Các mẹo dân gian chữa tắc tia sữa đang được truyền tai áp dụng khá phổ biến hiện nay. Nhưng các phương pháp này gần như chưa có nghiên cứu chính thống nào chứng minh 100% hiệu quả và an toàn đâu mẹ ạ. Vậy có nên áp dụng các mẹo dân gian này không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp giúp mẹ!
Mục lục
1. 9 mẹo dân gian chữa tắc tia sữa phổ biến
Tắc tia sữa là “nỗi ác mộng” của bất kỳ mẹ nào bởi cơn đau buốt, nóng sốt do nó gây ra, nguy cơ áp xe hay nhiễm khuẩn, thương nhất là bé con sẽ không được bú sữa mẹ đầy đủ. Vì vậy, nếu mẹ muốn thử các phương pháp dân gian, mẹ tham khảo một số cách dưới đây. Tuy nhiên, mẹ đừng phụ thuộc vào chúng bởi hầu như các phương pháp dân gian đều chưa được kiểm định về tính hiệu quả, độ an toàn đâu ạ!
1.1. Chữa tắc tia sữa bằng lược
Cách làm này cũng có tác dụng phần nào cải thiện tình trạng tắc sữa cho mẹ. Những chiếc răng lược dày, đều tác động lên vùng sữa đang bị tắc một cách nhẹ nhàng và đều đặn, từ đó kích thích lưu thông sữa tại các vùng tắc này cho mẹ.
Mặc dù phương pháp này hiện nay chưa có căn cứ khoa học nhưng thực tế đã được mẹ áp dụng khá thành công.
Chuẩn bị:
- Một chiếc lược dày và dài cùng với một chiếc khăn ấm.
Cách làm khá đơn giản như sau:
- Bước 1: Mẹ dùng khăn ấm vệ sinh sạch sẽ hai bầu ngực.
- Bước 2: Mẹ dùng lược chải nhẹ nhàng theo hướng từ chân bầu vú đến núm vú.
Tần suất: Mẹ thực hiện vài lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng từ 3-5 phút sẽ cho hiệu quả nhanh chóng.
Lưu ý:
- Để cho hiệu quả cao hơn, mẹ thực hiện chườm ấm bầu vú trước khi dùng lược chải nhé!
- Phương pháp này không mang lại hiệu quả tuyệt đối, mẹ chỉ nên sử dụng khi mới bắt đầu có triệu chứng tắc sữa thôi.
1.2. Dùng hành tím
Theo Y học cổ truyền, đối với điều trị tắc tia sữa, hành tím có tính ấm sẽ làm mềm các cục sữa đông vón ở các nang sữa và làm chúng lưu thông. Cùng với khả năng chống sưng và kháng viêm của hành tím, mẹ không cần lo lắng xảy ra tình trạng áp xe, sưng mủ khi sử dụng phương pháp này đâu ạ!
Chuẩn bị:
- 2-3 củ hành tím. Chọn những củ to, tròn, không bị khô.
- Một chiếc khăn xô.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Hành tím bỏ vỏ, rửa sạch, cắt lát dày khoảng 1,5 mm.
- Bước 2: Đắp hành tím đã cắt lát lên quanh bầu ngực, tránh đắp trực tiếp lên đầu ti tránh bị cay nồng bé không bú.
- Bước 3: Phủ khăn xô lên trên, rồi băng lại cố định trong 30 phút. Kết hợp massage ngực để đạt hiệu quả nhanh.
Tần suất: Mỗi ngày mẹ nên thực hiện 2 lần. Sau khoảng 4 ngày sẽ thông tắc sữa hoàn toàn cho mẹ.
1.3. Dùng lá mít
Theo y học dân gian, lá mít là bài thuốc lành tính, ích khí, lợi sữa. Mặc dù chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh hiệu quả, nhưng người ta nhận thấy lá mít không chỉ có khả năng giúp mẹ tăng tiết sữa, lợi sữa mà còn có tác dụng tốt với các mẹ bị tắc tia sữa. Có thể ví lá mít giống như trợ thủ đắc lực với các mẹ bỉm.
Chuẩn bị:
- Mẹ chuẩn bị 9 lá mít to đẹp, không sâu, chọn lá bánh tẻ (nghĩa là không quá già cũng không quá non).
Cách bước thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch lá mít rồi đem hơ nóng.
