Lịch sử tìm kiếm
Tìm trong góc của mẹ
Tìm kiếm phổ biến

QUY TRÌNH chăm sóc em bé sơ sinh được nhiều mẹ áp dụng nhất

Lần đầu làm mẹ – cảm giác hạnh phúc đi kèm chút bỡ ngỡ, lo lắng. Làm sao để chăm sóc tốt nhất cho con, để con thật khỏe mạnh? Quy trình chăm sóc em bé sơ sinh chuẩn khoa học trong bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ trở thành “mẹ bỉm thông thái” ngay và luôn đó ạ!

1. Hướng dẫn bế bé đúng cách

Nếu lần đầu bế con khiến mẹ lúng túng, không biết bế như thế nào để bé thoải mái nhất, 4 bước sau “gỡ rối” cho mẹ đây ạ:

Bước 1 – Tương tác với bé trước khi bế: Mẹ tương tác với con bằng cách nhìn, nói chuyện hoặc vỗ nhẹ để bé nhận ra sự hiện diện của mẹ và tránh bị giật mình khi bế.

Tương tác với bé trước khi bế để bé không bị giật mình
Tương tác với bé trước khi bế để bé không bị giật mình

Bước 2 – Đỡ bé dậy: Đỡ bé bằng cách luồn tay xuống dưới người bé (1 tay dưới đầu và cổ, tay kia dưới mông), giữ yên 1-2 phút rồi nhấc bé lên nhẹ nhàng. Mẹ lưu ý: Phần đầu và cổ bé sơ sinh còn yếu nên mẹ cần chú ý đỡ phần này của bé trước mẹ nha.

Đỡ bé dậy nhẹ nhàng đúng cách trước khi bế
Đỡ bé dậy nhẹ nhàng đúng cách trước khi bế

Tư thế an toàn và dễ dàng nhất khi bế bé sơ sinh là đặt bé nằm ngang, dùng cánh tay mẹ đỡ phần đầu và cổ bé sao cho chúng nằm trên một đường thẳng, đưa bụng bé sát vào bụng mẹ, mặt bé quay vào ngực mẹ.

Bế bé sơ sinh đúng cách là bước đầu tiên để chăm sóc bé khỏe mạnh
Bế bé sơ sinh đúng cách là bước đầu tiên để chăm sóc bé khỏe mạnh

Khi bé được 3 – 5 tháng tuổi, mẹ thay đổi cách bế bé theo hướng thẳng đứng. Tuy nhiên, mẹ không nên giữ bé trong tư thế này lâu vì lưng bé vẫn còn yếu. Mẹ tham khảo chi tiết cách bế bé tại đây nhé!

Lưu ý nhỏ cho mẹ: Không nên bế ngang hông bé (bế cắp nách) vì làm ảnh hưởng đến xương và dáng đi của bé sau này.

Những ngày đầu bế con, mẹ  thấy lo lắng và lúng túng đúng không ạ? Bình tĩnh và kiên trì một chút, sau vài ngày mẹ sẽ quen và tìm được cách bế giúp con thoải mái, thích thú nhất.

2. Chăm sóc bé sơ sinh khi bú

“Sữa mẹ là sữa tốt nhất cho bé sơ sinh và bé nhỏ” nên bé cần được bú sữa mẹ sớm nhất có thể sau khi sinh. Trong trường hợp sữa mẹ không về kịp, mẹ chuẩn bị sữa non pha cho bé ti ngay để bé không bị đói.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu trong 6 tháng đầu đời của bé
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu trong 6 tháng đầu đời của bé

Mỗi giai đoạn, nguồn dưỡng chất trong sữa mẹ đều vô cùng cần thiết cho sự phát triển toàn diện và khỏe mạnh của bé. Vì vậy, nếu lượng sữa đầy đủ, mẹ hãy cho bé bú từ 6 tháng đến 1 năm hoặc duy trì đến 2 năm.

