Mẹ muốn tự tay làm bánh ăn dặm cho bé 7 tháng nhưng lại loay hoay không biết loại bánh nào thơm ngon, bé thích ăn mà lại dễ làm. Bí quyết cho mẹ đây! Góc của mẹ sẽ chia sẻ cách làm bánh ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi giúp mẹ trở thành “đầu bếp siêu đỉnh” trong tích tắc, mẹ theo dõi nhé!
Mục lục
1. Hướng dẫn cách làm bánh ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi
1.1. Bánh flan
Không chỉ có hương vị thơm ngon, bánh flan còn cung cấp đầy đủ protein, canxi, vitamin cùng một số khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của bé. Với cách làm đơn giản, nhanh chóng, nguyên liệu dễ tìm lại đầy đủ dinh dưỡng, đây là lựa chọn hoàn hảo cho bé mới tập ăn dặm đó ạ!
Nguyên liệu cho 3 – 5 chiếc bánh flan:
- 150ml sữa mẹ hoặc 150ml sữa công thức.
- 3 trái trứng gà.
Dụng cụ: Nồi hấp, rây lọc, dụng cụ đánh trứng và hộp đựng bánh (thủy tinh hoặc nhựa chịu nhiệt).
Sơ chế nguyên liệu: Mẹ tách lấy lòng đỏ 3 quả trứng gà, đánh đều. Đối với sữa công thức, mẹ pha 5 muỗng sữa trong 150ml nước ấm khoảng 40 – 60 độ C (nếu dùng sữa mẹ cần đun sôi lăn tăn trên lửa nhỏ khoảng 5 phút).
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Mẹ trộn đều hỗn hợp sữa mẹ/sữa công thức và lòng đỏ trứng.
- Bước 2: Lọc hỗn hợp qua rây loại bỏ bọt khí và cặn để bánh được láng mịn.
- Bước 3: Mẹ chia hỗn hợp ra các hũ thuỷ tinh nhỏ tùy theo mức độ ăn dặm của bé nhà mình.
- Bước 4: Mẹ phủ một lớp khăn để ngăn nước lọt vào bánh rồi hấp cách thuỷ bánh với lửa nhỏ khoảng 15 – 20 phút.
- Bước 5: Mẹ kiểm tra bánh đã chín chưa bằng cách dùng tăm, nếu như rút tăm lên, phần bánh không dính trên tăm thì bánh đã đạt độ chín.
- Bước 6: Mẹ để nguội bánh và cho bé thưởng thức. Bánh có thể bảo quản trong tủ lạnh khoảng 2 ngày.
Lưu ý: Mẹ đánh trứng nhẹ nhàng theo một chiều khi khuấy trộn hỗn hợp và để lửa nhỏ, đều trong quá trình hấp bánh. Điều này sẽ giúp giảm bọt khí, bánh sẽ không bị rỗ.
1.2. Bánh pudding xoài
Pudding xoài với chất bánh mềm mịn, vị sữa béo ngậy hoà trộn cùng vị xoài chín thơm ngọt sẽ là món ăn dặm thích thú cho bé. Bánh bổ sung chất xơ, canxi, cùng các loại vitamin và khoáng chất giúp bé ăn ngon, tiêu hoá tốt.
Nguyên liệu cho 5 chiếc pudding xoài:
- 2 trái xoài chín.
- 6 gam bột gelatin (khoảng 1 thìa cà phê)
- 120ml nước lọc.
- 100ml sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Dụng cụ: Máy xay sinh tố, nồi hấp, rây lọc, lọ đựng bánh bằng thuỷ tinh hoặc nhựa chịu nhiệt.
Sơ chế nguyên liệu:
- Ngâm 6 gam gelatin trong 120ml nước lọc khoảng 10 phút để gelatin nở đều.
- Xoài rửa sạch, gọt vỏ, bỏ hạt, cắt thành miếng nhỏ.