- Bước 2: Mẹ lựa vùng ngực bị căng và cứng nhất rồi đắp từng chiếc lá lên (tránh vùng đầu ti).Thực hiện đều với 2 bên ngực.
- Bước 3: Kết hợp với massage và ấn nhẹ nhàng từ trên xuống vùng ngực để đánh tan cục sữa đông, kích thích sữa lưu thông tốt hơn. Cách làm này cũng giúp giảm đau tức nhanh chóng cho mẹ.
Tần suất: Mỗi ngày thực hiện 2-3 lần. Kiên trì thực hiện 3-5 ngày để sữa thông hoàn toàn mẹ nhé!
Lưu ý: Không để lá mít quá nóng (trên 50 độ) tránh làm bỏng da.
1.4. Dùng lá bắp cải
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng lá bắp cải thực sự có tác dụng điều trị chứng tắc tia sữa cho các mẹ bỉm. Trong lá bắp cải có chứa lượng lớn Phytoestrogen – thành phần giúp giảm sưng tấy ngừa viêm, chống nhiễm trùng. Đắp lá bắp hơ nóng trên ngực sẽ làm tan các cục sữa bị đông vón, giúp sữa chảy ra dễ dàng, giảm tắc sữa rất tốt.
Chuẩn bị:
- Mẹ chọn 1 chiếc bắp cải xanh, bóc lấy 2 lá nguyên vẹn, dày to, có kích thước xấp xỉ với bầu ngực.
- Đem rửa sạch với nước rồi để ráo.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Lấy phần cọng cứng, đem hơ lửa sao cho thật nóng. Nhưng tránh nhiệt độ nóng quá sẽ có thể gây bỏng da khi đắp.
- Bước 2: Đặt một lớp khăn mỏng lên bầu ngực bị tắc sữa, sau đó đặt lá bắp cải đã hơ nóng lên để ôm trọn bầu ngực. Nếu sợ nóng quá, có thể đắp vài ba lớp cũng được.
- Bước 3: Lấy tay day phần cọng lá lên vùng nổi cục tắc sữa để làm tan cục sữa đông. Kết hợp với massage để tăng hiệu quả. Nếu thấy lá nguội, mẹ lại hơ nóng lá khác làm tương tự cho tới khi cục đông sữa tan ra.
Lưu ý:
- Mỗi lần đắp tối đa trong 30 phút, trong thời gian này thường xuyên thay lá đã cũ và nguội.
- Không đắp quá 3 lần mỗi ngày. Mẹ đắp quá lâu có thể gây ra tình trạng giảm sữa.
1.5. Dùng xôi nếp
Tương tự như phương pháp chườm ấm, mẹ có thể dùng xôi nếp đắp ngoài để chữa tắc tia sữa. Cùng với hơi nóng của xôi, tác động từ bàn tay của mẹ khi xoa bóp giúp các tia sữa bị vón cục được tan ra, lưu thông dòng chảy để sữa mới chảy ra.
Chuẩn bị:
- Một nắm xôi nếp nóng.
- 2 chiếc khăn xô mỏng.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Lấy xôi nếp đang còn ấm cho vào 2 chiếc khăn đã chuẩn bị.
- Bước 2: Chườm nhẹ nhàng gói xôi lên bầu ngực theo hướng từ ngoài vào trong, tránh chườm lên đầu ti.
- Bước 3: Chườm liên tục 2 bên ngực đến khi xôi nguội rồi mẹ hâm nóng lên và lăn tiếp. (khoảng 15-20 phút)
Tần suất: Mẹ kiên trì thực hiện 2 lần mỗi ngày sẽ cảm nhận được bầu ngực thay đổi rõ ràng.
Lưu ý: Mẹ cũng không nên đắp xôi quá nóng (trên 60 độ C), tránh gây bỏng ngực. Không đắp xôi nếp trực tiếp lên ngực vì dễ gây viêm nhiễm, không đảm bảo vệ sinh.
1.6. Sử dụng men rượu
Nhiều mẹ đã sử dụng men rượu chữa tắc sữa thì nhận thấy rằng: tình trạng căng tức giảm sau 2-3 ngày, sữa về nhiều và thơm hơn.
Tuy chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh hiệu quả chữa tắc sữa của men rượu, nhưng người ta cho rằng men rượu có tính ấm nóng sẽ lưu thông tuần hoàn, khí huyết. Đặc biệt, nếu mẹ kết hợp cùng với massage và chườm nóng sẽ đem lại hiệu tích rất tích cực.
