Bé yêu hay thức giấc giữa đêm, quấy khóc đòi bú, thấy bé thấp còi nên mẹ muốn bổ sung thêm cữ sữa đêm cho con, nhưng có nên cho bé uống sữa đêm hay không mẹ nhỉ? Theo Andrina Wilson, chuyên viên giấc ngủ người Anh, mẹ nên cho bé ti sữa đêm để đảm bảo bé được bổ sung đầy đủ dưỡng chất và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, mẹ cần hiểu đúng, tùy thuộc vào độ tuổi của bé mà có sự điều chỉnh thích hợp. Tham khảo giải đáp cụ thể của chuyên gia về vấn đề này để nắm rõ hơn và thực hiện cho đúng mẹ nhé!
Mục lục
1. 4 Lợi ích nên cho trẻ uống sữa đêm
Cho bé uống sữa đêm mang lại cực nhiều lợi ích thiết thực nếu mẹ thực hiện đúng cách. Cụ thể:
1.1. Kích thích mẹ tạo sữa nhiều hơn
Khi mẹ cho bé bú vào ban đêm, cơ thể sẽ sản xuất một lượng lớn prolactin – hormone tạo sữa giúp lượng sữa mẹ dồi dào, ổn định và nhiều dưỡng chất hơn.
1.2. Nhắc nhở bé đã đến giờ đi ngủ
Sữa mẹ mang đến vô vàn điều kỳ diệu. Một trong số đó là khả năng nhắc nhở bé đi ngủ. Sữa mẹ được sản xuất vào buổi tối có chứa tryptophan, khi bé bú sữa, chất này sẽ báo hiệu đến não bộ của bé yêu là đã đến giờ đi ngủ, giúp con nhanh chóng chìm vào giấc ngủ ngon.
1.3. Hạn chế hạ đường huyết ở bé
Trong suốt đêm dài, cơ thể bé không được nạp đủ đường thì dễ dẫn đến tình trạng hạ đường huyết. Vấn đề này nếu kéo dài dai dẳng sẽ ảnh hưởng đến não bộ của bé. Cho bé bú sữa đêm đúng cách sẽ giúp mẹ gạt bỏ nỗi lo này. Bởi mỗi 100ml sữa mẹ có chứa đến 6,7g carbohydrate (ở sữa công thức là 8g/100ml), lượng đường này giúp ngăn ngừa tình trạng hạ đường huyết ở bé và cung cấp năng lượng dồi dào cho bé phát triển khoẻ mạnh.
1.4. Bé ngủ ngon hơn
Sữa mẹ tạo ra vào buổi tối có chứa nhiều acid amin, khi vào cơ thể bé sẽ chuyển hóa thành melatonin điều hòa giấc ngủ, giúp bé ngủ thật ngon suốt đêm đó ạ.
2. 3 Tác hại của uống sữa đêm nhiều
Ngoài những lợi ích khi cho bé uống sữa đêm thì nhiều mẹ vẫn còn rất băn khoăn về trẻ uống sữa đêm nhiều có tốt không cũng như tác hại của uống sữa đêm. Không thể phủ nhận lợi ích của việc cho bé uống sữa đêm, tuy nhiên nếu mẹ không thực hiện đúng cách và đúng độ tuổi, trên 12 tháng rồi mà mẹ vẫn cho bé bú sữa đêm sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe con:
2.1. Gây sâu răng cho bé
Bé được từ 5 – 6 tháng tuổi sẽ bắt đầu mọc răng và đến tháng thứ 9, bé đã có 1 hàm răng xinh xắn rồi. Khi bé mọc răng, nếu mẹ cho bé uống sữa vào ban đêm mà không vệ sinh đúng cách sẽ ảnh hưởng đến men răng, khiến bé bị sâu răng, nhiều khả năng còn gây viêm lợi cho bé nữa. Lượng đường có trong sữa sẽ bị vi khuẩn trong miệng biến đổi thành axit, gây tổn thương cho răng của bé yêu đó ạ.