- Đối với sữa công thức, mẹ dùng 3 muỗng sữa pha trong 100ml nước ấm khoảng 40-60 độ C. Với sữa mẹ, mẹ đun sôi lăn tăn trên lửa nhỏ khoảng 5 phút giúp giảm vị tanh của sữa, bánh sẽ thơm ngon hơn.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Mẹ cho xoài đã sơ chế cùng 100ml sữa vào máy xay sinh tố, xay đều.
- Bước 2: Lọc hỗn hợp vừa xay qua rây để loại bỏ xơ xoài.
- Bước 3: Mẹ khuấy đều, cho từ từ gelatin đã ngâm vào hỗn hợp rồi đổ vào lọ thuỷ tinh và hấp cách thuỷ.
- Bước 4: Sau 15 phút hấp bánh, mẹ kiểm tra độ chín bằng tăm. Nếu bánh không dính lên tăm nghĩa là bánh đã đạt độ chín rồi đó ạ.
- Bước 5: Mẹ cho hũ pudding ra ngoài, để nguội rồi cho bánh vào tủ lạnh khoảng 2 – 3 giờ là món pudding xoài cho bé đã hoàn thành.
Lưu ý: Bánh pudding không nên để quá lâu (khoảng trên 4 giờ) trong tủ lạnh, pudding sẽ cứng lại khiến bé khó nuốt hơn.
1.3. Bánh khoai lang yến mạch
Bánh khoai lang yến mạch mềm, thơm lại cực kỳ tốt cho sức khỏe vì được tạo ra từ những thực phẩm giàu dinh dưỡng: tinh bột, chất xơ, khoáng chất, cùng các loại vitamin…
Nguyên liệu cần cho 5 chiếc bánh khoai lang yến mạch:
- 200 gam khoai lang (khoảng nửa củ khoai)
- 20 gam yến mạch (một muỗng canh đầy)
- 2 muỗng canh bột mì
- 1 quả trứng gà
- 20ml nước lọc
Dụng cụ: Nồi hấp, chảo/lò nướng bánh.
Sơ chế nguyên liệu:
- Yến mạch ngâm trong 50ml nước lạnh khoảng 5 phút, đổ hết nước và để ráo.
- Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ rồi hấp chín. Khi khoai còn nóng, nhanh chóng nghiền nhuyễn.
- Bột mì rây mịn qua rây.
- Trứng gà tách lấy lòng đỏ, đánh tan lòng trứng.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Mẹ dùng một tô lớn, trộn đều yến mạch cùng khoai lang đã nghiền nhuyễn, thêm nước từ từ đến khi hỗn hợp mềm mịn.
- Bước 2: Mẹ dùng khuôn tạo hình cho bánh để kích thích sự thèm ăn của bé. Hình càng xinh, càng dễ cầm nắm, bé càng háo hức măm măm hơn đó.
- Bước 3: Nếu sử dụng chảo, mẹ làm nóng rồi tráng một lớp dầu oliu mỏng chống dính bề mặt chảo. Mẹ áp chảo bánh ở lửa nhỏ đến khi hai mặt bánh chín vàng đều. Nếu sử dụng lò nướng, mẹ làm nóng lò trong 10 phút ở nhiệt độ 180 độ C trước khi nướng bánh và nướng từ 20-25 phút.
1.4. Bánh chuối yến mạch
Bánh chuối yến mạch thơm ngon lại bổ dưỡng sẽ là thực đơn ăn dặm yêu thích của bé. Sự kết hợp hoàn hảo của chuối và yến mạch sẽ giúp bé bổ sung khoáng chất (sắt, kẽm, kali…), vitamin thiết yếu có lợi cho sức khỏe.
Nguyên liệu cần cho 3 chiếc bánh chuối yến mạch:
- 100 gam chuối (khoảng nửa quả chuối tiêu hoặc một quả chuối tây)
- 50 gam yến mạch (3 muỗng canh đầy)
- 1 quả trứng gà
- 1 ít dầu oliu
Dụng cụ: Máy xay sinh tố, chảo/lò vi sóng.