Cách nhận biết bé đói: Nếu đang đói, bé sẽ “phát” một số tín hiệu cho mẹ như: Mút tay, ngọ nguậy, tém miệng hay quấy khóc,… Nếu thấy những biểu hiện này là đến giờ cho con “măm” rồi mẹ ơi!

Lượng sữa cho bé bú:

  • 1 tuần đầu sau sinh: Mẹ cho bé bú thường xuyên, cách 2 – 3 tiếng/1 lần.
  • 3 tuần tiếp theo: Mẹ nên bé bú 8 – 12 cữ trong 1 ngày và trong khoảng 15 – 30 phút/1 cữ bú, tùy vào lượng sữa mẹ và nhu cầu của bé.
Bảng lượng sữa cho bé sơ sinh theo tháng tuổi
Bảng lượng sữa cho bé sơ sinh theo tháng tuổi

Tham khảo thêm: Bảng lượng sữa cho trẻ sơ sinh theo ngày tuổi, tháng tuổi và cân nặng 

Cách cho bé bú:

  • Bước 1: Vệ sinh núm vú bằng cách nhúng khăn khô đa năng vào nước ấm sạch và lau nhẹ nhàng.
  • Bước 2: Ôm bé sao cho môi bé ngang với núm vú, nhẹ nhàng đưa đầu vú chạm vào môi bé để kích thích bé mở miệng. Khi bé há miệng thì mẹ đưa đầu vú vào miệng bé sao cho bé ngậm cả quầng vú.

Hai tư thế cho bé bú chuẩn nhất:

  • Tư thế ngồi: Mẹ ngồi thoải mái, tựa lưng để các cơ vùng cổ và vùng thắt lưng không bị căng, mỏi. Mẹ ôm bé bằng cánh tay, nâng nhẹ sao cho mặt bé sát với ngực mẹ, miệng bé gần với núm vú.
  • Tư thế nằm: Mẹ nằm nghiêng và đặt bé nằm nghiêng, quay mặt sang phía mẹ, phần miệng ngang với ngực mẹ. Mẹ dùng tay phía dưới đỡ và ôm bé vào lòng, áp miệng bé vào núm vú.
Lựa chọn tư thế bú thuận tiện, thoải mái cho cả mẹ và bé
Lựa chọn tư thế bú thuận tiện, thoải mái cho cả mẹ và bé

Khi cho bé bú đúng cách, bé sẽ mút đều đặn, hai má căng, mẹ cảm nhận được bé đang nuốt sữa. Mỗi cữ bú, mẹ cho bé bú hết sữa 1 bên vú và chuyển bên ở cữ sau. Nếu bé chưa no hoặc muốn đổi bên, mẹ cho bé bú cả hai bên đều được mẹ nhé.

Lưu ý nhỏ cho mẹ:

  • Nếu đến giờ cữ bú mà bé đang ngủ: Nếu bé ngủ chưa đủ 3 tiếng, mẹ đừng đánh thức bé, bé sẽ cáu gắt đó ạ. Nếu bé đã ngủ quá 4 giờ, mẹ cù chân bé nhẹ nhàng để bé thức giấc, không lay mạnh người bé vì khiến bé giật mình, òa khóc.
  • Nựng yêu và trò chuyện với bé trong khi cho bé bú để bé không ngủ quên, tránh tình trạng sặc sữa.
  • Cho bé ợ hơi sau khi ngủ dậy để bụng bé không bị khó chịu và tránh ọc sữa. Mẹ hãy bế bé ở tư thế vác vai 10 – 15 phút, bụng bé đặt sát vào ngực mẹ và vỗ nhẹ lưng bé. Phần cổ bé sơ sinh rất yếu nên mẹ chú ý giữ phần cổ bé cẩn thận nhé!
Tư thế vỗ ợ hơi cho bé
Tư thế vỗ ợ hơi cho bé

3. Chăm sóc giấc ngủ bé sơ sinh

Giấc ngủ rất quan trọng với sự phát triển thể chất và tinh thần của bé đặc biệt là với bé sơ sinh. Bé dưới 12 tháng tuổi ngủ 12 – 16 tiếng/ngày. Mẹ chú ý đảm bảo con luôn ngủ đủ giấc nhé!

