Bé bị mẩn đỏ ở cổ khiến mẹ lo lắng, không biết tình trạng này có nguy hiểm không, cách chăm sóc thế nào để bé nhanh khỏi. Tất tần tật những băn khoăn về trẻ bị mẩn đỏ ngứa ở cổ của mẹ đã được giải đáp trong bài viết dưới đây. Mẹ tham khảo nhé!
Mục lục
1. Nguyên nhân bé bị mẩn đỏ ở cổ
Khi thấy bé bị nổi mẩn đỏ ở cổ, mẹ chỉ cần bình tĩnh quan sát các biểu hiện của bé để tìm được nguyên nhân, từ đó có cách chăm sóc phù hợp mẹ nhé!
1.1. Nguyên nhân bệnh lý
Các chuyên gia da liễu cho biết, một số bệnh phổ biến khiến bé nổi mẩn đỏ ở cổ bao gồm:
1.1.1. Bé bị chàm sữa
Chàm sữa là vấn đề về da rất phổ biến ở bé, nhất là những bé dưới 1 tuổi. Mặc dù chưa tìm được chính xác nguyên nhân của tình trạng này nhưng các chuyên gia đã xác định được 2 yếu tố chủ yếu gây chàm sữa ở bé:
- Yếu tố di truyền: Nếu ba mẹ có cơ địa dễ dị ứng hoặc mắc một số bệnh như chàm thể tạng, hen suyễn, bệnh về da tương tự thì có thể di truyền sang bé.
- Yếu tố ngoại cảnh: Da của bé mỏng và nhạy cảm nên dễ dị ứng với các yếu tố ngoài môi trường như lông thú cưng, thời tiết, thực phẩm, quần áo, bụi bẩn,… gây kích ứng da, nổi mẩn đỏ.
Bé bị chàm sữa thường có biểu hiện nổi mẩn đỏ li ti ở hai bên má rồi lan xuống cổ, tay, chân,… Sau một thời gian các nốt mẩn sẽ phát triển thành mụn nước rồi vỡ ra, đóng vảy, gây ngứa, khô, nứt da.
1.1.2. Rôm sảy làm bé bị nổi mẩn đỏ ở cổ
Rôm sảy cũng là một vấn đề về da thường gặp ở bé. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết nắng nóng, chuyển mùa. Nhiệt độ và độ ẩm cao khiến các mao mạch dưới da của bé bị giãn ra tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn xâm nhập. Mặt khác, thời tiết nắng nóng khiến cơ thể bé tiết nhiều mồ hôi kết hợp với bụi bẩn gây bít tắc lỗ chân lông dẫn đến rôm sảy, nổi mẩn đỏ.
Rôm sảy thường mọc ở những vị trí tiết nhiều mồ hôi trên cơ thể bé như cổ, nách, lưng, ngực,… và thường có biểu hiện:
- Các nốt mẩn li ti mọc thành đám, hồng hoặc hơi đỏ
- Có thể có các nốt mụn nước, mụn mủ trắng xen lẫn vết mẩn đỏ
- Bé ngứa ngáy, khó chịu, quấy khóc
1.1.3. Sốt phát ban
Sốt phát ban là tình trạng thường gặp ở bé từ 5 đến 36 tháng tuổi, do virus gây ra khi bé tiếp xúc với người nhiễm hoặc đồ dùng của họ. Hai virus phổ biến gây sốt phát ban ở bé là virus rubella hoặc virus sởi với các biểu hiện khác nhau:
- Virus rubella: Ban đầu các nốt mẩn đỏ xuất hiện ở mặt rồi lan dần xuống chân với màu nhạt, mật độ dày. Tình trạng phát ban thường kéo dài trong vòng 3 ngày và có thể sưng hạch cổ, hạch sau tai,… đôi khi còn đi kèm triệu chứng đau cơ, đau khớp.
- Virus sởi: Bé phát ban do virus sởi thường bị sốt trên 38 độ, da xuất hiện các nốt mẩn đỏ sần sùi, gồ ghề và sẽ để lại thâm sau khi hết. Bé có thể bị chảy nước mũi, đỏ mắt, ho,…
Khi phát hiện những biểu hiện của sốt phát ban, mẹ đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tránh để lâu khiến bé bị nặng hơn dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não,…
1.2. Các nguyên nhân bé bị mẩn đỏ ở cổ khác
Ngoài những nguyên nhân bệnh lý, bé bị nổi mẩn đỏ ở cổ còn do các vấn đề trong sinh hoạt bình thường, các tác nhân khác tưởng chừng vô hại nhưng mẹ cần chú ý nhé!
1.2.1. Vệt sữa, nước bọt thừa
Khi bé bú, sữa và nước bọt thường bị rớt từ miệng xuống cằm, cổ bé, đọng lại ở các nếp da gấp ở cổ. Nếu mẹ không để ý để vệ sinh sạch sẽ, các vệt sữa, nước bọt này sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn, nấm Candida phát triển và gây nên mẩn đỏ ở cổ.
Nếu không vệ sinh sạch sẽ miệng, cổ bé sau khi ăn có thể gây mẩn đỏ ở cổ
1.2.2. Bé bị nổi mẩn đỏ vùng cổ do thời tiết
Thời tiết nóng nực khiến bé tiết mồ hôi nhiều, đọng lại ở các nếp gấp trên cổ bé. Môi trường ẩm ướt từ mồ hôi tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động gây kích ứng da và mẩn đỏ.
1.2.3. Bé bụ bẫm
Những bé bụm bẫm, đầy đặn thường có các nếp gấp cổ dày hơn các bé khác nên mồ hôi, bụi bẩn hay bị giữ lại và khó vệ sinh. Điều này khiến vi khuẩn tích tụ và phát triển gây mẩn đỏ ở cổ bé.