Sơ chế nguyên liệu:
- Mẹ ngâm yến mạch trong nước lạnh khoảng 5 phút để yến mạch nở đều, rồi vớt ra cho ráo nước. Nếu bé vừa mới ăn dặm, mẹ có thể xay nhuyễn yến mạch thành bột mịn bằng máy xay sinh tố.
- Trứng gà tách lấy lòng đỏ, đánh đều.
- Chuối nghiền nhuyễn bằng máy xay sinh tố.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Mẹ cho các nguyên liệu đã sơ chế vào bát lớn, trộn đều hỗn hợp.
- Bước 2: Mẹ làm nóng chảo và tráng thêm một lớp dầu oliu mỏng. Sau đó, dùng muỗng cho phần bánh vào chảo, giữ lửa nhỏ để bánh chín vàng đều. Nếu mẹ sử dụng lò vi sóng, mẹ phết một lớp dầu ăn lên khay rồi cho hỗn hợp bánh đã trộn vào khay. Mẹ có thể cắt lát chuối để xếp lên bề mặt rồi cho vào lò nướng trong 10 phút ở 180 độ C.
- Bước 3: Mẹ đợi bánh nguội khoảng 10 phút là bé đã có món bánh ăn dặm ngon lành rồi.
1.5. Bánh bí ngô
Bí ngô là thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho hệ tiêu hoá. Trong bí đỏ chứa các khoáng chất cần thiết như canxi, sắt, kali… cùng các loại vitamin A, E, K. Đây cũng là món bánh ăn dặm tuyệt vời cho bé nhà mình mẹ nhỉ!
Nguyên liệu cần cho 3 chiếc bánh bí ngô:
- 200 gam Bí đỏ (khoảng nửa quả bí ngô nhỏ)
- 1 viên Phô mai em bé
- 2 quả Trứng gà
- 100ml Sữa mẹ/Sữa công thức
Dụng cụ: Máy xay sinh tố, rây lọc, hũ thuỷ tinh và nồi hấp.
Sơ chế nguyên liệu:
- Bí ngô gọt vỏ, rồi đem đi hấp tới khi bí mềm. Mẹ nghiền nhuyễn bí ngô bằng máy xay sinh tố.
- Phô mai nghiền nhuyễn.
- Trứng gà tách lấy lòng đỏ.
- Để pha 100ml sữa công thức, mẹ đong khoảng 2 thìa bột và 100ml nước ấm khoảng 40 – 60 độ C.
Các bước tiến hành:
- Bước 1: Cho bí ngô, phô mai, sữa vào tô lớn rồi khuấy đều nhẹ nhàng.
- Bước 2: Đánh tan lòng đỏ trứng rồi khuấy đều cùng hỗn hợp bí ngô đã được chuẩn bị.
- Bước 3: Lọc hỗn hợp trên nhiều lần qua rây tạo độ mềm, láng mịn cho bánh.
- Bước 4: Mẹ bọc màng bọc thực phẩm kín miệng hũ hoặc đậy kín bằng nắp thuỷ tinh sau đó đem hấp cách thuỷ trong khoảng 20 phút.
- Bước 5: Mẹ kiểm tra bánh đã đạt chưa bằng cách sử dụng tăm, bánh không còn dính trên tăm khi rút lên là đạt yêu cầu rồi đó ạ.
- Bước 6: Mẹ để nguội và bảo quản ngăn mát tủ lạnh khoảng 30 phút trước khi cho bé thưởng thức.
1.6. Bánh cà rốt đậu xanh
Bánh cà rốt đậu xanh tạo ra từ những nguyên liệu gần gũi, dịu ngọt thanh mát, giúp bé bổ sung lượng lớn chất xơ, protein, các loại vitamin ( A, C, E…), axit béo cùng nhiều khoáng chất quan trọng (canxi, magie, sắt…).