Giấc ngủ ngon sẽ giúp con phát triển tối ưu cả thể chất và tinh thần
Giấc ngủ ngon sẽ giúp con phát triển tối ưu cả thể chất và tinh thần

Làm thế nào để bé có một giấc ngủ ngon?

  • Phòng ngủ của bé thoáng mát, sạch sẽ và yên tĩnh. Nhiệt độ trong phòng khoảng 28०C.
  • Bé được bú đủ lượng sữa: Trung bình mỗi giấc ngủ của bé sơ sinh sẽ cách nhau 1 tiếng. Mẹ nên cho bé bú đủ vào những lúc này để giấc ngủ của bé không bị gián đoạn vì đói nhé!
  • Cơ thể bé sạch sẽ, dễ chịu, quần áo, khăn tã được quấn vừa phải, thoải mái.

Mẹo nhỏ để bé sơ sinh ngủ ngon hơn:

  • Bật nhạc cho bé: Mẹ bật những bản nhạc nhẹ nhàng, âm lượng nhỏ trước khi bé ngủ và để nhạc trong suốt giấc ngủ của bé. Âm nhạc vừa giúp bé phát triển não bộ vừa giúp bé ngủ ngon và sâu hơn. List nhạc cho mẹ tham khảo ĐÂY ạ!
  • Quấn khăn cho bé: Mẹ quấn một chiếc khăn quanh người bé để giữ tay bé không chạm lên mặt và tạo cảm giác an toàn như khi bé được bao bọc trong bụng mẹ vậy. Bé ít ngọ nguậy, an tâm và ngủ ngon hơn.
  • Kiểm tra tã/bỉm của bé: Trước khi cho bé ngủ mẹ chú ý kiểm tra và thay tã/bỉm mới để bé không bị khó chịu, bí bách do mặc tã bẩn.

Vào ban ngày, khi bé thức mẹ cho bé ăn  và chơi với bé một lúc trước khi ngủ. Tùy vào độ tuổi mà thời gian chơi của bé sẽ khác nhau, mẹ để ý các dấu hiệu khi bé buồn ngủ như ngáp, dụi mắt, quấy khóc,… và đặt bé vào nôi đúng giấc!

Mẹ massage cho bé trước khi ngủ để bé ngủ ngon hơn
Mẹ massage cho bé trước khi ngủ để bé ngủ ngon hơn

Trước khi cho bé ngủ buổi tối, mẹ dùng các loại kem dưỡng massage chân tay và lưng cho bé để bé ngủ ngon hơn. Lưu ý: Chỉ cần massage 5 phút cho bé dưới 2 tháng tuổi, tránh làm cho bé bị mỏi người, khó ngủ.

Một số lưu ý khi mẹ cho bé ngủ:

  • Không cho bé ngủ ở tư thế nằm sấp vì có nguy cơ gây đột tử.
  • Không xếp gối, thú, gấu nhồi bông xung quanh bé vì có thể đè vào mũi bé khiến con ngạt thở trong quá trình ngủ.
  • Nếu bé không chịu ngủ hoặc quấy khóc, mẹ xem không gian có bị quá sáng, ồn ào,… khiến con khó ngủ không, sau đó vỗ nhẹ bé để bé bình tĩnh lại. Nếu con vẫn quấy khóc, mẹ bế con lên, vỗ về để con an tâm và dễ ngủ hơn nhé!
  • Mẹ nên tập cho bé thói quen tự ngủ thay vì bế bé trên tay rồi ru ngủ. Tạo thói quen tự ngủ giúp bé tự lập, không quấy khóc khi không có bố mẹ và hạn chế tình trạng giật mình thức giấc, sợ hãi khi không thấy mẹ vỗ về hoặc ở bên cạnh.
Tạo cho bé thói quen tự ngủ trong nôi
Tạo cho bé thói quen tự ngủ trong nôi

