Ăn dặm là một trong những mốc thời gian quan trọng bậc nhất trong quá trình nuôi dạy bé. Thế nhưng vì nhiều lý do mà bé yêu thường biếng ăn, ăn nhiều nhưng vẫn chậm tăng cân, nhẹ cân khiến mẹ lo lắng không yên. Hiểu được điều này, Góc của mẹ gợi ý thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng nhẹ cân chuẩn khoa học, mẹ an tâm cho con măm măm nhé!
Mục lục
1. Bé nhà mình có thực sự nhẹ cân so với tuổi?
Mẹ thấy bé đồng trang lứa nặng cân, mũm mĩm hơn bé nhà mình thì lòng bồn chồn, lo lắng, chắc mẩm do con nhẹ cân, không phát triển bằng các bạn. Sự thật chưa chắc thế đâu mẹ ạ. Con trông nhẹ cân có thể là do con thuộc tạng người chắc thịt hoặc những bé khác có số cân quá mức cho phép. Mẹ không nên suy đoán mà cần căn cứ vào cân nặng chuẩn dành cho bé 6 tháng tuổi dưới đây nhé:
- Bé trai 6 tháng tuổi: cân nặng tiêu chuẩn khoảng 7,1 – 8,9 kg
- Bé gái 6 tháng tuổi: cân nặng tiêu chuẩn khoảng 6,5 – 8,3 kg
Nếu bé không đạt được mức cân nặng này chứng tỏ bé nhẹ cân so với độ tuổi 6 tháng. Lúc này mẹ tìm hiểu rõ nguyên nhân để có hướng điều chỉnh thực đơn phù hợp cho con.
Xem thêm:
- Cách làm bánh ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi.
- cách nấu bột ăn dặm cho trẻ 7 tháng tuổi.
- Ăn dặm kiểu nhật 7 tháng tuổi của các bé mà mẹ cần biết.
2. Bé nhẹ cân, mẹ cần nắm rõ nguyên nhân
Mẹ thường xót xa khi con mình ốm yếu hơn những bé cùng tuổi khác, mẹ sợ con không phát triển bằng bạn bằng bè nên có khi “nhồi nhét” những món ăn dinh dưỡng. Điều này không tốt chút nào, thậm chí là phản tác dụng đấy mẹ ạ! Thay vào đó, mẹ nên xác định nguyên nhân con nhẹ cân trước rồi mới điều chỉnh thực đơn phù hợp.
Mẹ cũng không nên cứng nhắc bổ sung các nhóm chất mà nên xem con thiếu chất gì để bổ sung đúng, đủ và hợp lý. Nhìn chung, có 4 nguyên nhân chính làm con nhẹ cân, ăn mãi không béo, cơ thể ốm yếu, gầy gò:
2.1. Hệ tiêu hóa bị rối loạn
1 – Nguyên nhân
Mẹ cho bé làm quen với việc ăn dặm trước 6 tháng tuổi sẽ khiến hệ tiêu hóa quá tải, không hấp thụ được chất dinh dưỡng, con đầy bụng, đi ngoài liên tục và sụt cân, ăn mãi không lớn. Việc bé đang dùng sữa nhưng mẹ đột ngột chuyển sang loại thức ăn khác cũng sẽ tạo áp lực “cực đại” lên dạ dày của bé.
Bởi lúc này dạ dày con chưa có khả năng co bóp trơn tru, khiến bộ máy tiêu hóa gặp một vài trục trặc không đáng có như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu. Không những vậy, ăn dặm quá sớm cũng làm bé mắc bệnh do thiếu hụt những yếu tố miễn dịch có trong sữa mẹ.
2 – Biểu hiện
Một số biểu hiện thường gặp nhất của rối loạn tiêu hóa có thể kể đến như đầy bụng, khó tiêu, đi ngoài phân lổn nhổn, nhạt màu, mùi chua do không tiêu hóa và hấp thụ được thức ăn.
