Bé bị mẩn đỏ sau gáy là vấn đề thường gặp và không nguy hiểm. Mẹ chỉ cần xác định đúng nguyên nhân, có cách chăm sóc phù hợp, các mẩn đỏ sẽ hết nhanh thôi ạ! Đọc bài viết sau để hiểu rõ hơn mẹ nhé!
Mục lục
1. Nguyên nhân làm bé bị mẩn đỏ sau gáy
1.1. Dị ứng với các tác nhân bên ngoài
Khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng: Thay đổi thời tiết, khói bụi, lông sâu bệnh,… bé dễ bị kích ứng, xuất hiện những nốt mẩn nhỏ li ti, màu đỏ, có thể có bọng nước. Các nốt mẩn mọc rải rác ở mức độ nhẹ; dày đặc và lan rộng hơn ở mức độ nặng.
1.2. Do bẩm sinh (còn gọi vết cò mổ)
Các vết cò mổ bẩm sinh là những nốt nhỏ có màu hồng hoặc đỏ nhạt xuất hiện ngay từ khi bé sinh ra. Các nốt này có kích thước to hơn mụn dị ứng thông thường và sẽ tự hết sau vài ba tháng. Mẹ không phải lo lắng con bị để lại sẹo đâu ạ!
1.3. Bé dị ứng với thức ăn
Khi dị ứng với sữa hoặc thức ăn, bé sẽ xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ không chỉ ở sau gáy mà còn có ở mặt hoặc toàn thân. Một số trường hợp khác có dấu hiệu nôn trớ, tiêu chảy,… do ngộ độc tiêu hóa.
Nguyên nhân bé bị dị ứng thức ăn có thể từ sữa mẹ, sữa công thức hoặc thức ăn bé ăn dặm hàng ngày:
- Mẹ ăn phải thực phẩm dị ứng như hải sản, các loại hạt,…, bé bú sữa mẹ cũng sẽ bị dị ứng và nổi mẩn đỏ sau gáy.
- Bé dị ứng sữa công thức vì trong sữa có chứa đạm (protein), lactose,… Đây là những thành phần gây dị ứng ở bé.
- Thức ăn dặm của bé có chứa thực phẩm gây dị ứng như tôm, cua, đậu phộng, thịt bò,…
1.4. Bé bị côn trùng hoặc muỗi cắn
Những nốt đỏ do muỗi, côn trùng cắn sẽ bị sưng, ngứa nên bé hay đòi gãi. Tình trạng này xảy ra do bé ngủ không được bỏ màn, không gian ngủ không đảm bảo sạch sẽ, ẩm thấp hoặc bé vui chơi ở khu vực nhiều muỗi (công viên, gốc cây,…).
1.5. Sốt phát ban
Khi bị sốt phát ban, bé nằm nhiều, nhiệt độ cơ thể cao, tiết nhiều mồ hôi ở vùng đầu, cổ và lưng dẫn đến bí bách, tạo mẩn đỏ. Mẩn đỏ li ti xuất hiện nhiều ở gáy, cổ sau cơn sốt cao từ 1- 2 ngày. Cùng với đó, bé có biểu hiện mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, thậm chí có tiêu chảy.
1.6. Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa hay gặp ở những bé có cơ địa dị ứng, có người trong gia đình có tiền sử dị ứng. Bé dễ bị viêm hơn khi tiếp xúc với các tác nhân dễ gây kích ứng như môi trường ô nhiễm, lông sâu bệnh,… Bé bị mẩn đỏ sau gáy do viêm da cơ địa sẽ xuất hiện những mảng nhỏ không chỉ ở sau gáy và còn trên mặt, ngực và tay chân.
2. Cách chăm sóc khi bé bị mẩn đỏ sau gáy
Xác định đúng nguyên nhân chính là “chìa khóa” giúp mẹ chăm sóc bé tốt nhất. Với mỗi nguyên nhân, Góc của mẹ đã đưa ra cách chăm sóc hiệu quả nhất giúp con nhanh khỏi ngay dưới đây!
2.1. Cách xử lý khi bé bị dị ứng với tác nhân bên ngoài
Mẹ vệ sinh sạch sẽ vùng sau gáy, tránh để các tác nhân còn bám dính lại gây ngứa ngáy, khó chịu cho bé. Đồng thời, mẹ cho bé chơi, ngủ nghỉ trong không gian sạch sẽ, thoáng mát, không tiếp xúc với lông chó mèo. Sau khoảng 1-2 ngày các nốt đỏ sẽ mất dần và khỏi hẳn đó ạ!
Nếu bé bị ngứa ngáy dữ dội kèm các nốt đỏ sưng, có mụn mủ, mụn nước mãi không khỏi, mẹ đưa bé đi khám bác sĩ ngay nhé. Đây là trường hợp các nốt đỏ sau gáy đã bị viêm nhiễm và cần được chữa trị dứt điểm.
2.2. Cách xử lý khi bé bị mẩn đỏ sau gáy do bẩm sinh
Với mảng đỏ do bẩm sinh, mẹ chỉ cần tắm cho bé hàng ngày bằng sản phẩm tắm gội chuyên dụng cho bé sơ sinh, cắt móng tay cho bé để hạn chế bé cào, gãi gây xước. Mẩn đỏ sau gáy sẽ mờ dần và hết khi bé được 3 tháng. Sau thời gian này, nếu các nốt mẩn đỏ có dấu hiệu viêm nhiễm, ngứa ngáy, mẹ đưa bé đi thăm khám bác sĩ và kiểm tra ngay vì có thể gây biến chứng nguy hiểm cho bé.