4. Cách vệ sinh, tắm, chăm sóc rốn cho em bé sơ sinh

Ngoài việc cho bé ăn, ngủ đúng cách, mẹ chú ý vệ sinh, tắm, chăm sóc rốn,… để cơ thể bé luôn sạch sẽ, khô thoáng.

4.1. Cách thay tã

Với bé từ 0 – 2 tháng tuổi, mẹ sử dụng tã giấy vào ban ngày kết hợp tã dán vào ban đêm sẽ tối ưu nhất. Với bé từ 2 tháng, mẹ chuyển sang sử dụng tã dán hoàn toàn cho con để tiện lợi nhất mẹ nha! Nếu băn khoăn, mẹ tham khảo: Tã dán là gì? Phân biệt tã dán và các loại tã khác.

Lưu ý: Khi chọn tã cho bé, mẹ lựa chọn hãng tã uy tín, kích thước phù hợp với bé, chất liệu mềm, thấm hút tốt để ngừa hăm và mẩn đỏ cho con.

Mẹ tham khảo các bước thay tã giấy cho con dưới đây nhé!

  • Bước 1: Tháo tã cũ
  • Bước 2: Gỡ giấy dán ở phần mặt ngoài miếng lót sơ sinh rồi dán trực tiếp vào tã vải hay quần đóng tã.
  • Bước 3: Vệ sinh vùng kín cho bé bằng khăn ướt có thành phần tự nhiên, lành tính, không kích ứng hoặc dùng khăn vải thấm nước ấm. Mẹ lưu ý vệ sinh theo hướng từ trước ra sau để tránh lây nhiễm vi khuẩn từ hậu môn sang vùng sinh dục của con.
  • Bước 4: Vuốt phẳng tã rồi đặt mông bé lên chính giữa mặt sau tã.
  • Bước 5: Kéo mặt trước lên gần rốn bé và cài 2 đầu của miếng lót vải vòng 2 bên hông bé.

Với cách sử dụng tã dán, mẹ tham khảo: 7 bước đơn giản sử dụng tã dán cho bé

Thay tã và vệ sinh vùng kín cho trẻ thường xuyên
Thay tã và vệ sinh vùng kín cho trẻ thường xuyên

Lưu ý: Để ngừa hăm và mẩn đỏ tối đa cho bé, mẹ kết hợp sử dụng sản phẩm hỗ trợ ngừa hăm và mẩn đỏ mỗi lần thay tã mẹ nhé!

4.2. Cách tắm cho bé

Bé sơ sinh không cần tắm mỗi ngày, mẹ chỉ cần dùng khăn sạch nhúng nước ấm lau toàn thân cho bé là được rồi. Tuy nhiên cách 2 – 3 ngày, mẹ nên tắm cho bé 1 lần để đảm bảo vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn.

Để tắm bé, mẹ cần chuẩn bị một số vật dụng như sau:

  • Khăn khô đa năng, quần áo, mũ, tất, bao tay, vớ để thay cho bé.
  • Nước ấm khoảng 38 – 40 độ

Trước khi tắm mẹ đảm bảo nơi tắm bé kín gió, ấm áp, tắt quạt, điều hòa để bé không bị cảm. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyên rằng mẹ nên massage cho bé trước khi tắm giúp bé thoải mái, dễ chịu hơn.

Lưu ý: Trước khi tắm, massage hay chuẩn bị nước tắm, mẹ đều phải đảm bảo tay mình thật sạch và khô nhé!

