Chăm sóc bé bị nổi mẩn đỏ ở đầu gối thế nào để bé khỏi nhanh? Tất tần tật về nguyên nhân, cách chăm sóc bé bị mẩn đỏ sẽ được “bật mí” ngay trong bài viết dưới đây. Mẹ theo dõi nhé!
Mục lục
1. Nguyên nhân bé bị nổi mẩn đỏ ở đầu gối
Dù không phải vùng da quá nhạy cảm, nhưng đầu gối vẫn là vị trí bé dễ bị nổi mẩn đỏ nhiều nhất. “Thủ phạm” gây nên vấn đề này cho bé bao gồm:
1.1. Viêm da tiếp xúc
Đầu gối là vùng da bé tiếp xúc nhiều với các bề mặt như mặt sàn, mặt đất. Điều này làm gia tăng nguy cơ tiếp xúc với các tác nhân gây viêm da, vi khuẩn, bụi bẩn,… khiến da đầu gối bị kích ứng, dị ứng, dẫn đến nổi mẩn đỏ.
Thông thường tình trạng này không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng có thể gây ngứa ngáy, khó chịu khiến bé dùng móng tay gãi, cào gây tổn thương da, nhiễm trùng.
Các biểu hiện khi bé bị viêm da tiếp xúc bao gồm:
- Nổi mẩn từng mảng gây ngứa, khó chịu
- Sưng đỏ, đau rát,…
- Các nốt mẩn có thể rỉ nước, đóng vảy rồi bong tróc
- Da bị khô, nứt nẻ, sần sùi hoặc sạm đen
- Trường hợp nghiêm trọng có thể phồng rộp, viêm loét
1.2. Viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng là một trong những “thủ phạm” khiến bé nhà mình bị nổi mẩn đỏ ở đầu gối. Các tác nhân gây dị ứng bao gồm: Thời tiết, bụi bẩn, lông động vật, hóa chất,… khiến cơ thể kích ứng, sản sinh dư thừa histamin gây phát ban, nổi mẩn đỏ trên da.
Một số biểu hiện của viêm da dị ứng bao gồm:
- Vùng da xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ li ti, gây ngứa, rát
- Các nốt mẩn có thể rỉ nước, đóng vảy rồi bong tróc
- Da bị khô, nứt nẻ, sần sùi
- Có triệu chứng sưng tấy, loét da
1.3. Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là một vấn đề về da rất dễ gặp với biểu hiện: nổi mẩn đỏ, sưng, ngứa rát, bong tróc da,…. Các chuyên gia da liễu chưa xác định chính xác nguyên nhân của tình trạng này, khả năng cao là do các tuyến mồ hôi, dầu trên da bé không hoạt động bình thường.
Viêm da cơ địa có thể di truyền, tiến triển thành mãn tính và tái lại nhiều lần khi tiếp xúc với tác nhân kích ứng.
1.4. Bệnh chàm
Tình trạng nổi mẩn đỏ ở đầu gối cũng có thể do bệnh chàm da gây nên. Bệnh chàm do di truyền từ bố mẹ, ông bà hoặc do bé tiếp xúc với hóa chất, bụi bẩn, lông động vật,…
Các biểu hiện của bệnh chàm như: Nổi ban đỏ li ti hoặc thành mảng, ngứa rát hoặc nổi mụn nước. Khi nốt mụn nước vỡ ra có thể chảy dịch vàng, đóng vảy rồi bong tróc để lại thâm, sẹo. Giai đoạn nặng da bé có thể bị bong tróc, nứt nẻ, sưng tấy, tạo mủ, rối loạn sắc tố da,…
1.5. Bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ cũng là một vấn đề về da thường gặp, do bé tiếp xúc với trứng hoặc cái ghẻ từ người bị ghẻ, nguồn nước ô nhiễm, nơi ở thiếu vệ sinh,… Bệnh ghẻ rất dễ lan rộng trên da hoặc lây sang người khác nếu không được điều trị kịp thời.
Nổi mẩn đỏ ở đầu gối là một trong những biểu hiện của bệnh ghẻ, ngoài ra có thêm các dấu hiệu để mẹ dễ nhận biết:
- Nổi mụn nước rải rác trên da
- Ngứa ngáy dữ dội nhất là vào ban đêm
- Xuất hiện những vết xước, vảy trên da, có thể có mủ
- Trường hợp nặng: da bé bị viêm loét, nhiễm trùng.
