Bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi có thể dẫn đến những nguy hiểm khôn lường khi bệnh diễn biến nặng. Mẹ cần liên tục theo dõi và nhanh chóng đưa bé đi bệnh viện nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào xảy ra.
Mẹ Đ.T.V ở Hà Nội hỏi: “Mình là Đ.T.V. Mình hiện tại đang có cháu được 26 tháng tuổi. 2 buổi chiều liên tiếp mình thay tã cho cháu thì đều phát hiện cháu có đi ngoài ra máu, mình xót lắm. Trước đó mình có cho bé ăn rất đầy đủ, đặc biệt nhiều thịt và chất đạm. Mình có thử tìm hiểu nguyên nhân làm bé như vậy nhưng vẫn chưa tìm thấy câu trả lời. Có mom nào từng gặp tình trạng này chưa ạ? Bé nhà mình bị như vậy có nguy hiểm không, mình nên làm gì bây giờ đây ạ? “
Trả lời: Trẻ đi ngoài ra máu là hiện tượng trong phân có lẫn máu. Màu sắc máu khác nhau tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh. Trẻ đi ngoài ra máu thường có máu đỏ thẫm hoặc đỏ tươi, thậm chí là thâm đen. Nguyên nhân phổ biến nhất thường do bé bị táo bón vì do ăn nhiều thịt, thiếu rau và các chất xơ. Tốt nhất, mẹ cần quan sát thật kỹ để xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó của con, từ đó có cách chăm sóc phù hợp nhất cho con.
Mục lục
1. Đôi nét về sự phát triển đường ruột của bé 2 tuổi
Ruột của bé sơ sinh có tỷ lệ chiều dài ruột/cơ thể lớn hơn so với người trưởng thành. Ruột người lớn dài gấp 4-5 lần chiều cao, trong khi ở bé là từ 6-7 lần chiều cao. Trên lớp niêm mạc ruột của bé có nhiều nếp nhăn và nhung mao. Đồng thời, lượng mạch máu tập trung tại khu vực này khá cao.
Do đó, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào ruột của bé trong quá trình ruột hấp thụ một số chất trung gian. Ngoài ra trực tràng của bé dài và có cấu trúc lỏng lẻo, dễ dẫn đến bệnh lý sa trực tràng.
Xem thêm:
Trẻ 16 tháng đi ngoài nhiều lần trong ngày có sao không?
Trẻ sơ sinh đi ngoài lỏng và những điều bố mẹ cần lưu ý
2. Nguyên nhân kiến bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi
2.1. Do táo bón
Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi. Khi bé ăn thiếu chất xơ, uống ít nước, nhịn đi ngoài,… phân của bé sẽ bị khô và cứng. Điều này dẫn đến việc hậu môn đào thải phân ra ngoài gặp nhiều khó khăn. Mẹ để ý thấy bé đi ngoài thường phải rặn (nhăn mặt, co quắp người,…) là biểu hiện dễ thấy nhất của táo bón.
Táo bón khiến hậu môn của bé bị nứt kẽ. Đồng thời, hậu môn của bé cũng bị trầy xước. Do đó, tình trạng xuất huyết sẽ diễn ra khi bé đi ngoài. Táo bón khiến bé gặp đau đớn khi đi vệ sinh, đồng thời làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường ruột hoặc các bệnh lý khác như trĩ, ung thư trực tràng,…
2.2. Do bệnh lồng ruột
Bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi do lồng ruột không phải là trường hợp hiếm gặp. Đây là dạng bệnh lý gây tắc nghẽn đường ruột. Khi mắc bệnh lý này, bé bị đau bụng dữ dội theo cơn thắt lên, kèm nôn nói và đi ngoài ra máu. Bé bỗng nhiên khóc thét lên cùng với các biểu hiện bên trên là dấu hiệu cho mẹ nhận biết. Lồng ruột nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử ruột.
2.3. Viêm đường ruột
Hệ tiêu hóa của bé sơ sinh còn rất non nớt. Do đó, bé dễ dàng mắc chứng viêm ruột do nhiễm vi khuẩn, virus từ bên ngoài môi trường. Bé bị viêm ruột có các biểu hiện bao gồm: bị tiêu chảy, đi phân lỏng kèm máu, sốt cao, nôn mửa.
Bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi do viêm đường ruột khiến bé bị mất nước trầm trọng. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bé sẽ gặp nguy hiểm về tính mạng. Do đó, mẹ không được chủ quan khi bé xuất hiện tình trạng đi ngoài ra máu kèm các biểu hiện của bệnh viêm ruột.