Vệ sinh toàn thân cho bé thường xuyên
Vệ sinh toàn thân cho bé thường xuyên

Sau khi đã chuẩn bị hết các vật dụng cần thiết và massage cho bé xong, mẹ tắm cho bé theo các bước sau:

  • Bước 1 –  Rửa mặt: Nhúng ướt 1 khăn khô đa năng vào nước sạch, lau nhẹ nhàng mặt bé theo thứ tự mắt, mũi, cằm và 2 tai.
  • Bước 2 – Gội đầu: Làm ướt phần tóc, dùng khăn đa năng đã nhúng vào nước tắm hoặc sữa tắm, xoa nhẹ nhàng. Gội lại bằng nước sạch sau đó lau khô đầu cho bé.
  • Bước 3 – Tắm toàn thân bé:
    • Dùng khăn nhúng vào nước để làm ướt người bé.
    • Xoa sữa tắm lên da bé rồi dùng khăn lau nhẹ nhàng toàn thân theo thứ tự từ trước ra sau, từ trên xuống dưới.
    • Tắm sạch, tráng lại bằng nước thường và lau khô người ngay để con không bị cảm lạnh.
  • Bước 4 – Quấn khăn, mặc quần áo cho bé.

Lưu ý nhỏ cho mẹ: Thông thường nếu dùng khăn xô, mẹ cần khoảng 2 chiếc là đủ tắm cho bé. Nhưng do kích thước khăn khô đa năng thường nhỏ hơn (chỉ khoảng 15x20cm) nên mẹ sẽ cần nhiều hơn 1 chút mẹ nhé!

Lau khô người rồi ủ ấm cho bé sau khi tắm
Lau khô người rồi ủ ấm cho bé sau khi tắm

Lưu ý: Với những bé chưa rụng rốn, mẹ cần tránh làm ướt rốn của bé khi tắm. Nên vệ sinh rốn theo chỉ dẫn của bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc tham khảo cách chăm sóc rốn cho bé dưới đây.

4.3. Chăm sóc rốn đúng cách

Cuống rốn của bé sơ sinh là một vết thương hở, cần được chăm sóc cẩn thận để tránh bị nhiễm trùng. Mẹ đảm bảo các hốc rốn của bé được khô, sạch để dây rốn rụng tự nhiên sau khoảng 10 ngày.

  • Bước 1 – chuẩn bị: 4 – 5 miếng gòn, 1 ống nước muối nước sinh lý (Natri clorid 0.9%) chuyên dùng cho trẻ sơ sinh, 1 chai cồn 70 độ, 1 miếng băng gạc mỏng vô trùng.
  • Bước 2: Mẹ rửa tay sạch bằng nước và xà phòng, sau đó, sát trùng tay lại bằng cồn 70 độ
  • Bước 3: Nhẹ nhàng gỡ băng/gạc che rốn của bé rồi quan sát vùng rốn xem có mẩn đỏ, viêm, mủ, chảy máu hay dịch lạ nào không. Các dấu hiệu này báo hiệu nguy cơ bé bị nhiễm trùng rốn
  • Bước 4: Sử dụng bông gòn sạch thấm nước muối sinh lý để vệ sinh cuống rốn và chân rốn cho bé. Thay gòn và lau vòng quanh rốn, chỗ tiếp xúc với da bụng. Cuối cùng, mẹ dùng một miếng gòn sạch thấm khô rốn của bé.
  • Bước 5: Dùng gòn tẩm cồn 70 độ sát trùng vùng da xung quanh rốn.
  • Bước 6: Che rốn cho bé bằng băng/gạc mới, vô trùng

Lưu ý: Không sử dụng xà phòng, dầu tắm hay bọt tắm gội để vệ sinh rốn cho bé. Quấn tã ở dưới rốn, tuyệt đối không để phân, nước tiểu hay chất bẩn bám vào rốn của bé. Điều này sẽ vô tình đưa vi khuẩn tiếp xúc với rốn của bé, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ngoài ý muốn