2. Bé bị nổi mẩn đỏ ở đầu gối có nguy hiểm không?
Nổi mẩn đỏ ở đầu gối là vấn đề ngoài da thông thường, không quá nguy hiểm đến sức khỏe của bé. Tuy nhiên, mẹ cần cắt móng tay cho bé 1 tuần/lần, tránh để bé gãi, cào làm xước các nốt mẩn đỏ khiến vi khuẩn xâm nhập gây viêm loét, nhiễm trùng.
Nếu bé nổi mẩn đỏ ở đầu gối kèm theo các biểu hiện viêm nhiễm nguy hiểm như: mụn mủ, lở loét, sốt cao trên 39 độ C,… mẹ hãy nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra và xử lý kịp thời.
3. Cách chăm sóc bé khi bị mẩn đỏ ở đầu gối
Bí kíp dưới đây sẽ giúp bé nhà mình “bai bai” mẩn đỏ nhanh nhất đó ạ!
- Giữ vùng da đầu gối của bé sạch sẽ: Khi tắm cho bé, mẹ nhẹ nhàng rửa kỹ đầu gối để làm sạch bụi bẩn, vi khuẩn. Mẹ ưu tiên sử dụng sản phẩm tắm gội chuyên dụng cho bé có thành phần tự nhiên, chứa chất kháng khuẩn để bảo vệ da con tốt nhất.
- Đảm bảo môi trường xung quanh bé sạch sẽ: Mẹ vệ sinh sàn nhà, chăn gối,… hàng ngày, nhất là khi bé đang tập bò. Cùng với đó, hạn chế cho bé chơi ở khu vực không đảm bảo vệ sinh: Nhiều bụi bẩn, đất cát,… để tránh vi khuẩn, bụi bẩn tiếp xúc với da bé.
- Bổ sung nước cho bé: Nếu bé dưới 6 tháng, mẹ cho bé bú nhiều hơn 2 – 3 cữ so với bình thường để bổ sung nước cho bé. Với bé lớn hơn, mẹ bổ sung thêm khoảng 300 – 500ml nước trái cây hoặc nước lọc so với bình thường mẹ nhé!
- Bổ sung chế độ ăn thanh mát: Xây dựng thực đơn “xanh” cho bé từ những thực phẩm có lợi như: sữa chua, rau xanh, hoa quả
Lưu ý khi bé bị nổi mẩn đỏ ở đầu gối:
- Hạn chế để bé gãi hoặc chà xát vùng da bị nổi mẩn khiến da bị tổn thương, viêm nhiễm. Tốt nhất, mẹ cắt móng tay cho con 1 tuần/lần mẹ nhé!
- Không tắm cho bé bằng nước quá nóng (trên 40 độ) để tránh vùng da mẩn đỏ bị khô hay bong tróc. Nên sử dụng nước ấm khoảng 38 độ C.
- Giữ không gian xung quanh bé sạch sẽ, thoáng mát bằng cách vệ sinh nhà cửa, giặt chăn chiếu thường xuyên,…
- Lựa chọn các sản phẩm tắm gội và chăm sóc da thiên nhiên không chứa hương liệu hóa học, chất tẩy rửa,…
4. Khi nào cần đưa bé thăm khám bác sĩ
Các trường hợp nổi mẩn đỏ ở đầu gối thông thường có thể hết sau vài giờ đến 1 hoặc 2 ngày. Tuy nhiên, mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ khi bé có các dấu hiệu bất thường sau:
- Vùng da mẩn đỏ bị ngứa dữ dội hoặc ngày càng lan rộng và nặng hơn
- Xuất hiện các nốt mụn nhọt tiết dịch, mủ
- Vùng da bị nổi mẩn đỏ có dấu hiệu sưng tấy, nhiễm trùng.
- Mẩn đỏ kèm sốt kéo dài sau 3-5 ngày không thuyên giảm.
Đây là các dấu hiệu của viêm nhiễm nguy hiểm, mẹ đưa bé đi khám để kịp thời phát hiện và chăm sóc nhé.
Có nhiều nguyên nhân khiến bé bị nổi mẩn đỏ ở đầu gối. Bình tĩnh để xác định đúng con đang gặp phải vấn đề gì và chăm sóc đúng cách, bé nhà mình sẽ sớm khỏi, da con lại mịn màng trở lai ngay thôi ạ!
Nếu còn băn khoăn, mẹ hãy để lại bình luận ở bên dưới để được hỗ trợ mẹ nhé!