ bởi nhiều tác nhân bên ngoài như thời tiết, thực phẩm, vệ sinh kém…Hiểu được điều này, khi bé xuất hiện các mẩn đỏ trên da, mẹ chú ý chăm sóc bé theo những gợi ý dưới đây để hiện tượng mẩn đỏ trên da bé nhanh chóng biến mất mẹ nhé:
- Chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ cho bé: Vệ sinh da hàng ngày rất quan trọng. Trong những trường hợp bé cần kiêng nước thì mẹ dùng khăn lau nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh gây tổn thương trên da bé.
- Vệ sinh miệng sạch sẽ: Vào buổi sáng và sau khi bé ăn hoặc bú mẹ, mẹ vệ sinh miệng cho bé bằng cách sử dụng các khăn lau đa năng không chứa chất hóa học, hương liệu để giúp khoang miệng của bé thơm tho, sạch vi khuẩn.
- Giữ phòng bé thoáng mát: Môi trường quá nóng bức làm bé tăng tiết mồ hôi, dễ bị rôm sảy sốt, phát ban. Trong khi đó, môi trường ẩm ướt, ngột ngạt lại tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Vì thế, mẹ giữ nhiệt độ phòng phòng khoảng 28 độ C, đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ để ngừa mẩn đỏ tối đa cho con.
- Mẹ thường xuyên quan sát tình trạng bé: mẹ hạn chế để bé cào lên các vùng da bị tổn thương hay nổi mẩn đỏ, gây trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công cơ thể bé.
- Mặc quần áo thoáng mát cho bé: mẹ mặc quần áo mềm mại thoáng mát, thấm hút mồ hôi cho bé để bé không khó chịu, tránh trường hợp quần áo chật cọ sát vào nốt mẩn đỏ khiến bé bị đau.
- Lựa chọn cẩn thận các sản phẩm chăm sóc da cho bé: ưu tiên các sản phẩm có thành phần chiết xuất từ thiên nhiên, lành tính, dịu nhẹ với da bé như một số loại thực vật có tính mát: mướp đắng, rau má, lô hội,…
- Bổ sung đủ nước cho bé: Khi bé dưới 6 tháng, mẹ chỉ cần tăng cường cho bé bú, bổ sung sữa công thức để tăng sức đề kháng cho bé. Với những bé trên 6 tháng, mẹ cho bé uống thêm nước lọc hoặc các loại nước hoa quả có tính mát với dung tích khoảng 100ml/kg cân nặng của bé nha mẹ.
4.2. Những điều mẹ nên tránh
Mẹ cần lưu ý những điều sau khi chăm sóc em bé bị nổi mẩn đỏ:
- Không vệ sinh cho bé quá kỹ – chà xát trên da bé quá mạnh: Làn da bé rất mỏng và nhạy cảm. Khi tắm hay vệ sinh cho bé, mẹ tuyệt đối đừng chà sát quá mạnh hay nặn làm vỡ mụn ở những vùng da bị nổi mẩn, nốt mụn vỡ ra có thể lan rộng hơn gây nhiễm trùng da cho bé.
- Không sử dụng mỹ phẩm có thành phần hóa học: Mẹ tốt nhất nên cẩn thận chọn các thành phần làm tính, an toàn, có nguồn gốc thiên nhiên khi sử dụng mỹ phẩm cho bé.
- Không sử dụng sữa tắm có nhiều chất tạo bọt, tẩy rửa: Không dùng các hóa mỹ phẩm chứa chất độc hại, chất tạo bọt như Paraben, Alkyl Sulphate,…nhắc tới ở phía trên gây kích ứng cho da bé.
5. Em bé bị nổi mẩn đỏ khi nào mẹ nên đưa đi khám bác sĩ?
Khi thấy một trong các dấu hiệu dưới đây mẹ đưa bé đến gặp bác sĩ để được tư vấn kịp thời tránh để tình trạng bé nặng hơn dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc sau này:
- Mẩn đỏ không rõ nguyên nhân (mẹ thấy bé có các triệu chứng khác với những triệu chứng nêu trong bài)
- Mẩn đỏ kéo dài trên 5 ngày dù đã áp dụng các biện pháp chăm sóc như trên
- Mẩn đỏ kèm sốt
- Bé quấy khóc, bỏ bú ,ngủ li bì
- Vết mẩn đỏ có hiện tượng chảy mủ, nhiễm trùng
Em bé bị nổi mẩn đỏ chỉ là vấn đề ngoài da thường gặp, không phải bệnh gây nguy hiểm đến sức khỏe. Mẹ bình tĩnh tìm hiểu kỹ để hiểu da con và có cách chăm sóc khoa học, da bé sẽ sớm mịn màng trở lại. Nếu có băn khoăn gì, mẹ để lại bình luận để được hỗ trợ nhanh nhất mẹ nhé!