Vệ sinh vùng rốn cho bé thật cẩn thận để tránh nhiễm trùng
Mẹ chú ý vệ sinh vùng rốn cho bé thật cẩn thận để tránh nhiễm trùng

Nếu rốn bé có các dấu hiệu sau mẹ cần đưa bé đi khám trực tiếp tại chuyên khoa nhi:

  • Vùng da quanh rốn bị mẩn đỏ, sưng tấy
  • Rốn có dịch vàng, mùi hôi hoặc có mủ
  • Rốn bị chảy máu
  • Sau sinh 3 tuần nhưng bé vẫn chưa rụng rốn

Khi rốn bé có những dấu hiệu bất thường trên, mẹ bình tĩnh liên hệ với bác sĩ để được tư vấn, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc tự chữa trị cho bé mẹ nhé!

5. Chăm sóc da cho bé sơ sinh

Da của bé mỏng và nhạy cảm hơn người lớn gấp 5 lần. Để tránh các vấn đề thường gặp như: hăm tã, mẩn đỏ,… mẹ cần chú ý chăm sóc cho bé nhé!

5.1. Cách chăm sóc da nhạy cảm cho bé

  • Không để da bé tiếp xúc với các tác nhân có nguy cơ gây kích ứng: Mẹ chọn loại quần áo có chất liệu mềm, cắt nhãn mác trước khi mặc cho bé. Bên cạnh đó, mẹ sử dụng các loại nước giặt chuyên dùng cho bé sơ sinh với thành phần tự nhiên, lành tính để giặt quần áo của bé. Không giặt chung quần áo bé với quần áo người lớn.
  • Hạn chế để da bé tiếp xúc lâu với phân và nước tiểu: Mẹ kiểm tra tã bé thường xuyên, thay tã ngay sau khi bé ị. Không đóng tã quá 4h vì mông bé tiếp xúc với phân và nước tiểu lâu rất dễ bị hăm tã, mẩn đỏ,…
  • Dưỡng ẩm cho da bé: Thời tiết hanh khô hay tần suất tắm rửa nhiều có thể khiến da bé khô, mất nước,… Mẹ chú ý thoa kem dưỡng da với thành phần lành tính, dịu nhẹ, phù hợp để bảo vệ làn da của bé.
  • Hạn chế tác động của các loại vi khuẩn có hại: Trên da bé có cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn gây hại. Vi khuẩn có hại sẽ gây bệnh khi da bé có vết thương hở. Mẹ để ý cắt móng tay cho bé 1 tuần/lần để tránh móng tay sắc gây xước da bé. Cùng với đó, cần chăm sóc vùng cuống rốn của bé sạch sẽ vì đây là nơi vi khuẩn dễ tích tụ gây bệnh đó ạ.
Cắt móng chân, mong tay cho bé sơ sinh 1 tuần/lần
Cắt móng chân, mong tay cho bé sơ sinh 1 tuần/lần

5.2. Chú ý tình trạng vàng da của bé sơ sinh

Vàng da ở bé sơ sinh là vấn đề thường gặp. Theo thống kê của các chuyên gia, tình trạng này xảy ra ở 20 – 30% bé đủ tháng và gặp ở đa số bé thiếu tháng hoặc nặng dưới 1,5kg.

Chú ý tình trạng vàng da ở bé sơ sinh
Chú ý tình trạng vàng da ở bé sơ sinh

Vàng da có 2 loại: Vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Hiểu rõ da con là điều quan trọng nhất để bảo vệ con tốt nhất. Góc của mẹ giúp mẹ phân biệt hai vấn đề ngay dưới đây:

Biểu hiện của vàng da sinh lý:

  • Bé bị vàng da sau khi sinh 24 giờ.
  • Tình trạng vàng da hết trong vòng 1 tuần với những bé sinh đủ tháng, lên đến 2 tuần đối với những bé thiếu tháng.
  • Mức độ vàng da ở dạng nhẹ, chỉ xuất hiện vàng da ở những vùng như mặt, cổ, ngực.
  • Không có thêm các triệu chứng bất thường khác như thiếu máu, lách to, bỏ bú, lừ đừ, co giật,…

