Trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam, xôi là một món ăn vô cùng quen thuộc và dân dã. Có thể nói xôi chính là món ăn mang lại bản sắc của một dân tộc trồng lúa nước từ bao đời nay. Đặc biệt không thể không kể đến món ăn xuất hiện trong các ngày lễ Tết, ngày cỗ cưới – xôi vò. Ở mỗi vùng miền lại có các cách nấu xôi vò khác nhau. Vậy hôm nay Góc của mẹ sẽ giới thiệu cho mẹ cách nấu xôi vò dẻo thơm chuẩn vị các miền nhé!
Tham khảo: Cách nấu xôi đậu xanh chuẩn công thức cho mẹ yêu
Mục lục
1. Nấu xôi vò miền Bắc (xôi vò mặn)
1.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
Để nấu xôi vò, mẹ cần chuẩn bị những nguyên liệu như sau:
- 300gr gạo nếp
- 150gr đậu xanh bóc vỏ sẵn
- Dầu ăn, muối, đường
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần chuẩn bị một số dụng cụ nấu ăn như nồi hấp hoặc chõ đồ xôi để nấu xôi được ngon.
1.2. Sơ chế nguyên liệu
Trước khi bắt tay vào nấu xôi vò, mẹ cần sơ chế qua các nguyên liệu. Cách làm cụ thể như sau, mẹ hãy theo dõi nhé.
- Gạo vo thật sạch cho tới khi nước trong, sau đó ngâm khoảng 6 – 8 tiếng hoặc để qua đêm.
- Đỗ xanh rửa sạch, cũng ngâm khoảng 3 – 4 tiếng hoặc có thể ngâm cùng với gạo luôn.
- Nếu mẹ không kịp ngâm với thời gian như vậy, mẹ có thể ngâm gạo và đỗ với nước ấm 40 – 45°C khoảng 3 tiếng trước khi nấu. Như vậy hạt nếp và đỗ sẽ nở và món xôi được chín mềm, dẻo thơm.
- Sau khi ngâm xong thì cho xôi và đỗ ra để ráo nước. Để ngoài trời khoảng 30 – 45 phút cho thật khô nước. Mẹ có thể xóc cho nhanh ráo hơn.
- Trộn đều vào mỗi phần gạo và đỗ khoảng ½ thìa cafe muối. Chú ý không nên trộn nhiều quá sẽ khiến xôi bị mặn.
1.3. Nấu xôi vò
Đầu tiên, mẹ cần hấp chín đỗ xanh trước theo cách sau:
- Đỗ xanh róc hết nước, mẹ hấp đỗ xanh bằng nồi cơm điện hoặc dùng chõ đồ xôi cũng được. Chú ý rải đều đỗ thành một lớp vừa, để hở các lỗ thông hơi cho hơi nóng lan đều ra đỗ. Như vậy đỗ sẽ chín mềm và thơm.
- Gạt lại lớp đỗ xanh sau 5 – 10 phút đun, sau đó đun thêm khoảng 10 phút nữa với lửa nhỏ. Dùng tay bóp xem đỗ đã chín mềm hay chưa, nếu rồi thì tắt bếp, để nguội.
- Xay đỗ xanh bằng máy xay sinh tố, hạt đỗ vỡ đều, tơi, không bị vón cục. Mẹ cũng có thể giã bằng tay, chú ý không giã quá nát và nhuyễn là được.
Sau đó mẹ có thể bắt đầu đồ xôi.
- Lấy ½ phần đỗ đã nghiền trộn với gạo đã ráo nước cho tới khi đỗ bám đều trên hạt gạo. Sau đó trộn thêm một chút dầu ăn cho hạt nếp căng bóng và ngậy hơn.
- Cho hỗn hợp vào chõ đồ xôi, hấp cách thủy khoảng 20 – 30 phút là xôi chín.