2.2. Bé dễ bị sặc, nghẹn sữa
Nếu mẹ cho bé nằm ti sữa không đúng cách, sữa khó di chuyển từ miệng bé vào dạ dày, dễ bị trào ngược trở lại gây ra tình trạng nôn trớ và sặc sữa ở bé. Đồng thời, khi còn nhỏ hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa hoàn chỉnh, bé uống sữa xong không vận động thì sữa khó tiêu hóa hết, bé sẽ bị đầy hơi và nôn ói.
2.3. Bé đi tiểu đêm, bé tè dầm
Sữa mẹ có chứa tới 87% nước, lượng nước trong sữa công thức sau khi pha cũng nằm trong khoảng 80 – 85%. Mỗi khi bé bú đêm, cơ thể sẽ tiếp nhận một lượng lớn nước nên bé tè dầm và tiểu đêm nhiều. Nếu mẹ không kịp thời thay tã và vệ sinh sạch sẽ, bé dễ bị hăm tã, nổi mẩn đỏ, ngứa và khó chịu lắm ạ.
Ở giai đoạn sơ sinh, bé vẫn cần ti đêm để đủ lượng sữa và dưỡng chất cần thiết cho cơ thể mẹ cần lưu ý thực hiện đúng cách và phù hợp với độ tuổi của con. Mẹ xem ngay hướng dẫn cho bé uống sữa đêm theo từng độ tuổi sau đây để bé yêu luôn khỏe mạnh và hạn chế các tác hại xấu nhé.
3. Hướng dẫn mẹ cho bé uống sữa đêm theo từng độ tuổi
Mỗi giai đoạn phát triển, bé cần được bổ sung một lượng sữa khác nhau. Lúc 1 tháng tuổi con chỉ cần khoảng 200ml sữa/ngày nhưng đến 5 tháng tuổi, mỗi ngày con cần được nạp 500ml sữa mới đủ để con lớn khỏe, phát triển toàn diện. Tùy theo lượng sữa con cần mỗi ngày mà mẹ phân bố cho phù hợp các cữ sữa ban ngày và ban đêm. Dưới đây là hướng dẫn mẹ cho bé uống sữa đêm đúng và đủ theo từng độ tuổi.
3.1. Bé từ 0 – 3 tháng tuổi
Bé ở giai đoạn này rất cần được mẹ bổ sung sữa vào ban đêm. Bé sẽ tỉnh giấc sau 2 – 3 giờ đồng hồ để bú và ngủ trở lại, nếu không được bú con sẽ rất đói và chậm phát triển. Tùy thuộc vào việc bé ti sữa mẹ hay sữa công thức mà mẹ cân đối cữ sữa đêm cho phù hợp, vì sữa công thức sẽ tiêu hóa chậm hơn sữa mẹ do có chứa nhiều casein. Mẹ tham khảo tần suất cho bé bú sữa đêm được chuyên gia khuyến cáo này nhé:
- Bé ti sữa mẹ: Mỗi đêm mẹ cho con ti sữa 3 – 5 lần, mỗi lần uống 30 – 40ml sữa
- Bé ti sữa công thức: Mẹ cho con bú 2 – 4 lần/đêm với lượng sữa 40 – 50ml/lần
Khi cho con bú đêm, mẹ nhẹ nhàng bế con lên, đặt trên tay sao cho con có điểm tựa vững và nằm thoải mái nhất. Sau đó mới đưa ti mẹ hoặc bình sữa lại gần cho con bú. Bé uống xong mẹ vỗ nhẹ vào lưng bé thêm 3 – 5 phút để bé ngủ trở lại rồi mới đặt bé nằm lại trên nôi, nếu không bé sẽ khó ngủ và dễ quấy khóc đó ạ.