Thông thường, các trường hợp vàng da sinh lý ở bé sơ sinh thường nhẹ và hết sau 7 – 10 ngày do bilirubin trong máu được đào thải qua phân và nước tiểu. Mẹ hoàn toàn xử lý được ngay tại nhà:

  • Cho bé bú thêm sữa mẹ để tăng tốc độ đào thải bilirubin qua đường tiêu hóa
  • Vệ sinh vùng rốn, da và toàn thân  bé cẩn thận, giữ ấm đầy đủ cho bé.
Cho bé bú nhiều hơn và tắm nắng thường xuyên khi bị vàng da sinh lý
Cho bé bú nhiều hơn và tắm nắng thường xuyên khi bị vàng da sinh lý

Tình trạng vàng da sẽ nguy hiểm nếu tiến triển nặng thành vàng da bệnh lý: Da bé vàng đậm và xuất hiện ở toàn thân, lòng bàn tay, chân, mắt, kéo dài lâu. Bé bỏ bú hoặc có triệu chứng lạ, mẹ đưa ngay bé đến bệnh viện để được điều trị. Thông thường, ở bệnh viện bé được điều trị tích cực theo 3 cách:

  • Truyền dịch: Thường là Albumin và một số loại thuốc giúp gia tăng tốc độ đào thải bilirubin gián tiếp.
  • Chiếu đèn: Ánh sáng của đèn biến bilirubin thành chất không độc và được thải nhanh ra khỏi cơ thể qua đường tiêu hóa và đường tiểu.
  • Thay máu: Áp dụng khi tình trạng chuyển nặng để lấy bớt chất bilirubin nhanh chóng ra khỏi cơ thể bé.

6. 2 vấn đề khác cần chú ý trong quy trình chăm sóc em bé sơ sinh

Khi chăm sóc bé sơ sinh, ngoài những yếu tố sinh hoạt thông thường, mẹ cần quan tâm đến thân nhiệt và lịch tiêm phòng vacxin cho bé.

6.1. Theo dõi nhiệt độ cơ thể bé thường xuyên

Chuẩn bị một chiếc nhiệt kế tại nhà và thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của bé là điều quan trọng để phát hiện tình trạng bất thường của bé.

Theo dõi nhiệt độ cơ thể bé thường xuyên
Theo dõi nhiệt độ cơ thể bé thường xuyên

Hai vị trí để đo thân nhiệt của bé:

  • Ở nách: Mẹ đặt nhẹ nhàng nhiệt kế vào nách bé, giữ tầm 2 phút. Lúc lấy ra mẹ cần cộng thêm 0,5०C để biết thân nhiệt thực tế của bé.
  • Ở hậu môn: Mẹ đặt nhẹ nhàng nhiệt kế vào hậu môn bé, giữ tầm 1 phút. Nhiệt độ đo được ở hậu môn chính là thân nhiệt thực tế của bé.

Sau khi đo mẹ đối chiếu với các mức nhiệt để có cách chăm sóc phù hợp:

  • Thân nhiệt bình thường của bé sơ sinh là khoảng 36,6 – 37,5०C
  • Thân nhiệt bé dưới 36,5०C, mẹ cần ủ ấm cho bé, đóng kín cửa hoặc tăng nhiệt độ của điều hòa lên khoảng 30 độ
  • Thân nhiệt bé trên 37,5०C, mẹ cởi bớt khăn quấn, áo ngoài của bé, cho bé bú nhiều hơn và kiểm tra lại thân nhiệt 5 phút/lần.
  • Thân nhiệt bé trên 38०C – 38.5०C nghĩa là bé đang sốt nhẹ, lúc này, mẹ thực hiện các phương pháp hạ sốt vật lý cho bé: Chườm mát, chườm ấm,… Không sử dụng thuốc hạ sốt vì có tác dụng phụ
  • Thân nhiệt bé trên 38.5०C là bé đang sốt cao, mẹ sử dụng thuốc hạ sốt không kê đơn để hạ sốt nhanh, tránh biến chứng nguy hiểm cho bé như: Co giật, trụy tuần hoàn,…
Nếu sau 4h mà bé không hạ sốt, mẹ liên hệ bác sĩ để được thăm khám
Nếu sau 4h mà bé không hạ sốt, mẹ liên hệ bác sĩ để được thăm khám