3 – Hướng dẫn mẹ cách điều chỉnh chế độ ăn uống của bé
Để tình trạng rối loạn tiêu hóa được giải quyết, mẹ nên loại bỏ khỏi thực đơn thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, chất xơ và sữa như phô mai, mỡ động vật, socola, sữa nguyên kem… Trong chế độ ăn của con cần tăng cường các loại chất lỏng, vitamin và các loại khoáng chất qua trái cây (cam, bưởi, táo, dâu tây,…), thịt gà, thực phẩm giàu khoáng chất như chuối, khoai lang, cá, thịt bò,…
2.2. Bé biếng ăn
1 – Nguyên nhân
Bé biếng ăn, lắc đầu nguầy nguậy mỗi khi mẹ mang thức ăn ra có thể bắt nguồn từ việc mẹ thúc ép, nhồi nhét bé, khiến bé cảm thấy “ngộp” và không còn hứng thú với việc ăn dặm nữa. Bên cạnh đó, sau một quãng thời gian dài làm bạn với sữa mẹ, sữa hộp, bé chưa thể quen với những món ăn mới. Cũng có thể do bé đang mọc răng nên cảm thấy khó chịu, không muốn ăn bất kỳ thứ gì. Mẹ nên quan sát biểu hiện của bé để có kết luận chính xác nhất nhé!
2 – Biểu hiện
Bé không chịu ăn hết khẩu phần ăn hoặc mỗi bữa ăn kéo dài hơn 20 phút; ngậm thức ăn trong miệng không chịu nuốt; bé thường xuyên trốn tránh, khóc lóc, không chịu hợp tác cùng mẹ; cân nặng suốt 3 tháng không có tiến triển.
3 – Hướng dẫn mẹ cách điều chỉnh chế độ ăn uống của bé
Mẹ nên khuyến khích con ăn dặm kiểu BLW – phương pháp ăn dặm tự chỉ huy. Với phương pháp này, thay vì xay nhuyễn thức ăn mẹ sẽ thái nhỏ, vừa tay để bé dễ cầm nhai và nuốt. Cách ăn này sẽ kích thích sự tò mò, ham muốn thử món mới ở bé, tạo cho bé cảm giác tự chủ trong chính bữa ăn của mình.
Nếu mẹ muốn tìm hiểu kĩ hơn về phương pháp “xịn sò” này thì có thể xem thêm tại bài viết: Ăn dặm kiểu BLW – Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy
2.3. Bé thiếu hụt vitamin và khoáng chất
1 – Nguyên nhân
Mẹ tập trung cho con ăn nhiều chất đạm, chất béo từ thuốc, thực phẩm chức năng để con tăng cân nhanh chóng. Nhưng mẹ ơi, vitamin và khoáng chất từ thực phẩm mới chính là “động cơ” giúp bé hấp thụ dinh dưỡng dễ dàng. Thiếu vitamin, khoáng chất sẽ khiến quá trình chuyển hóa thức ăn diễn ra chậm hơn. Từ đó, cơ thể bé không thể hấp thụ chất xơ dẫn đến táo bón, chướng bụng; nặng hơn sẽ gây ra tình trạng chán ăn hoặc thiếu hụt protein làm bé chậm tăng cân.
2 – Biểu hiện
Bé thường xuyên bị táo bón, mệt mỏi, không có sức chơi đùa, vận động; hay quấy khóc, khó chịu trong người; dễ mắc bệnh vặt như viêm họng, sổ mũi; cân nặng sa sút,…
3 – Hướng dẫn mẹ cách điều chỉnh chế độ ăn uống của bé
Mẹ nên bổ sung những loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn của con theo hướng dẫn sau:
- Vitamin (A, B, C, D, E, K,…): Đóng vai trò bảo vệ hệ miễn dịch, giúp con chống lại những tác nhân bên ngoài, tái tạo, sửa chữa cấu trúc bị tổn thương. Vitamin cũng chính là “thần dược vàng” điều trị các bệnh lý của cơ thể, trong đó có hội chứng kém hấp thu, giúp chuyển hóa thức ăn và hỗ trợ quá trình trao đổi chất diễn ra suôn sẻ hơn. Để bổ sung vitamin cho con mẹ nên lựa chọn những loại thực phẩm như chuối, táo, cam, bưởi, súp lơ xanh,…
- Khoáng chất (magie, canxi, sắt, kẽm,…): Có vai trò tương tự vitamin, mặc dù chỉ chiếm lượng nhỏ nhưng chúng có ảnh hưởng vô cùng lớn, giúp cân bằng chất lỏng, điều tiết sự hoạt động của dạ dày, cơ thể của bé hấp thụ chất dinh dưỡng tốt nhất. Một chế độ ăn lý tưởng cho những bé nhẹ cân không thể thiếu bóng dáng của khoáng chất, chúng được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm như: trứng, chuối, khoai lang, cá, thịt bò,…
2.4. Bé bị táo bón
1 – Nguyên nhân
Như đã đề cập ở trên, việc mẹ chỉ tập trung vào chất đạm, chất béo, hạn chế chất xơ để thúc cân có thể khiến bé bị táo bón bởi thực đơn hằng ngày ảnh hưởng rất nhiều đến việc bé đi ngoài. Bên cạnh đó, cơ thể bé thiếu nước hoặc mất nước cũng dẫn đến táo bón đó mẹ.
