Mẹ mong muốn thụ thai mà chưa biết chuẩn bị cơ thể cho thai kỳ như thế nào? Bất kì ai cũng đều muốn mình khỏe mạnh và sẵn sàng nhất cho thai kỳ. Bài viết sau đây sẽ cùng mẹ tìm hiểu những vấn đề trong việc chuẩn bị mang thai.
Mục lục
1.Khám và tư vấn trước sinh
1.1.Khám, điều trị bệnh phụ khoa
Bệnh phụ khoa là vấn đề đau đầu của nhiều chị em. Nhưng cũng có rất nhiều mẹ e ngại khi đi khám và điều trị bệnh phụ khoa. Tuy nhiên bệnh phụ khoa cần được điều trị triệt để trước khi mang thai. Đó là một trong những yếu tố giúp mẹ dễ thụ thai và có thai kì an toàn. Một số tác nhân gây bệnh phụ khoa thậm chí có thể gây vô sinh. Vì vậy chị em không nên chủ quan và ngại vấn đề này.
1.2.Nhổ răng khôn
Nhiều mẹ mang thai đột nhiên đau răng khôn thì rất phiền toái. Răng khôn rất khó vệ sinh nên dễ bị sâu gây đau. Nhổ răng khôn trong thai kỳ thường chỉ định trong những trường hợp bất khả kháng và gây nguy hiểm với thai nhi. Vì vậy tốt nhất mẹ nên giải quyết hết răng khôn để chuẩn bị sức khỏe cho mang bầu.
1.3.Kiểm tra sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản
Khám sức khỏe tổng quát tầm soát cho mẹ về một số bệnh có thể ảnh hưởng đến thai. Một số bệnh truyền nhiễm, bệnh chuyển hóa có thể gây hại cho sức khỏe của cả mẹ và bé trong thai kì. Thăm khám đánh giá được thể lực, thể chất, dinh dưỡng của mẹ cần cải thiện, thay đổi như thế nào để mang thai. Hoặc thăm khám giúp mẹ phát hiện ra những vấn đề có thể gây khó khăn trong thụ thai để giải quyết sớm. Một mặt khác, cả hai vợ chồng đều nên đi khám sức khỏe sinh sản để sớm phát hiện bất thường. Đồng thời các chuyên gia sẽ có lời khuyên để mẹ được tiêm chủng những loại vaccine cần thiết.
2.Chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng
2.1.Chế độ ăn
Một chế độ ăn hợp lý không chỉ tốt để chuẩn bị cơ thể cho thai kỳ mà còn luôn tốt với sức khỏe phụ nữ nói chung. Ăn uống hợp lý bao gồm một số điểm sau:
- Ăn nhiều thực phẩm giàu protein
- Luôn ăn đủ rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa
- Hạn chế chất tạo ngọt, đồ ngọt, hạn chế thực phẩm quá nhiều calo.
Một khẩu phần dinh dưỡng hợp lý mẹ có thể tham khảo ở các tháp dinh dưỡng khuyến cáo của Viện dinh dưỡng quốc gia. Xây dựng thực đơn chủ động cho mỗi tuần là cách làm khoa học và hiệu quả để duy trì một chế độ ăn tốt.
Ngoài ra, nếu cân nặng của chị em đang thấp hoặc cao, hãy chú ý ăn uống để đạt cân nặng lý tưởng trước khi chuẩn bị mang thai.
2.2.Tránh xa rượu, thuốc lá, hạn chế caffein
Mỗi người có lí do riêng của mình khi sử dụng những sản phẩm trên. Tuy nhiên nếu mẹ chuẩn bị mang thai thì tuyệt đối nên tránh xa chúng. Đây là những chất có thể gây độc hoặc gây hại về lâu dài cho cơ thể. Các tác nhân này cũng dễ gây sảy thai hoặc khó có thai.
Những chị em nghiện cà phê cũng nên chú ý không sử dụng quá nhiều khi đang mong con. Mẹ uống nhiều hơn 500ml cà phê mỗi ngày làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc làm giảm khả năng có thai. Bạn nên hạn chế chất caffein trong đồ uống. Nghĩa là không chỉ cà phê mà còn cả các loại nước tăng lực, soda có chứa nhiều caffein.
2.3.Bổ sung acid folic
Acid folic hay vitamin B9 là hoạt chất kích thích sản xuất tế bào mới trong cơ thể. Việc bổ sung acid folic trước và trong khi mang thai giúp giảm tỉ lệ khuyết tật ống thần kinh của thai nhi. Acid folic thường được bổ sung cùng một số loại vitamin B để kích thích tạo hồng cầu, cải thiện thiếu máu. Trước khi mang thai khoảng 3 tháng, mẹ nên tham khảo liều bổ sung acid folic để uống. Không tùy ý sử dụng acid folic với liều tùy ý mà phải có sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ.
Tìm hiểu thêm:
Tiêm phòng trước khi mang thai mẹ cần biết
3.Tập luyện và thư giãn để chuẩn bị mang thai
3.1.Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục trước khi mang thai có thể giúp cơ thể đáp ứng với tất cả những thay đổi mà người mẹ sẽ trải qua trong quá trình mang thai và chuyển dạ. Hầu hết những mẹ đã tập thể dục có thể duy trì tập trong suốt thời gian mang thai.
Chuẩn bị cơ thể cho mang bầu rất cần 30 phút tập thể dục mỗi 5 ngày trong tuần. Khi chị em chưa tập thì nên bắt đầu cả trước khi thụ thai và trong suốt thai kỳ.
Để đảm bảo việc tập thể dục không bị quá sức thì chị em cần tham khảo huấn luyện viên, chuyên gia hoặc tập thử xem có bị quá mệt hay không. Với thời lượng phù hợp, thể lực và sự dẻo dai của mẹ sẽ cải thiện rất đáng kể.
3.2.Giải tỏa tâm lý, thư giãn
Trước, trong và sau thai kỳ, nhà mình cần có sự cân bằng trong tâm lý. Rất nhiều áp lực và âu lo trong giai đoạn này. Mẹ cần cố gắng giải tỏa, thư giãn hợp lý để xua tan stress, căng thẳng. Sự chuẩn bị một sức khỏe tinh thần tốt giúp mẹ có thai kỳ khỏe mạnh, thuận lợi.
Nguồn tham khảo: https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000513.htm