Chăm sóc trẻ sơ sinh kiểu Nhật là một trong những phương pháp khoa học và được nhiều mẹ bỉm hiện đại áp dụng. Phương pháp này có gì đặc biệt khiến mẹ phải dành nhiều lời khen đến thế? Tìm hiểu qua bài viết này mẹ nhé!
Mục lục
1. Quan niệm dạy trẻ sơ sinh của người Nhật
Thời gian gần đây, mẹ có để ý trên báo, trên mạng xã hội hay chia sẻ những hình ảnh, những đoạn clip ngắn về các bé Nhật rất tự tin, chăm chỉ, lễ phép và thông minh không ạ? Phần lớn đến từ cách nuôi dạy con của mẹ Nhật sẽ được bật mí ngay tại đây.
Phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh kiểu Nhật là là việc bố mẹ cần kích thích não bộ, khơi dậy các giác quan ở bé ngay từ khi mới chào đời bằng cách tương tác và trò chuyện với bé mỗi ngày.
Theo quan điểm của người Nhật, các tế bào thần kinh hầu như đã được hình thành đầy đủ tại thời điểm bé được sinh ra mặc dù chưa có nhiều mối liên kết trong não bộ, bởi số lượng khớp thần kinh – có tác dụng kết nối các tế bào thần kinh, chưa có nhiều.
Do đó, ngay từ lúc lọt lòng, nếu như các tế bào thần kinh của bé được kích thích sẽ giúp não bộ được phát triển hoàn thiện nhất, bé sẽ tiếp thu nhanh hơn các kiến thức sau này.
Cách chăm sóc này khác gì so với cách dạy của mẹ Việt?
Bé nhà mình mấy cân rồi? Ăn gì để bé thông minh, khỏe mạnh? Bé chào hỏi lễ phép không?… Chắc hẳn mẹ đã từng nghe những câu hỏi này rồi đúng không ạ? Bởi nhiều mẹ Việt thường tập trung vào vấn đề dinh dưỡng và giao tiếp, coi đó như là 2 yếu tố chính để con phát triển nhận thức, vô tình bỏ qua các hoạt động khác trong sự phát triển của bé.
2. Kích thích thính giác trẻ sơ sinh kiểu Nhật
Mẹ biết không, ngay từ khi ở trong bụng mẹ, bé đã nghe được âm thanh – đặc biệt là giọng nói của mẹ rồi đó. Vì vậy, mẹ có thể kích thích thính giác của bé bằng những hành động đơn giản như chủ động nói với bé về một hành động mình chuẩn bị làm. Ví dụ: Trước khi cho bé bú hoặc thay bỉm cho bé, mẹ có thể nói “Nào bây giờ mẹ sẽ cho bé yêu ti sữa nhé!” hoặc “Bé yêu của mẹ cần thay bỉm rồi”.
Đọc đến đây mẹ có thể băn khoăn làm thế nào bé hiểu được mẹ đang nói gì. Thực ra bé vẫn hiểu đó ạ! Giống như một ví dụ thú vị trong môn sinh vật về phản xạ có điều kiện: Bật đèn thì cho chuột ăn, vỗ tay thì cá sẽ ngoi lên ăn,… Con người hay động vật dù mức độ phát triển có khác nhau nhưng cũng là các cá thể hoạt động theo thói quen – hay còn gọi là nhịp sinh học.
Lặp đi lặp lại những câu nói đó hàng ngày, bé sẽ dần dần hiểu được mẹ nói gì. Điều đó cũng giúp ích cho bé trong việc phát âm chuẩn khi bước vào giai đoạn tập nói.
Ngoài ra, âm nhạc cũng là một yếu tố có thể kích thích thính giác của bé ngay từ nhỏ. Mẹ nên cho bé nghe nhạc có giai điệu nhẹ nhàng, du dương với một âm lượng vừa phải, không quá nhỏ cũng không quá to tránh gây ảnh hưởng không tốt đến thính lực của bé sau này.
2 list nhạc để mẹ tham khảo đây ạ:
https://www.youtube.com/watch?v=tbXJKuEqQEQ
https://www.youtube.com/watch?v=4zlihh1Rc4E
3. Kích thích thị giác cho trẻ sơ sinh
Sau khi được sinh ra, vạn vật ở thế giới bên ngoài đều lạ lẫm với bé vô cùng. Mẹ có để ý bé luôn thích thú với việc nhìn ngắm xung quanh không? Từ những hình ảnh đơn giản như trần nhà, bàn ghế, cho tới cây cối, các vật chuyển động đều thu hút bé. Đây chính là cơ hội để mẹ tăng kích thích thị giác của bé bằng cách thường xuyên cho bé được ngắm nhìn các loại đồ vật, cảnh quan khác nhau.
Khi mẹ đang làm một việc gì đó, hãy khéo léo tạo ra tiếng động để thu hút sự chú ý của bé bằng cách hát, hay thủ thỉ việc mẹ đang làm. Khi ấy bé sẽ bị thu hút và chăm chú nhìn vào hành động của mẹ. Ngoài cách gây chú ý cho bé bằng âm thanh, những món đồ chơi hay vật dụng nhiều sắc màu cũng khiến bé tò mò ngoái nhìn đó mẹ!
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Bé sơ sinh chỉ nhìn được trong khoảng 20 – 38cm. Để giúp bé phát triển thị giác tốt nhất từ khi còn bé, mẹ để mọi thứ trong khoảng bé có thể nhìn được nhé!
4. Phát triển khả năng vận động của trẻ sơ sinh
Mẹ dạy bé những thao tác vận động đơn giản và phù hợp để cơ thể bé thêm dẻo dai bằng cách đặt bé tập nằm sấp, đầu ngẩng cao.
Động tác này giúp bé chuẩn bị cho giai đoạn tập bò một cách dễ dàng hơn. Mẹ luyện tập khoảng 3 đến 5 lần mỗi ngày cho con nhé:
- Mẹ đặt bé nằm sấp
- Luyện cho bé quay mặt hướng sang một bên
- Mẹ quan sát bé để đảm bảo bé vẫn có thể thở tốt trong suốt quá trình thực hiện động tác trên
- Vuốt nhẹ vào gáy bé để bé ngẩng cao đầu lên
- Khi muốn bé quay mặt sang bên khác, mẹ xoa lưng cho bé để giúp bé co các cơ lưng.
5. Phát triển khả năng biểu cảm ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bắt chước rất nhanh chóng nhờ hệ thống thần kinh phản chiếu nằm vùng số 44 của não bộ. Nhờ đó, bé có thể tự mình lặp lại các biểu cảm khuôn mặt của bố mẹ hay người lớn.
Vì vậy, ngay khi bé được 2 tuần tuổi – thời điểm hệ thống thần kinh phát huy mạnh mẽ nhất, mẹ hãy luyện cho bé phản ứng bắt chước bằng cách nhìn bé và thực hiện các động tác như thè lưỡi, há miệng. Bé sẽ chăm chú nhìn và có xu hướng học theo đó ạ!
Có bé chưa bắt chước được luôn theo mẹ đâu nhưng mẹ cũng đừng lo lắng quá nha. Mẹ kiên trì và tiếp tục luyện tập cho bé bằng cách giữ biểu cảm của mình khoảng 20 giây hoặc hơn để bé nhìn và chờ đợi phản ứng từ bé. Chắc chắn mẹ sẽ bất ngờ đó!
Khi bé làm theo mẹ được rồi, dành tặng bé những lời khen đi kèm sự tương tác như hôn bé hoặc xoa má để khích lệ bé mẹ nhé.
6. Học cách cho con ngủ của người Nhật
Có bao giờ mẹ đau đầu khi đêm đêm con quấy khóc, không chịu ngủ. Cả bố và mẹ phải thay phiên nhau bồng bế, dỗ dành cả đêm. Để cả nhà mình cùng có giấc ngủ ngon, chắc chắn mẹ không thể bỏ qua cách mẹ Nhật luyện thói quen ngủ cho con rồi. Đây cũng là một trong những điều mẹ quan tâm nhất trong phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh kiểu Nhật.
Mẹ Việt thường cho bé ngủ chung với bố mẹ cho đến khi đi học cấp 1, cấp 2 Hoặc ru bé ngủ, bồng bé ngủ để giúp bé dễ ngủ và ngủ ngon hơn. Nhưng tại Nhật Bản, sau khi ăn và chơi đùa, bé sẽ tự ngủ trong nôi riêng mà bố mẹ đã chuẩn bị. Thông thường, mẹ Nhật sẽ đặt nôi của bé chung phòng bố mẹ để tiện chăm sóc
Với cách nuôi dạy trên, bé quen dần với việc tự ngủ chứ không cần mẹ bế bồng hay hát ru ngủ nữa. Mẹ để bé ngủ một mình cho đến khi bé thức dậy và “oe oe” để báo cho mẹ biết con đã thức giấc rồi. Điều này khiến các bé ở Nhật có tính tự giác cao hơn rất nhiều vì đã được luyện tập từ thuở lọt lòng.
7. Những điều ba mẹ lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh kiểu Nhật
Để phương pháp này phát huy hiệu quả với bé nhất, mẹ cần lưu ý một số điều sau:
- Không so sánh bé với những em bé khác, bởi bé cảm nhận được qua ánh mắt, nét mặt, lời nói của bố mẹ đó. Điều này khiến bé cảm thấy tủi thân, hoặc mất hứng thú luyện tập.
- Áp dụng phương pháp khác nhau cho mỗi giai đoạn phát triển của bé. Não bộ của bé phát triển rất nhanh, bé cần dinh dưỡng và các tác động phù hợp với từng giai đoạn để phát triển tối ưu nhất. Ngoài ra, mỗi bé là một cá thể riêng biệt, bố mẹ không nên áp dụng và mong chờ kết quả một cách cứng nhắc.
- Sức khỏe của bố mẹ rất quan trọng: Bố mẹ là người tiếp xúc và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến bé. Bố ốm, mẹ ốm là cả nhà mình sẽ ốm theo đó ạ. Bố mẹ bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, giữ tinh thần thoải mái, tránh cáu gắt để tạo không khí tích cực khi chăm con nhé!
- Chọn cách thức chăm sóc bé phù hợp với điều kiện của gia đình: Mẹ lúc nào cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho bé nên tự mình “gồng gánh” nhiều việc, từ tài chính, nội trợ, chăm con,… Tuy nhiên, chăm sóc bé là một hành trình dài. Chọn phương pháp phù hợp với khả năng tài chính, thời gian,… sẽ giúp mẹ giảm áp lực tối đa trong việc chăm bé.
- Mẹ giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ khi chơi với bé: Bé sơ sinh dễ bắt chước và bị ảnh hưởng tính cách từ bố mẹ. Mẹ vui, con cũng vui, mẹ buồn, con buồn theo đó ạ. Vì thế, dành cho con những cử chỉ nhẹ nhàng, những nụ cười và ánh mắt thật trìu mến mẹ nha!
Phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh kiểu Nhật có nhiều lợi ích, song cũng cần sự kiên nhẫn và đầu tư thời gian của bố mẹ. Hi vọng những chia sẻ trên có thể giúp mẹ chọn được phương pháp chăm sóc phù hợp nhất với bé nhà mình, để mẹ nhàn, bé khỏe mạnh, thông minh!