2 – Biểu hiện
Bé thường biếng ăn, trốn ăn dù mẹ có thúc ép cỡ nào; hệ tiêu hóa của bé hoạt động kém; mặt mũi phờ phạc, ít khi chạy nhảy, vui chơi; lúc nào bé cũng trong trạng thái lờ đờ, mệt mỏi.
3 – Hướng dẫn mẹ điều chỉnh chế độ ăn uống của bé
Mẹ nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi vào khẩu phần ăn của bé, tránh việc cho con ăn toàn thịt, cá dẫn đến tình trạng khó tiêu, đi ngoài khó khăn. Trong giai đoạn tập ăn dặm, mẹ nên đa dạng thực đơn để con thích thú hơn cũng như giảm nhẹ gánh nặng cho dạ dày. Đồng thời, mẹ cho con uống nhiều nước (bao gồm nước tinh khiết và nước ép hoa quả, sinh tố) để điều hòa cơ thể, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
3. Gợi ý món ăn dặm cho bé 6 tháng nhẹ cân
Sau khi xác định được nguyên nhân bé nhẹ cân, mẹ tham khảo bảng dưới đây để biết được những món ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe của con nhé:
Nguyên nhân bé nhẹ cân | Gợi ý món ăn phù hợp |
Hệ tiêu hóa bị rối loạn | Chuối nghiền, bơ trộn sữa mẹ, cháo bí đỏ, súp khoai lang, cháo gà nấm |
Do bé biếng ăn | Chuối nghiền, bơ trộn sữa mẹ, cháo bí đỏ, cháo trứng gà |
Bé thiếu hụt vitamin và khoáng chất | Bơ trộn sữa mẹ, cháo gà nấm, cháo trứng gà, cháo rau cải, cháo mồng tơi tôm tươi |
Bé bị táo bón | Chuối nghiền, bơ trộn sữa mẹ, cháo bí đỏ, súp khoai lang, cháo rau cải, cháo mồng tơi tôm tươi |
4. Hướng dẫn nấu thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng nhẹ cân
3.1. Chuối nghiền
1 – Món gì thế mẹ nhỉ?
Chuối được nghiền nhỏ phù hợp với bé rối loạn tiêu hóa, bé thiếu hụt vitamin và khoáng chất, bé táo bón… giúp bé măm măm ngon miệng và dễ tiêu hóa hơn. Lưu lại ngay công thức siêu hấp dẫn dưới đây mẹ nhé!!
2 – Chuẩn bị nguyên liệu
- 1 quả chuối
- Một ít sữa mẹ/ sữa công thức tùy khẩu vị ăn đặc hay lỏng mà gia giảm phù hợp (thường là 50-60ml)
3 – Cách chế biến
- Bước 1: Chuối chín mua về mẹ bóc vỏ, thái lát và dùng nĩa nghiền hoặc dùng máy xay để nghiền thật nhuyễn nhé.
- Bước 2: Sau đó, mẹ trộn chuối với sữa mẹ/ sữa công thức rồi đảo đều đến khi có hỗn hợp sánh mịn, không còn lợn cơn.
- Bước 3: Mẹ điều chỉnh lượng sữa tùy theo nhu cầu ăn dặm của con và cho bé thưởng thức ngay thôi nào!
3.2. Bơ trộn sữa mẹ
1 – Món gì thế mẹ nhỉ?
Bơ được biết đến là một trong những thực phẩm chứa chất béo tốt, không gây hại cho cơ thể cũng như quá trình phát triển của bé. Ngoài ra bơ còn chứa nhiều vitamin C, E, kali giúp tăng cường sức đề kháng, kích thích bé ăn ngon miệng hơn. Bơ kết hợp cùng sữa mẹ sẽ cho ra món ăn khoái khẩu, “hợp gu” các cô các cậu biếng ăn cho xem!