2.4. Nứt hậu môn
Nứt hậu môn cũng là tình trạng bệnh lý gây ra do táo bón. Bệnh lý này gây ra bởi chế độ ăn của bé bị thiếu chất xơ có trong rau củ quả, cơ thể bị thiếu nước hoặc thói quen nhịn đi ngoài. Phân của bé bị thiếu nước sẽ khô rắn lại. Điều này làm cho cơ thể bé khó đào thải phân ra ngoài. Do đó, hậu môn bị nứt và xuất hiện các vết trầy xước, làm bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi.
2.5. Do tiêu chảy viêm nhiễm
Tiêu chảy viêm nhiễm là tình trạng tiêu chảy có nguyên nhân do vi khuẩn. Vi khuẩn lây lan vào đường ruột của bé do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, không đủ sức chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn từ thực phẩm hoặc nguồn nước ô nhiễm.
Biểu hiện chung khi bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi do nhiễm khuẩn đường ruột đều là tiêu chảy, phân lỏng hoặc nhầy, bụng đau quặn, nôn mửa. Tiêu chảy viêm nhiễm làm bé bị mất nước nghiêm trọng, gây ra nguy hại đến hệ tiêu hóa và đặc biệt là tính mạng nếu không được chữa trị.
2.6. Bệnh kiết lỵ
Kiết lỵ (hoặc lỵ) là một trong những nguyên nhân thường gặp làm cho bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi. Đây là bệnh lý do ruột bị tấn công bởi amip Entamoeba histolytica và trực khuẩn Shigella. Bé bị kiết lỵ đi ngoài trên 4 lần/ngày, phân có bọt hơi, máu và lẫn dịch nhầy. Bé bị đau quặn bụng trước mỗi lần đi ngoài.
Bé mệt mỏi và quấy khóc rất nhiều nếu bị kiết lỵ. Giống như các bệnh lý viêm đường ruột khác, bé gặp nguy hiểm về tính mạng nếu không được chữa trị. Mẹ cũng cần chú ý đến tình trạng mất nước của cơ thể bé khi bị kiết lỵ.
2.7. Polyp đại – trực tràng
Polyp đại-trực tràng thường xuyên được bắt gặp ở người lớn. Tuy nhiên, bé 2 tuổi vẫn có khả năng bị mắc bệnh này. Polyp đại-trực tràng gần như không gây ra triệu chứng. Nếu polyp trở nên quá lớn, bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi hoặc bị chảy máu ngoài trực tràng là những biểu hiện dễ thấy nhất.
Bé bị béo phì, ăn nhiều thịt đỏ và chất béo, ít chất xơ rất dễ bị polyp đại-trực tràng. Bệnh lý này gây ra biến chứng nặng nhất là tắc ruột. Do vậy, mẹ cần đưa bé đến bệnh viện kiểm tra nếu thấy bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi liên tục mà không rõ nguyên nhân.
2.8. Thiếu vitamin K
Thiếu vitamin K là một nguyên nhân dẫn đến việc bé 2 tuổi đi ngoài ra máu. Vitamin K góp mặt trong hệ thống đông máu của cơ thể. Khi thiếu vitamin K, tình trạng rối loạn chảy máu gây ra, làm cho phân của bé lẫn với máu tươi. Bé dưới 6 tháng tuổi thường bị thiếu vitamin này, do sữa mẹ là nguồn thức ăn duy nhất của bé.
Thiếu vitamin K kéo dài dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng là xuất huyết não. Do vậy, mẹ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của bé, bổ sung các loại thức ăn giàu vitamin K như: cải bó xôi, húng quế, bắp cải, bông cải xanh, măng tây,…
2.9. Thương hàn
Thương hàn là bệnh lý nhiễm trùng hệ tiêu hóa, gây ra do vi khuẩn Salmonella Typhi. Bé khi đó sẽ sốt cao hơn 40 độ C, đổ mồ hôi bất thường khi bị thương hàn. Bệnh thương hàn dẫn đến biến chứng loét thanh mạc, thủng ruột gây chảy máu, nặng hơn là tử vong.
2.10. Bệnh Crohn
Bệnh Crohn là một nhánh của bệnh viêm đường ruột, có liên quan đến yếu tố di truyền. Crohn làm cho mô ruột bị viêm nặng, bé không hấp thu được chất dinh dưỡng. Các mô ruột bị hoại tử nếu tình trạng viêm kéo dài, dẫn đến chảy máu. Do đó, bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi cũng do bệnh Crohn gây ra.