Chuẩn bị:
- 2 đến 3 viên men rượu giã thật nhỏ. Dùng rây để loại bỏ phần vỏ trấu để được phần men rượu mịn..
- Rượu trắng 40 độ (5ml).
Cách thực hiện:
- Bước 1: Hòa tan men rượu đã giã vào rượu trắng 40 độ sao cho tạo thành hỗn hợp sền sệt là được.
- Bước 2: Thoa đều hỗn hợp lên bầu ngực (tránh phần đầu ti). Sau đó mẹ massage và day đều liên tục trong 30 phút, có cảm giác nóng lên là được.
- Bước 3: Cuối cùng rửa sạch bằng nước ấm 38-40 độ, cho bé ti ngay sẽ thông sữa rất hiệu quả.
Tần suất: Thực hiện đều đặn 1 lần/ngày, làm trong 2 ngày mẹ sẽ thấy hiệu quả.
Lưu ý: Men rượu dễ gây bẩn, vì thế, mẹ tắm sau khi thực hiện phương pháp này để dễ vệ sinh, làm sạch cơ thể nhé!
1.7. Sử dụng quả đu đủ
Đắp đu đủ non cũng được nhiều mẹ ưa chuộng bởi nó lành tính, cùng tác dụng giảm đau, thông tắc sữa rất hiệu quả. Người ta cho rằng, trong đu đủ xanh có chứa nhiều enzyme tự nhiên bao gồm papain. Đây là loại enzym có hiệu quả trong việc chữa tắc tia sữa.
Chuẩn bị:
- Mẹ chọn 1 quả đu đủ non, gọt vỏ, đem rửa sạch cho chảy hết mủ. Sau đó xắt thành lát mỏng.
- Khăn giấy mỏng/ vải mỏng.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đem các lát đu đủ hơ lửa cho đủ ấm, sau đó quấn vào khăn giấy mỏng.
- Bước 2: Đắp lên vùng bị tắc sữa, đặc biệt là vùng bị sưng cứng. Massage nhẹ nhàng tương tự với các loại lá khác. Chườm cho tới khi nguội thì thôi.
Tần suất: Mẹ thực hiện 1-2 lần/ ngày, mỗi lần khoảng 10-20 phút để thấy hiệu quả.
1.8. Cách chữa tắc tia sữa với lá diếp cá, đinh lăng
Đinh lăng được cho là “ thần dược” không thể không nhắc tới khi điều trị tắc tia sữa cho mẹ. Theo sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam của tác giả Đỗ Huy Bích, lá đinh lăng có tác dụng chữa tắc tia sữa vì nó có tính mát, giúp làm tan và lưu thông các cục sữa bị tắc nghẽn.
Chuẩn bị:
- Lá đinh lăng (loại đinh lăng lá nhỏ) 100g: Chọn lá đã già trên 3 năm để có tác dụng dược lý tốt nhất.
- Lá diếp cá 50g.
- Đem rửa sạch 2 loại lá, để ráo nước.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đem hỗn hợp 2 loại lá giã nát bằng cách sử dụng cối giã hoặc máy xay sinh tố đều được.
- Bước 2: Bọc hỗn hợp vừa giã vào khăn mỏng, đắp trực tiếp lên bầu ngực khoảng 1 giờ (tránh đắp lên đầu ti).
- Bước 3: Gỡ hỗn hợp ra, vệ sinh sạch sẽ bầu ngực bằng nước ấm.
Tần suất: Mẹ sử dụng 2-3 lần/tuần.
1.9. Cách chữa tắc tia sữa với lá bồ công anh
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của tác giả Đỗ Tất Lợi, một số thành phần như Lactuxerin, axit lacturic, acid quinic, sterol, choline… có tác dụng giảm đau, giảm sưng, giảm viêm. Vì thế, sử dụng lá bồ công anh sẽ giúp cải thiện tình trạng tắc sữa cho mẹ.
Cách thực hiện
1 – Với lá bồ công anh tươi
- Bước 1: 100g lá bồ công anh tươi đem rửa sạch, ngâm 10 phút với nước muối để làm sạch vi khuẩn.
- Bước 2: Đem xay nhỏ, thêm 150ml nước đem đun sôi trong 15 phút.
- Bước 3: Phần nước uống trong ngày như trà (uống ấm hoặc uống nóng liên tục trong 5 ngày), phần bã thì cho vào khăn mỏng đắp vào vùng ngực bị căng cứng khoảng 1 tiếng.