Nguyên liệu cần cho 5 chiếc bánh cà rốt đậu xanh:
- 200 gam Cà rốt (khoảng 1 củ cà rốt)
- 200 gam hạt đậu xanh đã tách vỏ
- 80 gam Bột mì (khoảng 4 muỗng canh lớn)
- 1 nhánh tỏi
- 15 ml Dầu ăn dành riêng cho bé (khoảng 1 muỗng canh dầu)
Dụng cụ: Máy xay sinh tố, rây lọc, chảo.
Sơ chế nguyên liệu:
- Cà rốt gọt vỏ, luộc chín rồi đem xay nhuyễn.
- Đậu xanh và tỏi nghiền nhuyễn bằng máy xay sinh tố.
- Bột mì rây mịn.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Mẹ trộn đều các nguyên liệu đã sơ chế thành khối bột mịn.
- Bước 2: Mẹ chia nhỏ khối bột, viên tròn rồi ấn dẹt thành miếng vừa ăn.
- Bước 3: Làm nóng chảo, tráng một lớp dầu quanh chảo rồi cho bánh vào. Khi bánh vàng đều 2 mặt là món bánh cà rốt đậu xanh đã hoàn thành.
- Bước 4: Mẹ để nguội khoảng 10 phút là có món bánh ngon cho bé thưởng thức.
Lưu ý: Mẹ chỉnh lửa nhỏ khi rán bánh để bánh chín đều và không bị cháy.
1.7. Bánh tôm rong biển
Bánh tôm rong biển chắc hẳn sẽ là món ăn nhiều mẹ thêm vào bữa ăn dặm cho con bởi từ tháng thứ 7, bé đã sẵn sàng ăn tôm đồng, tôm biển. Với thành phần chính từ tôm chứa nhiều protein, canxi, omega 3 cùng các loại vitamin A, D… kết hợp rong biển giàu chất hữu cơ (lipid, protein…) cùng yếu tố vi lượng quan trọng (iot, magie, kali…). Bánh sẽ là nguồn dưỡng chất phù hợp với bé, mẹ tham khảo và làm ngay cho bé nhà mình nhé!
Nguyên liệu cần cho 30 chiếc bánh tôm rong biển:
- 50 gam tôm tươi (khoảng 2-3 con tôm cỡ vừa)
- 2 quả trứng gà
- 65 gam bột mì đa dụng ( khoảng 4 muỗng canh đầy)
- 15 gam bơ lạt
- 1 lá rong biển nhỏ cho bé
Dụng cụ: Máy xay, rây lọc, lò vi sóng/nồi chiên không dầu
Sơ chế nguyên liệu:
- Mẹ bỏ đầu, bóc vỏ, làm sạch sống lưng tôm rồi rửa kỹ với nước. Sau đó, mẹ đem tôm hấp chín, xay nhuyễn thịt tôm rồi xào khô bằng chảo đến khi thịt tôm săn lại, thu được bột tôm khô.
- Mẹ tách lấy lòng đỏ trứng
- Cán mỏng bơ lạt và để bơ chảy ở nhiệt độ phòng.
- Rây mịn bột mì qua rây lọc.
- Rong biển cắt thành sợi mảnh
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Mẹ trộn hỗn hợp bột mì cùng bơ, trứng, bột tôm khô và rong biển cho đến khi nguyên liệu được hòa quyện, bột mịn không vón cục nữa mẹ nhé.
- Bước 2: Sau khi bột láng mịn, mẹ chia khối bột thành 30 phần bằng nhau. Mẹ dùng khuôn để tạo hình ngộ nghĩnh cho con hoặc cán dẹt khối bánh thành hình tròn.
- Bước 3: Trước khi nướng bánh, mẹ làm nóng lò ở 170 độ C trong 10 phút.