Biến chứng bệnh Crohn làm bé bị tắc ruột, suy dinh dưỡng, loét đường tiêu hóa, nứt hậu môn,… Crohn được phát hiện qua nhiều chẩn đoán khác nhau như xét nghiệm máu, nội soi, sinh thiết, chụp cắt lớp,…
3. Dấu hiệu khi bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi
- Bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi với biểu hiện dễ nhận thấy nhất là phân màu đen, đỏ đậm hoặc kèm máu đỏ tươi. Mùi của phân bị hôi bất thường, kèm với bọt khí và nhầy.
- Bé bị đau quặn bụng, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn mửa, mệt mỏi, sưng hậu môn,… kèm với đi ngoài ra máu.
- Bé quấy khóc và tỏ ra khó chịu trước mỗi lần đi ngoài do bị sưng đau ở hậu môn.
- Bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi do táo bón làm cho phân bị cứng, kích thước lớn. Máu rây ra quần hoặc bồn cầu là những biểu hiện mẹ nên để ý.
- Bé bị ngứa và rát hậu môn do các vết nứt, rách và trầy xước.
4. Bé 2 tuổi đi ra ngoài máu tươi có nguy hiểm không?
Người lớn khi mất một lượng máu lớn có khả năng không để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi bé sơ sinh mất một lượng máu tương tự thì rất nguy hiểm. Ví dụ ở trường hợp của mẹ Đ.T.V, bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi không kèm theo biểu hiện nào khác, chứng tỏ bé đang bị táo bón. Mẹ hãy bổ sung thêm chất xơ vào trong khẩu phần ăn của bé qua nhiều loại rau củ quả đa dạng nhé.
- Bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi ở mức độ nhẹ: phân dính ít máu, da dẻ hồng hào, cơ thể bình thường. Trường hợp này mẹ theo dõi xem bé có bất kỳ triệu chứng nào khác thường như sốt, nôn mửa hay mệt mỏi để đưa đến bệnh viện thăm khám.
- Mức độ nặng: bé liên tục đi ngoài ra máu nhiều lần, không cầm được máu, phân lỏng và nhầy toàn máu, da tái, thể trạng vật vã. Mẹ cần ngay lập tức đưa bé đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời, tránh gây nguy hiểm tới tính mạng.
Xem thêm:
Trẻ 2 tuổi đi ngoài nhiều lần trong ngày: mẹ có nên hốt hoảng?
Thực đơn cho bé bị tiêu chảy – Đầy đủ từ A đến Z
5. Cách xử trí khi bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi
5.1. Khi bé bị táo bón dẫn đến đi ngoài ra máu
Điều đầu tiên mẹ cần thực hiện ngay là thay đổi chế độ dinh dưỡng cho bé. Mẹ cho bé uống thêm nhiều nước để hạn chế tình trạng phân khô rắn và kích thước lớn. Có rất nhiều chất xơ trong các loại rau củ như rau khoai lang, mồng tơi, khoai lang,… Mẹ tuyệt đối không cho bé ăn ổi, hồng xiêm, uống nước có ga, bánh kẹo ngọt,… Nếu tình trạng táo bón vẫn không chấm dứt, bác sĩ sẽ chỉ định cho bé dùng thuốc nhuận tràng.
5.2. Bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi do lồng ruột cần làm gì?
Lồng ruột là tình trạng nguy hiểm làm bé bị đau bụng dữ dội. Mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để cấp cứu, muộn nhất không quá 6 tiếng kể từ khi bé bắt đầu có triệu chứng. 6 tiếng là thời điểm “vàng” để chữa lồng ruột, bởi bé không cần phải phẫu thuật. Nếu tình trạng lồng ruột bị nặng, thậm chí bác sĩ cần phải cắt bỏ đoạn ruột bị hoại tử, gây nguy hiểm tới tính mạng bé.
5.3. Cách xử trí khi bé đi ngoài ra máu do viêm đường ruột
Bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi do bị viêm ruột có nhiều cách khác nhau để xử lý:
- Dùng thuốc chống nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra.
- Đảm bảo chế độ ăn không có đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, thực phẩm giàu tinh bột, đồ uống có nhiều đường.
- Cho bé uống nhiều nước hơn. Nếu bé bị mất nước do đi ngoài nhiều, mẹ bổ sung thêm dung dịch bù nước Oresol.
5.4. Mẹ cần làm gì nếu bé đi ngoài ra máu do tiêu chảy viêm nhiễm, kiết lỵ, thương hàn?
Bé bị tiêu chảy viêm nhiễm khiến cơ thể mất nước rất nhiều. Mẹ hãy tăng cường bù nước cho bé tại nhà để đề phòng nguy cơ mất nước. Với các bé mất nước nghiêm trọng, mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế để tiêm nước truyền tĩnh mạch.