Lưu ý: Phần nước uống mẹ nên uống ngay sau khi xay, tránh để lâu quá 2 tiếng nhé!
2 – Với lá bồ công anh khô
- Bước 1: Lấy khoảng 60g lá bồ công anh khô, rửa sạch với nước.
- Bước 2: Cho vào nồi nước đang sôi (khoảng 750ml nước), đun khoảng 5 phút.
- Bước 3: Chờ nguội, mẹ lấy nước này uống hằng ngày thay nước lọc sẽ giúp cải thiện được tình trạng tắc sữa.
Lưu ý: Mẹ lưu ý không để nước lá bồ công anh qua đêm, tránh để vi khuẩn xâm nhập gây hại tới sức khỏe.
2. Lưu ý khi dùng mẹo dân gian chữa tắc tia sữa
Để áp dụng các mẹo dân gian được an toàn và hiệu quả nhanh chóng, mẹ cần lưu ý các vấn đề sau đây:
- Tránh việc ngừng cho con bú trong thời gian trị tắc sữa bằng các phương pháp dân gian: Mẹ nên duy trì cho bé bú để sữa được đẩy ra ngoài thường xuyên, sữa được thay mới liên tục. Điều này tránh sữa bị ứ đọng bên trong gây căng tức và tắc nghẽn tia sữa.
- Hạn chế đắp các loại nguyên liệu trực tiếp lên đầu ti: Điều này có thể gây đau rát và khó chịu cho mẹ. Hơn nữa, việc vệ sinh không sạch sẽ có thể để lại mùi và gây cay dẫn đến bé không chịu bú mẹ.
- Không áp dụng với trường hợp bị tắc tia sữa từ 2 đến 3 ngày, hay có biểu hiện nặng như sốt cao, sưng nhức hay mưng mủ. Trong trường hợp này, mẹ cần nhanh chóng gặp bác sĩ để được tư vấn và kê đơn thuốc.
Ngoài ra, các mẹo dân gian này sẽ không an toàn tuyệt đối vì nguyên liệu không được sạch có thể gây tác dụng ngược. Vì vậy, mẹ nên cân nhắc đến các phương án xử lý khác để an toàn, tiện lợi và hiệu quả hơn.
3. Phương pháp chữa tắc tia sữa đã được khoa học kiểm chứng
Đa phần các mẹo dân gian này chưa được khoa học kiểm chứng về hiệu quả và độ an toàn đâu mẹ. Vì thế, mẹ ưu tiên áp dụng các phương pháp được chuyên gia khuyên dùng dưới đây:
3.1. Chườm ấm quanh bầu ngực
Nhiệt độ từ việc chườm ấm sẽ làm mềm mô ngực, các cục sữa bị đông vón tan ra, lưu thông dòng chảy để sữa mới chảy ra. Vì vậy, mẹ chườm ấm quanh bầu ngực sẽ giảm sưng đau, khai thông được tia sữa cho mẹ.
Cách thực hiện:
- Chườm với chai nước nóng: Mẹ pha nước nóng (50 độ C) vào một chai nhựa 0.3-0.5 lít, quấn xung quanh bằng một khăn xô mỏng. Bắt đầu lăn lên vùng bị tắc sữa theo hướng từ dưới bầu vú lên phía đầu ti. Thực hiện trong vòng 5-10 phút.
- Chườm với khăn ấm: Dùng khăn nhúng nước ấm 45 độ C, vắt kiệt. Đặt lên vùng ngực bị căng tức trong vài phút. Thực hiện tương tự với bên ngực còn lại.
Nếu quá bận, mẹ có thể tắm hoặc ngâm mình cùng toàn bộ bầu ngực trong bồn, miễn là để vùng sữa bị tắc tiếp xúc với hơi nước ấm.
Lưu ý:
- Mẹ thực hiện chườm ấm 2-3 lần/ngày, mỗi lần nên cách nhau ít nhất 3 giờ. Mỗi lần không quá 10 phút tránh ống sữa giãn nở quá đà, khó khăn trong việc đẩy sữa ra ngoài.
- Không pha nước nóng quá 50 độ C tránh gây bỏng da.
- Mẹ kết hợp với massage để làm tăng hiệu quả và làm thông vùng tắc sữa nhanh hơn.