2.3. Cách xử lý bé bị mẩn đỏ sau gáy do thức ăn
Trước tiên, mẹ dừng việc cho bé ăn các chất được cho là dễ gây dị ứng (sữa công thức, đậu,…) và đổi sang loại mới cho bé. Cùng với đó, mẹ vệ sinh sạch sẽ các nốt mẩn đỏ sau gáy để tránh nhiễm khuẩn.
Nếu chăm sóc đúng cách, các nốt mẩn đỏ sẽ lặn dần và khỏi hẳn sau 1- 2 ngày. Trong trường hợp các nốt mẩn bị ngứa ngáy viêm loét, không khỏi sau 1 tuần, mẹ nên đưa bé đi bệnh viện để kiểm tra vì đây là dấu hiệu của viêm nhiễm.
2.4. Cách xử lý bé bị mẩn đỏ do côn trùng cắn
Mẹ làm sạch vùng da bị côn trùng cắn bằng nước sạch để loại bỏ chất độc, đợi khoảng 1 phút cho da con khô hẳn. Tiếp đó, mẹ sử dụng xịt xử lý vấn đề về da xịt vào vùng da mẩn đỏ của bé, giúp giảm đau và giảm cảm giác ngứa ngáy do côn trùng cắn. Lưu ý nhỏ cho mẹ: Mẹ xịt liên tục khoảng 1 – 2 lần/h đến khi con hẳn để đạt hiệu quả tốt nhất nhé!
Cùng với đó, mẹ vệ sinh không gian sống của bé sạch sẽ, tránh cho bé chơi ở nơi ẩm thấp (gốc cây, gần ao, hồ,…) vì đây là nơi muỗi, côn trùng phát triển và sinh sôi nảy nở
2.5. Cách xử lý bé bị mẩn đỏ do sốt phát ban
Mẹ tắm hàng ngày với sản phẩm tắm gội chuyên dụng, thành phần an toàn, lành tính dành cho bé để làm sạch vùng da nổi mẩn đỏ do phát ban. Hạn chế cho bé vận động mạnh ra nhiều mồ hôi, tránh để bé đưa tay lên gãi làm tổn thương vùng da mẩn đỏ mẹ nhé.
Cùng với đó, mẹ bù nước bằng cách cho con bú nhiều sữa hơn bình thường 2 – 3 cữ/ngày hoặc cho con uống nhiều nước (với bé trên 6 tháng) để thanh nhiệt, làm mát tránh nóng bức phát ban thêm.
Bé nổi mẩn do sốt phát sẽ tự khỏi sau 2-3 ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Nếu các nốt mẩn đỏ không lặn, có dấu hiệu lở loét và sốt kéo dài trên 3 ngày, mẹ cần đưa bé đi thăm khám bác sĩ để xử lý kịp thời, tránh viêm nhiễm nguy hiểm.
2.6. Cách xử lý bé bị mẩn đỏ sau gáy do viêm da cơ địa
Với bé viêm da cơ địa, mẹ lưu ý giữ cho vùng da sau gáy con luôn sạch sẽ, khô thoáng và hạn chế sử dụng các loại nước tắm, dầu gội có chứa hóa chất như Paraben, Methylisothiazolinone, chất lưu hương hóa học,… vì rất dễ gây kích ứng. Ngoài ra, hạn chế cho bé ăn và tiếp xúc với 1 số chất dễ gây dị ứng như (đậu, hải sản, thịt bò,…), lông thú cưng, phấn hoa,…
Bé bị mẩn đỏ do viêm da cơ địa sẽ lâu hết hơn so với các nguyên nhân khác, khoảng 1,2 tuần đến vài tháng. Nếu bé bị nhiễm khuẩn với dấu hiệu: Lở loét, mụn mủ, mẹ đưa bé đi thăm khám và kiểm tra ngay.
3. 5 lưu ý khi bé bị mẩn đỏ sau gáy
Mẹ áp dụng thêm 1 số mẹo dưới đây để bé nhanh khỏi hơn nhé!
- Mặc đồ thoáng mát cho con: Mặc đồ rộng rãi, mát mẻ, ưu tiên chất liệu cotton, bamboo,… để hạn chế bí bách, toát mồ hôi gây ngứa ngáy, khó chịu cho bé.
- Vệ sinh sạch sẽ vùng cổ hàng ngày: Tắm rửa sạch sẽ giúp loại bỏ tối đa vi khuẩn, bụi bẩn bám lại sau gáy, tránh viêm nhiễm, bé nhanh khỏi mẩn đỏ hơn.
- Không dùng lá để tắm cho bé: Các loại lá thường chứa lông sâu hoặc hóa chất tăng trưởng, kích thích dễ gây kích ứng da bé hơn.
- Cắt móng tay cho bé: Vì các nốt mẩn đỏ này gây ngứa ngáy rất khó chịu nên bé hay gãi. Tuy nhiên, móng tay bé rất sắc, dễ làm tổn thương thậm chí nhiễm khuẩn vùng da mẩn đỏ. Mẹ cắt móng tay cho bé và tránh để con gãi các nốt mẩn đỏ nhé!
- Không sử dụng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ: Hầu hết thuốc bôi cho bé là kháng sinh, giảm viêm và giảm ngứa, cần có hướng dẫn từ bác sĩ. Những loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, sử dụng sai cách vừa khiến bé không khỏi bệnh vừa gây nhiều rắc rối hơn.
Bé bị mẩn đỏ sau gáy là vấn đề ngoài da thường gặp, không quá nguy hiểm, mẹ bình tĩnh quan sát biểu hiện của con và chăm sóc phù hợp, da con sẽ sớm mịn màng trở lại. Nếu còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận ở dưới để được hỗ trợ nhanh nhất nhé!
Xem thêm: 6 cách xử lý khoa học khi bé bị mẩn đỏ quanh mắt tại nhà