3.2. Bé từ 4 – 5 tháng tuổi
Bé được 4 – 5 tháng tuổi đã có hệ tiêu hóa hoàn thiện hơn so với giai đoạn trước đó. Khả năng dự trữ của dạ dày cũng tốt hơn nên bé ngủ được một mạch 4 – 5 tiếng không cần bú. Thường bé chỉ tỉnh lại khoảng 2 lần/đêm để nạp sữa, rồi ngủ lại ngay sau đó. Giai đoạn này sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu nên mẹ vẫn duy trì cho con bú sữa đêm mẹ nhé. Dưỡng chất trong sữa sẽ giúp bé khỏe mạnh và có sức lực hơn vào sáng hôm sau. Mẹ cho bé uống theo tần suất này là vừa đủ:
- Bé ti sữa mẹ: Mỗi đêm mẹ cho con ti sữa 2 – 3 lần, mỗi lần uống 30 – 40ml sữa
- Bé ti sữa công thức: Mẹ cho con bú 1 – 2 lần/đêm với lượng sữa 40 – 50ml/lần
Mỗi đêm, mẹ chỉ cần nạp khoảng 2 – 3 lần sữa cho con là con đã no căng và ngủ đến tận sáng rồi. Riêng đối với bé ti sữa công thức, mẹ lưu ý chọn loại bình có công dụng chống đầy hơi và chống sặc để hạn chế con bị sặc sữa và nôn trớ khi bú mẹ nhé.
Để cho con bú đúng cách, mẹ bế con lên và đặt đầu con tựa vào tay mẹ, ôm con vào lòng để con có điểm tựa vững chắc, sau đó mới đưa ti mẹ (bình sữa) lại gần cho bé ti. Bé ti xong mẹ vỗ ợ hơi cho bé bằng cách bế bé thẳng lưng, áp ngực vào một bên ngực mẹ, mặt bé kê lên vai rồi vỗ nhẹ lưng để “tống khứ” hết khí thừa ra ngoài, con dễ chịu và ngủ trở lại nhanh hơn nhé.
3.2. Bé từ 6 tháng tuổi trở lên
Đến độ tuổi này con đã ngủ được giấc dài và ít khi tỉnh giấc vào ban đêm, bé cũng đã mọc răng nên mẹ hạn chế cho con bú đêm nhé. Mẹ làm thế sẽ khiến con quen, mẹ khó đưa con về lịch trình nghỉ ngơi khoa học, bú đêm còn làm con sâu răng, tè dầm nữa. Nếu con đòi khóc vì thèm sữa, mẹ vẫn cho con bú nhưng giảm dần lượng sữa và thực hiện cai sữa đêm cho con theo hướng dẫn sau:
- Bé ti sữa mẹ: Mỗi đêm mẹ cho con ti sữa 1 – 2 lần, mỗi lần uống khoảng 30ml sữa
- Bé ti sữa công thức: Mẹ ngưng cữ sữa đêm để con ngủ một giấc đến tận sáng
Với bé uống sữa công thức từ tháng thứ 6, mẹ bắt đầu tập cai sữa đêm cho con vì sữa công thức tiêu hóa chậm, con ngủ được nguyên đêm, không cần nạp thêm sữa mà vẫn no. Đối với bé ti sữa mẹ, mẹ vẫn tiếp tục cho bé ti đêm nhưng giảm tần suất xuống, chỉ 1 – 2 lần/đêm, con vừa hấp thu được đầy đủ dưỡng chất cần thiết, vừa không bị “ỉ lại” vào ti đêm gây ảnh hưởng tiêu cực đến con. Kéo dài quá trình ti mẹ đến khi bé 12 tháng tuổi là mẹ thực hiện các biện pháp cai sữa đêm nhé. Để có cách cai sữa phù hợp với bé yêu và hiệu quả tốt, mẹ tham khảo bài viết Cách cai sữa đêm cho bé để hiểu rõ và thực hiện cho đúng nhé.
4. Thời điểm mẹ nên cai sữa đêm cho bé
Đến một độ tuổi nhất định, mẹ vẫn cần cai sữa đêm cho con để hạn chế các tác hại do việc bú sữa đêm gây ra, đồng thời tạo thói quen sinh hoạt khoa học cho con, không tỉnh dậy giữa đêm để bú sữa nữa. Tùy theo độ tuổi và thể trạng của con mà mẹ chọn thời điểm cai sữa phù hợp nhé.
