Ủ kén đúng cách sẽ giúp bé ngủ ngon, hạn chế giật mình, thức giấc nửa đêm. Tuy nhiên, nếu không thực hiện đúng, bé có nguy cơ mắc các bệnh xương khớp và hông khi lớn. Cách ủ kén cho bé ngủ ngon như thế nào để an toàn, hiệu quả? Mẹ đọc ngay bài viết này nhé!
Mục lục
1. Ủ kén có giúp bé ngủ ngon hơn không?
Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) nhận định rằng: Quấn khăn (ủ kén) được thực hiện đúng cách sẽ giúp trấn an, xoa dịu bé, giúp bé ngủ ngon và ít quấy khóc về đêm.
Nghiên cứu của Đại học Washington (năm 2002) cũng chỉ ra rằng: Những bé được ủ kén đúng cách sẽ ngủ ngon và sâu hơn hẳn so với những bé không quấn khăn bởi:
- Tạo cho bé cảm giác an toàn như ở trong bụng mẹ: 9 tháng 10 ngày ở trong bụng mẹ, con đã quen được bao bọc trong không gian nhỏ bé, ấm áp đó. Vì vậy, sau khi chào đời, mọi thứ lạ lẫm bên ngoài sẽ khiến bé lạ lẫm, có chút sợ hãi nữa đó mẹ. Ủ kén tạo cho bé cảm giác an toàn như ngày trong bụng mẹ, giúp con tự tin để thích nghi dần dần.
- Ủ ấm cho bé: Nhiệt độ trong cơ thể mẹ cao hơn 7 – 8 độ C so với ngoài môi trường. Sau khi sinh, nhiệt độ xung quanh giảm đột ngột khiến bé dễ bị lạnh. Ủ kén giúp bé thấy ấm áp và dễ chịu hơn.
- Giảm nguy cơ đột tử bất ngờ ở trẻ sơ sinh (SUDI), bao gồm SIDS và tai nạn khi ngủ gây tử vong: Quấn tã giữ bé nằm ngửa khi ngủ, giúp bé dễ thở hơn, giảm nguy cơ đột tử do nằm sấp.
- Bảo vệ bé khỏi những chiếc móng tay sắc nhọn: Bởi vì chưa nhận thức đầy đủ, bé có thể vô tình tự đưa tay cào xước mặt mình trong lúc ngủ nếu không được ủ kén.
Ủ kén rất tốt cho bé, mang cho con những giấc ngủ ngon và an toàn. Tuy nhiên, mẹ cũng cần tìm hiểu kỹ để tránh ủ kén sai cách, khiến bé mắc các bệnh về xương khớp và một số bệnh về hông khi lớn mẹ nhé! (theo nghiên cứu của tạp chí nhi khoa quốc tế Archives of Disease Childhood).
2. 5 bước ủ kén chuẩn khoa học để bé ngon giấc
Dưới đây là 5 bước ủ kén chuẩn khoa học để bé ngủ ngon. Mẹ áp dụng ngay cho bé nhà mình nhé!
Nguồn: NationwideChildrens
Chuẩn bị khăn ủ kén: Mẹ chú ý chọn khăn có kích thước và chất liệu phù hợp:
- Kích thước: Tối thiểu là 1mx1m để bé thoải mái nhất. Tốt nhất, mẹ mua loại khăn chuyên dụng để quấn bé.
- Chất liệu: Khăn nên được làm bằng vải rất mỏng (thường là Cotton hoặc Muslin) và co giãn tốt. Điều này sẽ giúp việc quấn khăn đơn giản hơn, bé không bị nóng, đổ mồ hôi.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Trải khăn trên một mặt phẳng
- Bước 2: Gập góc trên của khăn xuống một khoảng bằng chiều cao của cổ bé (thông thường 20cm)
- Bước 3: Đặt bé nằm ngửa trên khăn, sao cho cổ và lưng bé phải nằm trên nếp gấp
- Bước 4: Xếp tay bé: Tay phải xuôi theo cơ thể, khủy tay hơi cong. Kéo góc khăn bên tay phải bé phủ lên người bé. Tiếp tục kéo góc khăn bên dưới gập lên trên.
- Bước 5: Kéo góc khăn bên tay trái của bé phủ lên người, vòng khăn qua người bé rồi gài khăn vào phần khăn đã quấn trước đó để cố định.
3. 7 Lưu ý an toàn khi ủ kén cho bé sơ sinh
Để giảm thiểu nguy cơ đột tử bất ngờ ở trẻ sơ sinh (SIDS), Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã đưa ra khuyến cáo về cách ủ kén an toàn cho bé:
1 – Không duỗi thẳng chân bé hay ép chặt 2 chân bé vào nhau khi quấn: vì sẽ gây khó chịu, khiến bé không vận động được, lâu ngày có thể dẫn đến các vấn đề về xương. Mẹ cho bé thả lỏng phần thân dưới, chân và hông để bé có thể vận động thoải mái nhé!
2 – Không quấn khăn quá chặt: vì sẽ khiến bé khó thở hoặc không cử động được. Theo các Bác sĩ chỉnh hình ở Anh, Australia và Bắc Mỹ, việc quấn khăn quá chặt có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương hông như loạn sản xương hông, phải đeo nẹp chân và điều trị kéo dài. Kén được coi là vừa vặn khi mẹ đặt vừa 2 – 3 ngón tay vào giữa ngực bé và khăn ủ kén.
3 – Không quấn quá cao qua cổ: vì sẽ khiến bé nóng, tiềm ẩn nguy cơ SIDS hoặc làm bé khó thở, thậm chí không thở được.
4 – Nếu bé không thích bị quấn hoặc bé thích nằm sấp: Mẹ thử sử dụng một chiếc túi ngủ an toàn dành cho bé thay cho việc ủ kén. Đây là một cách cực hữu ích giúp bé nằm ngửa mà không phải ủ kén, hạn chế nguy cơ SIDS.
5 – Không cho bé ngủ chung giường với mẹ khi ủ khăn: Bé có thể bị quá nóng do không gian chật hẹp. Ngoài ra, các sự cố khi ngủ chung có thể gây nguy hiểm cho bé như: Chăn che kín mặt bé, mẹ nằm đè vào bé,… vì quấn khăn nên bé không thể dùng tay, chân để đẩy những vật cản ra, dễ dẫn đến đột tử do ngạt thở.
6 – Giữ cho bé mát mẻ và thoải mái khi ngủ: Ủ kén quá nóng khiến bé dễ ra mồ hôi, đặc biệt vào mùa hè. Nếu không lau khô hoặc thay khăn kịp thời, bé dễ bị mồ hôi ngấm ngược lại khiến bé bị lạnh.
7 – Không quấn khăn cho bé trên 2 tháng: Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi, bé trên 2 tháng tuổi không còn quá lệ thuộc vào ủ kén và có thể không cần phải ủ kén mà đã tự ngủ an toàn được rồi. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng: Bé trên 3 tháng tuổi được quấn khăn thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi tăng gấp 4 lần so với những bé khác cùng tuổi, có lẽ vì quấn chặt sẽ thúc đẩy thở nông và hạn chế sự giãn nở của phổi.
Ủ kén đúng cách giúp bé ngủ ngon, hạn chế giật mình, thức giấc giữa đêm. Ngoài việc ủ kén, còn rất nhiều mẹo hay khác để bé nhà mình ngủ ngon hơn đó ạ!
Mẹ tham khảo: Mẹo để bé ngủ đêm ngon giấc, mẹ nhàn tênh nhé!