Khi bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi do kiết lỵ, thương hàn, mẹ nên ngay lập tức đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ có phác đồ chữa trị sử dụng thuốc kháng sinh phù hợp. Bé bị kiết lỵ được chỉ định dùng Ciprofloxacin, trong khi bé bị thương hàn dùng kháng sinh nhóm Fluoroquinolone hoặc Cephalosporin thế hệ III.
5.5. Nếu bé bị tiêu chảy kèm máu do polyp đại-trực tràng, mẹ nên xử trí ra sao?
Polyp đại-trực tràng mang tiềm ẩn dẫn đến ung thư rất cao. Bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi do mắc bệnh lý này cần được đi chữa trị tại bệnh viện. Các bác sĩ thông qua nội soi đại tràng sẽ xác định polyp và thực hiện cắt bỏ để tránh các biến chứng nguy hiểm về sau (polyp lớn lên, biến thành ác tính,…).
5.6. Bé bị đi ngoài ra máu do thiếu vitamin K
Bé từ 1-4 tuổi cần bổ sung ít nhất 30 mcg vitamin K/ngày. Mẹ thêm vào khẩu phần ăn của bé các loại thực phẩm sau đây để tăng cường vitamin K: húng quế, rau cải xoăn, rau cải bó xôi, dầu đậu nành, dâu tây, đậu xanh,…
Ngoài ra, bổ sung vitamin K cho bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi bằng đường uống hoặc đường tiêm cũng được nhiều chuyên gia y tế khuyên sử dụng. Đây là cách bổ sung nhanh và cần thiết khi bé đã bị thiếu trầm trọng vitamin K, gây ra biến chứng như đi ngoài kèm máu.
5.7. Khi bé bị bệnh Crohn
Bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi do bệnh Crohn nên được mẹ đưa đến bệnh viện để thăm khám do đây là bệnh mãn tính, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn. Phác đồ điều trị bệnh Crohn bao gồm:
- Điều trị nội khoa: bác sĩ chỉ định thuốc đặc trị nhằm làm giảm tình trạng viêm ở đại tràng, giảm đau bụng và tiêu chảy.
- Chế độ dinh dưỡng: mẹ tuyệt đối tránh cho bé uống sữa nóng, ăn thức ăn có chứa gia vị cay nóng như bột ớt, hạt tiêu. Ngoài ra, các thức ăn chứa nhiều chất xơ cũng nên tránh không dung nạp quá nhiều, bởi chúng ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh.
- Bổ sung vitamin: Bé mắc bệnh Crohn hấp thụ dinh dưỡng kém hơn bình thường. Do vậy, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ các nhóm vitamin cần bổ sung để hỗ trợ cơ thể bé hấp thu dinh dưỡng.
- Phẫu thuật: nếu các triệu chứng của bệnh không thuyên giảm, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật loại bỏ một phần khu vực bị tổn thương.
6. Phòng ngừa bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi
- Phòng ngừa thiếu Vitamin K: mẹ chủ động bổ sung vào thời điểm 3 tháng cuối thai kỳ. Ngoài ra, bác sĩ chỉ định bổ sung vitamin K với liều lượng 50mg trong lúc mẹ chuyển dạ là cách thường được sử dụng.
- Bổ sung chất xơ vào bữa ăn của bé nhằm phòng tránh tình trạng táo bón. Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh khi được bổ sung men vi sinh và sữa chua cũng giúp bé tránh mắc các vi khuẩn gây viêm nhiễm đường ruột.
- Bé cần uống đủ nước: nước lọc và sữa giúp bé luôn nạp đủ nước cho cơ thể. Với bé trên 1 tuổi, mẹ bổ sung nước theo tỷ lệ cơ thể cho bé. Ví dụ: bé 8kg cần uống 800ml nước/ngày, bé 10kg cần nạp 1000ml nước/ngày.
- Mẹ tập cho bé thói quen đi ngoài đúng giờ: khi được xây dựng thói quen đi đại tiện vào một giờ cố định, hệ tiêu hóa hoạt động ổn định, đồng thời tránh cho bé hành vi nhịn đi ngoài mỗi khi có nhu cầu.
Bé 2 tuổi đi ngoài ra máu tươi có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Giống như mẹ Đ.V.T, các mẹ cần theo dõi chính xác tình trạng của bé để kịp thời xử lý để không gây ảnh hưởng đến tính mạng của bé. Mẹ đừng quên để lại bình luận bên dưới nếu có câu hỏi cần Góc Của Mẹ giải đáp nhé!
Nguồn tham khảo:
https://benhvienbacha.vn/tre-di-ngoai-ra-mau/
https://www.medicalnewstoday.com/articles/blood-in-baby-stool