4.1. Căn cứ vào độ tuổi của bé
Bé ti sữa công thức từ 6 tháng tuổi là đã ngủ được giấc dài đến tận sáng mà không cần bú đêm. Mẹ nên cai sữa để tránh con quen với việc thức dậy giữa đêm, sau này dễ thiết lập lịch trình ăn uống – nghỉ ngơi hợp lý cho con mẹ nhé.
Với bé ti sữa mẹ, khi con được 12 tháng tuổi mẹ mới cai sữa cho con nhé. Nếu cai sớm hơn, cơ thể con không được hấp thụ các dưỡng chất chỉ có trong sữa mẹ như prolactin, thyroid, oxytocin. Những chất dinh dưỡng này giúp cân bằng sinh hóa, giữ cho các cơ quan hoạt động trơn tru và hơn 40 loại enzym có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch cho bé đó ạ.
4.2. Căn cứ vào thể trạng của con
Thể trạng của con cũng ảnh hưởng đến thời gian mẹ thực hiện bỏ cữ sữa đêm đó ạ. Mẹ cần đảm bảo bé khỏe mạnh, đạt chuẩn chiều cao – cân nặng, bé không bị ốm, cảm lạnh thì mới tiến hành cai sữa đêm nhé.
Lúc ốm, con mệt mỏi, quấy khóc và cần được an ủi, vỗ về. Mẹ cai sữa vào thời điểm này dễ làm con nhầm tưởng rằng mẹ không thương con nên mới không cho con uống, tạo tâm lý bất an. Ở giai đoạn nhạy cảm này, bé cần được nạp dưỡng chất từ sữa để no bụng và cải thiện hệ miễn dịch, con sẽ mau khỏi bệnh hơn đó ạ.
Trường hợp bé gầy ốm, thấp còi, mẹ vẫn duy trì cữ sữa đêm cho con nhưng tần suất rất ít, chỉ 1 lần/đêm để bổ sung dinh dưỡng cho con. Tuy nhiên, uống sữa đêm chỉ là giải pháp tạm thời, mẹ không nên kéo dài quá lâu đâu ạ. Khi con đến độ tuổi cần cai sữa đêm nhưng con không đáp ứng được điều kiện thể chất, mẹ cho con ti sữa đêm tối đa thêm 2 – 3 tuần nữa là dừng và tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng.
Nếu vẫn không thấy bé cải thiện về cân nặng hay chiều cao, mẹ chuyển sang các phương pháp khác như ăn dặm, ti thêm sữa vào ban ngày,… để cung cấp dinh dưỡng cho con cao lớn chứ không phụ thuộc vào bú đêm nữa nhé.
5. 5 lưu ý quan trọng khi mẹ cho bé uống sữa đêm
Trẻ uống sữa đêm có tốt không còn phục thuộc vào mẹ có biết cách cho con bú đúng cách nữa không đấy ạ. Khi cho bé uống sữa đêm, mẹ cần thực hiện đúng cách để giảm thiểu thấp nhất các tác dụng không mong muốn do bú đêm gây ra cho bé, đồng thời tăng hiệu quả cữ bú đêm, giúp con thêm mập mạp và bụ bẫm. Dưới đây là 5 lưu ý quan trọng sẽ hỗ trợ mẹ cho bé bú đêm đúng cách, chuẩn chuyên gia, mẹ tham khảo nhé:
5.1. Cho bé nằm đúng tư thế
Vấn đề thường gặp nhất lúc mẹ cho bé ti sữa đêm là bé bị sặc sữa, nôn ói. Nhiều khả năng là do mẹ chưa cho bé nằm đúng tư thế khi bú đêm đó ạ. Việc nằm đúng tư thế khiến bé thoải mái, dòng chảy của sữa trôi chảy hơn, hạn chế tối đa tình trạng sữa bị nghẹn lại ở cổ làm bé nôn ói, sặc sữa. Khi nằm thoải mái, bé yêu cũng ti sữa nhanh hơn và dễ dàng ngủ lại sau đó. Mẹ tham khảo thêm cách bế bé sau khi bú để bé yêu nhanh “say giấc nồng” và không quậy phá, khóc nhè mỗi khi măm măm vào buổi đêm nhé.