3.2. Massage vùng ngực
Các chuyên gia cho rằng, việc massage thường xuyên và đều đặn sẽ có tác dụng làm mềm vú, lưu thông tia sữa bị tắc, giảm căng tức, kích thích tiết sữa cho mẹ.
Cách thực hiện:
- Dùng một bàn tay đè ép bầu ngực, tay còn lại massage nhẹ nhàng theo vòng tròn để làm tan các vị trí sữa bị tắc.
- Mẹ day mỗi bên ngực khoảng 20 – 30 lần rồi làm ngược lại, day bắt đầu từ bầu vú hướng vào trong núm vú. Thời gian massage thường từ 10-25 phút mỗi bên vú.
Lưu ý:
- Cần thực hiện nhiều lần, sau khoảng 2-3 tiếng mẹ lặp lại một lần.
- Không day quá mạnh sẽ gây tổn thương bầu ngực, phù nề mô mỡ, giãn mạch máu dưới da gây viêm tuyến vú.
- Áp dụng kết hợp biện pháp chườm ấm trước khi cho con bú có thể hỗ trợ giảm sưng đau, giúp khai thông các tia sữa.
3.3. Sử dụng một số sản phẩm hỗ trợ
Ngoài các cách đã được chia sẻ ở trên, thì mẹ nên bổ sung thêm các sản phẩm giúp lợi sữa. Các sản phẩm lợi sữa giúp tăng tiết sữa, sữa về đều hơn, giảm kết dính và đông vón các thành phần trong sữa. Từ đó chúng cũng giảm được tình trạng tắc tia sữa và căng tức cho mẹ.
Mẹ tham khảo một số sản phẩm chất lượng, an toàn sau đây và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ mẹ nhé!
- Thuốc lợi sữa Ích mẫu lợi nhi
- Thuốc lợi sữa Mabio
- Thuốc lợi sữa Pigeon
4. Biện pháp phòng tránh tắc tia sữa
Tắc tia sữa không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ mà còn gây khó khăn trong việc cho con bú sữa. Do đó, mẹ nên chủ động phòng tránh để hạn chế nguy cơ tắc tia sữa.
Dưới đây là một vài gợi ý cho mẹ:
- Cho bé bú thường xuyên, càng sớm càng tốt sau khi sinh: Mẹ duy trì cho bé bú 2-3 h/lần theo nhu cầu, tránh để các cữ bú quá lâu (trên 6 tiếng) làm sữa bị ứ đọng tắc nghẽn. Tốt hơn, mẹ nên dùng máy hút sữa hút hết sữa thừa ra ngoài sau mỗi lần cho con bú.tránh để sữa ứ đọng gây tắc sữa. Ngoài ra, mẹ tham khảo thêm cữ bú tiêu chuẩn cho bé sơ sinh để điều chỉnh sao cho phù hợp với bé mẹ nhé!
- Giữ vệ sinh bầu ngực sạch sẽ trước và sau khi cho con bú: Mẹ dùng khăn nhúng nước ấm vệ sinh sạch sẽ vùng đầu vú và kẽ vú để bầu ngực luôn được khô thoáng, sau đó mới cho con bú nhé!
- Sử dụng áo ngực, quần áo rộng rãi, thoải mái: Trang phục rộng rãi vừa giúp mẹ thoải mái, vừa tránh áp lực làm ngực bị chèn ép, gây tắc sữa. Mẹ nên chọn áo ngực không gọng, ưu tiên chất liệu co giãn tốt như cotton, bamboo…
- Uống đủ 3 lít nước mỗi ngày: Uống đủ nước để cơ thể tiết sữa nhiều hơn, đồng thời tạo áp lực đẩy cục sữa tắc ra ngoài.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ: Mẹ cũng nên tham gia các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, thiền, yoga… để cơ thể tiết sữa tốt hơn, ngăn ngừa tắc tia sữa.
Các mẹo dân gian chữa tắc tia sữa chỉ là những phương pháp được truyền miệng, hầu hết chưa được khoa học kiểm chứng hiệu quả và an toàn. Mẹ cân nhắc kỹ trước khi sử dụng và chỉ nên áp dụng nếu tình trạng nhẹ thôi ạ! Mẹ ưu tiên lựa chọn những phương pháp đã được kiểm chứng như chườm ấm, massage…hoặc gặp bác sĩ để có được lời khuyên khoa học, phù hợp với tình trạng của mẹ !
Nếu còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận bên dưới để được hỗ trợ mẹ nhé!