Căng sữa sau sinh không chỉ làm mẹ đau nhức, khó chịu mà còn khiến việc cho con bú sữa khó khăn hơn. Mẹ lo lắng vì sợ nếu kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến con, sợ không đủ sữa cho con bú? Hiểu được khó khăn của mẹ, Góc của mẹ tổng hợp 4 Cách chữa căng sữa khoa học và hiệu quả được mẹ bỉm hiện đại áp dụng và truyền tai nhau. Mẹ đừng bỏ lỡ nhé!
Mục lục
1. Căng sữa sau sinh là do đâu?
Trong khoảng thời gian 3-5 ngày sau sinh, đa số các mẹ thường gặp hiện tượng căng sữa. Điều gì gây ra hiện tượng này? Đó là do sự chênh lệch giữa 2 hoocmon prolactin và oxytocin đó ạ. Trong đó:
- Prolactin chịu trách nhiệm tạo sữa
- Oxytocin phụ trách co bóp tuyến sữa, giúp dòng sữa lưu thông và giải phóng sữa ra khỏi đầu vú
3 – 4 ngày đầu sau sinh là thời điểm hoocmon prolactin hoạt động mạnh nhất, khiến sữa đổ nhiều về các nang sữa. Lúc này, nếu cơ thể chưa có đủ Oxytocin để co bóp tuyến sữa, sữa không được đẩy ra ngoài sẽ gây căng ngực, đau nhức, khó chịu cho mẹ.
Lý do khiến mẹ thiếu hoocmon Oxytocin:
- Yếu tố cơ địa: Lượng hoocmon Oxytocin được tiết ra tùy theo cơ địa sẽ khác nhau, không phải mẹ nào cũng tiết đủ hoocmon ngay sau sinh
- Yếu tố khác: Hoocmon này tiết ra khi mẹ thấy hạnh phúc, thoải mái, sinh nở, bé bú,… Nếu mẹ căng thẳng hoặc bé bú quá ít,… có thể làm giảm lượng hoocmon này tiết ra.
Mẹ bị căng sữa sau sinh có biểu hiện như sau:
- Ngực sưng, sờ ngực thấy săn chắc và đau. Nếu vú bị căng sữa nghiêm trọng, vú rất sưng, cứng, bóng, ẩm và hơi sần khi chạm vào
- Núm vú dẹt, trong khi phần quầng thâm vú rất cứng khiến bé khó ngậm ti
- Mẹ sốt khoảng 38 độ C
- Các hạch bạch huyết ở nách hơi sưng và mềm
2. 4 bước chữa căng sữa sau sinh an toàn tại nhà
Để xử lý căng sữa, mẹ chỉ cần làm thay công việc của hoocmon, co bóp tuyến sữa bằng cách massage ngực kết hợp với hút sữa ra bên ngoài. Ngoài ra, mẹ áp dụng phương pháp chườm ấm ngực để giãn nở các tuyến sữa, giúp sữa chảy ra ngoài tốt hơn.
2.1. Chườm ấm ngực
Tác dụng của chườm ấm: Chườm ấm ngực giúp làm mềm vú, các nang sữa giãn nở hoặc làm tan những cục sữa đông trong nang sữa. Từ đó giảm cương sữa, giúp sữa chảy ra ngoài dễ hơn.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị khăn và nước ấm. Nhúng khăn trong nước ấm khoảng 40-45 độ và đặt lên quầng vú.
- Bước 2: Massage ngực nhẹ nhàng để kích thích dòng chảy của sữa
- Bước 3: Dùng tay bóp 1 ít sữa ra trước để giảm sự căng sữa, giúp giãn nở tuyến sữa, sữa dễ chảy ra hơn. Thao tác này cũng giúp làm mềm vú để bé mút tốt hơn đó ạ!
Lưu ý: Không chườm ấm quá 3 phút sẽ làm phù nề các mạch máu dưới tuyến vú gây vỡ mạch và tổn thương vú, áp xe vú/viêm vú.
2.2. Cho bé bú ở cả 2 bên ngực
Cho bé bú ở cả 2 bên ngực giúp mẹ giải phóng sữa ở cả 2 bầu ngực, hạn chế sữa tích tụ ở bầu sữa gây căng sữa, tắc sữa. Ngoài ra, khi cho bé bú cả 2 bên, 2 bầu sữa cũng được kích thích tiết sữa đều nhau.
Cách thực hiện: Thay đổi tư thế bú cho con để hút hết sữa trong bầu ngực. Chỉ cho bé bú một bên trong suốt cữ bú để vắt hết sữa bên đó, sau đó chuyển sang bên ngực còn lại. Làm như vậy sữa ở cả 2 bên bầu ngực đều được vắt sạch và đều nhau.
2.3. Vắt sữa
Mẹ tiếp tục vắt sữa sau khi cho bé bú xong để ngực sạch sữa hoàn toàn, giúp nang sữa xẹp dần, mẹ cũng giảm cơn đau do căng sữa.
