Dấu hiệu chuyển dạ sớm bắt đầu từ khi nào? Những dấu hiệu này khác gì với dấu hiệu chuyển dạ thực sự? Khi nào mẹ nên bắt đầu đến bệnh viện để sinh bé? Tất cả câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Dấu hiệu chuyển dạ sớm như thế nào?
Cho đến một tuần trước khi bắt đầu chuyển dạ, mẹ có thể cảm thấy cơ thể hơi khác. Điều này là do những thay đổi đang diễn ra trong cơ thể mẹ khi đã gần đến kì sinh nở. Những dấu hiệu này không tuân theo một quy luật nào hay giống nhau hoàn toàn ở mỗi mẹ bầu. Tuy nhiên thường gặp có một số dấu hiệu chuyển dạ sớm sau:
1.1. Dịch nhầy cổ tử cung
Chất nhầy cổ tử cung tăng nhiều vào giai đoạn cuối thai kì. Mẹ sẽ phát hiện có chất nhầy hồng tiết ra nhiều và thường xuyên ở âm đạo khoảng 1-2 tuần trước ngày dự kiến sinh. Biểu hiện này có thể rõ rệt nhất vào ngay trước ngày chuyển dạ. Đây là biểu hiện sẵn sàng của cổ tử cung cho cuộc chuyển dạ của mẹ.
1.2. Bụng bầu thấp xuống
Dấu hiệu này khá rõ ở những bà mẹ mang thai con so. Bụng bầu thấp xuống thực chất là do thai nhi di chuyển thấp xuống về gần với khung chậu mẹ. Mẹ có thể cảm thấy dễ chịu hơn do thai nhi ở thấp giảm áp lực lên cơ hoành, khiến mẹ dễ thở hơn.
1.3. Đau lưng – Chuột rút
Đây là dấu hiệu chuyển dạ sớm rất thường gặp. Cảm giác đau lưng ở cuối thai kì gây ra rất nhiều mệt mỏi cho mẹ . Càng gần chuyển dạ, mẹ có thể cảm thấy đau muốn gãy lưng. Mặt khác do sự giãn nở của các khớp trước chuyển dạ và sự thấp xuống của thai, mẹ có thể bị chuột rút. Để cải thiện phần nào những đau đớn này, mẹ nên đi dạo nhẹ nhàng, ngủ nghỉ hợp lý.
1.4. Đi ngoài phân lỏng hoặc cảm giác mót đi ngoài nhiều hơn
Nguyên nhân của hiện tượng này là do thai xuống thấp chèn ép vào trực tràng và bàng quang. Hai bộ phận này bị chèn ép gây kích thích đi ngoài. Mẹ không nên quá hoang mang và lo lắng. Tuy nhiên nếu tình trạng này khiến mẹ giảm cân, mệt mỏi, khát nước và ăn uống kém thì mẹ nên đi khám vì có thể đây là biểu hiện bất thường của hệ tiêu hoá mẹ.
1.5. Cơn co thắt tăng dần
Có lẽ đây là cảm giác rõ rệt nhất của mẹ bầu. Nếu như trong suốt thai kì, bụng mẹ đã có những cơn gò thì càng về tháng cuối, những cơn gò này càng thắt mạnh hơn và gây đau nhiều hơn cho mẹ. Tuy nhiên khác với dấu hiệu chuyển dạ thật sự, những cơn gò này không xuất hiện liên tục. Chúng đến thường xuyên hơn, gây đau nhiều hơn nhưng không dồn dập liên tục và kéo dài.
2. Dấu hiệu chuyển dạ sớm khởi phát do đâu?
Cơ chế khởi phát nói chung của những biểu hiện này là chưa rõ ràng. Ảnh hưởng đến những dấu hiệu này là hormone tự nhiên của cơ thể (thường là vai trò của oxytocin). Cảm xúc của mẹ và tác động từ môi trường ngoài cũng ảnh hưởng đến hoạt động của hormone. Vì vậy mẹ nên luyện tập những bài tập thư giãn và bài tập thở để điều tiết tốt hơn cả về cảm xúc lẫn thể chất.