- Bước 4: Mẹ xịt một lớp dầu oliu chống dính vỉ nướng rồi xếp bánh và nướng ở nhiệt độ 170 độ C trong 18 phút.
1.8. Bánh quy hành vừng
Bánh quy hành vừng thơm giòn, vị bùi béo từ hạt vừng sẽ khiến bé thích thú khi thưởng thức. Bánh giúp bé bổ sung dưỡng chất, chất béo lành mạnh, protein, khoáng chất, chất xơ, vitamin B… rất thích hợp với bé đó ạ!
Nguyên liệu cần cho 30 chiếc bánh quy hành vừng:
- 100 gam bột mì hữu cơ (khoảng 6 muỗng canh lớn)
- 2 gam men nở instant (khoảng nửa thìa cà phê)
- 10 gam vừng trắng (khoảng 1 muỗng canh vơi)
- 5 gam hạt chia (khoảng 1 thìa cà phê)
- 1 quả trứng gà
- 15 ml dầu thực vật
- 7 gam hành lá (khoảng 2-3 cây hành)
Dụng cụ: Lò nướng, tô trộn, dụng cụ cán bột.
Sơ chế nguyên liệu:
- Rây mịn 100 gam bột mì.
- Tách lấy lòng đỏ trứng gà.
- Hành lá rửa sạch, xắt nhỏ.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Mẹ chuẩn bị tô lớn, cho lòng đỏ trứng gà cùng 15ml dầu thực vật, 5 gam hạt chia, 10 gam vừng trắng và 7 gam hành lá đã xắt nhỏ.
- Bước 2: Mẹ khuấy đều hỗn hợp và cho từ từ 100 gam bột mì cùng 2 gam men nở. Mẹ dùng tay nhào trộn đến khi khối bột bóng mịn.
- Bước 3: Mẹ bọc kín màng bọc thực phẩm, ủ khoảng 20 – 30 phút để bột nở.
- Bước 4: Kiểm tra độ nở của bột, mẹ ấn ngón tay xuống khoảng 2cm, khi rút ngón tay lên vết lõm không thay đổi nghĩa là bột đã nở đủ, bắt đầu tiến hành làm bánh cho bé được rồi.
- Bước 5: Mẹ dùng chày cán bột cán mỏng phần bột rồi sử dụng khuôn để tạo hình đẹp mắt, sau đó ủ bánh lần 2 khoảng 20-30 phút.
- Bước 6: Lò nướng cần làm nóng ở nhiệt độ 180 độ C trong 15 phút trước khi nướng bánh. Mẹ phủ giấy nến rồi đặt bánh lên trên, nướng bánh 10-15 phút ở 180 độ C. Sau đó, mẹ trở mặt bánh và nướng thêm 10-15 phút để bánh chín giòn đều 2 mặt.
Lưu ý: Trong quá trình nhào bột, mẹ kiên trì nhào đến khi bột khô không còn dính và vón cục, khi chạm bột sẽ có độ đàn hồi tốt.
1.9. Bánh quy khoai lang
Bánh quy khoai lang chắc chắn sẽ là món bánh yêu thích của bé với cốt bánh giòn, xốp, dễ tan lại ngọt bùi vị khoai lang hoà cùng vị sữa béo. Bánh sẽ bổ sung tinh bột, chất xơ, khoáng chất và vitamin cho bé.
Nguyên liệu cho khoảng 30 – 40 chiếc bánh quy khoai lang:
- 80 gam Khoai lang (khoảng một củ khoai lang nhỏ)
- 120 gam bột mì hữu cơ (khoảng 8 muỗng canh bột)
- 30 gam bột bắp hữu cơ (khoảng 2 muỗng canh)
- 3 gam bột nở hữu cơ baking powder (nửa muỗng cà phê)
- 30ml dầu olive (loại dành cho trẻ em)
- 40 ml Sữa công thức hoặc sữa mẹ
- 1 quả trứng gà
Dụng cụ: Nồi hấp, rây, tô trộn, dao, dụng cụ cán bột, nồi chiên không dầu.