5.2. Tránh mở đèn khi cho bé bú đêm
Việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm khiến não bộ của bé hoạt động liên tục và khó đi vào trạng thái nghỉ ngơi, bé không ngủ trở lại được nên quấy phá và cáu kỉnh. Trước khi ngủ, mẹ nên tắt hết các đèn lớn, chỉ giữ lại ngọn đèn ngủ màu vàng nhẹ dịu. Khi thức dậy cho bé bú đêm, mẹ thao tác thật nhẹ nhàng, không bật thêm đèn và tránh tiếng động mạnh để tạo không gian yên tĩnh, bé dễ chìm vào giấc ngủ hơn nhé.
5.3. Mẹ chuẩn bị sẵn bình nước, khăn tã trước khi ngủ
Trước khi đi ngủ, mẹ chuẩn bị sẵn bình nước để pha sữa và khăn tã để thay rửa, vệ sinh cho bé yêu, rồi đặt gọn ở nơi mẹ dễ với lấy, ví dụ như kệ đầu giường. Như vậy thì lúc bé cựa quậy dậy để nạp thêm sữa, mẹ chỉ cần với tay lên kệ để lấy thôi. Nếu con đi tè nhiều, thấy tã đã nặng mẹ cũng dễ dàng thay tã cho con, tránh để lâu con bị hăm tã và nổi mẩn đỏ.
5.4. Mẹ mặc quần áo thoải mái
Mẹ nên mặc quần áo thật thoải mái để thao tác nhanh hơn khi con đòi ti sữa, giúp mẹ hoạt động tay chân dễ dàng, không bị gò bó khó chịu. Mẹ lựa chọn đồ bộ pijama hoặc áo thun rộng kết hợp váy bo chun, vừa gọn gàng lại dễ chăm bé mẹ nhé.
5.5. Vệ sinh răng miệng thật kỹ cho bé
Sâu răng là vấn đề mẹ lo lắng nhất nên nhiều mẹ không biết có nên cho bé uống sữa đêm không. Nhưng không sao đâu mẹ ạ, chỉ cần vệ sinh răng miệng thật kỹ cho bé sau khi bú đêm là sẽ “đánh bay” hết vi khuẩn gây sâu răng luôn.
Sau khi bé măm măm xong, mẹ cho bé uống 1 – 2 muỗng cà phê nước sạch, dùng gạc để lau nhẹ nướu, lưỡi và lau kỹ xung quanh răng bé. Mẹ chỉ lau những chỗ này thôi, không lau quá sâu vào vùng đáy lưỡi sẽ kích thích co bóp cơ hầu họng, dễ làm bé bị nôn sữa ra. Mẹ xem thêm bài viết cách vệ sinh răng miệng cho bé chuẩn y khoa để hiểu rõ hơn và vận dụng cho đúng, giúp răng miệng bé yêu luôn sạch khuẩn, nói không với sâu răng mẹ nhé.
Vậy là đọc xong bài viết này, mẹ đã biết có nên cho bé uống sữa đêm hay không rồi. Mẹ nhớ cho con ti sữa đêm tùy theo độ tuổi, thể trạng của bé và các lưu ý trên để cho bé uống sữa đêm đạt hiệu quả tốt, bé ngày càng bụ bẫm, khỏe mạnh. Nếu vẫn còn băn khoăn về trẻ uống sữa đêm có tốt không, mẹ để lại bình luận ngay bên dưới để Góc của mẹ hỗ trợ mẹ kịp thời nhé. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh và có nhiều niềm vui!