Sự vận động, tư thế và sự phát triển của em bé cũng ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ ở giai đoạn trước chuyển dạ này. Thai nhi thường quay về ngôi xuôi khi vào cuối tháng thứ 8 đầu tháng thứ 9.
Tìm hiểu thêm về cơ chế sinh lý của chuyển dạ tại đây.
3. Làm gì khi có những dấu hiệu chuyển dạ sớm nhất?
Những dấu hiệu chuyển dạ sớm không những khiến mẹ mệt mỏi mà còn làm mẹ lo lắng. Càng về cuối thai kì mẹ càng nhạy cảm với các dấu hiệu cơ thể. Tuy nhiên vào tuần thai từ 36 đến 40, khi bụng bầu đã rất lớn, việc thường xuyên di chuyển giữa nhà và bệnh viện có thể khiến mẹ càng mệt. Mặt khác những dấu hiệu trên chỉ là biểu hiện sinh lý báo hiệu gần đến ngày chuyển dạ. Đây cũng là lúc mẹ có thể chuẩn bị cho hành trình chuyển dạ của mình. Vậy với những biểu hiện nào thì cần đưa mẹ đến bệnh viện ngay?
3.1. Dấu hiệu chuyển dạ thực sự
Những dấu hiệu chuyển dạ thật sự hay gặp nhất gồm: ra nhầy hồng âm đạo, đau bụng từng cơn tăng dần. Trong vòng 10 phút khi có 2 cơn đau trở lên, mức độ đau cũng tăng lên rõ rệt, đó là dấu hiệu rõ ràng của chuyển dạ. Khi đó cho dù nghỉ ngơi mẹ cũng không cảm thấy đỡ đau. Các cơn gò dày lên theo thời gian và kéo dài cả phút. Mẹ cảm thấy như muốn gãy lưng. Mẹ bầu đã có kinh nghiệm sinh bé sẽ cảm thấy bụng xuống thấp rõ hơn khi gần chuyển dạ. Còn nếu như cơn đau bụng rời rạc và không liên tục, thay đổi về cường độ, mẹ có thể nghỉ ngơi, theo dõi tại nhà.
Một số trường hợp rỉ ối hoặc vỡ ối, mẹ thấy nước rỉ hoặc chảy ra từ âm đạo, cần đến bệnh viện ngay. Chuyển dạ không thể trì hoãn khi có vỡ ối.
Tìm hiểu thêm về dấu hiệu chuyển dạ tại đây.
3.2. Các dấu hiệu nguy hiểm
Đây là những dấu hiệu mà dù mẹ dù đang ở tuổi thai nào đều cần đi khám ngay. Càng về tháng cuối, những dấu hiệu này càng quan trọng:
- Rỉ nước âm đạo màu đen/xanh hoặc vẩn đục: biểu hiện vỡ ối, nước ối có lẫn phân su của bé. Cho thấy tình trạng bé có thể đã hít phải phân su.
- Ra máu âm đạo đỏ tươi (có thể lẫn máu cục hoặc không): nguy cơ rau bong non hoặc rau tiền đạo chảy máu.
- Đau bụng dữ dội liên tục và/hoặc bụng căng cứng: nguy cơ rau bong non hoặc doạ vỡ/vỡ tử cung
- Thai ít cử động hơn hoặc không cảm thấy thai cử động trong ngày: nguy cơ thai suy, bị yếu hoặc có thể đã lưu. Mẹ cần giữ bình tĩnh và đi khám ngay lập tức.
- Dấu hiệu chuyển dạ thực sự khi thai còn non tháng (dưới 37 tuần): nguy cơ mẹ sinh non cần có sự hỗ trợ của bác sĩ.
Như vậy, khi thấy những dấu hiệu chuyển dạ sớm, mẹ nên bình tĩnh theo dõi. Thăm khám định kì trong suốt quá trình mang bầu để theo sát tình trạng của em bé, bánh rau và dây rốn rất quan trọng. Ngay khi có biểu hiện nguy hiểm, mẹ cần đến cơ sở chuyên khoa để khám kịp thời. Mamamy hi vọng những lưu ý quan trọng trên giúp mẹ sẵn sàng và sinh bé thuận lợi!
Nguồn tham khảo: https://www.nct.org.uk/labour-birth/your-guide-labour/early-signs-labour