Sơ chế nguyên liệu:
- Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ, cắt khúc cho vào nồi hấp chín trong khoảng 15 phút. Khoai khi còn nóng sẽ nghiền dễ dàng hơn.
- Bột mì, bột bắp rây mịn qua rây; Tách lấy lòng đỏ trứng gà.
- Đối với sữa công thức, mẹ pha 1 muỗng đầy thêm 40ml nước ấm khoảng 40-60 độ C.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Lòng đỏ đánh tan, cho từ từ 30ml dầu oliu vào hỗn hợp. Trộn đều phần bột đã rây cùng lòng đỏ trứng và khoai lang vừa nghiền. Khi hỗn hợp đã đều, thêm 40 ml sữa công thức và 3 gam bột nở nhào bột thành khối dẻo mịn.
- Bước 2: Mẹ bọc màng bọc thực phẩm và để bột nghỉ khoảng 20-30 phút giúp men nở có đủ thời gian làm nở bột bánh. ấn ngón tay xuống khoảng 2cm rồi rút ngón tay lên vẫn nguyên vết lõm là bột nở đủ rồi..
- Bước 3: Khi bột đã đủ nở, mẹ dùng chày cán bột cán dẹt khối bột, sau đó dùng dao lượn sóng hoặc ấn nhẹ khuôn làm bánh để tạo hình cho bánh.
- Bước 4: Nồi chiên không dầu làm nóng ở 170 độ C trong 15 phút trước khi nướng bánh. Mẹ phủ một lớp giấy nến rồi xếp bánh lên trên, nướng bánh ở 170 độ C trong 20 phút. Bánh giòn hơn khi lật bánh và nướng thêm 5 phút nữa.
Lưu ý: Trong quá trình ủ bột, mẹ bọc kín bằng màng bọc thực phẩm, tránh để thau bột tiếp xúc với không khí sẽ khiến bột khô, cứng sau khi ủ.
1.10. Bánh quy bơ vừng đen trứng gà
Bánh quy bơ vừng đen trứng gà với thành phần vừng đen kết hợp cùng trứng gà tươi sẽ cung cấp chất béo lành mạnh, protein, chất xơ, khoáng chất và vitamin cần thiết. Bánh là lựa chọn hoàn hảo để bổ sung vào thực đơn ăn dặm của bé.
Nguyên liệu cho 30 – 40 chiếc bánh:
- 50g bơ lạt
- 50g bột mì
- 1 lòng đỏ trứng gà
- 5g bột dừa
- 3g vừng đen
Dụng cụ: Rây, lò nướng bánh/nồi chiên, dụng cụ cán bột.
Sơ chế nguyên liệu:
- Bơ lạt cho vào một chiếc tô kim loại rồi đặt vào nồi đã đổ nước nóng, phương pháp giống như đun cách thuỷ sẽ giúp bơ tan chảy mà không cần cắt nhỏ hay tán mỏng.
- Rây mịn bột mì.
- Tách lấy lòng đỏ trứng gà.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Mẹ trộn đều hỗn hợp lòng đỏ trứng và phần bơ đã tan chảy. Thêm từ từ bột mì đã rây cùng vừng đen, bột dừa vào hỗn hợp rồi trộn đều. Nhào đều hỗn hợp bằng tay đến khi bột láng mịn, có độ đàn hồi, căng phồng.
- Bước 2: Mẹ sử dụng chày cán bột, cán dẹp bánh và dùng khuôn để tạo hình cho bánh.
- Bước 3:làm nóng lò nướng ở 175 độ C trong 15 phút trước khi bắt đầu nướng bánh. Sau đó,c nướng bánh ở nhiệt độ 175 độ C trong khoảng 10-15 phút.