- Khi thấy xôi chín mềm, mẹ lấy ra trải đều trên mâm để xôi nhanh nguội. Trộn nốt ½ phần đỗ nghiền còn lại vào xôi.
Như vậy là món xôi vò kiểu miền Bắc đã hoàn thành.
2. Nấu xôi vò kiểu miền Nam (xôi vò nước cốt dừa)
2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
Về nguyên liệu của món xôi vò nước cốt dừa thì hầu như không có gì khác xôi vò mặn. Mẹ chỉ cần chuẩn bị thêm khoảng 50ml nước cốt dừa là được. Mẹ có thể dùng nước cốt dừa đóng hộp hoặc tự làm bằng cách nạo cùi dừa xay nhuyễn, chắt qua màng lọc vải và đun sôi để lấy nước sốt.
Ngoài ra, mẹ có thể lấy một chút nghệ giã nhuyễn lấy nước rồi ngâm cùng gạo. Như vậy hạt xôi sẽ có màu vàng nghệ đẹp mắt khiến ăn ngon hơn. Mẹ cũng có thể cho thêm lá dứa để tăng hương vị cho món ăn.
Mẹ sơ chế gạo và đỗ xanh giống hệt công thức bên trên mẹ nhé.
2.2. Cách nấu xôi vò nước cốt dừa
- Đầu tiên, mẹ trộn đều gạo nếp với ½ đỗ xanh đã xay nhuyễn, thêm một chút muối cho đậm đà.
- Nếu mẹ có lá dứa thì xếp một lớp lên trên bề mặt gạo. Tuy nhiên nguyên liệu này không bắt buộc mẹ nhé.
- Cho chõ đồ xôi lên bếp, đun khoảng 25 – 30 phút cho xôi chín dẻo. Mở nắp nồi, dùng muôi xới đều lên. Rải nước cốt dừa vào xôi, rải vừa đủ và đều tay. Mẹ cần chú ý không nên cho quá nhiều nước cốt dừa sẽ làm xôi bị nhão và không ngon.
- Đảo đều cho xôi thấm nước cốt dừa, rồi tiếp tục đun thêm khoảng 10 phút là được.
- Đổ xôi ra mâm hoặc đĩa rộng cho nhanh nguội, sau đó mẹ rắc thêm đường và trộn đều lên.
Món xôi vò nước cốt dừa như vậy là đã hoàn thành. Mẹ xếp ra đĩa để thưởng thức nhé!
3. Một số lưu ý khi nấu xôi vò
- Xôi vò thành phẩm có hạt tơi, không dính vào nhau, dẻo và mịn.
- Tùy vào khẩu vị mỗi người mà rắc thêm đỗ xanh để ăn khô hơn.
- Nêm nếm các gia vị một cách vừa đủ, tránh xôi bị mặn quá hay ngọt quá sẽ không ngon. Với món xôi vò kiểu miền Nam, không nên cho quá nhiều đường sẽ khiến xôi bị cứng lại do đường vón cục.
- Chú ý chọn nguyên liệu ngon và chuẩn thì món xôi vò sẽ ngon hơn rất nhiều. Nên chọn gạo nếp nếp hương hoặc nếp cái hoa vàng. Đỗ xanh cần chọn loại bỏ vỏ có màu vàng nhạt, đều hạt, không ẩm mốc, không có hạt lép.
- Có thể ăn kèm xôi vò với chè đỗ xanh hoặc chè bột sắn dây theo kiểu miền Bắc.
- Hoặc ăn kèm với giò, chả lụa, gà quay, hành phi thơm theo kiểu Sài Gòn đậm đà, ngon miệng.
Như vậy là mẹ đã biết cách nấu xôi vò ngon rồi đấy. Thật dễ dàng đúng không nào? Hy vọng mẹ sẽ có những giây phút đầm ấm và đầy ắp tiếng cười bên mâm cơm của gia đình.
Xem thêm: Bữa ăn gia đình – khoảnh khắc đáng giá hay bị lãng quên