2 – Chuẩn bị nguyên liệu
- Bơ chín ¼ quả
- Sữa mẹ hoặc sữa công thức: 50 – 60 ml
3 – Cách chế biến
- Bước 1: Bơ chín mẹ bỏ vỏ, lấy phần thịt bơ thái lát mỏng rồi nghiền nhuyễn
- Bước 2: Sau đó mẹ đem trộn bơ với sữa, đánh đều cho rồi cho bé thưởng thức
3.3. Cháo bí đỏ
1 – Món gì thế mẹ nhỉ?
Cháo bí đỏ là món ăn giàu chất dinh dưỡng, chứa hàm lượng sắt, magie, canxi cao cùng với các loại vitamin A, B, C thiết yếu. Bên cạnh đó, măm măm món cháo bí đỏ sẽ tăng cường hệ miễn dịch, giúp con chống lại những tác nhân gây bệnh. Nhờ vậy mà thức ăn được chuyển hóa nhanh chóng, hoạt động tiêu hóa cũng trơn tru, con tăng cân hiệu quả hơn đó mẹ.
2 – Chuẩn bị nguyên liệu
- 50g bí đỏ
- 1 nắm gạo tẻ
3 – Cách chế biến
- Bước 1: Mẹ vo gạo thật sạch, đem ngâm khoảng 1-2 tiếng rồi mới bắc lên bếp nấu khoảng 1 tiếng đến khi chín nhừ
- Bước 2: Bí đỏ mẹ gọt vỏ, hấp chín, tán nhừ
- Bước 3: Đợi cháo chín đều, mẹ cho bí đỏ vào đảo khoảng 1 phút để hỗn hợp hòa quyện với nhau rồi tắt bếp
- Bước 4: Nếu bé mới bắt đầu ăn dặm mẹ nên rây mịn cháo rồi đổ ra bát cho bé thưởng thức.
3.4. Súp khoai lang
1 – Món gì thế mẹ nhỉ?
Từ lâu súp khoai lang đã trở thành món ăn dặm trứ danh, được nhiều mẹ áp dụng vì sự thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng. Món ăn này cung cấp hàm lượng lớn vitamin A, C, B6 giúp bé tăng cường thị lực, phát triển não bộ. Đặc biệt, nếu con đang gặp vấn đề về tiêu hóa thì mẹ nên áp dụng công thức này nhé. Súp khoai lang sẽ giải quyết nhanh gọn lẹ táo bón đấy mẹ ạ.
2 – Chuẩn bị nguyên liệu
- 1 củ khoai lang
- Một ít nước sôi nguội
3 – Cách chế biến
- Bước 1: Khoai lang, bí đỏ mẹ gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng,
- Bước 2: Mẹ cho khoai vào nồi luộc chín với lửa nhỏ.
- Bước 3: Khi khoai nhừ mẹ cho vào máy xay sinh tố hoặc bỏ vào bát rồi dùng thìa tán nhuyễn, mẹ có thể cho thêm chút nước vào cho đỡ đặc để con dễ ăn.
- Bước 4: Cho con thưởng thức ngay mẹ nhé!
3.5. Cháo rau củ
1 – Món gì thế mẹ nhỉ?
Chất xơ là thành phần dinh dưỡng không thể thiếu trong quá trình ăn dặm của bé 6 tháng tuổi. Bổ sung chất xơ sẽ giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng táo bón. Ngoài chất xơ, rau củ còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu như vitamin A, vitamin C, canxi, kẽm,… thúc đẩy quá trình “béo khỏe béo đẹp” của bé. Màu sắc đa dạng của món cháo rau củ cũng sẽ kích thích vị giác, thúc đẩy bé ăn nhiều hơn.
2 – Chuẩn bị nguyên liệu
- Mẹ có thể chuẩn bị nhiều loại rau củ khác nhau như rau chân vịt, măng tây, cải bó xôi, cà rốt, bí đỏ,…
- 100g gạo tẻ
3 – Cách chế biến
- Bước 1: Gạo mẹ đem vo thật sạch, đem ngâm khoảng 1 – 2 tiếng rồi mới bắc lên bếp nấu khoảng 1 tiếng đến khi chín nhừ
- Bước 2: Với các loại rau củ quả đã chuẩn bị, mẹ rửa sạch với nước muối và xả lại
- Bước 3: Mẹ thái nhỏ nguyên liệu rồi đem đi xay nhuyễn
- Bước 4: Khi cháo chín nhừ, mẹ cho rau củ vào nấu chung, khuấy đều đến khi các hòa quyện lại với nhau thì tắt bếp
- Bước 5: Để cháo nguội bớt và cho bé măm măm thôi mẹ ơi!