Lưu ý: Mẹ không nên để bơ quá lỏng sẽ khiến bánh cứng và mất độ xốp của bánh. Trong quá trình nướng, mẹ cần chú ý thời gian và nhiệt độ nướng, nếu chưa đạt độ chín, bánh sẽ mềm, ỉu và khó bảo quản.
Xem thêm:
- Cách nấu bột ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi
- Ăn dặm kiểu Nhật cho bé 7 tháng tuổi
- Thực đơn ăn dặm BLW cho bé 7 tháng tuổi
2. 5 Lưu ý khi tự làm bánh tại nhà cho bé 7 tháng
1 – Thay đổi món bánh thường xuyên: Mẹ đa dạng loại bánh ăn dặm và nguyên liệu chế biến bánh để bé không bị nhàm chán, kích thích vị giác giúp bé ngon miệng, thích thú hơn khi ăn dặm.
2 – Hạn chế đường, muối: Ở độ tuổi này, khả năng lọc thải của thận chưa hoàn thiện, bé chưa thể lọc và đào thải các chất này ra khỏi cơ thể. Thức ăn có quá nhiều đường, muối có thể khiến bé mắc các bệnh về tim mạch, suy thận, tiểu đường từ khi còn nhỏ. Vì vậy, mẹ cẩn trọng lượng gia vị nêm nếm cho bé dưới 1 tuổi nhé. Theo khuyến cáo của Bộ y tế, bé sơ sinh có thể sử dụng tối đa 0,3 – 1,5g muối/ngày. Tuy nhiên, mẹ tránh nêm thêm gia vị bởi trong sữa mẹ/sữa công thức và một số thực phẩm đều đã chứa một lượng nhỏ muối/đường rồi.
3 – Đảm bảo vệ sinh: Với các loại bánh chế biến từ rau, củ, quả, chỉ rửa bằng nước sạch thôi chưa đủ, mẹ nên sử dụng nước rửa rau quả chuyên dụng để loại bỏ hoàn toàn chất bẩn, hóa chất thực vật, diệt trừ vi khuẩn gây hại, đảm bảo sức khỏe cho bé và an tâm cho mẹ.
Mẹo cho mẹ: Mẹ sử dụng nước rửa bình sữa và rau quả chuyên dụng cho bé sơ sinh để vừa làm sạch bình sữa, lại an toàn, lành tính đến mức rửa được rau củ, thực phẩm ăn hàng ngày luôn, rất tiện đấy ạ!
Mamamy hiện đang có những ưu đãi siêu hấp dẫn, số lượng có hạn trên website, nhanh tay đặt hàng ngay mẹ ơi!
4 – Cẩn trọng thực phẩm dị ứng: Mẹ cẩn trọng khi cho con ăn những loại thực phẩm có hàm lượng protein cao sẽ khiến cơ thể bé có những phản ứng quá mức gây dị ứng như: sữa bò, hải sản có vỏ (tôm, cua, sò, ốc…), lòng trắng trứng, các loại hạt (óc chó, hạnh nhân…).
5 – Mẹ làm bánh vừa đủ cho bé: Mẹ làm bánh vừa đủ ăn trong ngày cho bé (mỗi bữa bé chỉ ăn 1 – 2 chiếc vào 2 – 3 bữa phụ trong ngày). Việc trữ lượng lớn bánh trong tủ có thể khiến bánh mất vị ngon cũng như mất dần dưỡng chất và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào thực phẩm. Ngoài ra, bánh sẽ ngon và bổ dưỡng nhất khi bánh vừa ra lò, mẹ nên cho bé thưởng thức ngay nhé.
Mong rằng những chia sẻ về cách làm bánh ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi trên đây sẽ giúp mẹ có thêm nhiều ý tưởng khi lên thực đơn ăn dặm cho bé. Chia sẻ với Góc của mẹ những “công thức nấu ăn hay” của mẹ nhé!
Xem thêm: