Lần đầu chăm con khiến mẹ lo lắng, làm gì cũng sợ sai, sợ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con. Nhưng mẹ đừng lo, việc chăm sóc bé sơ sinh không quá khó đâu mẹ ạ! Góc của mẹ đã chỉ ra đầy đủ những sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh để mẹ tránh mắc phải, mẹ chăm bé tự tin hơn!
Mục lục
1. Sai lầm thường gặp khi cho bé bú
Cho con bú dường như là bản năng tự nhiên của mẹ, là khoảnh khắc gắn kết thiêng liêng giữa mẹ và bé. Tuy nhiên, vẫn có những sai sót trong quá trình này gây nên những ảnh hưởng không tốt đến bé.
Điểm qua 4 sai lầm phổ biến nhất, mẹ lưu ý nha:
1.1. Vắt sữa vào bình cho bé bú trong 1 tháng đầu
Những lần đầu cho con bú, mẹ không “đong đếm” được lượng sữa con ăn, không biết con đã no chưa, con bị đói thì sao, vì tâm lý mẹ nào cũng xót con mà. Những lúc này, mẹ thường vắt sữa vào bình để đo được lượng sữa trong từng cữ ăn, với hi vọng con được cung cấp đầy đủ dưỡng chất nhất.
Nhưng mẹ ơi, đây là một sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh đó ạ. Bởi vì, khi con không bú trực tiếp vào bầu sữa mẹ sẽ không kích thích việc tiết sữa đều. Điều này sẽ làm cho lượng sữa mẹ bị giảm đi, có khi còn dẫn đến tình trạng không đủ sữa cho bé bú.
Vậy làm thế nào để biết bé đã bú đủ hay chưa? Rất dễ thôi ạ! Mẹ chỉ cần theo dõi tần suất và màu nước tiểu của con là được. Nước tiểu của con có màu vàng nhạt, vàng trong, đi tiểu 6 – 10 lần/ngày,… là những dấu hiệu cho thấy con đã bú đủ sữa rồi.
1.2. Mẹ canh giờ đánh thức bé dậy cho bú
“Buổi đêm bé ngủ nhiều không ăn có đói không nhỉ? Có nên đặt báo thức gọi con dậy ăn đêm không?”. Mẹ ơi mẹ đừng lo! Những điều đó là không cần thiết đâu ạ. Việc canh giờ đánh thức con dậy ăn giữa đêm vừa khiến mẹ căng thẳng, vừa khiến giấc ngủ của con bị gián đoạn không tốt cho sự phát triển của con.
Đặc biệt, bú sữa ban đêm làm tăng nguy mắc bệnh răng miệng cho bé như: tưa lưỡi, nấm lưỡi, sâu răng,… Vì thế, mẹ cứ yên tâm ngủ mẹ nha. Nếu con đói sẽ khóc để “báo hiệu” cho mẹ đó ạ!
Mẹo cho mẹ: Để bé không bị đói buổi đêm, mẹ cho bé bú no trước giờ đi ngủ. Để biết lượng sữa thế nào đủ với con, mẹ tham khảo Bảng lượng sữa cho bé sơ sinh theo ngày tuổi nhé!
1.3. Tập bú bình quá sớm
Theo các chuyên gia, mẹ nên tập cho bé bú bình khi bé được ít nhất 6 tuần tuổi. Bú bình quá sớm, bé sẽ dễ ngậm sai khớp ngậm khi bú mẹ, khiến mẹ bị đau, ít sữa, thậm chí không đủ sữa để cung cấp cho bé. Bên cạnh đó, điều này còn ảnh hưởng đến sự phát triển xương hàm, hộp sọ và khả năng nhai của bé đó ạ!
1.4. Rút ngắn thời gian bú mẹ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con trong những tháng đầu đời nhưng có mẹ lại cho rằng, bú bình sớm giúp bé tự lập, mẹ đỡ vất vả nên muốn rút ngắn thời gian bú sữa. Việc này vô tình rút ngắn luôn cơ hội được bổ sung miễn dịch tự nhiên từ sữa mẹ của bé, dẫn đến suy giảm sức đề kháng, bé rất dễ ốm vặt sau này.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, mẹ nên cho bé bú toàn hoàn trong ít nhất 6 tháng đầu và có thể kéo dài đến khi bé 1 tuổi.
Bú sữa mẹ đúng cách là bước đầu để bé phát triển toàn diện và mạnh khỏe.
2. Sai lầm thường gặp khi tắm cho trẻ sơ sinh
2.1. Tắm quá nhiều lần
Tắm giúp cơ thể bé sạch sẽ, nhưng tắm nhiều lần lại làm tăng nguy cơ tổn thương da bé sơ sinh, do da con rất mỏng và nhạy cảm. Mẹ nên tắm cho bé sơ sinh 2 – 3 lần/tuần, mỗi lần tắm trong 4 – 5 phút để đảm bảo sức khỏe cho tốt nhất cho bé nhé!
2.2. Không tắm cho bé vì sợ lạnh
Bên cạnh sai lầm tắm quá nhiều lần cho bé, một số mẹ lại không tắm cho bé vì sợ lạnh. Đối với trẻ sơ sinh có thể không cần tắm mỗi ngày nhưng vẫn cần được vệ sinh để cơ thể sạch sẽ, thoáng mát, tránh nhiễm khuẩn. Bé vẫn cần được tắm tối thiểu 2 – 3 lần/tuần mẹ nhé.
Lưu ý thêm cho mẹ:
- Nhiệt độ lý tưởng của nước tắm là khoảng 38०C.
- Sau khi tắm, mẹ dùng khăn mềm ủ ấm ngay cho bé, tránh để bé bị nhiễm lạnh, cảm cúm.
3. Sai lầm thường gặp khi cho bé ăn, uống
3.1. Cho bé uống nước quá sớm
Nước dù có sạch và tinh khiến đến đâu đi nữa cung có nguy cơ chứa mầm bệnh. Trong khi đó, hệ miễn dịch của bé non yếu, uống nước làm tăng nguy cơ bé bị tiêu chảy, suy dinh dưỡng cho con đó ạ!
Vì vậy, trong vòng 6 tháng đầu mẹ không cho bé uống thêm nước lọc. Sữa mẹ chứa đến 90% là nước, là nguồn dưỡng chất hoàn hảo, đáp ứng đủ các nhu cầu chuyển hóa của bé rồi ạ.
3.2. Cho bé ăn dặm quá sớm
Hiện nay một số mẹ cho bé ăn dặm sớm khi bé chưa đủ 6 tháng tuổi vì cho rằng bổ sung dinh dưỡng từ thức ăn càng sớm càng tốt, bé sẽ chóng lớn và tiêu hóa tốt hơn. Tuy nhiên, điều này lại có tác dụng ngược lại. Hệ tiêu hóa của bé dưới 6 tháng tuổi còn rất non nớt, ăn dặm vào thời điểm này khiến bé khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
Mặt khác, ăn dặm sớm có thể khiến bé bỏ bú mẹ. Bé không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng chỉ có trong sữa mẹ nên dễ thiếu chất, chậm lớn, hay ốm vặt. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm là khi bé đủ 6 tháng tuổi.
4. Các sai lầm phổ biến khác khi chăm sóc trẻ sơ sinh
Có những sai lầm khác tưởng chừng như rất nhỏ thôi, mẹ dễ vô tình bỏ qua nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến bé.
4.1. Thường xuyên cắt tóc máu của bé
Theo quan điểm của ông bà, bố mẹ ngày xưa, thường xuyên cắt tóc máu sẽ làm tóc mọc nhanh hơn, bé cứng cáp hơn. Tuy nhiên, quan niệm này không có căn cứ khoa học ngược lại còn không an toàn cho bé đâu mẹ ạ.
Vì sao lại thế? Dưới 1 tuổi, các thóp của bé chưa liền hẳn nên quá trình cắt tóc sẽ không an toàn với phần đầu của bé, có khả năng gây tổn thương da đầu con. Thêm nữa, việc mẹ cắt bớt tóc của bé có thể ảnh hưởng đến vấn đề giữ ấm thóp nữa đó.
4.2. Mẹ và bé nằm than để giữ ấm cơ thể
“Nằm than có giữ ấm và giúp bé nhanh cứng cáp hơn” có đúng không? Quan niệm này hoàn toàn sai lầm, thậm chí rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Các chuyên gia cho biết, khi đốt than sẽ sinh ra khí CO2, nếu hít phải gây khó thở, thậm chí ngộ độc cho bé. Khí CO2 có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và không tốt cho sự phát triển của bé. Vì vậy, mẹ tuyệt đối không cho bé nằm than mà hãy giữ ấm cơ thể cho bé bằng cách mặc đủ khăn, tã hoặc tăng nhiệt độ phòng mẹ nhé.
4.3. Quấn khăn quá chặt
Một số mẹ lo ngại việc quấn khăn không chặt có thể khiến bé lạnh, dễ cảm cúm. Tuy nhiên, việc quấn khăn, tã quá chặt sẽ làm cho bé cảm thấy không thoải mái, hít thở khó khăn, tăng nguy cơ viêm phổi,… Ngoài ra, cách làm này của mẹ sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển hông, xương của bé sau này.
Quấn khăn (ủ kén) như thế nào là đúng mẹ nhỉ? Mẹ tham khảo cách quấn bé ngủ ngon chuẩn khoa học nhé!
4.4. Rung lắc khi dỗ bé khóc
Một số bố, mẹ hoặc người lớn có thói quen rung lắc bé để dỗ khi thấy bé khóc mãi không ngừng. Tuy nhiên, não của bé sơ sinh rất mềm và yếu, khi rung lắc mạnh có thể ảnh hưởng đến não gây chấn thương, nặng hơn là gây tàn tật, thậm chí tử vong. Theo nghiên cứu của các chuyên gia CDCP (Center for Disease Control and Prevention), mỗi năm ở Mỹ có khoảng 2.000 trẻ tử vong do bị rung lắc.
Nếu căng thẳng quá trong việc chăm con, hoặc dỗ mãi bé không ngừng khóc, mẹ thử nhờ bố hoặc ông bà có kinh nghiệm để giúp đỡ mẹ nha. Ngoài ra, mẹ tham khảo một số mẹo dỗ bé ngủ ngoan, ngừng quấy khóc tại đây nhé!
4.5. Dùng mật ong tưa lưỡi
Bé dưới 1 tuổi không ăn được mật ong, mẹ tuyệt đối không được sử dụng mật ong tưa lưỡi cho bé nhé.
Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh non nớt và nhạy cảm nên có nguy cơ bị ngộ độc khi ăn phải bào tử Clostridium botulinum có trong mật ong và các sản phẩm chế biến từ mật ong. Những bào tử này sẽ biến thành vi khuẩn trong ruột và tạo ra chất độc có hại cho cơ thể, đặc biệt là hệ thống thần kinh của bé.
4.6. Đưa bé đến bệnh viện trễ khi bé có dấu hiệu bất thường
Các dấu hiệu bất thường phổ biến nhất ở bé sơ sinh là:
- Sốt cao trên 38.5 độ kéo dài quá 2h
- Vàng da kéo dài trên 3 tuần
- Cuống rốn sau 3 tuần không rụng
Đây là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nguy hiểm ở bé. Mẹ hãy đưa bé đến bác sĩ để phòng biến chứng xấu như co giật, di chứng thần kinh, rối loạn đông máu,…
Lần đầu làm mẹ quả thật nhiều bỡ ngỡ mẹ nhỉ? Sẽ có những sai lầm nho nhỏ khi chăm sóc trẻ sơ sinh, nhưng mẹ đừng lo lắng quá, bình tĩnh, tìm hiểu thật kỹ và để ý 1 chút thôi, mẹ sẽ tự tin hơn rất nhiều khi chăm sóc bé đó ạ!!
Nếu còn băn khoăn, mẹ hãy để lại bình luận ở bên dưới để hỗ trợ mẹ nhé!