3.6. Cháo gà nấm
1 – Món gì thế mẹ nhỉ?
Cháo gà mềm mịn, hòa cùng mùi nấm thơm phức sẽ là lựa chọn lý tưởng nếu mẹ muốn con tăng cân. Chất đạm, chất béo có trong gà kết hợp cùng chất xơ, vitamin có trong nấm sẽ dung hòa, cân bằng chất dinh dưỡng, đem đến cho bé trải nghiệm tuyệt vời. Món cháo này phù hợp với những bé đã học được cách nhai nuốt thực phẩm.
2 – Chuẩn bị nguyên liệu
- Thịt gà: 30g tương đương một thìa canh
- Nấm rơm: 30g
- Gạo: 80ml
- Hành lá: 1 – 2 cây
3 – Cách chế biến
- Bước 1: Mẹ vo gạo thật sạch, đem ngâm khoảng 1-2 tiếng rồi mới bắc lên bếp nấu khoảng 1 tiếng đến khi chín nhừ
- Bước 2: Thịt gà, nấm rơm mẹ rửa sạch, băm nhỏ.
- Bước 3: Mẹ bắc chảo lên bếp, cho 1 chút dầu ăn phi thơm phần hành, sau đó cho thịt gà với nấm rơm lần lượt xào thơm.
- Bước 4: Cho hỗn hợp hợp gà nấm vào nồi cháo khuấy đều rồi tắt bếp
3.7. Cháo mồng tơi tôm tươi
1 – Món gì thế mẹ nhỉ?
Cháo mồng tơi tôm tươi chứa nhiều chất nhầy pectin hỗ trợ nhuận tràng, đào thải chất béo xấu ra khỏi cơ thể, bổ sung vitamin A giúp bé tăng cường thị lực. Món ăn này còn giúp răng và xương chắc khỏe. Đặc biệt, chất nhầy và chất xơ có trong rau mồng tơi sẽ hạn chế tình trạng táo bón của bé, giúp hệ tiêu hóa làm việc năng suất hơn. Có món ăn này rồi, chất dinh dưỡng được hấp thụ và chuyển hóa nhanh chóng, cân nặng của bé sẽ tăng lên rõ rệt đó mẹ.
2 – Chuẩn bị nguyên liệu
- 35g cháo hạt vỡ
- 2-3 con tôm sú tươi ngon
- 30g rau mồng tơi
3 – Cách chế biến
- Bước 1: Tôm mua về mẹ cắt đầu, bỏ chân, bỏ vỏ, lấy chỉ lưng và rửa sạch với nước. Sau đó mẹ băm nhuyễn tôm đến khi thịt tôm mềm mịn
- Bước 2: Rau mồng tơi mẹ rửa sạch rồi đem băm nhuyễn hoặc xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố
- Bước 3: Mẹ cho thêm 450ml vào nồi rồi cho cháo hạt vỡ vào nấu khoảng 15-20 phút
- Bước 4: Cho tôm băm nhuyễn vào nấu 2-3 phút. Sau đó cho tiếp rau mồng tơi vào nấu thêm 2 phút rồi tắt bếp
3.8. Cháo trứng gà
1 – Món gì thế mẹ nhỉ?
Trong đó, lòng trắng trứng gà chứa nhiều protein, ít hoặc không có chất béo, chứa nhiều axit amin tốt cho sức khỏe của bé. Cháo trứng gà sẽ cung cấp hàm lượng lớn vitamin và khoáng chất như vitamin A, D, kẽm, phốt pho,… giúp bé có hệ xương, răng chắc khỏe; kích thích vị giác, phù hợp với những bé biếng ăn.
Tuy nhiên mẹ nên lưu ý, các chuyên gia dinh dưỡng đã khuyến cáo bé 6 tháng tuổi chỉ ăn ½ lòng đỏ trứng gà trong 1 bữa, tránh gây đầy bụng, thừa chất.