1.2.4. Bé bị dị ứng với mỹ phẩm, hóa chất
Các sản phẩm tắm gội, giặt xả không chất lượng thường có chất tẩy rửa mạnh như Sodium Laureth Sulfate và Sodium Lauryl Sulfate, có độ PH cao,… gây kích ứng, dị ứng cho da bé, khiến bé bị nổi mẩn đỏ.
Bé bị nổi mẩn đỏ ở cổ có thể do nguyên nhân bệnh lý hoặc nhiều nguyên nhân khác. Mẹ quan sát kỹ các biểu hiện của bé để xác định rõ nguyên nhân và có cách chăm sóc phù hợp nhé!
2. Bé bị mẩn đỏ ở cổ có nguy hiểm không?
Đây là vấn đề về da thường gặp và không quá nguy hiểm, có thể hồi phục nhanh chóng nếu mẹ chăm sóc đúng cách.
Tuy nhiên, nếu không phát hiện kịp thời, vô tình để tình trạng mẩn đỏ của con kéo dài, bé có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm như: Viêm da, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn với các biểu hiện: Sốt cao trên 38 độ, mụn mủ, lở loét, bé quấy khóc, bỏ ăn,… Lúc này, mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc phù hợp.
3. Cách chăm sóc an toàn khi bé bị nổi mẩn ở cổ
Để bé “bai bai” mẩn đỏ ở cổ nhanh nhất, mẹ áp dụng ngay “bí kíp” dưới đây!
3.1. Vệ sinh thường xuyên vùng cổ của bé
Sau khi cho bé bú hay khi bé bị trớ, mẹ chú ý vệ sinh sạch sẽ miệng, mặt và cổ bé bằng khăn khô đa năng thấm nước, sau đó dùng 1 chiếc khăn sạch thấm khô. Mẹ ưu tiên sử dụng các loại khăn không dệt, có chất liệu an toàn, mềm mịn, thấm hút nhanh để dễ dàng làm sạch, tránh vương sợi lông thừa gây kích ứng nặng hơn.
Lưu ý thêm cho mẹ: Sử dụng yếm hoặc khăn khô che cổ khi cho bé ăn để tránh thức ăn, nước dãi dây vào cổ bé gây kích ứng nặng hơn. Nếu bé hay chảy dãi nhiều, mẹ đeo yếm cho bé hằng ngày, chú ý thay yếm khoảng 3 – 4 lần/ngày để đảm bảo vệ sinh.
3.2. Lựa chọn quần áo phù hợp
Da của bé rất mỏng manh và nhạy cảm, mẹ cần ưu tiên lựa chọn quần áo có chất vải mềm, mát, thoáng khí như cotton, lụa, lanh,…
Ngoài ra, mẹ cũng lưu ý chỉ sử dụng nước giặt xả vải chuyên dụng cho trẻ sơ sinh khi giặt đồ cho bé, không giặt chung quần áo của bé với quần áo người lớn. Mẹ ưu tiên chọn sản phẩm giặt xả có thành phần lành tính, an toàn từ thực vật như dừa, lúa mì, dầu cọ,…
3.3. Chế độ ăn uống phù hợp
Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp là các tốt nhất để giảm tình trạng kích ứng, tăng cường hệ miễn dịch cho bé giảm tình trạng bé bị mẩn đổ ở cổ
- Với bé đã biết ăn dặm: Mẹ cho bé ăn nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung vitamin và khoáng chất. Các chuyên gia cũng khuyến nghị nên bổ sung cho bé trên 6 tháng tuổi 125 – 250ml nước/ngày. Đồng thời, hạn chế cho bé ăn thực phẩm có hàm lượng đường cao hoặc dễ gây nóng trong như: nhãn, mít, vải,…
- Nếu bé đang bú mẹ thì sao nhỉ? Giai đoạn này, “mẹ ăn gì bé sẽ ăn ấy” đó ạ! Vì thế, mẹ ăn và kiêng những thức ăn kể trên mẹ nhé!
3.4. Lưu ý vấn đề dùng thuốc để chữa mẩn đỏ ở cổ cho bé
Mẹ hạn chế sử dụng các mẹo dân gian hay các loại kem dưỡng da không được hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia. Làn da của bé rất nhạy cảm nên khi dùng bất cứ loại thuốc gì cho bé, mẹ cần hỏi ý kiến của người có chuyên môn trước.
4. Trường hợp nên đưa bé đi khám
Trong trường hợp bé bị mẩn đỏ ở cổ không giảm, nghiêm trọng hơn hoặc xuất hiện triệu chứng dưới đây, mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám:
- Bé ngứa ngáy dữ dội, quấy khóc liên tục, mất ngủ, chán ăn hoặc bỏ ăn,…
- Các nốt mẩn xuất hiện mủ, chảy dịch, sưng tấy,…
- Bé bị sốt, sốt cao liên tục
Tình trạng nổi mẩn đỏ ở cổ thường không nguy hiểm, mẹ để ý chăm sóc đúng cách là bé sẽ khỏi nhanh sau khoảng 3 – 7 ngày. Tinh thần của mẹ luôn là yếu tố rất quan trọng trong hành trình chăm sóc bé yêu. Bình tĩnh, từ từ tìm hiểu để hiểu con hơn, chắc chắn bé yêu của mẹ sẽ khôn lớn, khỏe mạnh mỗi ngày thôi ạ!
Nếu còn băn khoăn vấn đề bé bị mẩn đỏ ở cổ hay bất kỳ vấn đề khác về chăm sóc bé, mẹ hãy để lại bình luận ở bên dưới để được hỗ trợ mẹ nhé!
Mẹ tham khảo:
Bé bị nổi mẩn đỏ ở đầu gối là bệnh gì và có nguy hiểm không?