Mẹ nên vắt sữa bằng tay để cảm nhận được tình trạng của bầu sữa, từ đó điều tiết lực vắt phù hợp với cơ thể mình. Máy vắt sữa có thể giúp mẹ vắt nhanh hơn, tuy nhiên dễ gây đau rát, trầy đầu ti và khó vắt được hết sữa nếu mẹ không quen dùng.
Cách thực hiện:
- Chọn tư thế thoải mái (ngồi hoặc đứng)
- Dùng một bàn tay nâng đầu vú, tay còn lại đặt ngón trỏ và ngón cái quanh quầng vú
- Dùng một lực nhẹ ấn các ngón tay vào bầu ngực, di chuyển theo chiều hướng về phía núm vú để dòng sữa chảy ra ngoài
- Nới lỏng lực tay nếu thấy sữa chảy, tiếp tục lặp lại cho đến khi thấy dòng sữa chảy ít và chậm lại thì đổi bên. Mỗi bên có thời gian vắt khoảng 3 tới 5 phút.
2.4. Chườm lạnh để làm dịu cơn đau
Nếu mẹ còn đau do căng sữa, mẹ có thể chườm lạnh để giảm sưng và xoa dịu cơn đau.
Cách thực hiện: Mẹ cho vài viên đá lạnh vào chậu nước. Lấy 4-6 cái khăn sữa nhúng nước đá đắp lên bầu ngực. Nên dùng nhiều khăn để giúp giữ nhiệt lâu hơn.
Thời gian đắp là 10-15 phút cho cả hai bên ngực. Mẹ nên chườm lạnh mỗi 2-3 giờ /lần trong vòng 24-48 giờ kể từ khi có hiện tượng cương sữa mẹ nhé!
3. 3 điều không nên làm khi bị căng sữa
3.1. Chườm nóng trong thời gian dài hoặc chườm quá nóng
- Thời gian chườm nóng quá lâu: Thời gian lý tưởng cho việc chườm nóng là 2-3 phút. Nếu chườm lâu hơn, các nang sữa và ống sữa sẽ giãn nở rất to, khiến cho việc co bóp các nang, ống sữa này khó khăn hơn.
Ngoài ra, khi nang sữa giãn nở quá to, sữa sẽ dồn xuống các nang sữa nhiều. Nếu bé bú không kịp hoặc mẹ không kịp vắt sữa, sữa sẽ tích tụ ở bầu ngực nhiều khiến căng sữa nặng hơn.
- Chườm quá nóng: Chườm với nhiệt độ quá nóng (cao hơn 45 độ C) khiến mao mạch máu dưới tuyến vú có thể bị vỡ, gây tổn thương vú, áp xe, viêm vú…
3.2. Day ấn bầu ngực quá mạnh
Day ấn quá mạnh dễ làm tổn thương da và mạch máu tuyến vú, gây viêm vú và áp xe vú. Tốt nhất, mẹ tự tay massage để cảm nhận cơ thể mình, không nhờ người khác vì không ai hiểu cơ thể mẹ bằng mẹ đâu ạ!
3.3. Nhờ người lớn bú mút bầu ti
Có mẹ nhờ chồng ti hộ vì nghĩ sức bú tốt hơn sẽ giúp sữa chảy ra tốt hơn. Nhưng đây không phải là giải pháp tốt đâu ạ. Miệng người lớn chứa rất nhiều vi khuẩn, dễ tấn công vào ống dẫn sữa gây viêm nhiễm. Ngoài ra, người lớn có khớp ngậm không đúng nên sẽ không đem lại hiệu quả cao.
4. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nếu như mẹ đã thực hiện các gợi ý trên mà tình trạng cương vú của mình vẫn chưa chấm dứt, thậm chí trở nên nặng hơn, lúc này mẹ cần sự hỗ trợ của bác sỹ chuyên môn. Đặc biệt, đi khám ngay nếu mẹ thấy 1 trong 3 dấu hiệu sau nhé:
- Ngực căng cứng và sốt cao trên 38.5 độ C. Sốt có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng vú, viêm vú hoặc một số bệnh về vú khác.
- Vú sưng và cứng và không có dấu hiệu giảm bớt mặc dù đã can thiệp những phương pháp làm dịu căng vú
- Căng sữa kéo dài không thuyên giảm, kéo dài 3-4 ngày
Hiện tượng cương sữa sau sinh là hiện tượng hoàn toàn bình thường, mẹ đừng quá lo lắng. Sau khoảng 7 – 10 ngày, lượng hoocmon oxytocin sẽ tăng lên để cân bằng với hoocmon prolactin, khi đó mẹ sẽ không bị căng sữa nữa đâu ạ. Trước lúc đó, mẹ áp dụng cách chữa căng sữa ở trên để không bị đau mẹ nhé!