Lưu ý: Nếu sau khoảng 4h mà bé không hạ sốt, mẹ cần liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

6.2. Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch cho bé

Việc tiêm phòng đầy đủ giúp phòng ngừa được nhiều bệnh nguy hiểm cho bé và ngăn ngừa khả năng lây lan. Vì vậy, mẹ cần ghi nhớ và theo dõi lịch chích ngừa định kỳ của bé, đảm bảo bé được tiêm phòng đầy đủ, đúng lúc, đúng liều.

Theo dõi lịch tiêm chủng để cho bé tiêm phòng đúng và đầy đủ
Theo dõi lịch tiêm chủng để cho bé tiêm phòng đúng và đầy đủ

Mẹ tham khảo lịch tiêm chủng vắc xin cho bé sơ sinh tại đây

Lần đầu làm mẹ còn bỡ ngỡ bởi quy trình chăm sóc em bé sơ sinh thật nhiều điều cần lưu ý đúng không mẹ? Nhưng mẹ đừng lo lắng quá, chỉ cần bình tĩnh và để ý 1 chút, sau vài tuần mẹ sẽ quen dần và làm tốt được thôi ạ!

Mẹ Bình luận tại đây nhé

Hãy là người đầu tiên nhận xét “QUY TRÌNH chăm sóc em bé sơ sinh được nhiều mẹ áp dụng nhất”

Mẹ ghi lại email để Mamamy gửi những ưu đãi đặc biệt và các tips hữu ích nhé. Email của mẹ sẽ không hiển thị công khai đâu

Bài viết cùng chủ đề

Chia sẻ Phương pháp 7 ngày giúp bé ngủ ngon Hiệu quả
Chia sẻ Phương pháp 7 ngày giúp bé ngủ ngon Hiệu quả
“Phương pháp 7 ngày giúp bé ngủ ngon thực sự hiệu quả các mẹ ạ! Bé nhà mình ngủ ngoan cả đêm. Đã rất lâu rồi mình và chồng mình mới có lại được giấc ngủ đêm quý báu như vậy. Thời gian trước, mình đã không được chợp mắt vì bé quấy khóc đòi […]
Đây là cách chăm sóc bé sơ sinh tại nhà rất nhiều bà mẹ trên thế giới áp dụng!
Đây là cách chăm sóc bé sơ sinh tại nhà rất nhiều bà mẹ trên thế giới áp dụng!
Nếu chỉ vừa mới lâm bồn cách đây mấy ngày, hẳn mẹ đã bắt đầu bận tâm đến việc chăm sóc bé sơ sinh tại nhà. Nhưng đầu tiên, mẹ hãy thật thư giãn đã nhé! Mới sinh xong, mẹ luôn cần hồi phục thật tốt. Đừng quá lo lắng đến việc làm thế nào […]
Sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh nhất định mẹ CẦN TRÁNH
Sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh nhất định mẹ CẦN TRÁNH
Lần đầu chăm con khiến mẹ lo lắng, làm gì cũng sợ sai, sợ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con. Nhưng mẹ đừng lo, việc chăm sóc bé sơ sinh không quá khó đâu mẹ ạ! Góc của mẹ đã chỉ ra đầy đủ những sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh […]
Giỏ hàng 0