2 – Chuẩn bị nguyên liệu
- 1 nửa lòng đỏ trứng gà ta
- 50gam bột gạo
3 – Cách chế biến
- Bước 1: Mẹ vo gạo thật sạch, đem ngâm khoảng 1-2 tiếng rồi mới bắc lên bếp nấu khoảng 1 tiếng đến khi chín nhừ
- Bước 2: Mẹ đánh tan trứng gà, hạ lửa nhỏ nồi cháo rồi cho trứng từ từ vào, kết hợp khuấy đều tay trong khoảng 3-5 phút.
- Bước 3: Khi cháo chín nhừ, mẹ cho rau củ vào nấu chung, khuấy đều đến khi chúng hòa quyện lại với nhau thì tắt bếp.
- Bước 4: Chờ cháo nguội và cho bé măm măm thôi mẹ ơi.
5. 4 lưu ý cho mẹ khi chăm bé 6 tháng nhẹ cân
Chăm sóc bé phát triển bình thường đã khó, chăm sóc bé nhẹ cân càng khó hơn. Dưới đây là những “lưu ý vàng” mẹ cần nằm lòng để giúp bé nhà mình mau ăn chóng lớn. Cùng theo dõi ngay mẹ nhé:
1 – Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn
Trước khi dùng bữa, mẹ vệ sinh tay chân bé sạch sẽ để phòng ngừa vi khuẩn, giun sán theo thức ăn đi vào bên trong cơ thể, phá vỡ hàng rào miễn dịch, khiến bé hay ốm vặt và chậm lớn. Nhiều mẹ bỉm hiện nay ưu tiên sử dụng khăn ướt cho bé sơ sinh để vệ sinh tay chân cho con yêu vì sự tiện dụng, lành tính, không mùi, không gây kích ứng, mẩn đỏ, thân thiện với làn da nhạy cảm của bé.
2 – Không nên thêm gia vị
Mẹ không nên thêm gia vị vào các món ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi vì lúc này cơ thể bé chưa thể hấp thụ muối. Hơn thế, lượng muối bé cần mỗi ngày vô cùng ít, chỉ rơi vào khoảng 1 – 2g/ngày. Trong sữa mẹ đã có sẵn muối để đáp ứng nhu cầu của bé rồi, mẹ an tâm nhé.
Việc nêm nếm gia vị có thể khiến thận của bé bị tổn hại, về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của thận. Nếu muốn thêm vài gia vị để món ăn bắt miệng hơn, mẹ nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng để căn chỉnh liều lượng phù hợp.
3 – Không nên ép bé ăn
Mẹ thấy con thấp còi, nhẹ cân thì lo lắng, hoang mang vô cùng. Có mẹ thúc con ăn, từ sáng đến chiều, từ chiều đến tối, vô tình khiến bé trở nên sợ hãi, không còn thích thú với việc ăn dặm, cứ thấy thức ăn là “chạy xa 8 mét”. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến bé sụt cân, dẫn đến biếng ăn sinh lý, ảnh hưởng đến quá trình phát triển và lớn khôn của bé.
Thay vì thúc ép, mẹ nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để bổ sung những chất con đang thiếu hụt và cố gắng đa dạng khẩu phần ăn hằng ngày, đảm bảo có đầy đủ vitamin, khoáng chất, chất xơ, chất đạm,…cho sự phát triển của con.
4 – Quan sát cân nặng của con
Mẹ nên sắm sẵn một chiếc cân trong nhà để tiện theo dõi cân nặng của con nhé. Định kỳ mỗi tháng mẹ nên cho bé cân một lần và ghi chép lại số liệu. Đồng thời mẹ cần chú ý đến biểu hiện ăn uống hằng ngày của bé: bé ăn trong trạng thái vui vẻ, thích thú hay khó chịu, bất hợp tác, từ đó tham khảo ý kiến chuyên gia nếu cần.
Trên đây là tất cả những điều Góc của mẹ muốn gửi gắm để mẹ có thêm nhiều kiến thức bổ ích xung quanh việc xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng nhẹ cân. Mong rằng bài viết này sẽ giúp mẹ vững tin trên con đường nuôi dạy bé, giúp con tăng cân đều, hứng thú với những món ăn mẹ nấu. Nếu mẹ còn bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngại ngần để lại bình luận để Góc của mẹ giải đáp “tất tần tật” nhé!